Hồi Thứ Mười


Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy
Ỷ thế Thái hậu, Trưởng Hoa chất vấn vua,
Sợ lịnh bề trên, Thành Tôn thi hành kế.

Sáng sớm hôm sau, Trưởng Hoa Hoàng hậu cũng sang Vạn Phọ cung yết kiến Thái hậu, rồi đem những lời thú nhận của Huyền Xương tâu lên cho Thái hậu nghe.
Hoàng Thái hậu nói:
- Nếu vậy thì quả con ta đã có lòng tư khúc rồi! Hèn chi đem Mạnh Lệ Quân giả cố ép gả cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa!
Nói rồi, Thái hậu lập tức truyền nội giám đi triệu vua Thành Tôn đến. Giây phút sau, Thành Tôn vào khép nép bái yết Thái hậu.
Thái hậu nghiêm sắc mặt, hỏi:
- Hôm trước con cùng lệ Thừa tướng dạo chơi vườn Thượng uyển phải không?
Vua Thành Tôn nghe hỏi, biến sắc mặt, đoán chắc việc này đã tiết lộ ra rồi nên khẽ đáp:
- Bẩm mẫu hậu, việc ấy quả có thật như vậy, nhưng đó chẳng qua vì con có lòng kính mến bậc hiền thần thôi, chớ có gì đâu mà mẫu hậu hỏi?
Thái hậu nói:
- Chỉ vì ta thấy con đem Mạnh Lệ Quân giả ép gả cho Trung hiếu vương, nên ta mới hỏi:
- Hoàng Thái hậu nói trúng tim đen, nên vua Thành Tôn càng kinh hãi hơn nữa, lập tức phận biện:
- Căn cứ vào đâu mà mẫu hậu cho rằng nàng ấy là Mạnh Lệ Quân giả? Theo con nghĩ thì nàng ấy quả thật là Mạnh Lệ Quân, vì hôm trước giữa triều đình, nàng đã nói rõ sự việc trong nhà họ Mạnh không sai một mảy may, nàng lại còn nhận được mặt cha và anh thì ai có thể bảo nàng không phải là Mạnh lệ Quân? Chỉ vì vợ chồng Mạnh Thượng thơ năm nay đã già quá nên lẫn lộn, mới không nhìn đdược con mình đó thôi.
Trưởng Hoa Hoàng hậu xen vào nói:
- Mạnh Thượng thơ già lẫn đã đành, nhưng Mạnh Gia Linh cũng lẫn nữa sao?
Vua Thành Tôn nói:
- Sao Hoàng Hậu lại nói vậy? Mạnh Gia Linh là con, tất nhiên phải tùy theo cha mẹ chớ! Vả lại, em gái lớn lên thì anh trai thường ít gặp mặt, thành thử không nhận được cũng nên.
Hoàng Thái hậu nói:
- Việc ấy hai con cũng không cần phải vội tranh luận làm gì, bây giờ đây ta thấy Trung Hiếu vương còn đang bịnh, vậy con hãy truyền chỉ hoãn việc thành hôn lại, đợi lúc nào người lành mạnh rồi sẽ tính sau.
Thành Tôn nói:
- Con xin vâng mạng. Để mai đây con sẽ truyền nội giám thảo chiếu cho khoan hạn.
Hoàng hậu lại xen vào nói:
- Tôi không ngờ bệ hạ lại có lòng tư khúc. Nếu bệ hạ không có lòng tư khúc, sau khi mời Lệ Thừa tướng chơi tại vườn Thượng uyển lại làm thơ bỡn cợt và cố ép đồng sàng trong Thiên Hương quán?
Thành Tôn nói:
- Đó là trẫm ngại về sự đêm khuya và đường xa nên mơí cầm lại, còn việc làm thơ chỉ là việc cầu vui nói đùa, chớ có gì gọi là tư khúc.
Hoàng hậu cười gằn nói:
- Bệ hạ nói như vậy chứ theo ý thần thiếp thiển nghĩ thì quả là một hành động đầy ám muội, muốn dùng chước đem đào thay lý đó thôi.
Thành Tôn nói:
- Đứng trước mặt mẫu hậu, sao Hoàng hậu lại dám đổ tội cho trẫm vậy? Vả lại hiện nay Lệ Thừa tướng đang bịnh, công việc trong nội các bị đình trệ nên trtẫm phải nhọc lòng lo lắng mới xong. Nếu trong triều không có Lệ Thừa tướng thì việc quốc chánh trẫm biết trông cậy vào ai?
Hoàng hậu vẫn một giọng gay gắt, nói:
- Ngày nay thiên hạ thái bình, làm gì có văn án nhiều như vậy? Chẳng qua là bệ hạ sợ mẫu hậu biết đến việc ấy thì quở trách nên mới lấy lý do này, lý do nọ để che chở cho sự ám muội đó thôi.
Vua Thành Tôn nói:
- Hoàng hậu nói sai rồi. Hoàng hậu nên biết rằng Lệ Thừa tướng làm việc ngay thẳng, không tư vị ai, tất cả các quan trong triều không ai sánh kịp. Rủi mấy hôm nay người bị bịnh xin phép nghỉ nên việc quốc chánh không ai coi sóc, dẫu cho các quan triều thần có tập trung hết để làm cái việc của Lệ Thừa tướng cũng không trôi chảy, nên trẫm phải ra sức, thành thử không có thì giờ về cung, chớ nào trẫm có lòng gì ám muội cố ý lảng tránh đâu. Hơn nữa, dung mạo của Lệ Thừa tướng vô cùng thanh nhã, dẫu cho nữ lưu trông thấy cũng đem lòng kính mến thay, huống chi trẫm và Lệ Thừa tướng đều đang độ tuổi xuân, dầu cho trẫm có rủ Lệ Thừa tướng đi chơi vườn Thượng uyển đi nữa cũng không ngoài cái ý thức kính trọng hiền thần. Còn việc muốn lưu người ở lại Thiên Hương quán chỉ vì ngại đêm tối và đường xa, nếu để người ra đi thì tội nghiệp, nhưng sau người muốn trở về nội các thì trẫm cũng sai nội giám đưa về, chứ trẫm có cưỡng bức gì đâu? Hoàng hậu nói như vậy, thật không hiểu lẽ phải chút nào cả.
Hoàng hậu nói:
- Bệ hạ ca tụng nhan sắc của Lệ Thừa tướng như vậy, tất nhiên trong nội tâm của bệ hạ cũng chưa biết chắc Lệ Thừa tướng là trai hay gái, thế sao bệ hạ lại buộc tội cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa là kẻ bội sư?
Thành Tôn chưa kịp đáp, Hoàng Thái hậu đã nói:
- Việc này ta nghi lắm, vì Lệ Thừa tướng đã tương nhận với mẹ là Hàn Phu nhơn rồi!
Vua Thành Tôn lại biện bác:
- Thưa mẫu hậu, không phải thế đâu! Nếu Lệ Thừa tướng là gái thì đời nào con gái của Lương Thừa tướng lại bằng lòng ở chung làm vợ chồng mà không một lời oán than! Chỉ một việc này cũng đủ biết Lệ Thừa tướng là trang nam tử rồi.
Hoàng hậu lại nói với vua bằng giọng trách móc:
- Khi trước, Lưu Khuê Bích dâng biểu thì bệ hạ ngự bút tứ hôn liền, còn nay em tôi là Hoàng Phủ Thiếu Hoa dâng biểu thì bệ hạ bỏ qua không xét đến. Sao bệ hạ  lại có sự trọng khinh như vậy?
Vua Thành Tôn nói:
  - Trước kia chỉ vì sự việc cách trở, trẫm không rõ căn nguyên nên mới giáng chỉ tứ hôn. Chớ như khi Thiếu Hoa chiến thắng chưa hồi trào, còn ở Đăng Châu đã dâng biểu về tâu. Lúc ấy trẫm có biết Hoàng hậu đâu, thế mà trẫm tức khắc giam cầm cả nhà Lưu Quốc trượng thì sao? Thế có thể bảo là trẫm bất công được không?
Lúc ấy, Thái hậu thấy không khí có phần căng thẳng, nên muốn đem lại sự hòa thuận, bèn cười lên rồi bảo Trưởng Hoa Hoàng hậu:
- Vương nhi nói vậy ta nghe cũng có lý lắm, thế thì đó là do tấm lòng kính trọng hiền thần chứ không phải có lóng tư khúc, Hoàng hậu chớ nên nghi ngờ làm chi.
Rồi Thái hậu lại quay qua nói với vua Thành Tôn:
- Nay Hoàng Phủ Thiếu Hoa đang bịnh, con hãy lập tức giáng chỉ hoãn việc thành hôn và phải tìm cách tháo giày Lệ Thừa tướng ra xem cho tường tận, để dẹp bỏ nỗi hoài nghi của mọi người.
  Vua Thành Tôn nói:
- Việc đình hoãn thì được rồi, nhưng còn việc tháo giày thì con thấy rất bất tiện, vì Lệ Thừa tướng là một vị đại thần mà vô cớ bắt tháo giày thì coi sao được?
  Hoàng Thái hậu hỏi:
- Đến hôm nào Lệ Thừa tướng hết hạn nghỉ?
- Bẩm mẫu hậu, đến ngày rằm tháng sáu thì hết hạn!
- Ồ, thế thì hay lắm!
Thái hậu liền thuật lại mưu kế đã định cho vua Thành Tôn nghe. Vua Thành Tôn tháo mồ hôi nghĩ thầm:
“Cứ theo kế ấy thì ta phải mất một vị hiền thần. Nhưng Thái hậu đã bảo, làm sao ta dám cải! Thôi, ta hãy phú cho trời vậy”.
Sau đó, vua Thành Tôn thảo chiếu cho phép đình hoãn việc hôn nhân giữa Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân, đến khi nào Thiếu Hoa hết bịnh mới tiến hành hôn lễ. Còn việc thi hành mưu kế thì vua Thành Tôn buộc lòng phải thi hành, nhưng trong lòng áy náy không yên.
Chiều hôm ấy, hoàng hậu về cung lén viết một phong thư gởi về cho thân phụ biết rõ việc này. Trong thư, Hoàng hậu căn dặn không được tiết lộ cho ai biết cả.
Tại Vương phủ, Hoàng Phủ Kính đang ngồi trò chuyện với Doãn Phu nhơn, bỗng tiếp được bức mật thơ của Hoàng hậu, trong lòng lấy làm hồi hộp; nhưng khi xem xong biết được việc làm lễ thành hôn đã được đình hoãn và Hoàng hậu lại đang tiến hành mưu kế nên cả nhà đều mừng vui khôn xiết. Hoàng Phủ Kính lập tức sai người đem thư sang tin cho Mạnh Sĩ Nguyên hay, cả nhà Mạnh Sĩ Nguyên cũng hoan hỉ vô cùng.
Lời bình:
- “Lúc nào ta cũng phải sợ chánh”. Đó là một lời luận chí lý vậy. Trên đời, uy quyền của vua ta tuyệt đối, còn biết sợ ai nữa, thế mà khi vua có tư tưởng bất chánh, tôi thần Mạnh Lệ Quân nghiêm sắc mặt, dùng lời lẽ khéo léo phản đối lại, vua phải kiêng ngay.
Đến như Trưởng Hoa Hoàng hậu mỗi lần gặp vua phải quỳ lạy tung hô, thế mà khi biết được vua có lòng tư khúc tà vạy, Hoàng hậu nhiếc móc không tiếc lời, vua phải tìm cách chồi quanh chớ không dám kháng cự. Đành rằng Trưởng Hoa Hoàng hậu ỷ thế Thái hậu mới dám vậy, song nếu Trưởng Hoa Hoàng hậu buộc tội vua không đúng, thì dù cho Thái hậu có can vua cũng không được nào.
Cho hay ở đời dù địa vị nào, đã là tà vạy, bao giờ cũng phải sợ chánh lý.
- Thái hậu vừa nghe qua Hoàng hậu báo cáo sự tình thì biết con mình có lòng tư khúc nên cố ếp Thiếu Hoa lấy Mạnh Lệ Quân giả, nhưng trước mặt vua Thành Tôn, Thái hậu chỉ đem lời dịu ngọt khuyên con một cách khéo léo, khi thấy Thành Tôn có vẻ xốn xang thì Thái hậu bỏ qua không đề cập đến vấn đề ấy nữa, quả là một người mẹ tâm lý, xứng đáng là mẹ một ông vua vậy. dẫu sao con mình cũng là một vì vua, thể diện to lớn biết bao. Làm cha mẹ muốn dạy con chỉ nên nói sơ qua, tự nhiên con có tự nghĩ và sửa chữa, chớ nên động chạm đến thể diện của con. Thái độ này thật quá là kinh nghiệm.

Truyện Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Nhất Hồi Thứ Hai Hồi Thứ Ba Hồi Thứ Tư Hồi Thứ Năm Hồi Thứ Sáu Hồi Thứ Bảy Hồi Thứ Tám Hồi Thứ Chín Hồi Thứ Mười Hồi Thứ Mười Một Hồi Thứ Mười Hai Hồi Thứ Mười Ba Hồi Thứ Mười Bốn Hồi thứ Muời Lăm Hồi Thứ Mười Sáu Hồi Thứ Mười Bảy Hồi Thứ Mười Tám Hồi Thứ Mười Chín Hồi Thứ Hai Mươi Hồi Thứ Hai Mươi Mốt Hồi Thứ Hai Mươi Hai Hồi Thứ Hai Mươi Ba Hồi Thứ Hai Mươi Bốn Hồi Thứ Hai Mươi Lăm Hồi Thứ Hai Mươi Sáu Hồi Thứ Hai Mươi Bảy Hồi Thứ Hai Mươi Tám Hồi Thứ Hai Mươi Chín Hồi Thứ Ba Mươi Hồi Thứ Ba Mươi Mốt Hồi thứ Ba Mươi Hai Hồi thứ Ba Mươi Ba Hồi thứ Ba Mươi Bốn Hồi thứ Ba Mươi Lăm Hồi Thứ Ba Mươi Sáu Hồi Thứ Ba Mươi Bảy Hồi Thứ Ba Mươi Tám Hồi Thứ Ba Mươi Chín Hồi Thứ Bốn Mươi Hồi Thứ Bốn Mươi Mốt Hồi Thứ Bốn Mươi Hai Hồi thứ Bốn Mươi Ba Hồi Thứ Bốn Mươi Bốn Hồi Thứ Bốn Mươi Lăm Hồi Thứ Bốn Mươi Sáu Hồi Thứ Bốn Mươi Bảy Hồi Thứ Bốn Mươi Tám Hồi Thứ Bốn Mươi Chín Hồi Thứ Năm Mươi Hồi Thứ Năm Mươi Mốt Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Hai Hồi Thứ Năm Mươi Ba Hồi Thứ Năm Mươi Bốn Hồi Thứ Năm Mươi Lăm Hồi Thứ Năm Mươi Sáu Hồi Thứ Năm Mươi Bảy Hồi thứ Năm Mươi Tám Hồi Thứ Năm Mươi Chín Hồi Thứ Sáu Mươi Hồi Thứ Sáu Mươi Mốt Hồi Thứ Sáu Mươi Hai Hồi Thứ Sáu Mươi Ba Hồi Thứ Sáu Mươi Bốn Hồi Thứ Sáu Mươi Lăm Hồi Thứ Sáu Mươi Sáu Hồi Thứ Sáu Mươi Bảy Hồi Thứ Sáu Mươi Tám Hồi Thứ Sáu Mươi Chín Hồi Thứ Bảy Mươi Hồi Thứ Bảy Mươi Mốt Hồi Thứ Bảy Mươi Hai Hồi Thứ Bảy Mươi Ba Hồi Thứ Bảy Mươi Bốn