Lại nói, vừa về đến cơ quan thấy bảo Mã Tóc Xoăn đã dắt đám thanh niên đi khao rồi, Tổng giám đốc Chúi gọi điện bắt nó phải về gặp ông ngay để quán triệt tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, nhưng nó nhất định không chịu về và bảo “Sáng mai cháu sẽ gặp chú”. Ông bảo việc gấp không để được đến mai, thế mà nó dám bảo “Gấp thì chú ra Nhà hàng Vạn Tuế gặp cháu” thì có hỗn không cơ chứ. Ông tức điên người chưa biết xử lý ra sao, định bụng lên báo cho lão Tùm Lum, để hắn giải quyết sao với cái thằng “trời đánh thánh vật” này thì mặc hắn. Chẳng ngờ đã thấy “cửa khép, rèm buông” rồi. Chắc là lại tranh thủ dắt con mụ Đành Hanh đi nhà nghỉ nào hú hí rồi. Ông lẩm bẩm “rõ là cái đồ dâm dê!”, rồi quay gót xuống cầu thang, đi về. Trong phòng lão Tùm Lum và mụ Đành Hanh nín thở, toát mồ hôi lo lắng, đến khi nghe thấy tiếng gót giầy lộp cộp xuống cầu thang mới thở phào. Ngay đầu giờ sáng hôm sau, ký xong mấy tập công văn của các phòng trình chưa ký, Chúi đã lên tìm Um, thấy Um đang tiếp một gã trạc năm mươi tuổi, mồm cá ngoão, mắt lươn. Trông cái mặt gian gian này quen lắm không biết đã gặp ở đâu rồi, mà không nhớ ra, thì Um chỉ Chúi và nói với người ấy “Đây là anh Chúi Tổng giám đốc”. Người đó đứng dậy bắt tay, chào Chúi. Khi Chúi vừa ngồi xuống ghế thì Um đưa cho mẩu giấy là tờ lịch bỏ đi của ngày hôm trước, phía sau có mấy chữ “Gửi các anh Um. Chúi, như đã trao đổi với hai anh ban chiều là anh Lê Xuân Nghênh, trên Văn phòng Trung ương sẽ về Tổng nhận công tác, các anh bố trí cho vào thay chỗ cô Đan Hạnh - P.”. Đọc xong mẩu giấy của Cụ Triệu, Chúi mới sực nhớ ra người này đã đến Tổng Công ty rồi. Cái hôm đầu xuân một đồng chí lãnh đạo cao cấp đến thăm và chúc tết Tổng công ty, trời lất phất mưa xuân, người này đã cầm cái ô che cho lãnh đạo đi từ xe vào tiền sảnh. Khi vào hội trường lại ngồi ngay phía sau Tổng bí. Khi tiễn lãnh đạo ra về, trời đã không còn mưa cũng chẳng nắng, nhưng anh ta vẫn giương cái ô lên đi cạnh lãnh đạo. Lúc Tổng bí thư lên xe đi rồi, anh ta cũng lên một cái xe riêng đi theo, chắc là trợ lý hay chuyên viên cao cấp gì trên văn phòng Trung ương đây. Nghĩ vậy nên cái ác cảm với khuôn mặt gian gian của anh ta tan biến đi, thay vào đó là sự cảm tình, nên ông bảo: - Có, hôm qua đồng chí Bộ trưởng đã trao đổi với anh em chúng tôi về trường hợp của anh rồi. Thôi “cấp trên” về đây cùng hợp tác vui vẻ với chúng tôi để xây dựng cơ sở. Người đó cười hề hề và “Cảm ơn hai anh”. Ông Chúi lại hỏi: - À quên, thế quí danh là gì nhỉ? - Dạ, em là Nghênh, Lê Xuân Nghênh ạ. Ông Tùm Lum bảo: - Theo sự phân công thì anh Chúi, Tổng giám đốc phụ trách công tác tổ chức cán bộ. Anh uống nước đi rồi anh Chúi sẽ dẫn đi làm quen với các Phòng, Ban và nhận bàn giao với cô Đan Hạnh. Bây giờ tôi có chút việc bận. Nghe vậy, Nghênh bắt tay cáo biệt ông Chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi theo ông Tổng giám đốc đi ra. Sáng đầu tiên, Nghênh đi khắp các Phòng, Ban trong Tổng công ty để làm quen. Chiều nhận bàn giao của Đan Hạnh. Đan Hạnh bảo: - Anh mới về hãy cứ đến để làm quen dần với công việc, rồi tôi sẽ cho viết biên bản bàn giao chi tiết từng mảng công việc cụ thể. Nghênh hỏi: - Ai làm thư ký cho Trưởng phòng? Nghe vậy mọi người trong phòng đều cười ồ lên, Đan Hạnh bảo: - Cấp phòng lấy đâu ra thư ký riêng, chỉ có các chuyên viên mỗi người theo dõi một mảng công việc thôi. Nghênh nói luôn: - Như vậy không được. Trưởng phòng nhân sự của một Tổng công ty lớn như thế này, điều hành nguồn vật tư chiến lược trong cả nước mà không có thư ký riêng thì xoay sở ra sao để làm cho kịp công việc? Các vị nên nhớ mọi thành bại đều nằm ở yếu tố con người, công tác tổ chức cán bộ quan trọng bậc nhất trong các khâu quan trọng của một đơn vị, cho nên phòng này phải có đặc thù riêng không thể giống như các phòng nghiệp vụ khác được. Phòng ta có bao nhiêu người? - Có 12 người, nay tôi đi nhưng anh lại về thì vẫn vậy. - Cần phải bổ sung thêm, việc này tôi sẽ làm sau. Bây giờ việc cấp bách là chỉ định một thư ký - Hắn nhìn suốt lượt cả 11 người ngồi ở từng bàn trong phòng thì thấy hầu hết đều “khọm” cả, chỉ thấy một cô gái trẻ khoảng ngót “băm”, mặt mũi cũng sáng láng, xinh xắn, hắn hỏi: - Cô kia tên gì? - Dạ, Oanh Oanh ạ. - Họ? - Họ Thôi ạ. - Thôi Oanh Oanh, họ tên hay lắm. Cô học ngành gì? Ở đâu? Về Tổng công ty công tác lâu chưa? Phụ trách việc gì? - Em tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Viện công nghệ “ét ét bi ti” (SSBT) Sydney, Australia. Về phòng này được hơn năm năm rồi ạ. Em đang theo dõi công tác đổi mới doanh nghiệp và quan hệ giữa Tổng công ty với các đối tác Liên doanh nước ngoài tại Việt Nam ạ. - Tốt! Từ bây giờ cô sẽ làm thư ký cho tôi và kiêm nhiệm hai mảng công việc cô đang làm, khi nào có thêm người, tôi sẽ bổ sung giúp việc cho cô - Rồi hắn quay sang nói với Đành Hanh: - Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng công ty, công việc tuyển người và xây dựng cơ chế làm việc cho Trung tâm cần tiến hành gấp, nên chị phải sang đó làm việc ngay. Mọi công việc của chị ở phòng này cứ bàn giao cho cô Oanh Oanh, thư ký của tôi. Sáng ngày mai tôi sẽ bắt đầu công việc tại đây. Nói là sáng ngày mai, nhưng thực chất là vừa đến “làm quen” mà hắn đã “điều hành” ngay việc chỉ định thư ký, nhận bàn giao gián tiếp xong. Sáng hôm sau vừa đến, hắn đã yêu cầu cô thư ký Thôi Oanh Oanh dọn cho hắn cái bàn Trưởng phòng mà Đành Hanh vẫn ngồi. Hắn bắt nhắc tấm kính 5 ly trên mặt bàn lên, vứt hết những giấy tờ mà Đành Hanh gài ở đấy như lịch công tác, số điện thoại các nơi, mấy tấm ảnh cơ quan chụp ngày tổng kết…Rồi hắn đặt vào toàn những tấm ảnh cỡ lớn mà hắn chụp chung với các vị lãnh đạo cao cấp. Rồi hắn lại sai cô thư ký làm cho hắn tờ trình lên Tổng giám đốc xin đi công tác đến các Công ty trực thuộc và các Chi nhánh tại miền Trung và miền Nam để giới thiệu và làm quen trong thời gian 15 ngày, được Tổng giám đốc phê duyệt ngay. Hắn bảo: - Cô Oanh Oanh chuẩn bị đi công tác với tôi. Oanh Oanh liền từ chối khéo: - Ôi, được đi với Sếp thì hay quá, em cũng lâu lắm chưa được vào Sài Gòn, nhưng tuần tới thì không được rồi, em đang phải chuẩn bị nội dung cho ba cuộc họp rất quan trọng của Tổng giám đốc với cả mấy Liên doanh Việt- Úc, Việt – Hàn, Việt - Ấn mất rồi, tiếc quá. Thôi để người khác trong phòng tháp tùng Sếp vậy. - Ai xung phong đi với tôi nào? Cả phòng ngồi im không thấy ai “xung phong”, cuối cùng bà Liên già, “Phóng phò” đành phải nhận lời đi công tác cùng Sếp. Chuyến đi ấy về, nghe bà Liên, Phó phòng kể rằng đi đến đâu hắn cũng bắt đơn vị nghỉ việc tập trung tất cả đến hội trường cho hắn “Truyền đạt nghị quyết của Trung ương” và “Nội dung đổi mới và cải tổ cơ cấu doanh nghiệp” của Lãnh đạo Tổng công ty. “Nghị quyết Trung ương” thì nghe nói là hắn ở đấy ra đi chắc hắn có nhiều nghị quyết rồi, nhưng còn “Nội dung đổi mới và cải tổ cơ cấu doanh nghiệp của Lãnh đạo Tổng công ty”, thì không biết vừa chân ướt chân ráo về Tổng công ty giáp mặt hai ông Lãnh đạo cao nhất của Tổng công ty chưa đến năm phút, mà làm sao hắn đã lĩnh hội được nhanh đến thế để rồi đi đến đâu cũng “truyền đạt” vung tứ mẹt cả ra là sao nhỉ? Đến đâu hắn cũng lặp lại như thể “replay” cái cuộn băng rè, nào những là “ Mọi sự thành công hay thất bại đều ở yếu tố con người, nên công tác tổ chức cán bộ là quan trọng bậc nhất trong tất cả những việc quan trọng của một đơn vị. Đơn vị muốn tồn tại và phát triển cần phải có những cán bộ hồng thắm chuyên sâu, có tư tưởng đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Mọi sự bảo thủ trì trệ đều phải sớm chấm dứt”. Đến đâu hắn cũng nói với giọng điệu nửa như khuyến cáo, nửa như đe doạ “Người nào bảo thủ trì trệ, thiếu bản lĩnh, không đủ năng lực lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Tổng công ty giao, thì phải thay thế bằng người có năng lực, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hoàn thành tốt kế hoạch…” còn nữa “Có những người lãnh đạo ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, nhưng làm như mèo mửa thì cũng phải thay thế bằng những người nói ít làm nhiều, có tinh thần tận tuỵ với công việc” v.v… và v.v… Các đơn vị lần đầu tiên gặp hắn, nghe hắn “lên lớp” ai cũng tưởng ông tân Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Tổng “rất Mác xít” và nghiêm khắc. Tuy nhiên không phải thế, hắn cũng rất “bình dân”, rất “quần chúng”, bằng chứng là ngoài những lúc “lên lớp” ra, những buổi đơn vị mời hắn đi ăn trưa, hắn cũng ăn “thật lòng”, uống “tẹt ga” cùng anh em, nhiều khi bữa trưa kéo đến quá chiều, thậm chí có hôm liên thông với bữa tối luôn. Nói năng thì “bình dân”, những ngôn từ hắn dùng khi ăn nhậu “bình dân” đến mức bọn đầu đường xó chợ và những đứa giang hồ, những tay anh chị còn phải gọi hắn bằng cụ. Đến đâu hắn cũng “rất thân mật” nói với người lãnh đạo đơn vị “hôm đi vội quá, chưa kịp tạm ứng, nhờ đơn vị tạm ứng cho đoàn công tác tí chút lấy chi phí tiêu vặt, rồi Tổng thanh toán sau”. Thế là đơn vị nào cũng đáp ứng ngay, nhưng ai lại còn ghi vào tài khoản nợ của Tổng làm gì ba cái chi phí lặt vặt này. Trước khi “đoàn công tác” rời đơn vị này đến đơn vị khác thì đơn vị nào cũng có quà cho “đoàn” và các ông lãnh đạo nào mà chẳng có cái “phong bao tình cảm” cho hắn để được hắn coi mình là “người đổi mới”, “có năng lực” chứ không phải hạng “bảo thủ trì trệ”. “thiếu năng lực”. Trong những trường hợp này hắn rất “công khai thoải mái” thường mở ngay món quà “tình cảm” ra xem trước mặt người đưa tặng. Nếu thấy trị giá của nó “dưới mức tình cảm” thì hắn liền nghiêm khắc cảnh cáo ngay rằng “người trong Tổng công ty với nhau, ai lại đi làm cái trò mèo này, tôi không có quen nhận cái gì của ai bao giờ, lần sau còn tái diễn là tôi lập biên bản đấy!”. Còn nếu như nó có giá trị “trên mức tình cảm” thì hắn thường bảo “ ngại quá đi mất, chẳng lẽ anh (hoặc chị) có lòng cho mà tôi lại từ chối thì chẳng còn ra làm sao, nhưng mà lần sau thế này là tôi…giận đấy!”. Ngay khi về Tổng công ty, với chiêu bài đổi mới, hắn đã cho cô thư ký Thôi Oanh Oanh soạn thảo hai tờ trình lãnh đạo Tổng công ty cho triển khai nghị quyết của Trung ương về “luân chuyển cán bộ” và thực hiện công văn của Thủ tướng về “thực hành tiết kiệm”. Hai tờ trình này được duyệt ngay vì có người lãnh đạo nào dám không thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước? Về “Thực hành tiết kiệm” thì Phòng Tổ chức cán bộ ra thông báo gửi các Phòng, Ban trong văn phòng Tổng công ty là từ nay tất cả những khoản thanh toán công tác phí, vé cầu, đường, tiền học phí của cán bộ xin đi học ngoài giờ v.v… trước đây chỉ cần qua trưởng Phòng sở tại ký xác nhận trình lên Tổng giám đốc duyệt là được thanh toán, nay phải trình thêm qua trưởng phòng Tổ chức cán bộ duyệt trước khi trình Tổng giám đốc. Mà mỗi khi trình qua phòng Tổ chức cán bộ thường để lại đó “ngâm cứu” hơi lâu, nên ai muốn lấy ngay “tiền tươi thóc thật” thì hãy vui lòng trích tí phần trăm bồi dưỡng cho Trưởng phòng Tổ chức cán bộ “làm thêm giờ” mới duyệt kịp ngay được. Cũng là “hợp lý” thôi, ai xé mắm mà chả mút tay! Còn thực hiện chế độ luân chuyển cán bộ thì cũng nhẹ nhàng thôi, không có gì mà ồn ã cả. Tân trưởng phòng Tổ chức cán bộ rất đi sâu đi sát quần chúng để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng người sắp được luân chuyển. Hắn thường đến thăm tận nhà đương sự để biết gia cảnh và “thông báo ý định của Lãnh đạo” Tổng công ty “điều động đồng chí đến giúp đỡ cho Chi nhánh tỉnh X hoặc tăng cường xuống cửa hàng Y mấy năm để học tập thực tế. Nhưng đây mới chỉ là ý định của lãnh đạo thôi, chứ nguyện vọng của đồng chí thế nào xin cho biết để tôi “phản ảnh lại” hoặc là “Tôi đang đề xuất” để đồng chí “làm giám đốc Liên doanh A, hoặc Trưởng văn phòng đại diện của Tổng công ty tại nước B, nước C nhưng các cụ vẫn còn đang cân nhắc, chưa quyết”. Những kiểu “thông báo tình cảm” như thế ai không thấy Tân trưởng phòng Tổ chức cán bộ không phải là “người tốt”, mà “người tốt” bao giờ chẳng thích dùng “của tốt”. Lẽ ở đời “có đi có lại thì mới toại lòng nhau”. Đương sự nào, “khổ chủ nào” lại không muốn mình đạt được nguyện vọng, mà không sẵn sàng có cái gì đấy bằng vật chất xứng đáng để đối lại tấm thịnh tình của “người tốt”? Tân trưởng phòng tổ chức cán bộ cũng không bỏ lỡ cơ hội “giúp đỡ Trung tâm” kiện toàn tổ chức sớm để đi vào hoạt động. Nhưng thật đáng tiếc, “sự nhiệt tình giúp đỡ” này vừa đề xuất đã bị hai nhà Lãnh đạo cao cấp nhất của Tổng công ty từ chối thẳng thừng ngay từ đầu, vì “đây là đơn vị làm thí điểm của Bộ, do Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo” với lại “ Tổng công ty không nên can thiệp sâu vào công việc nghiệp vụ của đơn vị trực thuộc”. Chỉ mới về làm việc ở Tổng công ty chưa đầy nửa năm, mà “lòng tốt” của “người tốt” (Thực chất là những mánh khoé làm tiền của Tân trưởng phòng Tổ chức cán bộ) đã được “tuyền tụng” khắp Tổng công ty, đến mức trong báo cáo tổng kết công tác tại Hội nghị đại biểu cán bộ công nhân viên toàn ngành, do ông Chủ tịch công đoàn Lò Văn Tình đọc có đoạn “Đề nghị Thanh tra cần làm sáng tỏ dư luận nghi vấn có tiêu cực của trưởng Phòng Tổ chức cán bộ”. Chính vì người đại biểu cho quyền lợi của cán bộ công nhân viên chức họ Lò, dám cả gan “mó vào dái ngựa”, đã đưa vào báo cáo và đọc trước bàn dân thiên hạ “nhằm hạ uy tín” và làm mất mặt Tân trưởng Phòng Tổ chức cán bộ như thế, nên không những đang bị hắn kiện lên Lãnh đạo Tổng công ty về tội vu khống, mà họ Lò còn là đối tượng đang được Phòng Tổ chức cán bộ “xem xét lại lý lịch và năng lực trình độ”. Theo số liệu mới được Phòng Tổ chức cán bộ công bố thì ông Cựu chủ tịch Công đoàn (Gọi là “cựu” vì ông giữ cái ghế Chủ tịch công đoàn này quá kỳ cựu, chứ thực ra ông đang là đương kim chủ tịch chứ không phải “cựu” với nghĩa là “nguyên”) là ông Lò Văn Tình có nhiều điểm “bất cập” hoặc “chưa đạt chuẩn” để đáp ứng công việc theo qui định của Tổng công ty cũng như của Quốc gia. Ví dụ về trình độ văn hoá, ông chỉ có bằng “sơ cấp lâm nghiệp”. Là “Trưởng ban sinh đẻ có kế hoạch của cơ quan” mà vi phạm Pháp lệnh dân số, vì ông có những chín đứa con. Mặc dù sự vi phạm này xảy ra tận miền rừng núi Cao Bằng trước khi ông về đây công tác. Ngoài ra ông còn bị cáo buộc là “lợi dụng chức quyền” để “ấn” 15 đứa con (gồm 9 đứa con đẻ và một số là “phụ tùng” của chúng, tức con dâu con rể) không có bằng cấp gì, ép các cửa hàng và chi nhánh của Tổng công ty nhận về làm việc. Đáng tiếc những “phát hiện mới” của trưởng Phòng Tổ chức cán bộ về vị Chủ tịch công đoàn họ Lò đều là sự thực, cho nên ai cũng ái ngại, thương cảm cho ông. Cứ binh tình này thì chỉ còn khoảng hơn năm nữa là hưu, nhưng chắc chắn ông không được “hạ cánh an toàn” với lão Nghênh rồi. Thật đúng là “tai nạn nghề nghiệp”, chỉ vì phản ánh nguyện vọng của đa số quần chúng trong báo cáo công tác, mà ông đã bị vạ miệng với cái thằng mắt lươn, hay thù vặt. Nó đã đi bới lông tìm vết những chuyện từ đời lâu cú lấu nào về ông. Ông nguyên là bạn đồng niên, đồng nghiệp rồi còn đồng ngũ của Cụ Triệu, từ hồi Cụ còn trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Mỏ, về Liên đoàn địa chất và được cử đến Cao Bằng tìm quặng. Ngày đó ông Tình đã là cán bộ lâm nghiệp và có gia đình vợ con rồi. Năm ấy vào đầu thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, đội địa chất của anh Phần về khoan thăm dò tìm kiếm quặng thiếc tại khu đồi thuộc địa phận đang trồng cây để phủ xanh do anh đội trưởng trồng rừng Lò Văn Tình phụ trách. Anh Tình là người dân tộc Tày, nhà ở bản ngay cạnh khu đồi đó nên đội anh Phần đóng nhờ ngay trong nhà anh Tình. Mọi sinh hoạt ăn uống, đội địa chất đều nhờ bà mế mẹ anh Tình giúp đỡ. Khi ấy anh Tình đã có bốn đứa con, nhưng chỉ có hai đứa ở nhà với bà mế, còn hai đứa nhỏ theo mẹ công tác ở Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh. Những ngày mưa rừng liên miên không ngớt, cả đội thăm dò lẫn đội trồng rừng đều phải nghỉ ở nhà. Họ chẳng có trò gì giải trí để giết thời gian ngoài đánh tổ tôm. Khi đó mấy chàng thanh niên thành phố như Phần đều không biết chơi trò này nên được Tình dậy cho. Tình không những thạo mà còn là “thần bài” của trò này, ván nào hắn cũng ù. Tuy không chơi tiền, nhưng thằng nào thua phải thổi cơm, rửa bát. Đội địa chất chỉ thăm dò lấy được mẫu quặng đem phân tích xác định hàm lượng để làm báo cáo lên Liên đoàn là xong nhiệm vụ, nên chỉ ở nhà Tình khoảng non một tháng là chuyển đi. Thật tình cờ, cuối năm 1968 anh cán bộ địa chất họ Triệu gặp lại được “thần bài” Lò Văn Tình trong một trận đánh phối hợp tác chiến giữa bộ binh và xe tăng tại chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị. Đại uý Trung đội trưởng bộ binh Triệu Huy Phần ôm chầm lấy anh Thiếu uý xe tăng Lò Văn Tình mà trào nước mắt vì sung sướng. Chiến dịch vẫn liên miên rồi lại phải chia tay mỗi người đi một ngả, cho đến khi toàn thắng năm 1975 hai người cũng chẳng biết về nhau ai còn ai mất. Năm 1986 Triệu Huy Phần đã là trưởng Phòng Kinh doanh của Tổng công ty VINAMAPROTEXCO. Tổng giám đốc lúc đó là cụ Bùi Như Lạc cũng là người rất máu mê tổ tôm, hôm nào hết giờ cụ cũng bắt mấy anh Trưởng phòng ở lại cơ quan hầu bài với cụ. Mấy anh cấp dưới chẳng biết trình độ chơi còn kém hay là muốn nhường sếp, nên cứ thua hoài làn cho cụ cũng chán. Cụ bảo: - Các cậu đứa nào có bạn hay người quen chơi giỏi gọi đến đây đọ với tớ. Phần nghĩ ngay đến “thần bài” người Tày Lò Văn Tình, liền bảo cụ: - Em có một chiến hữu dứt khoát sẽ xứng là kỳ phùng địch thủ với sếp. Cụ hỏi: - Ai, ở đâu? Mời ngay đến đây. - Dạ nó ở mãi tít tận Cao Bằng cơ ạ. Cụ lại hỏi: - Anh ta làm nghề gì? Có nguyện vọng muốn chuyển về Hà Nội không? - Dạ, nó là cán bộ lâm nghiệp rồi đi bộ đội là lính xe tăng ạ. - Thế thì mời anh ta về Tổng công ty làm lái cho tớ đi! Thay cho cái cô Son chứ cứ nay nghỉ con ốm, mai nghỉ mẹ ốm mà đi công tác xa với cô ta cũng bất tiện lắm. - Vâng thế để em liên hệ xem nó còn sống trở về không đã. Thật may mắn, Phần viết thư gửi lên Cao Bằng cho Tình, chỉ khoảng hơn tuần đã nhận được thư Tình trả lời. Tình bảo xuất ngũ trở về lại được làm công việc cũ là trồng rừng, nhưng bây giờ Tình không làm đội trưởng nữa, mà nhận khoán và nhận tài trợ của PAM để làm dự án phủ xanh đồi trọc. Hôm nào lên chơi cứ hỏi “Tình dự án xanh” thì cả cái vùng cậu thăm dò địa chất ngày xưa ai người ta đều biết tớ. Phần khoe lại tin này với Tổng giám đốc, ông liền cử Phần “đi công tác Chi nhánh VINAMAPROTEXCO Việt Bắc” đóng tại Thái Nguyên để “kết hợp đi thăm bạn ở Cao Bằng”. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Thấy Tình già đi nhiều quá, mới về được bảy, tám năm mà đã kịp có thêm những năm đứa con nữa rồi. Cả chín đứa chẳng đứa nào học được lên đến cấp II. Bốn đứa mà Phần gặp từ hồi về thăm dò quặng thiếc, thì đã ba đứa lấy vợ lấy chồng, bây giờ tất cả đều theo Tình đi làm “Dự án phủ xanh đồi trọc”. Phần liền bảo: - Về Thủ Đô với tớ đi! - Thủ đô làm gì có đất để cho mình “phủ xanh đồi trọc” được? Mấy lại bây giờ nặng gánh lắm, về một mình thì được chứ kéo theo cả bầu đoàn thê tử về Thủ đô thì ở vào đâu? Lấy gì mà ăn? Phần thuyết phục thế nào, Tình cũng vẫn một mực từ chối. Không phải Tình không thích được về Hà Nội công tác mà Tình biết trình độ của mình làm sao đủ để làm việc tại các “cơ quan Trung ương” được. Nghe nói Hà Nội nhà cửa chật chội và khó khăn lắm. Đồ ăn thức uống cái gì cũng phải mua, cái gì cũng đắt đỏ. Hai suất lương của hai vợ chồng làm sao nuôi nổi hơn chục người? Phần thấy bạn từ chối là thật lòng và rất có lý. Liền bảo: - Thôi không muốn chuyển hẳn về Hà Nội thì về chơi với tớ vài ngày nhé. Tình gật đầu liền. Thế là Phần đưa Tình về Hà Nội chơi. Trước khi được dẫn đi chơi Bờ Hồ, đi vào lăng viếng Bác, thì Phần lại dẫn “đến thăm cơ quan chỗ tớ làm việc cho biết đã”. Là khách riêng, nhưng Phần lại dẫn đến chào Tổng giám đốc như một đối tác đến làm việc. Tổng giám đốc Bùi Như Lạc thấy “Lưu Bị đã dụ được Gia Cát Khổng Minh chịu rời am cỏ về phụng sự cho Vương triều Tây Thục” thì mừng lắm, liền “phỏng vấn” ngay bằng một ván bài tỉ thí tổ tôm. Hôm đó tuy cụ thua, nhưng cụ vui mừng hớn hở, buổi trưa cụ liền cho mở đại tiệc tại khách sạn để chiêu đãi “hiền tài”. Tại buổi tiệc cụ mới được biết Tình chỉ về chơi với Phần vài hôm chứ không nhận chuyển về Hà Nội. Hơn nữa Tình là thương binh bậc bốn, không đủ sức khoẻ để lấy bằng lái xe. Nhưng cụ vẫn rất nhiệt tình mời: - Chú cứ về đây với tôi, sẽ có công việc phù hợp với khả năng và sức khoẻ của chú. Còn những khó khăn về gia đình tôi hứa là sẽ giúp chú giải quyết ổn thoả hết. Chỉ cần nhiệt tình với nhau, thì không có việc gì là không có cách giải quyết cả. Thật vậy, ngày đầu mới về cơ quan, Tình được bố trí làm “trợ lý hành chính”. Cụ thể là thỉnh thoảng theo cô lái xe kiêm nhân viên hành chính Sơn Thị Son đi bê vác những thứ văn phòng phẩm, nước uống, bia, rượu mà cô mua cho văn phòng. Hoặc giả sửa cái vòi nước hỏng, thay cái bóng đèn cháy v.v…, nói chung công việc chính ban ngày trong “tám giờ vàng ngọc” thì chẳng có gì đáng kể, nhưng tối mới mệt vì phải hầu bài với Tổng giám đốc đến khuya, có hôm thâu đêm suốt sáng. Càng thua thì cụ càng chơi lớn, có hôm cụ cay cú muốn gỡ, liền treo biển “đang bận họp” trước cửa phòng Tổng giám đốc suốt ngày. Cho nên lương “trợ lý hành chính” của Tình đã được ưu ái xếp bậc gần chót vót của bậc nhân viên hành chính cũng chẳng thấm vào đâu so với thu nhập ngày một cao của “thần bài”. Vì thế cũng đủ để bù đắp vào khoản thiếu hụt của gia đình khi Tình bỏ làm “dự án phủ xanh đồi trọc”. Khổ một nỗi, cứ chiều thứ bảy là Tình lại “Cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ, thồ bao gạo, cạo bộ râu, xâu quai dép” để “Ala Ga” (Đi ra ga), rồi tếch về Cao Bằng. Những ngày nghỉ như thế Tổng giám đốc Bùi Như Lạc, lại “buồn như chấu cắn”, vì thiếu kỳ phùng địch thủ. Thật đúng là “Rượu ngon mà vắng bạn hiền, không tu đâu phải thiếu tiền không tu”? Một cách “giải quyết khó khăn” nữa được Tổng giám đốc họ Bùi áp dụng là tiến cử Lò Văn Tình ra tranh chức Chủ tịch công đoàn trong kỳ đại hội sắp tới. Trước đông đảo cán bộ công nhân viên, Tổng giám giám đốc nói về ứng viên mà mình giới thiệu cho hội nghị bầu như sau: - Đồng chí Lò Văn Tình là một Đảng viên dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giầu truyền thống cách mạng dưới chân núi Mác, bên suối Lê Nin của căn cứ địa cách mạng Cao Bằng. Đồng chí đã tốt nghiệp khoá kỹ thuật lâm nghiệp đầu tiên của Việt Bắc, và là một trong những người dân tộc Tầy đầu tiên đem ánh sáng khoa học kỹ thuật về áp dụng trồng rừng phủ xanh đồi trọc cho quê hương mình. Trong cuộc kháng chiến Chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, đồng chí là dũng sĩ lái xe tăng đã nhiều lần anh dũng xông vào húc tan đồn địch, nghiền nát quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách, được Nhà nước tặng thưởng huân chương chiến công hạng nhất. Hoà bình trở về, là một thương binh hạng 4 trên 6, nhưng đồng chí lại lao vào công việc cũ là trồng rừng, là làm “dự án xanh”. Đồng chí luôn luôn là một lao động giỏi, một chiến sĩ thi đua…những người như đồng chí Lò Văn Tình liệu có xứng đáng đại diện cho giai cấp công nhân chúng ta hay không? Lời giới thiệu của Tổng giám đốc tuy có hùng hồn, hoa mỹ tí chút nhưng toàn là sự thật, nên được hội nghị hoan hô nhiệt liệt và khi bầu cử đồng chí Tình trúng cử với số phiếu cao nhất. Được Ban chấp hành mới bầu giữ chức Chủ tịch công đoàn. Đã là Chủ tịch công đoàn, đại diện cho quyền lợi của tất cả cán bộ công nhân viên Tổng công ty thì tức là nằm trong “Bộ Chính trị” của Tổng rồi. Ông đã là một trong “tứ trụ triều đình” VINAMAPROTEXCO. Ba “trụ” kia đều đã được Tổng công ty cấp nhà riêng, chẳng nhẽ để mỗi mình Chủ tịch công đoàn cứ “ăn cơm tập thể, ngủ tại giường tầng” mãi sao tiện? Cho nên ngay sau ngày trúng cử, Tổng giám đốc đã cho sửa lại căn nhà khách mà gần đây chẳng có khách nào đến ở của Tổng công ty thành căn biệt thự giống như của ba “trụ” kia, và ra quyết định chính thức phân cho gia đình tân Chủ tịch công đoàn Lò Văn Tình. Có nhà rồi Chủ tịch liền “dinh tê” toàn bộ bầu đoàn thê tử từ “Thủ Đô gió ngàn” về Thủ đô Hà Nội. Theo lời Chủ tịch vẫn thường nói “cuộc thay đổi của mình cứ ngỡ trong mơ”. Chuyển cả gia đình lớn về giữa Hà Nội không hề chạy chọt (mà còn từ chối mãi không được!), chẳng tốn một xu, lại có nhà ở đàng hoàng rộng rãi hơn người. Bà vợ chuyển công tác từ Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh về Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng được Tổng giám đốc sai người đi lo cho từ A đến Z. Thật đúng là “người tài” ở đâu và thời nào chẳng được trọng dụng, mà Chủ tịch lại thuộc về loại “hiền tài” đặc biệt là “thần bài” về đánh tổ tôm thì có “tuyệt cú mèo” không cơ chứ? Vậy bạn đọc có ai muốn “thay vận đổi đời” thì hãy học đánh cờ bạc cho ngon đi, cho giỏi vào, cho “sành” lên, biết đâu chẳng có một ông “quan mê đỏ đen” nào cần tuyển dụng “hiền tài” thì có phải sẵn đầy đủ trình độ bản lĩnh mà “ứng thí” để thay đổi cuộc đời hay không? Trường hợp thay vận đổi đời của Chủ tịch công đoàn Lò Văn Tình còn chứng minh cho câu châm ngôn “Bần gia trung thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm” (Tất nhiên hãy nên hiểu cho chữ “phú” của ông Tình là giầu kiến thức đánh tổ tôm). Lúc ông mới “bị bắt cóc” về Hà Nội công tác, ông cứ sợ xa xôi như thế này, mà mẹ già nhỡ có mệnh hệ nào, chắc không về kịp mà nghe cụ dặn dò trăng trối. Đám tang cụ cơ quan cũ chắc chẳng ai đến, mà cơ quan mới xa xôi ai lên được, rồi sẽ chỉ có đám con cháu và và lèo tèo vài người dân bản đi đưa, chắc sẽ tủi cho vong linh cụ lắm. Cứ nghĩ vậy mà mấy lần ông đã quyết chí định bỏ về. Sau này có nhà rồi, đón cụ về ở cùng tại Hà Nội, làm cho cụ không còn điều kiện mà suốt ngày lọ mọ ngoài rừng nữa, mà chỉ nằm khểnh trong phòng quạt máy chạy vù vù để xem tivi, để nghe cái đài hát điệu then, điệu tính. Ngày nghỉ con cháu dắt cụ đi chơi công viên, đi viếng lăng Cụ Hồ, đi lễ hết đền này phủ nọ. Cụ cảm thấy sung sướng lắm. Mấy năm sau cụ mới qui tiên, ông cũng không ngờ đám tang cụ lại to đến thế. Ngoài toàn thể cán bộ công nhân viên của Văn phòng Tổng công ty đều đến viếng và đưa đám, đại diện của khắp các Chi nhánh, cửa hàng, công ty trực thuộc, cả Đoàn người nước ngoài ở các Liên doanh với Tổng công ty đều đến phúng viếng, mà đoàn nào cũng vòng hoa, cũng phong bì… Đoàn xe tang kéo từ nhà tang lễ ra dài suốt mấy con phố chưa hết… Xong đám tang, vợ chồng ông ngồi bóc phong bì ra đếm tiền phúng viếng được đến hơn năm chục triệu, số tiền mà trước đây ông có nằm mơ cũng không dám nghĩ tới. Nói vậy thôi chứ khi mới chuyển cả gia đình về Hà Nội cũng không phải là ông chỉ có toàn thuận lợi mà không gặp khó khăn gì. Khó khăn chính lúc ấy là lũ con mới có vài đứa trưởng thành có chồng có vợ, còn toàn tít nhít. Cả bọn đều chưa thạo tiếng Kinh, xin vào học trường nào cũng không theo kịp. Mấy đứa lớn tồng ngồng học với bọn trẻ con thành phố, lại học kém, nên xấu hổ bỏ cả, không đi học nữa, đành ở nhà làm báo…cô. Việc này lại phải nhờ đến Tổng giám đốc giúp đỡ, cho về mấy cửa hàng bán lẻ trong thành phố. Đứa làm bốc vác, đứa lái xe nâng hàng, đứa thổi cơm… rồi cũng ổn cả. Năm ngoái đám tang cụ cựu Tổng giám đốc Bùi Như Lạc, cả nhà ông đến chịu tang, như người thân con cháu trong nhà cụ vậy! Ở đời phải biết học chữ nhân, lễ, nghĩa, trí, tín thì mới ra con người. Ông thường răn dạy vợ con như thế. Chả cứ chỉ biết ơn cụ Lạc, mà ngay như ông bạn Bộ trưởng Phần bây giờ ông cũng hàm ơn cả đời chưa hết. Còn tất cả anh chị em cán bộ công nhân viên trong cơ quan người ta yêu mến mình, bỏ phiếu cho mình cũng phải biết ơn người ta lắm chứ! Cho nên có điều kiện giúp được ai cái gì là ông cố gắng làm hết sức mình cho thật hiệu quả. Ai có lỗi lầm, sơ xảy gì thì với cương vị Chủ tịch công đoàn phải đứng ra đỡ cho người ta, giúp cho người ta tránh được rủi ro càng nhiều càng tốt. Cứ nghĩ vậy, làm vậy nên ai cũng quí mến ông, ủng hộ ông. Chả thế mà ông tại vị ở cái chức Chủ tịch công đoàn này có đến ba, bốn đời Tổng giám đốc rồi mà vẫn vững vàng. Cứ tưởng còn già năm nữa thì hưu, mọi bề xuôn xẻ. Có ai ngờ lại bị lão tân trưởng phòng Tổ chức cán bộ kỳ này nó lật lại cái khuyết điểm quá khứ để hạ mình thì có uất không cơ chứ? Gần đây biết tâm tư ông buồn phiền về chuyện này, cả hai ông Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc đều động viên chia sẻ với ông, nhưng khó quá, nó vạch ra toàn là sự thật, nên hai ông lãnh đạo cũng chưa biết xử lý thế nào. Đành xin ý kiến Bộ trưởng. Ông Phần chỉ đạo: - Đã là sự thật thì cứ phải công khai mà xử lý sao cho hợp lý hợp pháp thôi. Để có cơ sở cho Bộ hướng dẫn xử lý vụ này, Tổng công ty nên có báo cáo chi tiết về những sai phạm của đồng chí Tình gửi lên Bộ càng sớm càng tốt. Đến nước này đành phải: Thương anh tôi để trong lòng Việc công tôi cứ phép công mà làm. Chưa biết Chủ tịch công đoàn Lò Văn Tình bị xử lý kỷ luật ra sao. Xin xem tiếp hồi sau phân giải.