Ông bà Pierre - Marie CurieVào những đêm đông giá lạnh của những năm giữa thập kỷ 90 đến thế kỷ XIX trên căn phòng áp mái tại khu Quatier Latin ở thủ đô Paris V, có một người con gái miệt mài bên những trang sách đến quên cả rét buốt. Những người ở cùng khu trọ chỉ biết rằng đó là một cô sinh viên đến từ Ba Lan chứ không ai dám đoán trước được rằng người con gái ấy về sau lại trở thành một con người vĩ đại. Đó chính là Marie Curie. Tên thời con gái của Marie Curie là Marie Sklodowska. Bà sinh ngày 7 tháng Mười năm 1867 tại Warsaw, Ba Lan, trong một gia đình nhà giáo nghèo. Trong kí ức tuổi thơ của bà có những hình ảnh đau buồn về cái chết của người em gái và người mẹ trẻ. Với trí thông minh và tính siêng năng, Marie quyết tâm học tập để thực hiện ước mơ trở thành nhà khoa học mặc dù theo quan niệm thời bấy giờ một phụ nữ theo đuổi khoa học là điều không thể chấp nhận được. Cả Marie và chị gái Bryon của bà đều mơ ước được tới Paris học trường Sorbonne. Trong khi hoàn cảnh gia đình không cho phép họ thực hiện ước mơ đó, hai chị em họ đã thỏa thuận với nhau rằng Marie sẽ đi dạy kèm để kiếm tiến cho Bryon đi Paris trước. Sau khi Bryon tốt nghiệp, có việc làm, sẽ chu cấp lại cho Marie ăn học. Chính vì thế mà tới tận năm hai tư tuổi Marie mới có cơ hội bước chân vào cổng trường Sorbonne. Được học tập tại một trường đại học danh tiếng của một đất nước sản sinh ra những nhà khoa học hàng đầu thế giới là một niềm vui lớn giúp Marie vượt qua mọi khó khăn. Mặc dù khi mới vào trường, tiếng Pháp của Marie chưa được tốt, sau ba năm bà vẫn vượt qua tất cả các kì thi của sinh viên khoa vật lý và khoa toán với kết quả xuất sắc. Sau khi tốt nghiệp, bà dự định học lấy bằng sư phạm rồi trở về Ba Lan làm việc. Nhưng duyên phận giữa bà và Pierre Curie, nhà khoa học chuyên nghiên cứu về tinh thể, đã giữ bà ở lại Paris mãi mãi. Marie và Pierre tổ chức đám cưới vào tháng Bảy năm 1895. Sau khi kết hôn, Marie tiếp tục hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm, và với sự khuyến khích của chồng, bà quyết định theo đuổi học vị tiến sĩ vật lý. Trong lúc Marie đang tìm đề tài nghiên cứu thì một sự kiện xảy ra đã có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp của bà. Lúc bấy giơ Henri Becquerel, nhà khoa học đang miệt mài với những thí nghiệm về tia X- quang, quan sát thấy một hiện tượng đáng chú ý liên quan đến phóng xạ. Trong khi đem chất hỗn hợp urani ra phơi để xem chất phóng xạ này có liên quan gì đến hiện tượng phát quang hay không, Becquerel đã tình cờ phát hiện ra một loại phóng xạ mới có thể xuyên qua lá kim loại và làm đen tấm kẽm chụp ảnh. Ngay hôm sau ông trình bày về phát hiện này tại một cuộc họp của các nhà khoa học. Nhưng, người ta chỉ im lặng nghe theo phép lịch sự chứ không thực sự chú ý đến thông tin ông đưa ra. Marie thì khác. Phát hiện tình cờ của Becquerel đã lập tức thu hút sự quan tâm của bà. Bà bắt tay ngay vào nghiên cứu. Chỉ sau một thời gian ngắn bà đã chứng minh được rằng hiện tượng phóng xạ không phải là kết quả của phản ứng hóa học mà là thuộc tính của nguyên tử. Đi sâu nghiên cứu quặng uranit, gốc chính của urani, bà đo được tính phóng xạ mạnh hơn nhiều so với tính phóng xạ của riêng urani. Marie suy ra rằng, ngoài urani còn có những nguyên tố khác có tính phóng xạ cao. Đánh giá được triển vọng to lớn trong nghiên cứu của Marie, Pierre đã gác lại công việc nghiên cứu tinh thể của mình để giúp Marie thực hiện các thí nghiệm. Họ tiến hành các thí nghiệm trong điều kiện cực kỳ khó khăn và thiếu thốn. Phòng thí nghiệm của họ là một nhà kho tồi tàn, chật hẹp. Vào mùa đông nhiệt độ trong phòng thí nghiệm thường xuống tới sáu độ. Một nhà hóa học đã tả lại phòng thí nghiệm ấy như sau: “Trông nó giống như một cái chuồng ngựa hay một cái hầm chứa khoai tây hơn là một phòng thí nghiệm”. Khó khăn hơn, hai vợ chồng Curie thường phải thực hiện các thí nghiệm vào ban đêm bởi ban ngày họ phải đi dạy để kiếm sống. Cuối cùng những nỗ lực của họ đã được đền đáp xứng đáng. Cuối tháng Sáu năm 1898 họ đã tìm ra một chất có tính phóng xạ cao gấp 300 lần tính phóng xạ của urani. Họ đặt tên cho nguyên tố này là radium. Năm 1903, cùng với Becquerel, Marie và Pierre Curie được trao giải Nobel vật lý cho công lao phát hiện ra phóng xạ tự nhiên. Năm 1911, bà vinh dự được nhận giải Nobel lần thứ hai. Lần này giải Nobel được trao cho những đóng góp của bà trong việc xác định khối lượng nguyên tử của Radium. Marie Curie không dừng lại ở việc phát hiện ra chất phóng xạ, bà còn đi tiên phong trong việc sử dụng chất phóng xạ để điều trị bệnh ung thư. Cùng với Pierre bà đã tiến hành thí nghiệm phóng xạ trên chính cơ thể mình. Nhiều lần họ đắp chất phóng xạ lên cánh tay, chấp nhận những vết bỏng để đi đến kết luận rằng chất phóng xạ có thể tiêu diệt các tế bào trong các khối u ác tính. Phương pháp này đã được áp dụng trên khắp thế giới từ hơn một trăm năm nay. Dù không phải trong trường hợp nào nó cũng có thể giúp bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh nan y và có những trường hợp người bệnh thậm chí phải gánh chịu những tác dụng phụ ngoài mong muốn, song không thể phủ nhận một điều rằng: Cho tới nay nó vẫn là một số ít sự lựa chọn thuộc tầm tay của y học. Và vì vậy, nó làm niềm hy vọng lớn của cả bệnh nhân và bác sĩ trong cuộc chiến đầy cam go với tử thần. Marie Curi không chỉ đóng góp cho nền khoa học thế giới những phát hiện quan trọng, mà còn là người thầy đào tạo nên nhiều nhà khoa học nổi tiếng trong đó có con gái Irène của bà, người đã được trao giải Nobel vì phát hiện ra phóng xạ nhân tạo. Marie Curie từng là viện trưởng của Học viện phóng xạ mang tên bà ở Paris. Với hơn năm trăm nhà nghiên cứu và gần một nghìn bác sĩ, học viện này là cái nôi đào tạo những chuyên gia điều trị ung thư có uy tín và là trung tâm phát triển và ứng dụng phương pháp xạ trị hàng đầu thế giới. Marie Curie đã cống hiến cho khoa học đến hơi thở cuối cùng. Những người gần gũi bà kể rằng trong những ngày tháng cuối đời, bà hầu như kiệt sức, gần như bị mù, và bị chất phóng xạ làm cháy xém các ngón tay. Hai mươi ba năm sau ngày Marie Curie nhận giải thưởng nobel lần thứ hai, bà từ giã cõi đời. Ghi nhận và tôn vĩnh những cống hiến to lớn của bà, người ta đã đặt di hài của bà trong tòa lăng mái vòm nổi tiếng ở thủ đô Paris bên cạnh di hài của chồng bà và di hài của các bậc vĩ nhân của thời đại như nhà văn Victor Hugo, nhà hoạt động chính trị lỗi lạc Jean Jaurès, v.v…