Mõ Bốn

Bác Bốn ở tận đâu đến không biết. Có người tình cờ trông thấy bác một mình từ cổng đồng đi vào. Cái khác mắt một chút, đương giữa ngày mùa, xóm làng quảy mạ, vác gầu nhộn nhịp, bác Bốn gánh, một bên hai hòn gạch vồ, một bên cái rọ lót rơm, trong đặt đứa bé độ lên ba. Đứa bé ngồi nhòm nhõm, hai tay víu mép rọ, mắt thao láo tròn xoe nhìn ra.
Đấy là bác Bốn và cái Muống. Bác nhặt được con bé ở gốc cây nào. Hay là vợ bác bỏ bác, hay là vợ bác chết, vợ bác ra làm sao, nào ai biết được ngọn ngành cái người đàn ông quảy đứa bé với hai hòn gạch vồ cho cân, người ấy đi đâu, đến đâu. Người ta ai cũng có cái phận, cái may cái rủi, cái được, cái hẫng, bác Bốn cũng thế. Đầu làng có con sông chảy qua, những gò rác lù lù nhô lên mấy cái cọc cột phơi lưới tôm hay là cái khung mái lều chợ. Thế là bác Bốn thấy được, dẫu sao cũng trông thấy cái sống cái ăn. Bác Bốn dễ tin vậy. Tre pheo bốn bên xanh ngắt. Trong dòng nước, trong bùn có con mài mại, con lươn, con trạch. Thì ta đan cái nơm, cái đó, thì ta vót cái cần câu. Bác Bốn đặt gánh rọ. Bác Bốn ở lại chỗ ngoài cổng đồng. Nơi hoang vắng đầu đồng, trong làng chẳng nhà nào dám ra chỗ trống không ở với ma đói cô hồn. Bác Bốn cắm que như đánh dấu chỗ. Rồi vào tam quan đình tìm chỗ ẩn trong chùm rễ đa xù xì cái đã.
Bác Bốn nhòm vào cửa đình. Thấy ngoài bậc thềm một ông lão búi tóc củ hành chon chỏn, gầy lõm hai xương bả vai. Ông lão đương cắm cúi đan cái lờ cá.
Bác Bốn nói to:
- Lạy cụ từ, cụ cho bố con cháu ngả lưng nhờ gốc đa ngoài kia...
Ông lão vẫn giơ tay giữ cái lạt. Bác Bốn đã trở ra, ông lão mải làm - hay là lão nghễnh ngãng. Bác Bốn cũng chỉ ở tạm gốc đa tam quan một đêm rồi ra gò rác cắm cái cọc và bác đi làm mọi cái bác đã định hàng ngày. Bác đan đó, bác tết ống lươn. Vơ vẩn dần dà rồi cũng kiếm ra miếng ăn. Năm tháng đi qua không đếm được, chỉ biết mới ngày nào cái Muống còn ngồi trong rọ, chẳng bao lâu Muống đã nhỉnh dần, đã đẹp gái. Rồi cứ chập tối cái Muống đi đặt ống lươn trong cửa cống rồi cả ngày Muống ra bờ đìa thả trùm hớt tôm muỗi. Bác Bốn đã thông thuộc các xóm, trong làng, các nhà ở túm tụm vào nhau, cả làng tứ phía vây um tùm những khoanh tre kiên cố chống cướp. Ngoài kia, dọc sông chỉ có cái chợ hôm chốc lát. Không một cái lều giạt đến. Đằng cổng đồng có cái bãi tha ma của làng.
Cứ đến tháng ba, làng cúng thần có hội lệ. Làng thịt trâu chia cho các giáp. Xóm đình có một giáp, chiều hôm trước, trương tuần đã dắt về một con trâu què, đem buộc vào búi rễ đa.
Bác Bốn hỏi:
- Bao giờ thì xóm ngả trâu?
Trương tuần chép miệng:
- Tối mai thui.
- Đã gọi thợ thui chưa?
Trương tuần lại chép miệng:
- Vẽ chuyện, chúng tớ mổ lấy.
Bác Bốn cười, xun xoe nói:
- Cho tớ một tay. Chỉ xin công một cái vó què thôi.
Trương tuần nói:
- Trưa mai vật trâu, thui ngay ở bãi cỏ bờ sông này. Làm được không?
- Đã bảo tớ là đồ tể mà.
Trưa hôm sau, bọn trai làng khuân ra tấm ván, con dao bầu, cái chã đựng tiết, lại cả mấy gánh rơm chất lên. Mọi người xúm lại xem bác Bốn mổ trâu đông như đám trong sân đình đang đào lỗ cắm cờ kỳ, đánh trống ngũ liên giục giã râm ran.
Có một lũ kéo ra bờ sông hóng thuyền phường chèo Bắc.
Bác Bốn buộc tròng lọng trão vào rễ đa, kéo một cái con trâu ngã chỏng bốn vó. Cái rọ buộc mõm khuýp sừng trâu xuống, bác liếc má dao lên cỏ, rồi chọc tiết, con trâu rống ò ò. Giội nước, cạo lông, làm lòng xong đâu đấy, bác Bốn đội cả con trâu đã mổ phanh lên giữa bãi, chất rơm thui. Một mình bác làm tất, gọn như mổ con ếch.
Hàng giáp được chia thịt, ai cũng khen thợ thui khéo, các mảng nách chân, khoeo đùi, khoanh cổ chín vàng đều như nhau. Cỗ trâu các giáp không bao giờ được ngon mã thế.
Một hôm, cụ từ ra bảo bác Bốn:
- Làng đương khuyết chân mõ, cụ chánh cho gọi mày đấy. Bố con sướng rồi, từ giờ được vào ở sau đình, khỏi lo chạy mưa nắng ngoài bãi.
Từ đấy, bác Bốn làm chân mõ làng, mõ Bốn. Mõ Bốn vẫn chạy vạy sấp ngửa đơm đó, chợ búa như mọi khi, chỉ thỉnh thoảng quét rác, mở cửa đình cho cụ từ. Làng có việc thì đánh cái mõ tre đi rao các xóm... Chiềng làng nước... Chiềng làng chiềng chạ... Bác Bốn cũng không nghĩ trong đời lại có khi đi làm, mõ nhưng cũng chẳng sao. Người ta làm gì mà chẳng được.
Có điều Cái Muống đã lớn như thổi. Có hôm bố bận chạy việc làng, Muống xách giỏ cua, mớ ốc, một mình ra chợ chiều, mừng nó đã đỡ đần được. Nhưng bác Bốn có nỗi lo khác. Cái lo âm thầm mà nặng chịu, không như cái lo đói. Trai gái đến tuổi thì bố mẹ phải lo toan dựng vợ gả chồng, làm con người thì phải lần lượt đến những đận như thế.
Nhưng mà cái thân con cua con cáy bây giờ lại cõng cái đời thằng mõ đi hầu thiên hạ thì tính sao được vuông tròn cho thân mình, khi cái con người ta sai đi đâu được đến đấy. Bao nhiêu năm đến ngụ đất này bố con bác Bốn chưa hề được bước chân vào cửa nhà ai.
Nhiều khi, bác Bốn với cái Muống đi chợ - chỉ ở ngoài chợ thì mới không ai biết ai, lại có khi sang tận chợ tổng bên kia. Chợ vãn người hay chợ đông, đi như hóng cái may mà cũng chẳng khi nào thấy gặp phúc bắt được của rơi. Nhưng mà cái Muống thì đã nhớn rồi. Nghĩ vu vơ càng lo. Nhớ những năm 1940, tôi lại nhớ đến Khổng Văn Cu(1) - thật tên cái anh mõ ở làng đồng chiêm thế, đi làm mõ mà có họ với ông Khổng Tử, người mõ cuối cùng làng Nghĩa Đô. Anh Cu đã đứng tuổi, vóc dáng bảnh bao, khoẻ mạnh thế mà cũng chưa bao giờ kiếm được một mủn vợ.
Lại nhớ dạo ấy thường về chơi quê Nam Cao ở làng Đại Hoàng, làng vùng ven sông cuối tỉnh Hà Nam. Chúng tôi nghe chị Nam Cao kể chuyện con gái lão mõ làng này còn dễ trông hơn nhiều cô gái đương thì trong làng. Có hôm tôi ra bờ sông, qua lều nhà mõ, thấy một cô gái mảnh dẻ, trắng trẻo mặc áo cánh chồi vấn khăn nâu non đỏ hoe như con gái làng hay chít khăn đỏ, cô ngồi trước cổng bán mía cây. Chị Nam Cao bảo cô ấy đấy. Đã ngoài ba mươi rồi, chắc là ế, con nhà mõ mà. Truyện ngắn Tư cách mõ của Nam Cao viết bấy giờ không đả động đến người con gái cao số ấy, nhưng rõ ràng anh miêu tả và lý sự về những thân phận người đi làm mõ.
Làng Hạ còn một tối hát chèo ngoài sân đình đêm nay. Dường như các xóm đổ cả đi xem kẻo rồi lại phải đợi sang năm đến dịp mới lại có chèo hát. Nhiều người rốn đứng đến tan chiếu hát gần nửa đêm.
Đương còn trăng cuối tháng. ánh trăng suông quyện sương mờ bàng bạc trên bóng lăn tăn cành tre non mới nở lá. Người từ cánh đồng vào đầu xóm cười nói xôn xao. Chẳng biết trong đám có những bọn ở đám xóc đĩa cuối xóm ra, có những tay đôi từ chặp tối đã lẻn xuống bờ tre bây giờ tan hát mới nhập nhoà lẫn vào đám người về các xóm. Người ta còn đương bàn tán, bắt chước và kể lại những đào kép vừa ra vai. Nàng Châu Long con mắt chín lừ. Chú tiểu đồng cầm roi giả cách dắt ngựa khéo quá. Ông Lưu Bình vinh quy xênh xang bước vào cổng nhà quan huyện họ Dương...
Bỗng nhớn nháo một đám đằng kia chạy lại.
- Những tiếng cười nói, bỗng hoá ra những tiếng kêu hốt hoảng. Cái gì, cái gì thế? Kẻ trộm à?
- Quân ăn sương khéo chõm vào lúc cả làng vắng nhà?
- Không, không...
- Thế thì cái gì?
- Giai gái!
Có một người cất giọng hát tuồng:
- Giai trên gái dưới ra sao nào, quân bay!
Tiếng cười hô hố.
- Không phải! Không phải!
- Thế thì cái chó gì mà ầm làng lên thế?
- Bắt được con nhà hương Sạ với cái Muống.
- Cái Muống nhà mõ Bốn ấy à?
- Lại còn cái Muống nào nữa!
- Thế thì loạn rồi. Đem trôi sông thôi.
Cả xóm người chạy lộn ra ngoài điếm canh. Sau bờ tre đã rừng rực ánh đuốc. Chen vào trong điếm, rõ ràng trông thấy mỗi bên cột trói đứng một ngòi. Thằng Sạ mặt xanh lét, cái Muống tóc bết kín mặt, đứt một bên cổ yếm váy bê bết bùn, hai đứa lấm như vùi chắc chúng nó trốn xuống đìa nước, mới bị lôi lên.
Lệ làng không có điều khoản cấm trai gái son rỗi tằng tịu với nhau. Chỉ ngả vạ đứa lộn chồng, đứa chùa hoang. Những dính với nhà mõ lại là cái điều xấu xa xưa nay không ai dám phạm. Dây đến đồ mõ, đến đứa ngụ cư cha căng chú kiết thì tội nặng tội nhẹ không biết đến thế nào. Tuỳ ở quan làng. Thế nhưng cũng lại trương phiên khán thủ bắt tội bắt vạ thế nào cũng được lắm khi chẳng phải bận đến các quan làng.
Ấy thế vẫn cứ phải hỏi lấy lệ. Ngay lúc ấy khán thủ vào nhà ông chánh. Ông chánh ở cuộc rượu tan hát về vừa ngất ngưởng nằm lên cái tràng kỷ. Ông chánh hờ mắt mơ màng nghe người khán thủ lẩm bẩm "trình cụ". Ông chánh ngóc đầu lên quát:
- Làng này bắt lính còn chưa xong bắt ngay thằng Sạ đi chuyến này. Được được, con đĩ nhà mõ Bốn thì đem trôi sông, tống hẳn đi cho khỏi bẩn làng. Cút về mà làm thế.
Tuần tráng lục đục hối hả suốt đêm.
Bác khán thủ cầm gậy đến ngõ nhà ông hương, đứng ngoài cổng, hét vào:
- Trên huyện truyền thằng Sạ phải lên ngược đi lính chuyến này. Ở nhà lo xống áo lương ăn ba tháng cho kịp ngày đợi lên huyện.
Bác mõ Bốn ở nhà thì chẳng biết gì cả.
Nhà ở sau đình, trước sân có chiếu hát mà bác rượu vào đã đi nằm từ chập tối.
Tuần đinh đẵn tre, chẻ lạt, chặt cả chục cây chuối đóng bè. Phải thả bè cho nó trôi sông từ mờ đất, không được để người nào trông thấy. Mấy ông chức dịch đã chạy ra quát như thế.
Gà gáy sang canh ba. Mấy người tuần trở dậy vào điếm bật hồng đốt đuốc lên. Chỉ thấy hai cái cột chơ vơ. Những nút thừng rơi loằng ngoằng dưới mặt đất. Chúng nó cắn đứt cả dây thừng.
Cái Muống, thằng Sạ đã trốn mất.
Nửa đêm kia có hai bóng người len lén vào tam quan trong đình. Nén hương đen cả đêm thơm thoảng như mùi mật. Đĩa đèn dầu lạc đã lụt bấc còn leo lét xanh loè. Cụ từ ngồi tựa lưng vào cột, không biết cụ thức hay cụ vẫn quen ngủ ngồi.
- Lạy cụ từ.
Tiếng rè rè hỏi lại:
- Đứa nào?
- Lạy cụ từ, bố cháu đâu?
- Thằng mõ Bốn hả?
- Vâng ạ.
- Nó ra nằm tha ma ngoài cổng đồng rồi.
Giữa cơn mưa rào ào ạt đầu mùa hạ, thấp thoáng những đốm ma trơi xanh lơ trên các ngôi mả mới ngoài cổng đồng. Hai bóng người quỳ trong cơn mưa nặng hạt, chắp tay vái vào bóng tối bãi tha ma.
 
Chú thích:
(1) Khổng Văn Cu - Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài - Nhà xuất bản Hà Nội 2000 (trang 132)