Những người bảo thủ đang lâm vào thế kẹt. Thành tích kinh tế những năm 1992 và 1993 không phải là xoàng. Nông nghiệp phát triển khá; lúa gạo xuất khẩu đạt trên dưới 1 triệu rưỡi tấn mỗi năm. Dầu khí mang lại giá trị gần 1 tỷ đô la/ năm. Công nghiệp phát triển đạt mức trên 10% mỗi năm.Lạm phát phi mã đã bị đẩy lùi. Thế nhưng nhiều vấn đề nghiêm trọng vẫn tồn tại: Hạ tầng cơ sở của đất nước- đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay... xuống cấp, thiếu vốn lớn để xây dựng lại. Hệ thống giáo dục và y tế- hai lĩnh vực then chốt liên quan đến "tài nguyên" quý nhất là con người vẫn ở trong tình trạng bê bối kéo dài. Nạn đầu cơ, buôn lậu, tham nhũng, phung phí và hủy hoại tài nguyên và tiền bạc của đất nước, ô nhiễm môi trường đạo đức và công bằng xã hội vẫn ngang nhiên hoành hành. Đất nước trong 7 năm tới cần tới gần 50 tỷ đô la mới có thể đạt được mục tiêu khiêm tốn là nâng giá trị sản lượng bình quân đầu người/năm từ 200 đô la/năm lên 400 đôla/năm 2000. Số tiền đầu tư của khoảng 20 nước ngoài từ cuối 1988 (khi công bố luật đầu tư) cho đến nay mới đạt khoảng 5 tỷ đô la theo ký kết, và mới chỉ hơn 1 phần tư số tiền ấy được thật sự đưa vào để làm ăn. Ai cũng thấy so với yêu cầu của bài toán phát triển, số vốn ấy mới chỉ là bước khởi đầu quá khiêm tốn, không đủ để tạo nên đà đi lên. Hơn nữa, cứ cho là năm 2000 có thể đạt mục tiêu 400 đô la/ năm cho mỗi đầu người nói trên, thì lúc ấy nước ta vẫn còn là nước kém phát triển và tương đối còn nghèo vì theo quy định của Liên Hiệp Quốc hiện nay, nước nào còn ở dưới mức 600 đô la/đầu người là còn ở dưới mức bình thường, sản xuất và đời sống thấp kém, cần được thế giới quan lâm, giúp đỡ vực dậy. Tiền vốn lớn từ đâu ra? Không một nước nào hiện nay có khả năng đầu tư lớn vào nước ta. Việt nam chỉ có thể vay tiền theo số lượng lớn, với những điều kiện dễ dàng và ưu đãi ở các định chế tài chính quốc tế: quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ngân hàng thế giới WB, ngân hàng phát triển Châu á ADB. Ai nấy đều biết các định chế tài chánh này được đại biểu các nước giàu và phát triển nhất điều hành, trong đó chính quyền Hoa Kỳ- nước đóng góp nhiều nhất - luôn có quyền lực quyết định.Gần đây, các nước lớn như Nhật Bản, Pháp, Cộng Hòa Liên bang Đức, úc, Hoa Kỳ... đều tỏ rõ sự quan tâm đối với tình hình tôn trọng nhân quyền và dân chủ hóa ở Việt nam. Có nước còn nói rõ rằng họ coi đó là điều kiện để cải thiện và táng cường mối quan hệ nhiều mặt với Việt nam. Họ cũng còn nói rõ đây không phải là bắt bí Việt nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt nam, thậm chí trả thù Việt nam do Việt nam đã dám đương dầu và thách thức các nước ấy bằng vũ khí... mà là đo thiện chí, do thiện cảm với nhân dân và đất nước này. Họ lập luận rằng phát triển và dân chủ không những không đối lập, ngáng trở nhau, phải hy sinh cái này cho cái kia, mà ngược lại, hai cái đó phải đi với nhau, thúc đẩy nhau, làm điều kiện cho nhau, là "bạn đồng hành thân thiện". Nếu không dân chủ hóa đủ liều lượng thì Việt nam vẫn còn cứ tự đứng ngoài cộng đồng thế giới hiện đại, vẫn cứ như sống riêng biệt với những giá trị cũ kỹ lỗi thời, tự mình chối bỏ tình bạn hữu và sự giúp đỡ của thế giới. Cho dù sắp tới chính quyền Clinton sẽ có thể bỏ dần chính sách cấm vận đối với Việt nam, một số nước đã đứng ra giúp Việt nam trang trải món nợ cũ 140 triệu đô la đối với Quỹ tiền tệ quốc tế, thì tổ chức này (IMF) cùng với WB (Ngân hàng thế giới) và ADB (ngân hàng phát triển á Châu) cũng chỉ có thể cho vay thêm những số tiền không lớn lắm (dưới 1 tỷ đô la), nếu như Việt nam vẫn cứ đàn áp những nhà trí thức và lãnh đạo tôn giáo bất đồng chính kiến và duy trì kiểu chủ nghĩa xã hội độc đảng, độc đoán như hiện nay. Tốc độ phát triển sẽ không thể cao, vấn đề hạ tầng cơ sở đổ nát vẫn tồn tại. Chỉ có sau khi đảng thật sự tôn trọng quyền công dân, trả lại nhân dân và xã hội quyền tự do đã bị họ cầm giữ và tịch thu thì Việt nam mới thật sự hội nhập với thế giới hiện đại và mới có thể hy vọng tiếp nhận sự giúp đỡ đáng kể để phát triển, như Liên xô vừa nhận được sự trợ giúp và cho vay với điều kiện rất rộng rãi hơn 50 tỷ đô la vậy. Cần nhớ rằng các nước đã phát triển cũng đang gặp nhiều khó khăn kinh tế, tài chánh và họ có nhiều hướng lựa chọn; Việt nam không có gì hấp dẫn dặc biệt so với nhiều khu vực và nước khác, chỉ những người mù quáng nặng nề mới cứ tự coi nước mình là cái rốn của vũ trụ, rằng ta là cô con gái tuyệt trần cao giá, họ cần đến ta chớ ta chẳng cần đến ai.Thế mắc kẹt của những người lãnh đạo bảo thủ ở Hà nội là ở đây. Đây là một điểm mấu chốt. Không dân chủ hóa đủ liều lượng, họ sẽ đặt đất nước vào thế kẹt cứng, đất nước sẽ không sao phát triển được, và xu thế kinh tế tiến bộ mấy năm qua sẽ bị chững lại. Tốc độ phát triển khá của đất nước sẽ bị dâng lên làm vật hy sinh trên bàn thờ của chủ nghĩa Mác- Lênin và cái gọi là chủ nghĩa xã hội kiểu độc đảng cũ kỹ. Duy trì tốc độ phát triển khá cao, đưa đất nước vào sinh lộ vĩnh biệt đói nghèo và lạc hậu, không có con đường nào khác là đi qua con đường dân chủ hóa. Đó là con đường tuy mới mẻ cần khai phá nhưng đầy hứa hẹn, con đường của nhân phẩm và tiến bộ, rũ bỏ nỗi nhục chung sống không có tự do. Những người lãnh đạo có mất chăng là mật những đặc quyền không sạch sẽ nhưng họ sẽ cùng nhân dân được nhiều, được lớn: quyền sống tự do, mọi người được là chính mình. Đây là một công cuộc "giải phóng" xã hội, "giải phóng" con người mà chắc chắn đông đảo những người cộng sản có lương tri, còn thật lòng yêu nước thương dân, sẽ hoàn toàn tán thành và dấn thân thực hiện, khi họ không còn bị những người lãnh đạo bảo thủ và mù quáng giam hãm trong lập luận ngụy biện dối trá. Từng ở trong đảng cộng sản hơn 38 năm, tôi có thể nói lên tâm trạng của khá nhiều đảng viên là: tuy tự hào về cuộc đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc, họ vẫn cảm thấy- lúc này hay lúc khác; ở mức độ khác nhau- không hài lòng, khó chịu, đôi khi bực bội xấu hổ, và phẫn nộ nữa trước tình hình không có dân chủ trong đảng, tệ gia trưởng độc đoán hoành hành, những tiếng nói có tâm huyết bị vùi dập, nạn sùng bái cá nhân dai dăng, những cuộc đàn áp cá nhân vô lý xảy ra. Đã đến lúc đông đảo đảng viên bình thường, đảng viên trí thức, đảng viên trẻ cùng nhân dân mình, đồng bào mình "dấn thân" cho dân chủ! Cũng đã đến lúc những đảng viên thức thời, sáng suốt và dũng cảm có ý thức dân chủ sâu sắc, từ bỏ đảng cộng sản nếu đảng này không từ bỏ tệ độc đoán và trở về với dân tộc, để cùng những chiến sĩ dân chửxây dựng nên một tổ chức chính trị dân chủ - Tập hợp Dân Chủ chẳng hạn - như nhiều người đã nghĩ đến.