Có thể có những bàn tay khác của những cô gái khác đẹp hơn, nhưng cô gái đang rót rượu ở bàn chúng tôi có bàn tay thật đẹp. Chai Bordeaux, đời 1993, trong tay cô gái được nâng niu như một vật quý, chốc chốc lại truyền ra một dòng rượu vang đỏ thắm vào sáu chiếc ly hình chữ Y đặt theo vòng tròn trên bàn. Bàn tay cô gái thon nhỏ, những ngón tay búp măng trắng muốt, móng tay được cắt theo hình mũi viết, để trần. Tôi cầm lấy bàn tay cô gái khen: “Bàn tay của em đẹp quá! Uống năm mươi phần trăm với bạn anh đi! Người đã mười lăm năm nay mới gặp lại.” Cô gái cười, ân cần cầm lấy ly rượu của người bạn đưa, dùng đôi bàn tay đẹp nâng ngang ngực, nói: “Em xin cảm ơn! Chúc mừng cuộc hội ngộ của các anh!” Cô từ tốn uống nửa ly rượu màu hồng với gương mặt hồn nhiên, rồi trao ly cho bạn tôi. Một cuộc gặp gỡ sáu con người, sáu gương mặt, xanh, tím, vàng, trắng, hồng, đỏ và rượu màu huyết dụ. Một nhà thơ ngồi đối diện với tôi, có gương mặt gầy nhom, tím tái, bất chợt đọc lên một câu thơ của ai đó với giọng đọc nhỏ nhẹ đã khàn khàn hơi rượu: “Hồ trường! Hồ trường! Ta biết rót về đâu…”(1) “Thơ hay! Thưởng một ly!”. Một doanh nhân yêu thơ nói. “Chưa hay bằng những câu này …”, người đi chung với bạn tôi, nghe đâu phụ trách ở một phòng kinh tế nào đó, nói, “Thấy em phục vụ ân cần / Về ở với bố, bố mần bố nuôi / thấy em phục vụ ngược xuôi / Về ở với bố, bố nuôi bố… mần!”. Cả bọn cười xòa, cụng ly uống cạn. Tôi thấy cô gái không cười, tiếp tục rót rượu vào ly với đôi bàn tay đẹp hơi run. Gương mặt đỏ chói, trong hơi rượu đã ngà ngà, người bạn nói: “Hai chai nữa đi, cô bé! Đem thêm mồi! một cái lẫu cá dứa!” Thức ăn trên bàn vẫn còn ê hề, nhưng cái lẫu cá dứa, một lát được mang lên. Người bạn ghé sát tai người phụ trách phòng kinh tế, thì thầm điều gì đó, anh ta “dạ vâng, dạ vâng” rồi lăng xăng chạy ra ngoài, sau đó trở lại bàn, ngồi điềm nhiên uống rượu. Khi bữa tiệc sắp tàn, ai nấy đã phừng phừng men rượu, người bạn đứng lên, giọng chậm rãi, trịnh trọng tuyên bố: “Để cuộc vui được mỹ mãn, chúng ta chơi tiếp tăng hai, theo hình thức dân chủ. Các bạn có đồng ý không?” “Nhất trí thôi, sếp!”. Anh tài xế có gương mặt trắng trẻo nói. M ột chiếc nón lá được cô gái có bàn tay đẹp cầm, bên trong đựng sáu mẩu giấy xếp tư có ghi sáu con số. Năm cô gái mặc áo dài màu thiên thanh uyển chuyển bước ra đứng vòng quanh bàn, trên ngực mỗi cô có đính một con số màu đỏ. Tôi nhìn lại, trên ngực của cô gái có bàn tay đẹp cũng có đính một con số màu đỏ, nhưng cô không mặc áo dài, cô mặc bộ đồng phục của nhà hàng “Nắng Đêm”, áo pull trắng, váy xanh, kiểu học trò. “Ai bốc trúng con số nào, sẽ được người đẹp mang con số đó phục vụ đến nơi đến chốn. Nào, mời các bạn!”, người bạn nói. Tôi là người bốc thăm sau cùng, khi mở mẩu giấy ra, thấy có ghi con số trùng khớp với con số của cô gái có bàn tay đẹp. “Tôi nói trước để cho cô yên tâm. Tôi bị bệnh tiểu đường, phải kiêng chuyện ấy, nên cô đừng lo. Vì không muốn bạn bè mất vui, nên tôi phải…”. “Anh chê em phải không? Anh được trả tiền mà! Anh không biết chứ giá ở đây đắt lắm!” “Là bao nhiêu?” “Hai trăm đô mỗi người. Nhưng nếu không make love(2), em chỉ được hưởng năm mươi đô thôi… Yêu em đi anh!” “Chúng ta có cả một đêm dài. Cô cứ yên trí về cái khoản đó. Cô là người trẻ và đẹp nhất trong sáu cô. Nhưng tôi chỉ thích ngắm bàn tay cô thôi!” “Anh thật là một người đặc biệt. Em thấy chúng cũng bình thường. Hay là để em mát-xa cho anh? Em xoa bóp nhuyễn lắm!” “Không! Tôi thích nằm nghe cô kể chuyện hơn. Hãy kể tôi nghe về cuộc đời cô đi! Ví dụ, sao cô sa chân vào chỗ này…” “Cũng đơn giản thôi. Cuộc đời em buồn lắm, có gì đáng kể đâu! Mẹ em là con lai Hàn Quốc. Nghe nói, ngày đất nước hoàn toàn giải phóng được một năm, thì người ta đưa bà ngoại và mẹ lên vùng kinh tế mới ở tận trên núi. Suốt ngày vào núi luợm củi bó lại mang về, qua ngày hôm sau bà ngọai mang ra chợ bán để có tiền sống, chẳng có được học hành gì hết. Rồi lớn lên mẹ có chồng, lại tiếp tục đi làm thuê khắp nơi. Tội nghiệp cho hoàn cảnh của mẹ vì không được đi học mà cả đời đói nghèo cứ đeo bám! Nhà em, không có ông ngoại!” “Nếu buồn, em kể ra cho vơi đi! Đêm dài quá! Tôi lại chưa muốn ngủ”. “Anh làm nghề gì? Trông anh giống như một ông thầy tu!” “Thầy tu đâu có vào chốn này. Tôi chỉ là một nông dân.” “Em chưa tin. Tướng anh cũng nho nhã, làm sao cầm cuốc nổi. Gia đình em cũng là một gia đình nông dân. Bây giờ vẫn còn sống cơ cực, phải đi làm mướn mỗi ngày”. “Đây này! Cô thấy bàn tay tôi có nhiều nốt chai sạn chưa. Nó thô ráp, đối nghịch với bàn tay mềm mại, tuyệt đẹp của cô.” “Vâng! Thật tội nghiệp cho bàn tay nông dân của anh. Nhưng em biết, có những ông nông dân vung tiền như trấu. Họ cho gái không tiếc tiền.” “Thôi đừng nói chuyện tiền nong ở đây nữa. Đêm dài, lắm mộng”. “Anh nói gì, em không hiểu.” “Đêm dài, lắm mộng. Để cho tôi ôm bàn tay của cô ngủ, được không, cô bé. Đêm còn dài quá, tôi bắt đầu thấy sợ”. “Em còn nhỏ, không sợ ma thì thôi. Còn anh đã lớn, lại sợ. Nhưng ở đây, với lớp lớp bảo vệ bên ngoài, làm gì có ma mà anh sợ.” “Tôi không sợ ma mà sợ con người. Sợ cả tôi…” “Anh nói gì, em không hiểu!” “Cô còn bé, không hiểu được đâu! Khi nào lớn, cô sẽ hiểu…” “Anh thật sự không cần chuyện ấy à?” “Không! Thôi ngủ đi, cô gái có bàn tay đẹp!” “Chúc anh ngủ ngon, ông thầy tu của em!” Thơ Nguyễn Bá Trác Làm tình