Một trong những điều kỳ diệu của New York là bất kể giờ nào trong ngày hay đêm, bao giờ cũng có một chỗ nào đó để đến. Vào năm giờ sáng, nếu anh ở phía đông Manhattan, thì nơi đến sẽ là nhà hàng Reuben dành cho dân sành ăn, nơi có thể nhấm nháp một ly cà phê hay ăn trọn một bữa. Nhà hàng vắng tanh khi tôi và Beatriz bước vào. Có mấy người rớt lại của đêm trước, còn thực khách buổi sáng thì hẳn vẫn chưa động đậy trên giường của họ. Người hầu bàn không buồn nhìn bộ trang phục ăn tối của tôi nữa. Ông ta quen rồi, vào giờ đó là như vậy. "Sẽ là món gì đây?" "Cà phê" tôi nói. "Nhiều và đặc". Tôi nhìn Beatriz. "Em cũng uống cà phê". Tôi đưa tay nắm tay cô, nhưng cô rụt về. "Anh lo lắng khi biết là em đã đi" tôi nói. "Ngày nào anh cũng nghĩ về em". Beatriz nhìn tôi, cặp mắt vẫn đầy tổn thương. "Cổ anh bị xước. Có cả máu trên cổ áo". "Anh sẽ nói với tay thợ cạo" tôi trả lời "anh ta phải cẩn thận hơn mới được". Beatriz không cười. "Cẳng hay ho gì đâu". "Sao em không bảo anh là em đi?" Cô không trả lời cho đến khi người hầu bàn bày xong cà phê. "Anh không lo lắng đến thế đâu". Tôi uống một ngụm lớn. Cà phê nóng chạy xuống tận bao tử. Tôi bắt đầu thấy khá hơn. "Anh không muốn cãi vã vặt. Vả lại, đấy không phải là lý do để cuối cùng em quyết định gặp anh". Beatriz nhìn xuống ly cà phê của mình. Có lẽ tôi đã không được công bằng khi đổ tất cả lên đầu cô. Cô lại ngước mắt lên. "Cha em không tin những điều em kể cho ông nghe. Ông nói đấy là một thủ đoạn". "Cha em!" tôi nổ tung. "Ông cho là năm mươi bảy nông dân chết ở Matanza cũng là một thủ đoạn?" Cô không trả lời. Tôi nghĩ tới điều mà hôm qua Thượng nghị sĩ nói về thế giới đầy rẫy bọn đớn hèn, những người xui các anh hùng chết thay họ. "Anh bảo sao?" Tôi không nhận ra là mình đã nói to. Tôi nhắc lại, rồi thêm vài lời của chính mình. "Cha em như một vị tướng, đang ngồi một cách an toàn cách mặt trận nhiều dặm, rung đùi vì nhận thức được rằng máu mà ông ra lệnh đổ sẽ không bao giờ vấy vào chính tay ông. Nếu cha em thực sự tin là ông đại diện cho nguyện vọng của nhân dân, thì hãy ra tranh cử Tổng Thống. Hay là ông sợ sẽ thất bại và lộ rõ là kẻ vô tài bất tướng mà lại hay loè bịp?" Beatriz mím môi. "Ông sẽ làm như thế nếu ông tin được Tổng Thống sẽ giữ lời hứa về lệnh ân xá!" cô giận dữ nói. "Tổng Thống sẽ giữ lời hứa!" tôi cũng bốc đồng tương tự. Sai hết cả. "Ông ấy phải giữ, ông ấy đã công bố trước toàn thế giới. Em tưởng là ông ấy có thể rút lại à?" Beatriz nhìn tôi. "Anh thực sự tin thế, đúng không?" "Đúng". Tôi lùi vào lặng thinh một cách giận dữ. Ít phút sau, Beatriz trả lời. "Anh có sẵn sàng gặp cha em để nói chuyện với ông không?" "Bất cứ lúc nào". "Anh sẽ đi một mình chứ?" "Phải". "Em sẽ nói với ông" cô đứng dậy, và tôi cũng toan đứng lên, nhưng cô ra hiệu cho tôi ngồi xuống. "Đừng đi theo em". "Beatriz" tôi nói, cầm tay cô. Cô lại rụt về. "Không. Em không nhầm. Em nghĩ là chúng ta sống trong cùng một thế giới, nhưng riêng về điều đó thì người ta nói đúng. Giờ thì em thấy rồi". "Beatriz. Để anh giải thích…" "Đừng!" giọng cô run rẩy. rồi cô vội vã ra khỏi nhà hàng, lên xe phóng đi. Người hầu bàn bước tới. "Thưa ông, thế thôi ạ?" "Ừ". Cho đến khi bước ra ngoài, trong ánh sáng xám nhạt của buổi ban mai, tôi mới chợt nhớ là đã quên hỏi cô bao giờ gặp lại. Chương 16 Giọng Marcel đầy bí mật trên điện thoại. "Tôi có thông tin anh hỏi đây". "Tốt". Marcel không tin điện thoại. "Bao giờ anh đến thảo luận?" "Tôi có cái hẹn ăn tối. Sau đó tôi có thể đến được không?" "Hay lắm. Khoảng mấy giờ?" "Nửa đêm. Muộn quá không?" "Không. Tôi sẽ bảo người của tôi đợi anh". Tôi trầm ngâm đặt điện thoại xuống. Trên bình diện nào đó, tôi không bao giờ hy vọng Marcel đưa cho những thông tin mà tôi cần. Không phải về súng dạn hay là nguồn tiền từ đâu để trả cho chúng. Có tiếng gõ cửa. "Vào đi" tôi nói. Prieto bước vào, tờ báo cầm tay. "Ông đã đọc cái này chưa?" Tôi nhìn xuống, theo ngón tay anh ta. Đấy là một mục nhỏ nằm trong những trang ruột của tờ Herald Tribune. CORTEGUAY LÊN TIẾNG Tiến sĩ José Guayanos, nguyên chủ tịch Đại học Corteguay và một thời là phó Tổng Thống của đất nước này, hiện sống lưu vong ở đây, tối nay sẽ diễn thuyết tại Columbia Đại học đường. Chủ đề của ông là Sự cần thiết đối với một Nhà nước dân chủ ở Corteguay. Tôi nhìn Prieto. Đã hơn một tuần từ hôm tôi gặp Beatriz. Đây là những tin tức gián tiếp về cô. "Chúng ta phải làm sao đây?" Prieto hỏi. "Chẳng làm gì cả". "Chẳng làm gì cả?" giọng Prieto như bị sốc. "Ông sẽ để cho hắn phun ra những điều trí trá giữa công chúng à?" "Đây không phải là Corteguay. ở đây ai cũng có quyền nói, nếu họ thích". "Tổng Thống sẽ không thích đâu. Chúng ta tìm kiếm con người nay đã hơn hai năm nay. Mà giờ hắn dám xuất hiện với những lời lẽ giả hiệu của hắn". "Tôi không quan tâm tới việc Tổng Thống thích hay không thích!" chắc chắn ngay cả Prieto cũng thấy là bước thăm dò trong việc thử nghiệm tính trung thực của lệnh ân xá. Ngọn lửa chập chờn của sự tôn trọng Guayanos đầu tiên le lói trong tôi. Ngay cả việc diễn thuyết ở đây cũng đã đầy dũng cảm rồi. "Nhưng…" Prieto phản đối. "Đây là trách nhiệm của tôi. Anh hãy tránh xa ông ấy ra! Anh sẽ không làm cái gì ngăn cản ông ta cả!" "Vâng, thưa ngài" Prieto sưng sỉa rời phòng. "Prieto!" tôi gọi lại, giọng lạnh băng. "Nhớ điều tôi nói. Nếu biết anh hay bất cứ người nào của anh lảng vảng đến gần ông ta thì tôi sẽ thu xếp để tống khứ các anh về!" Cặp môi Prieto mím chặt, lặng thinh. "Hiểu chứ?" "Vâng, thưa ngài". Tôi chờ anh ta ra khỏi rồi cầm điện thoại lên, gọi Mèo Bự xuống. Dù muốn, tôi cũng không thể dự buổi diễn thuyết của Guayanos. Đối với Prieto thế nào thì đối với tôi cũng thế. Thậm chí sự xuất hiện của tôi có thể được coi là một sự can thiệp rồi. Nhưng chẳng có gì ngăn cản được Mèo Bự đi. Tôi có một cảm giác lạ là Guayanos hy vọng tôi sẽ cử ai đó đến và người mà tôi lựa phải là quan trọng. Mà Mèo Bự thì hầu như là lựa chọn tốt nhất, vì nhiều lý do. Không có cách nào để coi anh là chính trị, và ai cũng biết quan hệ duy nhất của anh với tôi là quan hệ cá nhân. Và tôi có thể tin Mèo Bự sẽ báo cáo chính xác, không lọc xì, không bóp méo, chỉ giản dị nhắc lại những điều Guayanos nói, mà rất có thể cũng là điều Guayanos muốn. và cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, Mèo Bự có khả năng cho tôi biết Prieto có giữ lời hứa không. Cô em thượng nghị sĩ đón tôi ở cửa. "Tôi là Edie Smith" cô mỉm cười "tôi rất mừng là ông đến. Đây là chồng tôi, Jack". Người đàn ông cao lớn và khá nặng nề đứng sau cô cũng cười. "Rất vui được gặp ông, ông Xenos" giọng anh thoảng chất miền Tây. "Rất sung sướng, ông Smith". "Vào phòng khách đi" cô vợ nói, cầm cánh tay tôi "tất cả chúng tôi uống một chút ở đây". Có sáu, bảy người đang đứng quanh, tôi biết tất cả, trừ vợ Thượng nghị sĩ, một phụ nữ xinh xắn, da sẫm màu, ngồi trên chiếc ghế bành. "Tôi cho rằng chỉ có hai người ông không biết, đấy là ông anh tôi và vợ ông ấy. Ta hãy làm việc đó để bữa tiệc có thể bắt đầu". Bà Smith quả là người có thiên bẩm chính trị tuyệt vời, biết chính xác mình phải làm gì. Tôi bắt tay Thượng nghị sĩ như thể là lần đầu vậy và cúi chào vợ ông. Rồi tôi quay sang những người khác. Giselle nhìn tôi đầy trách cứ khi tôi đến bên cô. "Anh không ngượng à?" cô nói bằng tiếng Pháp. "Chúng ta chỉ gặp được nhau ở nhà của những người khác thôi ư? Anh đã khước từ ăn tối với bọn em bao lần rồi và em chẳng mời anh nữa". Tôi hôn tay cô và liếc Sergei. Anh có nặng nề hơn, nhưng trông khoẻ mạnh. "Cứ mời nữa đi" tôi trả lời. "Sự thể nó vẫn thế, chỉ có Chúa mới biết được bao giờ thì mình cần một bữa ăn ra trò". Nụ cười biến khỏi Sergei. "Tin tức báo chí không hay lắm". "Nghiêm trọng đấy, ông bạn. Rất nghiêm trọng". Giselle lo lắng. "Anh không nguy hiểm gì chứ, phải không?" "Làm sao anh lại bị nguy hiểm?" tôi cười. "Anh ở đây mà". "Nhưng nếu họ triệu anh về…." Sergei xen ngang. "KHông cần lo, em yêu. Dax biết cách tự bảo vệ mình mà". Anh quay sang tôi. "Chúng mình thường nghĩ đến cậu. Cả hai chúng mình đều rất quan tâm". "Mình biết" tôi tin Sergei, vì đã đủ thời gian ở sau lưng để chúng tôi hiểu ai là bạn. Tôi thấy Giselle nắm tay Sergei và anh nắm chặt tay cô. Trong một thoáng, tôi ghen với họ. "Trông hai người rất khoẻ. Anastasia cũng khoẻ chứ?" "Anh phải thấy nó mới được!" Giselle nói tranh Sergei, và có niềm tự hào của người mẹ trong giọng cô. "Hay là…anh thì không được. Nó đã là cô gái xinh đẹp rồi." Jeremy bước tới. "Ba người cứ cười như nắc nẻ ấy. Cho vui chung với". Nhưng vợ Thượng nghị sĩ đã xuất hiện và nắm cả cánh tay tôi lẫn Jeremy. "Một trong những đặc quyền của bà chủ nhà" bà vui vẻ tuyên bố "là được chiếm trước hai người độc thân sót lại trong phòng để ngồi bên trong bữa tiệc". Mọi người cười lớn và chúng tôi vào bàn ăn. Tôi cứ nhìn Giselle và Sergei, đến mức phải cố nhìn đi chỗ khác trước khi quá lộ liễu. Họ thật gần gũi, thật ấm áp. Cứ mỗi lần nhìn họ là tôi lại nghĩ đến mình và Beatriz. Chúng tôi có thể hệt như thế. Tôi cảm thấy thế. Nếu như chúng tôi có cơ hội. Sau bữa tiệc, Thượng nghị sĩ gặp tôi ở một góc. "Tôi không quên câu chuyện của ông, và đã xúc tiến một vài thăm dò". "Cảm ơn ông. Được ông quan tâm đã là một giúp đỡ rồi". "Tôi hy vọng làm được nhiều hơn thế" ông nói "Và tuần sau sẽ có chút tin tức cho ông. Ông sẽ ở New York chứ?" "Tôi hy vọng thế". "Tôi sẽ liên hệ". Rồi chúng tôi đến chỗ vợ ông. Bà lại ngồi trong chiếc ghế bành. Thượng nghị sĩ dừng lại trước mặt bà, nhìn xuống. "Sao rồi, cô bé. Mệt à?" "Một chút thôi". "Vậy đi nào" ông cười. "chúng ta để họ lu bù một chút". Thượng nghị sĩ ra về, buổi tiệc cũng bắt đầu tan. Tôi đi cùng Giselle và Sergei. Xe và tài xế của anh ở ngay cửa và họ mời tôi về chỗ họ uống vài ly. Nhưng tôi lắc đầu. "Thôi, cảm ơn, mình có hẹn". Sergei cười toe toét. "Con chó dái này chẳng thay đổi gì cả". Tôi cười. "Tôi mong là có thể bảo tồn được những ảo ảnh của anh. Nhưng đây là công chuyện, tôi phải gặp Marcel". "Người ta bảo là anh ấy không ra khỏi nhà" Giselle nói. "Đúng thế" Sergei trả lời trước khi tôi kịp nói. "Tôi đã có lần đến chỗ anh ấy. Ngôi nhà được canh phòng cẩn mật như là một nhà băng vậy". "Cậu đến chỗ anh ta à?" Tôi hỏi, Sergei và Marcel như chưa bao giờ có gì chung cả. "Đấy là mấy năm trước, khi tôi mới đến đây" Sergei nói. "Cậu biết không, thằng quỷ ấy muốn bán cho mình một mẩu của cái công ty nào đó của hắn". "Cậu có mua không?" "Tất nhiên" Sergei cười. "Mình không thích Marcel nhưng có điều là hắn biết kiếm tiền. Mình thậm chí chẳng biết công ty ấy làm cái quái gì nữa, nhưng hắn bảo mình làm chủ tịch và cứ mỗi quý, chính xác như đồng hồ vậy, mình có hai ngàn ruởi đô la phần mình." Giselle nói "Em còn nếu hồi ở Texas.." rồi cô nhìn Sergei và dừng lại. Tôi liếc đồng hồ. "Tốt nhất là tôi đi thôi, kẻo muộn". Tôi hôn má Giselle, Sergei cầm tay tôi. "Trông cậu ốm và mệt mỏi lắm đấy" anh nói "Cố mà hãm bớt lại". "Mình sẽ cố, khi những chuyện tùm lum này qua đi". "Và buổi tối rảnh rang đầu tiên là anh phải đến với bọn này đấy" Giselle nói. "Mình sẽ cố". Tôi nhìn họ bước vào chiếc Rolls-Royce to tướng với gia huy vàng trên cửa. Họ vẫy tay khi xem lăn đi và tôi bắt đầu cuốc bộ về hướng Tây. Marcel chỉ cách đây có vài khu nhà, và tôi đã đến sớm một, hai phút. Khi tôi rẽ ở góc đường thì thấy một người đàn ông từ nhà Marcel đi ra, nhảy lên taxi. Tôi nhìn theo chiếc xe. Có cái gì đó khá quen thuộc ở con người này, nhưng trời tối, và tôi thì không thấy mặt ông ta. Một bóng đèn bật trên đầu và tôi hiểu người quản gia đang xem xét tôi trên màn hình vô tuyến mạch kín. Rồi bóng đèn tắt đi và cửa mở ra. "Mời vào, ông Xenos" người quản gia nói. "Ông Campion đang đợi ông". Ông ta đưa tôi lên chiếc thang máy riêng để đến khu của Marcel."Xin ấn nút trên cùng". Cửa khép lại, và thang máy đi lên. Tôi bước ra khi Marcel vừa ra khỏi phòng khách nhỏ. "Dax!" anh kêu lên. "Gặp lại anh thật mừng quá. Uống chứ?" Tôi gật đầu và buổi tới bên quầy bar. Marcel cầm chai Scotch xuống, tưới lên những cục đá. Tôi cầm ly lên. "Còn anh?" Marcel lắc đầu. "Lệnh của bác sĩ, tôi bị viêm". "Chúc mừng" tôi uống một tợp. "Hy vọng bác sĩ không cấm anh những thứ khác". Marcel cười. "Không, chỉ rượu thôi" Anh ấn nút dưới quầy bar. "Nhìn xem". Tôi nhìn màn hình vô tuyến. Lần này chỉ có một cô tron phòng khách, nằm trên giường, trần truồng, chai champagne đặt trên chiếc bàn con. Cô quay ra, với điếu thuốc lá, và Marcel ấn nút tắt." Cũng không tồi, phải không?" tôi gật đầu. "Em này mới. Tôi vừa kiếm được mấy bữa nay. Sau một hồi thì rồi cũng ngán cả. Tất cả bọn họ đều theo đuổi một thứ - tiền". Tôi lặng thinh. Vậy anh ta theo đuổi cái gì – tình?" "Bọn đĩ thối cả!" Anh chợt bẳn gắt. "Tôi cũng phải uống thôi. Cánh bác sĩ chết tiệt chẳng hiểu gì cả." tôi chờ anh rót rượu. "Tôi không giữ anh lâu đâu". Marcel nhìn tôi, hỏi. "Anh đã nghe gì từ Tổng Thống chưa?" "Chưa. Mọi thứ như tạm thời yên tĩnh". "Anh có cho là ông ta kiểm soát được không?" "Tôi nghĩ thế. Nhất là nếu chúng ta phát hiện được nguồn cung cấp súng đạn và ngăn chặn lại". Marcel hiểu sự gợi ý. "Tôi có những giấy tờ anh cần đây". Anh đến bàn, lấy xấp giấy tờ trong ngăn kéo mang lại cho tôi. Tôi nhìn xuống. Hoá đơn vận chuyển thì rõ ràng là ghi tên một công ty hư cấu, nhưng tấm séc thanh toán cước vận chuyển thì lại hợp pháp. Tôi lật tờ giấy báo có. Số séc, tên tài khoản và ngân hàng được ghi ở phía sau. Tên tài khoản lạ, nhưng nhà băng là CZI. Tôi hít một hơi dài. Điều này làm tôi nhẹ cả người. Đấy là một trong những nhà băng của De Coyne. "Nó có ý nghĩa gì với anh không?" Marcel tò mò hỏi. "Không nhiều" tôi trả lời nước đôi, nhét giấy tờ vào túi. "Sáng mai tôi sẽ xem kỹ hơn, và hy vọng sẽ tìm được cái gì đó". "Tôi mong anh gặp may" Marcel nói "vì tôi chẳng tìm thấy gì cả. Anh biết cánh nhà băng Thuỵ Sĩ khốn kiếp ấy rồi". "Tôi sẽ cho anh biết. Hy vọng các thuyền trưởng của anh sẽ kiểm tra kỹ hơn hàng hoá xuống tàu mình. Tôi không thích Tổng Thống lại phát hiện thấy súng ống vẫn tiếp tục được chở vào nước ông bằng tàu của anh". "Họ được báo động cả rồi" Marcel nói "và tôi tin họ sẽ cẩn thận hơn. Nhưng không chắc được. Đôi khi họ thích kiếm thêm". "Vì quyền lợi của ông chủ mà họ nên tự kiềm chế. Chỉ một chuyến nữa, tôi e là ông già sẽ bãi bỏ đặc quyền của anh". "Tôi cố làm tốt nhất có thể". Tôi nhìn Marcel, lấy làm lạ. Anh như không hề bận tâm vì lời đe doạ, mặc dù nếu mất đặc quyền này có nghĩa là đoàn tàu của anh sẽ không còn treo cờ Corteguay nữa và như vậy thì doanh nghiệp của anh có thể sụp đổ. Vì vậy tôi cho rằng anh đã kiểm soát được tất cả nên không phải lo gì nữa. "Thôi, tôi đi. Nếu giữ anh lâu quá thì bạn anh sẽ ngủ mất". Tôi đặt ly xuống và bất chợt nhớ ra người đàn ông lúc nãy tôi đã thấy từ đây đi ra. Prieto. Một trong những điếu xì gà của tôi, hút dở, nằm trên chiếc gạt tàn. Tôi nhớ là đã cho Prieto vài điếu mấy hôm trước đây khi anh ta bảo là thích mùi thơm của nó. Tôi chào tạm biệt Marcel, rồi bước ra, leo lên taxi. Tôi ngả người trên ghế. Prieto. Không hiểu anh ta quan hệ gì với Marcel. Nhưng ít nhất thì tôi cũng biết một điều. Prieto đã không nd buổi diễn thuyết của Guayanos. Mèo Bự đang đợi tôi. "Thế nào, sự thể ra sao?" tôi hỏi. Mèo Bự đưa cho tôi một xấp giấy in. "Tất cả ở đấy" anh nói "Ông ta sẵn sàng cho cánh báo chí". Tôi không nhìn. "Còn ai ở đấy không?" "Tôi không thấy Prieto." Tôi lặng thinh. "Ô" anh nói thêm, như chợt nhớ ra. "Tôi thấy cô gái". "Có thấy anh không?" Anh gật đầu. "Có nói gì không?" "Có" một nụ cười trêu chọc thoáng trong mắt anh "nhưng tôi không hiểu. Hình như là gặp gỡ cô ấy gì đó ở nhà Rueben vào nửa đêm mai. Tôi không biết ai có cái tên đó, anh biết không?"