Vợ chồng ông Huyện hàm Trương Hà hẹn ngày rồi hiệp với Ban biện Lý Thành Hưng mà dắt Hoàng Kiết đi coi vợ. Vợ chồng ông Hội đồng Nghiệp tiếp đãi rất hậu. Cô Xuân Hương trang sức vừa phải mà thôi, nhưng vì cô đã có sẵn dung nhan tuấn tú, mà lại có tư cách thanh cao, bởi vậy vợ chồng ông Huyện Hàm Trương Hà vừa ngó thấy thì trong bụng khen thầm lại mừng cho con kén vợ đúng đắn. Xuân Hương chào khách, mặt vui vẻ, bộ dạn dĩ như thường, không ai thấu hiểu bụng cô trong lúc ấy được. Vợ chồng ông Huyện hàm vui hết sức, về dọc đường khen nức nở, dặn thầy Ban biện ráng mà nói đặng đi lễ sơ vấn rồi cưới cho mau. Về đến nhà, bà Huyện lo đi Sài Gòn đặng mua xoàn thêm, ai hỏi thăm bà cũng nói: - Con nhỏ sao mà tôi thấy thì tôi thương liền. Để cưới về đây rồi mấy người biết. Đám hỏi, vợ chồng ông Huyện Hàm cho dâu một đôi bông tai mới mua hai ngàn đồng, lại cho một bộ dây chuyền, một bộ cà rá giá đáng 5 ngàn. Lễ hỏi chưa đầy một tháng thì tới lễ cưới. Nhà ông Huyện Hàm chưng dọn hẳn hoi, vì ông có một chút trai nên ông nhứt định làm đám cưới thiệt lớn lấy tiếng. Ông đãi Tổng, Làng và Thương gia, Điền chủ trọn ba bữa, lại rước một gánh hát Tiều tới hát tại chợ cho công chúng xem chơi. Còn bữa rước dâu về nhà, thì ông đặt cho một nhà hàng Tây trên Sài Gòn xuống dọn tiệc mà đãi hai họ. Ông mời các quan Tây, Nam trong tỉnh mà đãi bữa tiệc đó. Ông đặt tiệc 150 người khách, nhà hàng tính mỗi người 15 đồng. Ông lo sửa soạn nhà cửa, sắp đặt yến tiệc, còn bà thì lo mua sắm nữ trang, lễ vật. Bà mua một chục áo thiệt tốt, một đôi vàng nhận hột xoàn thiệt to, đặng ngày cưới dùng làm sánh lễ. Còn bên ông Hội đồng Nghiệp, gần đến đám cưới, ông cũng lo dọn dẹp nhà cửa, mời thân tộc xa gần. Ông gởi thơ mời vợ chồng ông Cai Tổng Bình với mấy người con, năn nỉ xin qua đặng ngồi họ và đưa dâu. Bà Tổng nghe có thơ mời thì bà nổi giận, bà nói rằng: - Không biết mắc cỡ, còn mời đám cưới. Đi như vậy nó khinh mình, ai mà thèm đi. Ông Tổng cười và khuyên rằng: - Mình làm lớn, không nên nóng. Vợ chồng chú Hội đồng có quấy thì để cho chú mắc cỡ thầm. Nếu mình lớn mà mình không tới, thì té ra mình nhỏ mọn. - Ông muốn làm mặt lớn, thì ông đi một mình ông. Tôi không đi đâu. - Bề nào tôi cũng phải đi mới được chớ. Hai đàng đều có mời hết, nếu tôi không đi đàng gái thì tôi cũng phải đi đàng trai. Mà thuở nay ai cũng biết mình thân thiết với chú Hội đồng, vậy tôi phải đi đàng gái coi mới được. - Ông có đi thì đi. Tôi không đi. Tại ý bà Tổng như vậy đó, nên đám cưới cô Xuân Hương chỉ có một mình ông Cai Tổng Bình đưa dâu mà thôi, chớ không có bà. Ông Huyện Hàm Trương Hà rước dâu về nhà, tối lại đãi tiệc, thì có quan Tây, Nam trong tỉnh, đủ mặt hết, quan chánh Chủ tỉnh và lịnh phu nhơn cũng vị tình đến dự tiệc. Dâu rể lãnh phần tiếp rước các quan Lang sa. Chàng rể ở học bên Pháp lâu, thông thạo lễ phép nên tiếp khách rất lịch sự. Còn cô dâu tuy không có du học bên Pháp, song cô học Trường Đầm nhiều năm, cô thường giao thiệp với mấy bà Đầm, cô nói tiếng Pháp giỏi, mà bữa cưới cô trang sức thật là đẹp, bởi vậy quan khách ai cũng trầm trồ khen ngợi. Bà lớn Chánh mời vợ chồng ông Huyện Hàm ra mà chúc mừng cưới được dâu lịch sự. Vợ chồng ông Huyện Hàm được tiếng khen giữa đám đông thì lấy làm khoái chí, không tiếc số bạc muôn xuất ra mà cưới vợ cho con, lại cưng dâu như vàng như ngọc. Đám cưới xong rồi, ông Huyện Hàm viết thơ mời ông Cai Tổng Bình với anh sui đến nhà để bàn tính việc nợ nần. Vợ chồng ông còn đương hớn hở cưới được dâu xứng đáng nên không gắt gao như trước nữa. Ông Huyện cho mỗi người đều làm giấy lại, phân hạn mà trả, mỗi năm một phần, trả mười lăm năm thì hết số nợ, tiền lời đều hủy hết, tính nội số vốn mà thôi. Ông Cai Tổng Bình và ông Hội đồng mừng rỡ hết sức. Được như vậy, hai ông mới yên lòng, khỏe trí mà lo làm ăn, hết lo sợ lưỡi gươm treo lên cổ nữa. Cô Xuân Hương về nhà chồng, đối với chồng thì cô thuận hòa, đối với cha mẹ chồng thì cô cung kính, bởi vậy từ trên xuống dưới cô đều được thương yêu. Vợ chồng ông Huyện muốn thưởng con và muốn làm cho dâu vui lòng nên cho con với dâu một ngàn đồng bạc và biểu lấy xe hơi nhà mà dắt nhau đi chơi, muốn đi Đà Lạt hay Angkor tùy ý, đi chơi như có thiếu tiền thì đánh dây thép về, ông sẽ gởi bạc cho thêm. Hoàng Kiết kêu thợ máy biểu rà máy cái xe nhỏ, bốn chỗ ngồi lại cho khít khao, mướn một người sớp phơ giỏi dắn kỹ lưỡng, lựa một đứa trai lanh lợi theo làm bộ hạ rồi vợ chồng mới từ giã cha mẹ mà đi chơi. Ban đầu đi Vũng Tàu, Long Hải, Nước Ngọt, lần lần mới ra Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang, rồi trở về Sài Gon lên Angkor, viếng Đế Thiêng, Đế Thích. Mỗi chỗ ở năm ba bữa, đi tới đâu cũng xài tiền như nước, vì đã chắc ý hết số tiền nầy thì sẽ có số tiền khác, nên chẳng cần phải tiện tặn. Đi trong một tháng đủ các nơi thắng cảnh rồi mới trở về Rạch Giá. Đi chơi thong thả quen rồi bây giờ ở nhà tù túng trong lòng không vui, Hoàng Kiết liền xin với cha mẹ cho lên Sài Gòn mướn nhà ở đặng kiếm công việc làm ăn. Ông Huyện Hàm nói nhà không có ai coi trong coi ngoài nên ông không cho đi. Hoàng Kiết cứ theo năn nỉ với mẹ. Bà Huyện có tánh cưng con, mà lại muốn dâu lên Sài Gòn ăn chơi cho sung sướng, nên bà tiếp mà nói với ông riết, rồi ông phải cho đi. Ông cho một ngàn đồng bạc nữa. Hoàng Kiết òn ỉ với mẹ xin thêm. Bà cầm lòng không đậu, nên lén ông mà cho thêm một ngàn nữa. Hoàng Kiết lấy xe hơi chở vợ lên Sài Gòn. Ban đầu ở đậu nhà của chị là cô Trương Thị Lang, vợ của Đốc tơ Triệu Như Hổ. Cô Trương Thị Lang cũng thương cô Xuân Hương, nên chị em gặp nhau vui vẻ vô cùng. Cô Trương Thị Lang nghe nói cha mẹ cho em lên Sài Gòn đặng kiếm công việc làm ăn, thì cô mừng chị em được gần nhau, nên cô lật đật đi kiếm nhà mướn cho em ở. Cô mướn dùm một cái nhà bánh ếch nhỏ ở đường Hàng Sao, giá mướn mỗi tháng 60 đồng. Hoàng Kiết có nhà cửa rồi, song không thấy tính làm ăn cách nào, duy thấy mỗi chúa nhựt thì vô trường đua mà cá ngựa. Nhờ vô trường đua thường nên mới quen biết được nhiều người và nhờ có quen biết đông, mới hay trong Chợ Lớn có nhiều chỗ kêu là "nhà xét“ bày lập ra đễ cho người có tiền đến đó ăn chơi, muốn hút á phiện thì sẵn có mâm đèn, muốn ăn uống thì đủ thứ cao lương, muốn thưởng nguyệt hoa thì sẵn có gái xinh, muốn đánh bạc thì sẵn có tay chơi, muốn chơi bao lớn cũng được, muốn chơi thứ gì cũng có. Hoàng Kiết đi theo anh em vô nhà xét mới một lần đầu mà đánh bài ăn được 800 đồng. Chàng về khoe với vợ, rồi đêm sau dắt vợ vô coi thử cho biết, vì trong nhà xét đờn bà vô chơi không thiếu gì. Cô Xuân Hương vô thấy cách chơi bời có người trong một tiếng đồng hồ mà ăn thua đến hai muôn bạc, thì cô lo sợ cho chồng, nên chừng về cô to nhỏ khuyên chồng chẳng nên lân la mấy chỗ ấy nữa. Hoàng Kiết cười mà nói rằng: - Em đừng lo. Qua không dại hơn họ đâu. Vậy chớ hổm nay em không thấy hay sao, qua thua thì thua năm bảy chục, còn bữa nào ăn thì bảy tám trăm. Qua chơi nghề lắm em đừng sợ mà. Hoàng Kiết cứ đi nhà xét và vô trường đua hoài. Cô Xuân Hương can gián không được nên cô to nhỏ với chị chồng. Bữa sau, cô Trương Thị Lang mời vợ chồng Hoàng Kiết lại nhà ăn cơm tối. Trước mặt chồng là Triệu Như Hổ, cô mới khuyên lơn em chẳng nên tập thói đổ bác và xin em muốn ở Sài Gòn thì phải kiếm công chuyện làm ăn. Hoàng Kiết suy nghĩ và nói rằng: - Chị để rồi coi mà. Tôi đương tính làm một việc thiệt kim thời mà đại lợi. Tôi tính chưa xong, nên chưa nói cho chị hay. - Em tính làm việc gì đó? - Để rồi chị sẽ biết. - Việc gì kín lắm hay sao mà em dấu dữ vậy. - Không phải kín, nhưng gì việc chưa thành, nên tôi không nói trước làm chi chớ. Cô Trương Thị Lang ngó cô Xuân Hương mà cười rồi không thèm gạn hỏi nữa. Thiệt quả mấy bữa rày Hoàng Kiết đương bàn với một người anh em bạn tên là Phùng Cao Kiến, quen biết với chàng từ hồi ở bên Pháp, cũng có bằng cấp khiêu vũ như chàng, hai người tính muốn hùn với nhau mà lập tại Sài Gòn một cái nhà hàng bán rượu, có tài tử đờn ca, lại có chỗ nhảy đầm nữa. Phùng Cao Kiến quê gốc ở Sóc Trăng cũng là con của một nhà cự phú. Hai anh em bàn tính mỗi người hùn 10 ngàn đồng bạc mà làm việc ấy, song hổm nay đi kiếm một cái nhà cho thiệt lớn, có cảnh cho thiệt đẹp, đặng mướn để dọn nhà hàng mà kiếm chưa ra. Cách vài ngày, Cao Kiến đến viếng Hoàng Kiết và cho hay rằng mình đã mướn được một cái nhà lầu đẹp đẽ ở đường Galliéni, gần trong Cầu Kho, chung quanh nhà có sân rộng lớn, xe hơi vô đậu mấy cái cũng được, lại có bồn bông, có băng đá, cây cổ thọ, có hồ sen, ấy là một cái cảnh dọn để tiếp khách đa tình đến chơi thì là thú lắm. Hoàng Kiết vô coi vừa ý, bèn giao cho Cao Kiến sắp đặt bên trong ngoài, trong thì dọn có chỗ ngồi uống rượu, có chỗ để nhảy đầm, ghế bàn để đóng theo kiểu kim thời, vách cửa mướn vẽ bông hoa thiệt khéo, còn ngoài thì xẻ thêm đường, mua thêm kiểng, để cho khách hữu tình cặp nhau đi hứng mát, gái mỉm cười dưới bóng đèn chấp chóa, trai say tình bên nhành mận sum sê. Hoàng Kiết cần dùng bạc mà đóng phần hùn, nên dắt vợ về Rạch Giá. Chàng nói lâu ngày nhớ cha mẹ nên đem nhau về thăm, mà tối lại chàng thỏ thẻ xin cha mẹ cho một muôn đồng bạc đặng hùn mà mở nhà hàng. Ông Huyện không biết mở nhà hàng ra làm sao nên ông dục dặc không chịu cho; mà bị ông cưng con thái quá, nên ban đầu ông kháng cự, song chừng con nói riết rồi ông xuôi lòng, ông cũng phải đưa 10 ngàn đồng bạc. Được bạc rồi, Hoàng Kiết bèn dắt vợ trở lên Sài Gòn mau mau đặng lo công việc mở nhà hàng. Việc chàng tính thì dấu vợ nên cô Xuân Hương không hay biết gì hết. Một đêm nọ, Hoàng Kiết biểu vợ phải sắm y phục theo kiểu kim thời mà bận, chớ đừng ăn mặc theo kiểu nhà quê mà thiên hạ chê cười, phải đặt áo dún tai bèo, phải mang giầy cao gót, phải uốn tóc quăn, phải thoa môi son, phải dồi phấn nước. Tội nghiệp cho thân cô Xuân Hương, trong bụng cô không muốn trang sức chút nào hết, con mắt cô thấy việc chi cũng chẳng bao giờ biết vui, song phải chìu ý chồng, bởi vậy Hoàng Kiết muốn làm sao cô cũng làm theo, muốn đi đâu thì cô cũng đi theo, làm việc không vui mà cô cũng vui, đi chỗ đáng buồn mà cô lại không buồn. Nhà hàng dọn xong đặt hiệu là: "Hoàng Cao Tiên Cảnh“, và định ngày khai trương. Thiệp gởi mời hết thảy các thân hào tai mắt ở Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định. Các nhựt báo đều có bài khen ngợi nhà hàng mới, lại có đăng hình phòng nhảy đầm, có mấy chỗ u nhàn trong huê viên. Hoàng Kiết bổn thân đến mời vợ chồng Đốc tơ Triệu Như Hổ dự lễ khai trương, chừng đó mới chịu nói rõ chuyện của mình tính làm. Như Hổ cười mà hỏi rằng: - Làm ăn chẳng thiếu chi nghề, buôn bán chẳng thiếu chi cách, sao em bày làm việc kỳ cục vậy? - Sao mà kỳ? - Em bày quyến rủ thiên hạ ăn chơi, làm như vậy tổn đức quá. - Trời ơi! Tôi là người phàm, chớ phải tôi là thầy tu hay sao mà lo đạo đức. Anh nói kỳ, chớ không phải tôi làm kỳ đâu. Đời nầy thiên hạ ai ai cũng đều lo thủ lợi hết thảy, mình coi việc nào có lợi nhiều thì mình làm, chớ giữ đạo đức rồi lấy gì mà ăn. Anh nói đạo đức, sao anh làm thầy thuốc, rồi anh lại lấy tiền người ta? - Qua làm thầy thuốc, qua trị bệnh cho người ta, thì qua phải đòi tiền công chớ sao. - Nếu anh đòi tiền công thì anh cũng tổn đức vậy.Tôi lập nhà hàng đây, tôi tính kỹ lắm. Tôi lên Sài Gòn ở mấy tháng nay tuy là nói ở chơi, song tôi dụng tâm khảo cứu nhơn tình thế cuộc, chớ phải tôi chơi vô ích đâu. Tôi thấy rõ thiên hạ ai ai cũng than khuẩn bách, mà họ ham chơi hơn hồi kinh tế thạnh vượng nữa. Khuẩn bách sao mà mỗi chúa nhựt kéo nhau vô trường đua ngựa rần rần, số tiền đánh cá mỗi lần trên 50 ngàn đồng bạc. Khuẩn bách mà sao quần áo loè loẹt, đi nghêu nghển cùng đường, xe hơi chạy dập dìu, ngồi nhà hàng chật nứt? Muốn làm ăn cho có lợi, mình phải nắm thế thời cơ. Lúc nầy ở Sài Gòn thiên hạ đương đua nhau chơi bời xài phá. Tôi chìu theo ý muốn của thiên hạ, tôi lập chỗ cho họ đến chơi, chơi cho ngõa nguê, chơi cho mê mẩn, đặng tôi dễ lột da họ, tôi làm ăn như vậy đó anh tưởng tôi dại hay sao? - Sự em làm đã coi không được, mà lời em nói nghe còn ác hơn nữa! - Cái gì mà ác? Đời nầy thằng khôn lật lưng thằng dại, lẽ tự nhiên như vậy, có ác gì đâu? - Mình là con nhà tử tế, bề nào cũng đứng vào hàng thượng lưu, em chẳng nên nói những câu như vậy. - Anh khéo dè dặt thì thôi! Tôi làm mà tôi nói ngay ra đó thì tôi thật tình lắm. Có nhiều câu họ không nói mà họ làm mới khốn nạn chớ… mà tôi nói tôi lập chơi đặng tôi lột da họ, là lột da mấy chú ham chơi, còn ai không ưa chơi thì thôi, tôi có ép uổng ai đâu. - Em làm quảng cáo lung quá đó, em khiêu gợi thiên hạ làm như vậy còn hơn là ép nữa. - Ủa! Công việc làm ăn thì phải vậy chớ sao. Tôi đốt đèn cho thiệt sáng, bươm bướm mới đáp lại, con nào dại tôi biết đâu. - Qua sợ cháy cánh trước chớ. Như Hổ nói câu đó mà cười ngất. Hoàng Kiết cũng cười xòa, rồi từ mà về, căn dặn anh chị làm sao bữa khai trương "Hoàng Cao Tiên Cảnh“ cũng phải đi đặng đắt Xuân Hương đi với. Đến đêm khai trương, Hoàng Kiết phải vô trước trong nhà hàng đặng hiệp với Cao Kiến mà lo tiếp khách. Vưng theo lời chồng dạy, Xuân Hương trang điểm theo kim thời, uốn mái tóc, thoa môi son, rồi ngồi xe hơi lại rước vợ chồng Như Hổ đi một lượt. Tới nhà hàng thì thấy xe hơi đậu chật đường. Dòm vô trong huê viên thì đèn khí đốt sáng trưng, nam thanh nữ tú kẻ đứng dưới bóng cây, người ngồi dựa bàn rượu, kẻ qua lại náo nức. Trong nhà hàng thì kiểng vật hực hỡ, tiếng nhạc phù trầm, cuộc khiêu vũ đã khởi rồi, trai với gái bắt cặp ôm nhau mà nhảy múa. Thuở nay Xuân Hương chưa từng xem khiêu vũ lần nào; bởi vậy cô thấy thì cô lấy làm thẹn thùa, trong lòng không an, mắt không muốn ngó. Có một cô dung nhan tuấn tú, cặp mắt như sao, tóc hớt bom bê, mặc y phục theo đầm, được khách mời khiêu vũ thường hơn hết, mà mỗi lần cô nhảy rồi thì ai nấy đều vỗ tay khen. Triệu Như Hổ có ở Paris nên ông thạo nghề khiêu vũ. Ông chỉ cô đó mà nói với vợ rằng: - Cô đó là Jeanne, ở Sài Gòn nầy cô nhảy đầm hay đệ nhứt, nên mỗi lần cô nhảy thì được người ta khen đó. Thị Lang với Xuân Hương lắc đầu ngó nhau mà cười, không hiểu hay là tại chỗ nào. Cách một hồi nghe tiếng kêu vang: - Ông chủ nhà hàng đâu? Ông chủ phải nhảy với cô Jeanne mới xứng. Hoàng Kiết mặc bộ đồ nỉ đen, bâu cứng, thắt nơ đen, mang giầy đen, vớ lụa trắng, tay mang găng trắng, thủng thẳng bước ra, nghiêng đầu chào khách rất hữu duyên, rồi lại đứng trước mặt cô Jeanne cúi đầu thi lễ. Cô Jeanne mỉm cười rất trữ tình, đứng dậy bắt tay Hoàng Kiết, nhạc liền trổi giọng phù trầm, hai người cặp nhau mà nhảy. Khách nam nữ trên 100 người thảy đều lặng thinh, chong mắt mà ngó. Hai người nhảy trên 10 phút đồng hồ, nhảy trúng điệu, gắn nhịp, bởi vậy chừng nghỉ thì khách đều vỗ tay lốp bốp. Như Hổ nói với Xuân Hương rằng: - Cậu ba nó nhảy hay thiệt, nhảy với cô Jeanne xứng quá, hèn chi bên Tây họ phát bằng cấp cho cậu thì phải lắm. Nhảy đầm một hồi mệt rồi thì tản ra, cặp đi uống rượu ăn bánh, cặp dắt nhau ra huê viên hứng mát. Nghỉ một hồi rồi áp lại nhảy nữa, làm hoài như vậy, không nghe ai tính đến giờ nào nghỉ hết. Tới 11 giờ, Trương Thị Lang nói buồn ngủ nên Triệu Như Hổ dắt vợ và Xuân Hương về. Bữa sau, Hoàng Kiết khí sắc hân hoan, nói với vợ rằng: - Lễ khai trương qua tổ chức lật đật một chút, mà được công chúng hoan nghinh quá. Em thấy mối lợi của qua hay chưa? - Lợi hại thì chưa biết, mà thuở nay tôi chưa coi nhảy đầm lần nào, nên tôi thấy tôi mắc cỡ quá. - Mắc cỡ cái gì? Nhà quê chơi theo văn minh mà lại mắc cỡ chớ! Hồi hôm em thấy qua nhảy hay không? Qua nhảy nghề lắm, nên tụi nó vỗ tay dữ. Đời nầy muốn cho người phục, thì phải biết nhảy đầm cho giỏi mới được. Để rồi qua dạy em nhảy. Qua dạy em chừng 15 bữa thì em rành nghề. - Tôi không học thứ đó đâu. - Sao vậy? - Ra trước mắt thiên hạ mà đeo với nhau coi kỳ quá. - Vậy chớ người ta đó sao? - Họ làm sao họ làm. Tôi làm không được. Lại tôi có nghén rồi, tôi nhảy nhót không nên. - Úy! Em có nghén thật hay sao? Xuân Hương không trả lời, Hoàng Kiết ngó vợ mà trong trí lo ra. Từ ấy về sau, Xuân Hương lấy cớ có thai nghén, nên không bước chưn tới "Hoàng Cao Tiên Cảnh“ nữa. Hoàng Kiết với Cao Kiến muốn quến khách đến nhà hàng cho đông nên trả tiền tháng cho cô Jeanne đặng mỗi đêm cô đến nhảy đầm mà chiêu khách, Hoàng Kiết với cô Jeanne gần nhau trong ít bữa, thì hai người tâm đầu ý hiệp, hẹn biển thề non, rồi chàng mướn một cái nhà nhỏ ở đường Thuận Kiều cho cô ở. Chàng lấy cớ lo lắng cai quản nhà hàng, mà đeo đuổi theo cô Jeanne, có khi năm ba bữa chàng mới về thăm vợ một bữa. Cô Xuân Hương hay chồng có ngoại tình hay không thì không hiểu, mà cô không nói chi hết, cô thủ phận an mạng, chồng đi thì cô xẩn bẩn trong nhà mà đọc sách, chồng về thì cô vui vẻ như thường.