Sao lâu nay anh đến nhà buổi tối không gặp Thịnh? Buổi sáng chủ nhật căn nhà vắng vẻ, Nghiêm ngồi trên ghế, khuôn mặt ngẩng cao, giọng nói ấm và thẳng, màu sơ mi trắng… luôn luôn là màu áo trắng. Thịnh nhỏ giọng: - Buổi tối Thịnh bận: Nghiêm trầm giọng: - Anh đoán Thịnh lại đi làm thêm ở đâu đó để kiếm tiền phụ gia đình phải không? Anh vẫn thắc mắc, sao những gánh nặng lại chỉ sang qua cho Thịnh mà không cho ai khác. Thịnh lắc đầu: - Đáng lẽ anh đừng nói với Thịnh như vậy. Những gì Thịnh làm, là bởi vì nó ở trong khả năng của Thịnh, thế thôi. Nghiêm cúi mặt: - Đôi khi nhìn Thịnh, anh thấy thẹn cho chính mình. Chưa bao giờ anh nói với Thịnh về thân thế anh phải không? Ba mẹ anh ly thân, anh sống với ông cụ. Thế mà chưa bao giờ, suốt từ tuổi nhỏ đến ngày nay, anh làm được một việc gì gọi là góp phần vào cuộc sống của hai cha con. Anh chỉ biết sống an nhiên trong sự lo lắng của người khác. Thịnh thản nhiên: - Ngày trước chính Thịnh cũng sống an nhiên như anh. Hoàn cảnh biến đổi mình. Nếu anh tự trách anh như vậy thì có lẽ Thịnh phải tự trách Thịnh sao ngày trước không biết lo toan. Nghiêm cười nhẹ: - Mới một thời gian ngắn mà Thịnh trưởng thành hẳn ra, anh muốn nói trong ý nghĩ Thịnh. Thịnh cười buồn: - Đời sống thổi phồng mình lên rồi buộc mình phải thích ứng. Nghiêm nhịp nhẹ nhè những ngón tay dài trên mặt bàn. Anh bỗng nhìn thẳng vào mắt Thịnh: - Anh có cảm tưởng như Thịnh muốn tránh mặt anh. Thịnh nhìn xa về một hướng khác. Anh Nghiêm, chính Thịnh cần gặp anh hơn ai hết! Nhưng Thịnh không dám. Anh tha thứ cho Thịnh đã làm buồn lòng anh, nhưng anh hãy thông cảm, đó là cách tự vệ duy nhất của Thịnh… - Sao anh hỏi Thịnh không nói? - Vì Thịnh đang tự hỏi sao anh lại hỏi Thịnh câu đó. - Vậy không phải sự thật sao? Thịnh nghiêm giọng: - Tại sao Thịnh phải tránh anh? Thịnh biết mình lỡ lời và làm Nghiêm ngượng. Nhưng Nghiêm vẫn bình thản: - Thịnh cứ bình tĩnh. Anh nghĩ như vậy, nếu không phải sự thật thì thôi, sao lại giận anh. Thịnh buồn buồn: - Thịnh không giận anh đâu. Không bao giờ Thịnh giận anh. Câu nói ẩn chứa tất cả tâm sự nhưng làm sao Nghiêm hiểu được… Thịnh tìm cách chuyển đề tài: - Hình như lúc sau này chị Thanh hơi giận anh. Nghiêm hững hờ: - Thế à. Thịnh lúng túng: - Thịnh… Thịnh nghĩ vậy. Anh thấy vậy không? Nghiêm lắc đầu: - Anh cũng không rõ. Thanh có quyền giận nếu Thanh muốn. Có điều anh nhận thấy ở anh là anh không làm gì động chạm đến Thanh để Thanh buồn cả. Im lặng. Một lúc lâu thật lâu, Nghiêm nói: - Sao Thịnh lúc nào cũng nghĩ đến người khác, cho người khác? - Bởi vì Thịnh đâu có gì để nghĩ. - Thịnh lầm! Theo anh, chính Thịnh có nhiều điều để nghĩ mà Thịnh không nhớ tới. Chị Thanh về đến. Thấy Nghiêm và Thịnh, chị hơi chau mày rồi tươi ngay lại nét mặt. - Anh Nghiêm đến lâu chưa? Nghiêm gật đầu: - Khá lâu. Chị Thanh chanh chua: - Tâm sự quá trời hả Thịnh? Thịnh đỏ mặt nhìn Nghiêm cầu cứu. Nghiêm hắng giọng: - Anh nói chuyện với Thịnh, Thanh đừng nói như vậy. Chị Thanh hơi mím môi: - Vào làm cho tao ly nước đi, mệt quá! Thịnh bước ra nhà sau, cô bé cảm tưởng ánh mắt của Nghiêm đang đuổi theo mình với một chút thương hại… Nguyệt nhìn chồng sách học của Thịnh ngồi xuống: - Năm nay Thịnh chưa thi phải không? - Chưa chị ạ, sang năm. Nguyệt cười: - Tôi thấy Thịnh chăm lắm, chắc sang năm thế nào cũng đậu. Thịnh đùa: - Vậy mà thấy bói nói số em năm ba keo mới đậu. Nguyệt lắc đầu: - Hơi nào mà tin. Bói ra ma quét nhà ra rác mà. Nguyệt rất dễ thương và tế nhị trong lối đối xử với Thịnh. Những buổi tối ở cạnh bà Tâm, mẹ Nguyệt, Thịnh mang bài ra học. Thịnh ngủ trên chiếc giường con cạnh giường bà Tâm. Bà lại có thói quen để đèn sáng lúc ngủ nên Thịnh dễ dàng học bài. Trong nhà ít người, lúc nào cũng lặng lẽ, buổi tối càng lặng lẽ hơn. Công việc lại nhàn hạ, hầu như chỉ việc… ở cùng phòng với bà Tâm. Thỉnh thoảng bà sai bảo một vài công việc lặt vặt vậy thôi. Những buổi tối ở đây, Thịnh ưa thả hồn vào những suy tưởng không thật để rồi mỗi sáng đạp xe về nhà cho kịp giờ đi học. Thịnh kiểm điểm lại rồi tự trách mình mơ mộng. Thịnh được biết Nguyệt năm nay lên năm thứ hai luật. Thịnh thích Nguyệt vì Nguyệt xinh, con nhà giàu lại học giỏi mà không kiêu căng hợm mình. Nguyệt đối xử với Thịnh thật dễ chịu và nhã nhặn, như một người bạn vậy. Thịnh nhớ đến chị Thanh mà bạn bè Thịnh chê là kiêu căng. Một lần Thịnh nói với Nguyệt về cái giàu và sự kiêu căng. Nguyệt đã giải thích: - Giàu có đâu phải là căn bản của đời sống. Nếu mình cứ ỷ lại nó mà quên đi nhân cách thì mình đâu còn là con người nữa. Nguyệt điềm đạm và đáng mến. Thịnh không bao giờ hỏi về gia đình Nguyệt và Nguyệt cũng không nói gì. Chỉ có những gì Thịnh thấy trước mắt thì biết có thế thôi. Một lần Nguyệt hỏi Thịnh học ở đâu. Thịnh đáp tên trường. Nguyệt cười cười. - Học ở đó có biết Thanh lớp Mười Hai không? Nghe nói là hoa hậu? Thịnh muốn nói Thanh là chị em nhưng Thịnh không dám, Thịnh sợ làm như thế tình cờ chị Thanh biết chị sẽ buồn, vì chị Thanh không bao giờ muốn gia đình có một người đi giúp việc kiểu như Thịnh. Thịnh nói trớ đi. - Dạ biết. Mà sao chị Nguyệt biết? - Nghe đứa bạn nói cô nhỏ đó đẹp mà kiêu. Thịnh lặng người không ngờ tiếng tăm của chị Thanh bay xa đến như vậy. Nhưng Thịnh chắc mình sẽ không dám nói lại với chị Thanh vì chị hẳn sẽ không tin chút nào. Thịnh muốn binh chị Thanh, nhưng thấy mình không thể vịn vào tư thế nào để bênh vực nên thôi.