Trưa nay bất ngờ Vĩnh Tuyên đến thăm tôi, đi kèm là một người đàn ông rất lạ. Thoạt nhìn dáng dấp tôi nghĩ ông ta thuộc dân nghệ sĩ hết mình và tôi lập tức thấy có thể “kết” ông ấy vào thành phần bè bạn. Tôi cười thoải mái: - Chào chú. Ông ấy cũng có vẻ cảm tình với tôi: - Không dám, chào nhà đạo diễn trẻ. “Ôi” tôi thốt lên một tiếng tròn mắt nhìn ông. Vĩnh Tuyên vội giới thiệu: - Đây là chú Duy An, nhà biên kịch... Thôi, Phượng cứ biết thế thôi, ông ấy nổi tiếng hay không thì sau này Phượng sẽ biết, bây giờ giới thiệu thì sớm lắm. Và nói thêm nhé, chú Duy An là người đặc biệt được tự chọn đạo diễn cho kịch bản của mình đấy. Thật là thú vị, tôi nhìn ông cười làm quen, nụ cười của ông cũng thật cởi mở. Vĩnh Tuyên nhìn tôi: - Hôm nay giới thiệu Phượng với chú An để hai người biết nhau, sau đó chú An sẽ trao đổi với Phượng về kịch bản, chú An sẽ hợp tác với Phượng đấy. Vĩnh Tuyên nói gì thế, thật là kinh khủng. Từ trong tiềm thức tôi loé lên khái niệm “tôi sẽ có việc làm”, nhưng chả lẽ cái điều bất ngờ bấy lâu tôi tìm kiếm, lại diễn ra đơn giản. Vĩnh Tuyên giúp tôi tìm việc làm một cách nhẹ nhàng vậy à? Thật không thể tưởng tượng nổi. Tôi ngồi yên, mắt tròn xoe nhìn hết người này sang người kia. Có lẽ đã được nghe giới thiệu trước về tôi, nên chú Duy An tỉnh bơ: - Thế này nhé, hôm nay tôi sẽ trao Phượng kịch bản phân cảnh, cứ nghiên cứu thoải mái, thời gian bao lâu cũng được. Tôi mừng muốn hét lên, nhưng cứ ngồi im. Đầu óc cứ loạn xạ bao nhiêu câu hỏi, nhưng không biết phải hỏi thế nào. Mọi việc đều quá bất ngờ và mới mẻ đối với tôi. Như hiểu lầm ý tôi, chú Duy An khoa tay cười dễ dãi: - Tạm thời Phượng chỉ cần biết bao nhiêu đây thôi. Cứ dồn tâm huyết vào phim đầu tay của mình đi, còn mấy thứ khác từ từ Phượng sẽ hiểu sau, không có muộn đâu. Tôi thốt lên: - Nhưng sao chú dám giao kịch bản cho con vậy, từ đó giờ con chưa đạo diễn phim nào hết. - Ấy, nhưng mà tôi tin vào khả năng của cô, mình phải biết tìm tòi và phát triển những tài năng trẻ chớ. Ôi cảm động quá đi mất! Tôi chớp mắt: - Con chẳng biết nói làm sao để cảm ơn chú nữa. Chú Duy An chợt cười lớn: - Phượng đừng nghĩ vậy, biết đâu sau này tôi lại cám ơn cô đấy và sẽ có nhiều người khác cảm ơn cô nữa. Sẽ có người khác tìm tôi nữa à? Thôi khỏi, chỉ cần bao nhiêu đây cũng đủ làm tôi chết ngộp vì sung sướng rồi, chả cần phải thêm ai nữa. Trời ơi thế là tôi sẽ được làm đạo diễn một bộ phim hẳn hoi, Trường Duy sẽ ngạc nhiên kinh khủng cho coi. Khi họ về rồi, tôi chạy vào phòng, đọc kịch bản ngấu nghiến, rồi tôi hình dung từng cảnh cho từng chi tiết trong truyện... Chiều xuống lúc nào mà tôi cũng không hay, đến khi Trường Duy đến cạnh, nhìn tôi cười cười: - Em đọc thần chú đó hả Phượng? Tôi quay lại, nhào đến ôm anh, ríu rít: - Trời ơi anh có biết chuyện gì xảy ra với em không, anh không tưởng tượng nổi đâu nhé. Có người cho em làm đạo diễn phim của họ rồi đấy, đây này, kịch bản hẳn hoi đây này, anh có tưởng tượng nổi không, có thích không, trời ơi, sung sướng chết được - Tôi buông Trường Duy ra, nhìn mặt anh - Sao anh không nói gì hết vậy, bộ anh không tin hả, bộ anh không thích như vậy hả, vậy mà em cứ tưởng... - Tất nhiên anh mừng lắm chớ, mừng hơn cả em nữa. Vì có việc rồi em sẽ vui không còn cắn xé anh nữa. - Anh nói thật chứ, anh vui thật chứ? - Vui như điên. - Sao anh không cười vậy? Trường Duy nheo mắt: - Khi không có em, anh sẽ ngửa mặt lên trời cười ba tiếng. - Chi vậy? - Để cảm ơn thượng đế đã giải phóng anh khỏi những cơn giận bất thường của em. - Em nguy hiểm đến vậy đó hả? Trường Duy gật đầu tỉnh bơ, dễ ghét ghê. Tôi mơ màng: - Anh biết không, em cảm giác có một người làm cho mình hồi sinh ấy, nếu không có chú Duy An thì em mãi mãi sống trong bóng tối. Trường Duy nói khẽ: - Sao em phủ nhận mình đến như vậy, em phải thấy rằng tự em có khả năng chứ. Nếu ông ấy không thấy được khả năng của em lúc còn đi học, thì ông ấy sẽ không dám giao kịch bản cho em. Tôi chống cằm nhìn anh: - Sao anh nghĩ xa vậy? - Anh muốn trả em về đúng vị trí của mình, có như vậy em mới cư xử đúng mực với người ta. Nghĩa là em phải tự tin một chút. Hiểu không? - Hiểu sơ sơ. Nói thế nhưng tôi chẳng hiểu gì cả, bây giờ tôi hãy còn bị chấn động vì sự thay đổi đột ngột. Hình như tôi đang lơ lửng trên mây, có muốn nhảy xuống đất cũng không được. Mấy ngày nay tôi chúi mũi vào kịch bản, chẳng còn thiết đến thứ gì trên đời nữa. Nhưng có một thứ làm tôi không cách nào quên được, đó là chuyện bếp núc. Trời sao mà ngày tôi càng ghét nó đến thế. Không có gì khổ sở bằng ngồi gọt khoai mà đầu óc cứ nghĩ đến chuyện khác, thậm chí phải nghe và trò chuyện với bà mẹ chồng thích nói của tôi. Đến giờ tôi mới nhận ra bà ấy nói nhiều quá và rề rà đủ thứ chuyện, trong khi tôi chỉ muốn nấu nướng thật nhanh để chui vào phòng của mình. Khổ ơi là khổ. Không hiểu sao bà ấy vô tư đến thế, chả bao giờ bà chịu mở miệng bảo “Thôi con lo chuyện của con đi, để đó cho mẹ”. Hình như đối với bà, chẳng có gì quan trọng hơn là những bữa ăn cho đám con yêu quý, còn mọi thứ khác ra sao mặc kệ và bà xem chuyện cô con dâu phải phụ bếp núc là hết sức bình thường. Quỉ bắt cái quan niệm quỉ quái ấy đi, tôi không chịu nổi nó. Thế nhưng tôi cũng không dám phản đối, chỉ biết ấm ức làm cái điều mình không thích. Vậy mà đòi Trường Duy mua nhà riêng cho hai đứa thì anh không chịu. Bởi vì anh có quan tâm gì đến nỗi khổ của tôi đâu, anh đâu có biết tôi bực bội thế nào. Bây giờ ghét luôn cả chồng nữa, ghét tất cả mọi người trong nhà này, ai cũng xúm lại làm khổ tôi cả. Suốt cả trưa nay tôi không thèm nói chuyện với Trường Duy, anh hỏi mấy tôi cũng im lặng không thèm trả lời, đến tối cũng vậy (và cả suốt đời cũng được luôn). Trường Duy hết kiên nhẫn nổi, anh cũng bắt đầu im lặng. Thế là một cuộc chiến tranh thầm lặng nhưng ác liệt hơn cả chiến tranh vũ trụ và hai bên tham chiến đều thấy cần ngồi vào bàn để ký kết một hiệp ước, nhưng chẳng bên nào chịu đề nghị trước. Có lẽ chịu không nổi nữa, Trường Duy bắt đầu gửi tín hiệu hoà bình. Tối nay anh thay đồ rồi bảo tôi: - Em đi chơi với anh một lát được không? - Đi đâu? - Đi chơi, tìm một quán nào vắng để nói chuyện. - Nói chuyện gì cơ? - Tuỳ em, nhưng anh thấy hai đứa nên ra ngoài. Hiểu rồi, anh không dám nói hcuyện ở nhà, sợ tôi la lớn thì mẹ anh biết chúng tôi cãi cọ, làm như tôi tham gây lắm vậy. Hai chúng tôi loay hoay đi tìm một quán vắng. Cuối cùng cũng tìm được một nơi lý tưởng để tiến hành cuộc đàm phán, đó là một khu vực nằm ở ngoại ô, cảnh hoàn toàn thiên nhiên và đặc biệt là nhạc chỉ mở vừa đủ cho khách nghe (chứ không phải hàng xóm nghe). Tự nhiên tôi thấy có cảm tình với ông chủ quán, nhạc thế mới là nhạc chứ. Tôi không hiểu nổi tại sao quán cà phê bây giờ cứ khoái vặn hết volume để tra tấn cái đầu của khách, thù oán gì nhau mà đem âm nhạc ra làm khổ người ta thế? Chúng tôi chọn một bàn khuất sau chậu kiểng, tiếng nhạc vọng lại thất dịu dàng, làm lòng thấy thanh thản và chẳng ai còn dũng khí để gây gổ nữa. Trường Duy bắt đầu lên tiếng: - Bây giờ em cứ nói hết những gì em tức đi, anh sẵn sàng nghe, em có nói đến khuya cũng được. Thấy tôi im lặng, Trường Duy nhắc lại: - Em cứ nói đi, anh chờ nghe này, em giận gì anh cứ nói hết ra đi. Từ từ đã chứ, tôi có phải là máy móc đâu mà chỉ cần bấm nút một cái là âm thanh cứ tuôn ra. Và kỳ lạ thật, bây giờ tôi cũng không nhớ nổi mình tức cái gì nữa. Tất nhiên là những chuyện nhỏ nhặt trong nhà làm tôi bực mình, nhưng bây giờ tôi thấy nó xa xôi quá và trở thành không đáng kể. Tôi ngồi im, cố sắp xếp ý nghĩ cho mạch lạc, nhưng cái đầu cứ rối tung lên. Tôi thở dài im lặng. Trường Duy nhìn tôi cười cười im lặng: - Hay bây giờ em thấy chuyện không có gì quan trọng và em nghĩ lại rồi. - Không phải, không phải vậy. - Vậy thì là gì? -... Trường Duy gợi ý: - Em lại bực mình chuyện nấu nướng chứ gì, bởi vì bây giờ em thích viết kịch bản thôi. - Đúng lắm, đúng lắm. - Anh đã nói với em rất nhiều lần, gần như là năn nỉ em, em cứ làm những gì mình thích đi, có ai bắt em phải xuống bếp đâu. Trước đây không có em mẹ vẫn nấu được vậy. - Nhưng bây giờ thì khác... Anh cũng hiểu rồi mà, đừng bắt em nói ra. - Có nghĩa là, nếu muốn em vui vẻ hoàn toàn thì hai đứa nên sống riêng với nhau. - Chứ còn gì nữa, lẽ ra chuyện đó phải xảy ra lâu lắm rồi. Trường Duy lẩm bẩm: - Anh biết cuối cùng rồi cũng giải quyết như vậy. Tôi hớn hở ngã vào lòng anh: - Vậy là anh chịu rồi hả? Ôi anh thật là dễ thương, chưa bao giờ em thấy anh dễ thương như hôm nay cả. Em nói thật đó. Trường Duy ngã ra ghế, giọng mệt mỏi: - Có lẽ cũng không cần im lặng làm gì, mấy tháng nay anh chịu đựng quá sức tính khí bất thường của em rồi. Ban đầu anh cố giải thích với em, vạch cho em thấy em vô lý thế nào, nhưng hình như em chỉ thích làm theo những điều em thích, suy nghĩ của em cục bộ quá. - Anh nói gì vậy? - Càng ngày anh càng nhận ra rằng cái tôi của em thật vững chắc. Điều gì em đã muốn dù là vô lý, thì mọi cách em phải đòi cho được. Sao em không mềm mại nữ tính hơn một chút hả Phượng? Tôi ngồi im, sao hôm nay Trường Duy lạ quá, chuyện có gì đâu mà anh ấy có vẻ chán chường thế. Hôm nay lại moi cá tính của tôi ra mà phê phán nữa á. Chồng gì như vậy đó. Trường Duy vẫn đăm đăm nhìn vào một góc, nét mặt thật là khó khăn: - Ngay từ lần đầu gặp em, anh đã biết đằng sau vẻ thuỳ mị dịu dàng của em là một cá tính cứng rắn, gần như khắc nghiệt đối với mọi người. Em chỉ tôn sùng ý thích của em thôi, còn mọi thứ khác đều là bất kể - Anh ngừng lại thở dài - Nếu em không chịu thay đổi, anh sợ mình khó mà giữ hạnh phúc nổi. - Cái gì? Chuyện có chút xíu vậy mà anh làm gì quan trọng thế. Trường Duy quay phắt lại nhìn tôi, đôi mắt loé lên một tia lửa: - Đúng, những chuyện kéo dài này thật nhỏ nhặt, nhưng qua những chuyện nhỏ đó anh đã thấy được tính bất phục tùng của em, thật bàng hoàng khi anh phát hiện ra điều đó. -... - Bởi vì lâu nay anh cứ nghĩ mình người vợ có tâm hồn và ngoan hiền, biết phục tùng. Tôi lạc giọng: - Bây giờ anh thấy tất cả đều ngược lại và anh bị sụp đổ phải không? - Tôi rưng rưng nước mắt - Em phải thay đổi làm sao cho vừa ý anh đây? Trường Duy dịu dàng: - Anh đâu có đòi hỏi em phải thay đổi, em hãy cứ là em, có điều em hãy tập chịu khó nhìn lại bản thân khi nghe người khác phê phán, vậy thôi. Tôi nói nhỏ: - Em hiểu rồi, mai mốt em sẽ không làm gì để anh buồn đâu - Và tôi ngồi thẳng lên, háo hức - Thế anh định chừng nào mua nhà? Trường Duy nhìn tôi thật lâu, rồi buông thõng: - Tuần tới.