Ngay khi Phổ Nghi thoái vị năm 1912, Tôn Văn giữ lời hứa nhường chức Tổng Thống cho Viên Thế Khải. Tôn Văn là người thiên về lý tưởng và trọng nguyên tắc. Trái lại Viên thế Khải là một người gian hùng, đầy tham vọng và dùng mọi thủ đoạn để đạt được mộng làm vua. Khi đã nắm chức tổng thống rồi, Viên Thế Khải lập tức phản lại chính thể Cộng Hoà do Tôn Văn thành lập. Trước hết Viên Thế Khải từ chối không chịu rời thủ đô về Nam kinh, nơi chế độ Cộng Hoà thành lập chính phủ. Mục tiêu cuối cùng của Viên Thế Khải là trở thành hoàng đế trên ngai vàng trong Cấm Thành, và do đó Viên Thế Khải cần phải ở lại Bắc Kinh, nơi phù hợp nhất cho tham vọng của mình. Trong vòng một năm, Viên Thế Khải giải tán Quốc Dân Đảng của Tôn Văn. Tôn Văn và các lãnh tụ Quốc Dân Đảng quan trọng như Tống Giáo Nhân, phải trốn tránh sang Nhật. Viên Thế Khải phái nhiều toán thích khách đi khắp nước để ám sát các lãnh tụ đối lập. Một phương pháp ám sát thịnh hành nhất thời bấy giờ là đầu độc, vì người Trung Hoa rất ưa ăn tiệc. Trong năm đầu tiên làm tổng thống, Viên Thế Khải bỏ ước pháp. Rồi Viên Thế Khải triệu tập đại biểu các tỉnh để định ước pháp mới. Ước pháp mới gia nhiệm tổng thống của Viên Thế Khải từ ba năm lên mười năm, rồi cuối cùng cho phép Viên Thế Khải làm tổng thống suốt đời, đổi Nội Các Chế thành Tổng Thống Chế, các bộ trưởng đều do tổng thống bổ nhiệm. Đồng thời Viên Thế Khải ra lệnh đình bãi chế độ tự trị tại các tỉnh. Chế độ Cộng Hoà biến thành chế độ chuyên chế. Viên Thế Khải đã đoạt được quyền hành tối cao của quốc gia, nhưng như Viên Thế Khải vẫn chưa vừa lòng. Ngai vàng còn đó, nhưng ngai vàng ấy hiện thuộc về Phổ Nghi. Muốn đoạt được ngai vàng thì trước hết Viên Thế Khải phải loại được Phổ Nghi. Thoạt đầu, Viên Thế Khải tạo ra một hoàn cảnh thuận lợi cho việc trở lại nền Quân Chủ bằng một sự hoài niệm hoàng đế và ngai vàng. Trong dịp Tết Nguyên Đán năm đầu tiên, Viên Thế Khải đã phái đại diện của chính phủ Cộng Hòa tới Cấm Thành, chuyển đạt những lời chúc Tết đầu năm cho Phổ Nghi. Trong dịp đó, Phổ Nghi ngồi trên ngai rồng, mặc phẩm phục của một hoàng đế rất uy nghi, chung quanh có các đại thần và vệ sĩ nghiêm chỉnh đứng hầu. Sau đó ít lâu, vào dịp sinh nhật bảy tuổi của Phổ Nghi, Viên Thế Khải phái một đại diện chính phủ tới dâng lời cầu chúc. Những hành động của Viên Thế Khải đã khuyến khích các thân vương Mãn Châu ăn mặc lại phẩm phục cũ và đeo lại những huy hiệu vương tước, gồm có cả những nút áo mầu đỏ và nón cắm lông công. Các thân vương trong năm đầu tiên của nền Cộng Hòa đã phải ẩn lánh im hơi lặng tiếng. Bây giờ được thể, nhiều người làm sống lại không khí vương giả cũ, như sai kẻ hầu dẹp đường trước cho kiệu của họ đi lại ngoài đường phố Bắc Kinh. Các viên chức trong triều trước kia ăn mặc thường phục khi đi làm việc, và chỉ mặc phẩm phục tại nơi làm việc, nay họ lại ngang nhiên mặc phẩm phục triều đình khi đi ra đường phố. Khi Thái hậu từ trần năm 1913, một năm sau khi Phổ Nghi thoái vị, một tang lễ theo nghi lễ hoàng gia đã được cử hành trọng thể ngoài đường phố Bắc Kinh. Trong dịp này, Viên Thế Khải đeo khăn tang trên cánh tay, và ra lệnh treo cờ rũ trong hai mươi ngày. Tất cả những người thuộc hoàng gia và các nhà quý tộc mặc đồ tang trong một trăm ngày. Đây là dịp hoàng gia và giai cấp quý tộc hả hê mặc tang phục này như là một dấu hiệu trung thành với hoàng đế. Ngay cả Từ Thế Xương, một học giả nguyên là Đại Sư phụ cho Phổ Nghi, đã bỏ trốn ra Thiên Tân khi Phổ Nghi thoái vị, nay cũng trở về Bắc Kinh để bầy tỏ lòng tôn kính đối với tiểu Hoàng Đế. Đến năm 1914, năm thứ ba của chính thể Cộng Hòa, các hành động thiên về quân chủ của Viên Thế Khải đã khiến người ta tin rằng việc tái lập đế chế sẽ xảy ra. Viên Thế Khải quay trở về với Khổng Tử, dùng lại các tước hiệu hoàng gia trong chính phủ và ra lệnh phải thờ phụng Khổng Tử khắp nơi trong nước. Viên Thế Khải mượn danh của Khổng Tử để thực hiện dã tâm xưng đế của mình, vì Khổng Tử chủ trương Tôn Quân. Báo chí bị Viên Thế Khải mua chuộc cũng đã kêu gọi phải tái lập nền quân chủ. Một bài báo đã viết: “Đại đa số quần chúng không hiểu chính thể cộng hòa là gì, và cũng chẳng biết gì về hiến pháp và cũng không có một ý niệm gì về bình đẳng và tự do. Khi lật đổ chính thể quân chủ và thiết lập chế độ cộng hòa, nhiều người tưởng rằng họ sẽ không còn phải lễ phép với ai nữa, và có thể làm bất cứ điều gì họ thích. Ngay lúc Hoàng Đế bị hạ bệ, quyền hành của chính phủ trung ương bị hủy diệt. Dù bất kể ai đứng đầu quốc gia cũng không tái lập được trật tự hòa bình, trừ phi phải tái lập chế độ quân chủ.” Khi bị các nhân vật trong Chính Phủ cật vấn, Viên Thế Khải vẫn phủ nhận ý định tái lập đế chế của mình. Viên Thế Khải nhân cơ hội này thành lập một Hội Trù An, gồm nhiều học giả, và yêu cầu họ nghiên cứu và cân nhắc những sự hơn thiệt của việc tái lập nền quân chủ. Viên Thế Khải long trọng tuyên bố: ”Sự thay đổi chính thể của một quốc gia cần phải làm một cách thực thận trọng.” Viên Thế Khải đề nghị mở một cuộc trưng cầu dân ý để giải quyết vấn đề quốc thể. Nhưng họ Viên lại lý luận rằng việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi hỏi một thời gian khá lâu dài, trong lúc quốc dân nóng lòng mong đợi nên phải gấp rút giải quyết bằng cách thành lập một ủy ban Thỉnh Nguyện Ý Dân, gồm 1993 người cũng do Hội Trù An điều hành. Ủy ban này có nhiệm vụ đi thu thập những lời thỉnh cầu của các tỉnh, nộp cho Tham Chính Viện để trình lên tổng thống để giải quyết vấn đề Quốc Thể. Tháng 10 năm Dân Quốc thứ 4, tất cả 1993 ủy viên này đều bỏ phiếu tán thành tái lập nền quân chủ vì tất cả đều là người của Viên Thế Khải bổ nhiệm. Không những thế, ủy ban còn tôn Viên Thế Khải lên làm tân Hoàng Đế nữa. Ủy Ban Thỉnh Cầu Ý Dân trịnh trọng tuyên bố: “Long trọng đại diện quan điểm của quần chúng, chúng tôi thỉnh cầu tổng thống Viên Thế Khải lên ngôi Thiên Tử để mưu cầu phúc lợi cho trăm họ.” Viên Thế Khải rất đẹp lòng chấp nhận lời thỉnh cầu này, và định ngày mùng một tháng Giêng năm sau sẽ lên ngôi, và lấy niên hiệu là Hồng Hiến. Tại Trung Hoa, biểu tượng quyền hành là chiếc ngọc tỷ. Viên Thế Khải sai người tới Cấm Thành và đòi lấy ngọc tỷ của Phổ Nghi. Vị tiểu Hoàng Đế chín tuổi này rất đỗi kinh hoàng trước các biến chuyển của tình thế. Các vị sư phụ của Phổ Nghi từng giảng dậy Phổ Nghi nhiều lần rằng: “Không thể có hai mặt trời bên trên và bên dưới không thể có hai vua trong một nước.“ Như vậy sự lên ngôi hoàng đế của Viên Thế Khải có nghĩa là bản án tử hình cho Phổ Nghi. Phổ Nghi biết rằng trong lịch sử Trung Hoa đã xảy ra rất nhiều vụ giết vua để tranh ngai vàng. Giữa hai kẻ tranh nhau một ngai vàng thì kẻ yếu thế nhất định phải chết, không có một sự hòa giải nhân đạo. Trong thời Xuân Thu giữa thế kỷ thứ sáu và thứ bảy trước Tây Lịch, đã có tới 36 vụ giết vua để tranh chức thiên tử. Tuy nhiên ngọc tỷ của Phổ Nghi tỏ ra không thích hợp cho Viên Thế Khải, vì ngọc tỷ này được khắc bằng hai thứ tiếng Trung Hoa và Mãn Châu. Viên Thế Khải muốn khai sáng một triều đại mới hoàn toàn Trung Hoa, nhằm tiếp nối sự vinh quang của những hoàng đế cuối cùng của nhà Minh. Trong khi đó, giới quý tộc Mãn Châu rất lo ngại cho mạng sống của Phổ Nghi, và bí mật thương thuyết một giải pháp với Viên Thế Khải. Giới quý tộc Mãn Châu đồng ý ủng hộ Viên Thế Khải làm hoàng đế, nhưng đổi lại Viên Thế Khải phải tôn trọng các điều kiện ưu đãi dành cho Phổ Nghi và người Mãn Châu. Viên Thế Khải nồng nhiệt bảo đảm sự an toàn cho Phổ Nghi. Để chứng tỏ thực tâm của mình, Viên Thế Khải còn đề nghị gả con gái cho Phổ Nghi nữa. Người ta không biết rõ một người nham hiểm tráo trở như Viên Thế Khải có giữ đúng lời hứa hay không, nhưng các giới quý tộc Mãn Châu không còn cách nào hơn là tuân theo thỏa hiệp đã đạt với họ Viên. Vào cuối năm 1915, Viên Thế Khải bắt đầu sửa soạn cho viêc lên ngôi. Lúc đó các quốc gia Tây phương đang mải mê với cuộc đệ nhất thế chiến tại Âu Châu, để mặc Nhật Bản một mình một chợ tại Á Châu. Nhật Bản muốn thừa dịp này thay thế các nước Tây phương để chiếm địa vị Minh Chủ Á Đông và phá cuộc diện cơ hội đẳng quân của Tây phương tại Trung Hoa. Nhật Bản biết Viên Thế Khải đang vận động đế chế và có thể lợi dụng Viên Thế Khải để đạt mục tiêu của Nhật. Trước hết Nhật tuyên chiến với Đức, với tư cách đồng minh của Anh Quốc. Nhật yêu cầu hạm đội Đức phải rút ra khỏi biển Nhật Bản và biển Trung Hoa, và giao nhượng địa Giao Áo của Đức cho Nhật. Đức không trả lời. Nhật liền tấn công Giao Áo, nhưng lại cố tình đổ bộ lên Long Khẩu là đất của Trung Hoa, rồi tiến chiếm Tế Nam. Viên Thế Khải phản đối Nhật Bản thì người Nhật gửi cho Viên Thế Khải một bản 21 điều khoản yêu sách, đòi thừa kế tất cả chủ quyền của Đức tại Sơn Đông và các đặc quyền tại Mông Mãn và Hoa Bắc. Sau hơn bốn tháng đàm phán, Viên Thế Khải phải thừa nhận các điều khoản của Nhật. Từ đó Nhật thay thế Anh và Nga làm chủ tình tình tại Đông Á, và Trung Hoa trở thành một chư hầu của Nhật. Hoa Kỳ là nước duy nhất phản đối sự bành trướng của Nhật, nhưng không có kết quả gì. Sự nghiệp chính trị của Viên Thế Khải thực ra chỉ là một chuỗi những sự phản bội. Trước hết Viên Thế Khải phản bội vua Quang Tự, rồi phản bội nhà Mãn Thanh, phản bội chính thể Cộng Hòa, và bây giờ phản bội ngay chính nước Trung Hoa vì quyền lợi riêng của mình. Nhưng Viên Thế Khải gặp một sự chống đối mạnh mẽ nhất từ mọi phía. Bây giờ không còn ai tin được Viên Thế Khải nữa, vì họ Viên phản bội mọi người. Ngay khi Viên Thế Khải nhận làm Hoàng Đế thì Thái Ngạc, nguyên là đô đốc của Vân Nam, bỏ trốn về Vân Nam và cùng Đường Kế Nghiêu đánh điện xin Viên Thế Khải thủ tiêu đế chế, và tuyên bố độc lập đối với Bắc Kinh. Thái Ngạc đem quân lấy Tứ Xuyên, Lý Liệt Quân chiếm Quảng Đông. Viên Thế Khải sai Tào Côn và Ngô Bội Phu chống lại Thái Ngạc, Long Tế Quang chống lại Lý Liệt Quân. Nhưng các tỉnh Quảng Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Thiểm Tây, Quý Châu cũng lần lượt theo nhau tuyên bố độc lập. Đến đây các bộ hạ thân tín nhất của Viên Thế Khải là Đoàn Kỳ Thụy và Phùng Quốc Chương tại miền Bắc cũng theo phe miền Nam phản đối đế chế. Sự chống đối Viên Thế Khải bây giờ cũng lan nhanh và rộng như cuộc cách mạng chống nhà Thanh năm 1911. Thực vậy, năm 1916, khắp Trung Hoa đều chống lại Viên Thế Khải và họ Viên trở thành một lãnh tụ cô đơn tại Bắc Kinh. Khi bị quân đội miền Bắc chống lại thì Viên Thế Khải biết rằng giấc mộng làm vua không thể thành tựu được. Họ Viên liền ra lệnh thủ tiêu ý định làm hoàng đế, và còn chỉ giữ chức tổng thống mà thôi. Nhưng các phe chống đối không chịu, nhất định bắt Viên Thế Khải phải từ bỏ tất cả quyền hành. Đang quyền uy nhất nước, một bước nữa lên ngôi vua bỗng nhiên tay trắng, Viên Thế Khải vô cùng uất hận. Trong một cơn giận không kềm chế được, Viên Thế Khải xách kiếm đạp cửa phòng một người hầu thiếp yêu dấu nhất trong số hai mươi người vợ của họ Viên, đặc biệt là người hầu thiếp xinh đẹp này vừa mới hạ sinh một con trai cho nhà họ Viên. Khi bước vào phòng, Viên Thế Khải trông thấy người hầu thiếp đang nằm ôm đứa con vừa mới sinh. Trong một cơn giận dữ mất trí, Viên Thế Khải vung kiếm đâm chết hai mẹ con. Một tuần sau đó, Viên Thế Khải quá ưu uất một sớm một chiều mất hết quyền lực, và cũng vì lòng đau đớn hối tiếc đã giết vợ và con, nên Viên Thế Khải bị đứt gân máu và chết vào ngày 6 tháng 6 năm 1916. °°° Tuy Viên Thế Khải đã chết, nhưng ý tưởng phục hồi đế chế của họ Viên như là một hạt giống đã gieo xuống rồi, thì không thể không nẩy mầm trong lòng giới quý tộc Mãn Châu. Tin Viên Thế Khải chết là một tin rất vui mừng cho phe Phổ Nghi và Mãn Thanh. Sau này Phổ Nghi kể lại: “Tin Viên Thế Khải chết được tiếp nhận với một niềm cực kỳ hoan lạc bên trong Cấm Thành. Các thái giám chạy loạn xạ để báo tin mừng, và các mẫu hậu vội thắp hương bái tạ thần thánh, và hôm đó tôi không phải đi học.” Bên trong Tử Cấm Thành, mọi người đều nghĩ rằng thời cơ đã tới để phục hồi ngai vàng của nhà Thanh. Người Mãn Châu tin rằng Viên Thế Khải thất bại không lập được đế chế là vì họ Viên không có các tiên đế phù trợ, trong khi đó người Mãn Châu có thể trông cậy vào thần linh của các đấng anh quân của nhà Thanh. Chính vì thế bên trong Cấm Thành nao nức chờ đợi sự tái lập ngai vàng của nhà Thanh. Giới quý tộc đã tính tới việc phong tước cho những người đã chết, và họ bắt đầu cắm lông công trên mũ. Họ cũng bận rộn tuyển thêm con gái vào cung hầu hạ các hoàng hậu và mua thêm thái giám. Trong những bữa tiệc liên miên, họ bàn thảo thương thuyết với các nhân viên chính phủ cộng hòa và các đại biểu trong Tham Chính Viện để tìm cách đưa Phổ Nghi trở lại ngai vàng. Chính lãnh tụ Nga sô Lê-Nin cũng vội vàng kết luận rằng các cố vấn của Phổ Nghi đã thành công kết hợp được giới phong kiến, giới thư lại và tôn giáo Trung Hoa để phục hồi lại nhà Đại Thanh. Năm 1917, phong trào phục hưng nhà Thanh đã lên tới cực điểm. Một sứ quân là Trương Huân đã tự nguyện phụng sự cho Phổ Nghi. Trương Huân đã từng chỉ huy quân Thanh chống lại quân Pháp tại Bắc Việt và trong cuộc cách mạng Tân Hợi 1911, Trương Huân đứng về phía nhà Mãn Thanh. Trương Huân là một người tôn thờ Khổng Tử và tuyên bố: “Tất cả các viên chức của chính quyền cộng hòa đều là thần dân của hoàng đế nhà Đại Thanh.” Trương Huân bày tỏ lòng trung thành với nhà Thanh bằng cách không chịu cắt bỏ mớ tóc đuôi sam của mình. Tất cả đạo quân hai mươi ngàn người của Trương Huân cũng không chịu cắt tóc, và được gọi là “đạo quân đuôi heo.” Theo tục lệ của người Mãn Châu, không ai được phép hiện diện khi hoàng đế tiếp kiến một nhân vật cao cấp trong chính phủ. Khi Trương Huân vào Cấm Thành để bái yết Phổ Nghi, thì Phổ Nghi được chỉ dẫn cách cư xử đúng tư cách của một thiên tử đối với một thần dân trung thành, và cũng là một tướng tư lệnh của chính phủ cộng hòa. Phổ Nghi được dặn dò phải khen ngợi lòng trung thành của Trương Huân đối với triều đình nhà Thanh, và phải trả lời các câu hỏi của Trương Huân một cách vừa phải để giữ tính cách thiêng liêng thần thánh của một bậc thiên tử. Tiểu hoàng đế mặc áo long bào ngồi trên ngai vàng và Trương Huân quỳ gối khấu đầu theo đúng nghi lễ hoàng gia cổ truyền. Từ lúc Phổ Nghi thoái vị, hình thức trong triều đã dân chủ hóa rất nhiều và các quan lại không phải quỳ tâu trình Phổ Nghi như trước nữa. Bây giờ Phổ Nghi đối xử với Trương Huân một cách dễ dãi và chỉ cho Trương Huân ngồi lên một chiếc ghế gần đó. Khi Trương Huân ngồi xuống ghế, chiếc đuôi sam màu muối tiêu của Trương Huân khẽ vung vẩy theo cử động của Trương Huân. Hình ảnh chiếc đuôi sam vung vẩy đó làm đẹp lòng Phổ Nghi. Trương Huân trịnh trọng mở đầu cuộc bái kiến bằng một lời xu nịnh: “Đức Kim Thượng thực là anh minh.” Lúc đó Phổ Nghi mới chín tuổi rưỡi, nhưng cũng tỏ ra có khả năng ngoại giao, và trả lời Trương Huân một cách bình tĩnh, “Trẫm còn ít tuổi và chưa hiểu biết nhiều.” Trương Huân rất xúc động trước sự khiêm nhường của ông vua trẻ. Trương Huân nhắc đến một vị vua nổi tiếng của nhà Đại Thanh là vua Khang Hy, “Đức tiên đế Khang Hy cũng lên ngôi vào lúc còn rất trẻ.” Phổ Nghi vội ngắt lời Trương Huân: “Làm sao ta có thể ví với tổ tiên anh minh như thế?” Cuộc đối thoại cứ tiếp diễn như vậy, và Trương Huân rất đỗi thán phục sự khiêm tốn và thông minh của Phổ Nghi. Phổ Nghi cũng rất hài lòng với sự cư xử của mình. Đây là lần đầu Phổ Nghi bước vào chính trường, một nơi người ta đấu trí với nhau bằng lời nói, bằng xảo thuật và bằng mưu trí. Phổ Nghi kể lại: “Tôi tự hỏi tại sao Trương Huân xin bái kiến tôi, hoặc tại sao các sư phụ của tôi lại tỏ ra khích động hào hứng như vậy, và cũng lấy làm lạ tại sao hoàng cung lại tặng cho Trương Huân nhiều đồ quý giá như thế, và tại sao các mẫu hậu lại phải mở yến tiệc khoản đãi Trương Huân.” Khoảng hai tuần sau đó, vào ngày 1 tháng 7, Trương Huân trở lại Cấm Thành dẫn theo quân đội riêng của mình. Khi được báo tin Trương Huân trở lại, thoạt đầu Phổ Nghi tưởng Trương Huân đến để tỏ lòng tôn kính mình. Nhưng Phổ Nghi vô cùng kinh ngạc và mừng rỡ khi được biết Trương Huân trở lại với mục đích đứng ra phục hồi ngai vàng của nhà Đại Thanh. Khi gặp Phổ Nghi, Trương Huân long trọng trình bày: “Một chính phủ cộng hòa không thích hợp với quốc gia của chúng ta. Chỉ có sự phục hồi Ngai Vàng của Chúa Thượng mới cứu vớt được trăm họ. Xin Thánh Thượng chuẩn nhận sự thỉnh cầu này.” Phổ Nghi đẹp lòng tuyên phán, “Trẫm còn trẻ quá và tài hèn đức bạc...Nhưng nếu tình thế như vậy thì Trẫm sẽ đành bắt buộc phải làm điều khanh yêu cầu.” Cuộc hội kiến giữa Trương Huân và Phổ Nghi vừa chấm dứt thì các thái giám vội vàng chạy đi lấy tất cả chín đạo dụ đã viết sẵn. Đạo dụ thứ nhất tuyên cáo Phổ Nghi trở lại ngai vàng, và một đạo dụ khác bổ nhậm một Hội Đồng Nhiếp Chính gồm bảy người, và Trương Huân đứng đầu Hội Đồng Nhiếp Chính. Một lần nữa, chính trường Trung Hoa lại xao động vào giữa nửa đêm. Khoảng 4 giờ sáng ngày 1 tháng 7, trong lúc quân đội dưới quyền chỉ huy của Trương Huân bắt đầu bố trí các yếu điểm tại Bắc Kinh, thì Phổ Nghi bước lên ngôi vua lần thứ hai trong tuổi niên thiếu của mình. Chung quanh Phổ Nghi lúc đó là giới quý tộc Mãn Châu và giới quan lại người Trung Hoa hợp tác với Thanh triều. Sáng hôm sau, thủ đô Bắc Kinh trở dậy để thấy đạo quân đuôi sam của tướng quân Trương Huân canh gác các công thự, và lá cờ màu vàng vẽ hình một con rồng có năm móng vuốt phất phới trên Cấm Thành. Lá cờ này là biểu tượng của nhà Thanh. Dân chúng xúm xít đọc báo chí buổi sáng, và đọc cho nhau nghe một đạo dụ mới của triều đình. “Trong lúc còn nhỏ, Trẫm được trao cho cơ nghiệp của nhà Đại Thanh, và lúc ấy Trẫm cô đơn một mình, nên đã không thể đương đầu được với mọi khó khăn xẩy ra. Vì thế chủ quyền quốc gia đã được trao cho toàn dân với hy vọng rằng những tranh chấp sẽ không còn nữa, và những xáo trộn sẽ chấm dứt và trăm họ có thể sống trong an bình. Nhưng kể từ khi chính thể quốc gia đổi thành chính thể cộng hòa, những cuộc tranh chấp vẫn tiếp tục, và chiến tranh đã xảy ra. Những sự việc đáng tiếc như dùng bạo lực để chiếm đoạt tài sản của người khác, và thuế má gia tăng quá đáng đã xảy ra hàng ngày... Bởi vậy trẫm đã ngày đêm cầu nguyện Hoàng Thiên, suy ngẫm và than khóc thầm lặng cho sự đau khổ của trăm họ. Bây giờ trẫm quyết định tạo lập một sự khởi đầu tốt đẹp cho trăm họ.” Tại Bắc Kinh, lòng ngưỡng vọng và ủng hộ chế độ quân chủ thực là nồng nhiệt, đặc biệt đây là cơ hội làm giàu cho một số người. Các thợ may làm việc ngày đêm không đủ sản xuất các lá cờ thêu hình rồng để cung cấp cho nhu cầu của quần chúng, các tiệm quần áo cũ tràn ngập khách hàng tìm mua các áo quần áo cũ của người Mãn Châu; người ta đổ xô tới các rạp hát để tìm những mớ tóc giả làm bằng đuôi ngựa. Báo chí phải in thêm những số đặc biệt. Khắp nơi tràn ngập một màu vàng rực rỡ, màu tượng trưng của nhà Đại Thanh. Sự kiện vị tiểu hoàng đế bị cưỡng bức thoái vị này trở lại ngai vàng đã làm cả thế giới kinh ngạc, mặc dầu lúc đó người ta đang quan tâm đến các chiến cuộc tại Âu Châu. Nhưng tờ Thời Báo của Anh quốc viết: “Hãy còn quá sớm để xác nhận những sự kiện gần đây là một cuộc phục hưng nền quân chủ tại Trung Hoa, bởi vì chỉ có hình thức xuất hiện chứ chưa thấy tinh thần. Chúng ta chưa biết phản ứng của dân chúng miền Nam, nơi chế độ cộng hòa được ưa thích hơn là tại miền Bắc.” Tờ Thời Báo có lẽ phản ảnh quan điểm của bộ Ngoại Giao Anh, cho rằng các đạo dụ thoái vị của nhà Thanh chỉ nói triều đình không cai trị nữa, thì không đủ yếu tố làm thành một cuộc thoái vị. Sự sơ hở này là cơ hội tạo ra một cuộc phục hưng. Nhưng bộ Ngoại Giao Anh đi đến một kết kuận: “Điều Trung Hoa cần có là một hình thức chính phủ ổn định, không tham nhũng và tiến bộ, và triều đình Mãn Thanh không thể tạo ra được một chính phủ như thế.” Cùng lắm thì Phổ Nghi sẽ trở thành một vị hoàng đế bù nhìn trong tay những tay phiêu lưu quân phiệt. Trong 48 giờ đầu tiên, Trung Hoa rơi vào một tình trạng vừa cuồng nộ vừa hoang mang. Rồi đến ngày 3 tháng 7, tổng thống thừa kế Viên Thế Khải là Lê Nguyên Hồng đang bị quản thúc tại gia tại Bắc Kinh, đã tìm cách trốn ra khỏi nhà vào ban đêm, và xin tỵ nạn chính trị tại tòa đại sứ Nhật Bản, sau khi bị tòa đại sứ Pháp từ chối không cho vào. Từ nơi trú ẩn, Lê Nguyên Hồng cho biết, ngay khi quân đội của Trương Huân tiến vào Bắc Kinh thì Lê Nguyên Hồng đã chuyển ấn tín tổng thống đến một căn cứ quân sự cộng hòa tại Thiên Tân. Đối với người Trung Hoa thì ấn tín tượng trưng cho quyền hành. Lê Nguyên Hồng viết: “Tôi được dân chúng tin tưởng và giao phó trọng trách, vì thế tôi có bổn phận phải bảo vệ chế độ cộng hòa cho tới cùng. Tôi đã gửi ấn tín về Thiên Tân, và tôi bổ nhiệm tướng quân Đoàn Kỳ Thụy làm thủ tướng và ra lệnh cho Đoàn thủ tướng phải bảo vệ ấn tín.” Đoàn Kỳ Thụy tuân lệnh Lê Nguyên Hồng, và lập tức điều động quân đội cộng hòa đang chia rẽ nhau, và ra một tuyên cáo xác định rằng, những sự tranh chấp nội bộ giữa người Trung Hoa chỉ mời gọi sự can thiệp của ngoại bang và có thể đưa Trung Hoa tới hiểm họa diệt vong. Đoàn Kỳ Thụy kêu gọi các nhóm cộng hòa đang chống đối nhau: “Đứng trước biến cố trọng đại này, sự phẫn nộ của chúng ta là một.” Thực vậy, phe cộng hòa nhận thức được rằng đứng trước viễn ảnh nhà Thanh phục hưng và quyền lực sẽ được tập trung vào tay một dòng họ, phe cộng hòa thấy cần phải đoàn kết vì họ bây giờ có cùng một mục tiêu. Nội chiến đang hăm dọa Trung Hoa. Phe cộng hòa biết rằng nếu dùng biện pháp mạnh để hạ bệ Phổ Nghi thì dân chúng Mãn Châu bên ngoài Vạn Lý Trường Thành sẽ phẫn nộ, và hậu quả có thể đưa tới sự phân chia Trung Hoa làm hai quốc gia dọc theo Vạn Lý Trường Thành, và chắc chắn người Nhật sẽ nhẩy vào ăn có, lấy cớ ủng hộ và bảo vệ Mãn Châu. Bản tuyên cáo của Đoàn Kỳ Thụy đã thành công giữ được thể diện cho Phổ Nghi và ngăn được sự phân hóa Mãn Châu. Bản tuyên cáo đã buộc tội những kẻ lợi dụng danh nghĩa của Phổ Nghi để hoàn thành mục tiêu lật đổ nền cộng hòa. Bản tuyên cáo còn ca ngợi người Mãn Châu đã thành thực và khiêm tốn nhường lại quyền cho quốc dân một cách hòa bình, và chấm dứt hơn hai mươi triều đại trong lịch sử Trung Hoa. Bản tuyên cáo còn nói: “Không triều đại nào có thể so sánh với nhà Đại Thanh về hòa bình và an ổn. Thiếu đế đã bị lôi lên ngai vàng trở lại trái với ý muốn của ngài. Lịch sử đã cho chúng ta biết không một triều đại nào có thể tồn tại mãi mãi. Thực là một ân điển vô tiền khóang hậu khi nhà Thanh đã có thể chấm dứt bằng một sự đãi ngộ đặc biệt. Đem đặt nhà Thanh lên đỉnh một bức tường để có thể bị đổ xuống một lần nữa thì thực là ngớ ngẩn.” Như vậy vừa tha thứ cho Phổ Nghi vừa đe dọa triều đình Mãn Thanh rằng, nếu triều đình chịu hàng phục một cách hòa bình thì các điều khoản đặc biệt đối với người Mãn Châu vẫn còn được áp dụng. Nếu làm trái lại thì cả Phổ Nghi và người Mãn Châu sẽ bị nguy hiểm. Quân đội cộng hòa thống nhất bắt đầu tiến vào Bắc Kinh. Mười ngày sau, sau một vài trận đụng độ, quân đội cộng hòa đã bao vây được kinh đô. Ngày 7 tháng 7, quân đội cộng hòa sử dụng một chiếc máy bay và làm chủ không phận Bắc Kinh và oanh tạc Cấm Thành. Phổ Nghi kể lại kinh nghiệm được chứng kiến cảnh máy bay oanh tạc Cấm Thành: “Ngày hôm ấy tôi đang ngồi trong lớp học nói chuyện với các sư phụ của tôi. Tôi kinh sợ đến run rẩy cả người và mặt các sư phụ của tôi tái xanh khi nghe thấy một tiếng bom nổ.” Cấm Thành hoàn toàn rối loạn khi chiếc phi cơ nhào xuống Cấm Thành. Có thể viên phi công thiếu kinh nghiệm hoặc kỹ thuật oanh tạc lúc đó chỉ mới phôi thai, nên ba trái bom liệng xuống không gây thiệt hại mấy. Một trái rơi xuống hồ sen; trái thứ hai rơi xuống mái cổng Tây Môn, tại đó một số đông thái giám đang ngồi đánh bạc, nhưng trái bom không nổ; trái thứ ba rơi xuống bên ngoài cổng và làm bị thương một phu khiêng kiệu. Sau ba trái bom này, trong Cấm Thành nghe thấy tiếng súng nổ mỗi lúc một gần hơn. Đến đây thì công cuộc phục hưng nhà Thanh tan rã hoàn toàn. Phổ Nghi viết: “Những trái bom trừng phạt quân của Trương Huân đã thay đổi cực diện hoàn tòan. Bây giờ không còn ai đến khấu đầu với tôi nữa, và cũng không còn các đạo dụ của triều đình nữa, và tất cả các nhiếp chính của tôi biến mất, trừ một vị sư phụ trung thành nhất của tôi là Trần Bảo Châu là còn đứng với tôi.” Trương Huân bỏ trốn vào tòa Đại Sứ Hòa Lan. Khi quân đội cộng hòa chiến thắng tiến vào Bắc Kinh ngày 12 tháng 7, người ta có thể lượm được rất nhiều mớ tóc đuôi sam của quân lính trong đạo quân của Trương Huân; họ quá hoảng sợ nên vội vàng cắt tóc và liệng bỏ ngoài đường phố. Trong hoàn cảnh ấy, triều đình vội vàng ban hành sắc lệnh thoái vị một lần nữa, một lần thứ hai trong quãng đời niên thiếu của Phổ Nghi. Đạo dụ thoái vị lần thứ hai này làm Phổ Nghi hoảng sợ và òa khóc. Có lẽ Phổ Nghi cảm thấy rằng sẽ chẳng bao giờ lấy lại được ngôi vua nữa, từ nay không còn cơ hội phục hồi lại cơ nghiệp nhà Đại Thanh nữa. Bản đạo dụ thoái vị lần này cũng giống như bản thoái vị lần trước, cũng dùng đặc những chữ nghĩa của Khổng Tử. “Vì trẫm còn trẻ và vì sống trong Cấm Thành nên đã nghe lời xàm tấu của Trương Huân cho rằng quốc gia đang rối loạn. Trẫm được yêu cầu đứng ra cứu giúp quốc gia và trăm họ, nên trẫm đành phải quên mình vì quốc dân mà phải trở lại nắm quyền hành. Nhưng viễn ảnh một cuộc nội chiến đã thay đổi tất cả. Trăm họ đã phải chịu cảnh khổ cực trong bao nhiêu năm, và hoàn cảnh của họ thực bi đát như tình cảnh của một người chết đuối. Như vậy làm sao trẫm có thể để trăm họ cực khổ thêm vì nạn chiến tranh? Nghĩ đến những điều đó, trẫm thực tình áy náy và không thể yên nghỉ được. Bởi vậy trẫm quyết định sẽ không nắm quyền chính trị nữa.” Tuy nhiên đạo dụ thoái vị này không được công bố. Trái lại chính phủ cộng hòa ra một bản tuyên cáo rằng việc phục hồi triều đình nhà Thanh là man trá, và Phổ Nghi chỉ là một đứa trẻ sống cô lập bên trong Cấm Thành nên không còn có một chọn lựa nào khác. Vì hai lý do sau đây, chính phủ cộng hòa đã phải ngăn chặn việc phục hồi nền quân chủ. Trước hết là chính phủ sợ việc phục hồi đế chế bị thất bại này có thể khuyến khích việc tách rời các tỉnh miền Bắc bên ngoài Vạn Lý Trường Thành ra khỏi Trung Hoa, và sẽ bị quân Nhật xâm chiếm. Thứ hai là vì tình trạng chính trị bất ổn. Sở dĩ cuộc phục hồi ngai vàng có cơ hội bùng lên là vì một số tướng lãnh quân đội cộng hòa đi hai hàng để thủ lợi cho cá nhân mình. Mặc dầu sự lầm lỗi phục hồi đế chế là do Trương Huân, nhưng chính phủ cộng hòa vẫn khoan dung cho Trương Huân, vì Trương Huân có đủ tài liệu chứng minh nhiều viên chức cao cấp của phe cộng hòa cũng âm mưu việc phục hồi đế chế. Phổ Nghi rất lấy làm hoan hỉ khi thấy rất nhiều tướng quân và các lãnh tụ cộng hòa là những người nồng nhiệt ủng hộ chế độ quân chủ, và họ chủ trương phải bảo vệ Phổ Nghi. Trong lúc đó họ tranh nhau chức vụ trong Hội Đồng Nhiếp Chính. Thực ra các kẻ thù chống lại Phổ Nghi không có ý chống lại chế độ quân chủ. Điều họ lo lắng nhất là ai sẽ là Thiên tử. Sau khi vụ phục hồi đế chế bị chết yểu, người ta nghĩ rằng nếu sự phục hồi do Từ Thế Xương lãnh đạo, thì đã có cơ thành công hơn là do viên tướng vô mưu thiếu khả năng chính trị Trương Huân. Một năm sau, Từ Thế Xương được cử làm tổng thống. Cấm Thành lại một lần nữa bùng lên những làn sóng hy vọng một cuộc trở lại, vì Từ Thế Xương vốn là Đại Sư Phụ của Phổ Nghi. Hành động đầu tiên của tổng thống Từ Thế Xương là ân xá cho tướng Trương Huân trong việc phục hồi nhà Thanh. Từ Thế Xương còn làm lễ tạ trời đất theo nghi lễ của Khổng Tử, và kêu gọi học lại các kinh sách cũ của Khổng Tử. Trong bất cứ trường hợp nào, Từ Thế Xương cũng vẫn gọi nhà Thanh là “triều đại hiện tại” và gọi Phổ Nghi là đương kim hoàng đế. Người ta e ngại một cuộc phục hồi đế chế lần thứ ba có thể xảy ra. Một lần trong một buổi dạ tiệc trong Đại Nội, tổng thống Từ Thế Xương đã xác nhận rằng ông nhận chức tổng thống là để phục hồi lại chức vị hoàng đế, và sẽ đóng vai nhiếp chính cho vị tiểu hoàng đế. Người Mãn Châu rất khó xử trước vấn đề này, vì nhiếp chính vương không phải là người Mãn Châu. Đáng ngờ hơn nữa là Từ Thế Xương đề nghị Phổ Nghi kết hôn với con gái ông ta là một người Hán và phong chức hoàng hậu cho con gái ông ta. Người Mãn Châu không bao giờ chấp nhận một người con gái nòi Hán mà lại được ở trong cung với một thiên tử! Nếu việc ấy xảy ra thì các đấng tiên đế của Phổ Nghi sẽ phải cau mày uất hận dưới mồ. Kể từ đó trong Cấm Thành không còn hào hứng với Từ Thế Xương nữa. Trong khi đó chức vị của Từ Thế Xương ngày càng bất lực, trong khi các sứ quân chia rẽ, mạnh ai nấy lộng hành. Trong bối cảnh đó hai nhân vật Trung Hoa nổi bật và nắm vai trò lãnh đạo Trung Hoa, đó là Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Có lẽ hai nhân vật này sinh ra để trở thành hai kẻ tử thù với nhau, trong một cuộc tranh chấp quyền lãnh đạo Trung Hoa quyết liệt nhất kéo dài trên nửa thế kỷ. Năm 1911, vào lúc hai mươi ba tuổi, Tưởng đã học quân sự tại một trường quân sự của Mãn Châu. Sau đó, Tưởng cắt mớ tóc đuôi sam và gia nhập cuộc cách mạng chống lại triều đình. Lúc đó các sứ quân mỗi người hùng cứ một tỉnh, và quyền hành mỗi lúc một bành trướng, vì hoàn cảnh vô chính phủ của Trung Hoa. Năm 1919, cuộc nội chiến đã phân chia Trung Hoa thành hai miền Nam Bắc. Tuy nhiên khi các sứ quân ngày một mạnh, người ta thấy xuất hiện một nét đặc thù chính trị tại Trung Hoa: Đó là sự xuất hiện của đảng phái chính trị. Quan niệm đảng phái chính trị xuất phát từ Tây phương, nhưng các đảng phái chính trị Trung Hoa lúc đầu không giống những chính đảng tại Âu Châu, trừ hai đảng Cộng sản và đảng Phát xít bắt nguồn từ Âu Châu. Mục tiêu quan trọng nhất của các chính đảng Trung Hoa lúc đó là làm sao nắm được chính quyền, và muốn quần chúng để ý tới tư tưởng chính trị của họ. Điều này phản ảnh trung thực đường lối chính trị cổ truyền Trung Hoa, trong đó nhiệm vụ của những kẻ nắm được quyền hành thường đặt ra một gương mẫu cho quần chúng noi theo. Chính vì thế trong giai đoạn này, Trung Hoa bị phân chia ra làm nhiều khu vực”độc lập” và “bán độc lập,” trong khi các sứ quân luôn luôn tìm cách tấn công nhau và các đảng chính trị cũng kình chống nhau trong mục đích làm chủ quốc gia. Trong nhiều trường hợp, các đảng chính trị cũng bắt chước đường lối của các sứ quân. Chẳng hạn Quốc Dân Đảng của Tôn Văn và đảng Cộng sản đều tổ chức quân đội riêng. Vào lúc có các phong trào phục hồi đế chế thì Tưởng Giới Thạch là một sĩ quan cấp nhỏ đang có nhiều triển vọng. Lúc đó Mao Trạch Đông còn để tóc đuôi sam, và đang học theo đường lối cổ truyền. Cũng giống Tưởng, Mao Trạch Đông cũng cắt bỏ mái tóc đuôi sam và gia nhập phong trào phản Thanh. Mao là một người có bản chất láu cá, ma lanh, bắt nạt các thanh niên ốm yếu, không chịu cắt bỏ mớ tóc đuôi sam, nhưng khi một lần có cuộc xung đột giữa sinh viên và quân lính thì Mao bỏ chạy vào cầu tiêu, nấp trong đó cho đến lúc cuộc xung đột chấm dứt rồi mới dám ló đầu ra. Sau cuộc phục hưng ngai vàng cho Phổ Nghi năm 1917 thất bại, Mao Trạch Đông lần mò tới Bắc Kinh. Lúc đó Mao mới hai mươi sáu tuổi và lần đầu được trông thấy Cấm Thành. Mao ở lại chốn kinh đô và kiếm được một chức vụ nhỏ trong thư viện tại Bắc Kinh, và dần dần trở thành một phần tử Mác Xít. Mặc dầu Phổ Nghi không bao giờ gặp Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, nhưng số phận của cả ba người dường như đã nối liền với nhau. Trong lúc thế chiến thứ nhất tại Âu Châu đang chấm dứt với hội nghị Versailles thì người Mãn Châu vẫn tiếp tục âm mưu và hoạt động cho việc phục hồi nhà Thanh. Nhìn cảnh hỗn loạn vô chính phủ tại Trung Hoa lúc đó đang bị xâu xé bởi các sứ quân, người Mãn Châu tin rằng thiên mệnh vẫn còn thuộc về nhà Thanh. Người Mãn Châu nghĩ rằng cuộc phục hưng năm 1917 bị thất bại, là vì họ không tìm được sự ủng hộ và bảo vệ của một thế lực ngoại quốc. Sau năm 1917, các phe phản Thanh cực đoan tại Trung Hoa đòi hỏi chính quyền cộng hòa phải chấm dứt các điều kiện ưu đãi cho Phổ Nghi và người Mãn Châu, và đuổi Phổ Nghi ra khỏi Cấm Thành, vì họ nghĩ rằng chừng nào Phổ Nghi còn ở trong Cấm Thành, thì Phổ Nghi vẫn còn là một hăm dọa cho chính thể cộng hòa. Thế chiến tại Âu Châu đã lật đổ nhiều đế quốc, nhiều ngai vàng tại Âu Châu, nhưng người Mãn Châu vẫn không hề sờn lòng và vẫn quyết tâm khôi phục lại sự ngiệp của tổ tiên. Họ cho rằng cái khó của họ là vì Phổ Nghi ở bên trong Cấm Thành, dưới sự canh chừng nghiêm mật của chính phủ cộng hòa, nên không thể có cơ hội liên lạc với người ngoại quốc. Vì thế triều đình cần tìm một đường lối che giấu âm mưu này, và họ tìm thấy đường lối ấy trong việc học của Phổ Nghi. Phổ Nghi cần phải học ngoại ngữ và lúc đó người Anh là kẻ chiến thắng tại Âu Châu, và sức mạnh của Anh đang bành trướng và do đó Phổ Nghi cần phải học tiếng Anh. Chức vụ giáo sư Anh ngữ của Phổ Nghi lúc đầu được giao phó cho một nhà ngoại giao Mỹ, nhưng cuối cùng nhà ngoại giao này phải từ chối vinh dự này, vì ông ta sắp được bổ nhiệm làm Lãnh sự tại Bắc Kinh. Việc lựa chọn một nhà ngoại giao làm giáo sư cho Phổ Nghi thay vì một giáo sư chuyên nghiệp, chứng tỏ âm mưu của triều đình nhà Thanh. Đây quả thực là một vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề giáo dục thuần túy. Sau đó triều đình mời một nhân viên cao cấp của văn phòng thuộc địa Anh Quốc vào chức vụ này. Đó là ông Reginal Fleming Johnston, một người Anh nói lưu loát tiếng Trung Hoa. Johnston đã từng làm việc trên hai mươi năm tại Trung Hoa, và sẵn sàng chấp nhận chức vụ giáo sư cho Phổ Nghi, miễn là cấp trên tại Luân Đôn chấp thuận. Chính phủ Anh mau lẹ chấp thuận cho Johnston vào chức vụ sư phụ cho Phổ Nghi. Thực ra người Anh cũng rất muốn có một người Anh làm tai mắt, và tạo được ảnh hưởng bên trong Cấm Thành. Johnston cũng không phải chỉ muốn vào Cấm Thành để dạy một cậu bé học đọc, học viết tiếng Anh và làm toán mà thôi. Tuy thế ông cũng binh vực nhiệm vụ của ông bên trong Cấm Thành: “Thực là sai lầm khi cho rằng việc dạy học này là một âm mưu nhằm đưa vị tiểu hoàng đế trở lại ngai vàng.” Nhưng Johnston cũng công nhận rằng lúc đó nhiều người Trung Hoa cũng muốn ngai vàng nhà Thanh được phục hồi, kể cả vị đương kim tổng thống của chính phủ cộng hòa. Nhiều người lúc đó muốn rằng Phổ Nghi phải được học về lịch sử và các định chế của các nước Tây Phương, để đề phòng trường hợp chính phủ cộng hòa thất bại thì Phổ Nghi có thể nắm được vai trò lãnh đạo quốc gia trong một thể chế quân chủ lập hiến. Đúng ra Johnston vào Cấm Thành với hai nhiệm vụ: Làm tai mắt cho chính phủ Anh Quốc và cũng là dụng cụ âm mưu phục hồi nhà Thanh của người Mãn Châu. Lúc đó Johnston đã bốn mươi tuổi và vẫn độc thân. Johnston sống một cuộc đời độc thân giữa một thế giới đầy rẫy những người đàn ông đa thê. Tại Trung Hoa lúc đó, người ta có thể mua đàn bà về làm vợ dễ dàng và rẻ như mua lúa gạo. Lúc đó Phổ Nghi được mười một tuổi, và rất ngạc nhiên khi được biết sẽ có một vị sư phụ là người ngoại quốc. Mặc dầu vẫn còn rất trẻ, Phổ Nghi cũng nhận thức rằng mình và người Mãn Châu rất cần có một sự ủng hộ của người ngoại quốc, để có thể sinh tồn được trong biển người Trung Hoa đầy thù nghịch.