Dù biết đấy là bản năng thiên tính của loài vật, nhưng có anh cũng mượn cớ chửi xéo: "Đồ hư đốn mê trai, nhẫn tâm dứt tình mẫu tử."Anh khác thêm vào: "Thế cũng còn khá. Miêu Nữ nhà mình nuôi dạy con cho đến ngày biết tự lập. Nhiều bà vừa đẻ con ra, liền thả trôi sông, hoặc bóp mũi ném vào thùng rác, như ném một món nợ đời. Hạng ấy, còn thua xa Miêu Nữ."Biên Khuỳnh bực dọc: "Tại sao, chuyện gì các anh cũng bắt quàng sang loài động vật có xương sống thẳng đứng?""Đừng cay cú bạn ạ! Trong đội Xây Dựng, bạn không phải là người duy nhất bị vợ bỏ. Và nếu tính cả trại, khối thằng khác còn đau hơn bạn nữa. Hãy chịu khó động não một chút đi. Ở tù, có vợ hay không, đều như nhau cả. Mai kia được thả ra ngoài. Thằng nào còn vợ, thì cứ thế mà tiếp tục cuộc chơi. Thằng nào mất vợ, thì bỏ thời gian đi quơ quào đâu đó, cũng kiếm được một con đàn bà điền vào khoảng trống. Trên quả đất lúc nhúc đầy người ta này, không thiếu giống cái." "Nói nghe dễ! Người chứ đâu phải vật mà bạ đâu xâu đó.""Hừm! Cứ suy tận cùng bằng số, mọi sự gán ghép giữa nam và nữ, đều vì cái ấy của nhau thôi!"Một anh lên giọng mô phạm, phê bình: "Đúng là lý luận của bọn háo dâm, tôn thờ dục lạc!" +Một ngày, Biên Khuỳnh cùng nhiều người khác, được lệnh tha khỏi trại cải tạo. Trong thời gian chờ làm thủ tục phóng thích tù nhân, Biên Khuỳnh đan một cái lồng trúc, dự định sẽ đem Miêu Nữ về cùng anh. Bằng hữu nói, trong giới xe đò thường tin dị đoan, không chịu chở mèo, sợ bị điềm xui gây ra tai nạn dọc đường. Và khuyên anh nên để Miêu Nữ lại cho đội Xây Dựng nuôi, để chuyến đi về của anh khỏi gặp trắc trở. Cuộc chia tay nào cũng buồn. Nhưng cuộc chia tay giữa Biên Khuỳnh và Miêu Nữ, có pha thêm nước mắt. Anh ôm Miêu Nữ: "Con ơi, bố không muốn bỏ con, nhưng bố con mình đành phải xa nhau thôi. Một phần máu thịt của con, không biết có hên hay không, nhưng bố giữ nó và luôn mang theo mình như một kỷ vật."Biên Khuỳnh móc trong đãy nhỏ bằng vải, một cái nhau mèo đã phơi khô, đưa cho Miêu Nữ ngửi như chứng minh lời nói của mình, rồi cẩn thận cất vào trong đãy. Anh bắt tay anh em đội Xây Dựng. Ôm Miêu Nữ lần chót, hai mắt anh đỏ hoe, và cúi mặt xuống sát Miêu Nữ như hôn từ biệt. Mang túi xách lên vai, anh đi thẳng ra cổng trại, không dám quay đầu nhìn lại.Miêu Nữ không biết đó là lần chia tay cuối cùng với bố nuôi của nó. Nhưng đến tối, nơi chỗ nằm hằng đêm, không thấy Biên Khuỳnh, nó kêu meo meo, và quanh quẩn đi tìm đến tội nghiệp. Những ngày sau, nó vẫn còn thơ thẩn đi tìm. Gặp ai nó cũng ngước lên, kêu meo meo, như hỏi: "Bố tôi đâu rồi?"Sau đợt thả tù, các trại thưa người. Ban chỉ huy dồn tù nhân lại để dễ bề quản lý. Trại cũ bỏ trống. Anh em đội Xây Dựng đem Miêu Nữ và đám con của nó theo. Nhưng chỉ một đêm, Miêu Nữ bỏ đi đâu mất. Mãi sau này, có người ngang qua trại cũ, ghé vào tìm vài thứ vật dụng còn sót, thấy Miêu Nữ đã về lại nơi đây, lảng vảng nơi chỗ nằm có hơi hướm bố nuôi của nó. Lán trại chỉ còn những đồ đạc phế thải vất ngổn ngang. Và trên sạp gỗ, vẫn còn cái thùng carton lật nghiêng với manh bố rách. Thời gian phủ lên mọi vật một lớp bụi mờ mờ. Biên Khuỳnh đã đi rồi, Miêu Nữ ở với ai? +dòng đời trôi,Biên Khuỳnh về đâu?Miêu Nữ bây giờ ra sao,giữa những điêu tàn hoang phế?"ông đang nói gì thế? Vợ Ông Lâm hỏi.ông giật mình: "Không! Chẳng nói gì."Quay qua các con, bà nói: "Má thấy nhiều khi ba của tụi bây ngồi lặng hàng giờ, thỉnh thoảng cười vu vơ, hoặc lảm nhảm một mình. Đó là dấu hiệu của tuổi già, lẫn rồi đấy."Đứa con gái lớn: "Con nghe nói những người bị tù cải tạo ở Việt Nam, tinh thần bị khủng hoảng, tâm trí mất bình thường. Hay là con đưa ba đến bác sĩ tâm thần, khám thử xem sao?"ông Lâm cười lớn: "Chỉ có mẹ con tụi bây điên thôi. Con có bao giờ nghe nói, tuổi trẻ nhìn tới tương lai, người già nhìn về quá khứ?"Mấy đứa con vỗ tay: "A... Ba của tụi mình đang nhìn về cái thời còn làm quan, mang hia đội mão"
Hết