Gần khẩu pháo có tiếng thét sợ hãi từ dưới hầm vọng lê: -Đứng lại, ai đi đâu? Tôi bắn này!... -Bắn đi, bắn ngay đi,-U-kha-nốp đáp lại, giọng chế nhạo và quăng hòm đạn xuống giữa các càng pháo-Phải thét lên như thế này cơ mà, bác Tri-bi-xốp ạ: “Ai, đứng lại!”. Và phải hô thật to để cho đầu gối người ta run lên. Nào bác thử hô lại lần nữa xem nào! -Tôi chịu thôi… Tôi chịu thôi, đồng chí thượng sĩ ạ.-Chúng nó bắn đáy,-Tri-bi-xốp ngồi trong hầm làu bàu bào chữa bằng giọng khản đặc vì rét cóng.-Ban nãy tôi đang bật lửa hút điếu thuốc ấy thế là nghe đến “víu” một cái ở trên đầu và đạn cắm vào bờ lũy. Chúng nó nã tiểu liên hay sao ấy!... -Chúng từ đâu bắn tới? Bắn vào đâu?-Cu-dơ-nét-xốp nghiêm khắc hỏi, anh vẫn chưa trông thấy Tri-bi-xốp và bước lại gần căn hầm. Khẩu pháo đen sẫm đứng đơn độc trên trận địa pháo như thể bị anh em pháo thủ bỏ lại từ lâu, mảnh vải bạt che pháo phần phật trước gió. Đống vỏ đạn đã bắn nằm giữa các càng pháo choãi chân ra, đám tuyết đọng trong những vết nứt trên bờ lũy đất, tất cả trông có vẻ man rợ, ánh hồng lên dưới quầng sáng ở gần bờ bên kia. Giọng nói cóng lạnh của Tri-bi-xốp làu bàu trong bóng tối: -Cúi người xuống anh, cúi xuống… chúng nó đã nhận ra khẩu pháo và bắn đấy… Tri-bi-xốp không bò ra khỏi hầm, người bác hòa lẫn vào vách hầm nên không trông thấy rõ, chỉ thấy bác động đậy ở đó. Cu-dơ-nét-xốp nói bằng giọng ra lệnh khiến chính anh cũng bực mình. -Sao bác cứ rúc trong đất như con chuột trũi thế hả, Tri-bi-xốp? Đến qua kính ngắm cũng chả nhìn thấy bác! Bác ra đây, Nết-trai-ép đâu? Nhưng chả hiểu sao anh cảm thấy xấu hổ và lúng túng khi trông thấy bác theo mệnh lệnh thô bạo của anh loay hoay trong lũy đất nghiêng người bò lên vị trí đặt pháo, khom người lách tới ngồi trên càng pháo, thận trọng đưa mắt nhìn về phía bờ bên kia; chiếc áo choàng cũn cỡn trùm lên người bác như một quả chuông, khuôn mặt lưỡi cày râu không cạo nhô ra từ dưới mũ lót như sẵn sàng chờ đợi nguy hiểm; bác cầm khẩu các bin như cầm gậy. Kể cũng lạ, không biết bác ấy đã chịu đựng cả trận đánh này bằng cách nào?-Cu-dơ-nét-xốp nghĩ, anh nhớ tới hình ảnh Tri-bi-xốp lúc địch ném bom, lúc ấy bác nằm nhoài ra và những con chuột ở trong hang dưới mí hầm bị mảnh đạn bắn vào, nhảy lên lưng bác, kêu chin chít?-Lúc ấy bác ta nói gì nhỉ? À, đúng rồi… “Con cái, tôi còn lũ con”. -Tôi quan sát, đồng chí trung úy ạ. Còn Nết-trai-ép ở trong hầm trú ẩn… họ ở đằng kia kìa. Cô cứu thương Dôi-a cũng đã đi lại phía đó… Cả anh chàng coi ngựa Ru-bin nữa. Họ trò chuyện gì đó. Còn chúng nó từ bờ sông bên kia bắn sang… Tôi vừa mới bật lửa một cái, ấy thế là viên đạn rít lên trong bờ lũy đất. Đồng chí hãy cúi xuống, ngộ nhỡ… -Chúng bắn từ đâu tới? Cụ thể là từ đâu?-Cu-dơ-nét-xốp hỏi. -Từ bờ bên kia, thưa đồng chí trung úy. Chúng ngồi gần lắm, trong những ngôi nhà ấy, chúng nó trông thấy khẩu pháo của ta. Lời giải thích rụt rè, ngọng nghịu đó của Tri-bi-xốp, khuôn mặt nhỏ nhắn, râu ria tua tủa của bác khi thì quay về phía anh, khi thì quay về phía U-kha-nốp, sự lo ngại, sự báo trước ngốc nghếch hay sáng suốt của bác-tất cả đều dường như xa lạ, như từ một cuộc đời khác và anh không còn cảm thấy lòng thương hại trước đây đối với Tri-bi-xốp nữa. -Bác đã trông thấy bọn thiện xạ bắn tỉa của địch ờ bờ bên kia thế mà lại không nhìn thấy gì ngay trước mắt mình,-Cu-dơ-nét-xốp bực bội nói.-Thế mà cũng đòi là người quan sát. -Gì kia hả?-Tri-bi-xốp hoảng hốt vươn người trên càng pháo.-Đồng chí nói gì kia, đồng chí trung úy? -Bác hãy quan sát chăm chú hơn phía sau đồi kia kìa-ở đấy có một đội cứu thương Đức. Chúng đang thu lượm xác chết. Bác đừng có luôn luôn nhìn về phía sau lưng như thế mà phải nhìn về phía trước. Kẻo không bọn Đức lại kéo mất khẩu pháo ngay trước mũi bác. Rõ chưa? -Về bọn xạ thủ tiểu liên, chúng tôi sẽ kiểm tra ngay xem bác có trông gà hóa cuốc không, bác Tri-bi-xốp ạ,-U-kha-nốp nói rồi đợt một lát anh thong thả ra lệnh một cách đôn hậu:-Hãy khom người xuống dưới bờ công sự, trung úy. Tri-bi-xốp, nhoai vào hầm đi. Mau lên, nào! Bác nói là hễ thấy đốm lửa thì chúng bắn từ bên kia sông sang à? Chúng tôi sẽ kiểm tra xem. Anh rút bật lửa ở trong túi ra với vẻ đùa cợt, hát hất nó ở trên lòng bàn tay, ra hiệu cho bác Tri-bi-xốp thấy. Bác thở hổn hển, rời khỏi càng pháo, hối hả như con thú nhỏ trước cửa hang, chui vào trong hầm, ngồi im trong đó. Cu-dơ-nét-xốp đứng yên, anh vẫn chưa hiểu U-kha-nốp làm như thế để làm gì. -Khom người xuống, trung úy, để đề phòng bất trắc.-U-kha-nốp ấn vai Cu-dơ-nét-xốp, đẩy anh nép mình vào bờ lũy, sau kh bản thân mình cũng khom người xuống, anh ta giơ tay bật ngay chiếc bật lửa ở trên đầu. Tức thì ở bờ bên kia vang lên một phát súng trường, đốm lửa lân tính sáng lóe lên. Không nghe rõ tiếng đạn réo nhưng có tiếng đất lở từ bờ công sự phía bên phải cách đó hai bước. -Hóa ra bác Tri-bi-xốp không trông gà hóa cuốc,-Cu-dơ-nét-xốp nói. -Chúng ngồi gần lắm, quân súc sinh,-U-kha-nốp nói.-Đâu như ngay trong những ngôi nhà đầu tiên… Có lẽ gần hơn. -U-kha-nốp ạ, đến sáng có lẽ phải diệt bọn chúng, và nã về phía đó hai trái đạn,-Cu-dơ-nét-xốp vươn thẳng người lên, nói.-Chúng đã nhận ra có người động đậy ở gần khẩu pháo. Chúng sẽ không để cho ta bắn đâu. -Tôi đã nói mà, tôi đã nói mà!-Từ trong hầm vang lên giọng nói của Tri-bi-xốp xác nhận sự bất hạnh.-Chúng mình cứ như ngồi trong cái túi. Đằng trước là chúng nó, liền sát ngay sau lưng cũng là chúng nó… Chúng mình đã bị cứt đứt rồi, trung úy ạ!... -Quan sát đi, Tri-bi-xốp!-Cu-dơ-nét-xốp ra lệnh.-Chỉ có điều là không phải quan sát đáy hầm, rõ chưa? Nếu có chuyện gì hãy bắn súng các bin báo hiệu và chạy vào hầm trú ẩn ngay! Bác nhắc lại đi! -Nếu có chuyệngì, bắn súng các bin, thưa đồng chí trung úy… -Nhất là đừng có ngủ! Ta đến chỗ hầm trú ẩn đi, U-kha-nốp. Họ lần theo những bậc đất trổ vào tấm vải bạt, từ trong hầm phả ra hơi người ấm áp, vọng ra những giọng nói nghe không rõ, trong những giọng nói đó Cu-dơ-nét-xốp nhận ra ngay giọng nói của Dôi-a. Và lúc ấy anh chợt thấy ớn lạnh, sực nhớ tới lúc cô nheo mắt áp sát thân mình vào người anh để tìm sự che chở, đôi đầu gối lấm láp của cô, những giây phút tưởng chết đến nơi khi khẩu pháo tự hành của địch đã phát hiện ra họ và khi anh lấy thân mình che chở cho cô một cách vô ý thức, bản năng và anh sẵn sàng chết như vậy để che chở cho cô khỏi mảnh đạn. Nhưng ngay cả giờ đây nữa, anh cũng chỉ hiểu lờ mờ những gì đã xảy ra với anh và đặc biệt là với cô trong giây lát đó. Có lẽ điều ấy bắt nguồn từ những thế kỷ sâu thẳm; có lẽ từ thuở xa xưa ấy người đàn ông do bản năng không cưỡng lại được đã hy sinh quên mình như thế để bảo vệ người đàn bà nhằm duy trì giống nòi trên trái đất. Lúc đứng gần cửa hầm Cu-dơ-nét-xốp nghĩ không biết lát nữa đây, sau khi anh và U-kha-nốp bước vào, nét mặt và ánh mắt Dôi-a sẽ như thế nào. Anh nhíu lông mày, gạt tấm bạt che cửa ra. Mọi người im bặt. Có người ho sù sụ. -Phải che bạt cẩn thận hơn… Bọn thiện xạ bắn tỉa của địch bắn cừ lắm đấy! Trong hầm trú ẩn ẩm ướt, giá lạnh, leo lét ngọn đèn dầu xanh lè làm bằng vỏ đạn pháo, ánh đèn chiếu sáng những bức tường ẩm ướt. Ở đây có ba người: Dôi-a, Ru-bin và Nết-trai-ép. Cả ba người đang xúm xít sưởi xung quanh ngọn đèn tự tạo khêu cao nổ lép bép và đều quay đều về phía cửa hầm. Hạ sĩ Nết-trai-ép ngả người gần Dôi-a, khuỷu tay chạm vào đầu gối cô-chiếc áo choàng phanh ra để lộ rõ chiếc may ô kẻ sọc của lính thủy ở trên ngực-đưa mắt nhìn Dôi-a có ý thăm dò. Anh mỉm miệng cười, dưới hàng ria lộ hàm răng trắng bóng. -Kìa, Dôi-e-sca, trung úy mà cô hằng mong đợi! Chiến sĩ coi ngựa Ru-bin ngồi trên chiếc hòm dạn rỗng lập tức co ro, hối hả quá mức đưa những ngón tay chai sần, mập mạp chụp lấy ngọn lửa bập bùng từ cái vỏ đạn. Chừng như không tin Cu-dơ-nét-xốp, tròng mắt sáng lóe lên vẻ lo lắng, sau đó cô lặng lẽ thở dài nhẹ nhõm. Khuôn mặt cô chẳng giống chút nào với lúc cô ở bên khẩu pháo: nó gầy guộc, hốc hác đi nhiều, phía dưới mắt cô những quầng thâm, môi sạm đi dường như khô nẻ vì bặm môi nhiều. “Không,-Cu-dơ-nét-xốp thoáng nghĩ,-lúc này, chắc chẳng ai có thể hôn vào đôi môi đen sạm đó. Môi cô ấy làm sao thế nhỉ? Và tại sao Nết-trai-ép cứ nhìn cô ấy chằm chặp như thế?”. -May quá, thế là anh em đã tới!-Dôi-a nói, mỉm cười, vẻ vui mừng rõ rệt.-Tôi mong các anh ghê quá. Muốn được gặp anh em còn sống. May qýa, các anh tới. Các anh từ đâu tới thế? -Không xa đây lắm. Chúng tôi là khách của bọn Đức, Dôi-e-sca ạ. Tôi đã cùng với trung úy đi kiểm tra các vị trí của bọn Đức,-U-kha-nốp đáp và anh vẫn đứng, cúi đầu xuống, ném phịch xuống cạnh ngọn đèn chiếc túi da nhỏ rất giống túi dùng trong gia đình, có những chiếc khuy cài mạ kền dính băng giá.-Xin các bạn hãy tiếp nhận tặng phẩm. Nết-trai-ép trải vải bạt ra! Có lẽ các bạn đã đói meo rồi phải không? Xin gửi tới vị chuẩn úy hậu cần thân mến của chúng ta lời chào chiến đấu. Có lẽ lão ta đang ngồi ở đâu đó tại hậu phương trên cái nồi của mình và oai hùng khua huân chương loẻng xoẻng, đau khổ vì chúng ta! Nết-trai-ép cười vang còn Dôi-a bặm môi, ngước nhìn Cu-dơ-nét-xốp, lúc này cô không mỉm cười nữa mà lộ vẻ chờ đợi thông cảm, không giấu giếm. Ru-bin mặt đỏ gay vẫn đang sưởi bàn tay to bè như cái xẻng trên ngọn đèn, liếc mắt nhìn trộm Dôi-a, mũi sụt sịt mạnh: -Trung úy,-Dôi-a gọi bằng cặp mắt to trên khuôn mặt gầy guộc của cô hơn là bằng giọng nói rồi cô gật đầu ra hiệu cho anh.-Anh hãy ngồi xuống đây cạnh tôi. Tôi cần nói chuyện với anh. À thôi,-cô bặm môi, sửa lại,-anh hãy cầm lấy mảnh giấy này. Của Đa-vla-chi-an đấy. Anh ấy nhờ tôi chuyển cho anh. Chiều qua tôi không chuyển được vì không thể nào rời bỏ anh em thương binh. May có Ru-bin giúp tôi. Trung úy này, chẳng lẽ chúng mình bị bao vây à? Cu-dơ-nét-xốp cầm tờ giấy Dôi-a đưa cho, không trả lời câu hỏi của cô. Anh hỏi: -Cậu ấy thế nào hở Dôi-a? Đã tỉnh chưa? -Vẫn nửa tỉnh nửa mê,-Ru-bin rầu rĩ thốt lên.-Cứ luôn mồm gọi anh. Anh ấy bảo phải nói với anh cái gì ấy… Cu-dơ-nét-xốp đã biết trung úy Đa-vla-chi-an bị thương nặng ngay từ lúc mới chiến đấu, biết rằng anh ấy hầu như khó qua khỏi được và sau khi đưa mắt hết nhìn Ru-bin đến Dôi-a, anh hiểu rằng tình trạng của Đa-vla-chi-an vẫn vô vọng như trước và anh cẩn trọng giở mảnh giấy trên đó có những chữ to viết nguệch ngoặc bằng bút chì hóa học: “Thư riêng của trung úy Đa-vla-chi-an gửi trung úy Cu-dơ-nét-xốp. Cô-li-a, mình bị thương, đừng bỏ mình lại đây. Đừng quên mình. Đó là yêu cầu của mình. Nếu chúng ta không gặp nhau nữa thì thẻ Đoàn, tấm ảnh có đề đằng sau và địa chỉ ở túi bên trái. Ảnh mẹ mình và cô ấy. Cậu hãy giữ lấy và viết thư. Còn làm thế nào chắc cậu khắc biết. Chỉ có điều là đừng sướt mướt quá. Thế thôi. Mình đã chẳng làm được trò trống gì. Mình là kẻ thất bại. Ôm hôn cậu. Đa-vla-chi-an”.