rnest biên thư cho tôi: “Đức Giám mục cuồng lên rồi. Ông đang ở tít trên mây. Tối hôm nay, ông sẽ bắt đầu chấn chỉnh cái thế giới khốn khổ của chúng ta. Ông sắp sửa công bố bức thư của ông. Ông báo với anh thế, anh can ngăn không được. Tối hôm nay ông sẽ chủ toạ buổi họp mặt ở I.P.H.55 và sẽ gói thêm bức thư của ông trong phần nhận xét mở đầu. “Anh đến rủ em cùng đi nghe có được không? Dĩ nhiên thể nào ông cũng sẽ thất bại. Em sẽ rất khổ tâm vì thế, cả đức Giám mục cũng vậy. Nhưng đối với em cái đó sẽ là một bài học thực tế rất tốt. Em yêu quý, em cũng biết là được em yêu thì anh tự hào đến thế nào và cũng vì anh muốn được em biết đến giá trị vẹn toàn nhất của anh, cho nên anh muốn chuộc lại trước mắt em cái chỗ có phần nào chưa xứng đáng của anh. Lòng tự hào của anh muốn rằng em sẽ phải tin chắc sự suy nghĩ của anh là đúng đắn và hợp với lẽ phải. Quan điểm của anh thật là tàn nhẫn; nhưng một tâm hồn cao thượng như tâm hồn đức Giám mục cũng thật là hão huyền và sự hão huyền đó sẽ chứng minh cho em thấy người ta bắt buộc phải tàn nhẫn như thế. “Tối nay em đến nhé. Những việc xảy ra có thể rất đáng buồn, nhưng anh cảm thấy rằng nó sẽ chỉ làm cho em gắn chặt với anh hơn nữa thôi”. Tối hôm ấy I.P.H. triệu tập một cuộc họp ở San Francisco [56] để xét vấn đề đạo đức suy đồi và cách bổ cứu. Đức Giám mục Morehouse chủ tọa. Người ngồi trên bục, vẻ mặt rất cáu kỉnh và tôi nhận thấy đầu óc người đang bị căng thẳng ghê gớm. Bên cạnh người là Giám mục Dickinson; bác sĩ Jones khoa trưởng khoa đạo đức học trường đại học California; bà W. W. Hurd, một nhà tổ chức những việc từ thiện nổi tiếng; ông Philip Ward, một nhà bác ái cũng không kém phần nổi tiếng: và nhiều ngôi sao cỡ nhỏ hơn trên nền trời đạo đức và từ thiện. Giám mục Morehouse đứng dậy, cất tiếng đột ngột: “Tôi dong xe ngoài phố. Lúc ấy là ban đêm. Chốc chốc tôi lại nhìn ra ngoài. Mắt tôi bỗng như mở ra và tôi thấy bộ mặt thật của mọi sự. Thoạt tiên tôi giơ tay lên che mặt để khỏi phải nhìn quang cảnh hãi hùng, và rồi trong đêm tối, câu hỏi đã đến với tôi: Phải làm gì? Phải làm gì? Một lát sau, câu hỏi đó lại đến với tôi dưới hình thức khác: Chúa sẽ làm gì? Cùng với câu hỏi, một luồng ánh sáng hình như tràn ngập không trung và tôi nhìn thấy nhiệm vụ của tôi hiện ra chói lọi như ánh mặt trời, cũng như Saul đã thấy nhiệm vụ của mình trên con đường đi Damascus. “Tôi cho dừng xe, bước xuống và sau mấy phút nói chuyện, tôi mời hai cô gái điếm lên ngồi với tôi. Nếu Chúa nói đúng thì hai kẻ khốn khổ kia là chị em của tôi và họ chỉ còn trông vào sự yêu thương trìu mến của tôi để may ra có thể trở nên trong sạch. “Tôi sống ở một phố đẹp nhất San Francisco. Nhà tôi ở trị giá mười vạn đô-la; đồ đạc, sách vở và những tác phẩm nghệ thuật đáng giá chừng ấy nữa. Nhà tôi ở là một dinh thự. Không, đó là một toà lâu đài kẻ ăn người ở ra vào tấp nập. Cho đến nay tôi vẫn không hiểu lâu đài dùng để làm gì. Tôi cứ tưởng dùng để ở. Nhưng bây giờ, tôi biết rồi. Tôi đem hai người gái điếm ngoài phố về lâu đài của tôi, để cho họ ở cùng với tôi. Và tôi hy vọng sẽ mời những chị em xấu số như thế về ở chật tất cả các phòng trong toà lâu đài đó”. Cử toạ mỗi lúc một xôn xao thêm và nét mặt những người ngồi trên bục mỗi lúc một thêm lộ vẻ kinh ngạc và hoảng sợ. Đến nỗi Giám mục Dickinson đứng dậy, bước ra khỏi bục chủ tịch và phòng họp, vẻ mặt rất khó chịu. Nhưng Giám mục Morehouse, mắt tràn đầy những ảo ảnh của mình, quên hết chung quanh và cứ tiếp tục: “Ôi! Các anh em chị em, trong cách xử sự ấy, tôi đã tìm được câu giải đáp cho tất cả những khó khăn của mình. Trước tôi không biết xe cộ dùng để làm gì, nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Nó dùng để chuyên chở những người yếu, người ốm, người già nua; nó dùng để tỏ lòng tôn kính đối với những người đã mất cả đến ý thức về sự tủi hổ. “Trước, tôi không hiểu người ta xây dựng lâu đài để làm gì, nhưng bây giờ tôi đã tìm ra công dụng của nó. Những lâu đài của Nhà thờ cho những người ngã gục bên lề đường, cho những người đang hấp hối”. Đức Giám mục ngừng lại hồi lâu, không đủ sức chống lại sự kiềm chế của những ý nghĩa bên trong và loay hoay tìm cách nào tốt nhất để diễn đạt nỗi lòng mình: “Hỡi những người anh em thân yêu, tôi không đủ tư cách nói với các người bất cứ một điều gì về luân lý. Tôi đã sống quá lâu trong ô nhục, tôi mong gì cưu mang kẻ khác được. Nhưng hành động của tôi đối với hai người đàn bà này, đối với hai người em gái này, đã chỉ cho tôi thấy rằng muốn tìm con đường tốt hơn, kể cũng dễ thôi. Đối với những ai tin ở Chúa và những lời Chúa dạy, giữa con người với con người không thể có mối quan hệ nào khác là quan hệ yêu thương. Lòng yêu thương mạnh hơn tội lỗi, mạnh hơn cả cái chết. Cho nên tôi tuyên bố với những người giàu tiền bạc có mặt ở đây là họ có nhiệm vụ phải làm những điều tôi đã làm và đang làm. Mỗi một người sống sung túc hãy đem một người ăn cắp về nhà đối xử như anh em, hãy đem một phụ nữ xấu số về nhà đối xử như chị em. Như vậy San Francisco sẽ không cần đến lực lượng cảnh sát, đến quan toà nữa; nhà tù sẽ biến thành nhà thương và những kẻ tội phạm sẽ biến đi cùng với các tội ác. “Chúng ta phải hiến cả bản thân chúng ta, không được chỉ được hiến có tiền bạc. Chúng ta phải làm như Chúa đã làm, đó chính là lời kêu gọi của Nhà thờ hôm nay. Chúng ta đã đi lạc ra ngoài giáo huấn của Chúa. Chúng ta đang tự thiêu hủy trong các vạc dầu bằng thịt của chúng ta. Chúng ta đã đặt con bò vàng lên ngai thờ đức Chúa. Tôi có sẵn ở đây một bài thơ tóm tắt hết cả câu chuyện. Tôi muốn đem ra đọc. Bài thơ này do một tâm hồn lạc, nhưng nhận xét sự vật rất sáng suốt viết ra [57]. Đừng nên hiểu lầm rằng nó đả kích vào Nhà thờ Cơ đốc. Nó đả kích vào tất cả mọi Nhà thờ, đả kích vào sự lộng lẫy, sự xa hoa của tất cả những giáo đồ đã đi chệch con đường của Chúa và sống cách biệt những con chiên của Chúa. Bài thơ như sau: Dưới vòm cao tiếng kèn bạc vang ngân; Đám dân lành sụp quỳ trong khiếp sợ; Và tôi thấy giáo chủ thành La Mã. Cưỡi cổ người đi như một thiên thần. Như giáo sĩ, áo chùng Ngài trắng muốt, Như Đức vua, áo choàng Ngài đỏ tươi. Giáo hoàng đi, hào quang toả sáng ngời. Thánh miện ba tầng vàng, trên trán mượt. Trái tim tôi vượt ngàn trùng quá khứ, Đến biển cô đơn, nơi Người [58] lữ thứ, Muốn ngả lưng không tảng đá gối đầu. - Chồn cáo có hang, chim trời có tổ. Riêng mình ta lê bước chân sầu khổ Cạn từng ly nước mắt, muối lòng đau”. Cử toạ xôn xao nhưng không hưởng ứng. Đức giám mục Morehouse không biết thế. Người vẫn quả quyết đi con đường của mình. “Chính vì thế mà tôi nói với những người giàu ở đây, với tất cả mọi người giàu:các ngươi đã chèn ép tàn nhẫn những con chiên của Chúa. Các ngươi đã bịt tai trước những tiếng kêu than trên khắp nước, những tiếng kêu của đau thương, của sầu khổ mà các người không muốn nghe nhưng rồi các người sẽ bắt buộc phải nghe. Chính vì thế cho nên tôi nói…”Nhưng đến đây, ông Jones và ông Ward đã đứng dậy từ trước, liền nắm lấy tay đức Giám mục và dìu người ra khỏi bục, giữa lúc cử toạ sửng sốt ngồi nghẹn thở vì chướng tai gai mắt. Vừa ra ngoài phố, Ernest phá lên cười nghe rất tàn nhẫn và dã man. Cái cười của anh xói vào thần kinh tôi. Tôi cố nén nước mắt và tim tôi như muốn vỡ ra. - Thế là ngài đã truyền bá bức thư của ngài rồi, – Ernest kêu lên. – Cái cử toạ Thiên chúa giáo của đức Giám mục thường ngày rất yêu đức Giám mục. Nhưng khi nhân tính và bản chất dịu hiền kín đáo của đức Giám mục loạn óc. Em có thấy họ dìu ông ra khỏi bục một cách ân cần như thế nào không? Thật đến thánh cũng phải bật cười trước cái cảnh tượng ấy. - Dù sao, những lời đức Giám mục nói và việc người làm tối hôm nay cũng sẽ gây một ấn tượng sâu sắc. - Em tưởng thế à? – Ernest hỏi, giọng giễu cợt. Tôi gật đầu. - Thế nào cũng gây được dư luận, – tôi nói quả quyết. – Anh có thấy lúc người nói, các phóng viên ngồi ghi lia lịa như một lũ điên ấy không?- Báo ngày mai sẽ không đăng một dòng nào đâu! - Em không tin được, – tôi kêu lên. - Rồi em xem, – anh trả lời. – Sẽ không có lấy một dòng, lấy một ý nghĩ của ông đâu! Báo hàng ngày là cái gì? Là sự ỉm những tin tức hàng ngày, có thế thôi. - Nhưng còn những phóng viên? – Tôi cãi. – Em trông thấy họ kia mà! - Tất cả những điều ông nói, sẽ không một chữ nào được in đâu. Em quên mất các ông chủ báo rồi à? Lương bổng của họ lệ thuộc vào chính sách của họ. Chính sách của họ là không cho in bất cứ cái gì đe dọa thực sự nền trật tự đã có. Bài nói của đức Giám mục là một sự công kích dữ dội vào luân lý hiện hành. Đó là một tà đạo. Họ dìu ông ra khỏi diễn đàn là cốt ngăn không cho ông đem tà đạo ra thuyết thêm nữa. Các báo chí sẽ rửa tội cho ông bằng im lặng và quên lãng. Báo chí Hoa Kỳ ấy ư? Chẳng qua chỉ là một cái bướu ký sinh bám trên mình giai cấp tư bản. Chức năng của nó là phục vụ chế độ hiện hành bằng cách đóng khuôn dư luận và nó phục vụ rất đắc lực. “Để anh nói trước các sự việc cho em nghe. Báo chí ngày mai sẽ thuật lại sơ sài rằng đức Giám mục sức khoẻ sút kém, ngài làm việc vất vả quá cho nên tối hôm qua ngài quỵ. Vài ngày sau sẽ có tin thần kinh ngài suy sụp và đàn chiên biết ơn ngài đã để ngài đi nghỉ. Sau đó thì trong hai điều thế nào cũng sẽ xảy ra một: hoặc là Giám mục sẽ nhận thấy con đường mình đã đi là sai lầm và đi nghỉ về sẽ thành một người khoẻ mạnh, không còn bị ảo ảnh mê hoặc nữa; hoặc nếu không, ngài sẽ còn là điên và em có thể chờ đợi các báo chí đăng tin một cách lâm ly thống thiết rằng đức Giám mục bị loạn óc. Sau đó, đức Giám mục sẽ được ngồi một chỗ và đem những ảo ảnh của mình ra kể lể cho bốn bức tường nghe”. - Ồ, anh đi xa quá! – Tôi kêu lên. - Trước mắt xã hội, như thế đúng là loạn óc, – Ernest đáp. – Một người lương thiện nếu không loạn óc, ai lại đem gái điếm và ăn cắp về nhà mà nuôi như nuôi anh chị ấy bao giờ? Kể ra Chúa Cơ đốc ngày xưa khi chết có hai thằng ăn trộm ở bên thật, nhưng đó lại là chuyện khác. Lại nói về loạn óc. Người ta đã không đồng ý với ai thì bao giờ quá trình suy tưởng của người kia chẳng là hỏng. Do đó mà óc của người kia hỏng. Óc hỏng và loạn óc, phỏng làm gì có ranh giới? Một người lành mạnh và lại bất đồng ý kiến về căn bản với những kết luận lành mạnh nhất, điều đó không thể nào quan niệm được. “Trong báo chiều hôm nay có một ví dụ rất hay. Chị Mary McKenna, nhà ở phía nam phố Chợ. Chị nhà nghèo, nhưng là một người đàn bà lương thiện. Chị lại yêu nước nữa. Nhưng chị hiểu sai về lá cờ Mỹ. Xưa nay người ta vẫn tưởng lá cờ Mỹ tượng trưng cho sự che chở chị cũng tưởng như thế. Và chị đã bị một chuyện như thế này: Chồng chị bị tai nạn, phải đi nằm bệnh viện đã ba tháng. Chị phải đi giặt quần áo thuê, nhưng cũng không đủ trả tiền nhà. Chúng nó đã đuổi chị. Trước hết, chị kéo quốc kỳ Mỹ lên trước cửa và chị đứng dưới quốc kỳ, tuyên bố rằng thể theo sự che chở của lá quốc kỳ, không ai có quyền ném chị ra đường. Sau thì sao? Chị bị bắt đưa ra toà vì… loạn óc. Hôm nay, chị được các nhà chuyên môn về bệnh loạn óc khám nghiệm. Họ khám thấy chị loạn óc thật. Chị bị giam vào nhà điên Napa”. - Anh tìm ví dụ xa xôi quá, – tôi cãi. – Cứ đặt giả thuyết là em bất đồng ý kiến với tất cả mọi người về cách viết một cuốn sách văn học, có ai vì thế lại nhốt em vào nhà điên bao giờ? - Đúng lắm, – anh đáp. – Bất đồng ý kiến như vậy không thành một sự đe doạ cho xã hội. Sự khác nhau là ở chỗ ấy. Bất đồng ý kiến như Mary McKenna và đức Giám mục là một mối đe doạ cho xã hội. Nếu tất cả những người nghèo đều không chịu trả tiền thuê nhà và đều nấp dưới lá cờ Mỹ cả thì sẽ ra thế nào? Quyền tư hữu của các trạch chủ sẽ tan rã. Những quan điểm của đức Giám mục cũng vậy, rất nguy hiểm đối với xã hội. Thế cho nên mời ông vào nhà điên. Nhưng tôi nhất định không tin. - Em cứ đợi xem, – Ernest nói. Và tôi đợi. Sáng hôm sau, tôi cho đi mua tất cả các báo. Không báo nào đăng lấy một lời của đức Giám mục Morehouse. Một hai tờ đưa tin rằng đức Giám mục đã quá xúc động. Còn những diễn giả tiếp sau, tuy nói nhạt như nước ốc nhưng vẫn được đưa lên báo một cách rộng rãi. Ít lâu sau, báo chí đăng một tin rất ngắn ngủi rằng đức Giám mục, vì lao lực thái quá, phải đi nghỉ để lấy lại sức khoẻ. Càng ngẫm càng thấy Ernest nói đúng. Nhưng có một điều là không ai nói đức Giám mục loạn óc hay suy nhược thần kinh cả. Và tôi cũng không ngờ tới con đường đau khổ ghê gớm mà đức Giám mục sẽ phải đi qua, con đường lên núi Calvary, lên câu rút, mà Ernest đã đoán trước cho Người. Chú thích: 55- Không còn một dấu vết gì để có thể biết tên thật của tổ chức viết tắt là I.P.H. này. 56- Từ Berkeley qua phà sang San Francisco chỉ mất chừng mấy phút. Hai thành phố này, cùng với những thành phố khác trên vịnh, trong thực tế hợp thành một khu lớn.