Biểu Chương
(Các bài biểu)Năm Chí-Nguyên thứ 15 (1278), cô-thần họ Trần, Thế-Tử nước An-nam, dâng biểu lên Hoàng-đế Bệ-Hạ là Người được lòng trời yêu-mến. Trước kia thân-phụ tôi thuận về thánh-hóa đã hơn 20 năm, nhuần thấm nhân-ân, đức của Hoàng-đế như trời như đất, dung nạp ô uế, lượng của Hoàng-đế như bể như non. Một đời thân phụ tôi, đội ơn cảm đức rất hậu. Năm Chí-Nguyên thứ 14 (1277), thân phụ tôi thất lộc; trong giờ cuối cùng, bảo cô-thần rằng: "Bệ-Hạ khoan nhân đại độ, hay thương nước nhỏ, chắc con ngày sau sẽ được đội ơn như đời trước, ta chỉ ân-hận nay trời không cho thêm tuổi để phụng sự thiên-triều cho được lâu ngày". Tôi vừa gặp tang cha, vừa gặp kỳ cống hiến, không dám để sự lo âu dồn dập, nhân vì sứ-thần trước là bọn Lê-Khắc-Phục ở triều lâu ngày chưa về, để tiếp tục dâng lễ cống, nay sai Trung-Thị đại-phu là Châu-Trọng-Ngạn, Trung-Lượng đại-phu là Ngô-Đức-Thiệu làm Hành-Nhơn-Sứ đem biểu-văn và phương-vật tới triều-đình cống hiến, ấy là tuân theo chức-nghiệp của thân-phụ tôi và không dám sai lời dạy con lấy điều trung làm đầu. Nhân-dân ở tiểu-quốc đều nói rằng: "Việc cống hiến nầy chính là việc tôi noi theo chí-hướng và việc làm của thân-phụ tôi sau khi người đã qua đời. Bệ-Hạ thương người trung trực mà đùm bọc hơn nữa, thì tôi ở trong lúc bất hạnh lại được hạnh-phúc, ngóng cổ trông sang phía bắc, như trông mặt trời mặt trăng vậy".Kịp đến năm Chí-Nguyên thứ 15, bọn Châu-Trọng-Ngạn chưa về, duy có thiên-sứ là Sài-Thượng-Thư đội chiếu-thư qua, cùng sứ-thần kỳ trước là bọn Lê-Khắc-Phúc tới tiểu-quốc, tôi suất cả bách quan, nghinh tiếp đàng hoàng, đốt lò hương, bái đọc thiên-chiếu, thấy chiếu-thư dụ tôi phải vào chầu, tôi ngạc nhiên kinh-sợ, mà nhân-dân cả nước nghe lời chiếu-thư cũng nhao nhao lên, sợ nổi mất vua, vì tôi sinh trưởng ở đất Việt-Thường, khí-chất mềm yếu, không quen thuỷ-thổ, không từ nắng mưa, nay nếu vào chầu, tuy được xem quang cảnh của Thượng-quốc, được làm tân-khách của nhà vua, nhưng sợ trở ngại dọc đường, luống phơi xương trắng, chỉ làm cho Bệ-Hạ thêm lòng thương xót mà không ích lợi gì cho thiên-triều trong muôn một vậy. Thể-thống của Bệ-Hạ, to như bầu trời, tôi thờ Bệ-Hạ cũng như thờ trời, tuy rằng trông lên thăm thẳm chín lớp xanh xanh, mà sự kính sợ oai trời, chưa khi nào dám lờn dễ, như tuồng cách mặt chỉ trong thước tấc, mà ơn của vua, khi nào cũng ghi chạm trong lòng. Xưa làm tôi nhà Thành-Châu qua mấy lần thông-ngôn tới triều-cống, đời vua Hán-Võ-Đế thì bỏ qua không quan tâm, vì thương nước nhỏ, ở chỗ đường sá xa xuôi, núi sông cách trở, cho nên tha thứ cả. Ngày nay, Bệ-Hạ trị vì, bất cứ nơi nào mà xe đò đi tới được, sương móc xuống được, có mặt trời mặt trăng chiếu bóng xuống, thì thảy đều qui phục, so với đời Châu, đời Hán lúc xưa, đã hơn đến mấy trăm vạn phần, từ khai-thiên lập-địa đến nay, chưa hề có một thời kỳ nào nhất thống thiên-hạ to lớn như ngày nay. Bệ-Hạ thi-hành nhân chính, trước hết ắt là thương những người quan, quả, cô, độc, kịp đến sâu bọ cỏ cây cũng nhờ ơn vua mà yên sự sinh sống. Tôi là người có tội với trời, chỉ sợ rằng không thấm nhuần được nhơn-đức của Bệ-Hạ. Chính trị của Bệ-Hạ hay hơn nhà Châu, nhân-đức sâu hơn nhà Hán. Tôi cúi đầu trông mong Bệ-Hạ thương đứa cô thần hèn yếu, xét chỗ tiểu-quốc xa xuôi, cho tôi được ngang hàng với hạng người quan, quả, cô, độc giữ yên tánh-mạng, để thờ Bệ-Hạ tròn niềm chung thuỷ, ấy là sự may mắn của tôi, mà toàn dân tiểu-quốc cũng được hưởng đại-phúc vậy. Năm Chí-Nguyên thứ 29 (1292), Thế-Tử nước An-nam là vua Trần dâng lời biểu nói rằng:Tôi là đứa con mồ côi "lục-xích" 1, trước nhờ giáo-huấn của cha về việc làm tôi với thiên-triều, không nên một năm nào bỏ hở sự cống hiến, lời dạy ấy tôi luôn ghi nhớ không bao giờ lãng quên. Vì tội "ngộ-tiếm" 2, cho nên tôi sai Trung-Lượng đại-phu là Nghiêm-Trọng-Duy và Hữu-Võ đại-phu là Trần-Tử-Trường, trong tháng chín năm Chí-Nguyên thứ 27 (1290) đem phương-vật qua triều-cống, trước để hết lòng trung-thành phụng-sự Bệ-Hạ, sau để nối theo chí hướng của tiền-nhân. Kịp tháng 2 năm nay.Thiên-sứ Chính-nghị đại-phu là Trương-Hiển-Khanh và quan Phụng-Thuận đại-phu là Bất-Nhãn Thiếp-Mộc-Nhi đem lời Thiên-chiếu và các vật ân-tứ cùng bọn Nghiêm-Trọng-Duy về nước. Các tôn-tộc, quan lại, nhân-dân và kỳ-lão ở tiểu-quốc ra đón tiếp vui mừng mà nói với nhau rằng: "đức Thánh-thiên-tử lấy lòng nhân mà thương kẻ cô, lấy đức khoan dung mà đãi người dước, chắc dân-chúng sẽ thoát khỏi cảnh lầm than mà sung sướng được", tôi cùng nhân-dân tiểu-quốc đều không thể không kính sợ việc đó.Ngày trước thân-phụ tôi còn sinh-tồn đã từng khiến sứ-thần dâng lời biểu tâu lên, lúc đó, tôi chưa dự việc chính sự, thành thử không biết, chúng tôi nhắc chuyện lại, không dám đổ lỗi cho cha, để tránh lỗi cho mình. Vạn nhất được thiên-triều tha thứ là sự may cho tôi; nếu không, thì tội của tôi đáng bị xử-tử. Còn việc dụ tôi thân-hành qua chầu triều, Thánh-thiên-tử sẽ không tiếc vương-tước, ẩn-tín, và phong đất cho như cũ, thì tôi cùng tôn-tộc, quan lại ở tiểu-quốc sau khi nghe được như hồn vía được yên, như chết đi sống lại, cho rằng thiên-triều nếu không nghĩ đến, thì sao được lời dụ như thế. Lúc ông nội tôi còn sống, Thiên-triều đã khen là có nết trung-cần, thương vì ở chỗ xa cách, bỏ qua mọi việc, không chấp nê gì, cho nên trong năm Trung-Thống thứ 2 (1261), có xuống lời chiếu phong vương tước, ban phù-ấn, lại có sắc riêng nói rằng quân Thiên-triều không vào tiểu-quốc và các tục cũ về y quan, lễ nhạc, đều không thay đổi, nhờ vậy ông nội tôi được yên-ổn trị nước, sinh linh đến nay được nhờ không ít.Trong đời thân-phụ tôi, không may quân-tướng ở biên-giới làm loạn, nhưng đối với việc phụngsự thượng quốc vẫn thuỷ chung như nhất. Kịp đến đời tôi, tự thay cha tôi giữ bờ cõi, may được thiên triềuthương đến; hơn nữa lại biết tôi sinh trưởng ở xứ xa ngút, không phục thuỷ thổ, không quen nắng mưa, các sứ-thần ở tiểu-quốc qua lại, thường thường trong mười người, vì lam-chướng mà chết sáu bảy người. Nếu tôi không biết tự lượng sức mình, thì chỉ chết dọc đường, rốt lại không ích lợi gì cả. Vả lại, tiểu-quốc là một nước mọi-rợ, phong-tục bạc ác, hễ một ngày xa cách, thì anh em mặc dầu, cũng không dung thứ cho nhau. Thánh-Thiên-tử nhơn nuôi loài vật, thương kẻ cô-đơn, tuy một người tôi ở tiểu-quốc, cũng không bỏ sót, huống chi ông cha tôi đời đời phụng-sự triều-đình, không nở nào khiến tôi liều phơi thịt xương, bỏ hoang xã-tắc.Than ôi! người ở thế-gian mà được gặp mặt thánh-nhơn, sách Phật cho là đại-phước, sách nho gọi là cuộc gặp gỡ trong khoảng ngàn năm mới có một lần. Tôi há không muốn xem cảnh phong-quang ở Thượng-quốc, gội ơn mưa móc của Thánh-Triều, dại gì trái ngược mệnh-lệnh để mang họa? Nhưng có mặt trời ở trên soi xét, thấy thương tình mà nói, chỉ vì ham sống sợ chết, mà đắc tội với Thánh-triều. Chúng tôi ở góc biển chưn trời, được sự che chở khoan dung là nhờ có Bệ-Hạ soi sáng như mặt trời, mặt trăng, bao dung như trời cao, đất rộng, nếu không thì nghiêng hết nước biển cả bốn phương cũng không đủ rửa tội của tôi cho sạch.Tôi tâu nói hết lời, nhường như phơi bày gan phổi, mong mỏi Bệ-Hạ thương người cô quạnh, niệm cảnh khôn cùng, xét lòng ngay của tôi, tha hẳn tội nặng, cho tôi được kéo dài hơi thở, tận tâm phụng sự đại-quốc, trăm họ được bảo tồn tánh mạng, hưởng phúc đức hiếu-sinh. Như vậy thì chẳng những một mình tôi nát thịt tan xương mới mong báo đáp công-đức của Bệ-Hạ trong muôn một, mà cả thiên-hạ đều muôn miệng một lời, chúc tụng Bệ-Hạ thánh thọ đến muôn ức năm.Tháng 3 năm Chí-Nguyên thứ 30 (1293), Thế-Tử An-nam họ Trần bách bái tâu rằng:Kể có vài mươi năm nay, tội lỗi lút trời của cha con tôi, đến nay được tha bổng như nước đá tan. Người chết cũng như người sống, đều được ơn tái sinh của trời đất cha mẹ.Lời dụ của Trung-Quốc nói rằng: "Phàm loại có tánh mạng, há có lẽ nào an toàn được lâu dài". Tôi và sinh linh toàn quốc lấy làm kinh sợ, thất vọng, chẳng biết tính sao. Nhưng tôi nghe rằng xưa nay không có đất bất tử, mà nơi cậy nhờ được là chỉ có trời hiếu sinh. Thánh Thiên-tử dựa theo lòng trời, thương người cô-đơn, rộng lòng nhơn-ái, thì vật gì cũng lâu dài, cũng an-toàn, cũng sinh-tồn được cả; nếu không thế, thì đi đâu mới không phải là đất chết.Thiên-chiếu lại nói rằng: "chúng tôi theo lối hư-văn, hằng năm cống hiến, lựa lời khôn khéo, đối với bề trên, chứ không có nghĩa lý gì", tôi đọc đến đoạn ấy, thì máy mắt sững sờ, gan mật rơi rớt, nghe lời chiếu-chỉ ấy, thấy sự bất hạnh của một mình tôi không chi lớn bằng, đã không được sống tại triều đình của Thiên-tử, sở dĩ bày tỏ lòng thành, chỉ có đồ vật thổ-nghi dâng lên mà thôi. Tôi há không biết Thánh-triều ví như cả bầu trời che phủ, các nước từ đường muôn dặm, trèo non vượt bể, tới dâng các đồ kỳ lạ và quý báu, không thiếu thức gì, cần chi đến đồ-vật cống hiến của tiểu-quốc tôi sao? Nhưng tôi không nghĩ đến tội lỗi, mà cứ mạo muội dâng lên là vì nghĩa thờ vua, không thể bỏ hở được vậy. Tuy lời chiếu trách rằng không có nghĩa-lý, nhưng lòng bề tôi không dám sai chức phận. Tôi cúi đầu trông Hoàng-đế Bệ-Hạ suy lòng cha mẹ, mở lượng đất trời, dung nạp hạng người ô uế, giúp thương những kẻ sinh-tồn, làm cho mọi người thành tâm qui thuận và cho tôi một đạo sắc-phong kế nghiệp như trước, để cho tôi đối với trên, được thờ trời hết dạ trung-thành, đối với dước được thừa-kế chí-hướng tổ-tôn, há có phải một mình vì-thần được kéo thêm hơi thừa sống sót, mà tất cả muôn ngàn sinh mạng đều được hưởng đại đức hiếu-sinh của trời đất. Phận hèn chó ngựa, kêu gào đến bực Thánh-Minh, dầu xuống suối vàng thịt nát xương tan cũng không đủ báo đáp Thánh-ân.Lời biểu của vua An-nam chúc hạ Vạn-ThọNhờ ơn trời, Hoàng-đế Bệ-Hạ được hưởng thọ ức vạn ngàn năm.Phục-dĩ:Tám ngàn năm mới giữa sơ-tuần, tuổi ức vạn, lâu dài Thánh-thọ;Bảy trăm dặm ở ngoài hoang-vức, chúc đôi ba, theo dõi Hoa-Phong3Muôn nước đều mừng;Nghìn xưa chưa có.Chúng tôiHân hoan tỏ dạ;Kính cẩn cúi đầu.Cung duy Hoàng-đế Bệ-Hạ,Ngày tiến thông-minh;Trời cho trí-dũng.Một cơn giận dẹp yên thiên-hạ;Năm điều phúc thấm khắp nhân-dân.Thống-nhất bốn phương trời, kể hơn cả Hán, Đường, Tấn, Tống;Đồng-nhân mọi nước nhỏ, chẳng khác gì Nghiêu Thuấn, Vũ, Thang.Có ân có oai;Được danh được thọ.Chúng tôiPhương Nam ngồi giếng;Hướng Bắc chầu sao.Ba mươi năm ty-tiện yên mình, khăng-khăng phận dưới;Một tấc dạ trung thành thờ chúa, lồng lộng trời cao.Bày tỏ lòng son, luống mong được về chầu kim-khuyết;Kính dâng bình ngọc, xa trông cho mở rộng Thiên-Môn.Chúng tôi ăn chay, tắm gội, tự tay soạn tả bài chúc tụng nầy, làm bằng sách vàng, đựng trong hộp vàng, sai sứ-thần là Đào-Tử-Kỳ trân trọng dâng biểu xưng hạ.Ngày 4 tháng 3 năm Chí-Nguyên thứ 30 (1293) vua Trần nước An-nam dâng lời tấu nói rằng:Chúng tôi liều chết, trăm lạy tâu lên như sau:Trong ngày 14 tháng 2 năm nay thấy Thiên-sứ là quan Lại-Bộ Thượng-Thư Lương-Tăng, quan Lễ-Bộ Lang-Trung Trần-Phu đệ tờ chiếu-thư đến hạ quốc. Tôi kính-cẩn suất cả tôn-tộc và quan-lại, vội vã ra đường xông hương nghênh tiếp, khi đến nơi đường đi có trải nệm, tôi ba lần hô vạn tuế và quì lạy, kính đem ra tuyên-đọc, thấy lời thiên-chiếu nói rằng: "Tội-lỗi của nước khanh đã biết tự thú nhận rồi, thì ta không trách phạt nữa". Thánh Thiên-Tử rộng lượng bao dung như thế, chúng tôi mừng rỡ, không xiết kể, lấy gì mà tỏ lòng cảm tạ trong muôn một. Bài biểu của An-nam Thế-Tử họ Trần mừng vua Thành-Tông Hoàng-Đế lên ngôi trong năm đầu hiệu Nguyên-Trinh (1295)Rồng bay chín lớp, trên ngôi vàng trở lại tiết trời xuân;Ngựa ruổi ngàn non, trước cửa ngọc kính dâng lời biểu hạ.Một người có phúc;Muôn nước đều yên.Khâm duy Hoàng-đế Bệ-HạVăn-trị rực rỡ quốc-trung;Nhơn-đức thấm-nhuần hải-ngoại.Sẵn-lòng giữ đạo, nước xa gần, một mực thảy yêu thương;Dẹp võ dùng văn, quân nhân nghĩa, bốn phương đều nghỉ rãnh.Thật mở rộng nhân-từ đại-độ;Làm sáng thêm công-đức tiền-vương.Giông-tố tạnh cơn, nhuần ơn vũ-lộ;Đất đai phong tước, tỏ lượng càn-khôn.Đổi mới cho dân;Mưa xuân cho vật.Chúng tôiMay gặp thời bình;Mừng nghe lệnh mới.Xem trời cửa Bắc, trông ngôi sao Bắc Cực xiêu lòng;Giữ đất phương Nam, xin dâng chén Nam-Sơn chúc thọ.Vua An-nam họ Trần dâng biểu xin kinh Đại-Tạng.Tôi ở nơi viêm nhiệt hoang vu;Ngày trước đã qui-y phật-pháp.Hâm-mộ tụng kinh bối-diệp4;Truyền-bá từ nước Trung-Hoa.Nhớ Đường, Tống thời xưa, chở kinh sang có đàn ngựa trắng;Từ đại-binh kéo đến, thì lửa cháy hóa đống tro tàn.Ôi! Chữ huyền-vi đã chẳng được xem;Thời ý màu nhiệm trọn khôn tìm thấy.Như vào nhà tối mà không đuốc tuệ;Như qua biển khổ mà thiếu thuyền từ.Xin nghĩ đến tiểu-bang;Không có Kinh Đại-Tạng.Nếu chẳng cầu xin trên Đại-Quốc;Lấy gì giác-ngộ dưới quần-sinh.Khâm duy Hoàng-đế Bệ-Hạ:Là vua Ngu-Thuất đương thời;Là Phật Thích-Ca tái-thế.Giàu lòng tế-độ;Rộng đức nhân-từ.May mà ban tiếng ngọc vàng;Mong được mở kho quí báuTừ của trời rơi xuống, xin cho một vạn năm ngàn quyển Kinh;Theo đường bể đưa sang, để cứu ức triệu nhân-dân khốn-khổ.Công-đức ấy hơn công-đức trước, rộng lớn không bờ;Thánh-nhân nay tức thánh-nhân xưa, lưu truyền tại đó.(Lúc ấy quan Trung-Thơ vâng lời chiếu chỉ cho đưa Kinh sang).Năm Chí-Đại thứ 2 (1309), An-nam Thế-Tử họ Trần dâng biểu chúc mừng Võ-Tông Hoàng Đế lên ngôi:Chúng tôi nép mình trông thấy:Rồng dưới vực cao bay, vâng mệnh trời ngự trên ngôi báu;Nhạn trong đầm yên ngủ, đội đức nhân nhuần đến phương xa.Vang tiếng mừng reo, khắp cùng non bể;Thoã lòng ao-ước, tất cả hoa di 5.Kính vâng Hoàng-đế Bệ-Hạ;Thánh trỗ thông-minh;Trời cho trí-dũng.Dẹp yên họa loạn, oai linh rung động cõi ngoài;Ngồi hưởng thái-bình, thanh-giáo thấm-nhuần đất Việt.Chế-độ phỏng theo đời cổ, làm cho thêm rộng, thêm xa;Chính-trị đổi lại thời tân, sắp đặt vào khuôn vào khổ.Khắp hoàn-hải chung đường văn-hoá;Vững cơ-đồ như núi Thái-Sơn.Đức ở một người;Phước ra muôn nước.Chúng tôi: mấy đời giữ đất;Một dạ thờ vua.Trông mặt trời soi thấu hang sâu, trung-thành tỏ dạ;Cùng dân-chúng ở nơi góc bể, chí-đức ghi ơn.Năm đầu Chí-Thuận (1330), An-nam Thế-Tử họ Trần dâng biểu chúc mừng Văn-TôngHoàng-đế lên ngôi.Vận mở thánh thần;Tài gồm trí dũng,Nhân-đức sánh cùng trời đất;Giáo-hoá khắp cả Bắc Nam.Tiếng vang dội đời nay;Công cao hơn thời cổ.Người xa mến, người gần qui phục, kinh-luân đời Thế-Tổ dõi theo;Việc võ xếp, việc văn sửa sang, lễ nhạc hiệu Chí-Nguyên mở rộng.Khắp nơi hoa hạ;Chung cảnh thái-bình.Chúng tôi:Ở nước dưới nhiều đời;Thờ vua trên hết dạ.Muôn dặm đường tuy xa cách, vén màn mây trông ngắm ngôi sao.Thước gang lòng chẳng đơn sai, đứng góc bể lạy chầu mặt nhật.Năm Chí-Nguyên thứ 31 (1294), nội-phụ An-nam vương là Trần-Ích-Tắc dâng biểu chúc hạ nhân dịp Tết Nguyên-Đán.Phục-dĩ:Tháng giêng là khí xuân hoà, nhân khiến muôn dân xem phép trị;Thượng-đế thương vì mạng lớn, tóm thu bốn biển đứng làm vua.Ngày Nguyên-đán vừa gặp chữ "Nhâm", đông-giao rước Chúa,6Sao Thái-Tuế ở về hướng "Ngọ", nam điện xem triều7Khí âm-dương trên dưới giao-hoà; Nền văn-hoá xa gần hỗn hợp.Nay kính trông Hoàng-đế Bệ-Hạ: Có lễ có nhân; Vừa thần vừa thánh.Bền vững trên ngai đế-vị; Lâu dài vui đạo thánh hiền.Tám trăm nuớc chầu-hầu, công-liệt sánh cùng Chu-Võ;Băm mốt năm thịnh-trị, qui-mô hơn cả Hán-Quang.Cõi thọ cao thêm;Đài xuân vui khắp.Tôi là Ích-Tắc: Cỏ tranh dự phần phong tước8Hoa quì 9 nghiêng hướng mặt trời,Lấy trung-thành báo đáp ơn sâu;Ngữa đức Thánh thấm nhuần ngoài cõi.Mừng vua Thánh gồm năm điều phước, xưa Cơ-Tử 10 chép thiên Hoàng-Cực, nay nguyện theo đòi;Phận tôi ngay quì lạy ba lần, trước Tề-Hầu 11 giữ lễ tôn-quân, kính vâng mệnh-lệnh.Năm Chí-Nguyên thứ 31 (1294), An-nam Quốc-Vương Trần-Ích-Tắc dâng lời biểu hạ nhân dịp Thành-Tông Hoàng-đế lên ngôiBẩm tính thông-minh; Nêu danh nhân hiếu.Ba mươi tuổi sức như vua Thuấn, ngày xuân thu dài vẫn còn dài;Tám trăm năm phước tợ nhà Chu, gương nhật nguyệt sáng rồi lại sáng.Dòng thần thánh ông tuyền đến cháu;Đức cù-lao con báo ân cha.Trong khi hưởng phước thái-bình;Vẫn giữ tấm lòng kế-thuật.Dấu thần-long 12, cỡi mây năm sắc;Điềm kim-kê 13 báo hiệu ân sâu,Chúng tôi:Trời Bắc gửi thân;Phương Nam phong tước.Đội ơn cao cả; Chưa chút đền bồi.Mừng chúa lên ngôi, lòng suy tôn chẳng khác gì tôi Hán;Trông trời gang thước, lễ hạ bái nguyền theo dõi Tề-Hầu.Tháng năm mùa hạ năm Đại-Đức thứ 15, Võ-Tông Hoàng-Đế lên ngôi, An-nam-vương Trần-Ích-Tắc dâng tờ biểu chúc hạ 14Phục dĩ:Mừng vận nước sinh ra bậc thánh, vừa mới lên ngôi;Vâng mạng trời chịu lấy ngôi vua, lâu dài nối nghiệpĐất trời giúp đỡ;Muôn nước vui mừngKhâm duy Hoàng-đế, Bệ-Hạ;Bậc thánh thông-minh; Đấng người công-đức.Oai trời rung động, cơ-đồ thêm bền vững non sông;Ơn chúa dồi dào, dân chúng thấy thấm nhuần mưa móc.Huy hiệu dâng lên đức Mẹ;Hiến-chương theo dõi Vua Ông.Chúng tôi:Tranh cỏ dự phần; Hoa quì dựa bóng,Chăm chăm ngó trước, dầu xa xuôi cũng sắp với hàng loan; (chim loan, tỷ với hàng vinh quí).Vòi vọi trông lên, xin khúm núm lạy quỳ theo dáng cọp. (con cọp, tỷ với bề tôi trung,dũng).Tháng 3 mùa Xuân năm Chí-Đại thứ 4 (1311) Nhân-Tông Hoàng-đế lên ngôi, An-namvương Trần-Ích-Tắc dâng biểu chúc hạ.Phục dĩ:Đời thịnh sinh ra bậc thánh, lên ngai vàng xem cả bốn phương;Mạng to bền vững ngôi vua, dở đồ bản rạng xem muôn nước.Non sông được phước; Tôi dưới thêm mừng.Khâm duy Hoàng-đế Bệ-Hạ:Công-nghiệp thần, được trời theo giúp;Tư-chất thánh, mỗi ngày một thêm.Vẻ tinh hoa như các vua trên, khắp ngoài quận trong triều chúc tụng;Lòng quảng đại noi theo nếp cũ, nhờ công cha đức tổ lưu truyền.Việc thảy canh tân; Đời thêm thịnh vượng.Chúng tôi:Phương Nam chịu tước;Cửa Bắc gửi thân.Mây gió gặp thời, mừng được chốn long-trì gần gủi;Nước sông về bể, nguyền chen hàng hổ bái 15 chầu triều.Tháng 3 năm Diên-Hựu thứ 7 (1320), Anh-Tông Hoàng-đế lên ngôi, An-nam-vương Trần-Ích-Tắc, dâng lời biểu hạ như sau:Trời phủ ngai son, trên Đế-vị rồng bay chín lớpBóng soi cửa tía, dưới vương-đình cọp lạy muôn năm.Cảnh vật xinh tươi;Cơ-đồ rộng rãi,Kính lên Hoàng-đế Bệ-Hạ:Cầm quyền muôn nước,Chịu lễ bốn phương.Để hiếu-tâm theo lối tôn thân, miếu hiệu đề thêm chữ tốt;Tha tội-lệ tỏ lòng nhân ái, dân-sinh thấm được ơn dày.Đạo kế truyền không đổi chí vua trên;Lượng quảng đại, lại thể tình tôi dưới.Chúng tôi:Chịu ơn tước cũ;Nương bóng nước trên.Thân cô-đơn lưu lạc từ Nam, nước sông Hán xin chầu vào bể cả.Lòng trung-ái nghiêng về hướng Bắc, trông ngôi sao mà lạy trước sân chầu.Tiền Đại Thư Biểu
(Thư và Biểu của đời trước)Bức thư của vua Nam-Việt là Triệu-Đà dâng lên vua Hán Văn-Đế.Tôi là Triệu-Đà, xin liều chết, hai lạy, kính dâng thư lên Hoàng-đế Bệ-Hạ:Lão-phu nầy là một chức lại ở đất Việt xưa, Cao-Hoàng-đế cho tôi ăn ngọc tỷ, để làm vua nước Nam-Việt. Hiếu-Huệ-Đế lên ngôi không nỡ dứt tình, ban thưởng cho tôi rất hậu. Đến đời bà Cao-Hậu coi việc nước, tách riêng xứ mọi rợ mà ra lệnh cấm bán cho nước Việt những đồ làm ruộng bằng kim-loại, lại cấm bán trâu bò dê ngựa về giống cái, nếu có bán chỉ bán con đực mà thôi,... Lão-phu nầy ở nước Việt đã đến tuổi già, tự nghĩ rằng không lo việc cúng tế ông bà là tội đáng chết, nên sai sứ-thần là quan nội sử tên Phan, quan Trung-Uý tên Cao và quan Ngự-sử tên Bình, tất cả là ba người, qua dâng thư chịu lỗi, đều không thấy trở về. Hơn nữa, được tin nói; phần mộ của cha mẹ tôi đã bị đào lên huỷ hoại hết, anh em giòng họ của tôi đã bị giết cả. Vì cớ đó bắt buộc tôi hội-đồng với quan lại thảo luận rằng: nay đối với nhà Hán đã tỏ lòng xích-mích, đối với các nước ngoài, không lấy gì làm thanh danh, nên đổi hiệu làm Hoàng-đế, làm vua Thiên-tử trong nước Việt, chứ không dám hại gì đến thiên-hạ. Cao-Hậu nghe được, cả giận, tước bỏ quốc-hiệu Nam-Việt, không cho sứ-thần nhà Hán qua lại. Lão-phu nghi cho Trường-Sa-Vương có lời dèm pha, nên cử binh đánh, phạm đến địa-giới. Lão-phu ở nước Việt đã 49 năm, hiện đương bồng cháu, tối ngủ sáng dậy, nhưng nằm không yên chiếu, ăn chẳng ngon mùi, mắt không ngó tới sắc xinh đẹp, tai không nghe đến tiếng trống chuông, là vì mối sầu không được phụng-sự nhà Hán vậy. Ngày nay, Bệ-Hạ thương tình, cho phục lại quốc-hiệu, cho đến chết còn ghi và từ nay xin trở lại tước vương, không dám xưng làm Hoàng-đế nữa. Năm Thái-Bình Hưng-Quốc thứ 5 (980), Giao-Chỉ Đinh-Liễn (con Đinh-Bộ-Lĩnh) mất, em là Đinh-Triền lên làm vua, quan Đại-Hiệu là Lê-Hoàn cướp ngôi, vua Tống-Thái-Tông cử binh qua đánh, Lê-Hoàn giả lời của Đinh-Triền dâng biểu như sau:Đời chịu ơn trên;Ở xa góc bể,Lãnh tiết chế trấn nơi mọi rợ;Lo cống-triều hết phận tôi con.Không ngờ gia vận chẳng may;Xui khiến phụ huynh gặp nạn.Tuy ngọc lụa tôi thường cống hiến;Nhưng đất tranh, trên chữa sắc ban16.Trước kia, cha tôi là Bộ-Lĩnh và anh tôi là Liễn:Đều được ơn vua;Phong cho chức tước.Kính cẩn giữ gìn bờ cõi,Không hề trể nải bỏ qua,Nhưng chưa lập được công lao;Bỗng đã xảy ra biến-cố.Lúc ấy tôi:Cửa nhà sắp sập;Tang-chế đương còn.Mà những người trong nước,Nào là quan lại, quân dân;Nào là họ hàng kỳ lão.Cùng đến nhà ở chế;Xin quyền lãnh việc binh.Tôi từ chối nhiều lần;Họ nài xin tha thiết.Chưa kịp trần tấu;Vì sợ diên trì.Các bọn mọi rợ ở nơi khe động, núi rừng, tố-tính giảo-hoạt, hung-ác;Không được thỏa lòng;E khi sinh biến.Vì vậy, tôi đã nhận chức Tiết-Chế-Hành-Quân Tư-Mã, quyền lãnh châu quân-sự,Nép trông Hoàng-đế Bệ-Hạ:Ban cho sắc-mệnh;Vào hạng phiên-bang.Để tỏ ơn rộng lượng của Thánh-Triều;Ngõ thỏa lòng hết trung của thần-hạ.Như vậy tôi được:Nối truyền nghiệp trước;Vỗ trị dân Mường,Giặc giả dẹp yên, ngoài đồng-trụ ra công cản-ngự;Ngọc ngà cống-hiến, dưới kim-môn tỏ dạ trung-thành.Kính mong Hoàng-đế Bệ-Hạ thương tình tha tội.Năm Bảo-Hựu thứ 6 (1258), vua An-nam họ Trần dâng biểu xin nhường ngôi cho con.Tôi nghe nói:Làm người phải tri túc, nên thoái lui không đợi tuổi già;Sanh con có khả năng, thì giao phó nối theo nghiệp trước.Đó là lẽ thường thiên-đạo;Lại thêm thuận cả nhân-tình.Nay tôi truyền vị cho con thơ;Kính cẩn tâu bày lên chúa thánh.Tự xét không công-nghiệp;Lạm mong phong tước hầu,Lãnh sắc-mệnh ở triều, mà chưa khi nào làm lễ vào triều;Tỏ trung-thành với nước, mà chưa khi nào đền ơn cho nước.Nay đương thời khó;Không xiết lòng lo,Thân liểu bồ héo trước mùa thu, xin trao trọng trách;Lòng quỳ-hoắc17, hướng theo mặt nhật, gần ánh thanh-quang.Trước chưa thỉnh-mệnh thánh-triều;Nay dám kính tâu Bệ-Hạ.Suốt ngày run sợ;Cúi bước lom khom,Kính dâng lễ mọn bao-mao18;Để tỏ lòng thành cần hiến19.Nép trông Hoàng-đế Bệ-Hạ:Đèn trời soi sáng;Đức lớn thấm nhuần,Thương kẻ dưới trung-thành;Xét tình tôi ngu-xuẩn.Bao dung dân-chúng, học đế-vương thật đáng lưu-truyền;Cùng cứu cơ-vi, việc lớn nhỏ thảy đều thanh thõa.Ban cho áo mũ, ơn sũng-vinh rạng một cõi mán mường;Bền tợ núi sông, lời minh-thệ để ngàn năm son sắt.Lòng tôi mong ước;Ý thánh chuẩn y,Thái-Thượng quốc-chủ hiệu phong;Chiếu-chỉ mười hàng trông đợi.Nếu được thoả tình ty-tiện;Thật là có phận vinh-quang.Tôi nguyện:Giữ dạ trung-trinh,Suốt đời ngay thẳng,Tấc lòng xin tạc đá ghi vàng; thường tưởng thấy đất trời che chở;Muôn một chỉ bụi hồng giọt nước, ngõ đền bồi non bể cao sâu.Phụ chép lời biểu của nước Chiêm-Thành dâng lễ cống cho vua nhà Tống. (NướcChiêm-Thành vốn là huyện Tượng-Lâm, quận Nhật-Nam. Cuối đời nhà Hán, người trong quận làm phản, xưng hiệu là nước Lâm-Ấp, đời sau nhân cuộc loạn, dời qua đất Chiêm, gọi là nước Chiêm-Thành)Nước tôi ở góc bể xa, thường được nhà vua yêu dấu; Muôn dặm về dâng lễ cống, dám quên chức phận tôi đòi.Đã mong phong làm nước chư-hầu; Thì triều cống phải y thường lệ.Tôi trộm nghĩ:Nước Việt-Thường dùng nhiều lớp thông-dịch, mới vào chầu Trung-Quốc, là vì nghe thịnh đức của nhà Chu;Nước Bàn-Mộc20 soạn mấy khúc ca-chương, để dâng lên vương-đình, là vì mến lòng nhâncủa nhà Hán.Một người trên có lòng nhân ái;Muôn nước dưới tỏ dạ phục tùng.Tuy nước tôi ở chốn rất xa xuôi;Vẫn ngày trước có tên trong các quận.Tượng-Lâm thuộc bản-đồ đất Việt;Đồng-Trụ còn dấu-tích Phục-Ba.Chúng tôi:Triều-cống Trung-Hoa;Đã nhiều năm tháng.Đương thời vua Nghệ-Tổ dựng nước, chúng tôi tới chúc hạ đầu tiên;Xuống đến các triều-đại nối ngôi, chúng tôi lại cống-triều liên-tiếp.Các cây hoa tốt, đều gieo giống vào đất Trung-Hoa;Những loài vật xinh, cũng đem dâng đến vườn Thượng-Uyển21Trên thi ân tiếp-đãi, nối vận Lục-Tiêu22;Dưới hết dạ trung-thành, như hoa quì-hoắc23.Đinh ninh vâng lời chiếu phụng;Ân-huệ cho cỡi xe vàng24.Tôi nay:Gặp vận may hưởng phước thái bình;Vinh thân mọn ở nơi cố-quốc.Lần lút trong gò kiến, phận thấp hèn nhờ chiếu Hán vinh-quang;Ngữa trông lên sân rồng, lời chúc hạ có trời Nghiêu soi thấu.Ở nhậm-thổ25 có một vài phương-vật;Dâng bao mao26 như các nước chư-hầu.Cung duy Hoàng-đế Bệ-Hạ:Nhất-thị nhân đồng27;Tam-vô đạo hợp.Cao dày đức thánh, hai bên văn võ múa can lông,Đông-đúc sân vua, muôn nước công hầu cầm hốt ngọc.Chẳng những yên Lào-Quốc mà mở đất Vĩnh-Xương (?);Sắp ra tới Tây-thành mà trị miền Giao-Chỉ.Trời một loạt toả ra ánh sáng, dẫu hang cùng cũng soi tới tận nơi;Đường ba ngã tất có nơi bằng, hễ người ở thì làm thành hoa đất.Tôi:Nương theo phong hoá;Trải hết trung thành.Bôn ba muôn dặm bể khơi, để về dâng lễ;Mộng tưởng chín tầng nhạc thổi, lần tới nghe caTấc lòng ghi tạc ân sâu;Muôn một đền bồi lượng cả.An-Nam Chí-Lược Quyển Đệ Lục Chung
___________________________________________________
Chú Thích:
- Lục-xích nghĩa là 6 thước, tức chỉ người còn nhỏ, người lớn thì bề cao từ 7 xích trở lên. Theo sách "Tiền-Hán Luật-Lịch-Chí" thì một hạt lúa "thử" là một phân, 10 phân là một thốn (tấc), 10 thốn là một xích (thước).
- Ngộ-tiếm nghĩa là chưa có sắc mạng của triều-đình mà tự tiện lên ngôi.
- Xưa vua Nghiêu đi tuần thú đến đất Hoa, có quan Phong-Nhân (chức quan coi giữ đất đai) chúc mừng vua đa phú, đa nam và đa thọ, nghĩa là giàu có, nhiều con trai và sống lâu, đời sau gọi là "tam đa".
- Lá cây bối-đa bên Ấn-độ, xưa dùng để viết Kinh Phật.
- Hoa là Trung-Quốc, Di là mọi rợ.
- Ngày xưa hễ đến ngày lập xuân, thì vua quan làm lễ nghênh-xuân (rước chúa xuân), ở phương Đông (Đông-giao).
- Thái-Tuế là một ngôi sao, năm nào thì ở về hướng nấy. Ví-dụ: năm Ngọ thì ở phương Ngọ (chính nam). Nam diện thì ngảnh mặt về phương Nam. Khi vua xem triều, thì ngảnh mặt về phương Nam.
- Theo lệ xưa khi Thiên-Tử phong tước cho chư-hầu, thì ban cho một cục đất ở hướng được phong và một thứ cỏ tranh trắng (bạch mao), gọi là mao-thư.
- Hoa quì là một thứ hoa luôn luôn hướng về mặt trời.
- Cơ-Tử là con cháu nhà Thương, tức nhà Ân. Khi vua Võ-Vương nhà Chu diệt vua Trụ rồi làm vua, phong cho Cơ-Tử làm vua nước Tống (tức Đại-Hàn bây giờ) để thờ phụng tổ-tiên của nhà Ân, nhưng không phải là nước chư-hầu, mà là nước bạn. Trước khi qua nước Tống, Cơ-Tử có dâng cho Võ-Vương, một bộ sách Hồng-Phạm, nói tất cả các mục chính-trị, họa, phúc. Trong sách ấy có thiên Hoàng-Cực, có một tiết nói về năm điều phước, thứ nhất là Thọ (sống lâu). Sách ấy đến nay, trải mấy ngàn năm mà vẫn còn áp-dụng như thường, các nhà chính trị, kinh-tế, triết-lý Đông-Tây đều dùng để tham khảo.
- Tề-Hầu tức là Tề-Hoàn-Công. Lúc nhà Chu suy, không nước chư hầu nào đếm xỉa đến vua Thiên-tử nữa, chỉ có Tề-Hoàn-Công đã đến sân chầu, làm lễ bái trước Thiên-Tử.
- Thần-long: con rồng thần, rồng là linh-vật, đứng đầu tất cả mọi loài. Người ta ví vua với rồng, bề tôi với mây. Hễ rồng hiện thì có mây theo.
- Kim-kê: Con gà vàng. Sách Bắc-Tề-Thư chép: khi vua Võ-Thành lên ngôi, ban chiếu đại-xá, ngoài cửa điện có dựng một con gà vàng, vua hỏi ý-nghĩa vì sao, Tư-Mã-Ưng-Chi tâu rằng: "Sách Hải-Trung Nhật-Chiêm có nói: Mỗi khi sao Thiên-Kê rung động, thì có ân-xá, các vị đế vương thể theo hiện tượng ấy".Sách Đường-Thơ chép: "Ngày ân xá, ở phía Nam chỗ thiết nghi trướng có dựng một con gà vàng trên một cây trụ "cam" dài 7 thước, con gà cao 4 thước, miệng ngậm một lá phướn sắc tía.
- Các bản đều chép: "Năm Đại-Đức thứ 15" nhưng cứu xét thì Đại-Đức là niên hiệu của Thành-Tông Hoàng-đế chỉ có 11 năm (tức là từ năm 1297 đến năm 1307). Vì ngài mất vào khoảng tháng giêng năm Đại-Đức thứ 11. Như vậy chữ 15 chắc là chữ 11 mà chép lầm.
- Hổ-bái: tôi lạy vua như cọp khom lưng.
- Đã chú ở bài biểu của Trần-Ích-Tắc mừng Võ-Tông Hoàng-đế lên ngôi.
- Quì-hoắc là hai thứ hoa luôn luôn hướng về mặt trời.
- Bao-mao là một loại cỏ, đời xưa thường dùng để làm vật cống-hiến.
- Cần là một loại rau, hiến là dâng lên. Cần-hiến hay hiến-cần là dâng lễ mọn.
- Bàn-Mộc: tên nước mọi ở đời nhà Hán, có dâng vua Võ-Đế một khúc nhạc.
- Thượng-Uyển: vườn vua lập ra để tới chơi, trong vườn có đủ cỏ hoa và cầm thú quí lạ.
- Lục-Tiêu: Kinh-Thi chép thiên Lục-Tiêu, kể ơn vua đãi bề tôi dự tiệc.
- Quì-hoắc: xem chú-thích số 17
- Xe dãi vàng: Vua Thiên-Tử ban cho các nước chư-hầu có cấp bậc. Nước lớn thì đi xe treo dãi đỏ, nước vừa vừa đi xe treo dãi tía, xuống nữa thì sắc xanh, sắc vàng (chế-độ của nhà Tần).
- Nhậm-Thổ: đất nước của mình cai-trị.
- Bao-mao: Xem chú-thích số 18
- Nhân-đồng nhất thi: lòng nhân thương người, xem ai cũng như nhau..