- Con có yêu bố không?
- Không yêu tí nào. Bố có thương mẹ con mình đâu.
- Vậy sao con khóc?
- Vì con thấy mẹ khóc nên con khóc theo.
- Chứ không phải vì bố?
- Vâng.
- Con sẽ tha thứ cho bố con chứ?
- Vâng, à mà con không biết. Bởi vì bố chưa quan tâm đến con lần nào, nên con không coi mình có bố. Không có bố thì làm sao phải tha thứ.
Đó là một mảnh ký ức đối thoại thường ngày của hai mẹ con, khi tôi mười bốn tuổi. Lúc đó, vì thấy tôi xinh xắn, mẹ lo. Bảo đàn bà nhan sắc không sung sướng gì. Tôi ngờ nghệch nói xinh xắn có tội gì đâu mà bạc mệnh. Mẹ cười, thường là bạc mệnh con ạ. Còn lý do làm sao thì mẹ biết đâu được. Nhan sắc đàn bà, như mẹ nói, làm tôi hiểu vì sao mẹ cố tình cắt xén cho tôi kiểu tóc chẳng giống ai, có phần ngổ ngáo để tôi bớt xinh xắn. Giờ thì sâu sắc hơn, tôi ngẫm ngợi bao ngày. Bà tôi đẹp, mẹ đẹp, tôi cũng được coi như vậy, mà cuộc đời đã ra sao kia...
Lắm lúc, trong những ngày làm gái điếm lang bạt, hỏi vài ba đứa được gọi là xinh ở nhà chứa. Chúng mày có định quay về làm lại cuộc đời không? Chả. Nhan sắc không đến nỗi nào, đàn ông không chê đâu. Họ lả lướt qua chuyện, chúng tao làm gái điếm quen rồi, sống lương thiện không sống được. Lúc ấy ai cho tiền, phải đổ mồ hôi mới có ăn.
Tôi chỉ nghim nghỉm rằng, mình không như chúng nó, quay về khi có thể.
Lúc nào quay về được? Hành trình còn dài.
2.Chị Dung có một tình yêu, mà giấu khoanh khúm không cho ai hay. Chị bảo chưa chắc nên chưa nói. Nói rồi, phải chị đã chắc chắn vào tình, hả?
Chị bớt tiếp khách một ít và dành thời gian chăm cho tình yêu, đêm về êm đềm mơ một ngày tình lớn, hưởng hạnh phúc trong no đầy.
Đó là một người đàn ông phong độ, hơn chị ba tuổi, dáng cao, tóc dầy mượt. Người có tuổi thơ không suôn sẻ, nhưng đầy tham vọng và mơ ước ở thời thanh niên. Hoàn hảo, chị nhiều tuổi hơn tụi em, va vấp nhiều, chị cân nhắc kỹ. Dung tỏ ra lọc lõi, chúng mày yêu đi, mọi chuyện đều hay, cứ nhìn chị Tiến. Tôi chưa gặp người đàn ông nào. Chị Dung vênh váo đàn chị “Vy, kiếm lấy một thằng, giống như chị đây này, đi đâu có kẻ đón người đưa...”. Gặp người như tôi đã cưới? Một cái nợ lớn nhất ôm vào người. Khi bị chồng đánh đuổi, tan tác chạy ra đời, vạ vật, mới thấy rằng kiếm được chồng tốt không hề đơn giản. “Cái số của mình nó thế thôi, chứ chị đây, chả ổn à, anh ấy chiều chị lắm”. Chị nhìn tôi thảm hại sau mùa giông tố, châng lâng cười, giọng lúc nào cũng chói lói.
Ngày đó, tôi nhìn anh không có vẻ là một người đàn ông tốt, nhưng không dám nói, sợ chị giận. Dù sao, lời nói của tôi cũng chưa có trọng lượng. Nên chỉ nhắm mắt, cầu cho chị đừng vấp phải chuyện gì. Thời gian ào qua trên đầu, chị vẫn an toàn, hai năm giữ được niềm vui trong mỗi đêm ở thế giới riêng. Còn tôi đã thế nào?...
Mối tình của chị càng lớn, dường như công việc giảm đi, bọc tiền kiếm được từ khoản tiếp khách mỏng dần, chị chạy đôn chạy đáo với nỗi vất vả, tôi gọi đó là nỗi truân chuyên. Đời con gái truân chuyên. Chị ôm nhan sắc, da thịt đàn bà chạy theo tình yêu. Lắm lúc thấy chị như con thiêu thân, đôn đáo quá. Cần gì phải vậy. Mà chị không bao giờ nghĩ chuyện gì có thể xảy ra, nhất là khi người đàn ông luôn phụ thuộc.
3.- Vy, Vy, tao nói mày có nghe không. Quên chuyện đó đi, đau thương mãi không giải quyết được việc gì. Mày cứ thế này mãi làm sao tao sống được. Hãy để tao làm với chứ. Tao đi thế này, may mắn gặp mày, sống với nhau như chị em. Đó là cái duyên lớn. Mày đau, tao lại không đau sao?
Hoàn êm đềm quá, trân trân nhìn tôi, ánh mắt rắn rỏi, tự tin và le lói căm uất. Nó bình tĩnh hơn tôi trong mọi chuyện, nên lúc này, không thể không nguôi ngoai. Nguôi ngoai thật. Tình cảm nó chan chứa mát lòng.
- Cảm ơn mày, nếu không có mày an ủi, tao không biết sống ra sao.
Tôi đi ra ngoài, thấy mình chơi vơi, hụt hẫng trong đèn phố, nao nao mơ một ngày đừng bao giờ phải chứng kiến cảnh này. Những đứa con gái ăn mặc hở hang, cõng nhau bằng xe máy lao vù vù, da thịt cong cớn phô bày. Bỗng có cảm giác ghê tởm nhà hàng, nghề gái mại dâm, ổ chứa. Những hang ổ được dựng lên ngày càng nhiều để phục vụ cho nhu cầu con người, mỗi ngày một nhiều hơn những đứa bỏ làng ra đi làm gái, thỏa mãn cho nhiều người.
Một độ, nằm nghe mấy đứa con gái ế khách chí chóe chuyện đời, chuyện nghề. Có đứa nói, một ông bốc đồng, vào ổ gọi một loạt gái lên vùng vẫy nhảy múa, trả nhà hàng dăm triệu một lúc. Đèn tắt, nhập nhoạng bóng đen, chủ nhà đưa bốn cô vào. Ông bố ôm hôn, nhảy múa mãi, khi bật điện lên để chuẩn bị... đi xa hơn, mới biết trong đó có con gái mình. Còn đứa khác kể, hai vợ chồng nhà kia đưa nhau đi chơi, vào một trại gà. Chủ gà giới thiệu ông ta có con gà trống một ngày phủ mái trăm lần. Cô vợ nhìn chồng “Anh thấy chưa?” Anh chồng ấm ức. Khi ra đường, vợ cứ thắc mắc chuyện đó. Anh chồng quay lại chỗ chủ trại hỏi xem con gà trống làm vậy với một con trăm con khác hay chỉ với một con. Chủ trại nói với trăm con. Anh chồng nhìn sang vợ “Em thấy chưa?”...
Chuyện này, không tin là thật, nhưng chắp vá lại cũng đủ chua cay khi nghĩ về nó. Tôi không dám nhớ chồng, và sợ khi phải nghĩ đến hắn, hình ảnh hắn sẽ găm vào trí nhớ. Tôi nghĩ đến con, một đứa bé chưa thành hình hài. Và thấy dường như nó từ chối sinh ra trong đời là có lý do. Với tôi, đó là cái may trong cái rủi! Bởi vì, sinh ra lúc này, nó chưa thể được sống sung sướng. Những tâm tư trái chiều giằng xé tôi.
Tôi giấu Hoàn, lúc nào không dừng được, ra một chỗ khóc, mỏi mắt thì thôi, rồi lấy khăn lau, xong về. Và nhiều đêm tôi nằm thao thức, thấy tủi thân vô bờ. Đến lúc Hoàn biết chuyện thì đã giàn giụa nước hai gò má, dưới gối.
Không thể ngờ hắn tìm được đến chỗ tôi. Hắn đến tìm không phải để ăn năn cho lỗi lầm của người chồng vũ phu, đánh vợ và đuổi thẳng vợ đi. Hắn đến để lấy tiền. Lúc đó tôi có một mình, đưa cho hắn một ít hòng yên chuyện. Tối hôm sau hắn lại đến, có Hoàn ở nhà. “Mày đừng đưa, không việc gì phải sợ hắn cả”. Hắn quát “Con đĩ, im mồm, ông không đòi mày”. Hoàn không vừa, nó trở nên cứng rắn lại. “Anh không còn là chồng nó, can cớ gì đến đòi tiền. Anh hèn lắm, đàn ông mà phải đi xin tiền đàn bà”. Câu nói ấy lĩnh nhận một cú huých tay của chồng tôi. Hoàn ngã dụi. “Đồ ác ôn” - Tôi hét - “Anh không bỏ được cái thói ác ôn ấy”. Đành rút tay đưa hắn ít tiền để đẩy hắn đi.
Hai đứa quyết định chuyển nhà đi chỗ khác. Tôi không còn đủ sức để bước chân ra khỏi nhà. Chút sức lực ít ỏi tôi dành nhớ con, nhớ mẹ và khóc. Người tôi teo tóp dần, như quả ớt bị đem ra phơi, cả niềm hào hứng kiên cường muốn kiếm tiền cũng teo tóp theo. Không muốn ăn, không muốn cử động, buông xuôi cho ủ dột đổ về, tôi đợi ngày mình biến thành... quả ớt khô.
4.Lúc này mấy chị em ở cùng nhau. Tình yêu của chị Dung có phần rạn nứt, thấy chị hôm nào về cũng thiu thiu buồn.
Hôm ấy, chị ngồi tâm sự với tôi và Hoàn, như con thú mang thương tích trong mình, điều mà tôi cảm thấy từ gần hai năm trước. “Chán quá hai đứa ơi, tao bắt đầu thấy ngán ngẩm phùi lên mép rồi. Trai ơi là trai, tình ơi là tình. Tao sắp cạn hết rồi, nó là thằng đào mỏ, chẳng biết có cứu vãn được...”. Tôi mạnh bạo, bảo chị chia tay sớm ngày nào tốt ngày ấy, không cứu vãn được đâu, nhìn bộ mặt của hắn, không đáng tin đâu. Hoàn cũng cho chị những lời can ngăn, nhưng chị bảo để từ từ tính đã. Tình yêu làm sao tính toán được, hả Dung.
Dung hét lên “phải làm gì bây giờ?”, hơi thở trút ra nặng nhọc. Tuyệt vọng bùng lên, ai cũng như ai, chơi vơi và lại ao ước, mong có chiếc cọc bấu víu giữa dòng khơi, hay bàn tay ấm áp nào ra đỡ mình.
Chị ôm nhan sắc ra đi, tìm xem còn sót lại gì trong đống đổ nát. Đồng tiền cùng chị cầu xin sự ban phát ở đây, mà tôi và Hoàn không muốn chị làm việc đó chút nào. “Chị không hiểu về đàn ông sao? Dừng lại đi”. “Bao giờ đàn ông mới học được cách chung thủy, hả Vy?”. Sau bài hát tình yêu u buồn nói về sự xa xôi chia cắt, chị Dung tu ừng ực chai rượu vừa mua, và nghêu ngao hát, những bài hát không đầu không cuối, tôi chưa nghe bao giờ, nhưng thê lương. Nhiều ngày chị vùi đầu, ngập chìm trong tâm trạng đó, đau khổ, khóc cười. Kẻ bị tình phụ đi ngoài rìa như con thú thua trận trong cuộc giành giật tình yêu, chưa kiếm được mảnh đất dung mình. Cái thứ gọi là tình yêu, sao mà xa xôi.
Bao đêm, chị đi không về, và lần nào cũng ngập đầy men. Chúng tôi không mảy may thấy một tín hiệu nào cả kẻ đã làm chị mê mệt tỏ chút quan tâm hay sự thương tình. Hắn tốt nghiệp đại học muộn, đang tìm kiếm may mắn trong đời. Dung tự hào vì yêu được chàng trai học đại học, phong độ, từng tự hào mình đã ngủ với trai sạch. Ai ngờ...
Tin vô cùng đau đớn đến với tôi và Hoàn từ cuộc điện thoại của một người dân. Dung bị tai nạn, rất nặng. Tai nạn ấy nhiều người nói giống như một cuộc tự tử hơn. Chúng tôi tớn tác đổ vào bệnh viện. Dung bị gẫy tay, chân, sụt xương lồng ngực, đầu nhiều thương tích, xương chậu vỡ... nghe bác sĩ liệt kê mà thấy rùng rợn, lông tóc dựng ngược.
Dung nằm bẹp dí, băng trắng lạnh toát, kín toàn thân. Lúc này tôi và cả Hoàn cũng vậy, cố để nước từ khóe mắt đừng trào ra mà vẫn cứ đỏ lựng khi hai ánh mắt gặp nhau. Ái ngại. Ngày thứ hai tôi mới gọi được người nhà của chị. Họ gào thét, niềm đau vỡ ra, tột cùng. Cha chị nói hãy cứu con tôi bằng mọi giá. Các bác sĩ lắc đầu. Chuyển đi viện khác ở Hà Nội, họ bó tay. Một bác sĩ tâm sự, “Toàn bộ mặt mũi của cháu bị nát, hộp sọ vỡ, tôi khâu vá và cẩn thận là để đi liệm, đánh phấn vào cho đẹp, hơn trăm mũi khâu còn gì là người”.
Gia đình hoàn toàn thất vọng, nhưng cũng may mắn thay, một tia sáng đã kịp lóe lên trong đầu mỗi người khi đang trong cơn tuyệt vọng tột cùng. Cha chị Dung, được người mách, tìm được ông thầy thuốc cao tay. Ông nói “Tôi chữa được”. Một con đường đã mở ra, khó khăn, tốn kém liệu có đi hết được không.
Ông thầy thuốc cao tay đã làm chị tỉnh lại. Lúc đó, vừa mới nhìn thấy tôi, chị đã muốn nói. Tôi ghé sát tai, chị thều thào “Tao phải trả thù”. Trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ, có phải chị tỉnh lại, chỉ để trả thù? Giống như tôi, vì thù hận mà sống. Sao lại có thứ trái đời? Thù hận có sức mạnh phi thường, tiếp cho con người ta nghị lực vượt qua cái chết.
Để cứu chị, cha mẹ chị đã phải bán hết những gì có thể quy ra tiền. Nhưng dù cố gắng đến đâu thì họ vẫn phải chấp nhận một đứa con mãi tàn phế, phải chữa trị trong nhiều năm. Chị liệt chân, mặt mũi biến dạng, nửa cánh tay không còn cảm giác. Trước sự chăm lo của gia đình, chị đưa cánh tay duy nhất còn lại vò đầu, như một sự hối hận “Con đã nghĩ sai về cha mẹ, con xin lỗi. Cuối cùng, mọi người vẫn ở bên con”. “Con đừng nghĩ ngợi nhiều, cha mẹ làm sao bỏ con”.
Và để chị bình tâm, những người thân, và tôi nữa, thường xuyên rót vào tai chị những lời động viên, bởi chị là đàn bà. Người đàn bà đau đớn nhất khi nhan sắc khi nhan sắc bị hủy hoại. Nên để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra, chị cần cách ly hoàn toàn với gương soi, chờ phẫu thuật từng phần. Chị sẽ phải sống với những cuộc phẫu thuật liên tiếp, trả lại phần nào nhan sắc.
Anh Quân, người trước đây từng để ý đến chị cũng thường xuyên lên chăm sóc chị. Lúc này, tôi không tìm thấy ở chị nỗi buồn mênh mang như trước. Chị được nghe anh Quân chơi đàn ghita. Chị nói “Tiếng đàn của anh Quân vẫn hay hơn cả”.
5.Anh Quân người làng kề bên, mê đắm chị Dung nhưng chị không ưng. Ngày đó tiếng đàn của anh trải lối chị về. Nhưng điều đó thật bé nhỏ, chị mơ những thứ cao sang hơn, mơ phố nhập ngằng ánh đèn, mơ nhà cao tầng, động cơ. Tiếng đàn hay không làm no cái bụng, béo cái người. Anh Quân ngơ ngẩn bao ngày, từ đó vẫn chưa yêu ai khác.
Bây giờ tiếng đàn ru chị ngủ, đưa bước chân chị về con đường quê ngan ngát cỏ hoa, rập rờn cánh bướm. Chị nhìn anh cười. “Em xin lỗi, anh Quân, ngày đó... giờ em tàn phế thế này”. Anh Quân cũng cười, nghe yếu ớt “Thế tôi mới có cơ hội được gần Dung”. Tiếng đàn của người nghệ sĩ nửa mùa lại bật lên.
Sau chuyện xảy ra với chị Dung, tôi thấy niềm đau của mình trốn đâu mất, thấy mình vẫn còn may mắn sao ấy, hay có những ý nghĩ quái gở ùa vào trong đầu. Tôi không còn chút tư tưởng sống đi để mai trả thù kẻ đã làm hại mẹ mình, đẩy đời mình ra nông nỗi này.
Anh Quân về nhà, rồi thu xếp lên. Chị Dung bỗng nhiên nghiện tiếng đàn của anh, đêm nào cũng muốn anh ở bên, không muốn ngủ sớm.
- Anh Quân là của hiếm đấy, Vi ạ.
- Vâng, em biết rồi, nhìn anh ấy là biết. Tôi hỏi:
- Anh ấy có biết chị từng làm...?
- Không, à, chị không chắc lắm. Có lẽ anh ấy biết. Giờ hối hận vì chê bai anh ấy, đi dành tình yêu và hy vọng cho một kẻ ất ơ, tự dưng đổ nhào vào đời mình. Chị không tay trắng đâu em, có anh Quân rồi.
6.Xuân rơi tõm vào một khoảng nào đó của trời, tiết hè đang bùng lên. Tôi bắt gặp cha mình, ông ấy ngồi vạ vật ngoài đường. Một người trắng tay trên con phố trống tuyênh, thảm hại, nhen nhuốc. Ông ta nhận ra tôi đi qua, dù đã cố tình lơ đãng.
- Này con, không nhận ra cha sao?
- Tôi không biết ông là ai, sao lại tóm áo tôi, bỏ ra.
- Vy con, cha biết là không còn xứng là cha con nữa. Nhưng cha mong con hãy tha thứ cho cha, giờ cha sống khổ lắm.
- Không, tôi không biết ông, đừng nói chuyện đó với tôi.
- Con đừng từ chối cha. Cha biết con là Vy mà.
Tôi không bảo mình dừng được nước mắt.
- Khổ sở thì ông mới nói đến tôi sao? Phải, tôi là con ông đấy, thì sao chứ? Đã bao giờ ông cho tôi tận hưởng chút tình cảm của người cha chưa, chưa đúng không? Tôi chưa bao giờ nhận được một cái gì từ ông cả. Vậy thì ông có tư cách gì gọi tôi là con. Ông bỏ mẹ con tôi, đi hết với người này đến với người khác, sự sống chết của hai mẹ con có bao giờ ông chịu hiểu. Kẻ phụ bạc như ông chịu cảnh ngộ như thế này là đáng đời.
- Kìa Vy.
- Đừng gọi tên tôi. Mẹ và tôi đã chịu bao năm tháng tủi nhục. Ông có biết mẹ tôi chết thê thảm thế nào không? Không ai quan tâm, chỉ hai mẹ con ôm nhau khóc. Lúc đó ông ở đâu, đang đè lên bụng những con đàn bà đĩ thõa đúng không? Vì ông, tôi đã phải đánh đĩ. - Tôi ngoa ngoắt với người đàn ông - xa lạ. Ông ta quỳ thụp xuống, nài van:
- Con ơi hãy thương lấy cha.
- Ông mà cũng có giây phút này ư? Hèn quá. Ông tự nhận là cha tôi mà phải quỳ thụp thế kia.
Tôi cay đắng nuốt nghẹn, dứt áo bước đi. Ông ta gọi, thê thảm. Nghĩ lời mẹ dặn, hãy tha thứ cho cha con, tôi nhắm mắt, mình tha thứ vậy thì thiệt thòi cho những người đàn bà quá. Đàn ông phụ bạc, chỉ lời xin lỗi là xong thôi sao.
Vậy thì thôi, bước chân tôi tê dại, lòng đông cứng. Ông ta đổ gục phía sau. Thành phố kéo một cơn mưa đầu mùa, không to, nhưng đủ để rửa đi nỗi lo về sự rắp tâm của đứa con gái với cha mình.
Nhưng đó không phải là sự thật, chỉ là cơn mơ trong một đêm hoảng loạn, yếu đuối và chông chênh. Chẳng hiểu đó là điềm gì.
Ác thay, một hôm gặp ông ta thật, vẫn châng lâng sống, giàu sang là khác. Hình như ông làm quản lý cho một công ty làm ăn phát đạt. Khi đó ông lượn xe, sau là một đứa con gái, quần cộc, tuổi ít hơn tôi.
7.Đành ngậm ngùi ru mình ngẫm nghĩ về quá vãng. Tôi đang cố gắng bước qua vũng bùn này, nên sửa sang lại mình. Khi không tự hành hạ thân xác, cơ thể chóng hồi sinh. Chị Dung khuyên tôi trở lại thành phố cảng với Hoàn, chuyện của chị đã có gia đình và anh Quân lo. Tôi nghe, chuẩn bị trở lại thành phố càng.
Những đoàn thuyền đánh cá xa khơi và những con tàu chở hàng không bao giờ chịu nhàn rỗi. Nó luôn vận động, và như thế, nó mang việc làm cho những đứa con gái, thế này. Chẳng hạn họ không xa vợ, lênh đênh biển nhiều ngày, thì sự thèm khát lẽ nào ứ đọng nhiều thế, để đi tìm, cả sức lực và tiền vơi đi, mà sảng khoái.
Nhưng mình tôi đã rỗng rễnh, nhăn nhúm, rất khó để trở lại bình thường mà làm cho khách làng chơi hưng phấn, mà bay lượn trên phố, đón khách, hay thậm chí nhảy xuống tàu để “làm việc”.
Một sự thật mà tôi và Hoàn đều biết là nhan sắc chúng tôi đã xuống cấp trầm trọng, không có nhiều cách để khôi phục lại. Những người khách xịn thì không đến lượt, nên đành bao vây lấy đối tượng khách bình dân, ít tiền, và yêu cầu không khắt khe lắm. Chúng tôi phải đi nhiều hơn, sắm xe máy riêng, điện thoại riêng.
Có độ, khách vắng, không đâu gọi. Chị em nằm nhà vạ vật nhìn nhau, ngán quá trời. Chợt có tiếng điện thoại reo bất thình lình. Nhấc máy. Khách gọi. Tôi bảo Hoàn. Hai đứa bị dựng dậy như điện giật. Mặt bỗng tươi rói như nước mưa trút vào mảnh vườn khô khát, sung sướng như lũ cây héo khô gặp nước. Chờ khách gọi như chờ mẹ đi chợ về, không có khách tiếp, kiếm sao được tiền, buồn thê lương.
Một nhà nghỉ bị công an ập vào. Ông chủ nhà này không có nhiều mối quan hệ, lót tay nên dễ bị hạ gục. Tôi và Hoàn không may mắn, dính vào vụ này. Bị đưa vào trại, lại những khuôn mặt cũ, lạnh lùng, lại những lời giáo huấn, phải làm ăn lương thiện khi được thả ra, nghe chưa? Chúng tôi gật, dù biết rằng, họ dồn mình vào đây chỉ để
dọa, còn sau đó, bịt làm sao con đường cũ chúng tôi trở lại. Thực tình, không ai đủ sức giữ chúng tôi trong thời gian dài, ra khỏi đây, lại rập rờn như cũ.
Tôi nằm dựa vào gốc cây, bất động, xa xăm nhìn những con người nướng dưới mặt trời nắng, làm lụng, cánh tay, bộ ngực nhây nhấy mồ hôi. Hình ảnh này, quá ngán ngẩm với những kẻ ăn trắng mặc trơn, không phải bỏ sức vẫn thu tiền.
Xa xa, trên biển, những con thuyền nối nhau dập dìu mặt sóng. Không biết trong số đó có con thuyền nào chở ước mơ tôi.