1940 - Tin Paris bị quân đội Hitler chiếm đóng làm xôn xao dư luận dân chúng Việt Nam. - De Gaulle Toàn quyền Catroux. - Hà Nội báo động. - Hải Phòng bị Nhật ném bom lần đầu tiên. - Dân chúng Hà Nội tản cư về các vùng quê. - Lạng Sơn bị Nhật chiếm. Việt Nam Phục Quốc Quân. - Phi cơ và quân đội Nhật ào ạt đến Hà Nôị. - Những câu sấm Trạng Trình. Ở Hà Nội, tin chiến tuyến Maginot bị đổ vỡ, và Paris bị thất thủ, gây một không khí xúc động mãnh liệt bất ngờ, so với trận Ðệ Nhất Thế Chiến giữa Ðức và Pháp kéo dài 4 năm từ 1914 đến 1918. Người ta đều tin tưởng rằng trận Ðệ Nhị Thế Chiến này dù Ðức mạnh đến đâu chăng nữa, Pháp cũng chống cự được 3,b4 năm, với sự giúp đỡ của đồng minh. Ai ngờ đâu quân đội Hitler tràn ngập đất Pháp với một lực lượng kinh hoàng như sấm sét chà nghiến các chiến trường Pháp như một con quái vật khổng lồ dẫm lên một bầy người tí hon. Tất cả đều chết bẹp, hoặc còn sống sót thì chạy tán loạn không kịp thở. Cả một đoàn quân Ðồng minh Anh cũng vội vàng chạy ra hải cảng Dunkerque, bỏ lại nước Pháp trơ vơ, rối loạn, khiếp đỡm, làm mồi cho quân Ðức. Hà Nội xôn xao với những tin chiến trận bất ngờ ấy. Các giới cách mạng “ An nam “ cũng vô cùng kinh ngạc. Chẳng có một đảng phái quốc gia nào, và cả đảng cộng sản, chuẩn bị sẵn sang để chờ đón biến cố phi thường ấy, hầu như là phi lý … Ðó là vào giữa tháng 5 năm 1940… Tin tức bên Pháp vẫn qua đều đều và dồn dập mỗi ngày nhiều biến cố mới, hầu hết là bi đát và trái ngược nhau, chứng tỏ một tình trạng chính trị vô cùng hỗn loạn. Nội các Paul Reynaud cố tiếp tục chiến tranh mặc dầu ngày 10-6-1940, Paris đã bị quân đội của Hitler chiếm đóng mà không tốn một viên đạn. Paris đã được tuyên bố là thành phố bỏ ngỏ. Quân đội Pháp đã tản cư vội vã và lộn xộn. Trong cuộc “ chạy giặc “ vĩ đại của những đợt sóng dân chúng hoàn toàn rối loạn từ các tỉnh miền Bắc ào ạt tiến xuống các vùng quê miền Tây và miền Nam, làm nghẻn tất cả các con đường. Tổng thống Lebrun, và nội các Paul Reynaud cũng hấp tấp tản cư về Orléans rồi chạy xuống Bordeaux, hải cảng cuối cùng của miền Tây Nam, trên bờ Ðại tây dương. Nơi đây chính phủ Thượng và Hạ viện Pháp chia làm hai phe: một theo Paul Reynaud quyết tản cư qua thuộc địa Algérie ở Bắc Phi châu và tiếp tục chiến đấu, một phe theo Thống chế Pétain và Ðại tướng Weygand xin đầu hàng và đơn phương đình chiến với Ðức, nghĩa là phản bội lại Ðồng minh Anh quốc. Vì áp lực quân sự quá mạnh, lực lượng quân đội Pháp hoàn toàn bị tan rã, nên phe đầu hàng thắng thế. Thống chế Pétain, vị anh hùng thắng ở Verdun hồi Ðệ Nhất Thế chiến đứng ra lập một chính phủ đầu hàng ở Vichy. Pierre Laval làm thủ tướng chủ trương triệt để hợp tác với Ðức và nhận mệnh lệnh của Hitler. Ðại tá De Gaulle vừa mới được Paul Reynaud làm cho Thứ trưởng Bộ Chiến tranh hồi tháng 5-1940, và được thăng cấp bực Thiếu tướng, từ Bordeaux đã trốn bay qua Luân đôn để thành lập một chính phủ lưu vong. Ngày 18 tháng 6 ông kêu gọi người Pháp tiếp tục chiến đấu với sự bảo trợ của Churchill và chính phủ Anh hoàng của George V. Nhóm De Gaulle lúc bấy giờ mới có độ năm bảy người thôi. Đông dương vẫn còn nguyên vẹn là Ðông Pháp, thuộc địa của Pháp. Lời kêu gọi của De Gaulle đọc trong đài B.B.C ở Luân Ðôn vẫn được loan truyền ở Saigon, Huế, Hà Nội, cũng như ở Phnom-Penh ( thủ đô Cao Miên ) à Luang Prabang, Vientiane ( Lào ). Nhưng đồng thời dân chúng An nam cũng được nghe lời hiệu triệu của Thống chế Pétain, bây giờ gọi là Quốc trưởng Quốc gia Pháp ( Chef de l ‘État Francais ) vì chế độ cộng hoà đã bị bãi bỏ. Pétain kêu gọi các thuộc địa Pháp “ hãy trung thành chính phủ hợp pháp của Thống chế ở Vichy “ và đừng nghe lời tên “ phản quốc De Gaulle “. Ông này mệnh danh là “ lãnh tụ nước Pháp tự do “ ( chef de la France Libre ) đã bị chính phủ Vichy kết án tử hình khiếm diện. Tất cả những tin tức trái ngược và hổn độn ấy khiến cho dân chúng An nam vô cùng thắc mắc, và bàn tán rất xôn xao. Các giới cách mạng và chính trị ở Hà Nôị, Saigon, đã bắt đầu rục rịch theo dõi sát tình hình biến chuyễn ở Pháp hằng ngày, hằng giờ, để …tuỳ cơ ứng biến. Có một điều mà Tuấn đặc biệt chú ý, là tình hình chính phủ và quân sự của Pháp quốc đã bị phá sản như thế rồi, mà giới quan lại và trưởng giả An nam vẫn còn trung thành với “ mẫu quốc “ của họ. Ở Hà Nội cũng như ở Huế và Saigon, những lớp người đã được ân huệ của Pháp, riêng ở Nam kỳ hầu hết là những kẻ đã nhập tịch dân Pháp, như một số đông Thượng thơ, Tổng đốc Tuần phủ, đại kỷ nghệ gia ở bắc kỳ và Trung kỳ, những Ðốc phủ sứ và “ Bác vật “, bác sĩ, kỹ sư, commis, “đội đồng, đại điền chủ ở Nam kỳ, đều công khai bày tỏ “ lòng tri ân và luyến ái, tận tuỵ trung thành không nao núng “ của họ đối với “ Nước Ðại Pháp Bảo Hộ “, “ Mẫu Quốc “ của họ," leur attachement inébranlable à la Mère-Patrie “. Nhưng “ Mère Patrie “ nào? Vì “ mẫu quốc “đã bị chia làm hai phe, công khai đả kich lẫn nhau, thù địch lẫn nhau, chửi nhau là phản quốc. Dĩ nhiên, trong những ngày đầu tiên của tháng 6 và tháng 7 cho đến tháng 9, tháng 10 năm 1940, những người Pháp cai trị ở Ðông dương đều khuynh hướng theo chính phủ kháng chiến của De Gaulle. Lý do rất dễ hiểu, vì lòng ái quốc của lớp người Pháp ấy cũng có một phần, nhưng phần lớn là lòng tự ái của họ đối với các dân tộc thuộc địa ở Ðông dương, nhất là đối với dân An nam. Tự ái vì họ đã bị quân Ðức đánh bại, xứ họ đang bị quân Ðức chiếm đóng một nửa ( miền Bắc ) gồm cả thủ đô Paris, còn một nửa miền Nam Thống chế Pétain, vị anh hùng của họ đã oanh liệt hồi nào giờ lại làm quốc trưởng bù nhìn được Hitler cho đóng đô ở thành phố Vichy bé nhỏ. Thật là một nhục nhã, cho nên vị chúa tể của họ là đại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương, đã công khai theo phe De Gaulle để chứng tỏ cho dân chúng An nam và Miên, Lào thấy rằng họ chưa thật sự chiến bại. “ Nước Pháp đã thua một trận giặc, chứ không phải thua giặc “ như lời hiệu triệu của De Gaulle ngày 18-6-1940:” La France a perdu une bataille, elle n’a pas perdu la guerre “. Các giới An nam thân Pháp thì nhất định theo chiều hướng của Hành chánh Pháp ở thuộc địa. Viên toàn quyền và các viên Khâm sứ ( Trung kỳ ) Thống sứ ( Bắc kỳ ), Thống đốc ( Nam kỳ ) chủ trương như thế nào, họ cũng vổ tay hoan nghênh nhiệt liệt. Họ vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi nước Pháp, bất cứ là cái nước Pháp nào. Các giới cách mạng An nam nắt đầu hội họp bí mật ngày đêm để thảo luận và theo dõi sát tình hình Pháp, Ðức, và Âu châu. Ðông Nam Á còn yên ổn ( trừ cuộc chiến tranh thường xuyên giữa Nhật và Trung Hoa ). Những đề tài thảo luận sôi nổi nhất là thái độ của Nhật đối với Ðông dương sẽ như thế nào? Ở Hà Nội lúc bấy giờ có hai nhóm chống Nhật, và ba nhóm thân Nhật. Chống Nhật là đảng Cộng sản và nhóm AFI của Tuấn ( Antifascistes Indépendants ) - chống Phát xít Ðộc lập. Nhóm này gồm có Nguyễn Ngọc Lễ, nữ đồng chí Khuê Lưu, Tuấn, hai sinh viên Y-khoa, và Thọ, một sinh viên trường Luật. ( Khuê Lưu sau bị quân Pháp bắn chết ở Việt trì ). Nhóm Chống Phát xít Ðộc lập đi tuyên truyền ở Hà Nội, Hải Phòng, bị các nhóm thân Nhật đả kích kịch liệt. Căn cứ trên tình hình chiến sự ở Âu châu, nhóm của Tuấn nhận xét rằng Nhật và Pháp sẽ đánh nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Tuấn có viết sách chống Nhật, tiết lộ Kế hoạch Tanaka mà đám quân phiệt Nhật đang áp dụng, chủ trương bành trướng thế lực Nhật ở toàn thể Ðông Nam Á, xâm chiếm An nam, Cao Miên, Lào, làm căn cứ để tràn qua Xiêm, Miến Ðiện và Ấn Ðộ, đồng thời chiếm Tân Gia Ba để chận đường của Anh, Pháp, Hòa Lan. Nhưng nhóm Tuấn lại nghĩ rằng bọn đế quốc thực dân Âu châu sẽ kêu gọi Mỹ về phe Ðồng minh với họ để diệt Nhật. Nhóm Tuấn tin rằng thế nào Pháp và Nhật cũng sẽ đánh nhau vì Nhật ở trong “ trục thép “ ( axe d’acier) Berlin – Rome, Tokyo, đồng minh với Ðức và Ý. Bọn Pháp ở Ðông dương theo phe De Gaulle tức là chống Nhật, thì dĩ nhiên Nhật sẽ đánh Ðông dương và Anh, Mỹ sẽ đổ bộ ở đây. Dân chúng Việt Nam sẽ thừa cơ hội duy nhất đó để nổi dậy đòi Ðồng minh Anh - Mỹ bắt buộc Pháp phải trao trả độc lập cho mình, theo nguyên tắc “ 14 điểm của tổng thống Wilson hồi 18-19 xác nhận:” quyền dân tộc tự quyết ( le droit des peuples de disposer d’eux-mêmes ). Nhóm AFI của Tuấn lấy câu này làm khẩu hiệu tranh đấu với các nước đồng minh. Nhóm này đi hoạt động hoàn toàn bí mật, đợi khi nào Anh Mỹ đổ bộ ở Việt Nam, nhóm sẽ công khai ra mặt đòi độc lập. Ðêm trung thu năm 1940, anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ vừa ăn bánh trung thu tại nhà nữ đồng chí Khuê Lưu, vừa xầm xì cho Tuấn và các đồng chí biết tin Nhật chuẩn bị đổ bộ Hải Phòng, nội trong tháng 8. Người Pháp biết nhưng sẽ không dám làm gì để đối phó. Người Pháp ở Ðông dương tuy bề ngoài ra vẻ hiu hiu tự đắc để lừa bịp bịt mắt dân chúng, và tuyên bố phòng thủ Ðông dương rất kiên cố, chống mọi cuộc xâm lăng bất cứ từ đâu đến, nhưng kỳ thực họ vẫn gờm Nhật bản, và lo sợ Nhật gây hấn. Cái tin sốt dẻo của Nguyễn Ngọc Lễ, hình như cũng có nhiều người biết, nhất là trong quân đội Pháp, nên từ ngày hôm sau tin ấy được loan truyền rỉ tai khắp cả Hà Nội và Hải Phòng. Cùng một lúc, viên Ðốc lý thành phố Hà Nội ra lịnh bắt dân chúng gấp rút sửa sang lại các hầm trú ẩn lâu ngày để cỏ mọc tùm lum, nước đọng dơ bẩn, và đào thêm nhiều hầm mới. Tiếng đồn xôn xao khắp thành phố, tuy chưa thấy dấu hiệu gì chứng tỏ người Nhật sắp hành động gây chiến. Ði đâu cũng nghe dân chúng xầm xì bàn tán sắp có đánh nhau ở Hải Phòng. Ông Ba Ngữ, một ông đồ Nho ở Phố Hàng Bạc, gặp Tuấn, khẻ bảo:” Tôi chả lo! Các cụ xưa đả bảo: Thăng Long bất chiến tự nhiên thành. Tuy nhiên không khí Hà Nôị đã thay đổi một không khí hồi hộp, nặng nề, lo âu. Nhiều gia đình đã tính việc tản cư tạm về quê, để nghe ngóng xem sau. Sáng ngày 19/9, Tuấn mua vé xe lửa đi Hải Phòng để dò xét tình hình. Gặp mấy người bạn thân. Tuấn hỏi, họ cười bảo:” Tin đồn, dân chúng ở đây đã biết cả, nhưng chả thấy gì “. Hải cảng không có phòng thủ, gần như một thành phố bỏ ngỏ. Dân chúng làm công việc hằng ngày chẳng có gì xôn xao. Trở về Hà Nội, Tuấn nghe tin hai người Triều tiên có tiệm bán nhân sâm ở phố Hàng Ðẫy gần chợ cửa Nam, tự nhiên bị nhà chức trách Pháp bắt. Nhà buôn Nhật DainamKoosi ở phố hàng Nón tự nhiên đóng cửa. Nghe thiên hạ đồn rằng mấy người Nhật đã bỏ trốn đi cả. Ðó là những triệu chứng bắt đầu tiết lộ một biến cố trầm trọng sắp xảy ra. Ðùng một cái, 7 giờ sáng ngày 23/9/1940, Hà Nội có báo động. Lần này là báo thật sự, vì toà Ðốc lý không cho biết trước. Toàn thể dân chúng nhao nhao chạy xuống các hầm nấp. Hai chiếc máy bay Pháp bay vù vù trên vòm trời Hà Nôị, nhưng bay thật cao. Thế rồi, không biết do ai truyền tin mà người này bảo người cho người kia biết là Nhật đang ném bom Hải Phòng. Hà Nội báo động vì có thể máy bay Nhật sẽ đến ném bom Hà Nội trong chốc lát. Dân chúng Hà Nôị lần này hoảng hốt thật sự. Thiến hạ nhốn nháo cả lên. Con nít bị lôi kéo xuống hầm, la khóc om sòm. Buổi sáng hôm ấy, 23 tháng 9 năm 1940. Tuấn dậy thật sớm, đi lang thang trên phố Hàng Bột, quãng đưòng này từ Ô Chợ Dừa ( Khâm thiên ) đến ngã ba đường Duvillier ( phố Hàng Ðẩy ) dọc bên hông Văn Miếu (đền thờ Khổng Tử ) đến phố Sinh Từ. 6 giờ, mặt trời chưa mọc. Khí trời mát mẻ, một làn gió hiu hiu thổi phất phơ trên ngọn cỏ lá cây. Thành phố Hà Nội còn đang ngủ. Bổng tiếng còi báo động rú lên. Lúc đầu còn nho nhỏ rôì to dần, to dần, vang dội 36 phố phường như một tiếng mê sảng, thét lên trong ác mộng. Nghe rùng rợn làm sao! Trong giây phút, tất cả kinh thành Hà Nôị đều tỉnh dậy, hoảng hốt, đổ xô xuống các hầm trú ẩn, chạy tán loạn trên các ngả đường. Tin rằng máy bay Nhật chắc là không ném bom làm chi xuống Miếu Ðức Khổng Tử, Tuấn trèo ngay trên bức thành sau, bức thành đầy rêu với vôi gạch ngày xưa đã đổ nát nhiều, ngồi chờ xem và nghe ngóng. Một mình ngồi cheo leo trên đỉnh thành. Tuấn ngó xuống các hầm chữ chi đào chằng chịt trên các đám đất hoang gần Miếu. đông nghẹt những người trú ẩn. Một cặp vợ chồng trưởng giả ở Phố Hàng Ðẫy, vợ choàng chiếc áo ngủ chưa kịp cài nút, quần ống thấp ống cao, chồng mặc quần đùi, khoác aó pyjama bằng vải sọc, nắm tay nhau chạy hớt hơ hớt hãi lên phố Hàng Bột. Vấp vào đống đá xám của lục lộ đổ bên lề đường, bà vợ té xuống đá, ông chồng vội ôm xốc lấy bà, chạy khấp khểng xuống cái hầm gần đấy. Những người đứng chật ních dưới hầm, nước mưa đọng lâu ngày lên đến đầu gối, tuy họ đang lo sợ ném bom, nhưng vẫn không nhịn cười được, tất cả đều cười rồ lên khi thấy ông chồng lính quýnh té luôn với bà vợ ngay trên miệng hầm. Hai ông bà ôm nhau chặt cứng, cả hai đều nằm sắp mặt xuống cỏ, không dám ngó lên. Hai chiếc máy bay màu xám, đang vần trên trời, tiếng kêu vù vù làm rung động cả không gian. Họ tưởng máy bay Nhật từ Hải Phòng bay lên và sắp ném bom, nhưng ngó kỹ thấy bóng dáng quen thuộc của hai chiếc Morane thám thính cũ-xì của Pháp, có lẽ để trấn tỉnh dân thành phố hơn là để phòng thủ, hay sẵn sàng nghênh chiến. Ngồi điềm nhiên trên tường miếu Khổng Tử, Tuấn thoáng nghĩ rằng, nếu máy bay Nhật bay đến đây thì chắc là hai chiếc Morane kia phải vội vàng cút mất, chớ đừng hòng nghênh chiến. Máy bay chiến đấu của Pháp ở phi trường Gia Lâm có một chiếc Potez cũ, làm gì mà không thấy bay lên phòng thủ thủ đô? Hay chúng đã bay trốn đi từ khuya rồi? Còi báo động đã im tiếng từ lâu. Mặt trời đã mọc, rọi ánh nắng trên một thành phố im lìm gần như nín thở. Tuấn có cảm tưởng trái tim Hà Nội đang đập mạnh trong cơn mê sảng trầm trọng, lo sợ Tử thần sắp bay đến bằng những chiếc cách đen ngòm và ghê rợn. Dân chúng dồn xuống các hầm trú ẩn, sợ hãi cho đến nỗi trẻ con khóc họ cũng bịt miệng chúng lại, một cái mũ cái khăn có màu xanh đỏ loè loẹt họ cũng cất dấu đi. Một tiếng đồng hồ, lâu dằng dặc. Hồi còi lại rú lên …chấm dứt báo động. Dân chúng từ các hầm trú ẩn đọng nước lóp ngóp trèo lên, chạy nhanh về nhà. Tuấn xuống phố Sinh Từ, gặp một người bạn họa sĩ Nguyệt Hồ, người Nam Ðịnh. Gầy như caí que, ngực lép xẹp, mang đôi giày há mồm. Nguyệt Hồ cười mừng hỏi Tuấn: - Ở đâu ra đây, cậu? Tuấn hất hàm về phía Văn Miếu: - Ở sau bếp nhà cụ Khổng, còn cậu? - Tớ nấp trong sân Hội Dục Anh của cụ cả Khiêm. Rồi nghiêm nét mặt, Nguyệt Hồ bảo nhỏ: - Hải Phòng bị ném hai quả bom, chắc cậu biết tin rồi chứ gì? - Mình cũng vừa nghe tin đây. Hình như không có ai chết. Tụi Nhật chỉ ném bom xuống bờ biển để hăm dọa thôi. - Láo! Có người chết lu bù. Nghe nói một quả rơi xuống phố Od’handal… Ðây không phải là tin tức của đài Phát Thanh, vì lúc bấy giờ Hà Nội chưa có Ðài Phát Thanh loan truyền tin tức, và cũng chẳng nhà nào có radio. Tất cả tin tức biết được cấp thời đều do một số người được ưu thế nghe lỏm nhờ làm việc trong Phủ Toàn quyền, trong các giới cao cấp Hành chánh Bảo hộ hoặc trong các trại lính Tây. Vì thế nên tin đồn rất nhiều, nhưng nhiều khi trái ngược nhau, do những người vô tình hay cố ý loan truyền thất thiệt hoặc do các giới bồi bếp của Tây không hiểu rõ tiếng Pháp nên loan tin sai lầm. Chỉ một giờ sau khi hết báo động là cả thành phố đều biết tin Hải Phòng bị ném bom. Nguyệt Hồ và Tuấn đi dọc theo phố Sinh Từ xuống chợ cửa Nam gặp một người bạn. Có vẻ bí mật, người bạn không ai khác hơn là Lê Văn Trương, cho biết Quân đội Nhật hoàng đang đánh Lạng Sơn. Tuấn hỏi Trương: - Cậu lấy tin ở đâu thế? Có thật không? Hay là gián điệp cho Nhật đấy? Trương trố mắt la: - Tao nói dối mày, tao làm con chó! Chúng nó đang đánh nhau ầm ầm ở biên giới. Giờ chúng tao đang nói với chúng mày đấy không khéo Lạng Sơn mất mẹ nó rồi còn gì! Vội vàng từ gĩa Lê Văn Trương và Nguyệt Hồ, Tuấn chạy một mạch về nhà Minh Phương, ngõ Văn Tân. Ðây là nhà xuất bản các sách báo của Tuấn. Ðến đây Tuấn được biết rằng ông Minh Phương đã đưa mẹ, vợ và con “ về quê lánh nạn “. Phong trào “ về quê lánh nạn “đang được thịnh hành ở Hà Nội từ một tuần lễ đầu có chuyện rục rịch đánh nhau giữa Nhật và Pháp ở Bắc Kỳ. Chỉ còn anh bếp ở lại giữ nhà. Lúc Tuấn đến, anh bếp từ dưới hầm trú ẩn ở trong sân vừa chui ra, hỏi Tuấn: - Hết báo động rồi sao, cậu Tuấn? - Hết từ nãy giờ. Chú không nghe à? - Sợ thấy mồ, còn nghe cái khỉ khô gì đâu! - Ông Minh Phương đâu? - Ông ấy đem mẹ nó cả gia đình về lánh nạn rồi còn chó gì. - Ông ấy đi lúc nào? Chiều hôm qua chưa đi mà? - Còn mỗi một mình chú ở lại giữ nhà thôi à? - Thế mới cực bỏ mẹ. - Cực cái gì? - Chứ cậu nghĩ xem: Hai ông bà lo đi về quê lánh nạn, bỏ tôi ở lại giữ nhà, nhỡ bom ném xuống sập nhà thì làm thế nào? Tôi phải dọn cất các đồ đạc trong nhà, chả dám đi đâu cả! - Không sao đâu, đừng lo. - Cậu ở đâu? - Tôi vẫn ở phố Mã Mây. - Thôi cậu dọn về ở đây với tôi cho vui, nhé? Tôi thổi cơm cho cậu ăn. Ở đây đánh cờ tướng chơi. Tuấn cười: - Giặc giã đến nơi, ở đó mà đánh cờ tướng! - Nghĩ cho kỹ thì Nhật họ đánh Tây, chứ ăn thua gì An nam, phải không cậu? Tây phải phòng thủ Hà Nội. - Ðất này là đất An nam chứ đất Tây à? Nhật nó đánh Hà Nôị, thì nó làm thịt chúng mình! Còn Tây thì Nhật quét hết xuống hồ Hoàn Kiếm, thây kệ chúng nó chứ. - Ồ Thăng Long bất chiến tự nhiên thành, mà cậu! - Nếu thế thì chú còn sợ cái quái gì? - Sợ máy bay Nhật ném bom thôi. Hôm nào Hà Nội bị ném bom thì tôi cũng chuồn về quê lánh nạn. Còn cậu? - Tôi chả đi đâu cả. Tiếng còi báo động lại rú lên rùng rợn. - Thấy mẹ! Chú bếp vừa kêu hoảng lên như thế vừa chui vội xuống hầm. Trong nháy mắt chú biến mất tiêu. Tuấn do dự thấy chiếc thang dựng nơi vách tường, Tuấn leo tuốt lên sân thượng để xem dân thành phố chạy đi trú ẩn lần nữa. Khi nào máy bay Nhật đến, mình sẽ nằm sấp xuống sàn sân thượng để nghe ngóng và ngóc đầu xem nó ném ở chỗ nào, và ném bom cách nào …. Tuấn quyết không chạy trốn và ở tại chỗ để quan sát tường tận những giờ phút bắt đầu biến chuyễn của Lịch Sử. Thăng Long, 10 giờ sáng ngày 23/9/1940. Tin Hải Phòng bị Nhật ném bom vừa được xác nhận, toàn thể dân chúng lo sợ quân đội Nhật Hoàng đổ bộ lên Hải Phòng, chiến tranh sẽ xẩy ra giữa quân Nhật và quân Pháp. Dư luận của người An nam rất phân vân, vì ít người biết rõ thực lực của Nhật và cả của Pháp ở Bắc kỳ. Nếu Nhật đổ bộ và chiếm Hải Phòng, thì họ sẽ lần lượt theo đường xe lửa kéo lên đánh chiếm Hải Dương, Bắc Ninh, rồi tới Hà Nội. Thế nào rồi Hà Nội cũng bị ném bom, và chắc chắn chiến tranh sẽ ác liệt, Bắc kỳ sắp biến thành bãi chiến trường. Nói đúng ra thì đại đa số người An nam không lo sợ cho xứ sở và cho thân mình. Bàn tán với nhau về chiến cuộc đang bùng nổ, họ chỉ than thở bằng một câu tục ngữ:” trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết “. Họ có cảm tưởng rõ rệt là nếu Tây thua trận, thì Nhật sẽ chiếm cứ Hà Nội, Bắc kỳ, và người An nam sẽ mặc nhiên phải thay chủ cũ, để làm nô lệ cho chủ mới. Thế thôi!. Ý tưởng rất giản dị ấy thay thế cho tinh thần chiến đấu hầu như đã mất mát khá nhiều, nơi đa số dân An nam sau nửa thế kỷ thế kỷ chịu đựng cuộc đô hộ của Pháp. Dân chúng có khuynh hướng cầu an vì cái mặc cảm yếu hèn của một thói quen làm nô lệ, cho nên họ tự coi mình như “ ruồi muỗi “, trong cuộc xô xát giữa “ trâu bò “. Chính vì tâm trạng bạc nhược đó mà các đảng phái cách mạng thường gặp nhiều khó khăn trong việc chiêu mộ đồng chí, do sự lãnh đạm sợ sệt của số đông quần chúng. Vả lại, nếu chiến tranh bùng nổ ở Ðông dương, thì chỉ có Nhật với Pháp đánh nhau. Chứ An nam có gì đâu để đánh? Một khí giới tự vệ cũng không có, thì biết đánh đập ai? Nhưng rồi ai nấy đều ngạc nhiên nghe tin tỉnh Lạng Sơn ở biên giới Trung Hoa bị quân Nhật vừa đánh chiếm hôm trước, thì hôm sau họ giao trả lại cho Tây. Cái tin sét đánh ấy khiến mọi người đều ngơ ngác, chẳng hiểu sao cả, Hà Nôị nhận được tin từ biên giới loan về cho biết Nhật đã đánh lấy Lạng sơn với một Ðạo quân Cách mạng của Cường Ðể. Quân Pháp chết rất nhiều. Cờ Nhật đã bay phất phớ tại tỉnh thành Lạng Sơn. Ðám thân Nhật của Vũ Đình Duy, chủ nhiệm báo Effort Indochinois, và Nguyễn Tường Tam được cơ hội tuyên truyền công khai ở Hà Nội. Duy hãnh diện bảo Tuấn: - Anh thấy không, Tuấn? Việt nam mình đã thắng Pháp rồi đấy. Tuấn hỏi: - Việt Nam thắng hay Nhật thắng? - Nhật chỉ giúp ta. Chính Quân đôị Việt Nam Phục Quốc ở Quảng Tây đã chiếm được thành phố Lạng Sơn. - Nếu thế thì đáng khen Phục Quốc quân. Nhưng sao lại có tin là quân Nhật đã giao trả Lạng Sơn lại cho Pháp, và một nhóm Việt Nam Phục Quốc Quân do người con nuôi của Cường Ðể chỉ huy, theo quân Nhật vào Lạng Sơn đã bị Nhật bỏ rơi và bị quân Pháp đánh đuổi tơi bời và giết hại rất nhiều. Tuấn tìm đến hỏi Duy thì Duy đã đi mất, Tuấn tìm đến Nguyễn Tường Tam, Tam cũng biến đi đường nào, không ai biết tăm hơi ở đâu. Tình hình Hà Nội trở lại yên tỉnh, không còn báo động nữa, và Hải Phòng cũng bình yên vô sự. Chiến tranh “ quái gở “ chỉ kéo dài có 24 tiếng đồng hồ. Ðồng thời, tất cả các nhật báo Ðông Pháp, Tin Mới, Trung Bắc, đều đăng những dòng chữ lớn, 8 cột, loan tin:” Trung tướng Ninshihara đã đến Hà Nội viếng thăm Ðại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương. Tôí hôm đó, anh đội khố đỏ Nguyễn Ngọc Lễ cho Tuấn và các đồng chí trong nhóm biết:” Trung tướng Nishihara cầm đầu một phái đoàn Nhật bổn đã đến ở dinh Toàn quyền để thương thuyết về vụ Quân đôị Nhật hoàng sắp chính thức được qua chiếm đóng Hà Nội. Theo những tin tức của anh đội khố đỏ đã nghe ngóng trong trại lính của anh thì người Nhật đòi người Pháp phải để cho Nhật được quyền kiểm soát đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn và Hà Nội - Vân Nam. Vì người Nhật nghi người Pháp đã dùng hai đường xe lửa nầy để tiếp tế khí giới cho Tưởng Giới Thạch ở Trùng Khánh. Nhưng đó chỉ là một cái cớ để Nhật qua chiếm Bắc kỳ mà khỏi phảỉ chiến tranh với Pháp. Cuộc ném bom ở Hải Phòng, và trận đánh chiếm Lạng Sơn chỉ có mục đích làm áp lực Toàn quyền Catroux phải chấp nhận những yêu sách của Nhật. Trước sức mạnh hùng hổ của quân đội Nhật hoàng, tướng Catroux đã phải buộc lòng nhượng bộ, và phái đoàn Nishihara được tiếp đón trọng thể tại Phủ Toàn quyền. Những yêu sách quân sự của Nhật đã được thỏa mãn, Nhật liền trả tỉnh thành Lạng Sơn lại cho Pháp, và bỏ rơi nhóm Phục Quốc Quân Việt Nam của Cường Ðể. Nhóm này không quá 300 người, bị quân Pháp tái chiếm Lạng Sơn, đánh giết tơi tả, còn sống sót một số ít tàn quân phaỉ trốn tránh trong rừng núi Quảng Tây, Quảng Ðông. Tại Hà Nội, những người An nam thân Nhật trở lại tiếp tục hoạt động ráo riết. Rất nhiều tin đồn được loan truyền trong dân chúng về việc tướng Nhật Nishihara đến Phủ Toàn quyền. Người ta đồn rằng phái đoàn Nhật gồm nhiều người An nam cách mạng ở Nhật lâu ngày, nói tiếng Nhật rất thạo, lất tên Nhật và mặc quân phục Nhật. Trong buổi tiệc do Ðại tướng Catroux, Toàn quyền Ðông dương thết đãi phái đoàn Nhật, một viên Sĩ quan cao cấp Nhật không ngần ngại cho Catroux biết ông là người Việt Nam, và y hỏi Catroux tại sao dám áp chế và bạc đãi người An nam? Viên Toàn quyền trả lời bướng bỉnh sao đó, thì liền bị người An nam cải trang làm Sĩ quan Nhật kia đánh hai bạt tai nẩy lửa. Toàn quyền Catroux đành câm miệng, chịu đòn, không dám hó hé. Những chuyện đồn đãi như thế rất nhiều, tuy là bịa đặt nhưng vẫn được dân chúng tin là có thật. Rồi ít xít ra nhiều, những “ giai thoại ly kỳ quái gở tràn ngập khắp dư luận thành phố Hà Nội, cho đến đỗi tụi trẻ nít cũng biết và đi đâu cũng nghe bàn tán chung quanh những mẫu chuện “ Nhật Bổn “được thêm bớt khác nhau “. Người ta còn tiết lộ cả tên họ và quê quán của những vị “ anh hùng “ An nam dưới chiêu bài Sĩ quan cao cấp Nhật Bổn ấy nữa. Thật ra những tin đồn có quá nhiều người An nam mặc quân phục đeo lon Sĩ quan cao cấp Nhật trong phái đoàn của tướng Nishihara đến Hà Nôị đều là những tin thất thiệt. Ðó là những tin do các đảng phái An nam thân Nhật phao truyền ra để gây uy tín cho chính họ đối với đồng bào và đối với các đảng phái khác. Xem danh sách phái đoàn Nhật của Nishihara ( Mission Japonaise ) đăng trong các báo người ta chỉ thấy toàn những tên Nhật, không có danh tánh “ An nam “ nào. Giả sử họ dấu tên thật của họ dưới một tên Nhật, thì họ đâu còn là người “ An nam “ nữa? Và đấy đâu phải là một điều hãnh diện cho họ, hay là cho Quê Hương của họ? Môt lối tuyên truyền khác cũng do các phần tử thân Nhật phổ biến trong dân chúng, là các câu “ sấm “ mà họ gán đại cho Trạng Trình. Người Nhật đến Hà Nội một tháng thì người ta thấy nơi đầu cầu sông Cái ( cầu Doumer ) ở phía Gia Lâm có một anh mù ngồi kéo đàn cò và hát giọng sa-mạc những câu sấm để xin tiền khách qua đường đứng lại nghe anh. Ðại khái anh hát những câu sau đây: Bao giờ cua cái đổi càng, Thì giống da vàng đùm bọc lẫn nhau, Những loài da trắng mắt thau, Bồng con bế vợ dắt nhau ra về. Một hôm Tuấn sang cầu Gia Lâm nghe anh ta hát. Trong đám đông thính giả, có một cụ già hỏi: - Cua cái đổi càng là nghĩa thế nào, hả anh? Anh ca sĩ mù giảng giải với giọng nói của người Thái Bình: - Con cua cái nó có hai cái càng không đều nhau, càng bên phải thì nớn, càng bên trái thì nhỏ. Daọ này nó nại đổi càng, bên phải thì nhỏ, bên trái thì nớn. - Sao anh biết? - Cụ không tin thì Cụ ra chợ, đến hàng bán cua mà xem có phải rằng nà cái càng bên trái thì nại nà nớn không? - À thế hả? - Thế mới thật nà đúng mấy câu Sấm Trạng Trình. - À thế ra câu hát ấy là Sấm Trạng Trình đấy à? Anh thuộc nhiều sấm Trạng Trình thế cơ? - Sấm của cụ Trạng Trình thì tôi thuộc nằm nòng. Chả thế mà tôi thấy như cái câu ấy nà rất đúng mấy thời sự. - Ðúng với thời sự như thế nào? - Này nhé: Bao giờ cua cái đổi càng, nà cụ đã tiên tri rằng đến ngày nay nà cua cái đổi càng, thì giống da vàng đùm bọc lấy nhau. Giống da vàng thì người An nam mấy người Nhật nà cùng giống da vàng, phải đùm bọc mấy nhau …che chở nẩn nhau. Còn những người da trắng mắt thau nà …ai? Người có học nà hiểu giống người nào nà da trắng mắt thau. Tôi chưa nói Cụ cũng biết nà ai chứ? Chúng nó sẽ bồng con bế vợ dắt nhau ra về. Nghĩa nà chúng sẽ bị giống da vàng đuổi về, chúng phải bồng bế vợ con mà đi về bên xứ. Ðấy, câu sấm này ninh ứng như thế. Cụ Trạng Trình tiên tri nà không có sai bao giờ. Người ta lại được nghe một câu “ sấm Trạng Trình" này nữa cũng do anh mù ở đầu cầu Gia Lâm hát ra: Bao giờ thằng Bảo ra thau, Thầy Tăng xách gói mau mau ra về Anh mù giảng cho thính giả nghe: -Thằng Bảo …nà….nà… Không nói tiếp anh mò bàn tay tong chiếc mũ nỉ “ hàng phở “ mà anh để ngửa ra trước chổ nhồi để khách từ tâm vứt đây cho anh những đồng hai hào, một hào, một xu, và tiền “ Bảo Ðại “, loại tiền này bằng thau, mà dân chúng thường gọi là tiền “ chinh “ ( 6 đồng chinh Bảo Ðại là 1 xu ) nhỏ bằng nửa đồng tiền Khải Ðịnh. Anh mù nhặt một đồng chinh Bảo Ðại trong chiếc mũ đựng tiền bố thí của khách, đưa cao lên và giảng tiếp: - Bao giờ thằng Bảo ra thau, nà Bảo Ðại phát hành ra đồng tiền thau này, thì…Thầy Tăng …nói nái ra là …thằng Tây xách gói mau mau ra về. Ðấy, cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biết trước việc Bảo Ðại phát hành ra tiền chinh bằng thau, và thằng tây lo xách gói ra về. Tức nà câu sâm ninh ứng vào thời thế bây giờ … Những câu “ sấm “ như thế mà mấy người An nam thân Nhật bịa đặt ra và lợi dụng uy tín của cụ Trạng Trình để gán cho cụ, đều có mục đích tuyên truyền cho Nhật cho các đảng phái thân Nhật, tay sai của Nhật như Vũ Đình Duy, Nguyễn Tường Tam, v.v…và bọn “ Nhật bổn xứ “ mà ngươi Pháp gọi là à Japs locaux. Nói đúng ra, thì người Nhật đã làm cho những bọn người tay sai thất vọng nhiều trong mấy lúc đầu. Họ tưởng Nhật đổ bộ lên Hải Phòng, sẽ chiếm các tỉnh, rôì lên chiếm kinh đô Hà Nôị. Họ tưởng rằng Nhật ném bom Hải Phòng và đánh chiếm tỉnh lỵ Lạng Sơn là mở màn cho cuộc chiếm đóng toàn thể lãnh thổ An nam, và giải phóng cho dân tộc An nam. Họ thật không ngờ Trung tướng Nishihara, trưởng phái đoàn Nhật Bổn, qua tiếp xúc với phủ Toàn quyền Pháp ở Hà Nôị là chỉ có nhiệm vụ ký một bản hiệp ước cho Quân Ðội Nhật hoàng, có quyền kiểm soát đường xe lửa Hà nội – Vân Nam để ngăn ngừa đồng minh Anh Mỹ xử dụng đường xe lửa ấy để tiếp tế khí giới cho chính phủ Tưởng Giời Thạch xuyên qua Vân Nam phủ. Toàn quyền Catroux ký thỏa hiệp ấy xong, là người Nhật trả liền tỉnh Lạng Sơn lại cho Pháp, bỏ rơi cả bộ đội “ Việt Nam Phục Quốc Quân “ của Trần Trung Lập ( con nuôi của Cường Ðể ), bộ đội này đã cùng đi theo bộ đôị Nhật của tướng Matsui vào đánh chiếm Lạng Sơn ngày 3/9/1940 cùng một ngày với vụ Nhậtt ném bom 25 kí xuống Hải Phòng. Sau khi được trở lại Lạng Sơn do quân Nhật trao trả, quân đôị Pháp truy kích V.N Phục Quốc Quân, và đánh tan tành. Một đoàn chạy về phía Mông Cáy rút qua Quảng Ðông, một đoàn khác bị quân Pháp tiêu diệt ngay trong rừng. Sự phản bội của quân Nhật ở Lạng Sơn đã khiến phe đảng thân Nhật ở Hà Nội vô cùng tức giận, và họ không thể trả lời cách nào suông sẻ cho những người hỏi họ lý do sự phản bôị của người Nhật. Một chiến sĩ Phục Quốc Quân bị người Pháp bắt giam ở nhà lao Lạng Sơn có viết một cuốn hồi ký bằng chữ li ti rất nhỏ trên giấy hút thuốc, và nhét dấu trong lai quần. Tập Hồi ký nhỏ cho đến nỗi mấy lần anh bị lính Pháp giải qua các cửa ngục, từ Lạng Sơn về Hà Nội, mà lính khám xét trong mình anh rất kỹ vẫn không bắt gặp. Tuấn được chính tác giả cho xem “ quyển “ hồi ký chiến sự hy hữu đó trong xà lim mật thám ở Hà Nội, lúc Tuấn bị bắt giam trong đó.