HỒI THỨ NĂM
Rời Đâu Suất, hai mươi tám hoa xuống thế,
Đến cõi trần, Tiểu Phi Lạc lập công đầu

     ây nói về việc đã xảy ra hai mươi mốt năm về trước. Khi ấy, tại đồng sa mạc Nevada bên Hoa Kỳ, các nhà bác học ở xứ ấy, sau ngót năm năm dò dẫm, đã chế tạo được quả bom nguyên tử đầu tiên và được lịnh Chánh phủ đem ra cho nổ thử: thì lần thứ nhứt trên quả địa cầu này, phát nổ ra một tiếng kinh hồn, ánh sáng bốc tận chín tầng mây, hóa thành hình một cái nấm khổng lồ lơ lửng giữa trời, phát quang tuyến đến tận cung Đâu Suất. Ánh sáng phi thường ấy làm giật mình tất cả Tiên, Phật, Thánh ở bên ấy. Họ cùng một lượt thị kiến, thấy nếu không tìm thế mà đổi đời, thì sự xuất hiện của võ khí nguyên tử này sẽ dẫn loài người đến chỗ tận diệt. Họ cùng hội lại, để tìm cách nào để cứu nhơn loại khỏi họa tận thế. Trong khi tìm chưa ra kế, thì có một vị tiên đưa ra cái ý kiến rằng:
- Muốn cứu thế, phải nhập thế. Nhập thế để dìu dắt loài người tự cứu lấy mình. Chớ chúng ta ở mãi trên cõi trời Đâu Suất này mà ban phép lành xuống, phép lành ta làm sao ngăn nổi làn sống của đấu tranh, của hận thù, của ích kỷ.
Ý kiến này được tán thành. Nhưng Tiên, Phật, Thánh là những đấng hoàn toàn tự do, nên để cho mạnh ai tự tiện tìm lối nhập thế của mình, mà chẳng theo kỷ luật, qui điệu nào cả. Tin các ngài nhập thế làm cho tất cả cảnh vật đều hay. Vì cảnh vật trên ấy cũng thông cảm được với lo âu của các ngài, chớ chẳng phải như cảnh vô tri nơi trần hạ. Do đó mà đám rừng ở sau cung Đâu Suất cũng động, muôn cây, muôn hoa đều rung rinh để tiễn đưa các Tiên, Phật, Thánh xuống phàm. Nơi bãi cỏ kia, chỗ mà khi trước con hầu nhơn thường noi theo để xuống suối và uống nước, có một khóm nhỏ, trồng hoa. Hoa này vốn là hoa Tiên, nở đã mấy ngàn năm mà chưa tàn, lại có linh hồn và tư tưởng. Từ khi con hầu nhơn đi đâu mất, các hoa luận với nhau, nghi rằng nó đã xuống thế, nên nhơn dịp này, các hoa nghĩ cũng nên yêu cầu xuống thế mà thăm nó một phen. Ý ấy vừa nảy sanh, thì các Tiên, Phật, Thánh thảy hay liền, không đợi các hoa đạo đạt. Các ngài nói:
- Âu cũng là cái nghiệp, nên các hoa mới biết động lòng. Vậy cho phép các hoa xuống trần để góp một phần nhỏ nào vào công cuộc cứu thế.
Lúc ấy, con hậu nhơn đã đầu thai làm Hồ Hữu Tường (1) và sau bao nhiêu lận đận, bị an trí tại Cần Thơ, nên chi hai mươi tám hoa hướng vào vùng này, tìm những nhà có âm đức mà đầu thai vào. Chín tháng mười ngày sau, đúng lúc mà bom nguyên tử nổ ở Quang Đảo thì cùng một lượt, hai mươi tám đứa con gái ra chào đời. Và do một sự ngẫu nhiên, cha mẹ chúng không hẹn nhau, mà thảy đều chọn tên hoa mà đặt cho chúng nó. Có những tên hai chữ, như Mẫu Đơn, Tường Vi, Diễm Hà, Ngọc Liên, Kim Cúc... Có những tên một chữ, như Hạnh, Đào, Lý, Lê... Lại cũng có những tên rất nôm như Lài, Sen, Búp. Chúng vừa sanh được một tháng, thì quân đội Pháp đánh phá vùng này tơi bời, rồi lịnh tiêu thổ kháng chiến phát ra, san bằng tất cả chinh lịch, giàu nghèo, sang hèn, và xua cha mẹ chúng rày đây mai đó. Năm năm sau, các gia đình này đều không hẹn mà trở về thành. Kẻ làm thơ, người làm thầy, người buôn bán để nuôi cho chúng ăn học. Chúng nó lớn lên như muôn ngàn đứa con nít khác. Chỉ có điều là chúng thông minh, đĩnh ngộ và đa cảm. Càng lên lớp, chúng đều tỏ ra có khiếu về thơ văn.
(1) Xin xem bài MỘT CƠN ĐIÊN của Hồ Hữu Tường đã đăng trong VĂN số Xuân năm Ất Tỵ, và trong HÒA ĐỒNG số 6.
Năm mà chúng, cùng một lượt, đổ Trung học đệ nhất cấp và lớp Đệ Tam, thì sự ngẫu nhiên nữa, ở ban của chúng, chỉ có một mình chúng mà thôi. Giáo sư thảy ngạc nhiên, vì trong số chỉ có tên Hoa. Giáo sư Việt văn là một ông già dựa vào số hai mươi tám của học trò, nên gọi lớp này là lớp «NHỊ THẬP BÁT TÚ». Nhơn một buổi, giảng bài xong, thì còn mười lăm phút, ông mới nói:
- Lối mười năm trước đây, trên mặt báo, nhà thi sĩ Đông Hồ và nhà văn Hồ Hữu Tường có mở một mục đặt tên là mục «Nhổ cỏ dại... cấy hoa thơm» với mục đích là hiệu đính những chỗ sơ xuất trong những gì đã đọc thấy và trích dẫn những đoạn văn hay. Thi sĩ có đạt được ba câu thơ để khuyến khích bạn trẻ làm công việc «Nhổ cỏ dại... cấy hoa thơm!». Ba câu ấy là: «Bạn hỡi! Nhổ đi chớm cỏ dại. Để gieo vào đó giống hoa thơm. Cho vườn văn Việt đầy hương sắc...» Đặt đến đây, thi sĩ túng ý, túng lời, túng vần, nên dâng lên mà mở một cuộc thi, để chọn một câu thơ thôi, mà khi ráp vào, bài thơ được hoàn bích. Mãi mấy tháng sau, không ai gởi đến một câu nào mà tôi cho rằng xứng đáng. Nay, thấy các cô em có khiếu thơ văn, tôi thử cho các cô kiếm câu thơ thứ tư đó! Nào, các cô tìm đi!
Chưa mãn giờ, hai mươi tám nàng đều nạp câu thơ mình. Mà lạ thay, không ai dạy cho, tất cả đều giống nhau, câu ấy như vầy:
Rạng gốc Tây Đô, phức cõi Nam.
Giáo sư xem xong, lấy làm mãn nguyện. Sắc đã làm rạng gốc Tây Đô nhỏ hẹp này, mà hương tỏa làm thơm phức cõi Nam. Thật là hợp cảnh, hợp tình với cao vọng của đám trẻ đang mong muốn dùng văn chương mà làm cho rạng xứ sở, cho thơm dân tộc. Từ ấy, giáo sư hết lòng chỉ dạy. Ngoài bài vở trong trường, người còn bài cách làm cho các nàng được phát triển tài hoa. Trong các cách này, giáo sư có bày ra việc, các nàng cho ra một tạp chí văn chương, xuất bản hàng tháng. Mỗi nàng viết một bài, tùy hứng, hoặc thơ, hoặc luận, hoặc kể chuyện, hoặc tùy bút, rồi mỗi nàng tự chép tay một tập bìa cứng để cùng đọc và giữ làm kỷ niệm.
Lãnh ý ấy, các nàng thảo luận, đặt cho nhóm mình một cái tên là «TÂY ĐÔ VĂN PHÁI». Nhưng, chọn một tên cho tạp chí, vừa nói được tôn chỉ và đường lối của nhóm, vừa tả được sự khiêm tốn của đàn mầm non vừa chớm nở, các nàng chưa biết tính làm sao. Càng khó hơn nữa là thảo cho được cái «Tuyên ngôn» của nhóm. Lúc ấy, các nàng thường tới lui nơi hiệu cho mướn sách của Xích Tử, thấy nó tuy nhỏ hơn đến ba tuổi, nhưng năng khiếu khác thường. Bèn nảy ra cái ý là hỏi nó. Xích Tử đáp:
- Các chị, mà cùng một lượt, có cùng một tứ, một lời, để đưa ra chung một ý, thời ý ấy là một ý của thiêng liêng. Sao các chị không nhờ thiêng liêng chỉ cho? Các chị nên cầu những Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân, bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Ánh... giúp các chị ý kiến.
Các nàng cho nó nói phải. Vào một tối thứ bảy, các nàng bày hương hoa mà cúng khấn; và trên một miếng giấy cứng đã sẵn viết đủ mẫu tự và các dấu, hai nàng đặt tay lên một trái tim bằng gỗ và chờ điễn lành. Hai mươi sáu linh hồn từ từ chuyển, mũi nhọn tuần tự chỉ những chữ, thành bài thơ sau đây:
Chúa thánh, bấy lâu, mãi ngóng trông,
Tiên nương ẩn náu chốn rừng thông,
Giáng tâm cứu thế trong muôn một: 
Phàm tục lầm than đã mấy đông!
Bửu lãnh, kỳ hương, rày đã mọc,
Giang tây, dị thảo, thế chờ mong.
Thiên là nhứt đại gồm chung một,
Tử ấy con Tiên với cháu Rồng.
Tiếp theo bài thơ, là một đoạn văn xuôi như sau:
«Hai mươi tám hoa muốn nhờ ta cho ý. Vậy ý ấy, đã nhốt trong bài thơ rồi. Nên nếu nó lên trang đầu mà làm tuyên ngôn cho văn phái. Còn tên của tạp chí, hai mươi tám hoa nên chọn là «Góp phần hương sắc». Như vậy, độc giả thảy hiểu rằng các người chủ trương tạp chí đều thảy là hoa.»
Viết xong rồi thăng. Và từ đó, cầu không được nữa. Các nàng đành giải tán. Suốt đêm, mỗi mối suy tư, để hiểu hết ý nghĩa của bài thơ tuyên ngôn đó. Nhưng hãy còn thắc mắc, mà chẳng dám vào hỏi thầy, nên phái hai nàng đến hỏi Xích Tử. Đọc xong bài thơ tiên, Xích Tử nói:
- Bài thơ này là một bài thơ khoán thủ. Bốn chữ đầu của bốn câu đầu là: «Chúa Tiên Giáng Phàm» là bốn chữ xưng hô của bà Tiên. Chúa tiên, theo quyển Quang Trung của Hoa Bằng, là tên tục mà các cung nữ triều Lê Hiến Tông, đã dùng mà gọi Ngọc Hân công chúa. Vậy bài thư giáng bút này là do bà Lê Ngọc Hân cho. Bốn chữ đầu của bốn câu sau là «Bửu Giang Thiên Tử» mượn ở câu sấm của Trạng Trình «Bảo giang thiên tử xuất. Bất chiến tự nhiên thành. Ấy là trỏ những người «bất chiến», những đàn bà con gái, chẳng cầm súng đạn đánh giặc được, chỉ có con đường duy nhất là dùng văn hóa mà mưu sự Trường tồn và Vinh quang cho dân tộc. Tức là bà Lê Ngọc Hân nói chuyện với các chị ấy.
Câu đầu rõ ý lắm. Chúa Thánh, ấy là vị đứng ra đổi đời, chấm dứt hạ ngươn mà mở một thượng ngươn. Công việc to tát lắm, không phải một mình mà làm được. Vì vậy mà ngóng trông người hợp tác. 
Câu thứ hai trỏ một số người hợp tác này. Họ vốn là những bà Tiên bấy lâu nay ẩn náu ở cảnh Tiên mà tượng trưng, trong văn chương gọi là rừng thông. 
Hai câu thứ ba và thứ tư rõ nghĩa. Các nàng tiên phải xuống cứu thế trong lúc này và ở cảnh phàm tục, người ta đã lầm than lâu rồi.
Câu thứ năm nên nói rõ. Lãnh là núi có đường đi lên được. Nó thay cho chữ Sơn. Trong núi Bửu Sơn, hoa lạ là Kỳ Hương đã mọc rồi. Ý muốn nói lần thứ hai là vị cứu thế đã ra đời.
Câu thứ sáu nói đến các chị. Giang tây là phía tây của sông Cửu Long, tức là vùng của chúng ta đây. Dị thảo là nơi khiêm tốn để trỏ các loài hoa tức là nói đến các chị. Các chị có sứ mạng, nên thế gian đang chờ mong đó.
Câu thứ bảy vạch cái sứ mạng ấy như thế nào, bằng cách chiết tự chữ thiên thành ra hai chữ nhứtđại. Và như vậy, sứ mạng ấy là sứ mạng đại thống nhứt. Thống nhứt tôn giáo; thống nhứt đảng phái; thống nhứt dân tộc, thống nhứt Đông Tây; thống nhứt khoa học và đạo học; thống nhứt tư tưởng; thống nhứt chánh trị và tôn giáo...Tóm một lời, là một cuộc đại thống nhứt.
Còn câu thứ tám định rõ ai là kẻ làm được việc đại thống nhứt này. Đó là người Việt chúng ta, lấy văn minh của Tiên Rồng mà làm chất hàn gắn ấy.
 Hai nàng nghe bàn yên lòng, đem lời ấy về mà báo cáo với chị em. Rồi suốt ba năm, song song với nhau việc học, các nàng đã điêu luyện ngọn bút và đều đều mỗi tháng cho ra một số của «Góp phần hương sắc». Năm 1962, cả thảy đều đỗ tú tài. Và mặc dầu thảy là con nhà nghèo, các nàng đều lên Sài Gòn mà ghi tên vào Đại Học. Chừng ấy, nhóm «Tây đô văn phái» rã. Tap chí «Góp phần hương sắc» cũng ngừng. Ở Đại Học, tùy theo sở thích, mỗi nàng ghi vào một ngành, kẻ học y, người học dược, người thì muốn học luật để uốn ba tấc lưỡi, kẻ lại đeo đuổi văn chương. Lại mỗi người ở một nơi, thêm, ngoài giờ học, lại còn lo mưu sinh như tìm chỗ kèm dạy học cho trẻ em, như lãnh dạy ít giờ ở tư thục, mà không gặp nhau thường và đông đủ.
Năm 1963, chế độ Ngô Đình bị lật ngã. Báo chí được phép mọc ra như nấm, và phong trào chánh trị cũng nhộn nhịp. Tuy mới mười chín tuổi ta, các nàng đều bị lôi cuốn bởi phong trào, kẻ vào đảng này, người vào đoàn thể nọ, tư tưởng phân vân, phiên tập và thường đối chọi nhau nữa. Một mặt khác, các báo tranh khách, đua nhau tranh độc giả. Mỗi tờ cả năm bảy tiểu thuyết. Tổng số, mỗi ngày, cả đến vài trăm tiểu thuyết chường mặt trước công chúng. Sự lạm phát ấy là một cơ hội cho hai mươi tám nàng trổ tài. Mỗi nàng cho ra một tiểu thuyết, rồi độc giả khen chê, nhà phê bình binh bỏ, gây một ganh tị chẳng nhỏ trong hàng ngũ của những người vốn ở «Tây đô văn phái» mà xuất thân. Tình trạng ấy kéo dài cả gần hai năm, càng ngày càng trầm trọng. Các nàng đâm đêm, xét nét lại, thấy có phần hối tiếc. Tưởng nhớ lúc chị em đoàn kết thân mật ở Tây đô, mà cho rằng đó là thời đại hoàng kim, là cõi Bồng lai Tiên cảnh. Còn bây giờ ngụp lặn trong cạnh tranh và tranh đấu, ganh tị và phân chia, thì chẳng khác nào lâm vào đời hạ ngươn hay bị trầm luân trong phàm trần ô trọc. Nhưng không làm sao nổi, chỉ chờ và chờ. Đến nay cả thảy đều hai mươi mốt tuổi.
Đây nói về Xích Tử, khi đọc xong hộp tài liệu do chị Tập trao cho, thì phản ứng đầu tiên là một luồng máu nóng dâng lên, một mối căm hờn đối với Hồ Hữu Tường phựt cháy. Nó muốn báo thù cho cha, cho mẹ, và đánh tan cái hư danh của họ Hồ. Nhưng mà trí thông minh của nó trấn tỉnh nó liền, và trong óc, nẩy sanh rất nhiều nghi vấn. Làm sao mà dì này giữ hộp tài liệu, mà bà vú chưa hề dỉ hơi với nó bao giờ? Tại sao suốt mười mấy năm nay, Tập không tới lui thăm viếng, bây giờ lại gặp nhau trong cảnh không ngờ trước được? Nó khôn ngoan không đặt những câu hỏi ấy. Bởi nghĩ rằng nếu Tập có dụng ý, thì không khi nào lại nói sự thật cho nó nghe bao giờ.
Nó xem kỹ mấy trăm trang đánh máy. Giấy tuy là giấy cũ. Song nét mực thấy tươi. Chắc chắn là tài liệu này mới làm ra, chớ không phải cũ từ khi nó mới lọt lòng mẹ. Dựa vào bằng cớ ấy, nó quả quyết rằng Tập cố ý lừa nó đi vào một con đường mà cứu cánh rất rõ rệt. Cứu cánh ấy là làm cho tiêu tan uy tin của Hồ Hữu Tường. Tin chắc như vậy rồi, nó nghĩ. Nếu nó từ chối cái sứ mạng Tập muốn giao phó cho nó, thì chắc chắn nó sẽ không được cho ra khỏi hang đá. Tệ hơn nữa, là người ta sẽ đào luyện một thanh niên khác hơn nó, để lãnh sứ mạng nọ. Rồi biết đâu thanh niên kia lại không suy nghĩ, thẳng tay mà làm thì còn gì ngọc đá? Có gì hơn là nó lãnh sứ mạng mà hạ san, rồi áp dụng chiến lược đánh cuội mà nó đã lãnh hội được trong Phi Lạc Sang Tàu, để nó vừa trưởng thành mà nó vừa làm tăng thêm uy tín của nhà văn nọ.
Thái độ đã định. Song làm cách nào bây giờ? Nghĩ vẩn nghĩ vơ, tìm chưa ra lối, thì trời đã khuya mà nó ngủ hồi nào chẳng hay.
Nó lại thấy Thu Hương đến. Nó mừng rỡ chạy ôm chân mẹ mà không ngăn sự thổn thức. Thu Hương nói:
- Mẹ khen con khá thông mình mà chẳng lầm vào kế, chẳng bị dán bùa. Phàm muốn xét một áng văn, người ta phải xét năm thành phần đã cơ cấu ra nó, là văn tâm, văn học, văn tứ, văn khí, văn tài. Mà nếu con đọc kỹ những tài liệu đã trao cho con, con sẽ thấy rằng nó chia ra làm nhiều đoạn, mà năm phần trên đây khác nhau hẳn. Vậy tài liệu ấy không phải do mẹ để lại cho con. Nó là thứ văn chương chỉ thị, do một mạng lịnh chung đưa ra, rồi nhiều người thừa lịnh mà làm. Tức là một tài liệu giả tạo.
Xích Tử nói:
- Điều ấy, con đã nghĩ như vậy rồi. Song con hỏi mẹ một lần nữa. Cha con là ai?
- Mẹ đã nói với con rằng mẹ đã để lại cha con tài liệu. Song nay tài liệu đã mất. Âu cũng là số trời. Số trời không cho con biết cha con là ai. Thiên cơ bất khả lậu, mẹ không dám nói rõ. Vì vậy mà mẹ đến đây không phải nói cho con biết cha con là ai. Mà mẹ thấy rằng con sắp xuống núi, nên mẹ dạy con mấy điều cần biết. Mẹ mượn lời của tiền nhân mà dạy con. Khổng Tử nói: «Ngô đạo nhất dĩ quán chi». Mẹ cũng dạy con một câu «Nhất dĩ quán chi». Câu ấy là «dĩ bất biến ứng vạn biến».
Xích Tử suy nghĩ giây lâu, hỏi:
- Chẳng hay cái bất biến của con là cái chi?
Thu Hương đáp:
- Đó là cái bản thể của con. Bản thể của con là ong mật ở trên cõi trời Đâu Suất. Còn mẹ vốn là một đóa hoa Cúc là ở trên ấy. Đối với hoa cúc là mẹ cũng như đối với muôn hoa, con ong mật là con có cái tính của đứa con đối với mẹ, vì ngày ngày con hút mật, không khác nào đứa trẻ bú vú mà trưởng thành. Nhà thơ Nguyễn Du, khi viết câu: «Tiếc thay một đóa trà mi, con ong đã mở đường đi lối về», chỉ thấy khía cạnh khiêu dâm, mà ví bộ phận sinh dục của phụ nữ như đóa hoa, còn bộ phận sinh dục của đàn ông như con ong mở đường đi lối về. Hình ảnh ấy hoàn toàn sai sự thật.
Cái hoa búp, mà nở ra, không phải do con ong. Nó nở vì hấp thụ bẩm khí của thời tiết. Khi nó nở hoàn toàn rồi, tiết ra mật, con ong mới đến hút mật mà thôi. Vậy thì đối với mẹ, cũng như đối với các hoa trên Đâu Suất, con có cái tình của đứa con đối với người cho mình bú mớm. Nay xuống thế, con phải lấy cái tình ấy mà cư xử đối với hai mươi tám đóa hoa đã rời Đâu Suất mà xuống thế trước con...
Xích Tử hỏi:
- Chẳng hay hai mươi tám đóa hoa xuống thế ấy là ai?
- Là hai mười tám cô ở trong «Tây Đô văn phái» và trong ba năm, đã chủ trương tờ tạp chí văn chương «Góp phần hương sắc». Khi còn ở Tây Đô, trong cảnh quê mùa, các nàng, nhớ phảng phất bản thể của mình. Song bây giờ, sống trong phồn hoa, vương mùi tục lụy, các nàng quên linh can. Không khéo sẽ nếm mùi tân khổ. Con đã mang ơn các hoa cho mật cho con hút, nên con phải có sứ mạng cứu rỗi các nàng, cho các nàng biết rằng vốn là hoa, việc góp phần hương sắc là dĩ nhiên, song các nàng còn có sứ mang là cung cấp mật nữa. Và đây là cạnh khía thứ hai của bản thể của con.
- Chẳng hay cạnh khía ấy như thế nào?
Thu Hương đáp:
- Là con ong đi góp mật từ muôn hoa, lấy cái tinh túy của các hoa, hòa đồng lại mà luyện thành mật ong. Không có sự nghiệp nào tượng trưng được sự hòa đồng bằng sự nghiệp luyện mật của con ong. Đó là bản thể của con ong. Đó là cái bất biến để ứng với vạn biến. Mật đã là món ăn tổng hợp, mà ong ăn vào, thì mất biến thể ra thành sáp, cũng như là dâu tằm ăn vào thì biến thể thành tơ. Sáp tượng trưng cái cạnh khía thứ ba của bản thể của con.
- Chẳng hay cạnh khía ấy như thế nào?
Thu Hương đáp:
- Sáp là chất mà ong dùng để xây trúc mức, làm tổ ong, chứa lại mật. Đối với loài ong, sáp có công dụng ấy. Mà đối với loài người sáp đánh dấu cho ánh sáng, cho văn minh. Loài người dùng sáp mà làm nến. Bất cứ cuộc cúng tế quan trọng nào, người phải đốt đèn sáp lên để làm sáng rỡ lòng thành của mình. Cặp vợ chồng mới cưới phải lên đèn sáp mà cầu nguyện cho bá niên giai lão. Nhà văn, đêm thanh vắng, đốt đèn sáp lên để cầu Nàng Thơ đến mà giúp hứng cho mình. Con nên nhớ rằng, thuở xưa, cổ nhân dùng đá khẻ, đá mài, mà làm dụng cụ, mà bước qua cái văn minh đồ đồng, ấy là nhờ có sáp mà làm khuôn bằng đất, rồi rót đồng sôi vào mà có được khí cụ. Đó là thuộc về mấy mươi ngàn năm về trước. Còn bây giờ, con mang xuống thế một nếp sống. 
- Chẳng hay nếp sống ấy là nếp sống nào?
Thu Hương đáp:
- Nếp sống ấy là nếp sống tập thể của loài ong mật. Đã đến lúc mà loài người, muốn trường tồn, phải lái theo hướng ấy. Từ ngày mà Thomas More vẽ ra cái xã hội tập thể không tưởng, thì tư tưởng xã hội lần lần hiện lên. Song bản tánh con người còn hiếu chiến, nên chi những tổ chức của họ bày ra thường nhại theo tổ chức chiến đấu của các ổ kiến, ổ mối, ổ ong vò vẽ... Cả trăm năm nay, tất cả cái gì mệnh danh xã hội chủ nghĩa đều đội lốt độc tài, oai trị. Và thân phận con người trong các tổ chức ấy là mất tự do và sống trong hạn chế. Chưa có nếp sống của loài ong mật sống trong dư dã và tự do. Con là ong mật trong cõi Đâu Suất, con xuống thế để nêu cái nếp sống ấy.
Xích Tử suy nghĩ một chập, nói:
- Và đã là ong, mặc dầu là ong mật, con cũng có chút nọc. Đã đành nọc của con không độc cho bằng nọc của ong vò vẽ, của ong nghệ, của ong đất mà có thể hại người nguy được, song ai chọc con, con cũng chích cho đau sơ sơ mà giựt mình...
Thu Hương nghe nói, cả cười mà phê bình:
- Thằng sao mà nết nó giống cha nó đáo để!
Cười rồi biến mất. Xích Tử cựa mình, dậy, mới hay là một giấc chiêm bao. Rạng ngày, Tập hỏi nó:
- Sao? Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Cháu đã suy nghĩ kỹ.
- Cháu đã có kế hoạch gì để báo thù cho cha mẹ cháu chưa?
- Thưa dì, vạn sự câu bị, chỉ khiếm Đông phong.
- Đối với cháu, Đông phong là gì?
- Là ngọn gió đưa cháu từ hang đá này đến thẳng Sài Gòn. Rồi cháu sẽ áp dụng câu «dĩ bất biến ứng vạn biến» mà tùy cơ ứng biến.
- Cái «bất biến» của cháu là gì?
- Là, như cha mẹ cháu đã di chúc lại trong Phi Lac Sang Tàu, một cuộc «đánh cuội» thường xuyên, không ai thắng, chẳng ai thua, nhưng nội cái việc lão tướng có tên tuổi trong văn đàn mà không hơn được thằng mà nhà văn Corneille phê bình rằng «qu’on n’a jamais vu les armes à la main» (1) thì nội điều đó đã làm thẹn họ Hồ rồi...
(1) «Chưa ai từng thấy cầm khí giới trong tay».
- Hay! Đúng như ý dì muốn. Vậy cháu lên đường và chúc cháu thành công.
Rồi chị Tập ra lịnh, dắt Xích Tử khỏi hang đá, cho liên lạc đưa đường về Châu Đốc, mua cho cái vé lên Sài Gòn ngay. Khi tới Sài Gòn, nó lục túi lại, chỉ có trăm đồng bạc: sờ lại gói quần áo, chỉ có hai bộ bà ba. Đôi dép cao su đã muốn hư, mà mấy tháng nay ở hang, tóc dài chấm vai, đem lại cho nó một tiên phong đạo cốt. Ngày ấy lại cận Tết, hớt tóc, sắm đôi dép, ăn một bụng, chắc chắn sẽ gồm hết trăm bạc rồi. Trời lại sắp hoàng hôn, lại còn vấn đề ngủ nữa! Thình lình có một chiếc ô tô trờ tới, bốn người bước xuống, trong ấy có một vị sồn sồn, hơi có bề ngang, trán hơi hói, vừa cười, vừa dẫn đầu bước vào hiệu phở và nói:
- Cái nước phớt Ăng Lê của thằng cha Hồ Hữu Tường này tôi cũng phục. Tôi viết bài chọc lét thật đau, mấy tháng sau, chả trả lời lạnh lẽo. Chân-Trời mình đặt vấn đề tranh biện với chả bốn lượt, chả cứ tỉnh như thường!
Cả bọn đồng cười, rồi kéo ghế ngồi. Xích Tử sẵn bụng đói, bước vào, ngồi bàn bên cạnh mà kêu một tô phở. Rồi day nhìn người hói trán, nó cung kính hỏi:
- Thưa bác, nghe bác nói tới tên Hồ Hữu Tường, cháu mạn phép hỏi bác có thể chỉ đường cho cháu đến nhà ông ấy chăng? Cháu chưa biết hết Sài Gòn, không thuộc đường sá bao nhiêu, nên cháu nhờ bác chỉ cho rành.
Người hói trán hỏi:
- Cháu là ai? Mà có vẻ là một vị tu sĩ vừa xuống núi?
- Dạ, cháu họ Lê, tên Xích Tử, còn bạn bè cháu gọi cháu là Tiểu Phi Lạc, vì cháu cũng có tật nói khoác, như anh mõ làng Phù Ninh.
Bốn người nghe nói cả cười. Phở bưng ra, người hói trán bảo đem cả năm tô mà đặt chung vào một bàn, rồi mới Xích Tử sang qua ngồi chung, để nói chuyện cho vui. Nó thấy bắt bồ được, vui vẻ bước sang và nói tiếp:
- Mấy tháng trước, cháu ở Cần Thơ, có đọc tờ Chân-Trời, nay nghe lóm câu chuyện của bác, cháu đoán rằng các bác là ở nhóm Chân-Trời. Nếu cháu lầm, xin bác sửa sai cho.
Người hói trán cười vui vẻ nói:
- Đâu có sai mà sửa? Bác là Nguyễn Văn Đính đây, chủ nhiệm của báo ấy. Cháu muốn tìm Hồ Hữu Tường để làm gì? Cháu nói nghe thông, bác sẽ đưa tận nhà chả giùm cho.
- Không giấu gì bác, cháu muốn đến mà «hạ chiến thơ» để khai một cuộc đấu tranh tư tưởng, chánh trị, văn chương với người mà các báo đăng cái danh là học giả. Cháu cũng đồng ý với danh từ ấy, nhưng chữ «giả» của cháu không có nghĩa là «người», mà có nghĩa là «không thiệt». 
Nghe nó nói đến đó, cả thảy bốn người đều cười rộ, khoái trá lắm. Cả thảy mời nó ăn cho mạnh, cho no đi, rồi sẽ cùng nhau đến chứng kiến cuộc «hạ chiến thơ». Mấy tháng ở trong hang đá ăn lương khô thèm khát, nó ăn luôn hai tô phở tái và nốc cạn một cốc bia, hơi say ngà ngà, thêm hứng, nói:
- Các bác chọc lét không được, âu để cho cháu lãnh cái công việc ấy cho. Cháu có nhiều ngón chưởng đáo để, dầu không làm cho vị học giả già ấy đau, song cũng chọc lét được.
Người hói trán cười nói:
- Khoan đã cháu! Gà mái chưa đẻ chớ nên cục tác. Nói khoác vừa vừa, chớ bác coi thằng chả cũng già hàm lắm!
- Không nói khoác sao cho xứng với danh từ TIỂU PHI LẠC? Các bác hãy xem cháu nạp đòn đầu. Cháu mà lập được đầu công, các bác thưởng cháu cái gì?
- Cháu mà chọc lét được, cho chả mất bình tĩnh, mà bỏ cái phớt Ăng Lê, thì cần gì ai thưởng? Các bác đây sẽ lăng xê cháu trong các giới ở Sài Gòn. Con đường danh vọng của cháu sẽ rộng thênh thang. Mà cháu có tính hớt tóc để ăn Tết không?
- Khoan. Để gặp họ Hồ xong đã. Cần dùng cái bề ngoài của một đạo sĩ để chụp tinh thần của đối phương. Các bác chớ nên giới thiệu cháu là ai. Các bác nói cháu là một tu sĩ ở Tà Lơn mới xuống núi...
Tiệc phở xong, người hói trán bao trả tiền, cả thảy lên xe lại thẳng đường Phan Văn Trị, số 29. Vừa trên xe bước xuống, người hói trán vừa cười, vừa gọi lớn trong nhà:
- Anh Tường ơi! Chưa Tết mà chúng tôi đến xông nhà anh. Sợ ngày mồng một mà chúng tôi đến, rồi trong năm, anh mắc vào Tru tiên trận, anh đổ thừa tại tụi tôi!
Tiếng cười trong nhà đáp lại:
- Hễ có tên trong bản Phong thần của Tử Nha, thì chẳng ai xông nhà, vẫn cứ mắc vào trận. Thôi vô đây tán dóc một bữa, gọi là làm tiệc tất niên. Ủa, sao bữa nay bộ biên tập CHÂN-TRỜI lại thêm một đạo sĩ nữa?
Cả thảy cùng vô, phân ngôi chủ khách. Đèn bật sáng, rọi rõ gương mặt của Xích Tử. Hồ Hữu Tường vừa nhìn kỹ, vừa nghe bạn nói:
- Chính vì vị đạo sĩ trẻ tuổi này, mà chúng tôi đến xông nhà anh trước Tết. Vậy tôi xin nhường lời cho anh và đạo sĩ nói chuyện. Chúng tôi, bốn đứa, chúng tôi chỉ nghe và xem thôi.
Hồ Hữu Tường khởi sự:
- Chẳng hay đạo sĩ là ai, pháp danh gì, tu luyện ở non nào, và do duyên cớ nào đưa đẩy, mà lọt dưới Chân-Trời?
Xích Tử đằng hắng, lấy giọng, đáp:
- Bần đạo vốn họ Lê, tên Xích Tử, người mà tác giả của Phi Lạc Sang Tàu dự tri rằng khi đổi đời mới sẽ ra công. Pháp danh của bần đạo là «Minh Đạo giáo chủ». Ở đây, cần phải dừng lại, để chánh danh. Minh ở đây không phải do hai chữ nhật và nguyệt hiệp nhau mà thành, để có nghĩa là ánh sáng. Minh Đạo ở đây không có nghĩa là cái đạo sáng suốt, cái đạo mà Phật Thầy Tây An dự tri rằng sẽ tái sanh. Chữ minh, ở đây, là chữ khẩu nằm bên chữ điểu, và có nghĩa là gáy. Thì «Minh Đạo» là cái đạo gáy. Nói một cách khác, ấy là đạo nói khoác. Vì lẽ ấy mà bạn của bần đạo lại đặt cho bần đạo một pháp danh khác: ấy là TIỂU PHI LẠC. Còn bần đạo tu luyện ở núi nào? Xin đáp ngay rằng bần đạo tu ở núi Tà Lơn. Và ở đây cần phải chỉnh lại danh từ. Tà Lơn là một tiếng kép, do tiếng Miên là «tà» mà ghép với tiếng Việt là «lân» mà người ta đọc sai là «lơn». Trong tiếng Miên, «tà» là một đấng do người thờ phượng cũng như tiếng Saint của Pháp, hay tiếng Thánh của Tàu. Còn trong tiếng Việt, «lân» là giống thú thuộc về loại tứ linh, mình hươu, chân ngựa, đầu có sừng; tục truyền rằng có thánh nhơn xuất thế, nó mới hiện ra...
Xích Tử nói đến đó, vẻ mặt nghiêm nghị. Bốn khán giả tủm tỉm cười. Còn Hồ Hữu Tường vỗ vế cười ha hả, hỏi:
- Nói vậy, đạo sĩ tu ở núi Tà Lơn với mục đích để thành thánh nhơn chăng?
Xích Tử ung dung đáp:
- Cuối hạ nguyên, Quỉ Vương xuất hiện, thì đổi đời mới, phi thánh nhơn, có ai làm nổi?
Bốn khán giả nhịn không được, cười ra tiếng. Họ Hồ cũng cười dài và hỏi:
- Nay thánh nhân xuống núi Tà Lơn, thì do duyên cớ nào đưa đẩy, mà lọt dưới Chân-Trời?
- Trời là cái không không, vô cùng, vô tận, trong ấy các cõi, các hệ, các tinh tú, các hành tinh vận chuyển. Trời làm gì mà có chân? Chân-Trời là cái gì mà bần đạo phải lọt xuống dưới? Câu hỏi này, bác học giả nên hỏi lại ông chủ nhiệm của tờ báo. Còn về phần bần đạo, bần đạo nhờ bốn vị đây dắt đường đến nhà học giả, để «hạ chiến thơ», với mục đích là khai mạo một cuộc tranh đấu tư tưởng, chánh trị, văn chương, cho thỏa công tu luyện.
Hồ Hữu Tường, hết cười, đạo mạo đáp:
- Từ hai mươi lăm năm nay, tôi rời chủ nghĩa Mác-Lê, không chấp thuyết tranh đấu, mặc dầu chỉ tranh đấu bằng ý, bằng lời. Đạo sĩ muốn tranh đấu cho thỏa công tu luyện, thì nên đến báo Chân-Trời mà «hạ chiến thơ» với ông Huyết Hoa nào đó, cũng hăng say tranh đấu như đạo sĩ. Còn tôi nay mượn đường Hòa Đồng để đi đến tổng hợp. Đạo sĩ có muốn hòa đồng, mục đích đã như nhau, dầu phương tiện của đạo sĩ là có khác, vị là «gáy», vẫn có thể nói chuyện nhau được.
Cả bọn khán giả cười. Người đầu hói nói:
- Rồi, rồi, bị nước phớt Ăng Lê của chả rồi. 
Xích Tử bị một chưởng, ớn xương sống. Song gom thần lực lại được, nó đáp:
- Chúng ta chớ nên mắc kẹt trong danh từ. Chúng ta nên vượt lên danh từ, nếu ta chấp ba chữ «hạ chiến thơ» theo khuôn khổ cũ, mà kể chữ «hạ» là động từ, có nghĩa là đưa xuống, còn hai chữ «chiến thơ» là danh từ ghép, có nghĩa là một văn kiện để tuyên bố chiến tranh, thì «hạ chiến thơ» ấy là gài một mặt trận để tranh đấu rồi. Bây giờ, bác học giả không muốn tranh đấu, cũng được đi. Thì hai chữ «hạ chiến» ta ghép lại mà đề cao cái ý nghĩa đem thuyết chủ chiến xuống. Còn chữ «thơ» bây giờ đổi là động từ, có nghĩa là làm sách. Thì bác học giả cho tôi cộng tác với bác mà viết sách để «hạ thuyết chủ chiến» vậy.
Dằn không được, Hồ Hữu Tường đáp:
- Đạo sĩ này khá già mồm mép. Vừa nói đen, lại cãi ra trắng ngay! Nhưng tôi đã có đủ bằng cớ của sự ngụy biện rồi! Vậy chớ đoạn sau của câu: «với mục đích là khai mào một cuộc tranh đấu tư tưởng, chánh trị, văn chương, cho thỏa công tu luyện», đoạn ấy có phải nói rõ thêm là gài mặt trận để tranh đấu chăng?
Xích Tử vỗ vế cả cười nói:
- Xin lỗi bác. Nhờ bác mất bình tĩnh, mà cháu đã lập công đầu, ăn hai tô phở tái, nốc một cốc bia, thêm từ bến xe mà đến đây khỏi phải trả tiền tắc xi, lại biết được địa chỉ của bác. Số là, đến Sài Gòn, cháu chỉ còn có trăm bạc. Nghe bốn bác đây bực mình về cái phớt Ăng Lê của bác, cháu lãnh cái sứ mạng chọc lét bác, cho bác rời cái phớt Ăng Lê ấy đi. Sự phản ứng của bác đã giúp cháu thành được công đầu. Vậy, trước thềm năm mới, cháu chúc năm bác mọi sự vui. Và xin lỗi các bác, cháu chẳng phải là đạo sĩ gì cả. Vậy, xin cho cháu đi hớt tóc ăn Tết, kẻo trễ.
Nói rồi, gởi gói đồ lại, bước ra ngoài.
Dây nói về tướng Westmoreland, mấy tháng trước đây, khi tiếp được cái thơ nặc danh của nhà địa lý nào đó, thì cho rằng chẳng có giá trị gì cả, nhưng rồi lần lượt, các cơ quan nạp về cái thông cáo của một nhóm thầy địa lý khác, thì một chút hoài nghi đặt ra trong đầu óc người. Có lẽ việc ếm mồ mả cũng có ảnh hưởng gì, nên người Việt mới xem là trọng đại như vậy. Bèn hạ lịnh cho các nhân viên tình báo CIA tìm mời cho được Lê Xích Tử, để hỏi xem cách ếm mả cách nào mà đòi giá cao đến trăm triệu đô la. Các nhân viên tình báo điều tra khắp nơi, chẳng biết Lê Xích Tử là ai cả.
Những tình báo này thảy đều có máy tối tân để thâu thanh. Hai người nói chuyện nho nhỏ với nhau, máy đặt cách xa cả một hai ngàn thước, vẫn thâu được, và tất cả nhà người nào đáng để ý thảy đều có máy này đặt ở xa xa đó, để thâu và ghi tất cả cuộc chuyện vãn, để cho ban tình báo nghiên cứu và theo dõi. Ngày 30 Tết, cái máy thâu thanh đặt ở đường Phan Văn Trị đã ghi rõ cuộc nói chuyện đã xảy ra trong nhà họ Hồ. Nhân viên tình báo nghe có tên Lê Xích Tử, lật đật điện thoại báo cáo cho thượng cấp hay. Lập tức, một ban đặc biệt được cắt đến rình trước nhà họ Hồ. Hễ Xích Tử bước ra, thì phải làm sao mà mời cho được. Vì vậy mà trong khi năm người ngồi trong nhà, Xích Tử vừa bước ra khỏi cửa, thì bị xô ập vào một chiếc xe hơi Hoa Kỳ, bị kẹp vào giữa hai nhân viên, và xe rồ máy, mở tốc lực mà chạy phăng phăng. Xe quanh qua, lộn lại, trải qua đường, đông đảo có, tối om có. Xích Tử không rõ là đi đâu. Đến một khu yên tĩnh kia, xe quẹo vào một ngõ hẻm và ngừng lại một biệt thự to. Một nhân viên bước xuống, cúi đầu chào và mời Xích Tử bước theo mình. Trong biệt thự, một người Hoa Kỳ ra đón chào và nói bằng tiếng Việt, với một giọng thật đúng:
- Chúng tôi biết ông hết tiền, không chỗ nghỉ, không bạn bè đùm bọc ở Sài Gòn, để ăn mấy ngày Tết. Vậy chúng tôi mời ông đến đây để sống mấy ngày Tết với chúng tôi cho vui. Ông chưa hớt tóc, ông không có quần áo để đổi thay. Không hại gì. Thợ hớt tóc sẽ tới đây mà hớt cho ông. Người ta sẽ đem quần áo mới lại cho ông thay đổi. Ông sẽ tắm cho khỏe, sau một ngày mệt mỏi. Trong tủ, có đủ thức ăn, tự tiện ông dùng. Nơi phòng viết, có đủ báo Xuân cho ông đọc. Tôi chỉ yêu cầu ông đừng bước ra ngoài biệt thự mà thôi.
Xích Tử thấy mình mắc kẹt, chẳng biết làm sao. Gẫm số phận oái oăm, mới bị nhốt trong hang đá đây, kế bị cầm nơi biệt thự. Khác có điều là trong hang đá thì ăn cơm khô, uống nước lạnh, nằm trên đá, chẳng có mền. Còn nơi biệt thự đây, thì thức ăn, thức uống dồi dào và sang trọng, nệm cao, mền ấm, tiện nghi chẳng thiếu món chi. Một chiếc xe đến. Một sĩ quan bước vào với một người lính xách va li. Sĩ quan đo ni tấc của Xích Tử, vẽ vòng bàn chân, trong lúc người lính mở va li bày đồ hớt tóc ra mà hớt cho nó. Sĩ quan lại gọi điện thoại mà nói chuyện. Khi nó hớt tóc xong, thì một chiếc xe khác đến, nạp một cái va li to, đầy ăm ắp quần áo may sẵn, nào vớ, nào sơ mi, nào đồ Tây, nào đồ mát, nào cà vạt, chẳng sót dầu thơm, đồ dùng để súc miệng, rửa mặt, sửa soạn móng tay. Xích Tử tắm, thay đồ mát xong, bước ra thì thấy bày nơi bàn một tiệc ê hề. Người Hoa Kỳ mời nó ngồi đối diện, cùng ăn. Và nói:
- Ông Lê Xích Tử, tôi xin giới thiệu, tôi là Thompson, một sử gia Hoa Kỳ. Cách đây vài tháng, tướng Westmoreland có được một bức thơ của một thầy địa lý, trong thơ có nói tới ông. Khi dùng cơm xong, ông sẽ đọc cái thơ ấy. Tướng Westmoreland không tin lý thuyết của thầy địa lý nọ. Từ ấy, mỗi lần bắn chết một Việt Cộng, thì tìm được trong túi của tử thi một cái thông cáo. Ông sẽ đọc cái thông cáo ấy nữa. Hai tài liệu này đặt cho bộ tham mưu Hoa Kỳ một câu hỏi «Việc mồ mả mà khoa học địa lý đề cập đến, có ảnh hưởng chi đến lịch sử chăng?» Các tướng chỉ có học về quân sự, không làm sao trả lời câu hỏi đó. Sẵn tôi là một sử gia, bộ tham mưu Hoa Kỳ có hỏi ý tôi. Nhưng tôi học theo khoa sử của Tây Phương, tôi cũng không biết nốt. Tôi cũng không dám võ đoán mà phủ nhận một khoa mà tôi chưa từng nghe tới bao giờ. Nên tôi đề nghị tìm ông, mời ông đến đây ăn mấy ngày Tết với tôi, để chúng ta nói chuyện...
Xích Tử không đáp ngay. Mặc dầu đã lót lòng bằng hai tô phở rồi, song vẫn thấy còn đói, nên lo hưởng. Chốc chốc, nó liếc nhìn Thompson, để xem trên nét mặt có lộ ý gì. Thompson tiếp:
- Chẳng hay ông Lê Xích Tử năm nay niên kỷ được bao nhiêu?
Xích Tử nuốt một miếng thịt cừu xong, đáp:
- Tôi sanh cuối năm 1948. Nay chỉ hơn mười sáu tuổi mấy tháng.
- Ông học đến trình độ nào?
- Cái học của tôi có ba thứ nguyên. Chẳng hay ông muốn biết theo thứ nguyên nào?
Thompson lấy làm lạ hỏi:
- Lại có ba thứ nguyên trong sự học sao?
- Phải, thứ nguyên thứ nhứt là cái học «hữu sư», học ở nhà trường, theo chương trình và có thầy. Theo thứ nguyên này, thì tôi chỉ vừa thi đỗ Tú tài, mà vì lặn lội, nên chưa vào Đại học. Thứ nguyên thứ hai, là học ngoài nhà trường, không bó mình theo chương trình nào, mà chẳng theo một ông thầy dẫn dắt; lại thâu thập tinh hoa của bá gia chư tử về mà làm sở đắc của mình. Ấy là cái học «siêu sư».
Thompson hỏi:
- Theo thứ nguyên này, cái học của ông đã được bao nhiêu?
- Tôi biết đọc và ham đọc từ hồi năm tuổi, sách mỏng, mỗi ngày đọc hai quyển, sách dày hai ba ngày đọc một. Kể trung bình, nên lấy mỗi ngày một quyển thôi, thì một năm, đọc được ba trăm sáu mươi quyển: mười một năm nay, tôi đọc chỉ non non bốn ngàn quyển sách mà thôi. Nhiều quyển chỉ lập lại tư tưởng của người khác. Lắm quyển không có tư tưởng nào sâu sắc. Lọc lại, trong bốn ngàn quyển đã đọc, nên kể còn chừng một trăm quyển có giá trị mà thôi. Thâu thập tinh hoa của trăm quyển này, là có sở đắc của tôi.
- Còn theo thứ nguyên thứ ba?
Thứ nguyên thứ ba là thứ nguyên của kẻ học cái học «vô sư», chẳng cần thầy, vượt các sách. Ấy là cái học của Hạng Thác, người thần đồng đã đặt những câu hỏi đến Khổng Tử mà đáp còn không nổi. Ấy là cái học của Cam La, mới mười hai tuổi đã có tài kinh bang.
- Theo thứ nguyên này, sở học của ông đã đến đâu?
Xích Tử cười ha hả và đáp rằng:
Muốn biết Xích Tử đáp ra thế nào, xin xem hồi sau phân giải.