Dịch giả: Nguyễn Đăng Thường
Chương 6

21
Làm sao một nhà hoạ sĩ mù lại có thể chỉ dạy cho Yuko về nghệ thuật màu sắc? Nhà thi bá trong cung điện của vua Minh Trị muốn trêu chọc Yuko chăng, khi ông tìm cho anh một người không thể phán xét phẩm chất công việc làm của chính mình? Xem nào. Yuko định bỏ ngay tức khắc tất cả để tháo lui trở về ngôi làng cũ và các ngọn núi yêu dấu của anh. Bàn tay của Horoshi giữ anh lại.
"Đừng vội vàng bỏ đi trước khi đã biết rõ mọi chuyện. Soseki có thể không còn phân biệt được những sai biệt nhỏ về màu sắc, nhưng thần trí của thầy có thể nhìn thấy những gì chính mắt anh không trông thấy. Hãy đi theo tôi, tôi sẽ giới thiệu anh với sư phụ."
"Một kẻ đui mù có thể chỉ dạy điều gì cho tôi về sự phong phú của màu sắc?"
"Rất nhiều, chẳng hạn như thầy có thể chỉ bảo anh về phụ nữ. Mặc dù đã từ lâu thầy không còn chung chăn gối với một người đàn bà nào. Anh đừng bận tâm về bề ngoài. Nó chỉ xui anh lạc đường."
Hiroshi đẩy Yuko tới trước để nghiêng đầu cúi chào sư phụ hơn là để giới thiệu.
"Anh là ai? Anh muốn lãnh nhận điều gì ở tôi?" Soseki hỏi sau khi cuộc giới thiệu đã xong.
"Thưa thầy, đệ tử là Yuko, chuyên làm thơ về tuyết. Thơ của đệ tử rất đẹp, nhưng chúng trắng toát một màu vô vọng. Kính thưa sư phụ, xin người chỉ dạy cho đệ tử về nghệ thuật vẽ tranh. Xin người chỉ bảo cho đệ tử về màu sắc."
Soseki mỉm cười và đáp:
"Anh hãy cho ta biết về tuyết trước đi."
 
 
22
Sự chỉ giáo của người thầy này chẳng giống ai.
Ngay lúc khởi sự buổi học đầu tiên, gần bờ sông còn đẫm ánh sáng của hừng đông, người thầy bảo Yuko nhắm mắt lại và hình dung màu sắc.
"Màu sắc không ở bên ngoài. Nó ở trong ta. Chỉ có ánh sáng là ở ngoại tại," thầy nói. "Con trông thấy gì?"
"Thưa thầy, con không trông thấy gì cả. Mắt nhắm. con chỉ thấy toàn một màu đen. Thầy không thấy như con hay sao?"
"Không," Soseki đáp. "Ta vẫn thấy sắc xanh của lũ ếch và sắc vàng của bầu trời. Vậy thời trong hai ta, ai là kẻ mù loà nhất?"
Yuko muốn bảo rằng trời không vàng và ếch không xanh, nhưng anh không muốn bàn luận. Ông lão này chắc đã điên khùng. Hay chỉ mắc chứng lão suy. Anh muốn tránh sự thất vọng cho người thầy.
"Thưa thầy," anh nói, con đang thấy."
"Anh thấy gì?"
"Con thấy màu đỏ của cây."
"Bậy," Soseki nói. "Không thể như vậy được. Ở đây không có cây."
 
 
23
Buổi sáng thứ hai sư phụ bảo Yuko nhắm mắt lại, và ông nói:
"Ánh sáng ở nội tại, ánh sáng ngụ trong ánh sáng. Nhưng màu sắc thì ở bên ngoài. Con hãy nhắm mắt lại và bảo cho thầy biết con thấy cái gì."
"Thưa thầy," Yuko nói, "con thấy ánh sáng trắng của tuyết."
Khi thốt lên điều này Yuko muốn bật cười. Đó là một buổi sáng mùa xuân tươi đẹp. Mặt trời nóng như hòn đe.
"Đúng đấy," Soseki nói, "mùa đông vừa qua nơi này đã có tuyết. Con đang hoá thành một kẻ có cái nhìn thấu thị."
 
 
24
Và như thế Yuko được chấp nhận vào lớp học của sư phụ trọn năm ấy.
Horoshi, người giúp việc nhà, trở thành bạn thân của anh ta. Họ ngủ chung trong một căn buồng.
Một buổi tối, Yuko hỏi người giúp việc:
"Sư phụ thực sự là ai vậy? Và người có thật thông suốt về nghệ thuật hay không?"
"Soseki là nhà nghệ sĩ lớn nhất của Phù Tang. Ông sành sỏi về nghệ thuật, âm nhạc, thi ca, thư pháp, vũ đạo. Nhưng nghệ thuật của ông đã không thấy ánh mặt trời nếu thiếu tình yêu của một phụ nữ."
"Một phụ nữ?" Yuko hỏi.
"Đúng, một phụ nữ. Bởi vì tình yêu chính là bộ môn nghệ thuật khó nhất. Và viết văn, biên vũ, soạn nhạc, vẽ tranh, cũng là một việc tương đồng với âu yếm. Đó là nghệ thuật biểu diễn trò đi dây. Cái khó nhất là bước tới trước mà không vấp ngã. Nhưng Soseki, riêng ông, cuối cùng đã ngã vì tình yêu ông dành cho một phụ nữ. Chỉ có nghệ thuật đã cứu vớt ông ra khỏi sự tuyệt vọng và cái chết. Nhưng đó là một câu chuyện rất dài mà tôi nghĩ nó sẽ khiến anh mau buồn chán."
"Ô, xin bác cứ kể lại cho tôi nghe," Yuko nài nỉ.
"Chuyện ấy đã xảy ra trong thời sư phụ còn là một hiệp sĩ."
"Soseki? Một nhà hiệp sĩ? Bác làm ơn kể lại nhanh đi!"
Horoshi uống một chung rượu sa kê, và trước sự van nài của chàng trẻ tuổi, đắm chìm vào những kỷ niệm.
"Tất cả đã xảy ra như do ảo thuật..."