Dịch giả: NGUYỄN HIẾN LÊ
Chương 6

Sáng hôm sau, ăn điểm tâm ở hội Truyền giáo rồi, Msimangu và Kumalo đi qua một con đường lớn rất rộng có nhiều xe buýt qua lại.
Msimangu bảo:
- Ở đây đón thì chuyến xe nào cũng tới chỗ.
Kumalo mỉm cười vì bạn muốn giãi nỗi sợ đón lầm xe của mình.
Msimangu bảo:
- Tất cả xe buýt ở đây đều đi Johannesburg. Vậy khỏi phải sợ lầm xe.
Họ đón ngay chiếc xe buýt đương chạy tới, và chiếc xe đưa họ tới chỗ mà mấy hôm trước Kumalo đã bị mất một bảng. Từ đó họ đi ngang qua nhiều con đường đầy xe hơi, xe buýt, kẻ qua người lại và sau cùng tới bến xe buýt đi Alexandra. Nhưng họ bị ngăn cản bất ngờ, vì một người tiến lại họ, hỏi Msimangu:
- Umfundisi muốn đi Alexandra?
- Phải!
- Chúng tôi đứng đây để cản Umfundisi. Không phải bằng sức mạnh đâu - người đó đưa tay chỉ - cảnh sát đứng sẵn kia rồi. Chúng tôi dùng lời lẽ để thuyết phục. Đi xe buýt đó là Umfundisi làm hại quyền lợi của người da đen. Chúng tôi đã quyết định tẩy chay những xe buýt đó cho đến khi nào họ phải trở lại giá cũ là 4 pen-ni thì mới thôi.
- À! Phải, tôi có nghe nói về chuyện đó.
Msimangu quay lại nói với Kumalo:
- Tôi điên rồi huynh ạ. Tôi quên bẵng rằng không có xe buýt, quên rằng đương có cuộc tẩy chay xe buýt.
Kumalo nói nhỏ nhẹ, như năn nỉ:
- Chúng tôi có viêc khẩn cấp.
Người đó lễ phép đáp:
- Vụ tẩy chay này cũng cấp thiết. Họ đòi chúng tôi phải trả 6 pen-ni, như vậy là mỗi ngày mất 1 si-ling, một tuần 6 si-ling, mà anh em chúng tôi có người chỉ kiếm được mỗi tuần 35 hay 40 si-ling.
Kumalo hỏi:
- Đi bộ có xa không?
- Thưa xa Umfundisi. Mười bẩy cây số.
- Xa quá, đối với một người già.
- Thưa, có những người già như Umfudisi mà ngày nào cũng phải đi đấy. Rồi đàn bà nữa, có người đau, có người tàn tật, cả con nít cũng phải đi đấy. Họ ra đi từ bốn giờ sáng và tám giờ tối mới về tới nhà. Nuốt vội một miếng, vừa mới ngả đầu trên gối chợp mắt được một chút thì phải dậy rồi để ra đi, có khi bụng rỗng không, chỉ uống có hớp nước nóng. Tôi không thể ngăn cấm Umfundisi đi xe buýt được, nhưng tôi nghĩ nó là một quyền lợi đáng cho chúng ta tranh đấu. Nếu chúng ta thua phen này thì những người khác ở Sophiatown, Claremont, Kliptoonn, Pimville cũng phải trả tiền xe tăng lên.
- Tôi hiểu lắm bạn. Chúng tôi sẽ không đi xe buýt đâu.
Người đó cảm ơn họ, rồi tiến lại gần một người khác có vẻ muốn đi xe buýt.
Kumalo bảo:
- Người đó có tài thuyết phục thật.
Msimangu nói, giọng dịu dàng:
- Ông ta là Dubula, con người nổi tiếng, bạn của ông John lệnh đệ đấy. Người ta bảo – huynh thứ lỗi cho nhé. Tomlinson có đầu óc, lệnh đệ có được cái giọng nói, còn ông này thì có nhiệt tâm. Chính quyền sợ ông ta nhất, vì chính ông ta không sợ gì cả. Ông ta không mưu tính cái gì riêng cho mình cả. Người ta bảo ông ta đã bỏ chỗ làm của mình để đứng gác ở đây cản người ta đi xe buýt, và vợ cũng đứng gác ở bến xe buýt Alexandra như chồng.
- Hai vợ chồng như vậy thật hãnh diện. Johannesburg là một nơi có nhiều cái đáng kỳ dị.
Msimangu nói, giọng có vẻ tiếc hận:
- Trước họ ở trong giáo phái của mình đấy, nhưng rồi bỏ ra ngoài. Cũng như ông em của huynh, họ bảo rằng giáo hội nói thì hay mà không hành động. Sao bây, bây giờ chúng mình tính sao?
- Tôi tính đi bộ.
- Đi mười bảy cây số, về mười bảy cây nữa. Xa lắm đấy huynh hiểu cho chứ, Johannesburg này không phải là chỗ hợp với một người con trai ở một thân một mình.
- Vậy thì đi.
Họ đi bộ mấy cây số qua khu của người Âu, lên con đường Twist tới Clarenton Cricle rồi xuống con đường Louis Botha tới Vườn cam. Xe hơi, xe cam nhông qua lại không ngớt, chiếc đi lên, chiếc đi xuống. Họ đi một lúc lâu, thì một chiếc xe hơi thắng lại ở bên cạnh họ, và một người da trắng ló đầu ra hỏi:
- Hai ông đi đâu đấy?
Msimangu cất nón chào, và nói:
-Thưa ngài, chúng tôi đi Alexandra.
- Tôi đoán không sai, lên xe tôi đưa đi.
Thật là may mắn cho họ; tới chỗ quẹo vào Alexandra, họ xuống xe ngỏ lời cảm ơn.
Người da trắng bảo:
- Đường xa quá, mà tôi biết rằng không có xe buýt….
Họ đứng nhìn chiếc xe chạy đi. Nhưng chiếc xe không chạy tới mà quay trở lại, đi ngược về Johannesburg.
Msimangu bảo:
- Thật là một chuyện lạ.
Từ chỗ đó tới đại lộ Hai mươi ba, đường còn xa, và trong khi họ đi hết đại lộ này tới đại lộ khác, Msimangu giảng cho bạn hiểu rằng Alexandra nằm ở ngoài ranh giới thành phố Johannesburg là một khu mà người da đen có quyền mua đất cất nhà. Nhưng đường phố tệ quá, lại không có đèn và nạn khan nhà trầm trọng tới nỗi, ai có phương tiện thì cũng cất thêm một vài cái chòi trong sân để cho mướn lại. Nhiều chòi là những ổ trộm cướp, gái điếm, chỗ nấu rượu lậu.
Msimangu bảo:
- Tình trạng thảm hại quá đến nỗi bọn người da trắng ở Vườn cam, ở Norwood và Highlands North cùng đứng đơn yêu cầu nhà cầm quyền san phẳng khu đó đi. Một thanh niên mình đã giật cái xắc của một bà già da trắng, bà ta té xuống, xúc động sợ quá mà chết tại chỗ. Rồi còn một chuyện ghê rợn này nữa: một người đàn bà da trắng ở một mình trong một căn nhà cách đây không xa, một bọn thanh niên mình xông vô cướp, bà ta chống cự lại mà bị chúng giết. Cũng có đôi khi đàn ông và đàn bà da trắng ban đêm ngừng xe hơi lại dưới tàn cây trên đường Oretoria; và bọn thanh niên mình có đứa lại cướp giật của họ, đánh đập họ, hiếp dâm đàn bà của họ nữa. Đành rằng hạng đàn bà đó thường là xấu xa, nhưng dù sao cũng là một trọng tội ghê gớm quá.
Msimangu ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Tôi còn nhớ một vụ nữa ở phía bên kia Johannesburg. Một ông bạn của tôi ở một ngôi nhà cô lập trên con đường Potchefstroom. Giữa một đêm đông lạnh lẽo, còn lâu trời mới sáng mà ông ta nghe thấy có người gõ cửa. Ra coi thì là một người đàn bà da trắng gần như lõa lồ. Y phục bà ta đã bị xé toạc, còn mấy mảnh bà ta thu thu lại để che thân, mà da thì tìm đi vì lạnh. Một người đàn ông da trắng đã hiếp bà ta, ép bà ta lên xe hơi của hắn, và sau khi đã thoả mãn rồi - thoả mãn hay không thực ra tôi không biết rõ, vì tôi không có ở đó - hắn tống bà ta ra ngoài trời lạnh với mảnh áo tả tơi trên mình đó, rồi lái xe về Johannesburg. Hai vợ chồng ông bạn tôi kiếm cho bà ta được một chiếc áo dài cũ và một chiếc áo khoác cũ, nấu nước pha trà và quấn mền cho bà ta. Trẻ trong nhà thức dậy hỏi có chuyện gì vậy, nhưng vợ chồng ông bạn bảo chúng ngủ đi và không cho chúng vô phòng để coi bà nọ. Rồi đương đêm, ông bạn tôi lại nhà một chủ trại da trắng ở gần đó. Chó nhà này dữ quá, ông ta sợ nhưng cứ bước vô và khi người da trắng bước ra, ông ta kể chuyện đã xảy ra, bảo việc này nên làm kín đáo, không cho ai hay. Người da trắng bảo: “Được tôi sẽ lại ngay bây giờ ” rồi đánh xe ra, cả hai người trở về nhà ông bạn tôi. Bà da trắng muốn đưa một số tiền để trả ơn vợ chồng ông bạn tôi, nhưng không có tiền. Vợ chồng ông bạn tôi đều bảo bà ta rằng không nên đưa tiền. Người đàn ông da trắng bảo ông bạn tôi: “ Jy is’n goeie Kaffer ” ( chú là một tên Cafre (1) tốt ), và lặp câu đó tới hai lần…Ông ta cảm động, và bập bẹ mấy tiếng Bantu đó.
- Nghe chuyện, tôi cũng cảm động.
- Lúc nãy tôi nói về đơn thỉnh nguyện xin san phẳng khu này. Các bạn da trắng của chúng ta phản đối, bảo rằng ở Alexandra cái tốt vẫn nhiều hơn cái xấu, và để cho người dân ở đây có một miếng đất, một căn nhà của riêng mình để nuôi con, một nơi họ có quyền ăn nói, cảm thấy rằng mình được ở trên nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cái đó là điều đáng kể chứ. Giáo sư Hoernle – ông ta đã mất rồi, xin Thượng Đế độ trì hương hồn ông – là người chiến đấu hăng nhất cho chúng ta. Thực đáng tiếc là huynh không được nghe ông ấy diễn thuyết. Vì một mình ông ấy có đủ đầu óc của Tomlinson, cái giọng nói của ông John và cái nhiệt tâm của Dubula. Khi ông ta nói thì không một người da trắng nào tranh biện nổi. Bây giờ tôi còn nhớ. Ông ta thường nói rằng cái này ở đây, cái kia ở kia và cái đằng kia nữa ở đằng kia và cái nào ông đã đặt ở đâu thì ở đó, không ai có thể dời chỗ nó đi được dù chỉ là một vài phân. Dù là Anh hay Afrikaaner (2) thì cũng không ai dời chỗ những cái đó được cả.
Msimangu rút khăn mùi xoa ra chùi mồ hôi trên mặt.
- Tôi đã nói nhiều quá, đã tới căn nhà mà chúng ta kiếm rồi đây.
Họ gõ cửa, một người đàn bà ra mở cửa, không chào hỏi họ và khi họ cho biết mục đích của họ thì thím ta miễn cưỡng để họ vô.
- Thím Mkize, thím nói thanh niên đó đã dọn đi chỗ khác rồi ư?
- Phải, và tôi không biết đi đâu.
- Đi hồi nào vậy?
- Cách đây nhiều tháng rồi. Có lẽ tới một năm rồi.
- Cậu ấy có ở chung với một người bạn nào không?
- Có, một cậu nữa cùng họ Kumalo, một người em con chú. Họ dắt nhau đi.
- Và thím không biết họ đi đâu?
- Họ có nói tới mấy chỗ. Nhưng bọn thanh niên ấy nói, thì ông còn lạ gì.
Kumalo hỏi:
- Thanh niên tên là Absalom đó hạnh kiểm ra sao?
Rõ ràng là trong mắt thím ta có vẻ sợ hãi. Và rõ ràng là thấy vậy, Kumalo cũng đâm ra sợ hãi. Trong nhà này có không khí sợ hãi.
Thím ta đáp:
- Tôi không thấy có gì bậy.
- Nhưng thím ngờ rằng có cái gì bậy chứ?
- Không có gì bậy cả.
- Thế thì tại sao thím lại sợ?
- Tôi sợ gì đâu?
- Thế thì tại sao thím lại run?
- Vì lạnh.
Thím ta nhìn hai người lạ, vẻ cau có, giữ ý.
Msimangu cáo từ:
- Chúng tôi cám ơn thím. Thím ở lại mạnh giỏi.
- Hai ông đi mạnh giỏi.
Ra tới đường, Kumalo bảo:
- Có cái gì không hay rồi đây.
- Tôi cũng thấy vậy. Huynh ạ, cả hai chúng ta tới thì đông quá. Huynh quẹo tay trái ở góc con đường lớn đi, rồi lên dốc, sẽ thấy một quán giải khát. Huynh ngồi đó đợi tôi.
Kumalo nghe lời, bước đi, trong lòng ưu tư rầu rĩ; Msimangu chậm chạp bước theo, tới khi bạn quẹo ở góc đường rồi mới quay trở lại, gõ cửa căn nhà lúc nãy.
Thím ta lại ra mở cửa, cũng cau có như trước, bây giờ thím đã bình tĩnh lại rồi, cau có nhiều hơn là sợ.
Msimangu bảo:
- Tôi không phải ở ty cảnh sát đâu, không liên can gì tới ty đó cả. Và tôi mong rằng không có chuyện gì liên can tới họ. Nhưng có một ông già đau khổ không tìm ra được người con trai.
Thím ta đáp một cách xã giao:
- Tội nghiệp.
- Tội nghiệp lắm, và tôi sẽ không chịu đi đâu, nếu thím không cho tôi biết những điều mà lúc nãy thím không muốn nói.
- Có gì đâu mà nói.
- Thím không có gì để nói vì thím sợ. Và thím run không phải vì lạnh.
- Thế thì tại sao tôi lại run?
- Điều đó tôi không biết. Nhưng tôi sẽ không chịu đi đâu nếu không kiếm ra được tại sao. Và nếu cần thì sẽ phải tới ty cảnh sát vì còn có cách nào nữa đâu.
Thím ta có giọng oán hận:
- Đàn bà mà ở một mình thì thật khổ quá.
- Một ông già đi tìm con cũng đau khổ vậy.
- Tôi sợ.
- Ông ấy cũng sợ. Thím không thấy ông ấy có vẻ sợ sao?
- Có, tôi có thấy, Umfundisi.
- Vậy thím làm ơn cho tôi hay hồi ở đây, đời sống của hai thanh niên đó ra sao?
Nhưng thím ta vẫn làm thinh, vẻ sợ hãi hiện trong cặp mắt đã muốn rưng rưng, Msimangu thấy khó mà thuyết phục thím ta được.
- Tôi là mục sư, thím không tin tôi ư?
Thím ta vẫn làm thinh.
- Thím có một cuốn Kinh Thánh không?
- Có.
- Vậy tôi sẽ cầm Kinh Thánh mà thề.
Thím ta vẫn không đáp, Msimangu lập lại:
- Tôi cầm Kinh Thánh mà thề
Thấy vị mục sư quyết tâm không để cho mình yên, thím ta do dự đứng dậy, bước vô một phòng ở phía sau, rồi một lát trở ra với cuốn Kinh Thánh.
Msimangu bảo:
- Tôi là mục sư. Hễ nói có là có, nói không là không, không bao giờ sai. Nhưng vì thím đã muốn và vì ông bạn già của tôi lo sợ, nên tôi xin thề trên cuốn Kinh Thánh này rằng thím sẽ không bị lôi thôi gì về chuyện này cả, vì chúng tôi chỉ muốn tìm một thanh niên thôi. Cầu xin Tixo phù hộ tôi.
Rồi ông ta hỏi tiếp:
- Đời sống của họ ra sao?
- Thưa Umfundisi, tới lúc thật khuya khoắt, họ đem về nhà này nhiều thứ lắm. Quần áo, đồng hồ, tiền bạc này, thức ăn đựng trong bao này, và nhiều thứ khác nữa.
- Có thấy máu me gì trên người họ không?
- Thưa Umfundisi, không bao giờ tôi thấy máu me trên người họ cả.
- Được. Tuy chưa biết gì nhiều, nhưng bây nhiêu cũng được…Và tại sao họ lại đi nơi khác?
- Tôi không biết, Umfundisi. Nhưng tôi ngờ rằng công việc của họ sắp bị lộ.
- Họ đi hồi nào?
- Đã được gần một năm rồi, Umfundisi. Như tôi đã nói lúc nãy.
- Và thím có thể thề trên cuốn Kinh Thánh này, rằng thím không biết họ đi đâu chứ?
Thím ta đưa tay về cuốn Kinh Thánh. Msimangu bảo:
- Thôi được rồi.
Ông chào thím ta, rồi hấp tấp bước ra để tìm bạn. Thím ta gọi giật lại, bảo:
- Họ chơi thân với một người lái tắc-xi là Hlabeni. Người này ở gần bến xe buýt. Tới đó ai cũng biết.
- Cảm ơn thím cho tôi biết chi tiết đó. Chúc thím ở lại mạnh giỏi.
Ông ta thấy bạn ngồi trong quán giải khát. Ông già này vội vàng hỏi ngay:
- Biết thêm được điều gì không?
- Tôi biết thêm được điều này: họ chơi thân với một người lái tắc-xi tên là Hlabeni. Để tôi ăn vài miếng đã rồi chúng mình đi tìm.
Ăn xong rồi, Msimangu đi kiếm một người hỏi thăm xem làm sao tìm được chú Hlabeni, lái xe tắc-xi. Người đó đáp:
- Chú ấy ngồi trong xe tắc-xi, ở góc đường kia kìa.
Msimangu tiến lại phía xe tắc-xi, chào người ngồi trong xe.
- Chào chú.
- Kính chào Umfundisi.
- Tôi kiếm xe tắc-xi đây. Từ đây về Johannesburg, chú tính bao nhiêu? Tôi đi với một ông bạn nữa.
- Umfundisi đi thì tôi xin mười một si-linh.
- Đắt thế.
- Chiếc xe khác sẽ đòi Umfundisi mười lăm hay hai chục si-linh.
- Ông bạn tôi già và mệt. Tôi sẽ trả giá đó.
Chú ta tính cho rồ máy thì Msimangu bảo khoan đã:
- Người ta bảo tôi chú có thể chỉ chỗ cho tôi kiếm một thanh niên tên là Absalom.
Lần này cũng vậy, chú ta có vẻ sợ hãi rõ rệt. Nhưng Msimangu vội vàng nói cho chú ta yên tâm:
- Tôi kiếm chú không phải để gây chuyện lôi thôi cho chú đâu. Tôi hứa với chú rằng tôi không làm chuyện gì lôi thôi cho chú hoặc cho tôi đâu. Nhưng ông bạn tôi, già và mệt rồi, chính là thân phụ của thanh niên đó và từ Natal lại đây tìm con. Chúng tôi đi hỏi thăm nơi nào người ta cũng bảo, thanh niên đó đã đi chỗ khác rồi và ông bạn già của tôi lo lắng lắm.
- Vâng, tôi biết thanh niên đó.
- Bây giờ cậu đó ở đâu, hở chú?
Tôi nghe nói anh ấy đã đi Orlando và sống ở đó với bọn vô gia cư tại Shanty Town (3). Tôi chỉ biết vậy thôi.
Msimangu bảo:
- Khu Orlando rộng lớn mà.
- Nhưng xóm bọn vô gia cư thì không lớn lằm, Umfundisi. Có những nhân viên ở toà thị chính làm việc với họ và biết mặt họ hết. Umfudisi có thể hỏi thăm các nhân viên ấy.
- Lời khuyên của chú giúp tôi được nhiều đấy. Tôi có quen vài nhân viên trong số đó. Bây giờ chú chở chúng tôi đi nào.
Ông ta gọi Kumalo lại, bảo đi về bằng tắc-xi. Họ leo lên xe và chiếc xe lạch cạch chạy ra khỏi Alexandra, tới con đường cái rộng đưa từ Pretoria về Johannesburg. Lúc đó đã xế chiều, con đường chật xe cộ vì là giờ người ta đổ về Johannesburg hoặc ở Johqnnesburg đổ ra ngoại ô.
- Huynh nhìn xem những chiếc xe đạp kìa. Có mấy ngàn người ở Alexandra tan sở về nhà, và chúng ta sắp thấy mấy ngàn người nũa đi bộ vì tẩy chay xe buýt.
Quả nhiên, một lát sau thấy hai bên lề đường người đi bộ chen chúc nhau. Họ đông tới nỗi lấn xuống cả mặt đường và xe cộ phải chạy chầm chậm lại. Có những người già cả, có những người mệt mỏi và có cả những người tàn tật nữa như người ta đã để cho nghe, nhưng hầu hết đều kiên nghị bước và họ chịu cực như vậy tới nay đã được mấy tuần rồi. Nhiều người da trắng ngưng xe lại, đón họ cho đi nhờ về Alexandra.
Khi xe ngừng lại ở một chỗ đèn đỏ, hai vị mục sư thấy một cảnh sát công lộ hỏi một người da trắng có giấy phép chở người da đen không.
Người da trắng đáp:
- Tôi chở giùm họ, không lấy tiền.
- Nhưng ông vẫn là chở khách trên một lộ trình của xe buýt.
- Vậy thì cứ đưa tôi ra toà.
Đèn xanh bật lên, chiếc tắc-xi tiếp tục chạy và hai vị mục sư không được nghe nốt.
Msimangu bảo:
- Tôi đã nghe nói. Nghe người ta bảo rằng họ kiếm cách ngăn cản người da trắng chở giúp chúng ta và họ còn định đưa những người da trắng này ra toà nữa.
Trời đã tối, nhưng con đường vẫn còn chật những người trở về nhà ở Alexandra. Và vẫn còn nhiều chiếc xe ngừng lại cho họ lên, nhất là các người già cả, các phụ nữ và các người tàn tật. Kumalo nở một nụ cười, một nụ cười kỳ dị, khắp thế giới không đâu có, nụ cười của một người da đen khi thấy một người đồng chủng được một người da trắng giúp đỡ ở chỗ công cộng, vì việc đó đâu phải dễ dàng. Ông ta mải trầm tư cho nên giật mình khi Msimangu thình lình nói lớn tiếng:
- Thật quá sức tưởng tượng, huynh ạ.
- Cái gì quá sức tưởng tượng?
- Không, nói thực ra tôi không ngờ được chuyện đó.
Msimangu ngồi thẳng người lên, đầm mạnh vào ngực, nói:
- Cứ, đưa tôi ra toà đi.
Kumalo ngạc nhiên ngó bạn. Msimangu bảo:
- Cái đó quá sức tưởng tượng của tôi.
Chú thích:
1. Cũng gọi là Bantu, một bộ lạc ở Phi châu.
2. Một số người Afrikaaner muốn dùng tiếng đó theo nghĩa rộng, trỏ tất cả những người da trắng ở Nam Phi nhưng nghĩa này chưa được mọi người chấp nhận.
3. Shanty Town là ấp nhà lá.