Khoang tàu tối om và nồng nặc mùi xăng đựng trong thùng. "KHông có đèn đóm gì ở đây à?" Viên thuyền trưởng gật đầu rồi ra hiệu với chiếc đèn pin. Một thuỷ thủ bật công tắc, và hai bóng đèn toả ra thứ ánh sáng vàng ệch. Trong khoang hẹp chất đầy những thùng gỗ nặng nề. Tôi quay sang trung uý Giraldo. "Hòm này giống đây". "Mở hòm này ra" Anh ra lệnh. Hai người lính kéo một hòm xuống rồi nậy ra bằng dao rựa. Tôi nhìn thuyền trường. Mặt ông ta thản nhiên giữa tiếng nậy nắp chiếc hòm gỗ. "Súng!" giọng cộc lốc, dội lại trong khoang tàu thép. Nét mặt thuyền trưởng lặng như tờ. Tôi quay nhìn chiếc hòm vừa mở. Các khẩu súng trường tự động ánh lên dưới lớp dầu bảo vệ. Tôi cầm một khẩu lên xem xét. Nhãn hiệu nhỏ nhưng rõ nét. Không hề có ý nguỵ trang. KUPPEN FARBEN GESELLSCHAFT e.g. Tôi hiểu nghĩa của hai chữ nhỏ Đông Đức. Xí nghiệp vũ khí cũ trong Tô giới Nga. Họ vẫn giữ tên này vì nó vẫn được tín nhiệm ở một số vùng trên thế giới. Mấy ai biết rằng công ty này đã nằm dưới một bộ máy quản lý hoàn toàn khác chính họ ở phương Tây và đã bị loại khỏi doanh nghiệp vũ khí? Tôi ném trả khẩu súng cho người lính. "Mở các hòm khác". Tôi quay lại thuyền trưởng. "Ông có vận đơn cho loại hàng này chứ?" "Tất nhiên. Đây là một phần của lô hàng sẽ đến tiếp sau". "Vậy đấy. Tôi xem được không?" Lần đầu tiên nét mặt thuyền trưởng có hơi biến sắc. Ông ta liếc viên thanh tra hải quan đang đứng bên. "Tôi không có". "Vậy ai có, thuyền trưởng?" Ông ta không trả lời. "Nào, thuyền trưởng" tôi nói "phải có ai đó có chứ". Ông ta như khó khăn lắm mới trả lời được. "Tôi cho là nó có thể gộp nhầm vào những vận đơn khác". "Ông cho là hải quan có vận đơn à?" Ông ta khó khăn gật đầu. Tôi quay sang viên thanh tra hải quan. "Ông có thấy vận đơn không?" Cặp mắt người đàn ông đầy sợ hãi. "Không, thưa ngài" ông ta lắp bắp. "Chúng tôi không được phép xem những vận đơn ấy. Đích thân trưởng thanh tra xử lý chúng". Tôi quay sang Giraldo. "Để nửa số người của anh ở đây, mang theo nửa kia, và theo tôi". "Vâng, thưa ngài!" Lần đầu tiên tôi thấy sự kính trọng gia tăng trong mắt viên trung uý trẻ. Vào lúc sáu giờ sáng nay thì không phải thế, khi tôi ập vào doanh trại. Anh ta phản đối, và cho rằng mình không được phép tham gia vào một cuộc bố ráp như thế bởi nhiệm vụ được giao chỉ là bảo vệ tôi thôi. "Vậy nhiệm vụ của anh rõ ràng rồi" tôi nói "anh phải hộ tống tôi để bảo vệ tôi". "Tôi sẽ phải báo cáo với cấp trên của tôi". "Trung uý, anh sẽ không nói với bất cứ ai cả!" tôi cho phép giọng mình miả mai. "Mệnh lệnh đối với anh rất rõ ràng. Anh cho là Tổng Thống sẽ nghĩ sao nếu tôi bảo ông rằng anh đã đào nhiệm? rằng tôi đã một mình trên núi hai ngày trong khi anh thì thơ thẩn ở doanh trại?" Giraldo suy nghĩ một lát, nhưng không phải mất nhiều thì giờ để quyết định giữa đe và búa thì cái nào nhẹ hơn. Thậm chí việc quyết định hộ tống tôi có là sai đi chăng nữa thì ít nhất nó cũng không làm rụng sao của anh. Còn nếu người ta biết tôi đã một mình trên núi, thì may mắn nhất cho anh là Tổng Thống chỉ lột sạch thôi. Giraldo đã tập hợp người của mình trên hai chiếc xe jeep và theo xe tôi ra cảng. Chiếc tàu vừa buông neo. Tôi đứng đấy, trong ánh xám nhạt của buổi sớm nhìn lên cột buồm mũi, nơi lá cờ màu ruby và lục của hãng tàu biển Campion đang bay phần phật. Phải là một trong những chiếc tàu của anh ta, tôi nghĩ, khi bước lên ván tàu. Giờ đây, khi đã tìm ra súng, thì tôi có thể nói rằng Giraldo đã nghĩ hoàn toàn khác, bằng vào cung cách của anh. Tất cả những ngập ngừng đã biến mất trong cách anh ra lệnh. Tôi quay sang thuyền trưởng và viên thanh tra hải quan. "Hai ông sẽ vui lòng cùng tôi đến văn phòng của trưởng thanh tra chứ?" Không đợi trả lời, tôi leo lên chiếc thang sắt, ra ngoài boong tàu. Sau tất cả những hôi thối trong khoang tàu, bầu không khí biển ấm áp thật dễ chịu. Tôi hít một hơi thật dài. Mèo Bự chạy vội tới. "Tổng Thống vừa đến!" "Đến đây?" "Vâng, ở trên cảng. Ông ấy đang đợi anh". Tôi không nói gì. Tôi chẳng phải nói gì. Mèo Bự biết tôi đang nghĩ gì. Tôi không thể đi bất cứ đâu trong thành phố mà Tổng Thống không biết. Tôi theo Mèo Bự đến đầu ván tàu, nhìn xuống. Tổng Thống đang đứng cạnh chiếc limousine đen to đùng của ông, xung quanh lính vây kín. Ông nhìn lên, thấy tôi và vẫy. Tôi vẫy lại rồi bước xuống ván tàu. Những người lính dãn ra để tôi đi qua. "Anh tìm thấy gì?" Tôi chằm chằm nhìn Tổng Thống trước khi trả lời. "Cái mà tôi hy vọng tìm được. Là súng! Giống như loại ông thu được của bọn cướp ở trên núi". Tổng Thống nhìn tôi một lát rồi quay đi. "Hoyos!" Ông ta nhanh chóng xuất hiện từ phía sau chiếc xe. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Hoyos trong bộ quân phục. Quân hàm đại tá quân đội vàng ánh trên hai vai. "Vâng, thưa ngài". "Đưa một tiểu đội lên tàu để tịch thu súng ống, đại tá". "Không cần thiết, thưa ông" tôi vội nói. "Người của trung uý Giraldo đang canh giữ ở đấy". "Anh đi cùng Giraldo à? Tốt". "Tôi đang trên đường đến văn phòng của chánh thanh tra. Người ta bảo tôi là vận đơn nằm ở đấy". "Tôi đi với anh" Tổng Thống nói dứt khoát. "Có lẽ người anh em họ của ta phải giải trình nhiều thứ đây". Thuyền trưởng và thanh tra hải quan đi trước, khi chúng tôi tới toà nhà hải quan. Tổng Thống thấp giọng khi ông cầm cánh tay tôi một cách bí mật. "Làm sao anh biết về lô súng này? Từ cô gái à?" "Không. Từ ông già Martínez, ông già nông dân sống gần trang trại của tôi. Bọn cướp đã tra tấn, và để chết chỉ vì ông ấy là bạn của tôi. Martínez nghe bọn chúng nói với nhau". Lời nói dối thật phù hợp. Bọn họ có đào ông ấy lên cũng vô ích. "Martínez? Anh nói cái lão chăn súc vật ấy à?" Tôi chằm chằm nhìn Tổng Thống. Hầu như không bao giờ hết những ngạc nhiên mà ông dành cho tôi. ít nhất cũng ba mươi năm nay không gặp Martínez, vậy mà ông nhớ ngay ra ông ta. "Vâng". "Tôi không biết lão vẫn còn sống" Tổng Thống trầm ngâm. "Chúng tôi vẫn mua gà của lão. Giờ chắc lão già lắm rồi". Chúng tôi đến khu Hải quan, Hoyos chạy lên trước mở cửa rồi lùi sang bên nhường lối cho Tổng Thống và tôi đi vào. Hai nhân viên thư ký đang ngồi bên bàn, nhìn lên, rồi sững sờ. "Ông em họ tôi có đây không?" "Tôi…tôi không biết ạ" một trong hai người lúng túng trả lời trong khi đứng lên. "Tôi đi kiếm, thưa ngài". "Tôi tự kiếm!" Người thư ký ngồi lại xuống ghế khi Tổng Thống đi qua mặt anh ta, vào một văn phòng riêng. Qua cánh cửa mở, tôi thấy chánh thanh tra bật lên sau chiếc bàn rồi đứng nghiêm. "Súng ống đầy ở trên tàu kia kìa!" Tổng Thống gầm lên. Mặt chánh thanh tra trắng bệch ra. "Thưa ngài, tôi không hay biết gì, hãy tin tôi ". "Đồ lừa đảo! Đồ phản bội! Vận đơn ở đây, trong văn phòng của anh, đưa đây cho tôi!" Tổng Thống bước đến, đưa tay ra. Tôi bước vào văn phòng, cùng với Hoyos, ngay khi chánh thanh tra lôi chiếc ngăn kéo ra như điên dại. Nó bị tắc, nhưng rồi cũng bật ra, và ông ta thò tay vào. Loáng một ánh thép rồi khẩu súng nổ như ngay bên tai tôi. Lực của viên đạn đẩy chánh thanh tra vào tường. Ông ta lơ lửng ở đấy, nét ngạc nhiên trong cặp mắt chợt phai thành hư không khi ông đổ sụp xuống sàn. Tôi nhìn Hoyos. Anh ta đứng đấy, họng súng vẫn nhả khói trong tay, cặp môi mỏng hơi mím lại. "Tôi thấy một khẩu súng!" Tôi bước qua xác chết, đến sau bàn, mở ngăn kéo, lấy tập giấy tờ được kẹp bằng chiếc kẹp sắt lớn ra. "Đấy là súng của anh đấy" tôi lặng lẽ nói. Tôi thấy cái liếc thoáng qua giữa Hoyos và Tổng Thống, đủ để hiểu rằng chẳng hề gì. Chánh thanh tra đã chết trước khi chúng tôi vào văn phòng ông. Tôi nhìn đống giấy tờ, lật vội các trang, nhưng vận đơn, nếu có,thì cũng đã biến mất. Chuyện súng ống rối rắm hơn nhiều so với việc nó chềnh ềnh ra để tôi phát hiện. Chương 12 "Em họ ta" Tổng Thống nói "máu mủ ta". Tôi nhìn ông ngồi sau bàn. Dù chiếc băng đen đang đeo trên cánh tay, nhưng giọng ông chẳng hơn gì hôm qua ở văn phòng hải quan. Tôi lặng thinh. "Anh nói đúng" ông tiếp tục "súng ống đến bằng tàu biển. Ta không thể tin được. Ta đã đưa chính em họ ta vào phụ trách cảng. Nếu không tin hắn thì ta tin ai?" Tôi vẫn không có câu trả lời, nhưng tôi biết một điều: ông chẳng thực sự tin ai cả, trừ chính bản thân ông. "Tôi đã đặt cảng dưới quyền kiểm soát của Hoyos" ông tiếp tục. "Giờ thì quân đội sẽ làm việc đó". "Thế còn các nhân viên hải quan?" tôi hỏi. "Bọn chúng ở trong nhà tù. Tất cả bọn chúng ở trong tù". "Ông tìm thấy chứng cứ?" "Ta tìm thấy súng ống, còn cần chứng cứ gì hơn nữa? Ngần ấy súng ống ra khỏi chiếc tàu ấy thì mọi người đều phải biết". "Còn viên thuyền trưởng sẽ ra sao?" "Để hắn đi. Chúng ta làm gì được nào? Để hắn gọi sứ quán Mỹ và làm thối um lên trong khi anh đang cố vay hai mươi triệu đô la à?" Có một thứ logic khác thường torng tuyên bố của ông. Đó là vào lúc sáng này, chúng tôi không được phép rắc rối. Tôi đứng lên, đến bên cửa sổ. Con tàu vẫn nằm trong cảng. Nó sẽ đi trong con triều buổi tối. Nếu không phải là con tàu của Campion kéo cờ Corteguay thì chúng tôi đã đóng cửa cảnG với cả đoàn tàu này. Nhưng làm sao mà có thể đóng cửa đối với những con tàu kéo chính cờ của nước mình? Súng ống vẫn có thể tiếp tục vào. Nếu bị ngăn chặn ở đây, chúng sẽ phải tìm con đường khác. Tổng Thống bước đến bên cửa sổ, đứng bên tôi. "Không bao giờ đơn giản cả". Tôi quay nhìn ông. "Khi còn là một thanh niên, ta nghĩ là ta biết tất cả các câu trả lời. Rồi ta vào lâu đài và thấy rằng không có một câu trả lời dễ dàng và nhanh chóng cho bất cứ điều gì. Những chuyện nhỏ nhặt nhất cũng có cách để mọc lên thành những vấn đề không thể vượt qua. Mà lúc nào cũng có người thúc giục anh. Làm cái này rồi làm cái nọ. Bằng cách này rồi bằng cách nọ, cho đến khi anh mong muốn mình có thể rút lại lời nói mà có lần đã thốt ra vì ngu dốt. Chẳng ai biết cái gì hết, cho đến khi anh ngồi vào chiếc ghế bấp bênh và cô đơn của quyền lực, và nhận ra rằng anh thực ra biết quá ít". "Tôi sẽ nói với Campion khi tôi đến New York, có thể anh ta biết cách để làm cho súng ống không lên tàu của mình được". "Làm đi" ông già nói. "nhưng cũng chẳng ích gì. Sao mà đích thân Campion có thể kiểm tra từng chuyến hàng sẽ bốc lên ở các con tàu của mình? Anh ta sẽ phải xuống từng khoang tàu xem từng kiện hàng. Và nếu làm thế, thì anh cho là liệu anh ta sẽ tồn tại được bao lâu?" "Dù sao thì tôi vẫn cứ nói chuyện với anh ấy". "Ta bắt đầu nghĩ là chỉ một cách để giải quyết chuyện này. Nghĩa là ta phải dẫn một đạo quân lên núi và quét sạch bọn cướp khốn kiếp ấy, một lần cho tất cả. Giết sạch bọn chúng". "Đấy không phải là câu trả lời" tôi nói. "Sẽ phải giết cả đàn bà, trẻ em, và ông không thể làm thế. Thậm chí nó có là cách duy nhất đi chăng nữa thì cả thế giới sẽ quay lưng lại với chúng ta trong hãi hùng". "Ta biết. Người Mỹ sẽ lên án chúng ta là độc tài và người Nga sẽ bảo chúng ta là cái đuôi của chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Tổng Thống hít một hơi dài. "Không hề dễ dàng. Ta ngồi đây như chân tay bị trói, trong khi mỗi ngày lại có vài người bị giết hoặc biến mất. Mà điều duy nhất ta có thể làm là tự vệ, chứ không được tấn công. Đấy là cuộc chiến không có câu trả lời". "Lệnh ân xá…" Ông chằm chằm nhìn tôi. "Lệnh ân xá là một thất bại! Có kẻ đối lập nào đến chưa? Chưa, và chúng sẽ không bao giờ đến. Anh cũng phải chấp nhận thôi". "Mới chỉ hiệu lực có hai tuần. Họ còn đang suy tính". Tổng Thống bỏ đi, giọng ông khô khốc. "Nếu anh thích tiếp tục tự dối mình thì cứ làm. Tôi thích thực tiễn hơn". Ông nặng nề ngồi xuống. "Ví dụ như cái con giun mà anh cho nó thoát mạng đấy. Anh có nghe được một lời nào của nó không? hay là của thằng anh nó, cái thằng phản bội hèn mạt ấy? hay của con bé ấy?" Tôi không trả lời. Không thể nói với Tổng Thống rằng tôi có thể chẳng hay biết gì về chuyện súng ống nếu không có Beatriz. Đối với tôi, đây là chứng cứ cho thấy lệnh ân xá chí ít cũng đã được thảo luận, cân nhắc. "Ông sẽ không rút lệnh ân xá đấy chứ?" "Ta không phải làm thế" ông đáp, đầy khinh thị. "Không cần phải rút lại một đề nghị tuy đã đưa ra công chúng nhưng trong nội bộ, anh thừa biết, sẽ chẳng bao giờ được chấp nhận. Ít nhất thì bằng cách này, thất bại thuộc về họ". Chợt ông hỏi "Cô gái? Anh có kế hoạch gì về cô ta không?" "Tôi cũng không biết nữa. Tôi chưa nghĩ đến điều đó". "Hãy nghĩ đi thì hơn. Ta cảm giác là anh có thay đổi từ khi gặp cô ấy". "Nghĩa là sao ạ?" "Anh đã ở Corteguay cả tháng rồi" ông nói, thoáng nét cười trên miệng "mà vẫn chưa có một tí tẹo rắc rối nào. Chưa có một ông bố hay một anh chồng nào phàn nàn gì cả!" Như thường lệ, rèm được buông phủ các cửa sổ khi tôi bước vào phòng. "Amparo, mai anh đi. Anh đến chào tạm biệt". Cô đang ngồi bên bàn. Giọng cô như sợ sệt và vẳng lại từ rất xa. "Anh tốt bụng quá. Thực ra, anh chẳng phải bận tâm". "Anh muốn thế" tôi nói, bước lại bên cô. "Anh không biết có thể làm một điều gì đó cho em không?" "Cho em?" giọng cô như ngạc nhiên. "Tại sao anh lại muốn làm một điều gì đó cho em?" "Vì nhiều lý do mà em biết rồi đấy. Nhưng cái chính là anh không muốn thấy em thế này". Amparo nhìn thẳng vào mắt tôi. Cặp mắt cô bình tĩnh và xa xăm, như thể chúng tôi đang nói về một người khác vậy. "Anh bảo ma tuý ấy à?" "Ừ, có những nơi mà người ta có thể giúp em được, em biết không. Chữa khỏi". "Anh tính chữa cái gì trong em chứ, Dax? Chữa sự thanh thản duy nhất mà em có à?" "Nhưng đó không phải là sự thanh thản đích thực, Amparo. Chính em cũng biết thế mà, chỉ là một ảo ảnh". Amparo lại nhìn tôi với sự bình tĩnh kỳ lạ ấy. "Anh tính đưa em trở lại với con người em như xưa à? Để luôn luôn tự tra tấn mình, luôn luôn sống trong hãi hùng và nửa điên rồ vì thèm muốn những thứ mà mình biết là chẳng bao giờ có được à? Thôi, cảm ơn. Em không quan tâm, cho dù đấy chỉ là ảo ảnh. Cứ để em giữ nó, Dax". "Nhưng em chỉ sống có một nửa". "Sống một nửa còn hơn là chết" Cô nhìn xuống bàn, cầm một lá thư lên. "Xem đi, Dax. Anh có biết em làm gì không?" Tôi lắc đầu. "Em cố viết một bức thư chia buồn. Hai ngày liền, em cố viết cho gia đình ông chú để giải thích với họ rằng em buồn như thế nào khi ông ấy phải chết vì những tham vọng của cha em". Amparo như chuyển sang giọng người điên. "Anh có biết đã bao lần em phải viết cho gia đình của những người mà cha em đã giết không? Em không thể đếm được nữa. Quá nhiều". "Đấy là một tai nạn" tôi nói. "Không trách cha em được". "Không phải là tai nạn. Chỉ có một tai nạn, là cuối cùng anh đã tìm ra đôi điều mà lẽ ra anh không được biết. Từ thời điểm đó, ông chú em đã chết rồi. Đêm qua em đến nhà ông ấy. Bà vợ goá vận đồ đen, còn lũ trẻ con thì cứ trố mắt ra vì vẫn chưa thực sự hiểu rằng cha chúng sẽ vĩnh viễn bỏ chúng. Em không thể bước vào ngôi nhà đó với tất cả những gì mình biết. Vậy là em quay về, và em cố viết thư này". Amparo cáu bẳn vò tờ giấy rồi vứt vào sọt rác. Cô với một điếu thuốc, châm hút với những ngón tay run rẩy. Một lát sau, những ngón tay đã bớt run, và cô nói, giọng vô tư lạnh lùng. "Tại sao anh có thể ngu xuẩn đến thế được, hả Dax? Tất cả những câu trả lời mà anh tìm kiếm đều nằm trong chính tay anh. Giết ông ta đi, Dax, và tất cả chết chóc sẽ ngừng lại. Em bắt đầu cho rằng thậm chí chính ông ta cũng đang đợi anh làm thế. Ông ta sẽ đón nhận nó". Tối hôm đó tôi đứng trước cửa nhà Beatriz thì người hầu của cô cho tôi biết là cô và ông chú đã đi rồi. Không, bà ta không biết họ đi đâu. Mãi sáng hôm sau, khi bước vào văn phòng Tổng Thống để chào tạm biệt, tôi mới được ông báo rằng họ đã đi Miami trên chuyến bay hôm qua.