Sửa chánh tả: ThanhVien
CHƯƠNG 62

1944 – 1945
- Hai tờ nhựt báo Saigòn trong nhà tù.
- Chiếc máy bay bí mật.
- Tình hình biến chuyển
- Giải phóng.
- 9/3/1945: Chấm dứt cuộc đô hộ Pháp.
- Việt Nam “Ðộc Lập “ của Nhật Bổn.
- Bom nguyên tử Mỹ.
- Nhật đầu hàng.
Trại giam tù cách đồn lính Khố xanh ( Garde Indochinois ) 100 thước, do một viên đồn trưởng Pháp chỉ huy. Hắn là một sĩ quan già có đánh giặc ở Syrie-Liban hồi Ðệ Nhất Thế Chiến, và sang Việt Nam được làm “ Giám binh Lính Khố Xanh “ từ lâu năm.
Cũng như đa số người Pháp theo chính sách tùy thời ở Ðông dương lúc bấy giờ, viên Ðồn trưởng nầy suy tôn Thống chế Pétain là anh hùng cứu quốc của nước Pháp, và chửi bới De Gaulle là “ phản quốc “, và phe Ðồng Minh Anh-Mỹ là kẻ thù tàn bạo của nhân dân Pháp.
Trong trại giam, trừ một thiểu số Cao Ðài và đảng Ngô Đình Diệm, còn thì tất cả tù nhân khác đều chống Nhật, và tin tưởng chắc chắn rằng phe Ðồng minh sẽ thắng trận. Nhưng toàn thể tù nhân đều chống Pháp, và coi Thống chế Pétain chỉ là một nhân vật bù nhìn, làm tay sai cho Hitler, không hơn không kém.
Tuy nhiên, muốn đời sống trong lao tù được yên ổn, muốn tránh mọi sự đàn áp và sát hại của viên Ðồn trưởng Pháp và của 150 lính Khố xanh Rhadés triệt để trung thành với y, toàn thể tù nhân đã bảo với nhau cứ giả cờ “ngoan ngoản“ ngoài mặt, đừng biểu lộ một chút gì chống lại chính sách của Tây ở Ðông dương. Trái lại mỗi khi viên Ðồn trưởng hay lính hỏi, thì bất cứ người tù nhân nào cũng tán thành ngoan ngoãn Thống chế Pétain …Nói cho qua chuyện, để Tây đừng để ý kiếm chuyện làm hại tù.
Hậu quả bất ngờ của chủ trương dối trá đó, là viên Ðồn trưởng già cho phép tù nhân được đọc hai tờ báo Saigon mỗi ngày: tờ báo Pháp La Dépêche và tờ Ðiện Tín. Chính y gởi mua dài hạn hai tờ báo ấy ở Saigon do ngân sách của nhà tù đài thọ.
Nhờ hai tờ nhật báo, tù nhân được theo dõi hằng ngày những tin tức khá đầy đủ và khá sốt dẻo về chiến cuộc thế giới, cũng như về tình hình sinh hoạt chung trong nước.
Ở mặt trận Tây phương, Quân Ðội Ðồng Minh Anh-Mỹ đã đổ bộ trên đất Pháp nơi hai bờ biển Normandie và Provence, và đang ào ạt tiến sâu vào nội địa, sắp vượt qua sông Rhin và dãy núi Alpes. Ở mặt trận Trung Âu, Nga cũng đang chọc thông các phòng tuyến Ðức và tiến vào Ba Lan …
Ở mặt trận Thái Bình Dương, quân Mỹ của Mac Arthur đã thắng trận ở Corregidor, biển San Hô, đảo Saipan, và đổ bộ lên đất Phi-Luật-Tân.
Những tin chiến thắng sấm sét của phe Ðồng Minh mỗi ngày dồn dập, phe phát-xít Ðức – Ý - Nhật mỗi ngày thất bại thê thảm, làm phấn khởi tinh thần của tù nhân hy vọng chắc chắn vào ngày giải phóng không còn xa lắm nữa.
Ngoài những tin chiến tranh, Tuấn còn đọc hết những tin lặt vặt hàng ngày, cho đến những quảng caó, những dòng rao vặt, để tìm hiểu tất cả những khía cạnh sinh hoạt của đồng bào về mọi phương diện.
Một buổi chiều, vào khoảng 6 giờ, một lúc sau khi mặt trời lặn, tù nhân còn đang chơi ngoài sân, thì một chiếc máy bay Mỹ, U.S Air Force, bỗng từ hướng đông vụt bay qua, tiếng động cơ rầm rầm, sát trên nóc đồn lính Khố Xanh và trên trại giam. Tuấn vừa ngước đầu ngó lên thì phi cơ đã biến mất về phía rừng Cheo Reo, ở hướng Tây.
Chiếc phi cơ bí mật gây xúc động cho cả tù lẫn lính Rhadés, còn viên Ðồn trưởng Pháp thì ngơ ngác lo sợ. Y định báo tin cấp tốc cho Công sứ Pháp ở Sông Cầu biết. Nhưng suy nghĩ một đêm, sáng hôm sau, y hỏi ý kiến một số tù nhân.
Theo Tuấn, thì có lẽ chiếc phi cơ Mỹ từ Thái Bình Dương bay vào để thả dù tiếp tế khí giới cho những nhóm người kháng chiến Ðồng Minh bí mật hoạt động biên giới Việt- Miên – Lào.
Giới Pháp và Cách mạng “ An nam “đều biết rằng vào giữa năm 1944, Ðại tướng Pháp Mordant, nguyên Tổng tư lệnh Quân đội Pháp ở Ðông dương (đã xin từ chức ), và Trung tướng Aymé, Phó tư lệnh lên thay thế Mordant, đang âm mưu tổ chức “ Lực lượng kháng chiến chống Nhật “ bí mật ở các vùng rừng núi Bắc kỳ, Nam Trung kỳ và Nam kỳ, ở biên giới Việt Miên Lào.
Theo lệnh của De Gaulle, Ðô Ðốc Toàn quyền Decoux được bí mật loan báo về phong trào kháng chiến, nhưng bắt buộc phaỉ làm ngơ. Vả lại, tình hình chính trị của nước Pháp đã biến chuyễn. De Gaulle đã vào Paris nhờ Quân đôị Ðồng minh giải phóng, và lập “ Chính phủ lâm thời Cộng Hoà Pháp “ giữa sự hoan hô cuồng nhiệt của dân chúng.
Quân đội Hitler baị trận đã bị đánh bạt ra khỏi lãnh thổ Pháp. Thống chế Pétain bị quân đội Ðức bắt cóc đem qua Ðức lập chính phủ bù nhìn lưu vong. Ông gìa khốn đốn đã mất hết uy tín đối với nhân dân Pháp, chỉ còn như một món đồ chơi bị gẫy nát, vô dụng, trong tay của tay lãnh tụ Nazi khát máu điên khùng.
Chính phủ Vichy không còn nữa. Chính quyền thuộc địa Pháp ở Ðông dương cũng mặc nhiên thay đổi chiều hướng, và dù muốn dù không cũng phải tự bắt buộc nhìn nhận De Gaulle, lãnh tụ của nước Pháp vừa giải phóng.
Viên đồn trưởng trại giam, cũng thay đổi lập trường tức khắc. Hắn ra lịnh cho lính Rhadés và tù nhân phải hạ bệ những bức ảnh của Pétain, và treo ảnh De Gaulle lên thay thế. Thích thú nhất là nghe hắn trở giọng hoan hô De Gaulle, nhiệt liệt ca tụng “ vị cứu quốc chân chính “ của nước Pháp, và không nhắc đến tên Thống chế Pétain nữa. Trên thực tế, sự thay đổi lập trường đó không khó khăn gì, vì màu cờ ba sắc của Pháp và bài quốc thiều La Marseillaise vẫn giữ nguyên vẹn.
Ðồng thời viên đồn trưởng cũng vui mừng báo tin cho tù nhân biết y đã nhận được công văn của Toà Khâm Sứ Huế ra lịnh thả tự do cho một số tù nhân. Tuy nhiên, sự phóng thích sẽ thực hiện từng đợt, cách nhau vài ba tháng.
Ðợt đầu có 20 người nô nức ra về. Toàn thể tù nhân sắp hàng trước nhà tù, hát bài
“Ce n’est qu’un au revoir “ để tiễn biệt những người bạn đồng lao may mắn được ân xá trước tiên.
Ðợt thứ hai có 15 người, cũng ra đi với nghi lễ thân mật và cảm động ấy.
Còn lại 70 người, Tuấn sốt ruột lắm vì viên đồn trưởng cho biết những người có hồ sơ nặng nhất sẽ bị ở lại cho đến ngày Chiến Tranh chấm dứt ở Ðông Dương.
Ðến chừng nào? Tuấn còn bị giam giữ với 70 người ở lại.
Mãi ba tháng sau, viên đồn trưởng mới được lịnh phóng thích đợt ba, trả tự do cho 25 người. Tuấn vui mừng nhảy nhót khi thấy tên mình trong danh sách hồi hương.
Về đến tỉnh nhà đầu tháng 2-1945, Tuấn còn bị lính của sở Mật thám Pháp và của Công Sứ Pháp ở địa phương cho được về làng quê quán, nhưng bị quản thúc ở đấy cho đến hết chiến tranh. Muốn đi đâu phải xin phép ông …Lý trưởng.
Cũng may, Lý trưởng là người bà con trong họ, Tuấn đi chơi thong thả, tự do, khắp các làng, các tổng, huyện, và ở cả tỉnh thành.
Tuấn vô cùng ngạc nhiên nhận thấy, trong các cuộc tiếp xúc thân mật với đủ hạng người trong các giới đồng bào, đa số dân chúng như còn tin tưởng rằng nước Pháp đã nhờ Ðồng minh giúp cho thắng trận chắc sẽ còn ở lại Ðông dương, như sau thời Ðệ Nhất Thế Chiến 1914-1918.
Ðến cả những phần tử cách mạng quốc gia, và cộng sản cũng có ý nghĩ lo ngại như thế. Hầu hết dân chúng đều tin rằng Nhật sẽ bại trận. Ðồng minh sẽ đổ bộ ở Trung, Bắc, Nam kỳ, và Nhật sẽ đầu hàng.
Ðã mấy tháng rồi, không quân Ðồng minh đã làm chủ vòm trời An nam, và phi cơ Mỹ gọi là “ pháo đài bay B-19 “ và Liberators từ Thái Bình Dương cứ bay vào ném bom mổi buổi sáng, mỗi buổi chiều, khắp các ga xe lửa lớn, và các nơi trong tỉnh có Nhật chiếm đóng rôì bay trở ra biển, mà không hề có phản ứng của cao xạ phòng không Nhật.
Hằng ngày đọc các báo thông tin ở Saigòn và Hà Nôị cũng thấy tình hình Nam Bắc kỳ không khác gì ở Trung kỳ. Phong trào “ Thanh niên và Thể dục “ của Ðại tá Ducoroy do Toàn quyền Decoux phát động từ năm 1941, vẫn tiếp tục bành trướng khắp cõi Ðông dương.
Tuấn đã chứng kiến một cuộc luân phiên rước đuốc từ Hà Nội vào Saigon. Bốn thanh niên lực sĩ An nam chạy ngang qua tỉnh nhà, trên đường ái quan hồi tám giờ tối tháng 2-1945, giữa một đám thanh niên và dân chúng đứng hai bên đường hoan hô và cổ vỏ.
Học sinh nam nữ các trường vẫn chăm chỉ đi học. Tình hình thương mãi ở các thành thị vẫn được ổn định, mặc dầu nhiều hàng hóa bị khan hiếm, do chiến tranh gây ra, và nhất là do sự chiếm đóng của trên 35.000 binh sĩ Nhật trên lãnh thổ Việt Nam.
Ở hương thôn, đâu đâu cũng yên tĩnh. Nhiều nhà có cảm tưởng rằng tuy bị Nhật uy hiếp, chính quyền Pháp ở Ðông dương vẫn được củng cố mỗi ngày mỗi mạnh và sẽ có thể tiếp tục “ bảo hộ “ xứ An nam lâu dài sau khi “Ðồng minh Anh -Mỹ “đánh bại quân Nhật, buộc Nhật phải xếp giáp đầu hàng.
Bỗng nhiên, 8 giờ tối ngày 9-3-1945 tiếng súng nổ ầm ầm ở ngay tỉnh lỵ. Dân chúng không hiểu gì cả, chỉ thất lính Nhật đột ngột di chuyễn rầm rộ trong thành phố, và đánh các đồn lính Khố xanh, Khố đỏ, và lính Lê dương của Pháp.
Sau vài tiếng đồng hồ, tiếng súng im bẵng. Lính Nhật reo cười náo động, la hét om xòm. Bấy giờ dân chúng An nam mới biết rằng Nhật đã đánh Pháp, và làm chủ tất cả các đồn lính. Pháp đã thua cuộc, nhiều lính Pháp chết.
Tất cả người Pháp, từ viên Công sứ, viên Giám binh, viên Chánh mật thám đến người Pháp cuối cùng đều đã bị Nhật bắt giam hết, hồi 11 giờ đêm.
Chính quyền Pháp ở An nam hơn nửa thế kỷ bổng dưng không còn nữa.
Sáng hôm sau, dân chúng An nam được người Nhật cho hay nước An Nam đã Ðộc Lập.
Mấy hôm sau, Tuấn đọc bản “ tuyên bố “ sau đây được dán khắp nơi, in vừa ráo mực:
“ Xét tình hình thế giới, và tình hình riêng của Á Ðông, chánh phủ Việt Nam tuyên bố chính thức rằng, bắt đầu từ ngay hôm nay hiệp ước bảo hộ ký với nước Pháp đã được hủy bỏ, và nước Việt Nam sẽ tự sức dùng những phương tiện riêng, để phát triển cho xứng đáng với địa vị một quốc gia độc lập, và sẽ theo đường lối trong bản tuyên ngôn chung của Ðông Nam Á, và gia nhập vào trật tự chung của Ðại Ðông Á. “
Chính phủ Việt Nam tin tưỏng ở Nhật bản, và cương quyết hợp tác với nước Nhật để đạt mục đích trên.
Khâm Thử
Huế, ngày 27 tháng Giêng, Bảo Ðại năm thứ 20 ( 11-3 -1945 )
Bảo Ðại.
Dưới ký tên toàn thể Cơ Mật Viện gồm 6 vị Thượng Thư đứng đầu là Thượng Thư Bộ Lại: Phạm Quỳnh.
Ở Hà Nội, Huế, Saigòn, và một vài thành phố lớn, do sự sách động của nhóm thân Nhật và tay sai của Nhật ( Hà Nôị có nhóm Nguyễn Văn Cầm, Saigòn có bà Song Thu, Trần Quang Vinh v.v….)) một số người xuống đường biểu tình rầm rộ để “ tri ân quân đội Nhật hoàng “. Ngoài ra, quảng đại quần chúng Trung, Nam Bắc đều tỏ vẻ thờ ơ lạnh nhạt với phong trào “độc lập “ do Kampétai và Quân đội Nhật gây ra.
Ở các hương thôn, lý trưởng được lịnh tổ chức dân chúng mừng ngày độc lập, tại đình làng.
Tuấn nhận được giấy của Lý trưởng mời đến tham gia lễ Ðộc Lập lúc 9 giờ sáng ngày 17 tháng 3 năm 1945. Cửa đình mở rộng, trước sân đình có cờ, chuông, trống, như ngày cúng Thần. Hội đồng xã chỉ lưa thưa có mấy ông.
Dân chúng chẳng ai đến cả, chỉ trừ một số chức việc có phận sự trong làng.
Ðến giờ, chuông trống nổi dậy, hương xã làm lễ tế Thần. Lý trưởng đọc lời “ tuyên cáo Ðộc Lập. Y như một bài văn tế. Xong, chiêng trống tiếp tục và buổi lễ chấm dứt không đầy 30 phút. Không một tiếng vỗ tay. Không một lời hoan hô. Các ông làng xã, khăn đen áo dài khệ nệ như trong các đám cúng thần theo nghi lễ cổ truyền, lặng lẽ đóng cửa đình ra về sau khi dọn dẹp.
Tuấn mượn chiếc xe máy của người em trong làng, cởi chạy khắp các làng tổng kế cận, và các huyện sở, để xem xét tình hình dân chúng. Ðâu đâu cũng thản nhiên, không có một cuộc biểu tình nào của đồng bào mừng lễ Ðộc Lập. Dò hỏi dư luận chung của các giới nhân dân, đều được họ cho rằng, đây chỉ là lễ Ðộc Lập giả hiệu của Nhật bổn. Ðồng bào không mấy hoan nghênh vì chưa phải là “độc lập “ thật sự.
Ngày 19-3-1945, theo lời khuyên của Yokoyama, Ðại sứ Nhật ở Huế, Bảo Ðại giải tán Nội Các của Phạm Quỳnh.
Mãi một tháng sau, ngày 19-4-1945, Nội Các Trần Trọng Kim mới thành lập xong, với những thành phần hoàn toàn mới:
Thủ Tướng: Trần Trọng Kim
- Tổng trường Nội Vụ: BS. Trần Ðình Nam
- Ngoại Giao: LS. Trần Văn Chương
- Giáo dục: GS. Hoàng Xuân Hãn.
- Tư Pháp: LS. Trịnh Ðình Thảo
- Tài Chánh: LS. Vũ Văn Hiền.
- Kinh Tế: BS. Hồ Tá Khánh.
- Tiếp Tế: BS. Nguyễn Hữu Thi
- Công Chánh: KS. Lưu Văn Lang
- Y Tế: BS. Vũ Ngọc Anh
- Thanh Niên: LS. Phan Anh.
Hai ông Kinh tế và Công chánh được mời, đã nhận lời miệng, nhưng rút cuộc không tham gia. Bảo Ðại được chính thức tôn lên ngôi “ Hoàng Ðế “ Việt Nam. Lần đầu tiên từ ngày Tây đô hộ, danh từ “ Việt Nam “được chính thức công dụng, và danh từ
“Annam “được bải bỏ.
Việt Nam được thống nhất trên nguyên tắc, và Tuần Vũ Phan Kế Toại được cử làm Khâm Sai Bắc kỳ, nhà báo Nguyễn Văn Sâm ở Saigòn làm Khâm sai Nam kỳ. Cả hai đều về Huế nhận lãnh sắc ấn của Bảo Ðại.
Tuy nhiên, trên thực tế hành chánh, thì người Nhật vẫn đặt Minoda ở Saigon làm Thống Soái Nam kỳ, thay thế vị Thống soái Pháp, Yokoyama ở Huế làm Khâm sứ Trung kỳ thay thế Khâm sứ Pháp, Tsukoyamoto ở Hà Nội làm Thống Sứ Bắc kỳ, thay thế Thống sứ Pháp, kiêm hiệu chức Toàn Quyền Ðông Dương.
Nhiều đảng phái mới cũng bắt đầu xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ công khai dưới sự che chở của Nhật.
Ở Hà Nôị, đảng phái Ðại Việt Quốc Xã thu hút đa số phần tử cách mạng quốc gia.
Ở Saigon, có hai đảng Phục Quốc và Việt Nam Quốc Gia Ðộc Lập ( Trần Quang Vinh, Hồ Văn Ngà v.v…) Ở Huế, đảng Tân Việt Nam. Các đảng này đều ủng hộ Nội Các Trần Trọng Kim, và được Nhật khuyến khích.
Ở tù về, Tuấn chưa muốn ra hoạt động trong tình thế rộn rịp và chụp giựt đó, dưới bóng cờ Mặt Trời và cờ chữ Ly. Vả lại, Tuấn được viên Lý trưởng cho biết tin mật rằng người Nhật còn đang theo dõi Tuấn, và Tuấn nên đề phòng.
Vì lẽ, Tuấn ít khi ở nhà, và ban ngày chàng cũng đã chuẩn bị nhiều nơi và những phương tiện để thoát ly nếu có biến cố xẩy ra.
Tuấn được gặp hai người bạn cách mạng ở đồng tỉnh, nhưng ở cách xa làng của Tuấn. Một người trước kia là chủ bút một tờ báo lớn ở Saigòn, và theo nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế của Tạ Thu Thâu.
Sau ngày 9-3-1945, nghe tin Tuấn ở tù về, một đêm anh ta xuất hiện dưới mái nhà tranh của Tuấn ẩn nấp, và đề nghị Tuấn tham gia “ Mặt Trận Phản Ðế “. Suốt một đềm bàn luận ráo riết về các khía cạnh vấn đề, đến hừng đông, hai người ăn cháo gà, rồi từ gĩa nhau vui vẻ. Nhưng Tuấn đã cương quyết từ chối vào “ Mặt Trận “ vì nó là một biến thể của Ðệ Tứ Quốc Tế.
Về sau này, Tuấn ở Saigon nghe tin Tạ Thu Thâu bị Việt Minh ám sát ở Quảng Ngãi, hồi tháng 9- 1945, chính là lúc anh đi trên đường đến nhà người bạn đồng chí của “ Mặt Trận Phản Ðế “ở Thi-Phổ cùng làng với Phạm Văn Ðồng.
Một đêm khác, cũng sau khi có Nội Các Trần Trọng Kim, Tuấn được tiếp xúc với Võ Tòng, nhà cách mạng ở Xiêm về. Nhà anh này ở cùng Huyện cùng Tổng với Tuấn, nhưng cách xa làng Tuấn đến vài chục cây số, đi loanh quanh theo các hương lộ, Anh này lại muốn rủ Tuấn tham gia vào “ Mặt Trận Việt Minh “. Mặt trận này, tuy còn ở trong vòng bí mật hoàn toàn, nhưng đã được tuyên truyền kín đáo và mạnh mẽ khắp các thôn quê trong tỉnh. Mặc dầu có cảm tình sâu đậm với nhau vì lý tưởng cách mạng, Tuấn vẫn từ chối tham gia vào Mặt Trận V.M., Võ Tòng bảo:
- Lúc này cần phải đoàn kết chống thực dân.
- Ðồng ý về điểm đoàn kết chống thực dân, nhưng tôi quyết giữ vững lập trường quốc gia độc lập.
Gà gáy sáng, hai người giã từ nhau, sau một đêm thảo luận cặn kẻ, và không gặp lại nữa.
Ở Saigòn, Tuấn được tin Võ Tòng làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Huyện rồi Tỉnh, dưới thời Việt Minh năm 1945-1946, rồi sau đó chết không biết vì lý do gì. ( Sau này Tuấn được tin anh bị Việt Minh giết ).
Mỹ tiếp tục ném bom khắp các căn cứ Nhật ở Việt Nam từ Bắc vô Nam. Tháng 4, tháng 5 -1945, Saigòn bị những trận bom Mỹ kinh khủng nhất, do những chiếc “ Liberators “ kếch xù trút xuống ào ạt nhiều nơi trong thành phố.
Phi cơ Mỹ làm bá chủ trên không phận Việt Nam. Sức phản ứng của Không quân và Phòng không Nhật hầu như càng ngày càng kiệt quệ.
Bổng ngày 2 tháng 8 -195, vào khoảng 5 giờ chiều, một chiếc máy bay từ hướng Bắc trực chỉ vào Nam, bay ngang qua các làng dọc theo dãy Trường Sơn, bay khá thấp và …rải truyền đơn.
Ðồng bào thôn quê xôn xao, chạy khắp nơi tìm lượm những truyền đơn ấy. Tuấn cũng hồi hộp, không làm sao tìm xem được truyền đơn gì, vì máy bay rải quá ít, chỉ thấy lưa thưa vài chục tờ bị gió đưa phất phơ bay lạc vào rừng.
Mãi đến 7, 8 giờ tối, nhiều người ở khắp nơi các làng xa xôi trong huyện, chạy đến nhà Tuấn cầm truyền đơn của họ lượm được rất khó khăn, đưa hỏi Tuấn:
- Thầy Sáu, đọc coi truyền đơn gì đây nè?
Trên một mãnh giấy trắng lớn bằng bàn tay, in hai thứ chữ, một bằng Anh ngữ, một mặt là Nhật ngữ.
Anh ngữ viết đại khái:"Nhân dân Việt Nam hãy chuẩn bị: Nội trong tuần này Ðồng minh sẽ đổ bộ để giải phóng nước Việt Nam. Quân đôị Nippon hãy đầu hàng sớm ngày nào, sẽ bớt chết chóc sớm ngày đó. Không đầu hàng, các anh sẽ bị tiêu diệt hết “.
Truyền đơn không có ký tên, nhưng ai cũng hiểu rõ là của “Ðồng Minh “ và chiếc phi cơ “ pháo đài bay B19 “ bay khá thấp để rải truyền đơn, mang phù hiệu U.S Air Force.
6-8-1945.
Tin thành phố Hiroshima của Nhật bị một thứ bom mới vô cùng khủng khiếp làm tiêu tan hết, lại do chính một vài người lính Nhật loan truyền. Mấy hôm sau, đọc các báo nói đại khái rằng loại bom đó tên là “ Bom Nguyên Tử ".
Ngày 19-8-1945, được tin Nhật đầu hàng vô điều kiện, Tuấn không hành lý, hai tay không, với 100 đồng bạc trong túi, lên xe lửa vô Saigòn ….
HẾT

Xem Tiếp: ----