Về phần chị vợ anh Bụng ỏng, lúc này đầu óc của chị đang hoang mang rối bời giữa hai con đường đối nghịch. Tất cả đều xoay vần chung quanh mấy chữ "ba năm". Ngày xưa, khi sắp rời chồng con, đem thân ra đi đến nơi xa lạ, sống kiếp tôi đòi nô lệ, đồng thời bán cả sức lao động lẫn thân xác, chị thấy tiếng " ba năm" sao mà dài lê thê khủng khiếp. Biết đến bao giờ mới mãn hạn "ba năm" để chị được trở về xum họp với chồng với con? Nhưng đến bây giờ,không hiểu tại sao, chị lại thấy thời gian dường như đã mọc thêm cánh mà bay đi rất mau. Thời gian "ba năm" trôi qua vùn vụt, chẳng khác nào bóng câu qua cửa sổ. Trong tâm hồn chị, hai đứa con: thằng Chó Con và thằng "Thu Mãn" đều là con của chị, do chị đã mang nặng đẻ đau, nên chị đều thương yêu chúng nó như nhau. Mặc dù hoàn cảnh của mỗi đứa có phần khác biệt, nhưng tình thương của chị đối với cả hai đứa con đều không chênh lệch. Về phần cá nhân của chị, chị ao ước mong sao được ở lại trong mái nhà này cho đến mãn đời. Chị không muốn quay trở lại mái nhà nghèo khổ, sống đói rách khi xưa. Chị cảm thấy ông Xã, cha của Thu Mãn, nay đã già yếu, lại thêm bịnh hoạn chắc cũng chẳng sống được bao lâu. Chỉ chừng vài ba năm nữa là chắc ông sẽ qui tiên. Chị nuôi trong đầu một ý nghĩ, cầu xin ông chấp nhận cho thằng Chó Con được làm con nuôi trong nhà. Trong khi chị đang ngồi trên hàng ba cho con bú, chị mơ tưởng lúc ấy thằng Chó Con cũng đang đứng cạnh đó. Chị đưa tay vẫy nó lại gần và nói chuyện cùng một lúc với cả hai anh em. Nhưng đó chỉ là giấc mơ giữa buổi ban ngày của chị mà thôi. ít lâu sau ông Xã nảy ra một ý nghĩ khác. Ông cho người đi mời bà lão Sún đến. Ông yêu cầu bà Sún hãy đến nhà anh bụng ỏng, hỏi xem anh ta có bằng lòng gia hạn hợp đồng, cho thuê vợ thêm ba năm nữa, với gía là ba mươi quan hay cao nhất là năm mươi quan tiền hay không.ông ta đã giải thích với bà vợ về đề nghị ấy như sau:_ "Đến lúc bấy giờ thì bé Thu Mãn đã lên năm tuổi rồi. Khi ấy nó có thể rời mẹ nó được. Nó không cần phải có mẹ nữa!"Lúc bấy giờ bà vợ của ông Xã phú hộ đang lần tràng hạt niệm Phật, nghe chồng giải thích như thế, liền trả lời, trước hết mở đầu bằng câu: "Nam mô A Di Đà Phật". Sau đó bà mới nói tiếp:" Nên nhớ nó đã có một đứa con riêng với chồng chánh thức của nó. Hãy sớm trả nó về với chồng con của nó."ông chồng lắc lư cái đầu và nói:_ "Nhưng hãy nghĩ đến chuyện bé Thu Mãn phải xa mẹ khi chưa đầy 2 tuổi."_ "Tôi sẽ lo nuôi nấng, dạy dỗ nó." Vừa nói, bà ta vừa bỏ chuỗi tràng hạt xuống một bên." Tôi sẽ chăm sóc nó chu đáo. Bộ Ông sợ tôi sẽ giết nó hay sao?"Nghe vợ nói câu đó ông ta đứng lên đi thẳng. Trong khi đó bà ta còn la vói theo ông:- "Tuy đây là nhà của ông, gia đình của ông, nhưng dù sao thằng Thu Mãn cũng là con của tôi. Càng ngày ông càng trở nên u tối, ngu đần. Kể từ khi ông thuê con đàn bà khốn khổ ấy về cái nhà này, ông mài miệt, phung phí biết bao nhiêu sức lực với nó, bộ Ông tưởng ông còn sống được lâu lắm đấy hay sao... "Nhưng ông ta đã đi khá xa, không còn nghe rõ thêm những lời đay nghiến độc đia. khác nữa của bà.Đến mùa hè nóng nực, thằng bé con mọc một cái mụt ngay trên đầu và lên cơn nóng sốt. Bà vợ cả vội vàng đi chùa, cúng bái, cầu trời khấn Phật, đồng thời xin giấu tiền vàng bạc về đốt lấy tro, sắc ra đổ cho nó uống, và đắp lên trên cái mụn ấy. Trong khi đó người mẹ đẻ của đứa bé thừa biết rằng cái mụn ấy chẳng qua do thời tiết nóng bức mà sanh ra, chẳng cần phải cho uống thuốc men bậy bạ gì cũng từ từ xẹp xuống. Nhưng chị không dám phản đối ra mặt, chị chỉ lén gỡ vứt đống bã thuốc đắp trên đầu đứa bé mà thôi.Bà vợ cả thấy thế lại kiếm cớ, sụt sùi nước mắt, mách với chồng:- "Đấy ông có thấy không. Nó chẳng bao giờ lo gì cho đứa bé. Tội nghiệp thằng nhỏ đau ốm không thuốc thang gì! Tình thương máu mủ của mình đối với con bao giờ cũng thiết tha, sâu đậm. Trong khi đó tình thương của nó đối với đứa bé chỉ là thứ tình thương giả tạo, hờ hững, sảo trá... "Trong khi người mẹ đẻ của Thu Mãn tủi thân vì bị hàm oan khóc thường khóc thầm, không dám cho ai hay biết, thì ông Xã phú hộ chỉ làm thinh chẳng nói lời nào.Khi bé Thu Mãn đầy một tuổi, gia đình ông phú hộ làm lễ thôi nôi cho nó rất lớn lao trọng thể. Ông bà đã mời khách khứa, hàng ba, bốn chục người, đến đầy nhà. Ai cũng đem theo tặng phẩm chúc mừng cho đứa bé. Người thì cho quần áo, người thì cho vòng đeo tay, nón, vớ v.v...