SAU CUỘC CHIẾN

Nam loạng choạng đứng dậy, rờ rẫm mãi mới bước ra được cửa xe, người phụ xế phải giúp anh và gần như nâng bổng anh lên đặt xuống vệ đường, rồi chiếc xe phóng đi để Nam ngồi lại một mình. Nam bỗng thấy lòng chùng xuống. Một nỗi buồn da diết xâm chiếm… Quê hương anh đây ư? Cánh rừng rậm rạp xanh tươi xưa, nay chỉ còn trơ lại những quả đồi đỏ quạch, chang chang nắng. Hơn chục năm ở chiến trường, Nam không bị vết thương nào dù anh đã tham gia hàng trăm trận đánh dữ dội, được phong cấp tiểu đoàn trưởng ngay trận địa. Nhưng anh lại mang một căn bệnh quái ác: đục thuỷ tinh thể. Một mắt trái của anh có điểm đen nơi con ngươi cứ dần dần trắng bệch ra rồi không nhìn thấy gì nữa. Con ngươi bên phải cũng bị như thế, nhưng nhẹ hơn. Cho đến ngày chỉ huy đơn vị đánh vào Sài Gòn, anh vẫn còn nhìn thấy cảnh vật. Vậy mà có nửa tháng, tình hình đã tồi tệ hơn, anh nhìn đâu cũng thấy một làn sương che phủ.
Nắng chói chang làm cho Nam thấy đầu nhức ê ẩm, anh phải cố gắng ngồi dậy, xốc lại ba lô, tìm đường về nhà. Mỏi chân, Nam ghé vào một ngôi nhà mới cất ven đường. Vừa vào đến cửa, vật đập vào mắt anh đầu tiên là trên tường gắn chiếc đầu trâu, nét tạo dáng của đôi sừng quen thuộc làm Nam sững sờ "Con Nhất Đẳng". Anh ào lại vuốt ve đôi sừng cong từng một thời kiêu dũng, nghẹn ngào: Trâu ơi, mày đã chết rồi ư? Ừ, kể ra mười mấy năm trời, mày phải già phải chết, đó là lẽ thường tình của tạo hoá, nhưng tao vẫn thấy bất ngờ vì khi trở về không còn mày nữa.
- Nam phải không? Tiếng ông già làm Nam giật mình ngẩng lên: ông già run run đưa tay cho Nam. Tóc râu ông bạc trắng, người đã quá yếu rồi. Nam linh cảm ông già chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa. Ôi thời gian! Ngày xưa ông là người xông xáo, vui tính. Cả làng chỉ ông có chiếc đài bán dẫn to tướng. Buổi tối, bà con thường kéo đến nhà ông ngồi chật trong nhà lẫn ngoài sân nghe tin thời sự. Ông nắm rành rọt tin trong nước, thỉnh thoảng lại giảng giải cho mọi người nghe. Bà con thường gọi ông là "ông Song thời sự". Ngày Nam đi bộ đội, con trâu mà suốt tuổi thơ anh chăn dắt trao lại cho thằng Sáu, con trai út của ông nuôi.

°

*

Sau này, mỗi khi sắp bước vào một trận đánh mới hay nằm trên chốt chờ một đợt phản kích của quân giặc, Nam hay nhớ về bãi Nga, bãi cỏ rộng dưới chân núi Nga, nơi giáp ranh giữa làng Chế và làng Thạch. Hàng ngày bọn trẻ cùng lứa tuổi với Nam, sau khi thả trâu ra bãi cỏ, lại xúm xít nhau, bày đủ thứ đồ chơi. Anh nhớ con Nhất đẳng một thời đã chăn dắt. Nhớ nhất trận tranh hùng con Nhất đẳng và con Nhị đẳng, một trận đấu mà nhiều năm vẫn còn ám ảnh Nam. Bữa đó Nam vừa thả trâu ra bãi cỏ bỗng thấy con Nhất đẳng lồng lên và kia, con Nhị đẳng ở đâu chạy tới. Nam biết lúc này có trời mới ngăn được chúng không xáp lại với nhau. Con Nhất đẳng, nghênh cao đầu, đôi sừng nhọn nghiêng nghiêng. Con Nhị đẳng cũng ngẩng cao đầu, đầy vẻ thách thức. Rồi như cùng một lúc, hai con trâu xông vào nhau đánh rầm, chúng quặc nhau, gân cốt chúng cuộn lên, đuôi cụp lại, tất cả sức mạnh được huy động, tưởng như bãi Nga và cánh rừng bên cạnh cũng chung chiêng, nghiêng ngả trước sức mạnh hai chàng lực sĩ.
Thằng Nam nhảy lên gò đất cao reo to:
- Cố lên Nhất đẳng, húc lòi ruột nó ra!
Cô bé Mè, chủ của con Nhị đẳng, giậm chân khóc:
- Các người hãy can nó ra, nó húc chết trâu của hợp tác xã.
Không một người lớn nào có mặt để làm việc đó. Lũ trẻ thích chí reo hò. Phần đông chúng ủng hộ cho con Nhất đẳng. Từ lâu con Nhất đẳng trở thành niềm tự hào của lũ trẻ chăn trâu làng Chế. Con trâu không những loại hết cả trăm con trâu trong làng mà còn chiến thắng tất cả những con trâu của làng Thạch, một làng lớn có nhiều trâu khoẻ. Trẻ con làng Chế vốn ghét trẻ con làng Thạch, nguyên do từ chỗ cả hai làng cùng chung một ngọn núi, ngay cả đến địa giới hành chính của địa phương cũng chưa dứt khoát khẳng định núi Nga thuộc địa phận làng nào. Lũ trẻ hai làng đều thích núi Nga, bởi về mùa đông, ngồi ở phía nam tránh được gió đông bắc, một nơi ấm áp, có nhiều khoảng đất phẳng cho chúng tập võ. Hơn thế nữa, dưới chân núi Nga có bãi đất rộng mênh mông nhiều cỏ non, thả trâu ở đó thì tuyệt, chúng có thể chơi đến tối cũng không phải nhìn đến trâu.
Nhiều lúc thằng Nam ca ông ổng "Ai bảo chăn trâu là khổ". Đúng là chăn trâu thích thật. Những ngày mùa trâu phải đi cày bừa thì cậu buồn lắm. Cậu nhớ những buổi cùng bạn bè khoét bếp Hoàng Cầm, kiếm phân bò khô xếp lên làm than, phân bò khô cháy lâu tàn, bốc mùi khen khét quen quen rất dễ chịu. Lũ trẻ quây quần bên lò sưởi, hơ bàn tay lạnh cóng lên lớp than hồng. Có bữa Nam kiếm được mấy củ khoai, lùi vào bếp, khoai chín, cậu chia khoai cho lũ bạn, vừa bóc vừa thổi phù phù, cắn ngấu nghiến thật ngon lành. Cái hương vị thơm ngon của khoai, có cả hơi khen khét của cứt trâu khô đã cháy làm Nam nhớ mãi. Nhất là lúc ngửi thấy mùi khen khét của lửa cháy sau một trận pháo kích làm Nam nôn nao nhớ về tuổi thơ của mình.
Sau khi thả trâu gặm cỏ, bọn trẻ lại xúm xít quanh Nam học võ. Nam được người chú là bộ đội đặc công về phục viên dạy cho cậu nhiều thế võ. Và Nam đã tập hợp lũ trẻ dạy cho chúng những miếng võ cậu học được. Từ đó lũ trẻ đã đặt cho những con trâu dũng mãnh trong làng theo đẳng cấp con nhà võ. Nói đến con Nhị đẳng là chúng biết con trâu nào. Ảnh hưởng này còn lan cả sang người lớn và họ phì cười khi thấy nó hay hay.
Con Nhị đẳng lúc đầu chỉ là con nghé tròn lẳn, bốn chân đậm chắc, hiếu động. Người ta thấy nó đẹp, tốt giống nên không thiến, giữ lại để phối giống và chuẩn bị thay cho trâu giống nhà ông Táu đã quá già nua. Con nghé lớn dần, ngày càng trở nên dũng mãnh. Nó đã loại được nhiều con trâu to khoẻ và được lũ trẻ phong cấp dần cho đến Nhị đẳng.
Liên tục chiến thắng, con Nhị đẳng có vẻ trở nên kiêu căng. Trước đây nó không dám bén mảng tới bãi Nga. Chỉ riêng con Nhị đẳng không được lai vãng đến khu vực này. Những con bị thiến trở nên căm thù con chưa thiến, gặp bất kỳ ở đâu là chúng xông lại húc nhau thừa sống thiếu chết. Những người chăn hai con trâu trên phải cho chúng gặm cỏ ở một cánh đồng khác, xa hẳn thế giới trâu trong làng. Nhưng con trâu để giống này lại rất thích đến gần bầy trâu cái. Hễ sơ sẩy là nó mò về bãi Nga và thỉnh thoảng cuộc chiến nảy lửa lại xảy ra.
Con Nhất đẳng được cai quản cả một "vương quốc" gồm nửa trăm trâu cái, nhiều lúc cũng muốn chứng tỏ mình là một gã "đàn ông" thực thụ, cũng âu yếm "các em" nịnh bợ "các em" và có lúc hứng chí nhảy phắt lên lưng "các em". Nhưng dù cố gắng đến đâu, đã là "hoạn quan" cậu cũng đành bất lực, không làm tròn chức năng một con đực. Những lúc như thế cậu cáu lắm. Nhưng cậu không hiểu vì đâu cậu vướng vào hoàn cảnh trái ngang đó.
Lại nữa, các ả trâu cái quẩn quanh cậu, chúng cảm mến vẻ hùng dũng của cậu thật, nhưng thấy cậu chẳng "làm ăn" được gì cũng lẻn đi tình tự với gã "Nhị đẳng". Thế có buồn không! Lúc này con Nhị đẳng cũng chưa chịu con Nhất đẳng. Nếu nó thắng được con Nhất đẳng hôm nay nghĩa là nó nghiễm nhiên trở về cai quản bãi Nga với giang sơn riêng, với vô khối "mỹ nữ cung tần". Không còn khát vọng nào hơn là phải chiến thắng. Nó có cặp sừng ngắn hơn con Nhất đẳng, cặp sừng chưa kịp nhọn để trở thành một con trâu thực thụ, nhưng bù lại, cặp sừng của nó khá đậm, như hai bắp măng khổng lồ. Trong chiến đấu, nó dùng sức mạnh là chính, sức mạnh của tuổi trẻ, càng chiến đấu nó càng hăng hái, dẻo dai. Nãy giờ nó bị con Nhất đẳng khoá sừng và nó đã khéo léo gỡ ra được, đồng thời lùi lại, lao đánh rầm vào cặp sừng dài của đối phương làm Nam và lũ trẻ đứng tim, tưởng như cặp sừng của con Nhất đẳng phải gãy làm đôi. Nhưng con Nhất đẳng tỏ ra là đối thủ đầy bản lĩnh, nó nghiêng đầu rồi dùng thế sừng dài ngoắc vào cổ của con Nhị đẳng hất mạnh một cái, cày đường dài trên cổ đối phương. Con Nhị đẳng lăïng đi một giây rồi lại xông vô đối thủ, dùng sức mạnh đẩy đối phương lùi lại. Hai con vật tiến rồi lại lùi, đất dưới chân chúng bị cày xới tung lên, bụi bay mù mịt. Tiếng va sừng chan chát, tiếng hai con trâu thở phì. Bỗng con Nhị đẳng lồng lên dùng sức mạnh đẩy con Nhất đẳng lùi một đoạn dài và bất ngờ con Nhất đẳng ngã nhào xuống chiếc mương đầy sình lầy. Con Nhị đẳng thừa cơ đứng trên bờ cứ nhằm bụng đối phương húc tung lên. Thường trâu chọi nhau, sừng đối sừng, cũng như người đấu kiếm, đối kiếm. Con Nhất đẳng lâm vào thế không còn "kiếm" và dũng mãnh đến đâu cũng khó lòng tránh khỏi cái chết.
Thằng Nam đau đớn, muốn xông vào đánh đuổi con Nhị đẳng để cứu con trâu nhà nó. Nhưng nó vẫn đứng bất động, mặt cực kỳ căng thẳng. Nó vươn về phía trước như muốn lao vào trợ chiến. Nhưng rồi nó phân vân, con Nhất đẳng vốn là vô địch, nỡ nào lại bại trận một cách nhục nhã như thế. Có ai giữ mãi được chức vô địch của mình. Ôi cái chức vô địch, mới khắc nghiệt làm sao! Không, Nhất đẳng ơi, hãy cố gắng lên, hãy cố gắng lên xứng danh một Nhất đẳng bách chiến bách thắng - thằng Nam hét khản cả cổ.

°

*

Sau này, khi bị địch phản kích, nhiều lúc đơn vị lâm vào thế nguy, Nam lại nhớ về cái giây phút hiểm nghèo của con Nhất đẳng sắp đi vào cõi chết và rồi anh chỉ huy đồng đội trụ lại chiến đấu đến cùng, giữ vững được trận địa. Có lần đơn vị phải trả giá quá đắt. Đến nỗi, lúc được lệnh rời khỏi chốt, mũi rút quân của anh chỉ còn có một phần tư quân số. Lúc xuống đến chân núi lại đụng địch và họ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Nam phải tự mở lấy vòng vây, trong lúc ấy trong tay Nam chỉ còn lại con dao găm. Đêm ấy anh mò xuống sát địch. Một tên lính đang bồng súng đứng gác bên tảng đá. Nam nhảy xuống thọc dao găm vào bụng nó, anh chỉ nghe cái phập và nhạân ra thịt người sao mềm thế, chỉ khẽ đâm đã lút cán. Nam xoay con dao nạo một đường vòng tròn. Anh thấy nó hự lên một tiếng rồi chết ngay. Nhanh như con mèo, Nam nhảy qua xác nó và lại một thằng nữa nát bấy bộ lòng vì cú nạo dao găm của Nam. Gần sáng, hơn chục tên địch bị Nam giết như thế. Mặt mũi, tay chân Nam bê bết máu. Máu cay cay trên mắt, máu mằn mặn trên môi. Anh thò tay vào lỗ mũi cũng lôi ra được cục máu. Khi thoát khỏi vòng vây, Nam nằm ra một tảng đá, mệt mỏi thiếp đi. Trong mơ Nam lại thấy núi Nga, bọn trẻ con làng Chế học võ trên đó và phía dưới chân núi, trẻ con làng Thạch kéo đến. Thằng dẫn đầu cưỡi trên lưng con trâu đực mạnh nhất. Nam đứng trên tảng đá bắc loa tay gọi:
- Bọn kia, chúng bây muốn gì?
Thằng cưỡi trâu là tướng chỉ huy, hét to:
- Muốn chúng bây cút đi, trả ngọn núi này cho chúng tao.
Thằng Nam quát:
- Bọn bây chơi không quân tử. Đã ký "hiệp định" rồi, ai thắng chọi trâu thì cai quản núi Nga.
- Không nói lôi thôi. Chúng tao đến chiếm núi Nga đó, bọn bây làm gì được thì làm - thằng chỉ huy phía làng Thạch lại trắng trợn trả lời. Nói xong tụi nó phẩy tay hô to:
- Tiến lên!
Lũ trẻ làng Thạch dàn hàng ngang, nấp vào các tảng đá vừa tiến lên vừa ném đá vèo vèo về phía Nam. Nam chỉ huy lũ trẻ ném đá chống trả. Rồi Nam cưỡi lên lưng con Nhất đẳng trông uy nghi như cưỡi trên lưng con voi ra trận. Con Nhất đẳng xông thẳng vào đối phương, dùng cặp sừng hất văng những miếng đá bay tới tấp vào đầu nó, xông đến con Nhất đẳng của địch quân, chỉ vài phút chạm sừng, con trâu của làng Thạch đã phải bỏ chạy. Lũ trẻ của làng Thạch bị quân của Nam bao vây, sợ khiếp vía mạnh đứa nào đứa đó chạy. Nam thúc trâu càn lên quân địch, đuổi theo sát con trâu của đối phương, đồng thời rút súng cao su cặp viên sỏi trắng bắn trúng vào đầu tướng giặc. Thằng địch ôm lấy đầu, máu đỏ hai bàn tay, chảy chan hoà trên chiếc áo đã ngả màu cháu lòng của nó. Ôi máu nhiều quá! Cả chiến trường bãi Nga toàn có máu! Nam hét lên và bừng tỉnh. Đôi mắt Nam rát, giàn giụa nước, một lúc lâu anh giật mình nhìn thấy dưới ánh nắng chan hoà của buổi sáng, quần áo anh nhuộm đỏ những máu. Chúng bốc lên mùi nồng nồng, tanh tanh làm Nam nôn thốc nôn tháo. Máu người có gì lạ lắm làm Nam luôn bị ám ảnh. Nó khác hẳn máu của con Nhị đẳng đã đổ chan hoà trên khúc mương lầy lội trong trận quyết chiến với con Nhất đẳng nhà anh.
Lúc con Nhất đẳng bị đẩy xuống sình lầy, dù bị vướng bùn, bị húc đau nhói nhưng nó vẫn bình tĩnh lùi xa đần đối phương, nhử đối phương cùng xuống nước với nó. Đã đánh nhau thì cả hai cùng xuống nước đánh nhau. Và con Nhị đẳng đã mắc mưu, nó quá ham tiêu diệt dứt điểm đối phương. Cũng tại con Nhị đẳng còn trẻ. Tuổi trẻ thường bồng bột, thiếu kinh nghiệm. Nó bất ngờ thấy sình lầy quấn lấy chân nó làm nó xoay trở khó khăn hơn. Con Nhất đẳng đã lấy lại thế cân bằng, dùng cặp sừng dài khoá chặt đối phương, dìm đầu địch thủ xuống nước, cả hai con cùng ngạt thở, cùng thở sùng sục dưới nước. Thằng Nam nhảy cẫng lên reo hò khi thấy con trâu nhà nó đang chiếm thế thượng phong. Con Nhất đẳng phần vì cao lớn hơn đối phương, phần vì nó đứng tuổi có nhiều kinh nghiệm, nhất là kinh nghiệm của những buổi đi cày dưới sình lầy. Nó đã ép được con Nhị đẳng vào bờ mương và với đôi sừng dài, đôi sừng mà thằng Nam đã dùng cả buổi chiều vót cho nhọn hoắt, cứ nhè bụng đối phương mà giật những cú thôi sơn. Con Nhị đẳng kêu lên ò ò rồi chổng cả bốn vó lên trời. Máu từ bụng nó phọt ra, tràn đỏ lòm cả một đoạn mương.
- Nhất đẳng chiến thắng rồi!
Lũ trẻ ôm lấy Nam, nhảy cẫng lên reo hò. Thằng Nam cũng hét lên:
- Chiến thắng! Chiến thắng!
Nó nhào đến ôm lấy cái cổ bê bết bùn và máu tươi của con Nhất đẳng. Con trâu hãnh diện ngước cặp mắt nhìn lũ trẻ đang chiêm ngưỡng nó. Nó sung sướng được thằng Nam vuốt ve cái nốt ruồi ở cổ nó, vuốt ve đôi sừng nhọn hoắt của nó. Đôi sừng cũng nhuộm đẫm máu tươi. Nó thè lưỡi liếm liếm lên bàn tay của Nam. Mỗi lần Nam âu yếm nó, nó đều đáp lại bằng cử chỉ như thế. Sau này, khi Nam chia tay con Nhất đẳng để lên đường ra trận, con trâu cũng liếm lên bàn tay anh, thậm chí lên cổ, lên cả mặt anh. Nam cứ để yên cho nó thể hiện tình cảm. Cái cử chỉ thân thiện, cái cảm giác ram ráp êm êm của chiếc lưỡi con Nhất đẳng cứ theo Nam suốt chặng đường anh đi đánh giặc. Hình như nó cũng linh cảm đó cũng là lần chia tay cuối cùng.
Ông Song ngồi xuống bên Nam lấy tay chặm nước mắt, đôi mắt đục lờ của ông hình như lúc nào cũng đầy nước:
- Bữa đó thằng Sáu thả trâu vào núi như mọi khi, đến chiều không thấy trâu về. Mọi người đổ đi tìm. Bác nghĩ hay là nó đụng cọp và bị cọp ăn thịt. Nhưng con trâu to khoẻ với đôi sừng dài nhọn như thế thú rừng làm gì được nó? Nghĩ vậy nhưng vẫn lo. Thời gian gần đây cọp đã tha mất mấy con nghé. Bác và thằng Sáu cơm đùm cơm nắm đi mãi vào rừng sâu, nơi nghe đồn hay có cọp xuất hiện. Đến một khu rừng, bác phát hiện dấu chân trâu, cả dấu chân cọp in trên đất ướt và quanh đó cây con bị giẫm đạp tơi tả. Đến một gốc cây to, bác nhìn thấy con Nhất đẳng. Trời, một con cọp to như con bê đang bị cặp sừng của con Nhất đẳng ghìm chặt vào hốc cây! Đôi mắt con cọp trợn ngược, miệng há ra đỏ lòm, còn dưới bụng nó xổ ra một đống ruột đã bốc mùi hôi thối, lúc nhúc dòi bọ. Máu vung vãi, máu đọng thành vũng, đầy bọ. Nó chết đã ba ngày mà con Nhất đẳng vẫn giữ nguyên tư thế. Hình như nó không hiểu rằng con cọp đã chết. Bác xông lại quất một roi vào mông con Nhất đẳng:
-Thả nó ra!
Con trâu giật mình bỏ con cọp, kêu đánh ò lên một tiếng rồi đổ kềnh ra. Nó đã quá kiệt sức…
Bất giác Nam ngước lên cặp sừng, vẫn vẻ kiêu hãnh, con Nhất đẳng như sắp lao vào trận đấu mới. Anh sửng sốt, đôi mắt ốc nhồi của nó như chợt mở to ra. Nam dụi mắt rùng mình. Từ đôi mắt ấy nhỏ xuống những giọt nước đỏ ròng như máu.