"Thượng nghị sĩ đang nổi điên lên đấy" giọng Jeremy ầm ĩ qua điện thoại. "Ông ấy có cảm giác đã bị anh sử dụng và biến ông thành một thằng đại ngu. Ông thực sự không thích điều đó chút nào". Giờ thì tôi đã quá mệt mỏi để giải thích. Song, sẽ chẳng ai nghe tôi giải thích gì nữa đâu. Hoặc nếu có nghe thì họ cũng chẳng tin tôi nữa. Toàn bộ phán xét đã định vị. Trong giây lát, tôi mong không có cái thứ đặc quyền ngoại giao ấy, để họ tha hồ chứng minh điều họ nghĩ. Đàng này, họ thực sự chẳng làm gì được tôi. Sẽ không bao giờ tôi phải trả lời bất cứ câu hỏi nào, nếu tôi không muốn. Vậy là họ cứ thoải mái nghĩ theo cách của họ và cái mộc đặc quyền ngoại giao là một lối thoát dễ dàng cho cả họ và tôi. "Anh nói với ông ấy điều hôm qua tôi bảo anh?" "Vâng". Vậy đấy. Hệt như những người khác. "Có thể. Nếu như anh đã không ở trong nhà Thượng nghị sĩ khi chuyện xảy ra thì không đến nỗi tồi tệ đến thế". Jeremy tiếp tục. "Nhưng vì anh ở đấy nên ông ấy có cảm giác là anh đã sử dụng ông ấy để tạo một chứng cứ ngoại phạm". Tôi không trả lời. Chẳng còn ý nghĩa gì nữa. "Giờ thì anh biết là không còn cơ hội cho khoản vay nữa chứ". Jeremy tiếp tục. "Tôi hiểu". Cô thư ký bước vào, đặt chiếc cặp da của tôi lên bàn. "Xe đang đợi ở ngoài để đưa ông ra sân bay". Cô khẽ nói. "Giờ anh có kế hoạch gì không?" Jeremy hỏi. Chợt tôi mệt mỏi vì sự cả tin của mình. Chẳng có kế hoạch nào của tôi thành sự thực cả, mà tôi cũng không thể trách được ai, nếu như họ cho tôi là kẻ trí trá. "Ngay bây giờ, tôi ra máy bay đi Paris". "Paris?" Jeremy ngạc nhiên. "Anh điên à? Anh biết là mọi người sẽ nghĩ gì chứ?" "Mặc xác cho mọi người nghĩ gì". "Anh đang hành động như một thằng ngu. Anh nói như thể không còn quan tâm gì nữa ấy". "Tôi chẳng quan tâm gì nữa cả". Tôi trả lời thẳng. Jeremy lặng thinh một lát. "Tôi không tin, tôi hiểu anh mà. Vì sao anh đi Paris?" "Chơi!" tôi nói thật thô bạo. "Còn lý do quái nào để đến Paris nữa?" Tôi giận dữ dập máy xuống. Nhưng chỉ một lát sau thì tôi hối hận. Tôi chẳng có quyền gì mà nổi dóa lên với Jeremy.anh ấy đứng về phía tôi, Ít nhất thì anh ấy vẫn nói chuyện với tôi. Tôi đang toan gọi để xin lỗi anh thì cô thư ký ngấp nghé bên cửa. "Tài xế nói rằng ông chỉ còn đủ thời gian để kịp chuyến bay nếu đi ngay ạ". Tôi cầm chiếc cặp da lên, bước ra cửa. Sẽ có đủ thời gian để gọi cho Jeremy, khi tôi trở lại. Thật lạ lẫm khi thấy Robert trong văn phòng của cha anh, ngồi trong chiếc ghế bành của cha anh, sau chiếc bàn lộng lẫy. Nhưng một lát sau thì hầu như không còn lạ lẫm nữa, cứ như thể anh sinh ra đã ngồi ở đấy rồi. Mà sự thật cũng đúng là thế. "Anh biết luật rồi đấy" Robert nói "và chính phủ Thuỵ sĩ rất khắt khe. Chúng tôi có thể mất giấy phép nếu cung cấp cho anh những thông tin ấy". "Tôi hiểu luật" tôi nói "vì thế mà tôi đến gặp anh". Robert lặng thinh, mặt rõ đăm chiêu. Tôi không ép. Anh hiểu chúng tôi gần gũi với nhau thế nào rồi. "Denisonde và lũ trẻ ra sao?" Robert nở một nụ cười. "Đừng làm tôi giật mình. Tôi là một người cha điển hình". Tôi cười. "Thế có nghĩa là họ khoẻ cả?" Anh gật đầu. "Anh sẽ không hiểu được cho đến khi anh có con". Thoạt tiên là Sergei, giờ đến lượt Robert. Có một cái gì đó về họ, một cảm quan về sở hữu, về cội nguồn, về sự tăng trưởng. Vậy đấy, tôi như một cây bị đốn ngọn, làm còi cọc sự tăng trưởng của nó. "Mình ghen với cậu" tôi thành thực nói. Robert như sửng sốt. "Anh nói ra điều nghe lạ tai quá". "Tôi biết, tôi sống một cuộc sống vui vẻ. Một playboy của đời sống hiện đại". "Tôi không có ý làm anh phật lòng đâu, Dax". "Tôi hiểu. Lỗi tại tôi. Tôi đi trên dây" tôi với điếu thuốc lá. "Hầu như cứ chỗ nào tôi xông vào đều là ngõ cụt cả". Robert theo dõi tôi châm thuốc. "Giờ thì anh cho là điều gì sẽ xảy ra?" "Tôi cũng không biết nữa. Nhưng nếu không ngăn chặn được súng đạn thì rất nhiều người vô tội phải chết". Robert nhìn xuống bàn. "Anh hiểu là tôi không hề cố gắng bảo vệ bất cứ quyền lợi nào của chúng tôi chứ?" Tôi gật đầu. Anh thực ra không cần nói với tôi điều đó. Tôi đã ở đấy khi anh chuyển những đầu tư của mình ở Corteguay sang các anh em họ người Anh của anh. "Chỉ có điều giờ đây tôi mang một trách nhiệm" anh tiếp tục. "Có nhiều người phụ thuộc vào tôi". Tôi đứng dậy. "Tôi hiểu. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng trong trường hợp của tôi là tính mạng chứ không phải đời sống của họ". Anh không trả lời. "Cảm ơn" tôi nói. "Tôi sẽ không chiếm dụng thời gian của anh thêm nữa". "Anh sẽ làm gì?" Lần này, tôi nghiêm chỉnh khi trả lời. "Tôi cũng chẳng có gì hay hơn để làm, vậy có lẽ tôi đi kiếm một em". Marlene Von Kuppen. Bữa nọ, tôi có đọc trên chuyên mục của Irma Andersen, hoặc giả đã nghe ai đó nói, rằng cô ấy đang sống ở Paris. Cũng rất xa vời, nhưng còn hơn không. Rất có thể cô ấy vẫn còn đủ thân hữu với vài ba người có thể cho tôi những thông tin tôi cần từ Đông Đức. Cuối cùng thì cô ấy vẫn là người của dòng họ Von Kuppen. Một người bạn làm báo cho tôi số điện thoại của cô. Tôi gọi gần như cả một buổi chiều mà không ai trả lời, nhưng cuối cùng thì vào năm giờ, tôi gặp được cô. Giọng cô khàn đặc như thể vừa thức dậy. "Hello?" "Marlene?" "Vâng, ai đấy?" "Diogenes Xenos". "Ai?" "Dax". "Dax?" cô nhắc lại, thoáng chút châm biếm. 'Phải". "vì sao em lại có vinh hạnh nhận được cuốc gọi này?" "Anh nghe nói em ở Paris" tôi nói. "Anh tính hỏi xem tối nay em có rảnh để đi ăn tối không?" "Em có hẹn rồi. Vả lại, anh gọi điện mời vào giờ này thì có muộn quá không?" Đến lượt tôi phải uốn éo. "Anh đã gọi cho em suốt cả buổi chiều mà không được. Anh cho là em đi vắng". "Anh đã biết em lâu rồi. Tại sao đột nhiên lại là bây giờ?" Hỏi một câu thành thực thìn hận một câu đáp trí trá. "Em đã đi với một người bạn của anh". "Như chỗ em biết thì điều đó chưa bao giờ ngăn cản anh mà". "Jeremy là bạn thân. Nhưng ngay từ lần đầu tiên thấy em trong cái đêm ở ngôi nhà ở Saint Tropez, anh đã thầm nghĩ…một ngày nào đó…" Tôi nghe một thoáng thoả mãn trong giọng Marlene, và biết mình đã chiếm được cô. "Như em đã nói đấy, tối nay em có một cuộc hẹn. Mai nhé?" "Anh chỉ biết hôm nay, và anh đã đợi đủ lâu rồi" tôi nói. "Sao em không bỏ cái hẹn đó đi? Anh không biết mai anh sẽ ở đâu". Marlene ngập ngừng. "Em cũng không biết nữa…" rồi giọng cô chợt nhu mì và thuần phục. "Thôi được". Chương 20 Đã quá ba giờ sáng khi chiếc taxi dừng trước chung cư của cô trên đại lộ Kléber. Chúng tôi ngồi nán lại trong xe, rồi cô tò mò nhìn tôi. "Anh có lên không?" "Có, cảm ơn em" tôi nói, gần như nghi thức. Chúng tôi lặng lẽ đi qua lối tản bộ giữa hai hàng cây, tới dải đường phụ đỗ đầy xe. Đường phố mờ tối nhưng long lanh vì cơn mưa tháng Giêng muộn màng vừa ngớt, và những chiếc lá thu sớm đẫm nước dưới chân. Chúng tôi dừng lại trước cửa chung cư, rồi cô lục tìm chìa khóa trong chiếc túi nhỏ, lặng lẽ đưa cho tôi. Cửa mở, và chúng tôi bước vào. Thang máy đưa chúng tôi lên lầu ba và vẫn với chiếc chìa khoá ấy, tôi mở cửa căn hộ của cô. "Anh uống cái gì chứ?" cô hỏi. Tôi gật đầu, và cô chỉ cho tôi quầy bar nhỏ. "Có đủ thứ ở đấy. Em sẽ trở lại ngay". Cô đi sang phòng bên, và tôi rót cho mình ly brandy. Tôi nhắm một tợp rồi ngồi xuống chiếc sofa. Có cái gì đó trục trặc, hẳn thế. Tôi đã làm hỏng cả. Gần như phát bẳn, tôi không hiểu mình ra làm sao nữa. Marlene trở lại phòng, đã thay bộ áo váy buổi tối bằng bộ pijama nhung đen với chiếc áo boléro ngắn, chưa chạm tới cạp của chiếc quần dài buông rủ. Khi cô vận động, chỉ thoáng thấy làn da trắng, mềm bên dưới. Bộ nhung đen tôn thêm mớ tóc vàng và cặp mắt xanh vùng Bắc Âu của cô. "Đẹp quá". Marlene không nói gì. Cô rót cho mình ly brandy rồi ngồi xuống trước tôi. Cô nâng ly. "Chúc mừng". "Chúc mừng". Chúng tôi cùng nhấm nháp brandy. Marlene đặt ly xuống, bình thản nhìn vào mắt tôi. "Em không giận" cô nói "nhưng tại sao anh lại gọi cho em?" Tôi nhìn cô, không đáp. Chính tôi cũng không hiểu điều đó. Nó vốn là một ý tưởng ngu xuẩn ngay từ đầu. "Không phải điều anh đã nói trên điện thoại" cô tiếp. "Em không phải trẻ con. Em biết khi nào thì người đàn ông nảy sinh mối quan tâm". Thế đấy. Tôi không hiểu mình chờ đợi cái gì. Có thể, bằng vào một ý nghĩ thơ ngây nào đó, tôi đã tưởng mình tìm lại cô gái đầy hãi hùng đã đến nhà tôi ở Saint Tropez bảy năm trước đây. Giờ thì cô đã là người đàn bà, khôn ngoan, tự tin và trên nhiều bình diện, là người hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng. ít nhất thì cô cũng hiểu như tôi, nếu không nói là hơn. "Anh xin lỗi" tôi lắp bắp. "Anh có những rắc rối không gạt ra khỏi đầu óc được". "Em biết, em có đọc báo" cô nhấm chút brandy. "Nhưng không chỉ có thế, phải không? Anh mang tất cả triệu chứng của một đàn ông, như người Mỹ thường nói, chìm đắm vì một tình yêu không được đền đáp". "Cả điều đó nữa". "Em đọc được các triệu chứng này mà, bởi cũng đã đi trên con lộ đó. Anh nghĩ phương thuốc tốt nhất là một người đàn bà khác, và vi đã đến Paris, nên anh nghĩ tới em". Có một sự thông cảm trong mắt cô. "Nhưng cách đó đâu có trúng, phải không?" "KHông". "Em biết. Em cũng đã từng cảm thấy như vậy khi Jeremy bỏ đi. Em không còn biết làm gì nữa. Em thực sự yêu anh ấy, anh biết đấy. Lẽ ra em phải nhận thấy điều đó là không thể, ngay từ đầu. Thoạt tiên là chính trường của anh ấy, rồi gia đình anh ấy. Nhưng rồi bao giờ cũng lại là em. Em là người Đức, mà đối với một số người thì chiến tranh không bao giờ qua đi cả". Cô tiếp tục "Em lấy chồng khi còn là một đứa trẻ, thậm chí chưa đến mười tám tuổi. Fritz đối với em như một anh hùng mà em hằng mơ ước – cao lớn, đẹp trai, giàu có. Nhưng em không nhận ra điều anh ấy thực sự thích. Em không hay biết gì về những "cậu bé", cũng như sự bệnh hoạn của anh ấy – phải gây ra sự đau đớn trước khi đạt được, dù chỉ một chút sung sướng. Nên khi Jeremy đến thì em yêu liền cũng là điều dễ hiểu. Đối với em, Jeremy giản dị, thẳng thắn, không phức tạp. Luôn chỉ có một thứ trong đầu anh ấy. Lần đầu tiên em ý thức được sức mạnh đàn bà của em, cũng như những nhu cầu của chính mình". Marlene nhìn tôi, tiếp. "Nghe lạ lắm phải không? Thực sự là em chẳng biết gì cho đến khi đó. Em vốn tự trách mình vì sự thất bại đối với Fritz. Đấy là lỗi tại em, em nghĩ thế, anh ấy cũng thường bảo thế". Một sự tĩnh lặng trùm phủ, Marlene đứng dậy, rót brandy vào cả hai ly. Bên ngoài, tôi nghe tiếng rì rầm của xe cộ quanh Khải hoàn Môn. "Anh có thế không?" "Không" tôi trả lời. "Chỉ có kết quả cuối cùng là tương tự" Ánh mắt Marlene như tìm kiếm gì đó. "Cô ấy yêu anh không?" "Anh nghĩ thế". "Thế thì cô ta có lý do quái gì để không đến với anh?" "Em đọc báo rồi. Cha của ấy là Guayanos." "Ồ, vậy đấy". "Ừ, và có lẽ cũng vi vậy mà anh gọi điện cho em. Súng ống đang được tuồn vào đất nước anh là từ cái xí nghiệp trước đây của Von Kuppen ở Đông Đức. Nếu cái dòng này không được ngăn lại thì sẽ có một cuộc chiến, và nhiều người vô tội sẽ chết. Anh muốn ngăn nó lại, nhưng anh chịu, cho đến khi biết được ai là người trả tiền cho những vũ khí này. Nếu phát hiện được thì ngăn chặn được. Anh hy vọng em biết những người có thể cung cấp cho anh thông tin đó". "Em không biết" Marlene ngập ngừng. "Đã lâu lắm rồi". "Anh sẽ rất biết ơn với bất cứ mẩu thông tin nào em cho anh" tôi nói. "Anh đã thấy đủ chiến tranh trong đời mình rồi". "Em cũng vậy" cô hạ giọng. "Em là một bé gái ở Berlin khi những chiếc máy bay ném bom lao tới". Tôi lặng thinh. Cặp mắt Marlene dịu đi, đầy suy tư. "Có một người Thuỵ Sĩ tên là Braunschweiger. Ông ta sống ở Zurich. Em nhớ là đã gặp ông ta nhiều lần cùng với Fritz. Một cách chính thức thì bọn em chẳng dính dấp gì đến các xí nghiệp ở Đông Đức, tất nhiên. Nhưng ông ta biết ở đấy đang diễn ra cái gì và cung cấp báo cáo thường xuyên cho Fritz". Niềm phấn khích bắt đầu hình thành trong tôi. "Em có cho là ông ta có thể nói chuyện với anh không?" "Em không biết" cô nói. "Em thậm chí cũng không biết ông ta còn sống không". "Phải tìm hiểu mới được. Địa chỉ của ông ta?" "Em không nhớ, Dax. Rất bí mật. Em chắc là thậm chí tên ông ta cũng không liệt kê trong bất cứ cuốn hướng dẫn nào của thành phố. Nhưng em nhớ ngôi nhà.cửa sổ có những chấn song thật kỳ lạ. Em cho là có thể tìm được". "Sau đêm nay thì anh không có quyền hỏi em điều này nữa, nhưng em sẽ đi Zurich với anh và cố tìm ngôi nhà chứ?" "Anh có quyền chứ" Marlene nói, nhìn thẳng vào mắt tôi. "Nếu không phải là anh thì em đã không bao giờ thoát khỏi Fritz cả". "Cảm ơn em" tôi đầy biết ơn, đứng lên. "Mai anh sẽ gọi điện cho em sau khi anh đặt vé máy bay". Marlene bước đến bên tôi, nhìn vào mặt tôi. "Hôm nay đã là ngày mai, cho dù ngày mai vẫn còn xa tắp. Giờ cả hai chúng ta cũng ở đây, không hề ảo tưởng, chỉ trống rỗng và cô đơn". Có lẽ vì cách nói của Marlene, nhưng chợt tôi thấy trong cô ig mà tôi từng thấy nhiều lần trong chính mình. Cái cô đơn, cái thèm muốn được cầm nắm, được chia sẻ, cái nhu cầu tức thời gần gũi với một con người khác, cái sợ hãi đối với đêm đen.hoặc giả là vì cái mùi đàn bà của cô, sự ấm áp phả ra từ cơ thể cô, sự rực rỡ của da thịt cô mà thậm chí bộ đồ nhung cũng không thể che giấu. Tôi đặt ly brandy xuống và ôm cô trong tay. Cô thật mạnh mẽ, mạnh mẽ hơn tôi tưởng. Nhưng tôi lợi dụng sức mạnh của của và cô lợi dụng sức mạnh của tôi, cho đến khi nằm lịm trong vòng tay nhau. Chúng tôi thật an toàn trong hơi ấm của nhau như hai con thú đang cùng ngủ trong đêm.