Chương 7

Đồng hồ treo tường buông từng tiếng nhạc ngân nga báo hiệu 5 giờ sáng. Dung tỉnh dậy. Thói quen dậy sớm có từ ngày Dung về ở nhà bà Ba. Dung đánh răng, rửa mặt cũng rất nhanh. Vợ chồng anh Ba và cháu Thu Hiền hãy còn ngủ say. Dung xuống bếp nấu nước pha trà cho ba. Ông Năm có thói quen dậy sớm, uống trà và nghĩ ngợi. Sáng nào cũng vậy: khi Dung bưng khay, tách trà lên nhà trên là đã thấy ông Năm ngồi bó gối tư lự.
Ông Năm rất hài lòng khi thấy tách trà đặc mà Dung rót cho mình. Con dâu, con trai làm sao hiếu thảo bằng con gái. Có lúc ông nghĩ: Nếu như Dung được nuôi từ bé trong nhà này, chắc gì cô đã siêng năng như thế. Ờ, mà chỉ có vất vả gian lao mới rèn luyện được con người, ngay chính mình cũng vậy thôi.
Pha trà xong, Dung thấy buồn tay chân, lại xuống bếp phụ chị Tư cơm nước. Có hôm, theo thói quen, Dung lại ra chuồng heo, chuồng gà phụ Hải. Bà Năm không bằng lòng cho Dung làm những việc mà theo bà là hôi hám đó. Con gaí út của bà không thể lam lũ được.
Đàn gà công nghiệp đã quen Dung. Trông thấy cô chúng nhảy lung tung, đập cánh loạn xạ, đòi ăn. Dung xúc cám trong bao, đổ vào máng ăn bằng tôn tráng kẽm. Bầy gà chen nhau, thò cổ qua song chuồng bằng gỗ mổ tới tấp. Thường khi ăn, gà chọn tấm ngô và tấm gạo ăn trước. Thực đơn cho gà công nghiệp khá cầu kỳ, hơn chục loại trộn theo tỉ lệ định sẵn gọi là công thức. Thức ăn này con KiNa rất thích. Mỗi lần Dung cho gà ăn, con chó lại chui hàng rào qua với cô. Dung dành phần cho nó. Đó là chén cám heo, bên dưới toàn cơm trắng.
Con KiNa chỉ dám sang với Dung vào ban sáng, khi mọi người chưa dậy. Nó biết sợ từ bữa bị bà Năm phát hiện cô cho nó ăn và đã lớn tiếng rầy la cô. Đến khi Dung được nhận là con ruột, cô không bị bà Năm rầy la về việc đó nữa, nhưng bà thường đuổi đánh khi nó chui rào sang với Dung. Biết vậy, Dung thường cho gà ăn sớm để được gặp Ki Na.

° °

°
Ông Năm xem đồng hồ tay. Gần bảy giờ sáng. Ông định đứng lên thay bộ đồ pijama bằng bộ đồ tây thì hai ông già kéo nhau đến. Họ mặc bà ba đen đã cũ và đi loại dép nhựa rẻ tiền. Bộ bà ba đen cộng với nước da rám nắng làm họ thêm đen đúa. Hai ông chào ba Dung rồi cười. Dung rót nước mời khách. Hai ông chắc lần đầu đến đây và được ngồi bộ salon sang trọng nên tỏ ra ngượng ngùng. Ông Năm lặng yên một lát mới hỏi người đối diện:
- Bà ở nhà khỏe chớ anh.
Ông già mặt bé loắt choắt ngạc nhiên:
- Bà nhà tôi mất lâu rồi. Anh Năm không nhớ à. Hồi ấy anh có đến dự đám tang mà.
- Ờ… Tôi quên - ông Năm ậm ừ.
Khách lại cười nói tiếp:
- Tôi biết làm đến chức như anh khó có thời gian rảnh. Đứa con gái lớn của tôi cứ nhắc: Ông Năm lâu rồi, từ ngày hòa bình đến nay không thấy về thăm. Tôi nói làm đến chức chủ tịch tỉnh, công việc tối mắt, tối mũi, còn thời giờ đâu nữa mà đi thăm chơi…
Ông Năm cắt ngang:
- Bây giờ nhà anh ở đâu?
Khách kêu lên: - Ở chỗ đó chứ đâu nữa. Anh coi vườn tược, nhà cửa như vậy còn chuyển đi đâu nữa.
Ông Năm liếc nhìn đồng hồ vẻ sốt ruột hiện lên trên khuôn mặt. Bảy giờ rồi mà hai ông già cứ dông dài vậy, biết lúc nào mới đi được. Mấy ông này ở đâu mà coi quen quá. Nói như vậy là chắc ổng ở vùng kháng chiến cũ. Hồi đó mình đi khắp nơi, được bao nhiêu người nuôi nấng, che giấu, làm sao nhớ hết được. Cả tỉnh có một chủ tịch, ai lại không biết. Còn chủ tịch làm sao biết hết mọi người trong tỉnh được. Không nén nỗi vì trí nhớ kém của mình, ông Năm hỏi thẳng:
- Xin lỗi! Tôi quên. Anh quê ở đâu nhỉ?
Ông già loắt choắt kêu lên:
- Anh Năm quên tôi thiệt rồi sao. Tôi, Ba Tài đây này. Ba Tài ở đồi ông Hiện đây này. Anh nhớ lần tụi sư đoàn cọp đen bao vây đồi ông Hiện không. Tôi dẫn đường cho cả đơn vị anh thoát được ra ngoài đó. Đêm đó, mình tôi dùng thuyền đưa cả đơn vị anh vượt qua đoạn gần thác đó… - Ông già cười hà hà.
- Ờ tôi nhớ ra rồi - ông Năm gật gù thích thú - Anh là Ba Tài. Chúng tôi thoát được trận càn rồi lại quay lại tập kích thắng lợi là nhờ công anh đó. Hồi ấy chúng tôi gọi riết thành tên anh là Ba Tài.
Khách mừng rỡ cười hết cả mặt. Quay sang bạn, Ba Tài giới thiệu:
- Đây là anh Bảy Giáo. Chòm xóm với tôi. Cũng ủng hộ cách mạng mình hết lòng đó anh Năm à. Nhưng chắc anh Năm không biết.
Ông Năm gật đầu, và lại liếc nhìn đồng hồ, nhưng đã bớt sốt ruột đôi chút. Ba Tài không hề chú ý đến cử chỉ đó cứ thao thao:
- Kỳ sau, anh Năm quay lại, ở cả tháng. Tôi nhớ, cả nhà dùng thuyền đi tiếp tế cho bộ đội. Hồi ấy mà chở gạo cũng nguy hiểm như chở vũ khí rồi. Chết như chơi, nhưng đâu có ngán, phải không anh Năm. Nhà tôi thành trụ sở chỉ huy. Coi vậy mà cũng vui. Cả nhà lo nấu cơm, nước cho bộ đội suốt ngày… Sau đó tụi cọp vằn lại đổ quân xuống ngay nhà tôi, anh Năm còn nhớ không…
Ông Năm cười, gật đầu. Lần suýt chết đó, ông làm sao quên được. Ông đang họp với cán bộ của khu thì bất ngờ địch đổ quân bằng máy bay lên thẳng. Lúc Ba Tài chạy vô báo thì mấy trung đội rằn ri đã triển khai xong thế bao vây rồi. Ông Năm và hai cán bộ khu cố che vẻ lúng túng. Ba Tài nói không có cách nào thoát ra khỏi vòng vây như lần trước nữa.
- Sinh mạng tôi và hai đồng chí cán bộ này giao cho anh. Anh Ba. Nếu kẹt, tụi tôi sẽ chiến đấu đến cùng.
Ba Tài nhanh nhẹn:
- Tôi có một hầm bí mật. Ba người thì chật lắm nhưng cố chịu, nếu kẹt bị lộ, tôi cùng chiến đấu với các anh. Tôi còn con dao bự đây. Hà hà.
Ông Năm kéo ba người ra bụi tre gai dày đặc. Ông vẹt những cành gai tua tủa, cào lá tre, móc nắp hầm lên. Hai cán bộ tụt xuống trước. Ông Năm xuống không lọt. Địch tới gần vườn nhà lắm rồi. Ba Tài nắm vai ông Năm ấn xuống như người ta nhét đồ vô ba lô vậy. Khỏa lá trên nắp hầm xong, đang bước vô vườn, Ba Tài bị ngay mấy họng súng gí vào thái dương:
- Ba tên Việt cộng già đâu?
Ba Tài làm bộ ngạc nhiên, lắc đầu:
- Đâu thấy người nào.
Địch trói Ba Tài lại tra tấn. Ba Tài vẫn một mực không biết gì. Cách đó chục mét, ông Năm và hai cán bộ khó thở, không cựa quậy được. Loại hầm này chỉ chứa được một, bí lắm mới nhét hai người. Họ tưởng ngất đi vì thiếu không khí. Ông Năm nắm chặt quả lựu đạn. Nếu chịu không thấu, sẽ bật nắp lên sống mái với tụi cọp rằn. Họ nghe rõ tiếng Ba Tài thét lên đau đớn. Thiếu chút nữa thì ông Năm bật nắp vọt lên vì tiếng thét đó. Ông thương Ba Tài quá.
Sau một giờ tra tấn và lùng sục không kết quả, quân địch bỏ đi. Mãi đến tối mịt, ông Năm và hai cán bộ khu mới rút về rừng. Thời gian trôi đi nhanh quá… Hôm nay… Nhưng mà thời gian thật eo hẹp. Thôi cứ hỏi thẳng anh ta. Ngồi nhắc chuyện chiến tranh chắc hết buổi sáng. Ông Năm đặt thẳng vấn đề:
- Hôm nay anh Ba và anh Bảy gặp tôi có chuyện gì?
Khuôn mặt rạng rỡ của Ba Tài chợt trở nên ngượng ngập:
- Dạ… lâu lắm rồi, cũng muốn gặp anh… thăm anh có khỏe không và… cũng có chút việc… Tôi với anh Bảy đây đi mua bán gạo cho công ty lương thực tỉnh. Nhờ có chiếc thuyền chở anh em vượt sông hồi trước đó. Đến bây giờ nó cũng còn tốt… Ờ… Ờ… Tụi tôi đi mua gạo. Nhưng không quen bên công ty lương thực… Tính nhờ anh Năm giới thiệu giùm.
Chuyện chỉ có vậy. Nếu được ông Năm bảo lãnh nửa vời để có thể ký hợp đồng mua bán, hoặc cao hơn nữa, có thể ứng trước một số tiền làm vốn. Ông Ba và ông Bảy đang cần vốn.
Ông Năm nghĩ thầm: Mình đứng giới thiệu hai ông này cho công ty, bên đó họ nể mình, nhận liền. Nhưng sợ hai ông ứng tiền của công ty, làm ăn thua lỗ, không có tiền trả. Lúc đó sẽ rầy rà đến mình. Không chừng mình bị mất uy tín chớ chẳng chơi…
- Được không anh Năm - Tiếng Ba Tài hỏi làm ông Năm giật mình. Ông nhíu cặp chân mày lựa lời:
- Hai anh cứ sang bên đó đặt vấn đề, họ sẽ chấp nhận ngay. Họ đang cần khách hàng. Mình đến, họ mừng hết lớn, khỏi cần đến tôi. Hai anh cứ sang bển đi.
Ông Ba Tài lúng túng:
- Nhưng tôi dân quê, vào cổng đã khó, lại còn gặp giám đốc, chưa chắc họ đã tiếp. Chỉ cần anh nói giùm một tiếng hay viết cho mấy chữ.
Ông Năm xua tay:
- Sao ông cứ sợ họ vậy. Bây giờ là thời đại kinh doanh, họ phải cần khách hàng chứ. Hai anh cứ sang đó đi.
Nói rồi ông Năm đứng lên, tuồng như muốn cắt đứt câu chuyện. Ông đi xuống nhà dưới. Hai ông khách vốn thật thà, tưởng ông xuống bếp lấy cái gì đó, có khi là đồ nhắm cũng nên. Hai ông chờ khá lâu vẫn không thấy ông Năm ra, mới đứng dậy, ra về. Mãi lúc đó, ông Năm mới xuất hiện. Ông bắt tay hai ông già, tiễn họ ra cửa với lời dặn: “Hai anh cứ qua bển đi nhé”. Hai ông già không còn được vui vẻ như lúc đến. Tuy nhiên ông Ba Tài chào ông và dặn:
- Hôm nào rảnh, anh Năm ghé nhà tôi chơi. Các cháu vẫn nhắc anh luôn.
- Rồi, hôm nào rảnh tôi ghé.
Dứt câu, ông Năm quay vào. Dung ra mở cửa và đi theo tiễn hai ông già một đoạn. Cô tỏ ra thật niềm nở, đến mức, hai ông già cũng phải cảm động. Cô đứng nhìn theo hai ông già cho đến khi họ khuất sau đoạn dốc.

° °

°
Tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Chưa sáu giờ sáng mà ai gọi thế. Dung vội lên nhà trên cầm máy. Đầu dây có giọng đàn ông trịnh thượng.
- Nhà ông Năm Thọ phải không?
- Dạ đúng rồi - Dung lễ phép đáp.
- Cho tôi gặp anh Năm chút.
- Dạ, chú chờ cho một chút.
Dung đặt ống nghe xuống, chạy vội đi tìm cha. Ông Năm có thói quen buổi sáng ra vườn đi bách bộ, và tập thể dục. Cô gặp ông Năm đang đi dưới hàng dừa trĩu quả. Ông mặc áo lót màu trắng, quần cộc dài gần đến đầu gối. Cái bụng cóc làm ông đi lại khó khăn.
- Thưa, ba có điện thoại ạ.
- Ai gọi sớm vậy con?
- Thưa, con không biết ạ.
Ông Năm bước vào nhà, cầm ống nghe.
- A lô!
- Anh Năm phải không? - Đầu dây đằng kia hỏi.
- Vâng, tôi Năm Thọ đây.
- Anh Năm à, con trai anh, cậu Trung đêm qua nhậu ở phường Một, sau đánh lộn gây mất trật tự và chính cậu đả thương một thanh niên vào đầu, phải đưa vô bệnh viện cấp cứu. Chúng tôi tạm giữ cậu ở đồn công an thị xã. Chúng tôi thấy có trách nhiệm phải báo cho gia đình.
- Các anh thả cháu về. Tôi sẽ trị tội nó - ông Năm nói to.
- Anh Năm à. Đã hai lần anh đều nói thả cháu về, gia đình sẽ giáo dục nhưng cậu nhà vẫn chứng nào tật ấy.
- Lần này thì tôi không tha cho nó đâu, các anh cứ thả nó giùm tôi.
- Được thôi. Hy vọng chúng tôi không phải giữ cậu ấy lần thứ tư. Chúng tôi rất ngán bắt cậu ta. Cậu ấy chửi quá xá, lại chống cự kịch liệt. Nể anh, không thì chúng tôi cho cậu ấy biết thế nào là luật pháp.
Ông Năm giận dữ gác máy, cắt đứt lời phàn nàn từ đầu dây bên kia. Bà Năm nghe ông to tiếng đã chạy lên đứng đằng sau ông tự lúc nào. Bà hỏi:
- Thằng Trung lại bị bắt hả ông?
- Thằng mất dạy - Ông Năm sừng sộ với vợ - Học thì ngu như bò, chỉ giỏi ăn chơi. Mà có ăn chơi không đâu. Bày đặt nhậu nhẹt, đánh lộn, làm mất uy tín cha nó. Thật không ra thể thống gì. Tại bà. Bà không để mắt tới con cái. Con hư tại mẹ…
- Nó lớn rồi - Bà Năm cãi - dạy bảo nó phải là đàn ông.
- Nhưng bà phải để mắt đến con cái chứ. Đêm qua nó không ngủ ở nhà, bà biết không?
- Ông nói hay nhỉ, tối hôm qua nó còn ngồi coi ti vi. Hết chương trình, nó vô phòng ngủ. Tôi đóng cửa mà. Không biết nó đi lối nào.
- Thằng này phải cho đi học cải tạo.
Nghe ông nói vậy, bà Năm hoảng, dịu giọng ngay:
- Thì ông dạy bảo con. Cho nó vô trỏng, cực khổ nó chịu sao xiết.
Dung thấy Trung dạo này trở nên lầm lì. Anh buồn nên sanh tật uống rượu. Cô chưa biết phải động viên Trung thế nào, để anh khuây khỏa. Ba má không hiểu anh. Hay Dung phải đi đâu thật xa cho khuất mắt anh. Nhưng Dung đang học trường bổ túc công nông. Thấy cô học khá, ông Năm muốn cho cô đi học tiếp. Ông nói: mấy đứa con, chỉ Dung có khả năng học hết lớp mười hai. Bây giờ bỏ học cũng tiếc. Chỉ có anh Trung đi làm ở đâu là khéo nhứt. Cô nói với cha:
- Thưa ba, con nghĩ rằng anh Tư không có công ăn việc làm nên bê tha. Ba xin cho anh ấy làm ở một huyện nào đấy. Cơ quan sẽ quản lý ảnh.
Ông Năm gật đầu:
- Ba cũng nghĩ vậy. Có lẽ nay mai bà đưa nó xuống nhà máy dệt, không để nó lêu lổng mãi được.
Có tiếng máy xe Cub của Trung… Anh bước lên thềm nhà, người phờ phạc. Thấy Trung, ông Năm gọi:
- Trung! Lại đây!
Trung lấm lét nhìn cha. Ông Năm quát:
- Tao cho mày ăn ngon, mặc đẹp, xe nọ, máy kia để mày đi nhậu nhẹt, đánh nhau hả. Mày định muối mặt cha mẹ của mày hả.
Thấy Trung đứng im, giương mắt nhìn cha, ông Năm chồm tới:
- Không nói hả?
Thuận tay, ông tát vào mặt Trung hai cái. Trung ôm lấy má chạy về phòng. Ông Năm vẫn còn tức:
- Thằng mất dạy. Làm ô danh cha mẹ.
Dung thấy thương hại Trung. Cô đẩy cửa bước vô phòng anh trai. Trung đang gục mặt vô gối. Hai gò má hằn vết tay cha. Dung đến bên Trung, ân cần:
- Anh Tư, em có lỗi. Anh đừng buồn ba. Ba không hiểu anh…
Trung ngẩng lên nhìn, nhận ra Dung, chợt cười buồn:
- Dung đó à? Em không ghét anh như ba chớ?
- Dạ không.
Chợt Trung cầm tay cô kéo cô vô giường. Dung chưa hiểu gì, đã bị Trung dùng sức mạnh đè lên người. Trung hôn cô túi bụi. Bàn tay của Trung luồn vô ngực Dung. Sau phút bàng hoàng, Dung sực tỉnh và chống cự quyết liệt. Hai người im lặng đấu sức với nhau.
- Anh Trung, em là em gái anh mà.
- Không, anh không cho thằng Thu nó hưởng đâu.
Dung sợ ba má và mọi người biết, gia đình còn thể thống gì nữa. Cũng may cho Dung, cả tối nhậu và thức trắng trong phòng tạm giam của công an thị xã nên Trung đuối sức trước. Cuối cùng cô đẩy được Trung ra. Dung đầm đìa nước mắt, lặng yên chạy về phòng mình. Cô lao vào giường, ôm gối khóc nức nở. Căm hờn, tủi nhục, ghê tởm và kinh hoàng.

° °

°
Càng giận Trung bao nhiêu, ông Năm Thọ càng yêu quý Dung bấy nhiêu. Ông quan tâm đến cô nhiều đến mức vợ chồng anh Ba phát ghen lên. Ông đi đâu cũng muốn Dung đi bên cạnh. Bù lại, ông được Dung chăm sóc, làm những việc vặt cho ông mà những đứa con khác không chịu để ý làm. Ông cảm thấy hãnh diện với bạn bè đồng chí vì cô con gái út xinh đẹp thì ít mà ngoan ngoãn lễ phép, siêng năng lại nhiều hơn.
Sáng nay cũng vậy, ông Năm về quê thăm nhân tiện ghé vô nhà ông bí thư tỉnh ủy chơi. Nhà ông bí thư tỉnh ủy chỉ cách nhà ông chục cây số. Hai người gắn bó với nhau trong suốt cuộc chiến tranh. Nhưng gần đây, ông nhận thấy hình như giữa hai người đã có vết rạn nứt. Không phải hai người mất đoàn kết với nhau. Cũng không phải họ bất đồng quan điểm. Xu thế thay đổi: những cán bộ già nua, trình độ học vấn thấp đang bị thay thế bằng lớp cán bộ trẻ, có kiến thức sâu rộng. Áp lực ấy đè lên vai ông. Có khả năng tay giám đốc Sở giao thông vận tải, một tiến sĩ trẻ, năng nổ, có cách nhìn mới sẽ thay thế ông. Nhưng tay này không có thế lực, trình độ chính trị còn non kém, quá trình cách mạng chưa được thử thách như ông. Nhưng rõ ràng anh ta vẫn là đối thủ của ông. Nhiệm kỳ làm chủ tịch của ông sắp hết. Đợt bầu cử tới ông khó trúng nhiệm kỳ nữa. Trừ phi ông được ông Bí thư tỉnh ủy ủng hộ hết mình. Vì hiện nay ông Tám Tấn cũng đang có uy tín đặc biệt với thường vụ tỉnh ủy và cả trong tỉnh nữa. Dân chủ gì thì dân chủ nhưng rõ ràng phải có sự lãnh đạo của Đảng. Mà bí thư là đại diện cho Đảng ở địa phương sẽ lái thường vụ cơ cấu ông vào chức chủ tịch. Tất nhiên tỉnh ủy phải báo cáo cho Ban tổ chức trung ương Đảng và Hội đồng bộ trưởng. Nhưng cơ bản vẫn là tập thể Đảng địa phương quyết định. Nếu hội đồng nhân dân bỏ phiếu một lần không trúng thì bỏ lại. Tỉnh ủy phải đứng ra đả thông, sinh hoạt trước. Cho đến khi nào ông trúng cử thì mới thôi. Kẹt nỗi bí thư Tỉnh ủy cũng đang bị chỉ trích dù ngấm ngầm thôi, rằng ông để cho tỉnh trì trệ nghèo đói vì vẫn giữ những cán bộ chủ chốt thủ cựu già nua, trình độ học vấn thấp. Bởi vậy, dù rất nể, rất quý bạn và một bên trách nhiệm đối với Đảng, đối với nhân dân trong tỉnh, ông thấy thật khó xử.
Ông Năm biết kỳ này bí thư tỉnh ủy về quê, ông cũng về quê định bụng ghé nhà ông bí thư chơi. Ông Năm hiểu rằng, khi ông bí thư về thăm quê, lòng thanh thản yêu đời hơn. Lúc đó ông sẽ quý mến bạn bè nhất. Vừa suy nghĩ vẩn vơ ông Năm vừa duỗi thẳng chân tay trên ghế. Chà, kỳ này đưa Dung đi theo, hẳn ông Tám bí thư sẽ thích. Người đẹp mà ai chẳng quý mến. Chính nhờ Dung mà ông sẽ kêu gọi lại tình cảm bạn bè khi xưa.
Chiếc xe vẫn nhằm hướng ven biển lao đi. Dung ngồi bên cha mơ màng ngắm cảnh vật lùi lại phía sau.
- Hôm nay ba có ghé nhà nội không - Dung quay sang hỏi làm ông Năm sực tỉnh. Ông đáp:
- Có chứ. Nhưng hôm nay chủ yếu ghé nhà anh Tám bí thư chơi.
Dung lại yên lặng. Cô thích thú nhìn cảnh vật hai bên đường. Nắng buổi sáng rực rỡ.
Xe rời lộ nhựa, quẹo vô con đường đá đỏ. Con đường này được thi công từ ngày ông lên làm chủ tịch tỉnh. Chính ông đã huy động hàng chục vạn dân, hàng ngàn lượt cán bộ công nhân viên trong tỉnh làm nghĩa vụ lao động đào đắp con đường này. Mỗi lần về quê, ông lại thấy con đường thật ý nghĩa. Chiếc xe thật kín. Bụi như thế mà trong xe cứ sạch bong. Ông hài lòng. Thật đáng tiền, dầu giá có mắc tí chút nhưng mát mẻ, chu đáo, đầy đủ tiện nghi hơn.
Đã thấy xa xa những người công nhân làm điện cheo leo trên đỉnh cột. Họ đứng chênh vênh với sợi dây an toàn quàng qua bụng, trông xa hệt như những con chim gõ kiến trên một cây trơ trụi lá sau trận bom B.52 vậy. Bên dưới, một tốp công nhân đang làm việc. Xe đỗ lại lề đường. Ông Năm chờ bụi tan hết mới xuống xe. Dung cũng theo cha bước xuống xe. Những người công nhân xây dựng mặc quần áo bảo hộ lao động, nón nhựa trắng, đi găng tay bằng vải bố trắng. Họ trẻ và rắn rỏi. Khuôn mặt họ đen, lấm tấm mồ hôi nhưng vẫn ánh lên nét vui tươi. Bây giờ Dung mới nhận ra bác thợ điện già. Bác còn khỏe và có chung cái nét rắn rỏi, chai sạn vì nắng gió. Nhận ra chủ tịch tỉnh, người công nhân già vội tháo găng tay, bước lại bắt tay. Ông Năm bổ bả hỏi:
- Có kịp đến cuối tháng này đóng điện không?
Người đội trưởng than:
- Báo cáo anh: chúng tôi đang cố gắng hết sức. Nhưng thiếu vật tư nên phải chờ. Hôm nay xe cẩu trồng trụ lại bị sa lầy, chưa kéo lên được nên không bảo đảm tiến độ thi công.
- Phải khắc phục khó khăn - ông Năm nói to.
- Dạ chúng tôi khắc phục nhiều lắm rồi. Nhưng thiếu tiền mặt mua vật tư. Số sứ Nhật mua ở chợ đen mới có nhưng làm sao chuyển séc cho con buôn để thanh toán được.
Ông Năm quyết ngay:
- Anh viết mấy chữ đề nghị đi. Nói rõ khó khăn này không thể giải quyết được nếu cứ theo nguyên tắc thu chi của tài chính, ngân hàng. Tôi ký cho, đem về sở điện lực nói sở làm thủ tục với sở tài chính đặng rút tiền mặt. Phải làm ngay đi thôi.
- Báo cáo anh, bản đề nghị có đây, - đoạn ông ngần ngừ nói tiếp: - Khỏi cần giám đốc sở điện lực ký trước được không?
Ông Năm cầm giấy, viết xuống dưới mấy dòng: “Sở điện lực cùng sở tài chính có trách nhiệm rút tiền mặt để mua vật tư đảm bảo tiến độ thi công công trình”. Rồi ông ký ngay. Trao tờ giấy cho đội trưởng, ông hỏi:
- Xe cẩu sa lầy ở đâu?
- Dạ cách đây non cây số.
Ông Năm kéo tay người đội trưởng già:
- Anh đưa tôi đi coi.
Người đội trưởng theo ông Năm ra xe. Dung không để ý đến cuộc nói chuyện của cha, cô mải nhìn các chàng trai làm việc trên cao. Họ thấy cô nhưng không dám đùa, ghẹo. Chắc họ ngại tỏ ra không hăng say làm việc trước mặt ông chủ tịch tỉnh. Tuy nhiên, lâu lâu họ cũng tìm cớ để ngoảnh nhìn Dung. Dung thích cảnh làm việc đó. Mãi cho đến khi tiếng còi xe cất lên, Dung mới giật mình, chạy ra xe.
Chiếc xe cẩu trồng cột điện, nằm bên ruộng lúa. Bánh sau tụt xuống bùn làm xe lệch hẳn sang một bên. Dưới bánh xe, người ta lót ván cho xe vượt lầy. Nhưng chẳng giúp gì được cho xe. Người tài xế mệt mỏi ngủ bên vệ đường. Ông Năm vỗ vỗ vào vai anh ta:
- Nào, thử keo nữa xem sao. Nắng đã lên, đất khô rồi đấy.
Anh tài xế uể oải đứng dậy. Tóc anh rối bời, bộ quần áo công nhân bạc màu, lấm lem đất cát, dầu mỡ. Chẳng nói, chẳng rằng, anh nhảy lên ca bin đóng cửa đánh rầm. Tiếng máy rú, chiếc xe chuyển mình rung bần bật, phun khói mù mịt. Bánh xe quay tít, chiếc xe nhổm dậy cố vươn lên, một lần, hai lần, rồi từ từ ra khỏi hố lầy. Ông đội trưởng reo như một đứa trẻ: “Hoan hô! Giỏi lắm!” Ông Năm cười rạng rỡ: “Tôi biết là xe sẽ lên được mà". Ông Sáu vừa vui sướng vừa hỏi:
- Vì sao anh biết sẽ lên được. Cả buổi sáng nay tụi tui mệt lử với nó mà không lên được. Đành phải ngồi chờ người điều xe khác đến kéo.
Ông Năm cười ha hả:
- Đây là quê hương tôi mà anh Sáu. Từ bảy tám tuổi tôi đã phải ra đồng cày cuốc, nên tôi rành tính đất. Đây thuộc loại đất cát pha. Đêm qua mưa, đất ướt nên sình lên và lầy. Đến gần trưa mặt trời hút khô, đất cứng lại ngay.
Ông Sáu gật gù:
- Ồ, chúng tôi đâu có hay.
Ông Năm cao hứng dặn:
- Nếu có gì khó khăn, ngày mai, các ông cứ đến tôi. Vụ tiền mặt hả, tôi giải quyết ngay. Cuối tháng này phải đóng điện nghe.
Ông Sáu cười, siết chặt tay thủ trưởng:
- Dạ xin hứa sẽ hoàn thành theo đúng thời gian định ra.
Lúc ngồi lên xe, Dung mới nói với cha:
- Ba giải quyết công việc cứ y như đánh giặc vậy.
Ông Năm cao hứng:
- Tính ba nó thế. Phải xuống cơ sở đốc thúc, anh em gặp khó khăn việc gì, giải quyết ngay. Như thế mà còn chưa gỡ rối nổi đây. Ba không chịu kiểu lãnh đạo suốt ngày ngồi ở văn phòng, chỉ huy công việc từ xa.
Dung biết, ba cô luôn đi xuống cơ sở. Sáng ông ở cuối tỉnh, chiều ông ở đầu tỉnh rồi. Số xăng dành cho xe của ông nhiều gấp chục lần xe các phó chủ tịch tỉnh. Dung nhớ có lần giám đốc sở giao thông vận tải chê ba có đại ý: người lãnh đạo giỏi là người biết điều hành bộ máy của mình làm việc tốt. Nếu cứ đi cơ sở riết, tỉnh sẽ thiếu người chỉ huy. Mà dễ gì ông thò tay xuống được tất cả mọi lĩnh vực. Tốt hơn hết là phân quyền xuống cơ sở và chỉ đi cơ sở khi nào thấy cần thiết. Ồ nói thì dễ chứ chắc gì ông ấy lên chức chủ tịch lại điều hành được như ba của mình – Dung nghĩ vậy.

°

*

Dung gặp ông bí thư tỉnh ủy khi ông đến nhà mình, còn tới nhà riêng của ông thì đây là lần đầu tiên. Nhà ông Tám bí thư ở quê không to lắm. Đó là ngôi nhà ba gian cất theo kiểu dân miền biển hay làm. Chủ nhà là người yêu hoa. Xung quanh nhà lủng lẳng những giò phong lan. Phong lan nở những cánh màu tím, màu vàng trông xa như những cánh bướm chập chờn trong gió. Phong lan chỉ đẹp khi có hoa. Còn thân cành của nó còi cọc, xù xì, cái nét của kẻ sống nhờ vào thân người khác. Người thính mũi, sẽ ngửi thấy mùi hương thật mỏng, thoang thoảng vừa đủ để mà ước mong.
Bí thư tỉnh ủy tiếp ông Năm ở nhà trên. Họ ngồi trong bộ sa lông gỗ Cẩm Lai đã lên nước. Cạnh họ là cửa sổ mở rộng để khách vừa trò chuyện vừa ngắm phong lan và thưởng thức hương hoa từ làn gió nhẹ đưa vào. Ông Tám Tấn giới thiệu nói với cha con Dung loài phong lan Hồ Điệp vừa mới xin được giống. Loài hoa này rất hiếm và quý, nở kéo dài đến ba bốn tháng. Dung không rành về hoa. Nhà ba má Dung chỉ làm kinh tế, không trồng lấy một cây hoa nào. Cả nhà dường như chẳng ai thích chơi hoa.
Dung được bà Tám tiếp chuyện dưới nhà ngang. Vợ ông bí thư người thấp, mặt xương xẩu. Bà có hàm răng hô, có lẽ do tuổi tác và bệnh tật làm hàm răng bà xấu xí. Hàm răng cứ muốn chuồi ra khỏi miệng nên khi nói, nghe khào khào như ngọng. Để khắc phục nhược điểm đó bà thường đưa tay che miệng. Trước đây, bà từng làm hội trưởng hội phụ nữ tỉnh. Từ ngày bị bệnh, bà xin về hưu. Vốn xuất thân từ nông dân nghèo khổ, bà thích ở nông thôn. Bởi vậy ông Tám phải cất thêm một ngôi nhà dưới quê cho bà ở. Bà có ba người con, tất cả đều trai. Bà rất thích có đứa con gái nhưng tuổi tác đã cao, việc sinh đẻ không thực hiện được nữa. Bà nói với Dung, tay vẫn che miệng:
- Người ta ham con trai, bác muốn có con gái.
Tất nhiên những từ của bà rất ngọng nghịu, Dung phải cố đoán. Cô nói:
- Mấy ảnh có vợ, bác sẽ có con dâu. Mà con dâu cũng như con gái.
Bà Tám nhìn Dung, gật đầu:
- Đành rằng con dâu cũng như con gái nhưng đó là nói con dâu hiếu thảo kia. Chớ…
Nói đến đó, bà ngừng lại vì thấy mình đã lỡ lời. Từ lúc Dung bước vào nhà, bà đã để ý rồi. Ờ con gái anh Năm trông ngộ quá: Mình dây, thắt đáy lưng ong, coi đoan trang, kín đáo. Nói chuyện một lát với Dung bà đã thấy cảm mến ngay. Con bé lễ phép và thông minh. Nghe nói nó cực từ bé chắc giỏi giang lắm đây. Loại người như thế vừa giỏi giang lại mắn đẻ, thương chồng, hiếu thảo với cha mẹ chồng. Biết nó có chịu thằng Hai nhà mình không. Cái thằng học hành cũng khá lại chịu khó nữa chớ. Nhưng nó hơi lùn lại vụng về, ít nói. Thằng thứ ba có dễ cũng bằng tuổi này nhưng nó còn phải học xong chương trình đại học đã chớ. Con bé này làm dâu nhà mình thì thật môn đăng hộ đối. Ba nó với ông Năm cũng là cán bộ lãnh đạo dễ thông cảm cho nhau và ngồi sui thì hợp nhau lắm. Ba nó thường dặn con:"Tụi bay kiếm đâu cũng được nhưng miễn cha mẹ người ta không phải là ngụy quân ngụy quyền có nợ máu với cách mạng là được. Ba không thể ngồi sui với những thành phần ấy được".
Chuyện trò một lát, Dung và bà Tám đi lo bữa cơm trưa. Thấy Dung nhanh nhẹn và khéo léo trong chuyện bếp núc, bà Tám thích lắm. Bà tự hỏi có phải con bé đang tập làm dâu không nhỉ. Nếu không, tại sao anh Năm không đưa mấy cậu kia đi theo.
Đến trưa, Hai Thảnh, con trai lớn của ông bà Tám mới về. Anh cúi chào ông Năm rồi vọt xuống bếp ngay. Dung nhận ra anh qua lời khoe của bà Tám. Anh thấp, bé, lại mặc quần Jean nên trông càng bé. Nếu không nhìn thấy khuôn mặt anh dễ tưởng đó là cậu bé mười bốn, mười lăm tuổi. Nhưng năm nay Hai Thảnh đã hai mươi lăm tuổi rồi. Bà khoe anh chăm chỉ, ngoan, không như con cái của một số cán bộ khác hay ỷ thế cha mẹ làm tàng ngoài xã hội. Thảnh làm ở một công ty xuất nhập khẩu của Sài Gòn. Vừa về tới nhà là anh đã vọt ngay xuống bếp miệng gọi má ngay. Bà nói: Con cái lớn ngần ấy tuổi đầu rồi mà vẫn hay nhớ cha mẹ. Trong lời khoe của bà có sự mãn nguyện của một người mẹ được con cái yêu thương, chăm sóc về mặt tình cảm.
Thấy Dung đang chiên cá, mặt lấm tấm mồ hôi, trắng hồng, anh ngỡ cô Tấm trong tranh bước xuống bếp nhà anh. Sự liên tưởng quá nhanh, dành lại sự bồi hồi trong anh. Đôi tay cô gái đang lật cho con cá chín đều mới khéo và đẹp làm sao. Thảnh đang nhìn thấy mẹ hái rau thơm ngoài vườn, theo thói quen anh chạy lại phía mẹ và gọi. "Má ơi" bà Tám không ngẩng lên, nói với con:
- Rửa tay chân rồi ăn cơm, con!
 - Nhà có khách hả má.
Ba con với bác Năm chớ ai.
À, Thảnh hiểu ra rồi. Chắc chắn đây là con bác Năm. Hồi trước anh có tới nhà bác Năm mấy lần và gặp Dung khi đó còn là cô gái chăn heo, chăn vịt lấm lem kia. Anh không để ý, vả lại hồi đó Dung không tự ý lên nhà trên để gặp khách bao giờ mặc dù ông Năm đâu có cấm cản gì. Mãi thời gian gần đây, nghe nói bác Năm tìm ra con, anh cũng không nghĩ cô gái ấy bây giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp.
Mọi ngày Thảnh sẽ thay bộ đồ tây bằng bộ đồ pyjama. Nhưng hôm nay anh không làm thế. Anh ra nhà tắm, rửa mặt chải tóc gọn ghẽ. Anh muốn mình chững chạc.
Bữa ăn, cả gia đình ông Tám, ông Năm, Dung và anh tài xế ngồi chung quanh bàn. Ông Tám và ông Năm ngồi cạnh nhau. Dung được xếp ngồi bên Thảnh. Thức ăn không nhiều: hai tô thịt vịt hầm bắp cải, hai đĩa thịt kho tàu, một đĩa bò xào hành, rắc những hạt đậu phộng rang thơm phức. Một dĩa cá chiên. Rau sống được thay bằng dưa leo trong vườn nhà.
Dung ăn nhỏ nhẹ vì tính e thẹn cố hữu. Hơn nữa anh chàng Thảnh ngồi bên cứ thỉnh thoảng lại liếc nhìn cô. Bà Tám luôn bỏ thức ăn cho cô. Có lúc đánh bạo, Thảnh cũng gắp cho cô. Thành ra bát Dung cứ đầy ắp thức ăn. Ông Năm và ông Tám chưa ăn cơm vội. Hai ông còn bận lai rai. Rượu rắn chắt ra từ keo lớn, bên trong keo nổi cuộn 5 con hổ chúa. Theo ông Tám uống đỡ nhức mỏi và "sung lắm đó". Hai ông là những người không ưa nhậu nhẹt. Họ uống người một chung, thưởng thức hơi men nồng nàn, vị tanh của loài rắn độc. Vừa nhâm nhi hai ông vừa nói về những kỷ niệm của cuộc chiến tranh hôm qua. Họ rất thích nói về quá khứ hào hùng đó.
Dung và Thảnh làm bộ lắng nghe hai ông già "ôn cổ”, nhưng họ chẳng để vào tai điều gì. Thảnh bị sắc đẹp của Dung cuốn hút. Anh ăn không mấy ngon, thậm chí không biết mình đang ăn gì nữa. Nghề của anh đi nhiều, sẵn tiền nên dễ tìm được các cô gái xinh đẹp. Thảnh cũng từng trải qua mấy mối “tình đầu”. Mỗi lần chia tay với một cô, Thảnh thấy buồn, hơi tiếc nữa là đằng khác, nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Nhưng chưa một cô gái nào có sức cuốn hút kỳ lạ như Dung. Nhất là bây giờ ngồi gần cô gái. Anh nhìn rõ những ngón tay thon mềm của cô. Cả những sợi lông măng, mịn màng trên làn da trắng nõn của cô. Thảnh muốn bắt chuyện với Dung nhưng anh không biết nên bắt đầu từ câu nào đây. Vừa may, ông Năm thôi uống rượu, giơ chén cho Dung xới cơm. Dĩa cơm lại nằm phía tay phải của Thảnh. Anh xử lý ngay: “Hoàng Lan để anh xới cơm cho”. Đó là câu đầu tiên Thảnh nói với Dung nhưng cũng là câu bất ngờ bật ra không hề chuẩn bị trước. Nhưng dù sao anh cũng đã nói được với cô. Bây giờ sẽ phát triển tiếp, không mấy khó khăn nữa. Chinh phục một cô gái cũng thế thôi, nó bắt đầu từ cái lúc khó khăn ban đầu nhất ấy.
- Hoàng Lan cứ ăn cơm tự nhiên như ở nhà mình nhé. Anh là chủ nhà, anh có bổn phận phải lo cho ông già và cả em nữa.
- Dung cũng bạo dạn hơn:
- Làm sao anh Hai biết tên em là Hoàng Lan?
Thảnh mừng, rõ ràng cô gái đã chịu bắt chuyện với mình. Anh nói:
- Anh biết từ lâu. Tại bác gái có kể. Mọi người vẫn nhắc cô gái con bác Năm. Không ngờ hôm nay anh lại được gặp mặt. Thật là: “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình".
Dung cúi xuống mỉm cười:
- Và anh Hai thấy mặt thì chán lắm phải không?
Thảnh định bắt chước cải lương: “Nay thấy mặt là mê liền hà" nhưng anh kìm lại được vì cha mẹ, bác Năm, tất cả đang ngồi quanh bàn ăn. Anh lúng túng đáp một câu hết sức dở:
- Không phải.
Cô gái hỏi như vậy là "Chỉ đường cho hươu chạy" vậy mà… Thảnh thầm cảm ơn Dung đã tế nhị tạo thời cơ cho anh. Những cô gái có cách hỏi chuyện như vậy cùng với nụ cười độ lượng, chắc hẳn là thông minh. Nhưng đây là bữa ăn, cần phải nghiêm túc trước mặt bố mẹ nên cơ may đó sẽ không được khai thác tiếp nữa.
Lúc Dung phụ bà Tám dọn dẹp, rửa bát đĩa, Thảnh mới có dịp trò chuyện. Thảnh hỏi Dung:
- Bây giờ Hoàng Lan làm ở cơ quan nào?
Dung thành thật đáp:
- Em chưa đi làm. Em còn học lớp bổ túc văn hóa… Em tên Dung. Anh Hai đừng gọi em là Hoàng Lan nữa. Còn anh Hai, làm ở đâu?
- Anh làm bên ngoại thương.
Thảnh kể về ngành mình bằng giọng tự hào. Anh đi được nhiều nơi, lại luôn phải tiếp khách trong nước, ngoài nước. Không ngày nào không phải tiếp và chiêu đãi, đối với anh những món "Lạnh Hoàng Hậu", "Nguội Bạch Đằng", "Bửu Á Đông”, “Tôm Pha Lê", "Bào Ngư Bách Hoa"… rồi thì rượu Mac- ten, Napoleon, Cô-Nhắc, Black and white… đều là những thứ quen thuộc đến phát ngấy lên khi trông thấy nó. Nhiều bữa ngồi tiếp khách, anh chỉ gắp vài cọng rau sống. Anh thích về nhà ăn cơm với mẹ. Cơm nguội với tương mà ngon…
Dung nghe anh kể nửa tin nửa ngờ. Món ăn đặc sản thì Dung mù tịt. Những thứ mang tên lạ như thế chắc là cao lương mỹ vị rồi. Vậy mà anh còn chê. Anh thích cái tầm thường của người nghèo ư? Hóa ra mơ ước của con người có gì cao xa đâu. Ăn uống cầu kỳ đến mức ấy là hết rồi lại quay về với món ăn bình dân thôi. Hèn chi trong bữa ăn trưa nay, Thảnh thích chan canh và ăn rau. Anh không đụng đến tý thịt cá nào. Cô chỉ thắc mắc, Thảnh sung sướng thế sao không mập ú, không có cái bụng cóc. Như đoán được ý nghĩ của Dung, Thảnh nói:
- Vậy mà anh không mập được. Thiệt ra anh có ăn được gì đâu. Thấy những món ăn cao lương mỹ vị ấy lúc đầu thèm, ăn một hai bữa còn ngon, nhưng thử cho ăn vài tháng xem…
Dung bật cười trước câu chuyện của Thảnh. Ôi, anh chàng này thành thật một cách ngây ngô làm sao! Còn Thảnh, anh nghĩ ngay, mình phải cưới cô gái này làm vợ. Mấy thằng bạn thấy mình có vợ đẹp như thế này có ghen lên không. Nếu mình ngỏ lời cầu hôn, chắc nàng nhận lời. Nàng còn tìm đâu ra một chàng trai có học thức, lại con bí thư tỉnh ủy như mình. Ba mình sẽ hỏi bác Năm trước. Chỗ đồng chí đồng đội thân thiết, bác Năm nỡ nào từ chối. Nhưng ngay ngày đầu gặp gỡ đã tỏ tình e cô gái sẽ đánh giá mình vội vã, tình yêu của mình là lửa rơm. Bằng sự tự tin, Thảnh nén tình cảm mình lại.
Lúc tiễn cha con ông Năm ra cổng, ông Tám mới làm bộ để ý đến Dung. Ông bắt tay cô theo kiểu bắt tay đồng chí. Dung thẹn, má ửng hồng. Bàn tay ông Tám to bè, rắn chắc làm cô hơi đau. Đây là lần đầu tiên cô bắt tay người ngoài gia đình, lại là vị quyền thế đứng đầu tỉnh. Ông Tám âu yếm nhìn cô khen:
- Chà con gái rượu anh Năm xinh quá. Chừng nào lấy chồng đây con.
- Con không lấy chồng đâu - Dung thẹn, đáp lý nhí.
- Ông Tám cười hà hà tỏ ý hài lòng. Cô gái làm ông vui hơn. Trước người con gái đẹp, dẫu là người lớn tuổi tự nhiên mình cũng thấy mình trẻ hơn, dễ dãi hơn, yêu đời hơn một chút.
Thảnh và bà Tám tiễn cha con ông Năm ra tận cổng. Dung tíu tít bên bà Tám làm người mẹ thấy xúc động. Còn Thảnh, anh thấy thương cô gái đến nôn nao. Bắt chước cha, anh cũng giơ tay cho Dung bắt. Cô chỉ nghiêng đầu chào anh. Thảnh cũng không lấy thế làm phiền lòng. Anh còn thích nữa là đằng khác. Anh đứng tần ngần nhìn theo Dung cho đến khi cô chui vào xe hơi, chiếc xe khuất vào rặng cây xa xa anh mới thẫn thờ quay về nhà. Thói quen "chiến thắng" khiến Thảnh tin Dung sẽ là vợ anh, phải thuộc về anh.