Chương 6
TRƯỜNG HỢP BÀ NGÔ ĐÌNH NHU

Bà Ngô Đình Nhu có điệu bộ vóc dáng của một minh tinh màn bạc hơn là một phu nhân theo cốt cách Đông phương. Trong 9 năm chế độ Ngô Đình Diệm bà được suy tụng như một Đệ nhất phu nhân. Chính cái danh xưng này đã không thuận tai và làm cho dư luận đàm tiếu không ít. Ông Nhu tuy là một Cố vấn chính trị Phủ Tổng thống, nhưng trên danh nghĩa ông không có một vị thế công quyền. Ông Tổng thống sống đời độc thân mà người em dâu lại được "suy tôn" như Đệ nhất phu nhân thì điều đó quả chướng tai, vì nó không chính danh và hợp với chữ Lễ.
Nhưng từ nguyên do nào đã đưa bà Nhu lên địa vị một người đàn bà "uy quyền" khiến bao nhiêu khách công hầu của chế độ phải ra luồn vào cúi và coi bà như một nữ lãnh tụ? Ai phong cho bà Nhu tước vị Đệ nhất phu nhân? Không ai phong cho bà cả. Nếu có thì chỉ có cơ quan Thông tin thỉnh thoảng qua một vài bản tin, qua bích chương đã "bốc" bà lên hàng tột đỉnh công danh đó.
Xin trở lại quá khứ: Tháng 4-1955 khi Sài Gòn đang ngút ngàn khói lửa, Bình Xuyên quyết ăn thua đủ với chính quyền, gia đình bà Nhu vẫn còn ở căn nhà của bác sĩ Cao Xuân Cẩn trước dưỡng đường Saint Pierre Sài Gòn.
Khi thu hồi dinh Norodom, Tổng thống Ngô Đình Diệm dành một phòng phía bên -trái cho vợ chồng ông Luyện. Trong hai người em dâu thì Tổng thống Diệm quý bà Luyện hơn. Giữa vợ chồng ông Luyện với Tổng thống Diệm có sự thân mật đậm đà và không xa cách như vợ chồng ông Nhu. Từ khi trở về nước chấp chính cho đến tháng 4-1955, vai trò của ông Ngô Đình Luyện mới là quan trọng. Vai trò của ông Nhu lúc ấy còn mờ nhạt…
Nhưng có một điểm tâm lý như thế này: Tuy rất quý vợ chồng ông Luyện nhưng ông Luyện lại chỉ có toàn con gái. Tổng thống Diệm không thích cháu gái, ông rất yêu mến đám con trai của bà Nhu. Đó cũng là lý do dễ hiểu, khi cha con ông Ngô Đình Khôi qua đời (1945) thì mấy chú con trai của ông Nhu là kẻ nối dõi tông đường của dòng họ Ngô Đình. Ngô Đình Trác đứng vào hàng đích tôn thừa tự và là bực trưởng của gia đình Ngô Đình sau này. Mấy chú con trai của ông Nhu trở thành nhịp cầu nối tiếp giữa vợ chồng ông Nhu và Tổng thống Diệm mặc dầu bản chất giữa Tổng thống Diệm và ông Nhu rất khác biệt nhau. Anh em không mấy khi gần nhau qua những phút tâm tình hàn huyên. Nhưng mấy đứa cháu trai lại trở thành nguồn hứng thú tinh thần của Tổng thống Diệm và đó cũng là nguồn hy vọng của ông Tổng thống còn nặng lòng với nho giáo…trong tình cảm gia dình. Chính cũng nhờ ở điểm có mấy người con trai cho nên bà Nhu dã dễ dàng tạo được tư thế trong gia đình nhà chồng.
Khi trận chiến giữa Bình Xuyên và chính quyền bùng nổ, Đại tá Huỳnh Văn Cao bàn tính với Thiếu tá Vinh làm thế nào để di tản gia đình bà Nhu vào trong dinh, nếu không Bình Xuyên có thể làm "hoảng", giết ông bà Nhu hoặc bắt cóc mấy đứa con của bà để làm điều kiện thương thuyết. Ý kiến này mọi người đều cho là phải. Trước đó Tổng thống Diệm cũng tỏ ý băn khoăn ngỏ ý với ông Bằng "Mi bàn với Vinh và Cao làm sao che chở gia đình ông Nhu ở Saint Pierre…Bình Xuyên nó làm dữ quá.".. Mấy hôm sau, gia đình bà Nhu di tản vào dinh Độc Lập, ở trong một gian phòng phía góc trái. Lúc đầu ông Nhu nằm ghế bố vì không có giường…
Bà Nhu tuy chỉ học hết lớp Đệ tam (classe de seconde) trường Albert Sarraut Hà Nội nhưng bà lại có một trì thông minh thiên bẩm. Sinh ra trong nhung lụa, lại thuộc gia đình quan lại vọng tộc, bà Nhu từ tấm bé đã ở trong một môi trường tháp ngà, hầu như không liên hệ với nếp sống Việt Nam. Có thể nói, bà thuộc một giai cấp không có trong xã hội Việt Nam. Cái giai cấp đó được hình thành trong chiếc nôi văn hoá của phương Tây. Bà là thứ trưởng giả thứ thiệt. Nhưng thứ trưởng giả này là một chất hỗn hợp giữa bản chất hoàng phái (dòng máu bên ngoại) cùng quan lại vọng tộc (dòng máu bên nội qua gia đình ông Trần Văn Thông). Thân mẫu của bà là cô gái Huế thuộc hàng khuê các sông Hương núi Ngự. Thân phụ bà tuy hiền lành nhưng trong con người của ông Trần Văn Chương đã có tới 80% chất Tây. Quê nội trong Nam, quê ngoại ở xứ Huế, lại sinh trưởng ở đất Bắc, bà trở thành một thứ lưu dân giữa 3 miền Bắc, Trung, Nam.
Từ nhỏ học trường Pháp, và trong gia đình sống theo lối Pháp, cha mẹ con cái chỉ nói tiếng Pháp như một ngôn ngữ mẹ đẻ, bà Nhu trở thành một thứ đầm con khi còn cắp sách đến trường.
Tóm lại, môi trường và nếp sống của bà hoàn toàn xa cách với nếp sống của quảng đại quần chúng Việt Nam. Khi trở về làm dâu họ Ngô Đình bà Nhu trở nên lạc lõng.
Giữa hai họ Ngô Đình và Trần Văn tuy là dòng quan lại cũ nhưng họ Trần Văn đã "tây hơn cả tây”. Họ Ngô Đình trước năm 1945 thường bị giới đường quan phê phán là "quê". Quê có nghĩa là không biết ăn chơi, không có một đời sống thích nghi với nếp sống phương Tây và hầu hết giới quan lại thời đó đều coi đây là hình ảnh mâu thuẫn và hoàn toàn khác biệt giữa hai gia đình thông gia, Ngô Đình và Trần Văn. Qua tấm ảnh trong album của gia đình Ngô Đình chúng ta thấy cụ ông Ngô Đình Khả đứng cao lênh khênh, mặc áo đại quan, đeo bài ngà kim nhưng chiếc quần lại cao quá mắt cá chân, rộng thùng thình. Ông là hình ảnh một vị thượng quan thế kỷ 18. Bà Khả thấp, mặc áo dài đen, quần thì ống thấp ống cao, bế con. Chung quanh hai ông bà là một đàn con yêu vận quốc phục. Riêng Tổng thống Ngô Đình Diệm lại mặc một bộ đầm sọc (loại tây đã phế thải) và đi chân đất. Nhìn cảnh đó, ta có ngay một mối cảm tưởng sâu xa về cảnh hàn vi của một Lễ bộ Thượng thư Nam triều còn gia đình bà Nhu thì trái hẳn, ông Trần Văn Chương mặc Smoking rất đúng điệu trưởng giả Anh quốc…Bà Chương lộng lẫy trong áo dài gấm, vấn tóc trần. Chính ảnh một phu nhân tân thời vào những năm 1930…trong khi con cái bà Chương đều mặc "đầm" rất đúng điệu. Chú con trai mới mấy tuổi cũng Com lê hoàn toàn trưởng giả.
Trong gia đình ông Trần Văn Chương, vợ chồng con cái đều dùng tiếng Pháp như tiếng mẹ đẻ. Bà Nhu vốn đã nổi tiếng là một mệnh phụ giao du rất rộng. Bà thuộc loại "đầm galăng”.
Được ấp ủ và giáo dục trong một trường Tây phương, khi còn đi học bà đã nổi tiếng là một tiểu thư lả lướt, lãng mạn.
Ông Nhu vốn là bạn của vợ chồng luật sư Chương. Cuộc tình duyên giữa chú Nhu và cô bé Lệ Xuân là một cuộc tình duyên "chú cháu”. Chú lớn hơn cháu trên cả hai mươi tuổi.
Kể từ năm 1945, gia đình ông Nhu trải qua cuộc “phong trần" khi thì ở Đà Lạt, khi thì ở Sài Gòn…ông Nhu "thất nghiệp"… 6, 7 năm trời. Khoảng thời gian này đều do tay bà Nhu tần tảo thu xếp. Từ nếp sống một tiểu thư trưởng giả đổi qua vai trò người vợ một ông chồng "lừng khừng và thất nghiệp chính trị" bà phải lo toan mọi bề và thời gian này với một người như bà Nhu không tránh khỏi tâm lý của kẻ tự tôn với dĩ vãng vàng son và tự ti với hiện tại cam go đầy sinh kế.
Dù có sự trợ cấp của Đức cha Thục, gia đình vẫn không thoát khỏi cơn khủng khoảng kinh tế kéo dài 6 năm. Thời gian này, chuyện xô xát giữa đôi vợ chồng trẻ khó bề tránh khỏi. Theo sự tiết lộ của một số gia nhân thân cận…thì bà Nhu luôn luôn to tiếng… với ông chồng. Ông Nhu không biết kiếm đâu ra tiền, mọi sự đành "một tay nhờ mụ nó". Khi một người đàn ông, dù người đàn ông đó là loại siêu đẳng nhưng từ một điếu thuốc cũng do tiền vợ mua thì tất nhiên do kết quả tiệm tiến của một quá trình tâm sinh lý người đàn ông đó không thể nào không bị vợ chi phối. Vợ không khinh đã là đại phước lắm rồi. Nếu vợ vẫn trọng vọng mình thì lại càng tạo nên yếu tố tâm lý giúp cho ngườivợ dễ dàng khuất phục ông chồng và quyền uy của người vợ theo thời gian mà thấm vào trái tim và trí óc ông chồng, không bao lâu quyền uy của chồng trở thành quyền uy của vợ. Ông Nhu ở trong trường hợp này.
Kể từ năm 1952, tình trạng kinh tế gia đình của vợ chồng ông Nhu càng thêm sa sút, đến độ tê liệt. Bà Nhu đã phải bán hết nữ trang. Từ năm 1952 chiếc vòng bà đeo cổ cuối cùng cũng phải đem đi phát mại. Khi ông Nhu quay sang làm tờ Tuần báo Xã hội thì cảnh nhà lại càng tệ hại. Những cộng tác viên của ông dạo đó phải mua tặng ông Nhu từng bao thuốc, đãi ông từng bữa quà sáng. Quần áo của ông Nhu cũng đã xác xơ. Ông chỉ còn lại một vài bộ đồ lớn còn lưu giữ từ thời tiền chiến. Bà Nhu thì đi xe đạp…ông chồng Nhu vẫn đi ké xe "muôn thuở" từ năm 1945 cho đến 1954.
Bản chất ông Nhu vốn trầm lặng một cách khó hiểu, cho nên cứ mỗi lần bà Nhu la lối là ông ngồi im không một lời nói năng, nét mặt chảy dài. Xì căng đan như một biến cố tâm lý trong đời ông là dạo cuối 1953 bà Nhu đã doạ tự tử sau một trận xô xát. Trước sau ông Nhu vẫn là kẻ thua cuộc vì bất lực trong cuộc âm mưu sinh kế cho gia đình. Nguyên nhân chỉ vì cạn tiền không còn cách nào xoay xở để sinh sống. Với một con người trí thức cỡ nặng như ông Nhu trong tình cảnh ấy kéo dài qua nhiều năm thì áp lực và ảnh hưởng của vợ đối với chồng (nhất là chồng già vợ trẻ) mỗi ngày càng thấm sâu lan rộng… do đó bà Nhu càng dễ dàng khuynh loát, khống chế bao toả mọi việc…từ gia đình riêng đến giao tế bên ngoài. Trước năm 1952 đối với vợ ông là người cứng rắn, không thích ai bàn tính chuyện thế sự với bà vợ…mà ông cũng không bàn thảo gì với bà vợ còn non trẻ.
Ông vẫn coi vợ là một cô cháu gái ngây thơ. Nhưng bà Nhu lại nhiều lần muốn chứng tỏ mình không còn nhỏ dại và đủ khả năng để giúp chồng làm việc lớn. Trong vụ tranh chấp giữa tướng Hinh và Tổng thống Ngô Đình Diệm, bà đã chứng tỏ bà có khả năng thực. Dạo ấy bà Nhu đã len lỏi đến nhiều nơi để vận động ông tướng Hinh và kể cả chuyện tham gia sách động biểu tình tháng 9 năm 1954. Giữa lúc tình hình gay go nhất, bà Nhu nhảy vào vòng với một lập trường dứt khoát là phải đuổi cổ anh "tây con" sang Pháp. Tháng 4 năm 1954, khi Tổng thống Diệm nhận được điện của Quốc trưởng Bảo Đại triệu qua Cannes, bà Nhu đã mạnh bạo tỏ thái độ quyết hệt và tìm cách ngăn không cho ông anh chồng sang Pháp và chủ trương lật đổ ông Vua này. Về vụ Bình Xuyên bà cũng nhảy vào vòng (dù không ai yêu cầu) nhưng bà lại chứng tỏ có khả năng và nhiều sáng kiến trong việc giúp anh và chồng giải quyết đại sự trong một tình thế sôi bỏng.
Khi gia đình bà Nhu dọn vào dinh Norodom, lúc đầu chỉ có tính cách ở tạm ít lâu để lánh nạn Bình Xuyên. Gia đình ông Luyện tự động nhường căn phòng phía bên trái dinh cho vợ chồng ông anh và dọn ra ở toà nhà trắng phía đường Nguyễn Du. ông bà Nhu ở căn phòng này cho đến vụ ném bom 27-2-1962.
Trong gia đình, ngoài Đức cha Ngô Đình Thục và Ngô Đình Diệm thì không ai ưa bà Nhu cả. Riêng ông Luyện lại coi thường bà chị dâu và tỏ ra bất mãn khó chịu mỗi khi thấy bà chị dâu “can dự vào" chuyện quốc sự. Sự bất đồng giữa ông Nhu và ông Luyện trở nên rõ rệt qua vụ truất phế Bảo Đại. Ông Luyện là bạn thân của Bảo Đại từ hồi còn đi học và chính ông đã đóng vai trò giao liên dàn xếp với Bảo Đại qua vụ tướng Hinh và Bình Xuyên. Ông Nhu thì chủ trương phải truất phế cựu Hoàng Bảo Đại và thành lập chế độ Cộng hoà, dĩ nhiên là bà Nhu hùa theo. Bà lại thường dùng những ngôn ngữ đao to búa lớn…Thái độ và lời nói của bà vừa lấn át người đối thoại, vừa như mệnh lệnh khuất phục kẻ đối lập với bà. Trong thời gian 3 tháng qua Pháp để dàn xếp với Bảo Đại vào đầu năm 1955 lúc ông Luyện trở về thì quyền Cố vấn đã hoàn toàn nằm trong tay ôngNhu, có nghĩa là bà Nhu cũng tham gia ít nhiều vào quyền Cố vấn đó. Tổng thống Diệm đã dặn riêng mấy người thân cận như Đại uý Cao, Thiếu tá Vinh như “ở nhà có chuyện gì xảy ra đừng có kể lại cho ông Luyện nghe". Ý Tổng thống Diệm không muốn làm phật lòng ông em út mà Tổng thống I)iệm thương nhất trong nhà, nhưng ông lại nể ông Nhu hơn và phục cái tài của ông em học giả. Từ dạo đó, quanh Tổng thống Diệm đã chia thành hai phe, một phe thân ông Luyện, một phe thân ông bà Nhu. Mấy gia nhân thân cận như ông Bằng cũng bắt đầu công khai va chạm với gia đình bà Nhu.
Sở dĩ phải mô tả và nhận định về con người và bản chất thực của bà Nhu ở thiên bút ký này là vì những tình cờ của lịch sử và số phận hẩm hiu của Việt Nam, bà Nhu đã có cơ hội tham dự ít nhiều vào một số biến cố lịch sử năm 1963. Điều quan trọng hơn là bà Cố vấn Nhu có một phần trách nhiệm trong biến cố đó.
Vấn đề đại sự quốc gia nhiều khi lại bắt nguồn từ những sự việc rất tầm thường. Biến chuyển lớn của lịch sử hơn một lần lại bùng nổ từ những xúc cảm và ý kiến phiến diện của cá nhân lãnh đạo cùng những ảnh hưởng cảm tình chung quanh cá nhân đó. Biến cố 1963 đã nói lên điều này và bà Nhu đã góp phần "đổ dầu thêm vào lò than hồng năm 1963".
Chẳng hạn như chiếc “ghế khoái lạc " của bà Nhu được triển lãm tại Phòng Thông tin Đô thành năm 1964 (đây chính là chiếc ghế ngồi uốn tóc).Từ năm 1962 thì bà Nhu không ra tiệm cắt uốn tóc nên một tiệm uốn tóc ở đường Catinat đã đưa chiếc ghế này vào dinh, mỗi tuần cho thợ vào một lần, chiếc ghế đó bỗng nhiên được đặt tên là ghế khoái lạc để chứng tỏ tội ác của bà Nhu cùng chế độ Ngô Đình Diệm… chiếc ghế khoái lạc đó đã ít nhiều kích động quần chúng tạo dựng nên bao nhiêu điều đáng tò mò qua con người đầy sôi nổi như bà Nhu.
Trong 9 năm đã có biết bao nhiêu "sự thực" như vậy được diễn tả một cách mê ly gay cấn trong dư luận quần chúng. Mà sự thực về bà Nhu như thế nào? Trước hết, nếu nói về tội thì bà có một "tội lớn" như thế này: "Bà không biết gì về chính trị nhưng lại hăng hái tham gia chính trị”.
Sinh trưởng trong nhung lụa của một tháp ngà trưởng giả Tây phương, không thích nghi với đời sống của quảng đại quần chúng, nhưng lại công khai nhảy ra hoạt động hàng đầu…Tất nhiên bà phải dấn mình vào thực tế nhưng lại không thích nghi được, thực tại trở nên đối địch với chính bản chất trưởng giả và xa lạ quần chúng của bà. Thực ra thì chính quyền dạo đó cũng muốn tạo lực lượng phụ nữ…Vì đây là một lực lượng đáng kể và nếu biết cách tổ chức và vận động thì lực lượng này là một hậu thuẫn to lớn. Bà Nhu có thể làm được điều đó cùng với ưu thế và quyền hành (trong bóng tối mà trong bóng tối mới là quan trọng). Bà Nhu lại quyết tâm hoàn thành gíâc mộng trở thành lãnh tụ của giới phụ nữ miền Nam Việt Nam. Ngay trong gia đình nhà chồng -một gia đình thượng quan nho phong - bà Nhu còn không sống được cho thích nghi với đời sống, huống chi quảng đại quần chúng, nhất là quần chúng Việt Nam vốn trọng nam khinh nữ, người dân Việt Nam vốn chỉ tôn mộ khâm phục những người như bà huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh, Phan Bội Châu phu nhân…
Những lý do nào khiến bà Nhu tạo được cơ hội nhảy vào sân khấu chính trị và từ năm 1956 bà đã gây được nhiều thanh thế trong dư luận quốc nội và quốc ngoại…Nói là bà quá ồn ào nhưng ồn ào có kỹ thuật trình diễn. Lý do gần như là tầm thường nhất đã giúp bà Nhu thành công trên con đường của bà, trước hết và đáng kể chỉ vì bà Nhu trở thành con dâu trong gia đình họ Ngô và độc quyền dành cho họ Ngô mấy cậu con trai để nối dõi tông đường (mãi sau này ông Luyện mới có con trai). Tổng thống Diệm độc thân và mấy đứa cháu trai trở thành nhu cầu cần thiết cho đời sống tình cảm của một con người còn nặng lòng với gia tộc và truyền thống như Tổng thống Diệm. Sau nữa là dù Phủ Tổng thống đã có Nha Nghi lễ, có Sở Nội dịch, ông Tổng thống Diệm vẫn cần phải có một phụ nữ để lo toan công việc tiếp khách và nhiều vấn đề khác thuộc phạm vi giao tế nhân sự mà thiếu một người đàn bà cũng gây nên nhiều nan giải, bế tắc. Bà Nhu lại có sở trường giao thiệp, có đôi chút khiếu thẩm mỹ. Trong khi Tổng thống Diệm cũng như ông Nhu hoàn toàn mù mờ về thẩm mỹ và giao tế (lo toan việc nội trợ đều một tay bà Nhu điều động) như trang hoàng phòng khách, sắm sửa các đồ trang trí và trang sức. Bà lại luôn luôn tỏ ra con người mẫn tiệp, tháo vát và khéo léo (khi tiếp phái đoàn ngoại quốc) Bà lại nói Pháp ngữ và Anh ngữ rất lưu loát.
Từ tư thế một nữ tiếp viên của dinh Độc Lập, lại thêm tham vọng lãnh tụ của phụ nữ cùng với uy thế và quyền hành của chồng và anh chồng, bà Nhu được mặc nhiên chấp nhận trên thực tế một uy quyền bất khả kháng và uy quyền đó, cách này hay cách khác dã chi phối ít nhiều trong sinh hoạt quốc gia và công vụ.
Lực lượng phụ nữ của bà Nhu qua phong trào Phụ nữ Liên đới lại chỉ gồm toàn vợ mấy ông lớn cho nên không có tính cách quần chúng và chỉ nặng về trình diễn. Khi các bà lớn trình diễn chính trị thì quả thật không hấp dẫn được ai và trở thành trò cười cho thiên hạ.
Bà Nhu chịu đọc sách lại có ông chồng "Cố vấn”, nên bà cũng có chút kiến thức. Tuy kiêu ngạo và tự tôn nhưng gặp việc khó khăn nan giải, bà vẫn chịu khó tìm hiểu ý kiến qua một vài cộng sự viên thân cận của ông Nhu.
Bà đối đáp rất mau lẹ, phản ứng kịp thời. Đó là ưu điểm của bà. Nhưng trong hoạt động chính trị, phản ứng nóng nảy bốp chát của một người đàn bà ở địa vị bà Nhu đã trở nên bất lợi cho bà. Khuyết điểm lớn của bà là đã không tạo được những cử chỉ phong độ, ngôn ngữ hấp dẫn được quần chúng kể cả giới phụ nữ.
Nếu ý thức được như vậy, lý ra bà Nhu phải hoàn toàn đứng trong bóng tối một cách khiêm nhường, đằng này bà Nhu lại xuất hiện với tất cả sự lộng lẫy loè loẹt với chiêng trống nhịp nhàng của một số các bà tướng tá, Bộ trưởng, Tổng giám đốc và kể cả mấy vị tu mi " râu mày nhẵn nhụi"…
Trước hết là dịp lễ Hai Bà Trưng, bà Nhu muốn làm sống lại khí thế của hai vị nữ anh hùng Dân tộc này…và có nhẽ bà Nhu cũng muốn nhân cơ hội trở về nguồn lịch sử để tạo một thần tượng dẫn đạo phụ nữ. Theo bà Nhu “Nam giới có Lê Lợi, Quang Trung thì nữ giới cũng có Hai Bà Trưng như Pháp có Jeane d’Arc". Trước năm 1963, lễ hội Hai Bà Trưng được mô tả như một lễ Quốc Khánh, không có ai công khai phản đối được. Nhưng vì trình diễn quá nhiều nên lại không thuận tình. Xin dẫn chứng về cái gọi là không thuận tình như thế này:
Lễ đài trần thiết thật long trọng tôn nghiêm có bàn thờ, có tàn lọng, có đồ bát biểu, gươm đao, khí giới… trên bục lớn của lễ đài trải nhung đỏ (màu tiêu biểu cho sự thiêng liêng của dân tộc ). Lễ nghi dành cho bậc anh hùng dân tộc như vậy là đúng. Nhưng người chủ lễ rất quan trọng. Dư luận luôn lưu ý về điểm này. Bà Nhu với tư cách đại diện phụ nữ Việt Nam và Đại diện Tổng thống, nhất là Đại diện Tổng thống nên bà được hưởng đầy đủ nghi lễ, nào là xe dành riêng cho Tổng thống lại có đoàn xe Harley hộ tống, khi đến lễ đài lại có đủ mặt Bộ trưởng, tướng lãnh tăm tắp đứng lên "kính chào" theo nghi lễ quân cách. Trên nguyên tắc thì đúng là vị đại diện của Tổng thống đuợc quyền hưởng nghi lễ như vậy.
Nhưng thực tế chính trị và tâm lý truyền thống Việt Nam không chấp thuận như vậy. Dù cho là vợ một Tổng thống, người Việt cũng cảm thấy khó chịu. Nếu vợ ông Tổng thống cũng được hưởng nghi lễ đón tiếp dành riêng cho vị nguyên thủ quốc gia ở Tây phương thì lại khác, huống chi bà Nhu chỉ là em dâu một Tổng thống vốn được tôn trọng theo hàng trưởng lão quốc gia. Do đó mà dư luận bàn tán mỉa mai thành ra "kính chẳng bõ phiền " không ít, giọng nói của bà Nhu qua các bài diễn từ cũng là một thất lợi vì giọng tuy mạnh thật, tuy có lửa nhưng lại vốn ra vẻ lãnh tụ, như răn dạy, truyền bảo, thêm vào đó tiếng nói lại thiếu ngọt ngào truyền cảm, thiếu nữ tính…
Khi đã có quyền hành, có địa vị (dù là trong bóng tối ) và một uy tín cần phải được bảo vệ trong tư thế lãnh đạo… ông Nhu hay ai cũng không thể làm cách nào khác hơn là nhịn một người vợ hay lớn tiếng, dám làm những việc động trời như bà Nhu…ông Nhu trở thành bất lực không thể ngăn cản vợ… đó chỉ là hậu quả bản chất của kẻ nhu nhược.
Vả lại dưới con mắt chủ quan của ông Nhu thì người vợ ông không làm gì quá đáng, trái lại công việc của bà Nhu lại hợp lý và hữu ích cho quốc gia. Lấy việc bà tham gia Luật gia đình là một thí dụ.
Kể từ tháng 12-1957, Quốc hội họp bàn sôi nổi về dự án của Luật Gia đình, bà Nhu đã từng bỏ phòng họp ra về với thái độ, ngôn ngữ rất ngang ngược ngạo mạn. Đối với một tín đồ Thiên Chúa giáo thì đời sống lứa đôi chỉ có một vợ một chồng và không được li dị, vấn đề đa thê không cần đặt ra. Nhưng xã hội Việt Nam không phải là xã hội phương Tây và dân chúng Việt Nam không phải tất cả đều là tín đồ Thiên Chúa giáo Thiên Chúa giáo chỉ chiếm (15% dân số) cho nên Luật này trên lý thuyết thì hay song thực tế không phù hợp với bản chất và nếp sống của quảng đại quần chúng lúc bấy giờ. Hơn nữa giới âm thầm phản đối chính là giai cấp tướng tá và công chức cao cấp cũng như những công kỹ nghệ gia giàu có, phần lớn các vị này đều bị kẹt nếu không có vợ bé thì cũng lén lút giao du.
Bà Nhu đã lý luận " Đã đến lúc người phụ nữ đứng lên bình đẳng với người chồng ngay trong phạm vi gia đình, chỉ một vợ một chồng thôi… chỉ những kẻ hư hỏng không ra gì mới lấy vợ nhỏ rồi bỏ phế gia đình”. Bà Nhu vẫn tin là mình đi đúng đường với chủ trương cách mạng xã hội, giải phóng phụ nữ của thế giới, trước hết từ gia đình, để từ đó ra ngoài xã hội. Lý luận và chủ trương của bà nghe xuôi tai và hợp lý. Nhưng điều căn bản là cải tạo xã hội, không phải chỉ bằng một biện pháp, ban hành một vài đạo luật.
Có thiện chí và hăng say song bà Nhu vẫn bị phản đối, dân chúng lại thờ ơ. Trước hết vì bà Nhu không nắm được một vài định luật rất giản dị, đơn giản của chính trị (Những nhà lãnh đạo của chính quyền ông Diệm sau 1963 đều mắc phải lỗi lầm như vậy, vì là một thứ lãnh tụ "non" thiếu học tập thiếu kinh nghiệm, không có căn bản chính trị ).
Một trong những "định luật chính trị " căn bản của người lãnh đạo là không bao giờ được lấy chủ quan của mình để biến đổi khách quan (tức thực tại chính trị ) nhưng ngược lại phải biết biến hoá chủ quan lãnh đạo của mình. Và dung hoà chủ quan với khách quan tức là hoà đồng bản thân với thực tại để nắm thực tại.
Bà Nhu là người có tài thực, có thiện chí, song tính kiêu ngạo và chủ quan cũng đã đủ làm cho bà trở thành đối tượng cho bao nhiêu điều phẩm bình, dị nghị đàm tiếu…Mẫu người như bà Nhu sẽ dễ dàng thành công trong xã hội Mỹ. Ngôn ngữ cử chỉ cùng những phản ứng lanh lẹ của bà sẽ dễ dàng thu hút được đám đông. Nhưng đám đông trong quần chúng Việt Nam lại trở nên xa cách với ngôn ngữ, dáng điệu và cử chỉ của bà Nhu. Qua mấy lần ra ngoại quốc tại Maroc, Brasil…bà Nhu đã thành công nhờ ưu điểm trên. Còn chuyến đi giải độc tại Hội nghị Quốc tế nghị sĩ tại Belgrade (Nam Tư 1963 ) và Mỹ quốc bà Nhu đã chứng tỏ được khả năng đặc biệt của mình và nhất là tại Mỹ quốc bà đã gây được nhiều sóng gió làm kinh động chính quyền Kennedy và Đảng Dân chủ Mỹ. Nhưng với xã hội Việt Nam, bà hoàn toàn thất bại trước đám đông.
Người ta tự hỏi, tại sao một trí thức như ông Nhu lại không kiềm chế được người vợ? ông Nhu sợ vợ? Nói cho ngay tình thì ông Nhu không phải là một người sợ vợ, ông rất ghét "chuyện đàn bà dính vô", nhưng ông đã bị bà dắt mũi.
Bộ Luật Gia đình đã gây sôi nổi trong dư luận một thời. Thực tế thì Luật ấy cho đến khi ban hành và thực thi cũng không tạo được một tác dụng lớn lao nào trong tầng lớp dân chúng. Phản ứng của dân chúng đối với Luật gia đình không có gì đáng quan tâm, vì luật pháp hãy còn hết sức xa vời so với quảng đại quần chúng Nam Việt Nam bởi nó không công bằng với tất cả…Dù có luật hay không luật, đời sống vợ chồng trong giới bình dân đều dựa trên căn bản tình cảm "yêu nhau giá thú bất luận tất". Nhưng đối với giới thượng lưu và nhất là giới tướng tá và công chức cao cấp tuy ngoài mặt hân hoan chào mừng Luật Gia đình,nhưng trong lòng đau đớn không ít và chính mấy giới này đã góp công không nhỏ trong việc tạo dựng "dư luận xấu” về bà Nhu. Một số quan toà xuất thân từ hàng quan lại thuộc địa, trở thành nạn nhân thứ nhất của Luật gia đình. Có ông Toà hai ba vợ…như vậy thì trách chi không oán ghét bà Nhu. Bà Nhu thường bàn luận với mấy cộng sự viên của ông Cố vấn chính trị như thế này " Kinh nghiệm trong gia đình nội ngoại của tôi, tôi biết quá rõ. Ai có vợ nhỏ thì đang trong sạch cũng trở thành tham nhũng, gia đình chia rẽ, rồi dòng con này, dòng con kia cứ lung tung lộn xộn". Khởi từ kinh nghiệm này, bà Nhu quyết thanh toán chế độ đa thê, mà bà nghĩ rằng nếu hoàn thành là bà đã giải phóng cho nữ giới cái thảm cảnh gia đình vợ nọ con kia (chém cha cái kiếp lấy chồng chung, kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng). Trước diễn đàn Quốc hội năm 1957, cũng đã có nhiều dân biểu mạnh dạn lên tiếng công kích dự án Luật này. Bà coi mấy ông dân biểu không đi đến đâu cả…bà Nhu coi thường không muốn nói là khinh miệt một số dân biểu như vậy cũng có nguyên nhân. Vì rằng bà cũng biết rõ chân tướng của các ông (Đời tư lẫn đời công cũng chẳng có gì đẹp đẽ). Chức dân biểu của họ phần lớn cũng do "công ơn ban phát…". Do dó mà phản ứng của một số dân biểu trở thành vô hiệu.
Trong một phiên họp vào khoá đầu năm 1959, bà Nhu công khai đả kích một số dân biểu ngay tại diễn đàn Quốc hội và cho rằng “Ai chống đối Luật Gia đình chỉ là những kẻ ích kỷ hèn nhát muốn lấy "vợ lẽ". Thái độ chống đối đó thật là hèn”. Mấy ông dân biểu quyết làm lớn vụ này và đòi bà Nhu phải xin lỗi…về thái độ hống hách của bà. Sau đó bà Nhu tỏ ra phục thiện và ra một thông báo cải chính là bà không nói các dân biểu “thật hèn” nhưng bà chỉ nói dân biểu "thất hẹn".Cách cải chánh của bà kể ra cũng thông minh và khéo léo.
Tất nhiên ai cũng hiểu rằng, không ai lại nói “thái độ thất hẹn" cả. Nhưng ở đây bà bẻ quặt hai chữ thật hèn thành thất hẹn. Bà đã "chơi chữ " mộtcách thông minh và đúng lúc. Mấy ông dân biểu đành chịu đựng một cách hoan hỉ. Phụ hoạ với bà Nhu còn một số nữ dân biểu thuộc "gà nhà". Nhưng hầu hết trình độ chính trị còn non kém lại thiếu thông minh nên mới có một nữ dân biểu lớn tiếng bênh vực luật gia đình và đưa ra một "định thức": Đàn bà đẻ ra đàn ông. Nhờ câu nói "phàm phu tục tử "này mà cả mấy năm trời báo chí có đề tài đem ra "thị phi".
Thực tế là Luật Gia đình có nhiều điểm phù hợp với tinh thần thượng tôn hạnh phúc và bảo vệ trật tự xã hội qua trật tự gia đình. Thế nhưng lại có một số điều quá khắt khe, không phù hợp với thực tế, thiếu căn bản của một tinh thần xã hội trong truyền thống Việt Nam. Do đó mà cái hay cái đẹp đều bị che lấp bởi cái dở… Khi một người nhìn trang giấy trắng thường chỉ chú ý đến một vết mực đen (dù vết mực có nhỏ và ở ngoài lề). Bà Nhu hãnh diện với Luật gia đình nhưng luật ấy có tác dụng không lại là chuyện khác. Sau đó bà lại đưa ra dự án Lành mạnh xã hội. Trước đó tháng 5-1958 tại Quốc hội bà Nhu đưa ra đề nghị thành lập phong trào Phụ nữ Liên đới và kêu gọi các bà vợ công tư chức quân nhân tham gia phong trào. Quốc hội khóa II (tháng 8-1959) đã có 9 nữ dân biểu trong đó có bà Nhu. Bà lại khởi công hoàn thành dự án Luật "Lành mạnh xã hội". Sau cái tên này bị đả kích nên được đổi thành Luật Bảo vệ luân lý (ban hành năm 1962 bị bãi bỏ sau đảo chính bằng sắc luật 2-1963).
Dự luật này cũng gây sôi nổi không ít. Xét cho công bằng, khi đưa ra dự luật này, bà Nhu nắm ngay được chính nghĩa vì rằng chỉ có một thiểu số là nạn nhân của Luật Bảo vệ luân lý. Thiết tưởng dù là ở một thời đại nào, ở một chế độ nào, (ngoại trừ chế độ của những kẻ hãnh tiến ăn chơi sa đoạ và coi nhảy đầm như một lý tưởng đáng tôn thờ) không ai có thể tán thành cho các thiếu niên uống rượu hay hút thuốc hoặc ủng hộ cho nạn phá thai, đồng bóng. ấy thế mà người ta vẫn chống đối và hè nhau tạo nên niềm công phẫn. Bà Nhu lại trở thành trung tâm của bao nhiêu mũi dùi dư luận. Dĩ nhiên luật ấy cũng có những điểm quá đáng và thiếu thực tế.
Trên quan điểm quần chúng cũng như phong tục truyền thống dân tộc thì dự Luật Bảo vệ luân lý của bà Nhu là một công trình tốt đẹp với thành ý xây dựng rất rõ rệt, 15 triệu đồng bào bất quá chỉ có vào khoảng nửa triệu ảnh hưởng đến luật này, nhưng chính lớp người thiểu số đó lại có tác dụng sa đoạ hoá xã hội miền Nam Việt Nam và đồng thời vong bản hoá bản chất dân tộc cũng như bôi đen cả tập tục tốt đẹp của xứ sở. Do đó không thể nào buông thả cho một thiểu số này sống phóng đãng được trong khi quảng đại quần chúngvẫn phải sống đời lầm lũi cơ cực và trong khi mà nếp sống của quảng đại quần chúng vẫn tập thành trên căn bản của truyền thống cao đẹp.
Về công trình này, bà Nhu đứng hẳn về phía quần chúng, lập trường là lập trường xã hội dân tộc. Nhưng bà lại gặp phải phản ứng dữ dội tuy ngấm ngầm. Nhiều tướng tá hay một số công chức cao cấp đều mê cái món nhảy đầm. Các bà lớn thì bài bạc.
Phần nhiều con các ông lớn thì rượu chè thuốc sái (con nhà nghèo và trung lưu thì lấy tiền đâu ra)…Các vũ nữ lại là một thành phần liên kết ruột thịt với một số tướng tá công chức cao cấp, công kỹ nghệ gia ăn chơi và giới "văn minh " đô thị. Bà Nhu vô tình đã đụng độ với những địch thủ ghê gớm đó.
Quảng đại quần chúng từ nông thôn đến giới trung lưu không ai chê trách gì Luật Bảo vệ luân lý (có hay không đối với họ không quan trọng) nhưng một giới khác thì Luật này trở nên quan trọng.
Việc cấm nhảy đầm của bà Nhu cũng gây bất mãn lớn trong giới ngoại kiều tại Sài Gòn (Tây phương coi nhảy đầm là một nghệ thuật, một trò giải trí thanh lịch truyền thống). Trong một cuộc gặp gỡ mấy bà, ông Taylor không đề cập đến vấn đề nào khác hơn là chuyện nhảy đầm. Ông cho rằng sự cấm đoán như vậy là kỳ quái, lỗ mãng, sống sượng.
Đáng lý chuyện nhảy đầm nếu cấm thì cũng nên linh động uyển chuyển, nhưng kẻ thi hành lại quá hăng say trong việc lập công. Trường hợp nữ giới thuộc lãnh sự đoàn người Liban, cư ngụ tại đường Trương Minh Ký, đã bị nhân viên công lực gây phiền phức, tạo nên dư luận không tốt trong giới ngoại giao.
Bà này đã có tuổi. Nhân dịp một tàu hàng Líban cập bến, một số thuỷ thủ đồng hương của bà đến thăm rồi nghe nhạc theo vũ điệu… Thế là cảnh sát cũng ập vào lập biên bản đem về bót. Rất nhiều trường hợp như thế đã xảy ra. Giới ngoại kiều càng thêm bất mãn và đó cũng là một sự bất lợi về "ngoại giao". Trong khi triệt để cấm nhảy đầm thì mấy ông tướng tá vẫn cứ lén lút du dương.
Riêng về việc cấm nhảy đầm, bà Nhu tỏ ra dè dặt. Bà cũng là dân nhảy nổi tiếng từ thuở còn đi học tại Hà Nội. Cấm nhảy đầm sẽ động chạm đến nhiều ông tai to mặt lớn. Trong một phiên họp của Ban chấp hành Phụ nữ Liên đới, vấn đề nhảy đầm được mổ xẻ cặn kẽ. Phiên họp này quy tụ rất nhiều quý bà "lừng danh". Một số ý kiến cho rằng chỉ giới hạn việc nhảy đầm mà không nên cấm tuyệt đối. Một bà tướng Tổng Thư ký của Phong trào Phụ nữ Liên đới lại "bảo hoàng hơn vua" đã yêu cầu "Bà Cố vấn" phải cấm triệt để. Bà Nhu vẫn lững lờ chưa quyết định hẳn, nhưng cuối cùng vẫn quyết định cấm nhảy.
Việc cấm nhảy đầm được nhiều "bà lớn" tán thành triệt để vì các đức ông chồng quý của các bà đều thuộc loại hảo ngọt lẫy lừng.
Thế nhưng cấm là một chuyện còn nhảy vẫn nhảy. Nhiều tướng tá vẫn "lén lút mở bar" ngay trong doanh trại hay tư dinh.
Ai đã ở Nha Trang vào những năm 1960-1961 đều biết rõ chuyện ông Đại tá chỉ huy trưởng Đồng Đế vẫn mở bar đều đều, lại cho sĩ quan hầu cận về Sài Gòn kiếm vũ nữ và bao dàn cả tuần.
Chuyện nhảy đầm lậu tại Nha Trang, Đà Nẵng cũng như Pleiku do mấy ông tướng tá cao cấp đỡ đầu đều lọt vô tai Tổng thống Diệm. Ông Tổng thống cố ý làm ngơ.
Nhờ những yếu tố nào mà bà Nhu tạo được uy quyền trên thực tế? Đơn giản nhất là nhờ sự khôn khéo tinh ranh và nhiều sáng kiến với một tiềm lực tinh thần mạnh mẽ trực giác, bà Nhu đã ảnh hưởng sâu xa trong đời sống của năm anh em trong gia đình từ Tổng thống Diệm đến Ngô Đình Thục và kể cả ông Ngô Đình Cẩn.
Ông Cẩn được coi là chống đối bà Nhu kịch liệt và chửi đổng chị dâu cũng không tiếc lời, nhưng ông Cẩn chỉ chửi "đổng" thế thôi. Trong gia đình ông vẫn chịu lép vế. Thí dụ trong việc lập Phong trào Phụ nữ Liên đới, ông vẫn bĩu môi khinh bỉ "Mấy con mụ đó mần được chi, chỉ ăn hại". Trước năm 1961, nhiều bà vợ của các ông lớn tại miền Trung cũng muốn lập Hội để có ăn, nhưng ông Cẩn ghét như vậy nên đành chịu.
Khi bà Nhu nhúng tay vào quyết định phát triển phong trào ra miền Trung… ông Cẩn đành chịu thua. Bà lại còn chỉ thị cho Huế, Đà Nẵng phải tuân theo ý bà. Bà rất coi thường ông Cẩn nhưng cũng chỉ để trong lòng.
Dịp ra Huế chủ toạ thành lập Phong trào là cả một việc trọng đại. Chung quy bà đã áp đảo được chú em chồng. Trước hôm đó, cả một đại đội phủ Tổng thống được gởi ra Huế để lo việc an ninh cho bà Cố vấn. Giới chức thẩm quyền toát mồ hôi vì phải lo tổ chức sao cho long trọng. Ông Cẩn trong lòng tức tối nhưng phải đành chịu và chính ông cũng phải đứng ra đôn đốc cho các giới chức lo liệu thực chu đáo. Điều nực cười nhất là hôm lễ khai mạc, bà Nhu như một nữ hoàng thì cậu Cẩn rụt rè khiêm tốn như một công tử miền quê có chút uy quyền. Trước đám đông ấy cậu Cẩn chẳng còn gì… khiêm tốn, bé nhỏ, nhọc nhằn. Trong khí đó từ cách đón tiếp đến chiếc ghế ngồi, qua ngôn ngữ và cử chỉ bà Nhu lấn át hoàn toàn chú em chồng.
Đây là lần đầu tiên ông Cẩn đành chịu khuất phục uy quyền của bà chị dâu, người mà ông Cẩn rỉ rả công kích nhiều khi dùng cả chữ “con mụ" và “lăng loàn” để chỉ.
Khi bà Nhu trở về Sài Gòn thì Phụ nữ Liên đới cũng theo bà đi luôn. Miền Trung vẫn là đất của ông Cẩn… Phụ nữ Liên đới chỉ được "phép" phát triển tại Nam phần và mấy tỉnh Cao nguyên.
Sở dĩ, trước mặt bà Nhu ông Cẩn phải chịu khuất phục vì bà ta đã biết sử dụng cái bề thế của bà chị dâu trong gia đình vốn khắt khe với những tôn chỉ lễ giáo. Còn Tổng thống Diệm thì như thế nào?
Điểm quan trọng sau đây đã giúp cho bà Nhu thành công trong công việc thuyết phục ông anh Tổng thống.
Thí dụ điển hình vẫn là những quan niệm về luân lý của bà Nhu. Quan niệm đó rất thích hợp với quan niệm và bản chất nho sĩ cũng như tu đức Thiên Chúa giáo trong con người của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Khi bà Nhu đưa ra dự án Luật "Bảo vệ luân lý" (lành mạnh hoá xã hội) thì trong gia đình họ Ngô hoàn toàn tán đồng và còn khích lệ. Nhưng báo chí và Quốc hội lên tiếng công kích, bình phẩm (tất nhiên là yếu ớt), Tổng thống Diệm lại cho rằng dư luận lầm lẫn vì có nhiều người ganh ghét bà Nhu mà tìm cách nói xấu gièm pha. Bà Nhu đã trình bày với ông anh Tổng thống như thế nào mà được Tổng thống dễ dàng chấp nhận và hết sức tán trợ.
Trước hết xin đơn cử một vài chi tiết đã thể hiện quan niệm luân lý và tâm tính bất thường của Tổng thống Diệm qua khía cạnh này. Dạo năm 1959 một thời đại "vàng son" của Hội bảo vệ luân lý do linh mục Hoàng Yến làm Chủ tịch. Linh mục Hoàng Yến tất nhiên không thể thoát khỏi những lý do "méo mó nghề nghiệp " qua quan niệm tu đức và luân lý giữa thế giới tu hành và xã hội ngoài đời. Linh mục Yến qua nhưng lần đi quan sát ngoài phố, chụp được một số ảnh tượng bán thân và khoả thân trưng bày tại mấy tiệm bán đồ điêu khắc và mỹ thuật, trong đó có mấy bức tượng được coi là hoàn toàn "loã lồ" trưng bày tại tiệm Mai Lĩnh, đường Phan Thanh Giản. Thêm vào đó còn cả một số hình đàn ông đàn bà, trai lẫn gái tắm chung ở một bể tắm (dĩ nhiên là mặc đồ tắm).
Đối với một người bình thường và qua những quan niệm bình thường trong đời sống thì những hình ảnh trên đây không có gì đáng chú ý. Tượng phụ nữ loã thể chỉ là một công trình của nghệ thuật. Trai gái tắm với quần áo tắm hở hang cũng là chuyện quá thông thường.
Nhưng nó lại trở nên quan trọng trước mắt một vị Linh mục Hội trưởng Hội bảo vệ luân lý. Linh mục Hoàng Yến làm một phúc trình dài kèm theo hình ảnh gởi lên cho ông Diệm.
Chỉ mới xem qua những tấm hình đó, ông Tổng thống đã đỏ mặt, bất thần nổi giận. ông dùng bút đỏ phê vào bản phúc trình "Ông Lương, cấm ngay". Nguyễn Lương lúc đó là Tổng giám đốc xã hội. Nhận được bản phúc trình trên ông Lương đã hết sức lo âu, không biết phải xử trí như thế nào. Ông đành hỏi ý kiến của một số người trong Phủ. Tất nhiên là không có một ý kiến nào khác hơn là tìm cách khôn khéo nhất để áp dụng lệnh của ông Tổng thống. Ý kiến được nêu ra như sau: ông Nguyễn Lương cho người đến một vài tiệm mỹ thuật như tiệm Thế Hệ nói khéo để họ thông cảm trưng bày một cách kín đáo bức tượng bán thân loã thể. Hai hôm sau ông Nguyễn Lương vào trình Tổng thống với hồ sơ đầy đủ để tỏ ra rằng đã tuân theo chỉ thị của thượng cấp.
Tổng thống Diệm lại vui vẻ gật đầu: " Ờ, ừ thôi được " Từ đó ông Tổng thống quên cả chuyện cấm trai gái tắm chung, cũng như chuyện cấm trưng bày tượng bán thân.
Với một quan niệm luân lý khắt khe và quá cổ như vậy lại có những phản ứng bất thường nên ông Diệm dễ dàng bị bà Nhu thuyết phục. Đây là một pha thuyết phục ông của bà Nhu do sĩ quan hầu cận kể lại (khi vào phòng Tổng thống trình bày việc gì thì luôn luôn phải có sự hiện diện của một sĩ quan hầu cận hay tuỳ viên).
Bà Nhu thuyết phục ông Diệm để ông chấp nhận Luật bảo vệ luân lý, đại cương như sau: Luân lý Việt Nam hiện nay đang suy đồi. Trẻ con thì hư hỏng, người lớn thì bài bạc sa đoạ… Một người như Tổng thống Diệm nghe nói như vậy thì tất nhiên là phải lo lắng cảm phục người em dâu nổi tiếng là văn minh tân thời nhưng lại tỏ ra thoát xác, biết nghĩ tới con đường thánh thiện. Bà Nhu biết điểm yếu của ông anh chồng… nên chỉ đưa ra đoạn mở đầu như vậy nhằm gây xúc động. Sau đó bà mới trình bày những biện pháp giải quyết.
Những biện pháp ấy đều lý tưởng cả. ông Diệm cho là em dâu có thành ý muốn xây dựng đất nước. Bà nhảy đầm thì rất tài hoa, mà nay thì lại đề nghị cấm nhảy thì ai mà không cho là hy sinh đáng quý. Ông Tổng thống đã tin tưởng như thế rồi thì đề nghị nào mà ông không chấp thuận.
Khi ông Tổng thống để hết mình ủng hộ dự Luật ấy thì còn ai dám chống đối. Một vài dân biểu lên tiếng công kích một số sai lầm và sự không thực tế của dự Luật này. Tuy nhiên sự công kích chỉ là dàn cảnh để tạo ra dư luận có vẻ dân chủ thế thôi.
Trong những buổi họp của Ban chấp hành Phụ nữ Liên đới bà Nhu trở thành một chiến sĩ tiên phong trong cuộc giải phóng phụ nữ. Còn thực tế có giải phóng không thì 9 năm qua đã trả lời đầy đủ. Tuy nhiên phải công minh mà nhận rằng bà Nhu đã làm được nhiều điều, dù làm theo chủ quan của bà. Chẳng hạn như vấn đề cấm triệt để thiếu niên không được uống rượu, hút thuốc lá, cấm hẳn bài bạc (trừ món tổ tôm được toà án cho là không thuộc loại đổ bác sát phạt). Bà Nhu có một ý kiến như thế này về giá trị thân xác đàn bà. Tưởng cũng nên ghi lại đây về việc cấm thi sắc đẹp của đàn bà, bà cho rằng “Thời Trung cổ người Tây phương trưng bày nô lệ tại phố cho bọn nô lệ xếp từng hàng cho nguời ta đến xem xét đánh giá như mua bán súc vật, con này mông to, con kia ngực nở con nọ giống tốt…Với những giá bao nhiêu. Thi sắc đẹp tuyển lựa hoa khôi của phương Tây xuất phát khởi thuỷ từ các cuộc mua bán nô lệ thời Trung cổ. Ở xứ ta không chấp nhận được cái trò đó".
Bà Nhu nói riêng với bà Lương Khải Minh: “Ăn mặc hở hang, để cả ngực cả đùi cho đàn ông họ nhìn ngắm rồi họ đánh giá, họ cho điểm làm như vậy ô nhục lắm, hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ ngang với nô lệ thời Trung cổ. Phụ nữ Á đông không thể chấp nhận được như vậy…". Cho nên ông Diệm cũng như ông Nhu và những người hiểu biết không đến nỗi nông cạn lắm đều cho là bà Nhu có thiện chí và sáng suốt. Do đó mới có vụ cấm luôn các cuộc thi sắc đẹp, tuyển lựa hoa khôi và kể cả thi lực sĩ khỏe đẹp. Bà Nhu luôn nhắc nhở "đàn ông họ ích kỷ lắm… Phụ nữ không thể là trò chơi cho họ mua vui được. Mãi dâm và gái nhảy là những việc ô nhục đồi bại nhất cho những người phụ nữ".
Giá như bà Nhu không phải là em dâu của Tổng thống đương nhiệm thì thiện chí và những cố gắng giải phóng của bà Nhu thật đáng ca ngợi.
Nhưng ở đây lại khác. Trong khi bà cố gắng hoàn tất dự Luật Gia đình cũng như dự Luật Bảo vệ luân lý thì trong gia đình từ thành đến tỉnh và nhất là trong giới thượng lưu đã đồn đại rất nhiều về những cái gọi là “lem nhem bê bối" thuộc đời tư của Bà. Dư luận thì nhiều lắm. Nhưng đâu là bằng cớ? Tuy vậy quần chúng đông đảo vẫn lập luận rằng "nếu không có lửa thì sao có khói". Rồi một số "phu nhân " vây bủa quanh bà xem phần đức hạnh cũng không có gì được bảo đảm cho lắm của bà. Quan trọng là chỗ đứng. Chỗ đứng của bà Nhu không thuận lợi cho mọi đề xướng cải cách của bà khi những cải cách đó hoặc còn quá sớm hoặc không phù hợp với tập quán cổ truyền. Dư luận thêu dệt rất nhiều về cuộc tình của bà với ông tướng Đôn… lại có dư luận cho rằng Nolting bị bà Nhu mê hoặc trong lưới tình dục. Tục ngữ có câu"ghét ai ghét cả đường đi lối về". Trong 9 năm qua với cử chỉ và ngôn ngữ của mình, bà Nhu đã làm cho nhiều giới và nhiều người "mếch lòng" thực. Cái dễ ghét rất giản dị vì tâm lý và truyền thống không ưa đàn bà múa may hay lợi dụng chức vị của chồng mà "lớn lối" - chỉ nguyên một chuyện sử dụng ngôn ngữ đao to búa lớn của bà đã làm cho người ta dễ ghét. Trong cái dễ ghét đó tất nhiên là do sự ghen tức nhau. Các ông thường bị ảnh hưởng của các bà. Các bà thấy bà Nhu như vậy nếu không có cơ hội được gần bà thì trở nên ghen ghét nói xấu. Ai nói xấu thì không đáng kể chứ đàn bà nói xấu nhau thì quả là một nghệ thuật qua khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Nhiều câu chuyện "mê ly gay cấn " chung quanh con người bà Nhu hầu hết do một số phu nhân dựng đứng lên…rồi lan rộng ra dư luận và dư luận lâu ngày trở nên như là thực.
Tổng thống Diệm không được nghe những dư luận đó và chỉ nhận được những lời công kích bà Nhu qua việc làm của bà. Một số báo Mỹ tiết lộ bà Nhu có một gia tài đồ sộ tại Braxin (đồn điền café) và Thuỵ Sĩ. Tổng thống Diệm không tin vì ông vốn có thành kiến với báo chí Mỹ. Còn sự công kích Luật Gia đình cũng như Luật Bảo vệ luân lý ông đều cho là ganh tị phá hoại và do một số người có vợ nhỏ "dông dài ham chơi" nên cố ý phá bà Nhu.
Tóm lại, bà Nhu hiểu rõ tâm tính và cuộc đời của ông anh chồng. Bà lợi dụng ngay những đặc điểm đó để tạo ảnh hưởng với ông Diệm. Khi đã tạo được ảnh hưởng với ông Diệm…thì hàng bộ trưởng, tướng tá đối với bà chả có nghĩa lý gì cả. Tuy vậy, vì biết rõ tính ông anh, bà Nhu không bao giờ công khai bày tỏ một ý kiến nào về hoạt động của Chính phủ cũng như các nhân vật văn võ. Trước mặt ông Diệm, bà luôn tỏ ra rằng mình chỉ biết lo công việc của phụ nữ. Khi nào có đại biến như vụ tướng Hinh, vụ Bình Xuyên và cuộc đảo chính hụt 2-2-1960 bà Nhu mới nhảy vào vòng.