Trên một thế kỷ nay, trường Trung học cổ kính với vách đá xám, tháp vuông cao có gắn đồng hồ cũng vuông vức, những bậc thềm cũ kỹ, những hành lang thăm thẳm ẩm ướt, những lớp học vàng ố bay mùi bụi phấn và khí đốt lò không thay đổi. Cổng trường nằm ngay trên đại lộ gồm một vòm cung phía trên trông tối tăm và đồ sộ. Óc tưởng tượng phong phú của tôi chưa chi đã so sánh cổng này với khe núi Hamelin! Buổi sáng trước khi vào cổng trường, tôi thức dậy, hồi hộp và nôn nao vô tả. Bà tôi cho tôi hay là bộ áo quần mới đã sẵn sàng. Bà rất hài lòng, dắt tôi đến cái tủ thấp kê dưới khung cửa sổ. Bà cố ý gây cho tôi một bất ngờ nên đã trải bộ áo quần trên tờ giấy lụa. Thoạt nhìn qua bộ áo quần mong đợi, tôi kinh ngạc đến nỗi há hốc miệng ra: nó là thứ màu xanh lá cây, trời ạ! Không, không phải màu xanh dương sậm kín đáo của kẻ nam nhi mà là thứ màu xanh tươi, chói lọi, hí hửng của thứ đồ con gái! Thật ra tôi cũng đã thấy bà cắt và may đấy chứ, nhưng tôi ngu ngốc quá, cứ ngỡ là bà may lót lớp trong! - Cháu mặc vào xem nào! Bà dịu dàng bảo tôi. Bộ quần áo rộng thùng thình: áo thì trùm vào thân trên như cái bao, còn quần thì như gần là quần dài của người lớn cắt ngang dưới gối mà kêu là quần soọc! - Tốt lắm! Hoàn toàn nhé! Bà may hơi... rộng một tị, nhưng rồi cháu sẽ còn lớn lên là vừa. Con nít may ra, bà già may vô mà lại. Bà tôi vừa vỗ vai tôi thân mật, âu yếm nói, vừa kéo bên này vai áo một chút, vuốt chéo áo bên kia một cái, dáng đắc ý. Tôi nói như rên: - Nhưng thưa, cái màu này... Tôi cứng miệng lại vì bà cắt lời tôi: - Màu này đã làm sao, kia chứ? Ngậm một cái kim cúc nơi miệng và rút mấy sợi chỉ lượt còn sót trên bộ quần áo – một kỳ công của bà – bà tiếp, giọng dịu hơn một tí: - Màu này thì có làm sao mà con chê? Hàng tốt lắm, không cần ủi, lại đứng áo quần con ạ! Tôi tái mặt khi đưa tay áo lên nhìn kỹ, tôi khám phá ra hàng còn có những đóa hoa hồng be bé nổi lên. Chúa ơi! Đã màu xanh còn điểm thêm hoa hồng, đích thị là hàng dành cho con gái đàn bà. Tôi nuốt nước bọt khó khăn, nói: - Sáng nay bà cho cháu mặc bộ áo quần cũ một bữa nữa, bà nhé! - Nhảm! Bộ áo quần cũ bà đã cắt ra làm giẻ lau chiều qua rồi. Hãnh diện về công trình của mình, bà tôi không quan tâm đến mối ưu tư của tôi. Bà đẩy tôi ra khỏi phòng, tưởng đã thuyết phục được tôi rồi. Nào ngờ đâu, gặp cậu Murdoch bao nhiêu tự tin còn lại trong tôi tiêu tan nốt: - Ái chà! Mùa xuân đến rồi! Mùa xuân tươi đẹp, tưng bừng quá! Cậu dừng lại nơi cầu thang, lấy tay che mắt vẻ kinh ngạc rồi dựa hẳn vào tay vịn cười ngặt nghẽo, nói. Trong bếp, mẹ tôi tế nhị hơn: bà lẳng lặng dọn điểm tâm cho tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt chứa chan âu yếm, song bà vẫn không giúp tôi vững bụng chút nào. Sáng hôm đó trời xám xịt, lạnh lẽo. Tôi chán nản rời nhà, ý thức rằng giữa miền quê Tô Cách Lan này với sương mù ảm đạm của mùa đông, chỉ mình tôi có dấu hiệu mùa xuân. Ngoài đường, thiên hạ quay lại trố mắt nhìn tôi sau khi vượt qua rồi. Tôi xấu hổ tránh đường lớn, lách vào đường nhỏ vắng người và xa hơn, vì vậy tôi đến trường bị trễ. Sau khi lạc trong mấy hành lang, tôi cũng tìm được lớp mình một cách khó khăn. Dì Kate ghi tên tôi vào lớp này. Ông Dalgish – thầy giáo – đã bắt đầu giảng bài. Tôi định lẻn vào một chỗ trống nhưng nửa đường thì bị ông bắt gặp, chận lại. Sau này tôi mới hiểu rõ là ông không độc ác, nhưng lúc này thì... (Có những hôm vui vẻ, ông dạy thật hăng, thật hay, nhưng có những lúc ông như bị quỷ ám, ma làm không bằng). Tôi kinh hoàng khi nhìn ông, nom cái cách ông giận dữ giật râu, tôi biết ngay là ông không được dễ chịu. Tôi chờ đợi một cơn giông tố. Tôi đợi ông trừng phạt tôi đi trễ, nhưng đáng sợ thay: ông không rầy la chi cả. Rời bục, ông đến cạnh tôi, hơi nghiêng đầu, vẻ thản nhiên trong khi lũ học trò rướn mình lên... chắc chúng cũng đang chờ đợi? Giây lâu sau ông mới mở miệng: - Thì ra cậu học trò mới đây! Thoạt nhìn là biết ngay bộ đồ mới. Kỷ nguyên phép lạ hẳn chưa chấm dứt. Có nhiều tiếng cười dè dặt, rúc rích nổi lên. Tôi nhột nhạt đứng im. Ông lại tiếp: - Nào! Lại gần đây xem! Đừng phật ý, cậu! Bộ đồ này mua ở đâu vậy hở? Hợp tác xã hay trong hiệu Miller danh tiếng đây? Mặt tái ngắt, tôi ấp úng: - Thưa thầy, bà cố con may cho con. Cả lớp cười rộ lên. Nhà giáo đỏ ngầu mắt nhìn tôi trừng trừng, bước quanh tôi như thể tôi là một kỳ quan cần ngắm kỹ, gật gù: - Hà! Mày nổi bật lên, nổi bật! Theo cung cách này ta biết mày thuộc gốc gác Ái Nhĩ Lan, đúng không? Tiếng cười càng to thêm. Lớp học như biến thành đấu trường rộng lớn. Tuy nhiên, giữa những khuôn mặt chế giễu ấy, tôi vẫn nhận ra hai trò không hợp tác trong trò vui quái ác với bạn bè và thầy: Gavin-Blair ngồi bàn đầu, nhìn ông giáo bằng đôi mắt lạnh lùng, khinh bỉ và đôi mắt nâu của Alison Keith như bồn chồn lo lắng hộ tôi: nó cúi gầm mặt trên cuốn sách rồi liếc nhanh về phía tôi. Vẫn chưa buông tha tôi, nhà mô phạm hỏi gặn: - Này, hãy trả lời câu hỏi của ta: mày là đồ đệ của thánh Patrick hở? - Thưa thầy, con... không biết. Tôi càng xám ngoét thêm, trả lời. Giọng ông ta lần này mỉa mai: - Cha chả, thật đáng tiếc!... Nó không biết, các trò thấy không? Cả lớp lại cười ầm như coi trò xiếc trong khi ông ta vờ ngạc nhiên nói. Rồi ông ghẹo thêm: - Lão thánh Patrick của dân Ái Nhĩ Lan chuyên mặc áo xanh lá cây, mày hiểu ra chưa? Xem chừng vui đùa chán rồi, ông ta quay lại trừng mắt, lũ học trò im lặng liền. Lần này giọng ông ta bình tĩnh trở lại: - Mẹ mày là học trò cũ của ta. Song nhìn mày, ta e rằng ta sẽ phí công dạy dỗ thôi, con ạ! Đủ rồi! Về chỗ ngồi! Hai chân run rẩy, tôi cúi gằm mặt lùi vào chỗ ngồi, thầm nghĩ vậy là giai đoạn khổ nhục đã qua. Nào ngờ đâu, đó chỉ là mới bắt đầu. Giờ ra chơi, học trò vây quanh tôi la hét,cười nhạo không ngừng. Từ đầu, người ta đã cho tôi là không giống ai, nhưng bây giờ tệ hơn: tôi biến thành con chiên ghẻ trong bầy. Jamieson và Boay là hai đứa độc ác hơn cả: - Màu lá cây là màu của nó! Màu da trời là màu của Đức Mẹ toàn thánh. Những lời chế nhạo của chúng so với ông giáo thì cũng một nguồn, song chúng thô lỗ hơn và bộ áo quần xanh lá cây là cớ cho sự kỳ thị chủng tộc và tôn giáo trong lòng lũ trẻ. Giờ nghỉ trưa, tôi chui vào nhà tiêu, không buồn đụng đến ổ bánh mì phết mứt ngọt mẹ tôi đã gói theo cho tôi trong cặp. Vậy mà chúng vẫn chưa tha, chúng khám phá ra chỗ tôi trốn nấp, lôi tôi ra. Giờ thể dục do ông gác dan, vốn là cựu trung sĩ đoàn quân tình nguyện, dạy trong gian phòng rộng nhất trường. Bắt chước các bạn, tôi cởi áo ra trong lúc Boay và Jamieson tiến lại, vẻ đe dọa: Boay là đứa vũ phu, trán vồ, hung tợn, luôn luôn chạy theo trêu ghẹo bạn gái cùng lớp. Tôi kinh ngạc lắp bắp hỏi: - Tại sao vậy? Sao mấy trò... - Tại sao hả? – Chúng cười hề hề khả ố - Đặng cho mày đi theo Đức Giáo Hoàng của mày chớ tại sao. Suốt thời gian tập, tôi co chân, duỗi tay theo nhịp, không ngừng run rẩy. Sau giờ thể dục, thầy đi khỏi đó tức thì bọn chúng chặn tôi lại trong phòng móc áo, hầu hết tụi lớn đều có mặt. Chúng đấm đá túi bụi vào người tôi như một quả bóng vô tri, đến nỗi tôi phải lùi vào một góc. Jamieson nắm tay tôi bẻ quặt ra sau lưng, tôi kêu lên oai oái, trượt chân ngã nhoài xuống đất, nó liền cỡi lên ngực tôi và nắm đầu tôi dộng xuống đất trong lúc bạn nó giữ chặt tôi. Nhiều thằng khác reo hò cổ võ: - Nữa! Nữa đi! Để coi có gì trong sọ nó. Câu này làm tăng thêm sáng kiến cho Jam, nó buông đầu tôi ra, nhìn lũ bạn hỏi: - Đứa nào có dao không? Tao muốn xem thử óc nó có xanh như áo quần nó không. Tim tôi nhảy đùng đùng, may thay: đúng lúc đó chuông rung lên, chúng đành buông tôi ra. Khi tôi đến gần cửa lớp, ông giáo Dal đứng đợi tay còn nắm dây chuông, trông thấy tôi tóc bù xù, áo quần lem luốc bèn hỏi: - À! Tụi bay bày trò gì nữa đó? - Thưa thầy, đâu có gì. Cả lớp cùng một giọng đáp. Và từ dưới cuối lớp, thằng bé Howie, hí hởn lấc cấc như con cóc, thêm vô: - Chúng con chỉ chiêm ngưỡng bộ đồ xanh của nó thôi, ạ! Vị giáo sư nhếch mép. ° ° Tuần lễ đầu trôi qua nặng nề. Tôi chịu đủ mọi khổ hình mà lũ bạn hành hạ vẫn chưa thấy chán. Mỗi lần tan học là đã có một băng đông đảo chực sẵn đón tôi ở cổng trước nhà thờ Saints – Anges. Tôi không hề đi lễ ở nhà thờ này, song chúng buộc tôi phải vào xưng tội, hôn chân cha sở và vô số trò khác. Bọn chúng không hề tỏ ra biết thương hại một chút nào. Đôi khi quá uất ức, tôi đánh trả, nhưng rốt cuộc lần nàotôi cũng chịu thua vì sức yếu, thế cô. Lấm la lấm lét, tôi trốn chui trốn nhủi như một con lươn. Đi và về, tôi chọn những con đường nhỏ vắng vẻ như con đường đi ngang xưởng thiếc để được yên thân. Dù vậy, tôi vẫn không thoát khỏi những lời chế giễu tàn nhẫn của mọi người. Mấy anh thợ tre trẻ thấy tôi đi ngang, kêu to: - Ê! Cọng cải! Mẹ mày trang hoàng cho mày vậy đó hử! Có lẽ họ không ác ý, họ vui miệng nói thế thôi, song tôi, tôi đã quá tuyệt vọng, không phân biệt được một lời trêu chọc vô tâm với một lời sỉ nhục. Càng ngày tôi càng chán nản, tuyệt vọng, bài vở bỏ bê, vào lớp tôi rẩy mực đầy tập, trở nên... hầu như tôi trở nên một tên đần. Một hôm thấy giáo gọi tôi lên trả bài, một bài thơ tôi thuộc lòng từ lâu. Thế mà tôi ấp a, ấp úng lâu lắc đến nỗi ông sốt ruột, quát lên. - Còn chờ gì nữa! Ông phỗng đá? Đầu óc hoang mang, tôi trả lời như cái máy: - Thưa thầy, bộ đồ xanh! Bộ đồ xanh của con! Sau đó là sự kinh ngạc trong phút chốc rồi một trận cười bằng thích vang dội cả lớp. Tôi nghĩ là điều này không thể kéo dài mãi, tôi không chịu nổi. Vì vậy, tối hôm ấy tôi vào phòng ông tôi với tất cả cương quyết. Cái mùi âm ẩm, mông mốc trong phòng ông quả là một thứ mùi khó chịu song nó quen thuộc đối với tôi, quen thuộc thân yêu đến nỗi vừa nhận ra nó tôi trào nước mắt vì xúc động. (Kể từ khi bà tôi chiếm đoạt tôi cho đến nay hai ông cháu không hề có dịp trò chuyện cùng nhau). Và phần tôi, tuy tôi đã tha thứ những lời huyênh hoang giả dối của ông từ lâu mà ông nào có biết; mỗi bận đi ngang tôi, ông ngẩng đầu lên cao và môi ông điểm một nụ cười khinh khỉnh, khó chịu. Tôi bối rối, toan tìm lời biện hộ thì ông đã lạnh lùng nói: - Cháu muốn ngủ với ai thì ngủ, chẳng việc gì đến ta! Tối hôm ấy, ông tôi ngồi trong ghế dựa, nhàn rỗi vẻ lãnh đạm như một triết gia. - Ông ơi! Cháu... Tôi chỉ nói được có thế rồi khóc ròng. Ông tôi chậm rãi quay lại. Hình như mắt ông sáng lên – đâu có lý tôi lầm? Tôi tinh mắt lắm mà! – Ông nhìn tôi, im lặng một lúc rồi chậm rãi nói: - Ông biết, ông biết sớm muộn gì cháu cũng về với ông mà! Tôi khựng lại trong khi ông thích thú ngâm lên một câu ngạn ngữ: