Từ rằng:
Gió sớm trăng tàn Ngược xuôi rong ruổi
Bắc Nam vì người Trinh bạch giữ lời Dẫu chẳng tăm hơi Tâm này tính nọ Canh dài thấp cao Hải đường ngây ngả rượu đào Dãi dầu gió dạt sóng dào, khó thay Sớ dâng tố chút niềm ngây Cam lòng nhường phận nước mây duyên hài. Hương đưa đầu núi cành mai... Theo điệu "Nhất đầu châu”
Trên thế gian này, làm nên sự tích, là những kẻ tình thâm nghĩa trọng, bất luận nam nữ, nhẫn nhục chịu khó cũng là bậc tình sâu ý nặng mới có thể giữ được, chẳng kể gái trai. Bởi cớ sao, chỉ những bậc này, lòng trong ý sáng, không chút nhỏ nhen, thủ kinh tòng quyền, theo việc mà làm, không như lũ ngu muội, chẳng nghĩ sâu xa, chỉ thấy lợi trước mắt.
*
Nay nói chuyện La Thành cùng Hoa Hựu Lan, Trương Công Cẩn, Uất Trì Bắc, Uất Trì Nam rời thành U Châu lên đường. Trên ngựa Hựu Lan hỏi La Thành:
- La công tử định đến lăng mộ Đậu hoàng hậu ở Lôi Hạ trước, hay tới Trường An trước?
La Thành đáp:
- Tiểu tướng định tới Trường An dâng biểu chương đã, xem thánh ý ra sao, rồi sẽ về Lôi Hạ thì tiện hơn.
Hựu Lan khuyên:
- Không nên thế. Đậu Công chúa vốn rất tế nhị, ngày trước cùng công tử trên ngựa đính hôn, không phải là chuyện cẩu thả. Cũng bởi bốn phương loạn lạc, công tử chưa tìm ra được người mối manh, công chúa cũng không nghĩ công tử là kẻ bạc tình. Lại thêm nước mất, nhà tan, trên không có mệnh của cha mẹ, dưới không một lời môi giới, tình nên theo mà lẽ nên thôi, tờ thư vừa rồi, thêm lời gửi nhắn tiện muội Mộc Lan nữa, chính là để xem ý họ La, chí họ La ra sao. Rõ là công tử bạc tình, mà công chúa chẳng hề phụ tâm vậy. Nay cứ chờ mệnh vua mà làm lễ thành thân, thì chỉ càng làm công chúa thêm giận công tử, chứ chẳng có ơn nghĩa gì nữa. Công chúa không nghe đã đành, mà đến tiện thiếp đây, là gái quê mùa rơm cỏ cũng chẳng chịu. Công tử vốn loài tình chung, sao không nghĩ đến chuyện này?
Nghe thế La Thành cũng không ngăn được nước mắt, hai tay vái Hựu Lan mà rằng:
- Xin được nghe Hoa tiểu thư chỉ giáo!
Hựu Lan đáp:
- Cứ theo thiển ý, nay nên lấy tiếng sang viếng tang, một là để xem ý tứ công chúa ra sao, hai để xem tình ý thế nào. Tri kỷ từ lâu, mấy năm xa cách, lòng những ngóng trông, đây lại còn là chuyện nhân duyên thì còn khao khát hơn nhiều. Còn nếu công chúa một mực khước từ, lẽ không vãn hồi được nữa, lúc ấy hãy lấy chiếu vua, ý hoàng hậu ra mà ràng buộc, để công chúa cũng thấy chẳng qua công tử bất đắc dĩ mà phải làm thế, cảm lòng công tử, nên lúc đầu ép, nhưng sau cùng thuận theo chăng?
La Thành nghe xong liền nói:
- Tiểu thư nói thế thì thật là thấu tình đạt lý vậy?
Liền nói chuyện với Công Cẩn quay sang đi Lạc Thọ trước. Chuyện không nói nữa.
*
Lại nói Đậu Tuyến Nương, từ ngày nghe tin Hoa Mộc Lan tự vẫn, thì tin hồng càng vắng, cánh nhạn cũng không, bên đèn dưới trăng, một mình nuốt lệ, nhưng cũng đành phó mặc sự đời. Cũng may xóm giềng còn có Viên Tử Yên, mẹ con Dương Hinh Nhi để mà thỉnh thoảng chuyện trò. Lại được bốn phu nhân họ Địch, họ Tần, họ Hạ, họ Lý, nghe tiếng Tuyến Nương hiếu thảo, đi lại với Tử Yên, nên cũng thường gặp gỡ, tiêu tao ngày tháng. Tuyến Nương đem vốn liếng Đậu hoàng hậu cho, dẫu đã tiêu pha vào việc lăng mộ ít nhiều, nhờ Giả Nhuận Phủ mua ở ngay cạnh đó mấy mẫu ruộng thờ, gọi lính tráng thuở trước cho cày cấy, nhà cửa thanh bạch, chẳng hề ra khỏi cổng.
Một hôm, đang ngồi chuyện trò với Tử Yên, bỗng thấy một người vén rèm bước vào. Tử Yên giật mình, công chúa đưa mắt nhìn kỹ, nhận ra Kim Đính, bèn hỏi ngay:
- Hay lắm! Ngươi về rồi! Sao lại xảy ra chuyện Hoa cô nương như thế? Ngươi về với ai?
Kim Đính quỳ xuống lạy chào, rồi mới thưa:
- Ngô Lương lên đường về trước, còn tiện tỳ thì cùng Hoa Hựu Lan tiểu thư đều cải trang, tìm đến chỗ La tiểu tướng ở U Châu. La tiểu tướng thấy thư cùng vật làm tin, vô cùng đau đớn, mời Hoa cô nương vào phủ, ở trong thư phòng có đến nửa tháng. Cũng may La Quận Vương biết được chuyện, liền sai quân dâng biểu về kinh, lại lo liệu cho La công tử cùng đi, qua Lạc Thọ. Thứ sử Tề Thiện Hằng biết chuyện, đón vào thành, ngày mai sẽ đến lăng mộ viếng Tào Hoàng hậu, cùng là xem ý tứ công chúa ra sao. Hoa cô nương hiện đang ngoài cửa, thật là một tiểu thư tài giỏi, công chúa nên lấy lễ trọng đãi. Xin cứ ra đón, công chúa sẽ thấy rõ ngay.
Công chúa liền cùng bốn năm hầu gái theo Kim Đính ra cửa, đưa mắt nhìn, thấy Hựu Lan chẳng khác nào La Thành trên ngựa thuở trước, trong lòng hồ nghi, nhưng nhìn lại, mày ngài cong cong, mắt sáng long lanh, mới biết không phải, rõ ràng giai nhân nữ tử. Hựu Lan thấy công chúa, vội vàng thi lễ. Công chúa cười, nói:
- Đội ơn Hoa tiểu thư tới đây, xin mời vào trong thay trang phục, rồi sẽ chuyện trò.
Vào thảo đường, công chúa sai hầu gái đưa Hựu Lan vào phòng sau, lấy y phục màu cho Hựu Lan thay. Lúc này mới thấy Hựu Lan còn xinh đẹp hơn Mộc Lan nhiều. Tuyến Nương chỉ Tử Yên, nói với Hựu Lan:
- Đây là Viên Quý nhân của triều Tùy, chị em kết giao của Tuyến Nương này. Dạo trước Tuyến Nương cũng đã từng kết giao chị em khác họ với Hoa Mộc Lan. Nếu Hoa cô nương đây không từ chối, xin hãy thế chân Mộc Lan vào chỗ này, làm bạn tri kỷ trong buồng khuê. Không biết ý của Hoa cô nương ra sao?
Hựu Lan thưa:
- Lời công chúa thật thỏa lòng thiếp, nhưng chỉ ngại phận hèn, liệu có sánh kim chi ngọc diệp?
Công chúa trách:
- Sao nỡ nói thế?
Rồi sai tả hữu hương án, Tử Yên cao tuổi nhất thì làm chị cả, rồi đến công chúa, thứ ba là Hựu Lan, ai nấy lạy bốn lạy, từ đó về sau xưng với nhau là chị em. Hầu gái mời mọi người vào bàn tiệc, công chúa cất tiếng:
- Tháng trước Ngô Lương về nói chuyện Mộc Lan, thiếp lòng đau như cắt, đáng tiếc sắc tài dường ấy, quên thân để toại chí, xưa nay ít có. Nay lại thêm Hựu Lan hiền muội, không nỡ phụ lời dặn, ngàn dặm tìm gặp La công tử.
Hựu Lan thưa:
- Mộc Lan cùng tiểu muội, đều rất trọng lời nguyền, Mộc Lan đã nhận lời, không ngờ có biến, tiểu muội cũng là vâng, theo mệnh nào dám ngại khổ, phụ chí của Mộc Lan. May La công tử vốn chung tình, thấy vật cũ lời xưa, vừa đọc vừa nước mắt ngắn dài, không vì chia tay, ngày dài tháng rộng mà quên tình xưa. Lại thêm Yên Quận Vương biết rõ ý công tử, sai quan dâng biểu chương, cùng cho công tử đi lo liệu mọi chuyện.
Công chúa làm thinh không nói. Tử Yên bèn bàn vào:
- Câu chuyện nhân duyên này, đúng là cả gái cả trai đều đáng trọng. La tiểu tướng lại thân tới, hiền muội Tuyến Nương cũng mau bằng lòng là hơn.
Tuyến Nương cười đáp:
- Hãy chờ hiền thư Tử Yên vu quy, ngu muội sẽ có đường của mình thôi.
Tử Yên hỏi:
- Sao lại nói vậy? Thiếp nay nếu không có lời trăng trối của Dương Thái Bộc, trông nom Hinh Nhi, lại chẳng có chuyện Mậu Công bao lần cầu khẩn, thì cũng cam tâm thủ chí, đâu dám nghĩ đến chuyện này?
Tuyến Nương nói:
- Nếu bàn chuyện thủ chí, thì trong cảnh này, ngu muội binh trong tay, quyền trong tay, làm gì chẳng xong.
Rồi lại sụt sùi:
- Chỉ thương Hựu Lan, một lòng nhiệt thành, nay chẳng nên công nên chuyện gì mà thôi!
Hựu Lan thấy nói thế, liền nghĩ: "Cứ xem như ta, cùng với La công tử, cùng chung giường chiếu trên dưới nửa tháng trời, mà vẫn giữ được tấm thân trong sạch, chỉ có trời biết cho mà thôi!". Liền cất tiếng thưa:
- Đậu hiền thư quyết lòng thủ chí, nhưng cũng có chỗ không thể giữ được.
Hựu Lan vốn tài uống rượu, nhưng vì ở chung với La Thành, sợ uống sẽ xảy ra chuyện không lường được, nói thác không biết uống rượu. Nhưng nay ở đây, toàn chị em với nhau, chẳng cần giữ gìn, bất giác đã say, nằm ngay bên bàn. Tử Yên cáo từ ra về. Tuyến Nương sai hầu gái đỡ Hựu Lan vào buồng trong rồi gọi Kim Đính ra hỏi chuyện. Kim Đính thưa:
- La tướng quân lúc đầu không biết, về sau cũng thấy nghi ngờ, liền tìm cách tra hỏi, tiếp đến cũng định cầu hoan, nhưng Hoa cô nương chỉ trời đất mà thề, nhất định không nghe. Tiện tỳ này nghe Hoa cô nương nói: "Đợi thiếp về gặp Đậu Công chúa một lần, nói rõ nguồn cơn, chuyện hoa chúc động phòng của công chúa lo liệu xong, thì xin sẽ chiều ý công tử”.
Công chúa không ngăn được lời than:
- Kỳ lạ thay. La công tử đúng bậc quân tử, Hựu Lan đáng dòng nghĩa nữ. Như Tuyến Nương ta, sợ cũng không làm thế được, Hựu Lan quyết giữ nhường ta, ta đem La công tử ra mà báo ơn vậy, thế là trọn vẹn mọi đường. Nhưng phải nhân lúc bản tấu của La công tử chưa đến bệ rồng, ta phải viết biểu tâu rõ hoàng hậu. Hoàng hậu sẽ xét cho lòng ta.
Ngay dưới đèn, ngồi dậy thảo biểu, gọi hầu gái làm bao cẩn thận cho vào. Lại viết một thư gửi cho Vũ Văn Chiêu Nghi, nhờ Chiêu Nghi dâng lên hoàng hậu, thêm một gói lễ vật trình hoàng hậu, một gói nhỏ biếu Chiêu Nghi. Vốn là năm trước, lúc Tôn An Tổ cùng Tuyến Nương chạy cứu Đậu Kiến Đức từng đem ngọc vàng để nhờ Vũ Văn Chiêu Nghi. Sáng sớm hôm sau, đem mọi thứ giao cho Kim Đính cùng Ngô Lương, lên đường về Trường An. Kim Đính bởi không thể nào bỏ được Phan Mỹ, biết rõ La công tử sẽ đến chỗ Giả Nhuận Phủ nên vội chạy ngay đến nhà Nhuận Phủ, thưa rõ mọi chuyện, để Nhuận Phủ nói rõ cho La Thành biết, rồi trở về cùng Ngô Lương lên đường.
*
Nay nói chuyện La Thành tới Lạc Thọ, Thiện Hằng mời vào thành, tiệc rượu bày ra. Công Cẩn hỏi tin tức Tuyến Nương, Thiện Hằng đáp:
- Công chúa không những có tài, có hiếu đã đành, mà còn coi sóc việc nhà rất chu đáo, rõ ràng là học được cách thức của Tào Hoàng hậu. Nay chuyển đến ở bên lăng mộ ở Lôi Hạ, rất phục người láng giềng là tiên sinh Giả Nhuận Phủ, công việc bên ngoài, chỉ có Nhuận Phủ nói là nghe.
Công Cẩn nghe nói cả mừng:
- Giả Nhuận Phủ cũng ở đó sao?
Thiện Hằng đáp:
- Hiện ở thôn Quyền Thạch trong vùng Lôi Hạ, Tần Vương đã nhiều lần mời ra làm quan, tiên sinh không chịu, ẩn cư tại đó.
Uất Trì Nam thưa:
- Hạ quan trước kia nhân đến dự lễ mừng thọ Tần thái thái, đã từng ở nhà Nhuận Phủ mấy ngày, thật là một bằng hữu có tài có tình, hào kiệt hải nội đều muốn kết thân. Công tử cũng nên đến thăm!
La Thành sai tả hữu sắp sẵn lễ vật viếng Tào Hoàng hậu, nào dê, nào lợn, cùng qua thăm Nhuận Phủ, có Thiện Hằng đi theo, ra khỏi Lạc Thọ tìm đến nhà Nhuận Phủ.
Nhuận Phủ đã được Kim Đính kể rõ mọi chuyện, lại thêm công chúa có nhờ cậy, sai người ra lăng mộ, làm hai dãy nhà cỏ, bày hương án mọi thứ chu tất, thì đã thấy người ngựa một đoàn kéo đến. Nhuận Phủ mời vào thảo đường, lễ chào xong xuôi, ai nấy an tọa, kể chuyện hàn huyên. La Thành đem chuyện đến xin công chúa làm lễ thành thân nói hết. Nhuận Phủ lên tiếng:
- Như các tiểu thư khác, thì còn có thể lường được, đường này Đậu Công chúa sâu sắc đắn đo, khó mà đoán định. Nghe tin La tướng quân tới cầu hôn, liền viết ngay tấu chương đêm hôm đó, sáng hôm sau hai người lên đường về Trường An, dâng lên hoàng hậu. Tài chí như thế, phải đâu hạng đàn bà tầm thường có được!
La Thành giật mình kinh sợ. Công Cẩn nói:
- Chúng ta chưa kịp dâng biểu, mà công chúa đã làm, phải đưa trình trước mới xong.
Nhuận Phủ nói:
- Trước sau cũng không quan hệ. La tướng quân hãy mau ra làm lễ viếng, rồi lên đường cũng chưa muộn đâu!
Nhuận Phủ cùng với Thiện Hằng dẫn La Thành ra phần mộ Dương Thái Bộc trước, thấy Dương Hinh Nhi chờ sẵn đáp lễ. Sau đổi sang phần mộ Tào Hoàng hậu, thì dọc hai bên nhà có rất nhiều người mang tang phục, một viên gia tướng già quỳ thưa:
- Công chúa cho tiểu nhân ra thưa với La tướng quân, phụ thân ở trong núi, không người đáp lễ, tướng quân tới đây cũng là tận tình, không dám để phải tới mộ hành lễ.
La Thành đáp:
- Phiền lão thần thưa lại với công chúa, tiểu tướng đây việc quân bận rộn, không dịp tới thăm hỏi, nay đã tới đây, lẽ nào không vào làm lễ. Huống chi cũng cốt nhục một nhà, sao lại nói chuyện đáp lễ.
Viên tướng già đi rồi, thấy cạnh đó, mấy hầu gái đỡ công chúa ra, mũ mấn áo gai, rõ ràng người xưa trên ngựa, lại còn duyên dáng hơn nhiều. La Thành vội thay trang phục, bước lại trước linh tiền quỳ lạy Công chúa từ sau màn bước ra, lạy trả lễ, nước mắt như suối chảy, La Thành cũng không ngăn được lệ tuôn hai hàng. Lễ xong, La Thành định tiến lại thưa chuyện, thì công chúa ôm mặt khóc lớn, rồi quay vào sau màn, mấy hầu gái đỡ theo cửa nhỏ mà đi khỏi ngay. La Thành đành quay ra, cởi bỏ tang phục. Công Cẩn, anh em Uất Trì lại trước linh tiền lạy một lạy. Nhuận Phủ lên tiếng:
- Hạ Vương hiện không có đây, công tử làm lễ, đã có công chúa đáp hoàn. Thôi thì lễ hợp với thời mà làm. Các vị mà hành lễ, lấy ai đáp hoàn, cũng thật không nên.
Một gia đinh tới gần quỳ thưa:
- Xin mời các ngài vào thảo đường uống rượu!
Nhuận Phủ đưa mọi người vào nhà, thấy đã bày sẵn bốn bàn tiệc Bàn thứ nhất là của La Thành, bàn hai là Công Cẩn, Thiện Hằng. Uất Trì Nam, Uất Trì Bắc ngồi đối diện tiếp La Thành ở bàn ba, bàn tư là Nhuận Phủ cùng với Hinh Nhi. Rượu được ba tuần, thì thấy mấy người lính, khiêng đến hai con lợn, bốn con dê béo, bốn vò rượu, ba nghìn quan tiền, quỳ xuống thưa:
- Công chúa thưa rằng rượu dê thôn dã, để khao tùy tòng, xin công tử đừng chê thô lậu, ban cho mọi người cùng hưởng.
La Thành cười:
- Cũng đều là binh lính trong nhà, hà tất công chúa phải lo lắng.
Rồi quân sĩ vào thảo đường tạ ơn cùng hưởng rượu thịt, thì thấy một hầu gái bước ra quỳ thưa:
- Công chúa truyền rằng, không cần phải tạ lễ.
Một tên lính của La Thành chỉ tay cười, nói:
- Bà chị này đúng là vị nữ tướng mồm miệng liến thoắng trước trận hồi nọ. Bà chị có nhận ra em chăng?
Ngươi hầu gái cũng cười đáp:
- Chị làm sao nhận ra được lũ quỷ sứ!
Ai ấy đều cười lớn.
La Thành đem năm mươi lạng bạc, thưởng cho gia nhân công chúa. Tuyến Nương sai một hầu gái ra tạ ơn. La Thành nói:
- Người hãy vào trình với công chúa, ta tới đây, một là viếng Tào Hoàng hậu, hai là thưa chuyện hôn lễ cùng công chúa, để sớm được thành gia thất. Xin công chúa hãy vạn phần trân trọng, đừng quá bi thương.
Hầu gái vào, lát sau ra thưa:
- Công chúa thưa lại, chuyện hôn nhân đại sự, có Đậu hoàng hậu cùng phụ thân chủ trương, công chúa không dám tiện thiện tự nhận lời.
La Thành rầu rĩ đáp:
- Ý của công chúa, ta cũng đã rõ, lúc này cũng khó mà thưa lại. Nhưng còn Hoa cô nương, trước đã có hứa cùng ta đi Trường An, nay nếu công chúa bằng lòng, xin để Hoa cô nương cùng đi.
Hầu gái vào thưa lại. Tuyến Nương hỏi Hựu Lan:
- Hoa hiền muội, La công tử đã có lời mời, nay ý hiền muội ra sao?
Hựu Lan thưa:
- Trước chỉ là nói thế cho xong chuyện, bởi lẽ tòng quyền vậy thôi, cũng chỉ một lần phải theo, chẳng nên lần nữa vậy!
Tuyến Nương nói;
- Nay trả lời ra sao, hiền muội hãy tự lo, ta chẳng biết đâu!
Hựu Lan đáp:
- Chẳng khó gì!
Liền vào án, viết ngay mười sáu chữ, gấp cẩn thận, sai hầu gái:
- Ngươi hãy cầm đưa cho La Tướng quân, khẽ thưa rằng ta tạ ơn tướng quân. Còn nhiều gặp gỡ, xin tướng quân hãy giữ gìn.
Hầu gái như lời, La Thành xem giấy, thấy viết:
Đến thì cùng đến Đi khó cùng đi Hương hoa có hẹn Tạm dừng ngựa xe. La Thành cười nói:
- Phiền ngươi thưa lại cùng công chúa, Hoa cô nương đã không thể đi cùng, xin công chúa hãy trân trọng mình vàng.
Rồi cùng mọi người ra cửa, cũng bởi ngày đã gấp nên không thể lại nhà Nhuận Phủ chuyện trò. Hầu gái vào thưa lại, công chúa chỉ mỉm cười không nói. Vừa gặp lúc bốn vị phu nhân ở Nữ Trinh am tới, công chúa liền cùng Tử Yên, Hựu Lan ra đón. Lấy lễ chị em mời ngồi đâu đấy công chúa lên tiếng:
- Bốn vị phu nhân, trận gió quý hóa nào đưa đến đây thế này?
Tần phu nhân đáp:
- Sắc xuân đầy rừng, hương bay ngàn dặm, sao lại không tới mừng công chúa, cùng là bái kiến Hoa cô nương, để cùng xem mặt cô dâu cả vậy.
Công chúa đáp:
- Đây chính là Hoa hiền muội, thiếp thì sợ mọi chuyện còn nhiêu khê. Nếu các phu nhân không tin thì hãy cứ xem người làm chứng không biết nói đây!
Rồi đưa tờ bản thảo tấu biểu cho bốn phu nhân xem. Địch phu nhân nói:
- Nếu thế này thì Hoa cô nương phải thay chỗ công chúa thôi.
Công chúa đáp:
- Ngọc liên thành, đến nay vẫn không vết, xin đừng nghi ngờ.
Tử Yên nói:
- Đậu hiền muội nói kỹ càng, nếu không, ta cũng chằng tin. Chí hướng của Hoa hiền muội thật ít có!
Bốn vị phu nhân kéo Tử Yên lại hỏi chuyện. Tử Yên đem chuyện Hựu Lan đến tìm La Thành ra sao, công chúa hỏi Kim Đính tối hôm trước thế nào, kể lại một lượt. Lý phu nhân nói:
- Cứ đúng như thế thì Hoa cô nương thật là người có chí, mà Đậu công chúa thật là bậc có lòng. La tướng quân đáng bậc trượng phu. Cả ba từ lòng dạ đến việc làm, khiến cho xung quanh kính nể vậy.
Bốn vị phu nhân lại làm lễ kết giao chị em với Hựu Lan, trò chuyện suốt đêm. Sáng mai, bốn vị phu nhân chào công chúa:
- Chúng tôi về đây! Hôm khác sẽ lại!
Rồi lần lượt cầm tay Hựu Lan:
- Hoa hiền muội lúc nào rỗi rãi, hãy cùng Tử Yên tới am chơi một phen.
Hựu Lan thưa:
- Thế nào cũng phải tới hầu các phu nhân!
Bốn vị phu nhân lên xe ra về.
*
Lại nói đoàn La Thành cùng Công Cẩn, chỉ sợ tấu chương của Tuyến Nương tới trước, nên ngày đêm vội vàng vào Trường An, khoảng trên hai mươi ngày đã tới. La Thành sai người vào thành trước, báo cho Tần Thúc Bảo. Thúc Bảo sai gia nhân sắp sẵn tiệc rượu, cùng Hoài Ngọc cưỡi ngựa ra đón. Được vài dặm đã gặp đoàn La Thành, liền cùng về nhà, làm lễ, lạy chào. La Thành vào bái kiến Tần thái thái, Thúc Bảo đưa vào hậu đường chào Trương phu nhân. Tần thái thái gặp cháu, hân hoan mà rằng:
- Phụ mẫu cháu có khỏe mạnh không? Dạo trước cháu có nhờ Tề Quốc Viễn đem thư tới, cũng bởi Thúc Bảo việc quân bận rộn, chưa có thư phúc đáp.
Thúc Bảo đỡ lời:
- Cũng bởi nhận được thư của La hiền đệ, nhờ làm băng nhân với Ái Liên tiểu thư. Nhưng tiểu đệ đương đánh nhau với Vương Thế Sung, sau đó Thế Sung đầu hàng, Đơn viên ngoại bị bắt, triều đình chẳng tha tội. Tiểu đệ nghĩ đến lời thề tử sinh cùng Đơn viên ngoại trước kia, nên hứa đem Hoài Ngọc làm rể, lúc ấy Đơn viên ngoại mới yên lòng chịu chết. Tiểu đệ nghĩ La Tổng quản danh tiếng lẫy lừng. La hiền đệ thiếu niên anh tuấn, thật đáng mặt làm rể đông sàng của các bậc vương bá. Mấy hôm nay đang định viết phúc đáp, may gặp hiền đệ tới, ta cũng cùng nhau trò chuyện. Xin hiền đệ tha tội.
La Thành nói ngay:
- Tiểu đệ đâu có nhờ đại huynh làm mối Đơn tiểu thư lần nào đâu?
Rồi kể lại chuyện hứa hôn với Đậu Công chúa:
- Tiểu đệ có biết Đậu Kiến Đức đã từng ở Nhị Hiền trang hàng năm, nên nhất định là thân thiết với Đơn viên ngoại, lại biết Đơn viên ngoại cùng với đại huynh kết nghĩa đệ huynh, nên mới cậy đại huynh đứng làm trung gian, nhờ Đơn viên ngoại lo liệu hộ. Còn nói là hỏi Đơn tiểu thư thì thật là chuyện không có vậy.
Thúc Bảo đáp:
- Thì thư còn đó, chẳng nhẽ tiểu đệ nói sai sao nữa!
Liền quay vào lấy thư. La Thành cầm xem:
- Thế thì thật lạ lùng, hoàn toàn không phải nét chữ tiểu đệ. Dạo ấy viết xong, đệ giao tận tay Tề Quốc Viễn, chẳng nhẽ Quốc Viễn định đùa tiểu đệ sao?
Thúc Bảo đáp:
- Cũng không khó, tiểu đệ mời Quốc Viễn, Lý Như Khuê, Trình Giảo Kim cùng đến gặp gỡ.
La Thành bèn hỏi:
- Quốc Viễn ở Ngạc Huyện với Sài Tự Xương, sao lại có mặt ở Trường An?
Thúc Bảo đáp:
- Cũng bởi Tự Xương có công, nên Quốc Viễn được thăng Đại lý tự bình sự. Lý Như Khuê thăng Loan nghi vệ quan quân sự.
La Thành nói:
- Nghe nói đại huynh có người em nuôi là La Sĩ Tín, thiếu niên anh hùng sao vẫn chưa thấy?
Thúc Bảo đáp:
- Hiện được thánh thượng sai đi Định Châu.
Gia tướng vào thưa:
- Các vị đã đến đủ cả!
Thúc Bảo cùng La Thành ra đón, lạy chào xong xuôi, ai nấy cùng ngồi. La Thành đem chuyện gửi thư kể lại, Quốc Viễn liền đáp:
- Tiểu đệ sau khi từ biệt hiền huynh, gặp toán quân Lưu Vũ Chu nổi loạn, chặn đường bắt làm tiên phong, gặp phải con gái Đậu Kiến Đức, đội nữ binh đánh cho một trận tơi bời, tiểu đệ bị bắt làm tù binh, lúc ấy còn cả một người họ Hoa. Con gái họ Đậu tra hỏi mấy câu họ Hoa khai là gái, liền bị lôi ra sau trại khám xét thì quả vậy, mới giữ họ Hoa làm gia tướng. Đến lượt tiểu đệ, cũng nghĩ mình chẳng có đẹp tốt, chẳng chóng thì chầy cũng sẽ được một nhát, may còn nhanh trí, tìm cách xưng tên La hiền huynh cùng tư mã Tôn An Tổ ra. Họ Đậu nghe, liền mở trói mời ngồi, trò chuyện, hình như cũng có biết hiền huynh, nên thăm hỏi rất tỉ mỉ, lại căn vặn gửi thư đi đâu Tiểu đệ vốn không biết nói dối bao giờ, nên cứ thật thà mà xưng. Họ Đậu đòi xem thư của hiền huynh, nhưng không đọc ngay, ngắm nghía một hồi rồi giấu vào hài, nói với tiểu đệ: "Thư này để lại đây lúc nào lên đường xin sẽ trả lại. Không ngờ ngày mai, tin của Đậu Kiến Đức giục về, liền sai người đưa thư trả lời cùng hai mươi lạng bạc nữa cho tiểu đệ, thật là ân cần vậy.
La Thành vội vào lấy trong hành lý thư của công chúa gửi Hựu Lan mang tới, thì rõ ràng nét chữ là một, mới biết là thư chính do công chúa thay vào. Thúc Bảo nói:
- Việc thế này, mới biết công chúa đáng bậc trí đa mưu, thực xứng với La hiền đệ.
Công Cẩn đáp lời:
- Chưa chắc đã xong đâu!
Liền đem chuyện La Thành đến điếu tang, công chúa tiếp đãi ra sao, viết biểu tâu Hoàng hậu, Kim Đính kể lại thế nào, kể lại một lượt Như Khuê cười nói:
Nếu mà như vậy, thì quả công chúa là bậc nữ tướng trong phòng khuê của La tướng quân, khiến cho Tề hiền huynh mới ba hoa đủ chuyện, làm hại La tướng quân như vậy.
Quốc Viễn vội đứng dậy tạ lỗi La Thành:
- Tiểu đệ nào biết sự lắc léo bên trong, nên mới làm khổ hiền huynh, xin thứ lỗi!
Ai nấy vỗ tay cười lớn. Bỗng gia tướng vào thưa:
- Hôm nay thánh thể bất an nên không ra triều.
Thúc Bảo nói với La Thành:
- Nếu như thế, hãy đưa tấu biểu của La Tổng quản, cùng là chức danh của các vị, nhờ dâng trình trước có nên chăng?
La Thành đáp:
- Xin đại huynh lo hộ cho mọi chuyện.
Xong xuôi, ai nấy ngồi vào bàn tiệc.
*
Lại nói Kim Đính, Ngô Lương, vâng lệnh công chúa, đem biểu chương tới Trường An, tìm vào dinh Vũ Văn Sĩ Cập, đưa lễ vật cùng thư ra, nói rõ ý của công chúa. Sĩ Cập vì công chúa đã được hoàng hậu nhận là cháu gái, không dám coi thường, vội ra hỏi chuyện Kim Đính, Ngô Lương đầu đuôi mọi chuyện, viết mấy chữ, sai gia nhân vào mời một nội giám ra, giao cho biểu chương cùng lễ vật đem vào trình Vũ Văn Chiêu Nghi. Chiêu Nghi thu lễ vật của mình, cầm tấu chương, sai cung nữ bưng lễ vật vào trình Hoàng hậu. Gặp lúc vua Đường không khỏe mình rồng, không ra triều, đang cùng đánh cờ với Đậu hoàng hậu ở nội cung. Chiêu Nghi tới lạy chào, dâng biểu, lễ của Tuyến Nương. Đậu hoàng hậu thấy lễ vật toàn là ngọc quý, lụa hiếm, liền phán:
- Tuyến Nương một thân một mình, lại còn khổ tâm thờ phụng ta thế này.
Vua Đường hỏi:
- Tuyến Nương còn có biểu chương gì nữa?
Cung nữ dâng lên, vua Đường mở ra xem, thấy viết rằng:
Muôn tâu: Bày tỏ lòng ngu Mong thành việc tốt Trộm nghĩ: Đạo trời nam nữ Thành chữ thật gia Lễ trọng hôn nhân Theo lời cha mẹ Nếu mà lỗi tình Ngô Sở thẹn thùng khi nguyệt lão chỉ hồng Đến nỗi ôm hận Phan Dương dang dở bấy duyên may áo thắm (1) Trên bộc thề bồi lầm lẫn Trong dâu đính ước đinh ninh Yếu ớt cửa bồng còn sợ mang lời ong bướm Lênh đênh nước mắt những e trái ý tổ tiên Thiếp tôi họ Đậu, gặp nạn tầy đình Mong đội ơn trời, còn may hơi thở Giấc mộng phồn hoa mấy kẻ ngâm bài thịnh thế Nặng tình cha mẹ một mình khóc thơ “Lục nga" (2)
1 Ngô, Sở, là hai nước lớn thời Chiến Quốc, đánh nhau suốt đời này qua đời khác. Chỉ quan hệ thù địch. Phan Dương: hai họ Phan, Dương, thời xưa nhiều lần tính chuyện hôn nhân mà không thành. 2 Lục nga: Tên một bài thơ trong "Kinh thi”. nói về cù lao chín chữ, ơn cha mẹ. Lúc đầu, thiếp tôi chỉ mong cho cha mẹ được bảo toàn tính mạng, đâu dám ước đến ơn vua tha tội búa rìu, lại được hoàng hậu nhận làm con nuôi, đứng vào hàng thân quyến nhà vàng. Thật là điều quá may cho người ở đời này vậy, cha thiếp bỏ trần tục mà đi tu, vâng lệnh vua ban, thật là mây trắng bay xa thảm thê cây đỏ người lìa nước mất, đơn chiếc áo vàng. Thiếp tôi cùng La Thành, trước kia là nước thù địch, dù nhìn mẹ thương lòng, cũng khó định chữ duyên. Không mệnh cha mẹ chọn rể kén dâu, lỗi phân Tần Tấn.
Về tình về nghĩa đều khó đúng thay, cầu hôn dai dẳng mãi đến bây giờ, lỗi phần ai vậy? Ngày trước thiếp tôi nghiễm nhiên một nước, La Thành còn chưa hẳn hoi đính ước, nay huống chi một thân bồ liễu gió táp sương sa, thiếp tôi sao xứng nâng khăn sửa túi cho công tử họ La cửa tướng tước hầu? Từ nay trở đi, thiếp tôi xin búi tóc, lên ngựa, cùng trời cuối đất tìm cha mà đi tu.
May mà sống thì gặp phụ thân Rủi có chết lại nương từ mẫu Dù thời thế khác Dù sự người thay Lòng đâu phải đá Khó mà chuyển lay Lại xin thêm rằng: Ngày trước vào bệ kiến, Hoàng hậu ban ơn cho cả em gái kết giao là Hoa Mộc Lan, vốn đi lính thay cha, đền chữ hiếu thảo. Mộc Lan về thăm quê, thần thiếp sai thể nữ theo hầu, nhờ đem thư để trả thề xưa. Ai ngờ Khả Hãn Yết Bà Na biết nàng tài mạo song toàn, định chiếm làm vợ, Mộc Lan không chịu khuất mà tự vẫn, trọn tình, trọn hiếu, trọn trung, thật đáng làm gương cho đời.
Lạ hơn nữa, Mộc Lan trước khi chết sợ thiếp tôi bỏ đi tu, nên đinh ninh dặn em gái là Hựu Lan, cải dạng nam trang, cầm thư sang đất Yên cho La Thành. Hựu Lan theo lệnh chị, xông pha sương tuyết cầm thư trả lời về cho thiếp tôi. Lũ hầu gái về kể lại, La Thành biết Hựu Lan giả trai, nhưng Hựu Lan vẫn giữ mình, không hề trái lễ.
Dù giường chiêu cùng chung Mà chữ trinh vẫn đó Thiếp tôi lúc đầu thì chưa tin, nhưng sau xem ra đúng vậy. Ai ngờ trong vòng trời đất lại có được viên ngọc toàn vẹn đến thế. Kinh nghĩ rằng: Triều đình rất trọng nhân luân thì bậc quẩn thoa như thế đáng nêu gương cho đời lắm lắm. Đối với thiếp thì chí không thể cướp, mà đối với Hựu Lan thì tình rất nên khen. Vả lại Hựu Lan, La Thành gần giường trò chuyện, sao khỏi mối hiềm nghi dưới mận trong dưa, với tay cầm kinh học, nghĩa thơ đào yêu lá thắm. Muôn vàn kính xin hoàng hậu, tâu lên thánh đế mà tuyên dương hiếu nghĩa của Mộc Lan, cùng ngợi nết trong sạch của Hựu Lan, tha tội cho thần thiếp, xét soi đến lời tâu này, để thần thiếp được sống như loài cỏ cằn, vui với hươu nai hoẵng đồng, gội ơn mưa móc mà được tiếng bất hủ.
Trông trời cao, nhờ lượng biển, vô cùng run sợ dâng tờ tấu này.
Chờ mệnh hoàng đế Cẩn tấu. Đậu hoàng hậu nói:
- Tuyến Nương dạo trước bệ kiến, vẫn nói là hứa hôn với La Thành, sao bây giờ lại từ chối?
Vua Đường đáp:
- Có lẽ là sợ La Nghệ coi là con nhà mất nước, định tìm chỗ khác cũng chưa biết chừng.
Vũ Văn Chiêu Nghi thưa:
- Nhân duyên đại sự, một lời đã định, nào phải vì sự thịnh suy mà thay đổi, làm sao lại có thể để Tuyến Nương suốt đời chẳng gia thất. Lại nữa hoàng hậu đã nhận là cháu gái, thì nào có nhục gì đến La Nghệ.
Đậu hoàng hậu nói:
- Bệ hạ những nên đứng ra chủ hôn, cho Tuyến Nương thêm vinh hạnh.
Vua Đường đáp:
- Tuyến Nương vừa hiếu thuận vừa trung dũng, trẫm rất thương yêu, chỉ tiếc Mộc Lan thay cha tòng quân, thật là hiếu nữ, thủ tiết tự vận, thật đáng nêu gương. Nay lại được Hựu Lan, thay được chí Mộc Lan, cùng là La Thành "đồng sàng bất loạn", cũng thật khó có.
Chiêu nghi thưa:
- Thiếp nghe Từ Mậu Công đã đính hôn với quý nhân Viên Tử Yên của nhà Tùy, cùng ở một nơi với Tuyến Nương. Bản tấu chương này lời lẽ hoa mỹ, hoặc là do tay Tử Yên mà ra cũng chưa biết chừng.
Lại thấy thái giám nâng nhiều tấu sớ dâng lên, vua Đường cầm xem tờ trên cùng, thấy là biểu mừng của La Nghệ, liền phán:
- Vội nói La Nghệ định thay hôn thú, đã thấy ngay bản tâu trình rồi.
Vội mở ngay ra đọc, thấy viết rằng:
Muôn tâu: Trải hết tấc hèn Vuông tròn việc lớn Trộm nghĩ: Thế chính vua minh, lấy nhân nghĩa làm gốc, nhân luân dân mọn, lấy gia thất làm đầu. Từ xưa, bậc thánh triết trị đời, không khi nào thương xót dân mà lại để kẻ cô đơn, góa bụa chẳng chỗ nương tựa, không nơi tổ ấm. Thần La Nghệ, vốn là tên lính, nhờ lượng thánh thương kẽ ngu trung, giao cho coi giữ biên thùy, thần đâu không dám không hết sức vỗ yên bờ cõi, lũ giặc cỏ ngông cuồng bị tiêu diệt toàn là nhờ uy trời. Song trước đây phản thần Đậu Kiến Đức xâm chiếm miền ải Tây, đánh vào đất vắng, thần đem binh đánh dẹp và sai con trai phá Kiến Đức, tướng tá quân binh của chúng sợ uy trời, quăng giáo chạy dài. Riêng con gái Kiến Đức là Tuyến Nương vốn là một nữ tướng kiêu dũng, ai ngờ trước trận tiền, vừa thấy con trai thần, không múa gươm vàng chống lại, mà thề nguyền chỉ đỏ buộc chân, trên ngựa một lời, trăm năm ghi dạ.
Đó là việc tư tình của bọn trẻ, không dám nhàm tai thánh đế. Con trai thần nay đã hai mươi tư tuổi, vì bốn phương nhộn nhạo, chưa kịp nghĩ đến chuyện vợ con, còn Kiến Đức đã quy phục thánh triều, tu lánh cõi đời trần tục. Thần nghe rằng, Tuyến Nương lấy mạng mình xin thay tội chết cho cha thì thật đáng khen, lại được mẫu hậu ra ân nhận làm dưỡng nữ, giá hèn côi cút, chờ ngày vu quy, còn con trai thần giải mũ cài chặt từ lâu (1) công việc chinh chiến đã quen ở ngoài cửa ải.
Thần trộm nghĩ, vợ chồng là quan hệ luân thường lễ giáo, nam nữ là đạo tín nghĩa, thủy chung, nếu bỏ gái ấy thì con trai thần khó kiếm vợ, mà không lấy được con trai thần thì gái kia cũng khó kiếm được bạn trăm năm xứng đáng. Thần vốn là một bề tôi ở biên trấn, nhỡ có cử chỉ sai lầm chuốc lấy tội lỗi mạo muội dâng lời lên bệ ngọc, cúi rạp đất xin thánh đế xét soi xếp đặt duyên lành cho trẻ. Thần vô cùng run sợ dâng tờ biểu này
Cẩn tấu. 1 Ý nói đã quá tuổi đội mũ từ lâu. Tuổi đội mũ, tính cho con trai quý tộc, giàu có lúc đủ mười tám.
Vua Đường xem xong cười phán.
- Cũng may U Châu thứ sử Trương Công Cẩn cùng với La Thành đã tới Trường An, ngày mai trẫm xét hỏi, sẽ biết rõ ràng.
Tần Vương vào vấn an, vua Đường đưa cả hai tờ biểu cho xem, Tần Vương thưa:
- Tuyến Nương văn võ toàn tài, đã là chuyện lạ. Chị em họ Hoa, toàn trung hiếu, đủ tín nghĩa, Mộc Lan thủ chí tự vẫn, có thể là đúng Hựu Lan cùng giường mà không loạn, khó có bằng chứng.
Vua Đường phán:
- Vừa rồi Vũ Văn chiêu nghi có nói, tấu chương của Tuyến Nương, nghi là của Viên Tử Yên làm thay, chẳng biết thực giả? Tại sao Từ Mậu Công cũng chưa làm lễ thành thân?
Tần Vương đáp:
- Mậu Công vì sợ Tử Yên là cung nữ của nhà Tùy cũ, không dám tự tiện, chờ xin thánh ân, sau mới dám thành thân.
Vua Đường phán:
- Mười sáu viện nhà Tùy, cung nữ khá nhiều, đều có tên tuổi, không hiểu tại sao chẳng thấy một ai?
Tần Vương đáp:
- Kiến Đức diệt Vũ Văn Hóa Cập, Tiêu Hậu đem nhiều người theo về, cho nên phi tần cũng phần nhiều ở đó cả. Nay nhân chuyện nhân duyên của La Thành, cũng gọi cả Viên Tử Yên, làm lễ hoa chúc cho Mậu Công, có thể hỏi được ít nhiều tin tức của các phi tần khác.
Vua Đường bằng lòng, sai Vũ Văn Sĩ Cập cùng hai thái giám, đem thánh chỉ triệu Tuyến Nương, Hựu Lan, Tử Yên vào kinh gặp thánh thượng.
Chưa biết về sau ra sao, hãy xem hồi sau sẽ rõ.