Lãng lại nhập vào đám dân Phú Xuân đang bồng bế nhau chạy tỏa ra xa khu vực sắp giao tranh để trốn tai họa. Qua hai ngày đường quần áo của anh cũng xốc xếch nhem nhuốc giống y quần áo đám người lam lũ hớt hải trước cơn bão sắp tới. Trai tráng trốn đâu mất cả, chỉ còn có những người mẹ gánh một đầu là đứa con nhỏ ngồi gọn trong lòng thúng hai tay níu chặt lấy tao gióng, đầu kia là một mớ lộn xộn nào quần áo rách, chăn mền, gạo, nồi, niêu, ấm... Những đứa trẻ biết đi thì ôm một cái bọc nhỏ trước ngực cố chạy cho kịp mẹ. Nhiều đứa sợ quá vừa chạy vừa mếu máo khóc. Các cụ già chậm chạp đi sau con cháu, vì yếu sức nên chỉ ôm những vật nhẹ như chiếc chiếu, cái mền. Càng đến gần ngã ba đổ vào con đường thiên lý thì cảnh chạy loạn càng hỗn độn. Đám người chạy từ phía nam định vào thành gặp đám từ trong thành chạy ra, hai bên đều ngỡ ngàng không hiểu bên nào đúng bên nào sai. Số người bị dồn đến tăng dần, phía trước bối rối chưa biết tính sao trong khi phía sau nóng ruột, tức giận, quát tháo, chửi bới. Phía sau Lãng, có nhiều tiếng la to:
- Sao không tiến tới? Đứng lại chờ chết hả?
- Đi chậm như rùa! Bây giờ lại đứng đực ra đấy. Nhanh lên!
- Có nghe thấy không? Bước gấp lên các cha nội! Chạy giặc mà làm như đi dạo mát!
- Ối! Sao lại xô vào người ta, đồ quỉ tha ma bắt!
- Ai thèm! Tại phía sau cứ đẩy tới. Phía trước, sao lại đứng yên như trời trồng thế?
- Có giỏi thì chạy ra trước mà hỏi!
Đã đến lúc không khí trở nên khó thở hơn. Mùi mồ hôi xông lên ngột ngạt. Trẻ con khóc chát chúa. Tiếng chửi bới, cãi cọ tăng thêm sức kích động cho đám người vốn đã dễ dàng hoảng hốt hay tức giận. Tình trạng bế tắc cứ nhì nhằng như vậy dưới ánh nắng thiêu đốt, cho đến lúc không biết từ đâu người ta truyền nhanh tin vui là quân Tây Sơn chỉ ra vây thành Phú Xuân để diệt quân Trịnh chứ không động chạm gì đến tài sản, sinh mạng dân Thuận Hóa. Đồng thời từ ngã ba cũng chuyền ra phía sau chỗ Lãng đứng lời giải thích vì sao đường đi bị tắc nghẽn: Quân Tây Sơn đã từ đèo Hải Vân ra đến Quán Trà. Những người yếu bóng vía đã vội dắt díu nhau chạy trốn ra hướng bắc, hy vọng được ba vạn quân Trịnh ở thành Phú Xuân bảo vệ. Đến ngã ba, họ gặp đám người từ Phú Xuân tỏa ra khắp hướng cho xa thành để tránh loạn.
Trong lúc mọi người do dự chùn bước (nhờ thế cảnh xô đẩy giảm bớt) đột nhiên có người nào đó hét to:
- Bà con cứ yên tâm trở về nhà đi. Việc gì mà chạy. Tây Sơn là người Đàng Trong, mình cũng là người Đàng Trong. Cùng là dân một nước, tại sao lại sợ hãi nhau. Về nhà đi, bà con!
Nhiều tiếng reo hò đáp lại:
- Về đi! Về nhà! Không việc gì mà sợ!
Từ đám đông, một giọng dõng dạc khác nói lớn:
- Thuận Hóa của ta bị Bắc Hà chiếm đóng từ mười năm. Bây giờ anh em Tây Sơn ra giành lại Thuận Hóa cho ta. Bà con hãy ở lại để đón tiếp anh em Tây Sơn. Tây Sơn vạn tuế!
Sau một lúc do dự, có vài lời đáp rời rạc:
- Vạn tuế! Tây Sơn vạn tuế!
Rồi ngay sau đó, đám người chạy loạn lấy được tự tin, cùng nhau reo hò một cách cuồng nhiệt, hỗn loạn:
- Vạn tuế! Vạn tuế!
- Vạn tuế cái gì thế bác?
- Không biết. Chỉ nghe hô vạn tuế! Nào! Vạn vạn tuế!
- Tây Sơn ra đuổi quân xâm lăng Bắc Hà đấy. Vạn tuế Tây Sơn. Đáng kiếp tụi quân Trịnh. Chuyến này chúng hết còn vênh mặt quát tháo với bà con Thuận Hóa nữa nhé! Vạn tuế Tây Sơn. Nào hô to lên nào. Tây Sơn vạn tuế!
Rồi không biết từ đâu, vài lá cờ đào được đưa cao lên, phất qua phất lại. Người cầm cờ đi đến đâu thì đám đông tự tránh rẽ đường cho họ đi tới trước. Nhờ vậy, chẳng bao lâu lá cờ đào đã đến ngã ba. Lá cờ lớn cột vào một cán trúc cao đi giữa, hai lá nhỏ cán ngắn so le nhau đi hai bên. Màu cờ đào như có sức thôi miên, hút đám người định chạy loạn ùn ùn đi theo, trở lại con đường dẫn vào thành Phú Xuân
Lãng cũng suýt bị cuốn hút theo dòng người đột nhiên định hướng đó. Nhưng anh kịp thời nhớ đến phận sự. Anh lách khỏi đám đông, chụp dây cương của một con ngựa lạc chủ, nhảy lên yên phi nhanh về phía Quán Trà.
°
*
Trong lúc thường dân ở Thuận Hóa phần nào yên tâm trước cơn sóng gió, thì các gia đình quân lính Trịnh ở ngoài thành Phú Xuân cuống cuồng sợ hãi. Khác với những gia đình lân cận bồng bế nhau chạy càng xa thành càng tốt, những người này kéo nhau vào thành để ẩn nấp. Nhưng chỉ có một số rất ít kịp vào thành trước khi các cửa thành đóng kín.
Số còn kẹt lại bên ngoài quá nhiều, tạo ra cảnh la hét, van xin, chen lấn, khóc lóc ở cả bốn cửa đông nam tây bắc.
Nơi có nhiều náo loạn nhất là cửa bắc.
Vì cửa thành đóng vội sau khi quân lính phục dịch ở chùa Thiên Mụ ùn ùn kéo về, nên có nhiều toán lính bận công việc khác ở xa thành lúc đó chưa thể về kịp. Họ bị kẹt lại ở ngoài thành, trong lúc các làng lân cận đã dáo dác hỗn loạn vì tin Tây sơn đã bắt đầu khép vòng vây, và nhiều lá cờ đào bắt đầu phất phới đây đó, ở những địa điểm thật bất ngờ, như trên nóc quán lá cách cửa bắc không xa, nơi bọn lính canh thường trốn ra uống trộm vài ly rượu trắng cho đỡ rét. Ngược lại, có những người lính đã vào được trong thành muốn ra ngoài vì chưa dẫn được vợ con vào nơi ẩn núp an toàn. Cảnh kêu khóc, la hét, chen lấn khiến cho người chịu trách nhiệm canh cửa ban đầu khó chịu, về sau băn khoăn do dự, cuối cùng sợ hãi trốn mất. Tuy vậy cửa thành vẫn đóng im ỉm, cả bên trong lẫn bên ngoài chưa có ai dám phá tấm cửa sắt dày để thông thương.
Bọn lính canh báo động lên các quan trên. Lệnh truyền xuống buộc các đội canh cửa phải triệt để tuân hành, không được cho địch nhân cơ hội lọt được vào thành. Nắm được nghiêm lệnh, bọn lính gác tự tin hơn, quát tháo, dọa nạt, đuổi mọi người ra xa cổng thành. Nhưng chính họ cũng có vài người gặp hoàn cảnh oái oăm. Họ không thể làm ngơ trước nỗi lo sợ của thân nhân. Từ thái độ dứt khoát, họ hạ giọng, bối rối giải thích lẽ này lẽ nọ. Mối đe dọa phía ngoài ngày càng gần. Tin bộ binh Tây Sơn đã ra khỏi Quán Trà, và thủy quân đã vào khỏi cửa Thuận càng làm cho đám vợ con lính Trịnh mất bình tĩnh. Đàn bà con nít kêu khóc như sắp chết. Cầm lòng không đậu, lính gác phải mở cửa thành. Thế là mọi người hối hả ùa vào, gạt phăng bọn lính canh sang một bên. Cảnh hỗn loạn như một trận dịch truyền nhiễm đến tất cả lính phòng thủ. Nhiều nơi bọn lính tưởng quân Tây Sơn đã phá được cửa thành xông vào, nên quăng cả khí giới định chạy thoát thân. Mặt mày ai nấy đều xanh mét, mắt dớn dác nhìn trước nhìn sau. Kỷ luật dù có nghiêm đến bao nhiêu cũng không mạnh bằng nỗi sợ chết. Lớp vợ con lính Trịnh này vào được trong thành thì lại đến lớp khác. Lớp khác vào xong, lại đến lượt lớp kế tiếp. Cứ như vậy không khí trong thành luôn luôn dao động, nơm nớp sợ hãi. Mỗi lần cửa thành mở là một lần run sợ. Đã thế, những người mới vào mang theo các tin tức về quân Tây Sơn, khiến từng tụm lính Trịnh bao quanh vợ con họ để xì xào lo âu cho an nguy của gia đình.
°
*
Trong lúc đó, Trấn thủ Thuận Hóa Tạo quận công Phạm Ngô Cầu bồn chồn nôn nao như đang ngồi trên lửa. Quận Tạo đã vời tất cả tướng tá dưới quyền đến để bàn kế hoạch chống cự quân Tây sơn. Mọi người đã đến đông đủ. Nhưng quan Trấn thủ cứ dùng dằng chưa chịu ra công đường dự họp. Đám nàng hầu đông đúc của quan tất tả thu vén quần áo tư trang để chuẩn bị chạy loạn, người nọ giành giật đồ đạc của người kia, tranh cãi, khóc lóc, rồi kéo nhau đến kiện tụng đòi quan phân xử. Quận Tạo còn bụng dạ đâu để làm vừa lòng các nàng! Quên cả bản tính mềm mỏng trước các người đẹp son phấn, quan nổi giận, quát lên:
- Im mồm đi, lũ bồ chao!
Các nàng hầu trố mắt nhìn khuôn mặt dàu dàu, đôi mí mắt, đôi má nhẽo và đôi môi đều "chảy" xuống, lần đầu khám phá rằng "quan đại" chỉ là một ông già bạc nhược, mềm yếu, không thể là một cây tùng cây bách vững chãi để các nàng núp bóng. Họ lấm lét tránh xuống hậu phòng. Còn lại một mình trong căn phòng rộng, Quận Tạo ngồi bần thần thật lâu, mắt nhìn mông ra phía trước, tay mân mê lá thư Nguyễn Hữu Chỉnh gửi cho Quận Thể trong túi áo. Quận Tạo cứ bị câu hỏi này quấy nhiễu:
- Có nên đem bức thư này đưa cho hắn không?
Ông đã tìm hết mọi lý lẽ để trả lời, nhưng đến lúc mọi người đã tề tựu đông đủ và chờ ông ra chủ tọa cuộc họp, Quận Tạo vẫn chưa xác quyết được gì. Nên hay không? Nên lắm: Xưa nay Quận Thể vẫn tự cao tự đại, xem mình là rường cột chống đỡ Thuận hóa. Quân sĩ kính phục hắn. Nếu hắn chịu đầu hàng địch, thì dù ta có chống lại chưa chắc quân sĩ đã vâng lệnh ta. Nội cái chuyện vặt là đốt hương đánh trống hầu đàn chay mà ta còn phải đem vài tên lười ra phạt trượng chúng nó mới nghe theo, huống chi việc sinh tử giữa tên đạn. Không tố cáo sự phản trắc của Quận Thể trước các tướng tá, thì họ vẫn một lòng kính phục hắn, nhắm mắt nghe theo hắn. Bao năm thâm gan tím ruột mà phải nhịn nhục hắn, bây giờ là cơ hội tốt để lấy lại uy quyền. Nên lắm! Phải tố cáo sự phản bội của hắn thôi! Quận Tạo hăm hở chống tay lên mặt trường kỷ nặng nhọc đứng dậy. Hai bàn tay ươn ướt mồ hôi chua. Sự cố gắng quá sức để nhấc tấm thân phì nộn lên khỏi ghế khiến óc Quận Tạo bị lay động. Ông chợt nghĩ: Nhưng nếu ta tố cáo hắn, thì lấy ai cầm quân chống địch? Ta ư? Đường đường một quan Trấn thủ đâu có hạ mình cầm gươm hò hét như một tên võ biền! Kiên kim hầu Vũ Tá Kiên ư? Hắn khâm phục Quận Thể như thần thánh, Quận Thể bị cất chức hắn còn lòng dạ nào cầm quân xông trận! Vả lại, ngoài lá thư đưa lầm này, biết đâu sau đó Cống Chỉnh đã gửi tiếp nhiều lá thư dụ hàng khác cho Quận Thể, và chúng nó đã toa rập với nhau để bán đứng ta? Tố cáo hắn ngay trong cuộc họp này tức là rước ngay cái chết. Chi bằng cứ gác tạm việc này lại, chờ lúc bình yên hãy mật tấu lên Chúa để xử tội. Phải. Hãy kiên nhẫn! Cứ giao cho hắn cầm quân cự địch, rồi tùy cơ mà ứng biến.
Tay Quận Tạo chạm vào lá thư Cống Chỉnh trong túi áo. Kiên nhẫn! Đúng. Phải kiên nhẫn. Nếu Quận Thể đầu hàng địch, ta cũng phải đầu hàng thôi, lúc đó lá thư này sẽ giúp ta ăn nói êm xuôi với quân Tây Sơn. Ngược lại nếu Quận Thể chống cự được địch, ta có thể dùng lá thư này để kiềm chế hắn, đoạt công của hắn. Quận Tạo không ngờ trong cảnh hỗn loạn nguy hiểm này tâm trí của mình còn sáng suốt đến thế! Ông rút lá thư ra ngắm nghía, giở ra xem thử có đúng lá thư Cống Chỉnh hay không! Đúng nó rồi, bảo bối của đời ta!
Vì vậy, các tướng tá Trịnh ở Thuận Hóa vô cùng ngạc nhiên khi thấy chủ tướng bước ra công đường với một nét mặt hân hoan đắc thắng. Quận Tạo lạch bạch đi đến chỗ chiếc kỷ gấm dành cho mình, ngồi xuống một cách trịnh trọng chậm chạp, rồi cao giọng hỏi:
- Thế nào, các ông sợ chúng nó đến xanh mặt phải không?
Không ai dám trả lời ngay, Hoàng Đình Thể mím môi lại để dằn cơn giận. Quận Tạo nghĩ: quả nhiên hắn đã nhận thêm thư của Nguyễn Hữu Chỉnh. Nếu không, tại sao hắn biến sắc! Nhìn đăm đăm vào mặt Quận Thể, quan Trấn thủ hỏi tiếp:
- Voi giặc đã đến trạm Lồn voi chưa?
Tự cho câu hỏi của mình là một lối đùa cợt vừa táo bạo vừa ý nhị, Quận Tạo cười lên ha hả. Vài người cố cười góp cho vừa lòng chủ tướng, Quận Thể bực dọc nói:
- Tình thế đã nguy cấp lắm rồi! Xin Ngài ban lệnh khởi chiến ngay. Quân sĩ đang hoang mang, nếu không có lệnh chắc chắn sẽ sinh biến.
Quận Tạo cười, rồi hỏi:
- Tình thế nguy cấp? Có thực thế chăng, hay ông sợ quá trông gà hóa quốc?
Vũ Tá Kiên vội nói:
- Quả thực giặc đã kéo đến gần thành rồi. Chúng lén cắm cờ đào ngay trước cửa bắc. Bọn phản trắc xu thời đã hùa nhau đi kéo pháo cho giặc để tâng công. Chiến thuyền Tây sơn cũng đang tiến về kinh thành. Có tin chúng đã đánh chìm tàu Bồ Đào Nha ở cửa Thuận. Thuyền trưởng và bọn tùy tùng đều bị quăng xuống biển.
Quận Tạo gay gắt cật vấn Vũ Tá Kiên:
- Ai báo cho ông tin ấy?
Vũ Tá Kiên rụt rè đáp:
- Dạ bọn vợ lính vừa chạy vào thành báo như vậy.
Quận Tạo bảo:
- Ông tin lời bọn đàn bà ấy sao? Chúng nó sợ đến vãi cứt trong quần, nhìn đâu không thấy quân địch. Chúng nó đàn bà yếu bóng vía, chứ ông mà cũng yếu bóng vía như bọn đàn bà hay sao!
Vũ Tá Kiên sợ quá, cúi đầu im lặng. Hoàng Đình Thể nói:
- Bọn hèn nhát quả có phóng đại thanh thế của giặc, nhưng chắc chắn quân thủy bộ Tây sơn đang bao vây thành chúng ta. Nếu không ban lệnh quyết chiến, quân sĩ sẽ thêm hoang mang vì tưởng ta có ý đầu hàng.
Quận Tạo vội hỏi:
- Ý quan Phó tướng thế nào? Giặc như thế, ta như thế. Nên treo cờ bạc hay nên phất cờ điều?
Hoàng Đình Thể ngạc nhiên hỏi lại:
- Chưa đánh trận nào đã vội treo cờ bạc ư?
Quận Tạo hấp tấp bảo:
- Ấy, ta nói hết mọi đường để các ông định liệu. Xưa nay ta không bao giờ ôm lấy hết mọi quyền bính rồi buộc người khác nhắm mắt tuân theo. Các ông cứ bàn cho hết lẽ, sau rốt quyết định điều gì tất phải dốc lòng làm cho kỳ được. Nào, các ông nói đi.
Đốc thị Nguyễn Trọng Đương nói:
- Ta còn những ba vạn quân, thành cao, lũy sâu. Thuốc súng, lương thực không thiếu gì. Giặc từ xa vượt đèo vượt sóng mà tới, lương thiếu, quân mệt. Cái thế thắng bại đã rõ. Treo cờ bạc lên, dù có được giặc tha thì hậu thế cũng bĩu môi cười lây đến con cháu.
Hoàng Đình Thể hăng hái nói tiếp:
- Tôi xin lãnh kiếm tiên phong, phất cờ điều một phen sống mái với giặc. Chúng vào được thành này, ít ra phải dẫm lên xác của ba cha con tôi.
Quận Tạo mỉm cười ra vẻ giễu cợt, bảo Quận Thể:
- Thế mới thực là trang anh hùng cái thế. Chuyến này anh em trong nhà gặp nhau ở nơi đầu tên mũi đạn, bạn thù thù bạn khó phân lắm. Quan Phó tướng tiên liệu điều đó chưa?
Hoàng Đình Thể ngơ ngác hỏi:
- Ngài nói điều gì tôi chưa hiểu.
Quận Tạo gật gù, không trả lời ngay. Chờ cho mọi người sốt ruột, quan Trấn thủ mới đủng đỉnh nói:
- Chả là Phó tướng Hoàng Đình Thể đây và Phó tướng Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh đều là tay chân cũ của Quận Huy. Bạn nối khố hóa ra cừu địch, trời xanh thật trớ trêu lắm.
Hoàng Đình Thể xám mặt vì giận và sợ. Ông lắp bắp hỏi:
- Ngài nghi tôi chăng?
Quận Tạo vội vã nói:
- Không phải thế. Ta phải nói hết tình lý để đề phòng. Nếu không, nhỡ trận này ông thua, miệng đời lại bảo ông trá bại.
Quận Thể mím môi, dõng dạc nói:
- Nếu tôi bại trận, Ngài cứ hạ lệnh chém đầu tôi đi.
Nói xong, Quận Thể ngồi im để chờ cơn xúc động qua khỏi. Không khí trong phòng căng thẳng đến ngộp thở. Không ai muốn nói gì. Chỉ có Quận Tạo tiếp tục huơ tay cười nói tự nhiên, xem như không có việc gì xảy ra. Vì thế, gần như kế hoạch giữ thành đều do ý của Quận Tạo. Hoàng Đình Thể được giao cho nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu chống giặc, Quận Tạo thì "giữ thành" để chuẩn bị tiếp ứng cho quân giáp chiến.
Cuộc họp tan khi có quân khẩn báo bộ binh Tây Sơn bắt đầu chia ra nhiều cánh bao vây thành, súng lớn súng nhỏ đều chĩa nòng vào thành Phú Xuân chờ nhả đạn. Bấy giờ, khuôn mặt viên Trấn thủ Thuận Hóa mới bị sị nặng trĩu như cũ.
°
*
Đến đầu giờ Mẹo Lãng trở về báo cáo tình hình chuẩn bị trận đánh cho Long Nhương tướng quân. Sương đêm ướt đẫm mái tóc dày và vai áo Lãng, bùn đen lấm cả hai ống quần. Lãng vừa nói vừa ho húng hắng:
- Bên Phò mã Nhậm đã sẵn sàng. Chờ pháo lệnh là bắt đầu khai hỏa.
Nguyễn Huệ chăm chú nhìn vào bản đồ, suy tính một lúc, rồi ngước lên hỏi:
- Quan Phó tướng Chỉnh có nhắn gì không?
Lãng đáp:
- Dạ không.
Rồi sau một chặp do dự, Lãng e dè nói thêm:
- Hình như giữa Phò mã và quan Phó tướng không thuận với nhau. Quan Phó tướng tự tin rành rẽ về thủy chiến, còn Phò mã thì...
Huệ vội hỏi:
- Vậy cách bố trí súng do ai quyết định?
Lãng đáp:
- Hình như do Phò mã Nhậm.
Nguyễn Huệ cau mày nói:
- Sao lại hình như?
Lãng bối rối đáp:
- Vì cho đến lúc chào về đây, Phó tướng Chỉnh chỉ ngồi lặng lẽ đăm chiêu ở góc lều, không nói câu nào. Hình như trước khi "tôi" đến, hai người vừa cãi nhau kịch liệt lắm.
- Vậy cậu có dặn kỹ bên đó phải bắn cho nát mặt thành phía nam không?
- Dạ có.
- Họ đã biết mật hiệu khởi pháo rồi chứ?
- Dạ vâng.
- Sắp đến giờ rồi đấy. Chỉ một chốc nữa thôi, cả thành quách vững chãi bao nhiêu đời nay sẽ lung lay. Tên lính lo hỏa pháo đã sắp sẵn đấy chứ?
- Dạ đã!
- Cậu có cảm thấy hồi hộp không?
Lãng thú thật:
- "Tôi" chỉ cảm thấy choáng váng. Như đất dưới chân đi ngả nghiêng say sóng.
Nguyễn Huệ cười:
- Ta cũng vậy. Mỗi lần sắp vào trận, ta đều cảm thấy choáng váng như vừa nhắp rượu. Nhất là nghĩ rằng sau mệnh lệnh của mình, cả trời đất đột nhiên phủ khói. Chưa nói đến cuộc sinh tử.
Lãng lấy bạo hỏi:
- Có bao giờ Tướng quân do dự không?
Nguyễn Huệ lắc đầu:
- Không.
- Nhưng Tướng quân vừa bảo có choáng váng.
- Choáng váng nhưng không do dự. Vì choáng váng mà do dự là thiếu tự tin. Vừa do dự vừa choáng váng là kẻ yếu đuối.
Lãng cố nói vài lời cuối để biện hộ cho mình:
- Thật khó tránh được do dự, khi nghĩ quyết định của mình sẽ khiến kẻ này chết, kẻ kia góa bụa, mồ côi.
Nguyễn Huệ cau có đáp:
- Cậu lại giở cái giọng vú em ra rồi. Thôi, ra truyền cho bắn pháo lệnh đi.
Lãng sắp thi hành lệnh, thì Nguyễn Huệ ra dấu giữ lại. Ông nói:
- Cậu bỏ cái bộ mặt dàu dàu này đi. Cậu nên nhớ sấm chớp bão mưa cũng cần thiết cho đời sống chẳng kém những lời mẹ ru con. Hy vọng cậu mở mắt nhìn rộng hơn. Cậu đi đi. Bắn pháo lệnh xong, cậu vào đây để đi xem mặt trận với ta.
°
*
Khi pháo của quân Tây Sơn đồng loạt nã vào thành Phú Xuân, Hoàng Đình Thể ra lệnh đóng chặt các cửa, rồi đem quân lên mặt thành tập trung pháo bắn trả mãnh liệt. Vòng thành ở sát bờ sông, từ mặt nước lên đến mặt thành cách đến hơn hai trượng. Nhờ thế pháo của Tây Sơn đặt trên các chiến thuyền bắn ngược trở lên không tới được mặt thành. Ngược lại, từ các cao điểm, quân Trịnh bắn trả như mưa. Nhiều chiến thuyền của Tây Sơn bị bắn chìm. Quân bộ của Tây Sơn không thể chịu đựng được hỏa lực địch, dần dần lùi lại núp vào trong thuyền. Hoàng Đình Thể mừng rỡ, ba quân hò reo khi thấy Tây Sơn cho các chiến thuyền lui ra xa ngoài tầm pháo của quân Trịnh.
Thấy thế tấn công có nhiều bất lợi, Long Nhương tướng quân hạ lệnh ngưng chiến. Nguyễn Hữu Chỉnh được gọi về lều chỉ huy để báo cáo số thiệt hại. Nguyễn Huệ hỏi:
- Ông thông thạo thủy chiến, có biết thủy triều ở đây dâng cao nhất vào lúc nào không?
Nguyễn Hữu Chỉnh đáp liền:
- Giờ giấc chính xác còn tùy từng mùa, từng vùng. ở vùng này thủy triều thường lên cao nhất vào ban đêm. Bây giờ tháng Năm mùa lũ, nước lại càng lên cao hơn nữa. Tôi có hỏi nhiều người chài sống ven sông Hương nên được biết có lúc thủy triều dâng cao lên tận chân thành. Càng về khuya, con nước càng lớn.
Nguyễn Huệ mừng rỡ nói:
- Như vậy ta sẽ tấn công trở lại vào đêm nay. Cho quân sĩ cơm nước xong xuôi trước giờ Dậu. Các chiến thuyền chuẩn bị sẵn sàng trước giờ Tuất. Ông về truyền lại cho Phò mã hay là trước khi trời sáng, phải hạ cho được thành. Mặt trời mọc mà tên lính nào còn ở ngoài thành sẽ bị coi như kẻ đào ngũ. Dĩ nhiên là trừ những kẻ có phận sự ở lại giữ thuyền.
Quả nhiên đêm đến nước triều dâng lên cao, càng về khuya, mực nước càng cao hơn. Vững tin ở trận thế thuận lợi, Nguyễn Huệ hạ lệnh tấn công. Nước nâng thuyền lên, tầm pháo có thể bắn lọt vào mặt thành khiến quân Trịnh không dám lên đó chiến đấu như buổi sáng. Nhờ vậy, chiến thuyền Tây Sơn áp sát vào chân thành Phú Xuân, vừa đổ bộ binh lên vây chặt các cửa, vừa bắn lên mặt thành như mưa.
Quận Tạo liền phái Hoàng Đình Thể và các thuộc tướng là bọn Vũ Tá Kiên ra thành nghênh chiến. Cả hai người con trai của Quận Thể cũng theo cha ra ngoài thành chiến đấu. Cả đội dựa lưng vào thành mà bày trận. Đánh nhau chừng hơn một canh, quân Quận Thể bị hết cả thuốc đạn. Ông sai người vào thành xin thêm, Quận Tạo ngồi trên lầu thành, sai người đóng cửa chận lại bảo:
- Cơ đội nào cũng cấp đầy đủ khẩu phần, đạn dược cả rồi, giờ vào đây đòi hỏi gì nữa?
Quận Thể nghe thuật lại giận quá, bảo các tướng:
- Tên Quận Tạo phản rồi! Để ta trở vào phá cửa thành chặt lấy đầu thằng giặc già trước đã, rồi sau đó sẽ ra đánh.
Rồi ông ngoảnh lại nói với các con:
- Chúng bay đứng phía trước lo cản địch, ta vào một lát sẽ ra ngay.
Quận Thể co đầu voi quay vào. Voi vừa lùi, thế trận tức thì rối loạn, quân Tây Sơn thừa thế sấn tới. Hai người con Quận Thể phóng ngựa ra múa đao chém chết chừng vài mươi người. Quân Tây Sơn kéo đến đông hơn, họ xông bừa vào chém quị chân ngựa hai người. Ngựa quị, hai con Quận Thể hoa đao đánh bộ, giết thêm vài chục người nữa. Rồi họ bị thương nặng và đuối sức, phải gọi cha đến cứu.
Quận Thể vội quay voi trở ra, nhưng quá muộn. Hai người con đã bị chém chết. Kiên kim hầu Vũ Tá Kiên cũng bị tử trận. Ông ra lệnh thu quân định bày trận khác, nhưng ngoảnh nhìn lên thành đã thấy bên trong kéo cờ bạc rồi.
Tên quản tượng của Quận Thể thấy thế, hoảng hốt, bỏ voi nhảy xuống đất chạy trốn. Voi mất nài chạy loạn xạ. Quân Tây Sơn đuổi theo voi mà bắn. Quận Thể chết trên bành voi, mắt vẫn trợn trừng nhìn lá cờ bạc phấp phới trên cột cờ thành Phú Xuân
Quận Tạo liền vội vã mở cửa thành, xe quan tài ra đầu hàng. Quân Tây Sơn hò reo ùa vào thành chém giết bất cứ ai gặp được. Đốc thị Nguyễn Trọng Đương chết trận. Hầu hết mấy vạn lính trong thành đều bị tiêu diệt, một số nhỏ trốn ra ngoài thành cũng bị dân Thuận Hóa bắt giết cả. Chỉ còn một tên lính duy nhất sống sót, chạy trốn về báo tin cho quân Trịnh ở dinh Cát biết. Nội một đêm, thành Phú Xuân đã đổi chủ.