Chúng tôi chưa ra tới đường cái để trở về Madras, thì đã có nghe có tiếng chân người theo dõi tôi ở phía sau. Tôi quay lại nhìn thì thấy người Yogi mặc áo vàng ngồi sau lưng tôi ở trong tịnh thất lúc nãy. Y vừa nhìn tôi vừa nhăn răng cười. Y có một cái cười đặc biệt, hai quai hàm xếch ngược lên tận hai mang tai, và cặp mắt nhỏ híp lại thành hai vết nhăn, hình như lúc nào cũng có vẻ đùa cợt. Tôi bèn hỏi:- Anh muốn nói chuyện với tôi chăng? - Thưa ông, phải. Y đáp một cách mau mắn, với một tiếng Anh rất giòn. Xin ông có thể cho tôi biết ông làm gì ở xứ này? Sự tọc mạch của y làm cho tôi do dự, tôi bèn đáp một cách vu vơ:- Tôi đi du lịch, chỉ có vậy thôi.- Hình như ông có vẻ chú ý đến những tu sĩ ở xứ này, phải chăng? - Phải, xem chơi tiêu khiển vậy thôi.- Tôi cũng là một người Yogi, thưa ông.Tôi nghĩ thầm sao lại có người Yogi khoẻ khoắng một cách lạ kỳ như vậy. Tôi hỏi:- Được bao lâu rồi? - Đã được ba năm. Trước kia tôi cũng có nhập ngũ trong quân đội Hoàng Gia suốt bảy năm.- Thật vậy sao? - Thưa ông, đúng vậy. Tôi đã có tòng quân theo đạo binh Ấn Độ trong trận chiến tranh Trung Đông. Sau chiến tranh, nhờ giỏi giắn và thông minh, nên tôi được thuyên chuyển sang Phòng Kế Toán quân đội.Tôi phải mỉm cười về sự tự giới thiệu đặc biệt của y. Y nói tiếp:- Về sau tôi xin từ chức vì một sự rối rắm trong gia đình và đã trải qua một cõn khủng khoảng tinh thần rất lớn, nó làm cho tôi bước vào con đường tu hành và trở nên một người Yogi.Tôi đưa cho y một tấm danh thiếp và xin y cho biết quý danh. Y đáp:- Tôi tên là Subramanya, thuộc dòng dõi Bà La Môn, giai cấp Aiyar.- Ông Subramanya, ông hãy giải thích về lời nói thì thầm của ông bên cạnh tôi lúc nãy, ở trong am thất của nhà Tu Sĩ tịnh khẩu.- Chính tôi cũng đợi dịp giải thích cho ông. Ông hãy đến chất vấn Tôn Sư tôi, vì Ngài là một bậc Hiền minh nhất của xứ Ấn Độ; sự minh triết của Ngài còn cao xa hơn của những người Yogi.- Thật vậy à? Anh đã từng đi hết khắp xứ Ấn Độ hay chưa? Anh đã gặp hết tất cả những nhà đạo sĩ trứ danh hay chưa mà anh dám nói như thế? - Tôi đã gặp nhiều vị đạo sĩ chân tu, và tôi biết rõ Ấn Độ từ mũi Comorin đến tận dãy Hi Mã Lạp Sơn.- Sao nữa? - Bởi vì chính Ngài đã đưa tôi đến để gặp ông. Chính quyền năng của Ngài đã làm cho ông bị thu hút đến xứ Ấn Độ.Lời tuyên bố đại ngôn này quá sức lố lăng, nó làm cho tôi dội ngược, không thể chịu nổi. Tôi vẫn thường không thích những lời nói phóng đại khoác lác của những kẻ quá khích, và người tu sĩ áo vàng này quả thật là một tay quá khích thượng thặng. Giọng nói, cử chỉ, hình dáng và cốt cách của y biểu lộ điều ấy một cách rõ ràng.Tôi đáp một cách lạnh lùng:- Tôi không hiểu anh muốn nói gì? Y càng trở nên hùng biện và nói nhiều hơn:- Tôi được gặp Ngài cách đây tám tháng về trước. Tôi được phép sống gần Ngài trong năm tháng trường, và sau đó Ngài dạy tôi hãy tiếp tục cuộc đời khuất sĩ ta bà khắp nơi. Ông sẽ không bao giờ gặp được một người nào như Ngài. Quyền năng của Ngài cao siêu đến nỗi Ngài có thể trả lời những tư tưởng thầm kín của ông trước khi ông thốt ra lời. Ông chỉ cần ở bên cạnh Ngài một thời gian ngắn, cũng đủ thấy trình độ tâm linh cao cả của Ngài là dường nào.- Anh có chắc rằng Ngài sẽ vui lòng đón tiếp tôi chăng? - Chắc chắn mười phần, thưa ông. Chính do sự hướng dẫn tâm linh của Ngài, mà tôi đến gặp ông.- Tôn Sư bây giờ ở đâu? - Ở tại Arunchala, trên ngọn Đồi Thiêng.- Đó là ở vùng nào vậy? - Trong địa phận tỉnh Arcot, ở tận miền Nam. Tôi sẽ dẫn đường cho ông đi đến tận nõi. Thầy tôi sẽ giải quyết mọi sự băn khoăn và thắc mắc của ông, vì Ngài đã đạt tới một trình độ tâm linh siêu đẳng.- Điều ấy thật là lý thú, tôi nhìn nhận một cách do dự, nhưng tôi rất tiếc là hiện giờ tôi không thể đi được. Hành trang của tôi đã sẵn sàng và tôi sẽ lên miền Đông Bắc nay mai, vì tôi có hai việc quan trọng cần phải thu xếp.- Rất tiếc rằng chúng ta gặp nhau quá trễ. Tôi đã chuẩn bị mọi việc sẵn sàng và không thể nào thay đổi được nữa. Tôi có thể trở lại miền Nam về sau này, nhưng còn bây giờ thì không thể đi được.Người Yogi có vẻ thất vọng rõ rệt:- Ông để lỡ mất một cơ hội tốt, thưa ông, và... Tôi nhận thấy nói nhiều vô ích, nên tôi đành cắt đứt ngang câu chuyện:- Tôi phải đi ngay bây giờ. Dầu sao cũng cảm ơn anh.- Tôi không nhận lời từ chối của ông. Y nói dai như đĩa. Chiều mai tôi sẽ đến nhà ông và tôi hy vọng rằng chừng đó ông sẽ đổi ý kiến.Đến đây, y bèn quay lưng đi thẳng. Tôi nhìn theo cái bóng người cao lớn mạnh khỏe, khoác áo vàng đi băng qua đường lộ và lần lần mất dạng.Khi về đến nhà, tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng tôi đã quyết định một cách quá vội vàng? Nếu vị Tôn Sư này chỉ đúng độ nửa phần những lời ca tụng của y, thì cũng đáng cho tôi chịu một phen khó nhọc đi xuống miền Nam. Nhưng tôi đã chán những người đồ đệ quá mê tín, họ luôn luôn ca tụng Thầy họ một cách quá đáng, nhưng đến khi gặp gỡ tận mặt, thì ra đó chỉ là những người đạo hạnh tầm thường, không có gì là đặc sắc. Hơn nữa, những đêm không ngủ và những ngày nóng bức như thiêu đã làm cho thần kinh tôi bải hoải, thân thể rã rời. Bởi vậy, tôi càng lo ngại nhiều hơn lúc thường rằng chuyến đi này lại có thể là một cuộc săn vịt như những lần trước.Tuy nhiên, sự lý luận đó vẫn không đánh tan được một sự linh cảm từ bên trong nội tâm. Một cái bản năng lạ lùng nhắc nhở cho tôi biết hình như có một cái gì chân thật ẩn dấu đằng sau sự khẩn khoản mời mọc của người khất sĩ. Điều này càng làm cho tôi lưỡng lự và bối rối.Sau một giấc ngủ trưa vừa thức dậy, đến giờ dùng trà, bỗng có khách đến. Đó là một bạn đồng nghiệp trong giới cầm bút, nhà văn sĩ Mani. Tôi được biết y do một bức thư giới thiệu của một người quen trước khi tôi đến Madras. Nhờ có bức thư giới thiệu này mà y biết địa chỉ và đến thăm tôi.Văn sĩ Mani là một nhân viên Hội Đồng Đại Học Viện của tỉnh Madras, và là tác giả của nhiều áng văn và tiểu thuyết nói về đời sống ở thôn quê. Y là nhà văn Ấn Độ đầu tiên trong tỉnh Madras đã viết sách bằng Anh ngữ và được ban thưởng về những công trình phục vụ văn nghệ. Y viết với một thể văn tao nhã, đã từng được sự khen tặng của thi hào Tagore ở Ấn Độ và Lord Haldane ở Anh Quốc. Văn chương của y chuyên diễn tả những cảnh tượng mơ buồn của những làng mạc hoang vu tẻ lạnh.Khi y bước vào phòng, tôi để ý nhìn dung mạo gầy gò mảnh khảnh với vẻ mặt trầm lặng, đôi mắt tinh anh và cặp kính trắng của y. Đó là đôi mắt của một nhà tư tưởng, một triết gia và một thi sĩ, đôi mắt ấy cũng phản chiếu những nỗi ưu sầu của những người nông dân đau khổ ở chốn đồng quê.Trong chốc lát, chúng tôi đã nhận thấy có sự thông cảm và đồng quan niệm trên nhiều lĩnh vực. Sau khi chúng tôi bày tỏ tâm sự về nhiều vấn đề, bàn về tình hình chính trị và ca tụng những nhà văn mến chuộng của chúng tôi, tôi cảm thấy cần tiết lộ cho y biết rõ mục đích của tôi khi viếng xứ Ấn Độ. Tôi thành thật nói cho y biết ý định của tôi, tôi hỏi y về các nhà đạo sĩ chân tu ở xứ này; và nói trước cho y biết rằng tôi không cần gặp những nhà tu khổ hạnh ở bẩn hay những nhà làm trò quỷ thuật.Y lắc đầu nói:- Ngày nay, Ấn Độ không còn là nơi sản xuất ra những người Hiền Giả chân tu như thế nữa. Với trào lưu vật chất đang lên, sự suy tàn của nền văn minh cổ và sự xâm nhập bởi nền văn hóa không hồn của Tây phương, những bậc Hiền Triết, Thánh Sư mà anh tìm kiếm ngày nay đã biến mất, không còn nữa. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng một vài người trong số đó còn đang ẩn dật ở những nơi rừng sâu núi thẳm, và trừ phi anh dành trọn đời để đi tìm các Ngài, tôi e rằng anh khó tìm ra được. Khi những người Ấn như chúng tôi muốn tìm Thầy học đạo, ngày nay họ còn phải đi phiêu lưu ta bà khắp nơi, huống chi một người Âu như anh lại càng khó hơn.- Như vậy, theo ý anh, chắc là không có hy vọng? - Tôi không dám nói trước, đó là một vấn đề may rủi.Tôi hỏi thêm:- Anh có nghe nói về một bậc danh sư hiện đang sống trên một ngọn đồi trong tỉnh Arcot? Y lắc đầu tỏ vẻ không biết. Chúng tôi quay trở về các vấn đề văn chương. Mani cao hứng thổ lộ tâm sự của y và ca tụng một cách nồng nhiệt những lý tưởng cao siêu của nền văn hóa cổ Ấn Độ mà ngày nay không còn nữa. Y đề cập đến những lý tưởng như một đời sống đơn giản, phụng sự nhân quần xã hội, cùng phát triển tâm linh. Y muốn tảo trừ cái trào lưu vật chất sa đọa đang lên, nó hăm dọa tràn ngập hết xã hội Ấn. Nhưng điều quan trọng nhất đối với y là làm thế nào để giải thoát những vùng làng mạc thôn quê của Ấn Độ đã sắp sửa trở nên những trung tâm tuyển mộ nhân công vào những khu xóm tồi tàn chật hẹp của những thành phố kỹ nghệ Âu Châu, y nhận thấy điều đó sẽ là cái hậu quả chắc chắn của trào lưu hiện tại.Mani cho biết rằng y sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có tài sản ở vùng đồng quê. Y nuôi trong trí những kế hoạch cải tiến tình trạng sinh hoạt của người dân quê, và không thể quan niệm được một hạnh phúc nào ở thế gian nếu đời sống của người nông dân hãy còn lầm than khổ sở.Tôi lẳng lặng nghe để tìm hiểu quan niệm của y. Sau cùng y đứng dậy ra về và tôi nhìn theo bóng y hút mất dạng ở cuối đường lộ.Sáng ngày hôm sau, tôi ngạc nhiên mà thấy y trở lại viếng tôi một cách bất ngờ. Y hối hả đậu xe ngay trước cửa nhà, vì y sợ rằng tôi có thể đi sớm. Y vừa thở vừa nói:- Tôi vừa nhận được một bức điện tín hồi đêm hôm cho biết rằng vị đỡ đầu cao cả của tôi sẽ ghé qua tỉnh Chingleput và sẽ ở lại đó một ngày.Sau khi đã lấy lại được hõi thở và đã bớt mệt, y nói tiếp:- Đức Tăng Thống Shankara ở tỉnh Kumbokonam là vị lãnh đạo tinh thần của miền nam Ấn Độ. Hằng triệu người tôn sùng Ngài như một vị thánh sống, sứ giả của Thượng Đế ở cõi trần. Ngài đã chú ý đến tôi rất nhiều và khuyến khích sự nghiệp văn chương của tôi. Lẽ tự nhiên, Ngài là người mà tôi trông cậy để dìu dắt tôi về phương diện tâm linh. Người Ấn chúng tôi xem Ngài như bậc Hiền Triết đã đạt tới một trình độ tâm linh cao cả nhất. Nhưng Ngài không phải là một người Yogi. Ngài là vị Chủ Tể của Ấn Độ giáo miền Nam, một bậc chân tu mô phạm và một nhà đạo đức uyên thâm. Vì Ngài biết rõ những trào lưu đạo đức tâm linh của thời đại này, và do bởi đạo căn của Ngài, nên Ngài có thể biết được những nhà đạo sĩ Yogi chân chính. Ngài đi châu du khắp nơi từ làng này sang làng khác và từ tỉnh này sang tỉnh khác, bởi đó Ngài biết nhiều về vấn đề này. Bất cứ nơi nào Ngài đi đến, những vị tu sĩ và tăng lữ trong xứ đều đi đến chào mừng Ngài. Ngài có thể cho anh nhiều ý kiến hữu ích. Anh có muốn gặp Ngài không? - Cảm ơn anh nhiều. Tôi rất muốn gặp Ngài. Chingleput cách đây bao xa? - Chỉ có ba mươi lăm dặm thôi. Nhưng này... - Chi đó? - Tôi bắt đầu nghi ngại không biết đức Tăng Thống có chịu tiếp kiến anh không. Lẽ tự nhiên tôi sẽ hết sức cố gắng để xin Ngài cho anh được vào yết kiến. Nhưng... - Hay là vì tôi là người Âu chăng? Tôi đỡ lời luôn hết câu cho y. À, tôi hiểu.- Anh có sẵn lòng đón nhận một sự từ chối chăng? Y hỏi một cách hơi băn khoăn, e ngại.- Tự nhiên là chịu. Thôi chúng ta đi.Sau một bữa ăn lót dạ, chúng tôi ra xe đi đến tỉnh Chingleput. Tôi hỏi thăm ông bạn đồng nghiệp của tôi về Đại Đức Shankara, nhân vật mà tôi hy vọng được gặp trong ngày hôm đó. Tôi được biết rằng về phương diện cá nhân, Đại Đức sống rất đơn giản, nhưng trong những khi đi tuần du khắp nơi trong xứ, trọng trách của Ngài bắt buộc Ngài phải dùng những nghi lễ oai vệ, lộng lẫy như các bậc vua chúa. Trong những khi Ngài di chuyển, thì trước sau đều có xe cộ, ngựa voi, tiền hô hậu ủng, cờ, quạt, võng, lọng tưng bừng. Dân chúng tấp nập ở nõi nào Ngài đi đến.Họ đến để cầu xin sự giúp đỡ của Ngài về tất cả mọi phương diện, không những về phương diện tâm linh, mà cũng về mặt tinh thần, vật chất, và thậm chí đến cả sự giúp đỡ về tiền bạc. Không có ngày nào là không có những người giàu sang, quyền thế đến dâng cho Ngài những số tiền khổng lồ, nhưng vì Ngài đã phát nguyện giữ đức thanh bần, nên những số tiền đó đều được đem dùng vào những công việc từ thiện. Ngài nâng đỡ những kẻ khốn khó, trợ giúp tiền cho các trường học, tu bổ các đền thờ, kiến thiết và sửa sang hệ thống đào ao tát nước, dẫn thủy nhập điền, để trừ hạn hán trong xứ mà sông ngòi rất hiếm. Nhưng đó chỉ là những công việc phụ thuộc: Sứ mạng chính yếu của Ngài là coi sóc hàng triệu tín đồ và giáo hóa họ về mặt đạo đức tâm linh. Bất cứ nơi nào Ngài đi đến, Ngài đều cố gắng dạy dỗ cho dân chúng biết quay về cái thuần phong mỹ tục và đạo đức cổ truyền của Ấn Độ Giáo và gây cho họ một nguồn cảm hứng sâu xa về tinh thần.Thường khi, Ngài thuyết pháp trong đền chùa của địa phương và sau đó Ngài tiếp khách riêng từng người trong số những khách khứa thập phương đến viếng. Đại Đức là vị kế nghiệp sáu mươi sáu đời của dòng tu sĩ Shankara, mà người sáng lập đầu tiên là Đức Giáo Chủ Shankara Charya, một người Đại Hiền Triết dòng Bà La Môn, đã sống ở Ấn Độ cách đây hai ngàn năm, dường như Ngài sinh ra đời với một sứ mạng.Vào thời kỳ đó, Ấn Độ Giáo đang hồi suy vong, mọi sinh hoạt tâm linh dường như sắp sửa điêu tàn. Năm mười tám tuổi, đức Shankara Charya chu du khắp nơi trong xứ, thảo luận về Đạo lý với các nhà bác học và các bậc Giáo sĩ. Ngài cũng giảng đạo khắp nơi và thâu phục một số tín đồ càng ngày càng đông. Trí óc thông minh tuyệt vời của Ngài làm cho các nhà bác học trong xứ phải ngạc nhiên. Không bao lâu Ngài được người đương thời kính nể và suy tôn như một bậc tiên tri. Ngài có những ý kiến rộng rãi và lên án nhiều sự dị đoan, mê tín, núp bóng dưới hình thức tôn giáo.Ngài khuyên răn người đời hãy trau dồi những đức tánh tốt và trong những lần thuyết pháp, Ngài chỉ rõ sự vô ích của một tôn giáo chỉ căn cứ trên sự lễ bái, cúng tế, mà không có sự công phu tu luyện. Ngài phá luôn cả luật lệ gia cấp bằng cách chính Ngài hành lễ đám táng của thân mẫu Ngài, điều này làm cho Ngài bị rút phép thông công và bị trục xuất ra khỏi Bà La Môn giáo, vì theo tôn giáo này chỉ có những giáo sĩ mới có quyền hành lễ trong các nghi thức: Quan, hôn, tang, tế mà thôi. Với hành động phá giai cấp đó, Ngài đã tỏ ra xứng đáng là một người kế nghiệp của Phật Thích Ca, vì chính Đức Phật là người đầu tiên đả phá chế độ giai cấp ở Ấn Độ. Trái với các nhà giáo sĩ Bà La Môn, Ngài dạy rằng mọi người không phân biệt giai cấp hay màu da, đều có thể tham dự vào đời sống tinh thần, và học hỏi Đạo lý.Ngài không lập nên một tôn giáo mới nào, mà chỉ dạy rằng bất cứ tôn giáo nào cũng đưa con người đến Thượng Đế, miễn là nó được thi hành một cách đứng đắn. Để chứng minh cho lập luận đó, Ngài lập nên một hệ thống triết học hoàn bị và để lại cho đời một cái di sản quý báu về tinh thần, nó vẫn còn uy tín trong những đạo viện khắp nơi trong xứ. Chính những nhà học giả uyên bác Ấn Độ cũng rất sùng mộ công trình về triết học và tâm linh của Ngài.Đức Giáo Chủ Shankara Charya đi châu du khắp xứ Ấn Độ với chiếc áo màu già và cây gậy hành hương của nhà tu sĩ. Với một chánh sách khôn khéo, Ngài thành lập bốn đạo viện lớn ở bốn phương trời mà một ở Badrinath tại miền Bắc, và một ở Puri tại miền Đông Ấn. Đại bản dinh của Ngài gồm có một ngôi đền và một tu viện được đặt ở miền Nam, nơi đó Ngài bắt đầu đi thuyết pháp. Cho đến ngày nay, miền Nam Ấn Độ vẫn được coi là nơi Thánh Ðịa chính tông của Ấn Độ Giáo. Những đạo viện đó là những trung tâm tinh thần truyền bá giáo lý của đức Giáo Chủ Shankara Charya lúc còn sanh tiền có hứa với các vị đệ tử rằng Ngài sẽ luôn luôn ở gần bên họ bằng tinh thần, và sẽ phù hộ cho những người kế nghiệp của Ngài ở chức vụ Tăng Thống. Mỗi vị Tăng Thống đều lấy tên là Shankara, và khi gần qua đời thì Ngài chỉ định một đệ tử xứng đáng nhất để kế nghiệp của Ngài, vì người đệ tử này thường được chỉ định sẵn khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, nên y được giao phó cho các vị danh sư dạy dỗ và chuẩn bị cho y thực hành chức vụ cao cả của một vị Tăng Thống sau này.Sự học tập của y không chỉ về mặt trí dục và đức dục mà thôi, nó còn gồm cả những giai đoạn cao đẳng của pháp môn Yoga và sự thực hành môn thiền định. Chương trình giáo dục này được tiếp theo bằng một thời kỳ hoạt động nhập thế của người thanh niên, hoàn toàn hiến dâng cuộc đời để phụng sự nhân loại. Thật là một điều kỳ lạ mà nhận thấy rằng giòng tu này được tiếp tục hành đạo trải qua nhiều thế kỷ mà từ trước đến nay không hề có một vị Tăng Thống nào làm trái với lý tưởng vị tha, giúp đời một cách tuyệt đối trong sạch cao thượng nhất.Mani còn kể cho tôi nghe nhiều giai thoại về những quyền năng của Đại Đức Shankara thứ sáu mươi sáu. Trong những câu chuyện đó, có sự chữa bệnh cho một người thân nhân, bị bệnh kinh niên: Đại Đức Shankara dùng tay truyền điện, trong khoảng không đầy ba giờ, đã làm cho bệnh nhân ngồi dậy được, và sau đó ít lâu, Ngài chữa cho y hoàn toàn hết bệnh. Người ta cũng nói rằng Ngài đọc được tư tưởng của người khác.Chúng tôi đi vào thành phố Chingleput do một con đường hai bên đường trồng cây dừa và đi qua một hệ thống chằng chịt những đường nhỏ hẹp, giữa những nhà quét vôi trắng, nóc đỏ. Trung tâm thành phố náo nhiệt và đông người. Tôi được đưa vào một nhà kia, nơi đó có cả một nhóm thư ký đang bận rộn mở những bức thư chất thành đống được chuyển cho Đại Đức sau khi Ngài xuất hành từ thị trấn Kumbakonam và đi tuần du khắp nơi. Tôi chờ đợi trong một hành lang trong khi Mani nhắn một người thư ký trở ra nói rằng Đại Đức không thể tiếp khách người Âu. Hơn nữa, đã có hai trăm người xin được gặp Ngài, trong số đó, đã có nhiều người xin ngủ lại từ đêm trước để chắc được Ngài tiếp kiến. Người thư ký xin lỗi không ngừng. Tôi chấp nhận việc ấy một cách bình tĩnh nhưng Mani nhất định không chịu thua: Y cho biết y sẽ cậy ở tình quen biết cố cựu với Đại Đức để xin cho tôi được vào yết kiến. Trong đám đông có những người khác, tuy thế, y dùng sự khéo léo ngoại giao để lọt vào trước và một lúc sau y trở ra với một nụ cười đắc thắng: Đại Đức sẽ đặc cách ban một ngoại lệ cho anh và sẽ tiếp anh trong một giờ.Trong khi chờ đợi, tôi dùng thời giờ để đi bách bộ chơi dọc theo những con đường nhỏ rất ngoạn mục đưa đến ngôi đền lớn. Tôi gặp một vài người đầy tớ đang dắt một đàn voi xám và lạc đà đi uống nước. Có người chỉ cho tôi thấy con voi tuyệt đẹp của Đại Đức Shankara, vẫn thường chở Ngài đi tuần du khắp nõi. Ngài dùng nghi vệ xứng đáng với bậc vua chúa. Cái ngai trên lưng voi vàng son lòe loẹt, lót nệm gấm, thêu chỉ vàng coi rất lộng lẫy.Tôi nhìn theo con voi tiến bước một cách chậm chạp và oai vệ, dường như nó cũng ý thức được cái địa vị cao sang của chủ nó.Tôi nhớ lại rằng theo phong tục Ấn Độ, khi đến viếng thăm một nhân vật đạo đức chân tu, người ta thường mang theo hoa quả bánh trái làm lễ vật ra mắt. Tôi định đi mua quà biếu, nhưng ở quanh vùng chỉ tìm thấy có hai món, là bông hoa và cam, tôi bèn mua luôn cả hai thứ đem về.Trong đám đông người chen chúc nhau ngoài cửa ngõ nhà Đại Đức, tôi lại quên cả một phong tục khác, là cởi giày trước khi vào nhà. Mani mau mắn nhắc tôi. Tôi bèn cởi giày bỏ ngoài đường, hy vọng rằng đôi giày sẽ còn nguyên ở chỗ cũ khi tôi ra về.Chúng tôi đi qua một dãy hành lang và bước vào một gian phòng lớn. Ở cuối phòng, trong một góc thiếu ánh sáng, tôi nhận thấy có một người đứng khuất trong bóng tối. Tôi bước đến gần, đặt mâm lễ vật mọn của tôi một bên, và cúi rạp mình làm lễ. Tôi nhận thấy cái nghi lễ giản dị này có một tính cách lịch sự mà tôi rất thích, ngoài ra sự cần thiết của nó để bày tỏ lòng tôn kính.Tôi biết rằng Đại Đức Shankara không phải là một vị Giáo Hoàng, vì bên Ấn Độ không có một chức sắc như thế, nhưng Ngài là một vị Giáo Chủ và lãnh đạo tinh thần của một số con chiên và tín đồ rất đông đảo. Toàn thể dân chúng Ấn Độ miền Nam đều kính cẩn nghiêng mình dưới sự bảo hộ của Ngài.Tôi im lặng nhìn Đức Tăng Thống. Ngài tác người hơi thấp, khoác bộ áo màu vàng sậm của vị tăng lữ xuất gia, và chống gậy tu sĩ. Tôi được biết rằng Ngài mới trên bốn mươi tuổi, nhưng tôi ngạc nhiên mà thấy tóc Ngài đã điểm bạc.Ngài có một tác phong cao quý, vẻ mặt khiêm tốn, dịu dàng, đôi mắt lớn đen như huyền trông rất đẹp và có vẻ yên tịnh khác thường. Mũi ngắn, thẳng và đều đặn, một bộ râu đen hơn ngắn phủ ở trên cằm, đôi môi khép chặt và nghiêm chỉnh. Gương mặt Ngài giống như của một vị Thánh Gia Tô thời Trung Cổ. Người Tây phương có thể cho rằng cặp mắt đen của Ngài có vẻ quá mơ mộng, nhưng tôi cảm thấy, bằng một cách khó giải thích, rằng ở đằng sau đôi mí mắt đó còn có những cái gì khác hơn là những giấc mơ.Tôi nói để mở lời vào đề:- Đại Đức đã quá hạ cố mà tiếp tôi. Thật rất hân hạnh... Đại Đức Shankara quay lại ông bạn tôi và nói ít lời bằng tiếng bổn xứ nhưng tôi có thể đoán được ý nghĩa. Bạn tôi nói lại với tôi:- Đại Đức hiểu tiếng Anh nhưng Ngài không nói được, và muốn tôi dịch lại những câu trả lời của Ngài.Tôi nói qua về những kinh nghiệm đầu tiên của tôi ở xứ này. Ngài muốn biết những cảm tưởng của một người ngoại quốc về người và vật của xứ Ấn Độ. Câu chuyện kéo dài và tôi ngạc nhiên mà được biết rằng Đức Tăng Thống đọc thường xuyên những báo chí của Anh Quốc và biết rõ mọi sự xảy ra hàng ngày ở thế gian này. Tôi sực nhớ Đại Đức Shankara có tiếng là một nhà tiên tri. Tôi bèn hỏi ý kiến Ngài về tương lai của Trái Đất.- Xin Đại Đức cho biết trong tương lai, thời cuộc thế giới có khả quan hơn bây giờ không? - Tôi không thấy có sự thay đổi trong một ngày gần đây. Đó là một vấn đề thời gian. Làm sao mà có sự thay đổi tình hình trong khi mà các nước đều đua nhau võ trang bằng vũ khí tối tân giết người? - Người ta từng nói nhiều về vấn đề tài binh. Đại Đức nghĩ sao về vấn đề này? - Dầu các anh có tháo gỡ những chiến hạm và đem quăng những cỗ đại bác vào đống sắt vụn, điều đó cũng không ngăn cản được chiến tranh. Những dân tộc các anh sẽ đánh nhau bằng gậy gộc nếu họ không còn súng ống để võ trang.- Bây giờ phải làm sao? - Điều cần phải thay đổi, chính là cái tinh thần bên trong. Chỉ có hòa hợp tinh thần giữa các nước và mọi giai cấp xã hội, mới gây cho nhau lòng tin tưởng, và tái lập hòa bình, cùng sự thịnh vượng chung.- Điều đó chắc là còn lâu lắm. Như vậy phải chăng hiện nay chúng ta rất ít có hy vọng? Đức Tăng Thống chống một tay lên gậy và nói:- Còn có Thượng Đế.- Nếu có Thượng Đế thì dường như Ngài ở xa lắm. Tôi bạo gan phản đối.Đại Đức nói với một giọng dịu dàng:- Thượng Đế chỉ có một tình thương đối với nhân loại.Tôi không cưỡng lại được một sự mai mỉa cai đắng nó dâng lên cõi lòng tôi khi tôi thốt ra những lời này:- Cứ xét qua bao nhiêu sự lầm than đau khổ trên thế gian hiện nay thì Thượng Đế chỉ có một sự dửng dưng đối với nhân loại.Đức Tăng Thống nhìn tôi một cách lạ lùng. Ngay tức khắc tôi liền thấy hối tiếc về những lời nói vội vàng của tôi.- Với một ít kiên nhẫn, anh sẽ nhìn thấy xa hơn. Thượng Đế sẽ an bày mọi sự một cách êm thấm vào ngaỳ giờ mà Ngài chọn lựa. Những sự tranh chấp náo loạn giữa các quốc gia, sự đồi trụy tinh thần của dân chúng và sự lầm than đau khổ của hàng triệu người sẽ đưa đến một sự phản ứng, và chừng đó sẽ có một bậc vĩ nhân lãnh sứ mệnh thiêng liêng xuất hiện để cứu độ thế gian. Như thế, nghĩa là mỗi thế kỷ đều có một đấng cứu thế. Điều này đúng như một định luật vật lý học. Thế gian càng vô minh đau khổ đồi trụy bao nhiêu, thì bậc vĩ nhân xuất hiện để cứu độ đời càng cao cả bấy nhiêu.- Như vậy, Đại Đức nghĩ rằng một vị cứu thế cũng sẽ xuất hiện vào thời buổi hiện tại chăng? - Vào thế kỷ hiện tại, Ngài sửa lại câu nói của tôi. Lẽ tất nhiên là như vậy. Sự nhu cầu của thế gian rất cấp bách, và sự vô minh ám muội của người đời rất dày đặc, đến nỗi một bậc vĩ nhân sứ giả của Thượng Đế chắc chắn sẽ xuất hiện.Tôi hỏi:- Phải chăng Đại Đức nghĩ rằng con người càng ngày càng trở nên sa đọa hơn trước? - Không, tôi không nghĩ thế. Ngài đáp một cách khoan dung. Một linh hồn cao cả thiêng liêng ngự trong con người và rốt cuộc sẽ kéo y quay trở về Thượng Đế.- Nhưng ở những thành phố Tây phương của chúng tôi, có những kẻ bất lương hành động chẳng khác nào như có quỷ vương ngự trong lòng của họ. Tôi đáp và nghĩ đến những tay đại bợm, ăn cướp một cách khoa học của thời đại này.- Chúng ta đừng nên trách người, mà hãy trách những hoàn cảnh xã hội đã đào tạo ra họ. Chính hoàn cảnh chung quanh ở ngoài xã hội đưa đẩy họ vào con đường tội lỗi, dầu ở Đông phương hay Tây phương cũng vậy. Xã hội phải được cải tiến đến một trình độ cao hơn. Chủ nghĩa vật chất phải được thay thế bằng những hoài bão tinh thần và lý tưởng tâm linh. Không có phương thuốc nào mầu nhiệm hơn nữa để chữa cơn bệnh trạng của nhân loại. Những sự khó khăn đau khổ của các quốc gia trên thế giới hiện nay thật ra là những cơn hấp hối nó sẽ đưa đến sự thay đổi nói trên, cũng chẳng khác nào như sự thất bại thường là một bài học hay, nó chỉ cho chúng ta thấy sự lỗi lầm và hãy đổi qua con đường khác.- Phải chăng Đại Đức muốn cho mọi người đều áp dụng những lý tưởng tâm linh vào công việc xử thế của họ? - Đúng vậy, điều đó không phải khó làm, bởi vì đó là phương tiện duy nhất để đem lại những kết quả lâu bền mà cứu cánh là sẽ làm thỏa mãn tất cả mọi người. Chúng ta chỉ còn thiếu những người đã giác ngộ tâm linh và sẵn sàng đi truyền bá ánh sáng chân lý. Xứ Ấn Độ có những người ấy và đó là cái vinh hạnh của nó, ở đây, những bậc Hiền Giả được kính trọng biệt đãi, tuy rằng không được như ngày xưa. Nếu tất cả thế giới đều làm giống như thế và tuân theo sự dìu dắt của những người đã có sự giác ngộ tâm linh, thì chừng đó nhân loại sẽ được sống trong hòa bình và thịnh vượng.Câu chuyện kéo dài, tôi nhận thấy rằng Đại Đức Shankara không chê bai chỉ trích phương Tây để rồi đề cao và tán tụng phương Ðông như nhiều người Ấn Độ khác. Ngài nhìn nhận rằng mỗi phương bán cầu đều có những đức tính và khuyết điểm riêng, và như thế, cả hai phương Ðông và Tây đều xấp xỉ bằng nhau. Ngài hy vọng rằng một thế hệ khôn ngoan hơn sẽ hòa hợp những ưu điểm của hai nền văn minh Âu Á để tổ chức một cơ cấu xã hội quân bình tốt đẹp và cao thượng hơn.Tôi qua vấn đề khác và xin phép hỏi Ngài một vài câu hỏi có tính cách cá nhân. Ngài bằng lòng ngay không chút do dự.- Đại Đức giữ chức vụ này đã được bao lâu? - Từ năm 1907. Hồi đó tôi có mười hai tuổi. Bốn năm sau khi tôi được chỉ định, tôi lui về ở tại một làng trên bờ sông Cauvery để học tập và tham thiền quán tưởng trong ba năm. Sau đó, tôi mới bắt đầu ra làm việc công ích.- Hình như Ðại Đức ít khi lưu ngụ tại tổng hành dinh ở Kumbakonam? - Lý do là vào năm 1918, tôi được Quốc Vương xứ Nepal mời tôi đến làm thượng khách của Ngài trong một thời gian. Tôi nhận lời và từ đó tôi vẫn đi từ từ lên miền Bắc để đến Nepal. Nhưng trong những năm đó, tôi không đi xa hơn vài trăm dặm đường, bởi vì truyền thống của chức vụ tôi bắt buộc tôi phải lưu gót ở lại mỗi làng và mỗi thành phố mà tôi đi ngang qua trên lộ trình của tôi, hoặc ở mỗi thị trấn nào mời tôi ghé qua, nếu không cách xa lắm. Tôi phải thuyết pháp ở tại ngôi đền chùa của mỗi địa phương, và phủ dụ dân chúng ở quanh vùng.Tôi mới nói qua vấn đề tìm Đạo và đức Tăng Thống hỏi tôi về những người đạo sĩ mà tôi đã gặp ở dọc đường. Tôi không giấu diếm gì cả:- Tôi muốn gặp một người đạo pháp khá cao để có thể cho tôi thấy một vài bằng chứng về đời sống tâm linh. Nhiều nhà tu sĩ ở đây, khi người ta yêu cầu họ chứng minh một cách cụ thể những điều họ nói, thì họ không làm gì khác hơn là tuôn ra một tràng lý thuyết nghe như suối chảy! Hay là tôi đòi hỏi một điều quá đáng chăng? Đức Tăng Thống vuốt chòm râu ngắn của Ngài và nói:- Nếu anh muốn nhập môn vào khoa Yoga thượng đẳng, anh không có đòi hỏi quá đáng. Tấm lòng chân thành sẽ giúp đỡ anh, vì tôi cảm thấy anh có một ý chí rất mạnh. Ánh sáng bắt đầu chớm nở nơi anh và sẽ dìu dắt anh đến ngay mục đích.- Tôi phải làm gì bây giờ? Đức Tăng Thống đáp:- Anh hãy tiếp tục công việc tìm kiếm của anh. Xong rồi, anh hãy tưởng đến những nhà đạo sĩ Yogi và những tu sĩ thánh đức mà anh đã gặp. Anh hãy chọn lựa người nào mà anh thấy thích hợp nhất, rồi người đó sẽ dìu dắt anh bước vào cửa đạo diệu huyền.- Nhưng thưa Ðại Đức, nếu tôi không thấy thích hợp với một người nào, thì chừng đó tôi phải làm sao? - Nếu như thế anh hãy tự tu tiến lấy một mình cho đến khi Thượng Đế giúp nguồn cảm hứng cho anh. Anh hãy tập tham thiền đều đặn, quán tưởng những điều thanh cao và nuôi dưỡng tình bác ái trong lòng, hãy luôn luôn nghĩ đến đời sống tâm linh và sự tiến hóa của linh hồn, cùng những phương tiện dẫn dắt cho con người được tiến hóa mau trên đường Đạo. Thời giờ tốt nhất cho sự tham thiền là buổi sớm mai và buổi chiều. Những giờ đó cảnh vật thiên nhiên đều đắm chìm trong yên lặng, và giúp cho sự tham thiền được dễ dàng hơn.Lời nói thành thật và tốt bụng của Ngài làm cho tôi cảm động. Tôi đâm ra ao ước sự an tịnh hoàn toàn trên gương mặt Ngài. Không, quả tim này không bao giờ biết những sự thắc mắc băn khoăn nó dầy vò quả tim tôi. Tuân theo một sự thúc giục bên trong nó mạnh hơn ý chí của tôi, tôi hỏi Ngài:- Nếu tôi không tìm được ai, tôi có thể xin Ngài giúp đỡ được chăng? Đức Shankara lắc đầu một cách nhẹ nhàng:- Tôi đứng đầu một cơ quan tinh thần, và thời giờ không phải là của tôi. Nó là của chung cho mọi người. Tôi chỉ ngủ có ba tiếng đồng hồ mỗi đêm từ nhiều năm nay. Làm sao thâu nhận đệ tử trong những điều kiện đó? Anh hãy tìm một vị đạo sư có thể dành nhiều thì giờ cho anh.- Tôi nghe nói rằng những vị danh sư rất hiếm, và một người Âu ít có khi may mắn được gặp.- Thật vậy. Nhưng nếu người ta cố công tìm, ắt có ngày sẽ gặp.- Đại Đức có thể chỉ dùm cho tôi tìm được chăng? - Cũng được, nếu anh muốn. Tôi chỉ biết có hai vị danh sư có thể làm cho anh được như ý nguyện. Một vị hiện đang sống ẩn dật tại Bénarès, nhưng ít người có may mắn được ông ta tiếp kiến, đừng nói chi một người Âu lại càng khó hơn. Tôi có thể giới thiệu anh, nhưng tôi sợ ông ta từ chối.- Còn vị thứ hai? - Người kia ở tận dưới miền Nam, đi sâu vào nội địa. Tôi chỉ gặp ông ta có một lần, nhưng tôi biết ngay đó là một bậc danh sư. Ông ta ở tại Arunachala, trên ngọn đồi thiêng, trong địa phận Arcot. Người ta thường gọi Ngài là đức Maharichi (tiếng Phạn, có nghĩa là bậc Đại Sư, hay Ðại Hiền). Anh muốn biết thêm nữa không? Những lời nói đó như đem đến cho tôi một tia sáng. Tôi sực nhớ lại người khất sĩ mặc áo vàng đã khẩn khoản mời mọc tôi đến viếng thầy y. Tôi không nghe lầm; chính y cũng nói đến ngọn đồi thiêng.- Cảm ơn Ðại Đức! Tôi hiện có một người để dẫn đường đến nơi đạo viện của Ngài.- Như vậy anh sẽ đi chăng? Tôi còn do dự:- Tôi đã sắp đặt tất cả mọi việc để đi miền Bắc.- Nếu vậy, tôi có một lời yêu cầu anh. Anh hãy hứa với tôi là anh sẽ không rời khỏi Ấn Độ trước khi gặp đức Maharichi.Cặp mắt Ngài biểu lộ sự thành thật rõ rệt, làm cho tôi hứa ngay không do dự. Một nụ cười đầy hảo ý hiện trên gương mặt Ngài.- Như vậy anh đừng băn khoăn gì nữa. Điều mà anh đi tìm, anh đã gặp rồi đó.Lúc ấy, tôi nghe phía ngoài có tiếng ồn ào của đám đông người đã chờ đợi từ lâu. Tôi bèn kiếu từ:- Tôi e rằng đã quá lạm dụng thời giờ của Đại Đức. Xin kính chào Ngài.Nhưng đức Tăng Thống rất vui vẻ. Ngài tiễn đưa tôi đến tận hành lang và quay lại nói nhỏ điều gì bên tai người bạn tôi. Tôi chợt nghe thoảng có tên tôi trong đó. Ra đến cửa tôi quay lại chào Ngài một lần cuối cùng. Đức Tăng Thống dặn với tôi một câu:- Anh hãy nhớ đến tôi luôn luôn, và tôi cũng sẽ không quên anh.Với những lời bí hiểm đó, tôi từ giã Ngài mà lòng còn luyến tiếc một người đã hiến dâng trọn cuộc đời cho đấng thiêng liêng. Một người không màng đến danh vọng quyền thế ở đời này, và đã từ bỏ mọi sự ở trần gian để phụng sự nhân loại. Những gì người đời đem dâng cho Ngài, Ngài đều đem bố thí tất cả. Một người hiền giả như thế chắc không khi nào xóa mờ trong ký ức của tôi.Tôi còn ngao du suốt ngày trong thành phố Chingleput, mà vẻ cổ kính làm cho tôi ưa thích, và còn chiêm ngưỡng đức Tăng Thống một lần cuối cùng trước khi về nhà. Tôi gặp Ngài trong ngôi đền lớn, lúc Ngài đang thuyết pháp trước một cử tọa đông đảo gồm cả nam phụ lão ấu. Giọng nói của Ngài vang rền giữa một sự im lặng hoàn toàn, mặc dầu tôi không hiểu nghĩa, tôi cũng thấy rằng tất cả mọi người đều chăm chú nghe với hết cả tâm hồn, từ nhà bác học Bà La Môn đến người nông phu thất học. Nhờ biết rõ về tâm tính của Ngài, tôi đoán rằng Ngài trình bày những chân lý sâu xa bằng những lời nói rất giản dị, mặc dầu tôi kính phục cái tâm hồn cao quý của Ngài nhưng tôi lại đâm ra thèm muốn cái đức tin đơn giản của những người ngồi nghe Ngài thuyết pháp. Họ không hề biết những nỗi dày vò thắc mắc của sự hoài nghi: Họ tin và chỉ có thế thôi. Họ không hề biết sự thất vọng não nề cay đắng của một người nhìn thấy thế gian như một trường cạnh tranh xô xát phủ phàng, Thượng Đế chỉ là một điều không tưởng hư vô, và đời người chỉ là một trò ngẫu nhiên tình cờ thoáng qua trong một cái vũ trụ khô khan, không mục đích.Chúng tôi từ giã Chingleput dưới một vòm trời xanh biếc. Một cơn gió mát đưa những ngọn lá dừa dọc hai bên đường lộ, nghe xào xạc trên đỉnh đầu chúng tôi. Người bạn tôi phá cái im lặng đó trước nhất. Y có vẻ rất hài lòng và nói:- Anh có thể tự hào là tốt số! Đây là lần đầu tiên mà đức Tăng Thống tiếp kiến một văn sĩ người Âu.- Thật vậy sao? - Và từ nay ân huệ của Ngài sẽ theo anh mãi mãi.Khi tôi về đến nhà, đã gần nửa đêm. Lúc ấy, sao mọc đầy trời, một cảnh tượng mà tôi chưa hề thấy ở góc trời Âu. Khi tôi vừa bước lên hàng ba trước cửa nhà, thì một người từ trong bóng tối hiện ra. Tôi ngạc nhiên hỏi:- Subramanya, anh làm gì ở đây? Người khất sĩ áo vàng lại nhăn mặt cười một cái cười đặc biệt mà từ nay tôi đã quen mắt.- Phải chăng tôi đã hứa sẽ gặp lại ông đêm nay? Trong câu hỏi của y có đượm một vẻ trách móc. Nhưng tôi liền dịu giọng:- Thầy của anh là đức Maharichi phải không? - Sao ông biết, ai nói với ông như vậy? - Điều đó anh không cần biết. Nhưng tôi đã đổi ý kiến. Chúng ta lên đường sáng ngày mai.- À! Đó là một tin rất vui cho tôi.- Được! Nhưng tôi chỉ có thể đến viếng thăm đạo viện trong vài ngày thôi, chớ không thể ở lâu... Đêm đó người khất sĩ nghỉ tại nhà tôi để chờ ngày mai cùng lên đường. Cũng trong đêm ấy có xảy ra một chuyện lạ. Tôi đã ngủ mê được một lúc, thình lình tôi tỉnh giấc; đồng hồ dạ quang chỉ đúng ba giờ mười lăm phút. Chung quanh trời tối đen như mực. Tôi cảm thấy thần kinh bị căng thẳng đến tột độ, dường như có một luồng điện chạy trong bầu không khí chung quanh. Chính trong lúc đó, cặp mắt hé mở, tôi nhìn thấy có một vệt sáng ở dưới chân giýờng. Tôi giật mình ngồi chồm dậy để xem cho rõ. Trước hết tôi nhìn thấy cặp mắt của đức Tăng Thống Shri Shankara, gương mặt và toàn thân của Ngài hiện ra, đó không phải là một ảo ảnh, vì tôi đã hoàn toàn thức giấc.Tôi nhìn thấy Ngài, không phải như một cái bóng ẩn hiện chập chờn, nhưng là một người thật, bằng xương bằng thịt. Gương mặt Ngài hiện ra trong một vòng hào quang huyền bí như mờ như tỏ, chính cái hào quang đó nó cho tôi cái cảm giác một vật sáng sáng ở dưới chân giường lúc nãy. Thật là kỳ lạ! Không thể có như vậy được! Vì tôi vừa từ giã đức Tăng Thống ở tỉnh Chingleput hồi sớm mai này! Tôi thử nhắm mắt lại. Hình ảnh đức Shri Shankara vẫn còn đó, rõ ràng như khi nãy!Ngài hiện hình ra với sự hiện diện của một người bạn lành và che chở. Tôi lại mở mắt ra: Thì thấy gương mặt của Ngài hình như cử động, đôi môi mỉm cười và mấp máy hình như nói với tôi rằng: "Người hãy khiêm tốn, rồi người sẽ gặp!" Những lời này tôi chỉ nghe tự trong tâm giới vọng ra nhưng tôi chắc chắn rằng đó không phải là một ảo ảnh, mà có một người đứng ở trước mặt và nói chuyện với tôi. Kế đó, cái hình ảnh biến đi một cách bí mật cũng như nó đã hiện ra. Nó để lại cho tôi một niềm an vui hạnh phúc mà không có gì có thể làm mất đi được. Cái hình ảnh đó hiện ra, có ý nghĩa gì? Tôi tự hỏi như thế nhưng không tìm thấy sự giải đáp.Còn cố nằm ngủ lại đêm ấy, thì nó không thành vấn đề. Tôi thức luôn tới sáng, và hồi tưởng lại cuộc gặp gỡ với đức Tăng Thống Shri Shankara ở tỉnh Kumbokanam, vị đại diện cho đấng Chí Tôn đối với những dân tộc miền Nam Ấn Độ.