Thủ khoa kỳ thi Tiểu học Pháp ở Đà Nẵng (1930) Tết năm ấy, trường tôi có hai cái tin không vui. Bà Casanova đang dạy chúng tôi và tôi rất yêu thương bà vì bà là một nhà giáo rất có lòng tâm và trách nhiệm. Bà lại rất yêu thương tôi. Một hôm bà vào lớp và báo cho chúng tôi biết bà không thể dạy hết niên khóa vì chồng bà đang làm tại Tòa Sứ có lệnh dời qua Algérie và lẽ dĩ nhiên bà phải đi theo. Tụi tôi ngồi sững hồi lâu không nói lên lời. Bà liền nói tiếp: - Các con đừng lo, tôi đã đề nghị Ty giáo dục để cô Loan dạy các con vì cô Loan dạy rất giỏi và cô cũng là một cô giáo rất có lương tâm. Sen liền hỏi: - Sau này bà có trở lại Việt Nam không? Bà cười: - Tôi rất yêu Việt Nam, nhất là học trò Việt Nam, nhưng nếu tôi có trở lại thì các con đã ra trường rồi, có lẽ có con đã làm cô giáo là khác. Rồi bà hỏi tôi: - Vân, sau này con làm nghề gì? Tôi nói, giọng thật buồn: - Con không nghĩ chuyện ấy, mà điều con nghĩ là bà đừng đổi thì con vui mừng nhất. Bà Cassanova tỏ vẻ cảm động. Rồi ba hôm sau, đi dự họp ở Ty Giáo dục Đà Nẵng về, bà không được vui lắm. Bà nói với tụi tôi: - Rủi quá, bà tưởng cô Loan có thể thay bà lãnh dạy lớp nhất và quyền hiệu trưởng trong thời gian chưa ai thay thế bà. Ai ngờ Ty giáo dục không đồng ý cho cô Loan thay thế. Vả lại, Tết này cô Loan về Huế lấy chồng và đến cuối niên học thì cô đổi vô Phan Thiết vì chồng cô làm tri phủ ở đó. Sen vội hỏi: - Rồi làm sao bây giờ? Bà Cassanova nói: - Lớp chỉ có năm nữ sinh, nên Ty có ý định đưa các con qua học chung với lớp nhất trường Nam, do thầy Thái Viên, một giáo viên đã có thành tích dạy giỏi, số học trò đậu cao nhất ở tỉnh này. Chị Lợi, một nữ sinh lớn tuổi nhất lớp, lại là người học dở nhất, trong khi gia đình thì nghèo, ở trên một chiếc ghe đậu ở bến chợ Hàn, liền nói: - Tôi có ý định nghỉ học cả tháng nay nhưng thương bà Cassanova nên chưa nghỉ, nay tình thế như vầy chắc tôi nghỉ quá. Bà Cassnova không hiểu tiếng Việt nên hỏi Lợi nói gì vậy. Lợi nói lại bằng tiếng Pháp rồi ứa nước mắt khóc, khiến bà Cassnova cũng cảm động. Bà phân trần: - Ta có muốn như vậy đâu. Cái tin cô Loan sẽ về Huế làm lễ cưới và cuối niên khóa sẽ đổi vô Phan Thiết, khiến cả trường không khỏi bàn tán. Trước Tết Tây, bà Cassanova về nước, năm nữ sinh lớp nhất giờ đây còn bốn chuyển qua trường Nam và bắt đầu đi học. Chúng tôi ngồi chung một bàn đầu gần bàn của thầy Thái Viên. Những giờ Pháp văn, như giảng văn, luận văn, văn phạm, chúng tôi học với ông hiệu trưởng Rivière. Chúng tôi được phép đi cửa trước, cửa dành cho các thầy cô giáo và nhân viên văn phòng của trường, được vô lớp khi chưa có trống hiệu báo giờ học. Đó là ưu tiên cho các nữ sinh, để tránh chung đụng với đám nam sinh. Từ đó, chúng tôi ít có cơ hội gặp gỡ cô Loan. Chủ nhật chúng tôi phải tụ nhau khi ở nhà tôi, khi ở nhà Sen để ôn bài, làm bài chung, để khỏi thua bọn con trai. Trong bốn chị em, chỉ có tôi là dạn dĩ nhất, tôi ỷ thầy Thái Viên là bạn thân của cha tôi, nên hễ có một nam sinh nào trêu ghẹo bọn tôi là tôi lên méc với thầy ngay. Được cái là tôi rất giỏi Pháp văn, đọc tiếng Pháp như đầm và rất tự nhiên, không coi bọn nam sinh ra gì. Đến môn toán là môn tôi không giỏi lắm, vậy mà hễ thầy Thái Viên ra một đề toán và hỏi ai lên bảng giải, tôi đưa tay xin lên làm ngay. Lần nào cũng được thầy Thái Viên khen giỏi, còn viết văn thì khỏi nói. Bài luận văn nào tôi cũng đứng đầu, điểm cao, được khen. Mấy tuần đầu tụi con trai chưa biết tôi học Pháp văn ra sao, nên mỗi lần ông Rivière vô lớp, tụi nó ngồi sau lưng tôi và nói xầm xì: “Gọi Vân đi! Xem thử có giỏi không nào? Thầy Thái Viên nể nó, chứ nó đâu có giỏi”. Tình cờ một hôm ông Rivière kêu tôi đọc bài lecture tiếng Pháp, cả lớp đều im phăng phắc chờ tôi đọc. Khi tôi đọc thì cả bọn sửng sốt vì tôi đọc như đầm thật, sau đó ông Rivière gọi lên bảng viết, tôi viết rất rành mạch tiểu sử của nhà văn bằng nét phấn trên bảng đen thật đẹp đến nỗi ông Rivière phải khen và nói: - Madame Cassanova sera très fière d’avoir une élève comme vous. (Bà Cassanova sẽ rất hãnh diện khi có một người học trò như em). Sau lần đó, lần nào vô lớp ông cũng bắt tôi đọc những bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine, hoặc những bài văn của các tác giả Alfonse Daudet hay Anatole France. Nhờ vậy mà bọn học trò con trai không dám chọc ghẹo tôi. Môn gì tôi cũng thuộc, đến bản đồ châu Á tôi còn vẽ được trên bảng đen khiến thầy Thái Viên phải khen là giỏi. Cuối năm học, tôi được sắp đứng đầu lớp và đi thi tiểu học, bằng Certificat d’études primairés của chương trình Pháp. Lúc bấy giờ giáo sư Nguyễn Khoa Toàn làm giám khảo, từ Huế đổi vào, khi vô vấn đáp, ông hỏi tôi môn Pháp văn và bắt tôi dịch bài: Người ta đi cấy lấy công. Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề. Trông trời, trông đất, trông mây. Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm. Trông cho chân cứng đá mềm... Thầy Ngoạn, một giáo viên dạy lớp nhì trường nam, thấy vậy liền phản đối nói rằng đó là một bài thơ, một bài ca dao, một học sinh lớp nhất làm sao dịch được ra tiếng Pháp. Nhưng tôi cứ dịch tỉnh bơ: On repique pour gagner quelque chose. Moi, je repique en espérant beaucoup de chose. J’espère en le ciel, en la terre, en les nuages. J’espère en le pluies et les vents... Tôi mới dịch đến đó thì ông Toàn đưa tay bảo ngừng lại, rồi nói với thầy Ngoạn: “Mais elle peut traduire le texte, voyez-vous?” (Nhưng nó đã dịch được, ông thấy chưa?). Ông Toàn cho tôi mười điểm và còn đòi mời cha tôi đến để khen về đứa con rất có khiếu về văn, khiến thầy Ngoạn vui mừng khôn xiết, chạy đi báo tin cho cha tôi biết. Còn nữa, khi vô hỏi vấn đáp về môn địa lý, một giáo viên người Pháp từ Qui Nhơn ra hỏi một nam sinh về một thành phố lớn và một hải cảng lớn ở Tây Bắc Mỹ, một thành phố lớn và một hải cảng lớn ở Đông Bắc Mỹ... Và vẽ lên bản đồ Bắc Mỹ. Lúc bấy giờ tôi đang đứng gần đó, chờ đến phiên mình vô vấn đáp. Tôi không để ý đến ông giám khảo đang hạch sách nam sinh kia một cách gay gắt, mà theo dõi nam sinh kia vẽ bản đồ nước Mỹ trên bảng. Bỗng nhiên, tôi bật cười vì nghe vị giám khảo chế giễu: - Anh vẽ bản đồ Bắc Mỹ sao giống một củ khoai lang quá vậy? Viên giám khảo thấy tôi cười liền xoay lại hỏi: - Bộ cô vẽ được hay sao mà dám ngạo người ta? Giỏi thì lên vẽ đi? Đưa tấm thẻ đây. Thế là ông ta cho điểm cậu học trò kia và lấy tấm thẻ đi thi của tôi. Tôi đâu có ngán. Tôi liền đi ngay lại tấm bảng đen, ung dung chùi bản đồ cậu nam sinh đã vẽ và cầm viên phấn vẽ liền bản đồ Bắc Mỹ không cần phải sửa chữa một vệt nào cả. Xong đâu đó tôi xoay lại nói với giám khảo về hai thành phố lớn bên hai bờ Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cùng hai cảng lớn. Vừa nói vừa ghi trên bản đồ và xoay lại chờ câu hỏi tiếp. Nhưng ông giám khảo người Pháp liền trả tấm thẻ cho tôi và bảo rằng: - Đủ rồi, giỏi lắm! Lần thi đó tôi đậu thủ khoa và ban giám khảo đã mời cha tôi vào để khen và khuyên cha tôi nên cho tôi học tiếp. Lẽ dĩ nhiên là tôi được ghi tên thi vào lớp đệ thất trường Nữ trung học Đồng Khánh (Huế) và tôi cũng đậu luôn năm ấy (niên khóa 1930-1931). Nhưng rủi ro cho tôi là ra học đệ thất với thành tích tôi đã gặt hái được ở ban tiểu học như vậy, thế mà tôi lại không phải là một học sinh giỏi. Vì tôi gặp một cô giáo người Pháp, cô Hélène Rérat, dân Pháp lai Maroc hay Algérie gì đó, dạy môn Pháp văn và sử địa. Buổi đầu tôi không hiểu tại sao cô lại rất nghiêm khắc với những nữ sinh ở Đà Nẵng ra, trong đó có tôi và chị Mỹ. Chúng tôi học thế nào, cố gắng đến đâu, cũng đều bị cô la rầy cho điểm thật gắt gao. Nhiều khi vô cớ cũng bị phạt, bị chép phạt bài cả mười trang giấy vì một tội không đâu. Chán nản vì sự bất công của cô, tôi không còn thiết học hành gì nữa. Tôi đâm ra bỏ bê bài vở, chỉ học những môn của các giáo viên khác. Lúc rảnh rỗi trên nội trú ngày chủ nhật không ra ngoài được, tôi học đan, học móc Crochet hay học thêu với mấy chị bạn các lớp trên. Vào giờ Etude (tức giờ học bài và làm bài có giám thị coi chừng vào buổi tối), tôi chỉ chép thơ, thơ Pháp, thơ Việt Nam mà các chị ở lớp đệ tam đệ tứ thường chép thành những quyển kiểu sưu tập. Vì vậy mà cuối năm tôi xếp hạng rất thấp lại còn bị thi lại các môn Pháp văn, toán, và lý hóa. Sau này, khi tôi hỏi một chị bạn cùng ở Đà Nẵng đang học lớp đệ ngũ về chuyện tôi bị cô Hélène Rérat đì đến nỗi không cất đầu lên được, thì chị này nói: - Vân không biết là cô này thù bọn mình lắm sao? Học sinh nào ở Đà Nẵng ra là cô thù không đội trời chung mà. - Tại sao vậy? - Lúc tôi mới ra, tôi cũng bị đì cất đầu không nổi. Mình thuộc bài mà cũng bị bắt bẻ rồi bị chất vấn những câu ngoài đề, là bị ăn không điểm hay hai điểm. Lúc ấy tôi tức lắm, đi điều tra cho ra. Tôi được biết là có lần cô ta vô chấm thi Tiểu học ở Đà Nẵng, bị học sinh phản đối vì cô hỏi ngoài chương trình. Học trò làm reo kêu cô ta là con mọi xứ Maroc, không chịu vô thi môn cô. Rốt cuộc ông giám khảo chánh lúc bấy giờ là một giáo sư người Việt phải can thiệp, học trò mới chịu thi và năm đó số học sinh rớt Tiểu học đông lắm. Vì vậy cô thù học trò Đà Nẵng. Tôi cũng bị một năm khổ vì cô, liền đem chuyện này nói với cha tôi. Cha tôi làm thanh tra tòa sứ, tức lắm, đến tìm cô và hỏi tại sao bất công với học trò Đà Nẵng. Cô nói vì lý do riêng, không ai được quyền hạch hỏi cô, có giỏi thì đi kiện đi. Tuy vậy sau đó cô không dám ăn hiếp tôi và cuối năm cô cho tôi lên lớp. Các cô bạn đồng hương về vai chị của tôi khuyên tôi: “Em đừng thèm cãi lại làm chi, ráng học qua năm học này là xong”. Nhưng cứ bị đè ép kiểu này thì làm sao lên lớp và còn tinh thần nào để học? Mấy môn khác làm sao kéo nổi môn Pháp văn mà cả trường chỉ có một lớp đệ thất. Nữ học sinh ở cái thời của tôi rất ít người đi học bậc trung học. Họ vừa đậu tiểu học là xin thi vào sư phạm để học và để ra dạy, có nghề càng sớm càng tốt. Cũng may cuối năm học đệ thất ở Đồng Khánh Huế, vì ông nội tôi đã mất năm 84 tuổi, nên cha tôi xin hoán đổi với một người bạn ở Sài Gòn. Thế là tôi đã học tiếp bậc trung học ở trường Nữ Gia Long (nay là trường PTTH Nguyễn thị Minh Khai) và những năm học sau này tôi vẫn là một nữ sinh xuất sắc về hai môn Pháp và Việt (Việt bị xem là một môn sinh ngữ!) và cả trường Gia Long trong những năm 1931 đến 1934 không ai không biết tên Bạch Vân. Trường Gia Long không phải như trường Đồng Khánh, mỗi một khóa có hai ba lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, có lớp riêng cho các nữ sinh theo học sư phạm, vì vậy bài nào hay các giáo sư thường đem đọc cho các lớp khác nghe và người có bài được đọc lẽ dĩ nhiên là được bạn bè biết đến. Thời kỳ tôi học ở Gia Long là thời kỳ vui nhất, nhiều bạn bè thương mến nhất và cũng được các giáo sư dạy văn để ý đặc biệt. Về Việt văn thì có cô Năm Phạm văn Của, về Pháp văn thì từ đệ lục tôi học với cô Suzanne Thiệp (cô này dạy thế một bà giáo sư về Pháp nghỉ thường niên), cô Devilar, bà Cadillon, bà Ventournouz và còn một vài bà nữa mà tôi không nhớ hết, các bà này đều là giáo sư thuộc hạng giỏi. Ở giai đoạn còn là một học sinh vậy mà tôi đã nổi tiếng về văn chương, đây cũng là một phần ảnh hưởng cho cuộc đời cầm bút cho tôi sau này. Trong thời kỳ này, trường đã đưa tôi đi dự những chương trình văn chương Pháp như đề tài “Con Tem Bài Lao” cho các trường trung học ở Sài Gòn. Ngay lần đầu thi về “Le timbre antituberculeux”, vận động cho phong trào lao, tôi đã chiếm được một phần thưởng đem danh dự về cho trường Gia Long, đây là cuộc thi của cả các trường Pháp lúc bấy giờ là trường Chasseloup Laubat và trường Marie Curie. Học sinh học ở các trường Pháp đều tự phụ là giỏi hơn học sinh các trường Pháp Việt như Gia Long, Pétrus Ký, vậy nên khi tôi được giải thưởng lúc còn học ở lớp đệ ngũ, bà hiệu trưởng và bà giáo sư của tôi rất lấy làm hãnh diện. Tôi kể những chuyện này để các bạn thấy rằng những ngôi sao văn trong số tử vi của tôi vào các cung có lợi cho sự nghiệp viết văn của tôi sau này. Và khi tôi thi ra trường để lấy cấp bằng Diplôme là cấp bằng dành riêng cho các trường Pháp Việt, chương trình Pháp Việt trung học, tôi còn ghi để thi hai bằng Brevet là Brevet Elémentaire và Brevet d’Enseignement Primaires Supérieur. Bà hiệu trưởng trường Gia Long chỉ ký chứng nhận cho tôi thi bằng Diplôme thôi vì đây là bằng của các học sinh trường Việt. Còn muốn thi các bằng kia, bà hỏi: “Tụi bây muốn tranh giành với tụi chương trình Pháp sao? Muốn thì cứ làm đơn thi tự do”. Một trường chỉ có vài ba chị cùng thi như tôi. Năm nào cũng vậy, và năm nào chúng tôi đã thi là chúng tôi đều đậu, không ai rớt, mặc dù thi Brevet có thêm nhiều môn mà ở Gia Long chúng tôi không được học thường xuyên như môn âm nhạc cả lý thuyết lẫn thực hành, môn vẽ và may cắt áo quần trên giấy, cả môn thể thao. Chúng tôi phải đem đơn ra Tòa Đô Chánh xin thị thực, và ngày thi phải tự lo lấy, không ai chỉ dẫn cả. Vậy mà tôi đã đậu cả ba bằng. Đậu với Mention Assez - bien (hạng Bình thứ) mới khoái chớ. Lẽ ra thì tôi phải thi và lấy bằng ở cuối niên học 1933-1934. Nhưng rủi là cuối năm học tôi lại bị bệnh, phải nằm bệnh viện và lần thi 2è section, tôi không đậu được. Năm sau (tháng 6-1935) tôi đậu cả ba cấp bằng, lúc ấy nếu tôi ghi tên học ở trường Pétrus Ký thì chắc có lợi cho công danh sự nghiệp về giáo dục hơn nhiều, nhưng sức khỏe của tôi thời đi học yếu lắm, cứ mỗi lần cuối năm là tôi đau cả tháng. Vì sức khỏe kém lại thêm tôi là chị cả trong gia đình tám con, cha tôi chỉ là một công chức, đồng lương chỉ đủ nuôi các con, và mẹ tôi phải cần kiệm tối đa mới khỏi thâm thụt. Lúc bấy giờ cha tôi cũng rất muốn cho tôi tiếp tục học nữa, nhưng tôi đề nghị để tôi ở nhà học thêm Việt văn, đọc sách, ghi tên học Pháp văn của trường Ecole Universelle bên Pháp qua lối hàm thụ. Tôi đã nghĩ đến các em tôi, nhất là đứa em trai duy nhất đang học ở trường Chasseloup Laubat và ba em gái kế tôi đang theo học ở Gia Long, ban tiểu học... Tôi sở dĩ kể lể dài dòng như vậy để các bạn hiểu rõ có một thời gian dài tôi không còn gần cô Loan nữa. Như tôi đã kể, khi bà Cassanova về Pháp thì tôi qua học ở trường Nam. Cô Loan dạy lớp nhì 2è Année nhưng không được làm hiệu trưởng, mà ông Rivìere bên trường Nam kiêm luôn hiệu trưởng trường Nữ. Tết năm ấy cô Loan về Huế làm đám cưới, và nghỉ phép hai tuần để đi Phan Thiết - Phan Rang - Nha Trang, là nhiệm sở của ông chồng tri phủ. Đến tháng tư, lúc tôi đang bận rộn học bài thi tiểu học thì một hôm có một học sinh của cô tìm đến nhà và cho biết cô Loan muốn gặp tôi. Tôi đến thăm cô vào một buổi sáng Chủ nhật và thấy cô đang lo xếp vải để cắt những bộ quần áo trẻ nít. Bên cô là một đống chỉ len màu xanh nhạt. Thấy tôi, cô vui mừng lắm và hỏi: - Còn các em khác đâu chưa tới? Tôi ngạc nhiên: - Cô muốn hỏi Dõng, Sen? - Và cả các em từng học với cô. - Chi vậy cô? - Để giúp cô may những chiếc áo này. Tôi vui vẻ hỏi: - Cô sắp sanh rồi sao? Cô nói giọng thật vui. - Qua nghỉ hè kia! Thế là niên học sau cô không dạy được, phải lo cho đứa con đầu lòng. Cô nghe cô Điềm nói em học thêu, học đan với con ông bà Thị Giảng nên khéo lắm phải không? Tôi nói: - Thật ra, em học với mẹ em nhiều hơn. Em có cả thảy sáu đứa em, nên những chuyện may đan áo trẻ em, em rành lắm. Thế là tôi bắt tay vào việc thêu những chiếc áo nhỏ, còn cô thì may tã, thêu khăn lông... Cô cứ nói không ngớt là cô muốn có một đứa con trai. Cô tưởng ở tuổi cô, cô không còn có thai được nữa! Cô chỉ muốn có một đứa con trai, thế là mãn nguyện lắm rồi. Chắc cô phải về Huế sanh, vì ngoài ấy cô có mấy bà cô. Cô không thích về bên chồng sanh. Họ đâu có quý con cái của cô vì họ có khối con rồi. Nói đến đây, cô biết mình bị hớ, nên đính chính: “Gia đình của thầy đông anh em lắm, người nào cũng làm lớn: phủ, huyện, án sát. Ông nào cũng có hai, ba bà nên con cháu đông lắm, chỉ có cô bây giờ mới có thai”. Rồi cô nói như than: - Người đàn bà không làm được sự nghiệp gì đáng kể như bà Trưng bà Triệu, cô Bắc cô Giang, thì ráng kiếm một đứa con để dồn hết tình thương cho nó, để lấy nó làm lẽ sống cuộc đời của mình chớ biết sao! Lúc nghe cô nói thế, tôi chỉ hiểu lơ mơ là cô tiếc rẻ cuộc đời làm chánh trị của mình, chớ không hiểu nhiều về nỗi đau khổ riêng tư của một người đàn bà khí khái ngang tàng như cô mà phải khép mình trong hoàn cảnh làm vợ của một người chồng đã lớn tuổi và đã một lần có gia đình, có con với một người đàn bà khác. Tôi ở cả ngày với cô, cùng Sen và Dõng để thêu những chiếc áo nhỏ xinh xinh bằng vải batit trắng, may những chiếc gối nhỏ, thêu góc các khăn tắm. Còn len thì tôi đem về nhà đan cho cô những chiếc áo, vớ, nón. Chủ nhật sau tôi mang lại cho cô. Ngày chủ nhật hôm sau ấy là ngày tôi từ biệt cô. Vì tuần sau tôi trở lại thăm cô thì cô bạn làm y tá ở bệnh viện cho tôi hay là ông tri phủ chồng cô bị bệnh, đánh điện gọi cô về gấp và có thể cô sẽ ở luôn Nha Trang cho đến ngày sanh đẻ, không trở lại Đà Nẵng nữa. Thế là tôi vừa mất bà Cassanova, bây giờ lại mất luôn cô Loan. Và cũng từ ấy tôi không còn gặp cô nữa. Tôi cũng không biết cuộc hôn nhân của cô có đem lại hạnh phúc cho cô không. Rồi tôi theo cha mẹ vào Nam, học tiếp ở trường nữ Gia Long. Rồi lập gia đình, làm báo Tân Thời được một năm, có con phải nghỉ, sau đó lại đi dạy học. Đến năm 1943, chồng tôi đi Huế để gặp ông Trần Trọng Kim và rồi vì bất đồng ý kiến sao đó nên bỏ về Quảng Ngãi. Tụi Pháp theo sát chồng tôi, vì vậy muốn đánh lạc hướng của tụi nó, chồng tôi nhắn về Sài Gòn bảo tôi đưa các cháu về Quảng Ngãi gấp. Lấy cớ là Mỹ đang thả bom ở Sài Gòn, mẹ con tôi phải về lánh nạn ở Quảng Ngãi. Lúc ấy anh chị Bút Trà phản đối việc này, vì anh chị nghĩ rằng mẹ con tôi làm sao sống được ở Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ tôi mới có ba đứa con, hai đứa con gái đứa lên sáu, đứa lên bốn, và trai đúng một tuổi. Anh chị tôi định tạm cư về Long An, quê chị tôi, một thời gian, bao giờ thời cuộc lắng dịu thì trở về Sài Gòn làm việc lại. Còn cha tôi được lệnh đổi về Trà Vinh cũng muốn đem tôi và ba cháu theo, nhưng chồng tôi khẩn khoản bảo phải đưa gấp mấy đứa nhỏ về vì có thể chồng tôi sẽ nhận một công việc ở Huế. Lúc bấy giờ, con gái lớn của tôi là Thanh Hương đang được ông bà ngoại thương yêu lắm, một hai đòi giữ con bé ở lại để cho theo học trường Pháp. Nhưng còn bé nhất định đi về Quảng Ngãi với chúng tôi. Vì vậy mà chúng tôi đã ở Quảng Ngãi từ năm 1943 đến năm 1951 và đã nếm mùi gian khổ của cuộc sống thời kháng chiến ở Liên khu 5. Tôi sẽ viết lại giai đoạn này ở một tập khác. Năm 1946 hay 47 gì đó, khi đang ra phố để hỏi mua vài món hàng, tôi gặp lại Dõng tại một tiệm chụp hình. Như tôi đã kể, Dõng kết hôn với một viên chức mật thám theo lệnh của cha mẹ, sau khi thi đậu tiểu học và theo chồng vô Quảng Ngãi. Tôi với Dõng thân với bà chủ tiệm hình, nên mỗi khi đi phố thường ghé lại đây uống nước và nói dăm câu rồi chia tay ra về. Dõng ở cùng đường với tôi, nên hai chị em thường đi bộ về nhà. Hôm ấy tôi đang nói chuyện với Dõng và bà chủ tiệm chụp hình, thì từ ngoài cửa một bà khách hàng đến hỏi lấy hình. Bà chủ tiệm chạy ra tiếp khách. Tôi nhìn bà khách thì thấy nét hơi quen, nên đứng lên đi ra đến gần để nhìn bà thật kỹ. Bỗng bà đưa tay lên sửa cặp kiếng, cử chỉ này làm tôi nhớ lại cô Loan, mỗi lần giảng bài cô thường sửa cái kiếng như vậy, nên tôi reo lên: “Cô có phải là cô Loan của tụi em hồi ở Đà Nẵng không?”. Cô vừa ngạc nhiên vừa mừng nhìn tôi hỏi lại: - Vậy em là ai? Lúc ấy Dõng chạy ra, ôm chầm lấy cô: - Nó là Vân đó cô, còn em là Dõng đây mà! Thế là thầy trò ôm nhau cười ra nước mắt. Cô Loan nói: - Bao nhiêu năm rồi nhỉ... 1930, bây giờ là gần hai mươi năm rồi còn gì? Các em ở Quảng Ngãi sao? - Còn cô? - Cô ở Nha Trang. Tôi lanh trí mời cô về nhà để thầy trò nói chuyện. Cô rất ít nói về chuyện gia đình của cô, và khi tôi hỏi em nhỏ khi cô mang thai mà tôi đan áo là trai hay gái thì cô liền nói: “Nó là trai”. Rồi cô ngập ngừng không chịu nói thêm. Cô hỏi thăm về gia đình tôi, các con tôi, và vì sao tôi lại về Quảng Ngãi. Tôi cũng chỉ nói sơ cho cô biết. Lần đó là lần tôi gặp cô sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng tôi thấy dường như cô không vui và cũng không muốn nói nhiều. Rồi từ đó cho đến lần cô từ tòa soạn báo Sài Gòn Mới vào nhà tìm tôi về một câu chuyện Gỡ Rối Tơ Lòng. Lúc ấy tôi mới biết qua tâm sự của cô trong thư là đứa con trai duy nhất của cô đã chết. Và cô đã nghe lời tôi, đứng ra gả con dâu cho một người đàn ông khác để khỏi mất mấy đứa cháu nội. (Tôi sẽ kể lại chuyện này với đầy đủ chi tiết hơn, trong một chương sau). Sau này tôi được biết qua một độc giả ở Nha Trang, là cô đã sống tiếp những năm vui vẻ bên các cháu. Khi tôi viết những trang hồi ký này thì chắc cô Trần Phạm thị Loan không còn nữa. Trên 20 năm sau ngày 30-4-1975, tôi mất liên lạc với cô. Nhưng tôi luôn nhớ về cô cũng như về tất cả những thầy cô khác, trong suốt những ngày đi học, cũng là những ngày tươi đẹp nhất cuộc đời tôi.