Nguyên Bình với cô gái mồ côi và hòn đảo Những lúc ép mình ngồi viết sao mà mong tiếng chân lên thang gác của Nguyên Bình đến thế. Ðể có thể vất hết giấy bút đi mà chuyện gẫu. Mà rủ nhau đạp xe đi nhổng. Và thật buồn cười, thật thú vị là khi sang nhà Nguyên Bình, thấy Bình đang cặm cụi ngồi bàn, anh ngừng mọi công việc quay ra cười toe toét: - Rất khốn nạn! Tao vừa viết được vài dòng đã chỉ mong mày đến. Thì cầu được ước thấy. Mày đến thật! Tôi làm ra bộ ta đây: - Thôi. Mày viết đi. Tao về đây. Lời hù doạ của tôi không làm anh nao núng: -Ừ. Về thì về. Về cho tao làm việc. Chúng tôi cùng cười. Anh thừa biết tôi chẳng thể về. Còn tôi cũng quá rõ rằng anh muốn tôi ngồi lại để ngừng cái công việc khổ sai phút nào hay phút ấy. Thế là uống trà. Trà cám thôi. Nhưng không phải lúc nào cũng có. Thế là đi chơi. Ðạp xe rong phố. Hoặc lên tận Ðền Nhà Bà vào một hiệu trà có trà Thiết Quan âm, hiệu Tồi tồi phá mà Tất Vinh dịch là Thơm đời đời, quán trà chính Tất Vinh phát hiện ra, mặc dù anh vẫn làm phóng viên báo Tiền Phong tít trên Hà Nội, thỉnh thoảng mới về công tác tại Hải Phòng. Tôi và Nguyên Bình có thể nói với nhau mọi chuyện. Có những chuyện giấu bố mẹ vợ con anh em đồng chí nhưng vẫn nói được cùng nhau. Anh là người bạn thân nhất của tôi ở Hải Phòng.Thành công của người này cũng là thành công của kẻ kia. Trong những năm tháng hậu-goulag, để dùng lại chữ của Dương Tường, nặng nề dài dằng dặc sau đó, tình bạn của anh đã nâng đỡ tôi sống, nó nói rằng cuộc đời đối với tôi dù sao cũng chưa đến nỗi. Không phải chỉ tình bạn giữa tôi và anh. Mà là tình cảm của cả gia đình anh. Vợ anh. Hai đứa con anh. Làm ở ngành mậu dịch, chính xác là ở công nghệ phẩm, nghĩa là một thành viên của ngành thương, chị T vợ Bình có điều kiện hơn người đôi chút (vì chị chỉ là nhân viên) để có thể duy trì cuộc sống gia đình ở mức tối thiểu và thỉnh thoảng giúp đỡ tôi. Như cho tôi cái phiếu mua 50 ki lô dầu cặn ở một cửa hàng bán chất đốt phố Trần Khánh Dư, dẫu rằng biến những dòng chữ nguệch ngoạc trên giấy thành những lít dầu ma-dút cặn trong can là cả một kỳ công, chờ đợi, vật lộn, xếp hàng, chen lấn, vét váy, dồn dịch, đong đo, bẩn thỉu nhưng cũng là một điều trên cả tuyệt vời vì mua về một lúc được nửa tạ dầu cặn mà không phải phiếu. Vài tháng không phải lo chất đốt! Hay những lúc gạo hết, chị T xúc cho tôi dăm bơ gạo viện trợ không hoàn lại. Miếng khi đói, gói khi no. Lại có những bữa anh chị mời tôi sang ăn cơm để bồi dưỡng riêng tôi. Chỉ mình tôi! Và là thượng khách! Cơm có một món: Xương lợn ninh xu hào. Thêm đĩa dưa chua. Và một be, gọi theo cách của Nguyên Bình, nghĩa là một chai rượu trắng con con. Phải nói xương ra xương. Thịt bám dầy. Cắn ngập răng. Anh ninh khá nhừ. Gặm cái chỗ đầu xương ống cứ mềm sụt rồi nghiền tơi như bột. Thành ra xương thì nhiều, nhưng các thứ nhè ra mâm rất ít. Bình chỉ vào chất bột tơi tơi mà chúng tôi đã hít hết các chất béo bổ, giải thích: -Thưa ông. Thứ này cũng không vứt đi đâu ông ạ. Ðể nuôi gà. Gà đánh chén rất mạnh. Thằng con anh nói thêm: -Gà ăn món này đẻ rất đều bác ạ. Không biết đã bao nhiêu năm rồi tôi mới được ăn thứ xương như vậy. Thi thoảng vợ tôi đi mua một khúc xương ống về ninh nấu bột cho con thì rặt một loại xương trắng hếu, nhẵn bóng như được lọc bằng manh xơ lam. Tôi biết món xương tôi đang ăn khoái khẩu đây là loại xương đặc biệt, chỉ dành cho nội bộ ngành thương, nhưng cũng cứ hỏi ở đâu ra loại xương ghê gớm như vậy. Nguyên Bình trừng mắt quát lên với tôi như với một kẻ ngu si đần độn: - Xương mậu dịch viên! Không biết à? Xương. Mậu. Dịch. Viên! Chúng tôi đã có với nhau biết bao kỷ niệm. Những trưa hè, rủ nhau đạp xe ra cửa hàng mậu dịch giải khát gần ngã tư Trần Phú-Cầu Ðất uống cà-phê đá. Người đông nghìn nghịt. Vì chỉ ở đấy mới bán cà phê đá. Mỗi khách hàng được phục vụ một cốc vại, thứ cốc thổi ở các lò thuỷ tinh thủ công có màu xanh lơ và đầy bọt, bên trong chứa một lượng đường đủ dể làm ngọt lừ cốc cà-phê. Trong tình huống mỗi người một tháng được mua một lạng đường vàng Cu-ba thì đây quả là một lực hút khách ghê gớm. Ðó là chưa kể một mặt hàng khan hiếm khác: Một bát ô-tô nước đá đập nhỏ kèm theo. Hơn nữa cà-phê lại rất chất lượng: Mỗi người một phin pha theo kiểu Pháp. Trên miệng mỗi chiếc cốc đựng đường kính trắng là một phin cà-phê đang rỏ những giọt đặc quánh. Những giọt cà-phê thẫm đen ngấm vào đường như nước mưa hút vào cát trong sa mạc. Khi nước trên phin cạn hết thì đường trong cốc cũng xâm xấp. Ðến lúc ấy cái phin được nhấc ra để trên bàn. Khách hàng bắt đầu một công đoạn mới, công đoạn mà Dương Tường trong những lần về Hải Phòng đi uống cà-phê cùng chúng tôi đã nói rất chính xác là lao động cà-phê. Nghĩa là lấy cù-dìa đánh cho tan đường. Cũng cần phải nói về cái cù-dìa này. Nó nhỏ. Nó đúng là thìa cà-phê nhưng cán dài, dài hơn chiếc cốc vại và đều được đục thủng một lỗ tròn ở giữa lòng. Nghĩa là cái phần khum khum để xúc đưa lên miệng ấy có một lỗ thủng đục bằng đinh. Vì đục bằng đinh nên nó có ba via. Ba via có thể làm chẩy máu lưỡi, nhưng cũng may là nó đã mòn cả vì sử dụng lâu ngày. Rõ ràng cái cù-dìa không dùng để uống. (Tất cả các cửa hàng đều có chung một loại cù-dìa đục thủng như vậy. Tất tần tật. Ðể chống lại những vị khách hay thó cù-dìa đút túi. Ôi! Vỏ quít dầy có móng tay nhọn vậy thay!) Hàng trăm "ẩm khách" chen nhau vai sát vai cầm cù-dìa đánh cho cà-phê hoà tan đường như người đánh trứng đường. Nghiêng người đi đánh. Mím môi lại đánh. Cong lưng đánh. Ngồi xổm lên đánh. Kẹp chặt cốc giữa hai bàn chân đánh. Ðánh như vậy rất thú. Hình như tất cả đang lên một cơn sốt đánh. Tiếng cù-dìa chạm vào thành cốc. Tiếng cù-dìa và thành cốc nghiền đường. Vì là cùng đánh nên tự nhiên tất cả các cánh tay cùng quay tròn một nhịp, tất cả những cái đầu lắc lư một nhịp. Như một cuộc lên đồng tập thể. Tất cả các tiếng động đều giống nhau và cùng một nhịp. Ðánh hăng. Ðánh say sưa. Ðánh cho đến khi nước cà-phê nâu thẫm bị ly tâm, nhợt ra, trắng ra, sủi bọt, lên kem như một thứ ca-cao pha loãng. Không ai thấy mệt. Mệt gì mà mệt! Ngồi dưới quạt trần quay vù vù, chờ cô mậu bưng ra những bát đá đập nhỏ chỉ trông cũng đã mát ruột mát gan để rồi cho vào cốc, lấy cù-dìa xọc xọc cho đá tan hoà lẫn thứ nước thơm thơm ngọt lừ ấy là một hạnh phúc. Ở nhà làm gì có quạt. ở nhà làm gì được uống một thứ nước thơm như thế, ngọt như thế, mát như thế, mát lạnh tim lạnh phổi. Mà ngoài kia trời đang nóng chẩy nhựa đường. Chen chúc xếp hàng mua được tích-kê -một miếng sắt sơn có dập chữ nổi- đã là một thắng lợi rồi. Dù có nóng bức đến đâu chúng tôi cũng chỉ được uống cà-phê đá là thứ cao cấp nhất. Kem thì đừng hòng. Chúng tôi chẳng thể nào chen được với các cháu thiếu nhi. Thế mà nhiều khi thèm kem quá, chính xác hơn là nhớ mùi vị kem, cái cảm giác đưa que kem lên ngang miệng mà cắn, trong những lần đi nhổng như vậy, mặc dù đang gió mùa đông bắc, áo bông xo ro, mũ bông bịt tai, tôi và Nguyên Bình cũng rủ nhau vào hiệu kem Tam Hoàn đầu phố Phan Bội Châu, gần nhà hát thành phố mua kem ăn. Vì chỉ đến những lúc ấy chúng tôi mới mua được kem. Nhất là những ngày đại hàn, mưa dầm, mưa dầm dề dai dẳng. Hiệu kem không có một ai. Người ta chỉ bán kem que và phải ăn ở ngoài đường. Chúng tôi đứng ngoài vỉa hè chén kem. Run. Run lập cập. Ðầu gối đánh vào nhau. Răng đánh vào nhau. Nhìn nhau cười tím tái. Rồi kéo nhau vào một góc khuất phía ngoài nhà hát thành phố, sau mấy cây sanh khá kín đáo, nơi khách bộ hành thường ghé vào làm cái việc "giải thoát cho cái bong bóng", để tránh gió mùa, tránh mưa phùn. Khai mù. Nhưng chúng tôi không lấy thế làm khó chịu mà vẫn cứ là vừa ăn kem vừa nhìn nhau cười. Và vẫn là cười tím tái. Chả ngày ấy chúng tôi còn chưa đến ba mươi tuổi. Cùng làm báo Hải Phòng kiến thiết (nay là báo Hải Phòng), cùng trong một tổ phóng viên do Ðinh Chương làm tổ trưởng, lại cùng một chí hướng máu mê viết văn và nhất là cùng một tính cách, tôi và Nguyên Bình rất thân thiết gắn bó. Ngày nào cũng gặp nhau. Gặp ở cơ quan rồi lại gặp tại nhà. Ðến bây giờ cũng chẳng nhớ được chúng tôi đã chuyện với nhau những gì mà qua được nhiều năm tháng thế. Và thật phấn khởi biết bao khi Nguyên Bình lên thang gác, nói với tôi bằng một giọng bí mật: -Sang bà T bảo cái gì. Thế nghĩa là có món đây. Nghĩa là được chị T sai đến một cửa hàng nào đó, mua bằng phiếu hoặc bằng giấy giới thiệu một món hàng theo giá mậu dịch rồi đem bán lấy lời. Nhưng Nguyên Bình không dám nói thẳng ra điều ấy. Anh sợ. Anh bảo: -Tao dính đến cái gì là hỏng cái ấy. Và anh làm một bản tổng kết về cái số đen, cái vận rủi của anh. Càng ngày bản tổng kết càng dài. -Tao đi phà thì phà chết máy, trôi xuống tận Cảng chính, nửa ngày không qua được bến Bính. Ði ăn giỗ ở Hà Nội thì trên ấy làm giỗ rồi. Mọi năm vẫn làm vào ngày chủ nhật nhưng năm ấy lại giỗ đúng ngày. Ði ô-tô lên Hà Nội, người ta đi không sao. Mình đi ba lần nổ lốp. Sáu giờ sáng có mặt ở bến Niệm Nghĩa, tám giờ xe chạy mà mãi tối mịt mới đến bến Nứa. Ði tầu hoả thì tầu hoả hết hơi. Thật mà. Không đủ hơi leo dốc đầu cầu. Lên được nửa dốc lại trôi xuống. Bảng thống kê rủi ro của anh còn thêm một chuyện mới nhất: Cho vợ đi làm thuê ở Cộng hoà dân chủ Ðức thì Cộng hoà dân chủ Ðức tan. Nhưng điều rủi ro ấy lại hoá thành may. Do phải về nước trước khi kết thúc hợp đồng, vợ anh được bồi thường một khoản đê mác kha khá, làm dấn vốn cho cái gia đình nhỏ bé ấy sinh sống. Sang bà T bảo cái gì. Tôi đạp xe sang. Nhận tờ giấy giới thiệu của một cơ quan nào đó xin mua một tút thuốc lá, đã có chữ ký phê duyệt của cửa hàng trưởng. Nhận cả tiền. Ði mua. Rồi cầm tút thuốc Tam Ðảo hoặc Ðiện Biên đi bán. Ði mua hàng tôi đi một mình. Ði đổ hàng tôi bắt Nguyên Bình cùng đi cho đỡ ngượng. Hai đứa ra ga. Rồi lại quành lại. Lượn vè vè quanh mấy hàng nước ở phố Ga, tút thuốc lá trong túi xách hơi thò lên để người ta dễ nhìn thấy. Lượn đi lượn lại mãi, chẳng có bà hàng nước nào chú ý đến chúng tôi. Chợt một anh xích-lô đang nằm ghếch chân trong lòng xe gần đó gọi to: -Có gì bán đấy? Khen cho con mắt tinh đời! Vừa sung sướng vừa ngượng vì anh ta gọi to quá, chúng tôi xuống xe, bước tới, nói rõ mặt hàng. Ngã giá nhanh. Dù có rẻ một hai giá. Bởi vì chẳng thể cứ lượn xe mãi như vậy được. Anh xích-lô dắt chúng tôi đi ngoắt ngoéo vào một khu tập thể. -Vợ tớ làm công nhân nhà máy Len. Tối nó bán thêm cái này. Biết nhà rồi, hễ có cứ cầm đến đây nhé. Gặp tớ cũng được. Gặp vợ tớ cũng được. Thế là yên tâm. Từ nay có chỗ đổ thường xuyên. Nhưng thuốc đâu mà đổ. Năm thì mười hoạ hễ có là chúng tôi lại mang đến đấy. Bẵng đi lâu lâu, tôi và Nguyên Bình đang đạp xe trên phố thì có tiếng gọi giật giọng: -Này! Hai cậu! Ði đâu đấy? Chúng tôi quay lại. Anh bạn xích-lô. Anh cởi trần, rướn xích-lô tới. Chiếc áo may-ô trắng đến loá mắt càng làm nổi tấm thân chắc lẳn ngăm đen của anh. Sau này,"hồi ký cách mạng", ôn lại chuyện cũ, cứ nhắc đến anh là tôi và Nguyên Bình lại nhắc đến cái áo may-ô ấy. Ðúng là áo anh trắng quá nhìn không ra [1]. Anh dừng xe bên chúng tôi, rất cởi mở: -Mình vừa bị cái hạn. -...? Anh vén chiếc áo may-ô trắng loá mắt lên: -Ðây này. Một vết sẹo rúm lại ở mạng sườn. -Nằm bệnh viện mất nửa tháng. May mà vết thương không sâu. Tốn gần trăm bạc đấy hai cậu ạ. Cũng cần phải nói thêm rằng anh chỉ trạc tuổi chúng tôi mà cứ cậu cậu tớ tớ ngọt xớt dù mới quen nhau. Rồi anh than thở cái điều có lẽ anh đã nói với nhiều người: - Mình có làm gì vợ nó đâu mà nó đâm mình... Chúng tôi bấm bụng để khỏi phì cười. Mãi đến lúc đó chúng tôi mới hiểu đầu đuôi câu chuyện. -Bà ấy có nói gì không? -Mới đầu nó bỏ mặc mình nằm khô ở bệnh viện, rồi sau nó cũng vào chăm nom. Chúng tôi chia tay anh, chẳng biết động viên anh thế nào. Ðó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Lần nào đi qua phố Ga cũng để ý nhìn anh mà không thấy. Có thể anh đã chuyển nhà? Ðã li dị? Hay đã chết bom B52? Thế rồi một lần khác Nguyên Bình lại đến. Lần này thì:"Ði với tao." Không phải "sang bà T. bảo cái gì" nữa. Lại giục: Ði ngay không lỡ. Rồi cho tôi biết nhiệm vụ mới: Hai thằng sang cửa hàng mậu dịch bên Hạ Lý, chìa hóa đơn ra, hoá đơn tao cầm đây rồi, mua một tạ cám, hai bao, mỗi bao năm mươi ki-lô. Nh. bảo năm mươi ki lô cám nhiều đấy, bao to đấy, mỗi thằng đèo một bao, không cần giây, cứ đặt bao ở pooc ba-ga, một tay giữ, đặt bao cho cân là không việc gì đâu. Ðến trước cửa Ðài Liệt sĩ, đầu đường Hồng Bàng ấy, vất bao cám xuống đường. Rồi cứ đạp xe đi. Thế là xong. Ðã có người đón sẵn ở đấy rồi. Lấy xe đi luôn không muộn mất giờ G. -Gượm đã. Nhưng sao lại là Nh. Nh. là ai vậy? -Mày quên Nh. rồi à? Nh. đã gặp mày ở cơ quan hôm nàng đến đưa bài ấy. Mày cứ khen là trông khá quá ấy. Tôi đã nhớ ra cô gái ấy. Một thông tín viên của chúng tôi. Rất mê văn chương và thích viết văn. Phục Bình lắm. Có vẻ thích Bình mà linh tính của tôi chưa bao giờ nhầm trong chuyện này, còn Bình cứ nói vơ vào là mê Bình như điếu đổ. Bình lại bảo: - À quên. Tiền đây. Lãi đây. Vốn nàng ứng. Nàng bán hộ. Lãi ba chục. Nàng đưa trước đây. Chia đôi. Mày mười lăm đồng. Thôi đi ngay không muộn. Trời ơi! Sao có người tuyệt vời đến thế. Mười lăm đồng là một phần tư tháng lương của chúng tôi. Chúng tôi phải nhặt nhạnh ky cóp, lăn ra mà viết, đủ các thể loại, cho các báo, các nhà xuất bản nhưng vẫn chẳng thế nào đủ sống. Từ lúc ấy tôi hoàn toàn tin lời Bình nói. Rằng cô ta yêu Bình như điếu đổ. Chúng tôi thực hiện tốt kế hoạch cô thông tín viên đề ra. Có điều trước cửa Ðài Liệt sĩ là nơi họp chợ, một cái chợ vỉa hè mà người bán là bà con nông dân từ Thuỷ Nguyên sang, từ An Hải đổ về, rất đông kẻ bán người mua. Tôi và Bình hiệp đồng tác chiến chính xác đến từng giây. Khi tới chỗ ngang với gốc cây gạo, đúng như quy định, chúng tôi hất hai bao tải cám xuống lòng đường rồi vẫn bình thản đạp xe đi, như người đãng trí đánh rơi mà không biết. Ðúng lúc đó một chiếc xích-lô từ phố Khách lao ra. Anh xích-lô nhanh nhẹn bốc hai bao cám lên xe, phóng đi rồi ngoặt vào đường ra bến Bính và biến mất. Tôi thoáng thấy cô Nh. đứng ở đầu phố Khách, nơi anh xích-lô vừa từ đấy lao ra, nở nụ cười mãn nguyện. Cả chợ nhìn theo chúng tôi, không hiểu chuyện gì xẩy ra. Nhất định không ai nghĩ đó là một phi vụ mua bán. Không ai mua bán như vậy. Tôi tin rằng cô Nh. trẻ trung tươi tắn xinh đẹp ham thích viết văn và tuyệt vời kia có tiềm năng hoạt động và chỉ huy biệt động trong lòng địch. Chỉ vì không có điều kiện phát huy nên khả năng ấy bị mai một mà thôi. Cô đã nghĩ ra một kế hoạch ly kỳ hấp dẫn để kích thích chúng tôi tham gia như một trò chơi, để có thể giúp đỡ chúng tôi gần như từ A đến Z, bởi vì Bình cũng như tôi đều không biết bán cám ở đâu và nhất định không chịu làm cái việc đi bán cám. Ở báo Hải Phòng, tôi, Nguyên Bình và cả tổ trưởng Ðinh Chương nữa gần như một ốc đảo riêng biệt. Tất cả cơ quan nhìn chúng tôi bằng con mắt khang khác, đầy nghi kỵ. Nguyên nhân là cả ba chúng tôi đều ham thích viết văn và đều có những sáng tác được in thành sách. Nguyên nhân là cả ba chúng tôi có mặt ở cơ quan chỉ để nộp bài, họp và lĩnh lương, không la cà trà dư tửu hậu phòng này phòng khác. Ba cái bàn, đặc biệt là hai cái của tôi và Nguyên Bình gần như không được dùng đến. Nguyên nhân là chúng tôi viết bài có khá hơn các phóng viên khác đôi chút dù đều là thầy ký nhật trình tỉnh xép và lương thấp hơn họ. Nguyên nhân là chúng tôi không phụ hoạ vào dàn đồng ca chửi phim Bài ca người lính, Số phận con người và ngược lại còn luôn khẳng định đấy là những kiệt tác của điện ảnh xô-viết. Nhưng chúng tôi vẫn được dùng, vẫn được giao viết những bài phông cho những số báo đặc biệt. Chúng tôi bám chắc cơ sở. Ðến với cơ sở như những người bạn. Có giao thừa nào tôi không ngồi tít trên bể bùn nhà máy xi-măng, ra máy búa rồi xuống nhà tháo bụi mù mịt để làm một cái ghi nhanh về bao xi-măng đầu tiên lúc giao thừa. Và Nguyên Bình thì ra Cảng. Cũng lại ghi nhanh về mã hàng đầu tiên trong năm mới. Tất cả đều ghi nhanh và đều nộp cho tổ trưởng Ðinh Chương. Bài đăng trang nhất. Còn nói chúng tôi sao được. Cũng có những lúc ham chơi. Tôi ham chơi. Nguyên Bình còn ham chơi hơn tôi. Hẹn giờ nộp bài hay họp tổ, anh thường đến muộn. Ðinh Chương gắt: -Ông này buồn cười nhỉ. Sao bây giờ ông mới đến? Tôi có quản lý ông gò bó tám giờ vàng ngọc ở cơ quan đâu, nhưng đã hẹn thì phải đúng giờ chứ! Nhiều lần như vậy, Bình đều nhận khuyết điểm, nhận rất thành khẩn nhưng không bao giờ sửa. Rồi anh nghĩ ra một mẹo khác. Ðáp lại sự gắt gỏng càu nhàu của Ðinh Chương, anh càu nhàu lại: -Tôi đến từ nẫy, chờ anh mãi, vừa đi quanh một tý... Ðinh Chương ngớ ra: -Ờ ờ...Tớ chờ cậu không thấy, cũng vừa đi quanh tý thôi. Té ra Ðinh Chương cũng đến muộn. Cái trò contre- attaque ấy, Bình sẽ còn sử dụng nhiều lần. Cũng chỉ vì ham chơi, mải vui quên hết lời anh dặn dò mà khi Ðinh Chương giao cho Bình đi viết một bài về hợp tác xã Thắng Lợi ở Quán Trữ (Kiến An), nước đến chân mới nhẩy, anh bổ nháo bổ nhào đạp xe lên Quán Toan, trên đường đi Hà Nội, nơi cũng có một hợp tác xã mang tên Thắng Lợi. Tổ trưởng Ðinh Chương khi duyệt bài cũng không để ý đến cái hợp tác xã Thắng Lợi ấy ở Quán gì. Về sau Nguyên Bình còn làm cả một cái thống kê các hợp tác xã nông nghiệp có những tên giống nhau. Như Thuỷ Nguyên có 4 hợp tác xã mang tên Thống Nhất, An Hải 5. Vĩnh Bảo 3. Tiên Lãng những 7 cơ mày ạ. Tên là Ðoàn Kết: Thuỷ Nguyên 6. Vĩnh Bảo cũng 6. An Hải ít thôi... Anh cười khì khì: -Mình có viết sai một tý thì thằng nọ cứ tưởng mình viết về thằng kia. Tôi bảo: -Cả làng Vũ Ðại ai cũng nghĩ chắc nó chừa mình ra. Cũng như những người viết văn trẻ khác, chúng tôi đều viết về con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, và khao khát được viết thật hơn, không chỉ có những thuận lợi mà còn những khó khăn, không chỉ những người trung thực mà còn những kẻ quan liêu, những tên nịnh hót. Cái truyện ngắn Người chết không cô độc của Nguyên Bình được viết ra với những ý nghĩ như vậy. Nó đã làm anh gay go. Gay go cả đến tôi. Trong xà lim, người ta hỏi tôi rất nhiều về truyện ngắn đó. Nó làm người ta chú ý, lo ngại. Chỉ vì cái tên thôi. Cứ như là chuyện một người hy sinh, chết vì một cái gì đó, nhưng anh ta không cô độc, có nhiều người đứng bên anh. Tôi đánh giá nó là một truyện trên trung bình, một truyện ca ngợi con người mới không xuôi chiều, có một chút ngẫm ngợi riêng, thế thôi. Thế mà đã gây ra dư luận cảnh giác, lên án dù chưa in cũng như chưa ai đọc. Nguyên Bình đã có một thời gian dài nằm bệnh viện tâm thần, đi Ðông Khê như người ta thường nói. Quả là một dạo thần kinh anh quá căng thẳng, nhưng không đến nỗi phải xuống Ðông Khê. Cũng như Nguyễn Văn Chuông, cũng như Nguyên Hồng, anh mắc phải bệnh sợ người ta hãm hại. Mỗi bước đi anh đều thấy nguy hiểm rình rập ở đâu đó. Anh luôn chờ đợi tai hoạ và sẵn sàng đón nhận tai hoạ, thậm chí còn mong nó đến ngay đi để chấm dứt những ngày chờ đợi. Trong những giờ phút tỉnh táo anh quyết định xuống Ðông Khê, dù phải vận động chạy chọt, để được sống trong một thế giới riêng, hoàn toàn yên tĩnh, an toàn tuyệt đối như anh nghĩ. Có những người điên cực kỳ nguy hiểm, những người điên phải trói chặt chân tay, những người điên nhốt trong cũi sắt, nhưng cũng có những người điên hiền lành, người điên gạch ngói [2]. Anh chuyện trò với họ, nô đùa với họ. Anh làm ngựa cho những đứa trẻ điên cưỡi và cưỡi lên lưng những người điên tình nguyện làm ngựa cho anh. Có một anh cán bộ đoàn bị điên đang chuyện như những người tỉnh táo nhất, bỗng nhiên hoảng hốt, nghiêm sắc mặt, người gồng lên, chuyển thế trung bình tấn. Anh vận hết nội công, nội lực xuống hai chân, ghì giữ lấy vết nứt của quả đất đang toác ra ngay dưới chân anh. Vết nứt ấy mỗi lúc một bửa rộng ra, toang hoác, đen ngòm. Tất cả cuộc sống của loài người, của muôn loài đang phụ thuộc vào anh, nếu anh không đem hết sức bình sinh ra giữ, vết nứt ấy sẽ cứ to mãi to mãi cho đến khi quả đất vỡ đôi ra như người ta tách quả bưởi vậy. Thế là hết. Là tận thế. Không chỉ giữ vết nứt, anh còn phải bằng sức mạnh đôi chân, kéo khép dần vết nứt lại, cho nó hàn khẩu, cho quả đất trở lại bình thường. Anh cán bộ đoàn nghiến răng xuống tấn, khuôn mặt xương xẩu nổi cục gân cốt, tóc dựng đứng, móng tay cáu bẩn cắm vào lòng bàn tay chẩy máu, mắt trừng trừng nhìn vào vũ trụ. Không ai có thể kéo được anh ra chỗ khác. Không ai có thể xô ngã được anh. Anh như một thứ Từ Hải chết đứng. Vì anh đang thực hiện một nhiệm vụ lớn lao mà số phận đã giao phó: Cứu trái đất. Cứu nhân loại. Khi thấy vết nứt giữa hai chân, dưới háng đã khép lại, mím lại, liền lại, anh ngồi bệt xuống đất thở, mặt nhợt ra trắng bệch như tờ giấy, người đẫm mồ hôi, mềm nhũn rồi đổ kềnh bất tỉnh. Nguyên Bình kết bạn với một anh giáo viên dạy sử bị điên. Ðang vui câu chuyện, thỉnh thoảng anh lại im bặt, nhìn ngó chung quanh và hét lên: -Kẻ xấu đã lộ mặt! Hoặc đứng yên, xếp giấy cầm trên tay, hơi ấp vào ngực như đứng trên bục giảng, nói với những học trò vô hình đang im phăng phắc chờ nuốt từng lời bài giảng của anh: -Tiếng Phạn. Hôm nay thầy dạy các em về tiếng Phạn cổ... Nằm ở Ðông Khê (cũng là nơi Nguyên Hồng viết tập tiểu thuyết đầu tay Bỉ vỏ) Nguyên Bình đã khỏi hẳn triệu chứng sợ người ta hãm hại. Anh trò chuyện với những người điên và ghi chép. Ở Ðông Khê chỉ có hai bệnh nhân viết. Ðó là Nguyên Bình và người thầy dạy sử. Một hôm người giáo viên kia ôm một bọc ni-lông giấy tờ khá nặng ra định đốt. Nguyên Bình vội chạy tới. Người điên hiền lành nhìn anh cười. Que diêm đã bật cháy. Anh ta vẫn nhìn Nguyên Bình và vẫn cười. Nguyên Bình cười lại. Que diêm cháy rồi tắt giữa hai ngón tay, anh ta cũng không biết đau. Anh giáo viên sử hất hàm về phía đống giấy và hất hàm về phía Bình. Thế nghĩa là có lấy không? Tớ đốt bây giờ đây này. Ðược lời như cởi tấm lòng, Bình gật. Có đến mười ki-lô giấy các loại, chi chít chữ viết bằng bút chì, mực tím, mực xanh, mực đỏ. Viết ngoáy cả hai mặt giấy, gần như không thể nào đọc được. Trích Cô gái mồ côi và hòn đảo (Tiểu thuyết của Nguyên Bình): Có thể vì tò mò, cũng có thể chưa biết làm gì trong mấy ngày trước mắt, người đeo kính đen kiên trì thật đáng khâm phục tìm ra trật tự trong cách sắp xếp rối loạn của mớ giấy. Nói đúng hơn, ông đã tìm cách đọc được lúc thì những tư tưởng mạch lạc, lúc thì vài đoạn văn lẻ tẻ nhưng sáng sủa, sắc sảo đến bất ngờ. Ông lọc riêng những đoạn ấy ra, cố sắp xếp thành hệ thống nhưng không làm nổi. Trong tay người đeo kính đen bây giờ có tập văn bản được xếp theo ý người chọn. Ông chất tất cả vào một tờ bìa gấp. Ngoài bìa đã có sẵn dòng chữ kẻ to của chính người viết. Ông mỉm cười khi đọc những dòng chữ ấy: bản dịch nguyên văn từ tiếng phạn cổ. Trong cả chồng giấy chất ngất loại ra không có dấu hiệu nào của văn bản tiếng Phạn hay một thứ tiếng nào khác. Có thể người dịch đã mang sẵn thứ tiếng ấy trong trí nhớ di truyền. Biết đâu. Nhưng điều đó không quan trọng. Chính người dịch đã có một câu rất hay dường như để giải đáp cho ai đó có thể nêu nghi vấn cả về bản dịch, cả về nội dung: Hãy bác bỏ được tôi rồi hãy phủ nhận. Người đeo kính đen viết dòng chữ ấy vào một tờ giấy trắng, đặt lên trang đầu bản thảo. Những tư tưởng của người giảng viên khoa sử đặt ra từ phía ít ai ngờ nhất. Người đeo kính đen nghiền ngẫm rất lâu những dòng bàn về thuyết luân hồi, linh hồn của đạo Phật và những câu kết luận: Con người không chỉ chịu trách nhiệm về cuộc sống trước mắt mà hàng vạn năm sau vẫn gánh hậu quả của thiện-ác. Tôi đã trích gần trọn hai trang 98, 99 quyển tiểu thuyết thứ ba của Nguyên Bình, quyển Cô gái mồ côi và hòn đảo. Bởi vì anh chính là người đeo kính đen trong truyện. Nguyên Bình hoàn toàn quên bẵng mình đang trong nhà thương điên. Anh đang đi du lịch vào một thế giới bí hiểm, hấp dẫn, lần đầu tiên anh đặt chân tới, mà mỗi bước đều hứa hẹn một điều mới lạ, mới lạ đến kinh ngạc. Anh quên hẳn mọi lý do đã xô đẩy anh tới đây. Có lẽ nhờ thế mà anh khỏi bệnh. Ðúng là một cách chữa bệnh tuyệt vời. Anh sửng sốt đọc những dòng anh điên luận về người điên: Người điên là gì? Ðó là món quà hồi tổ. Con người sơ khai sống bản năng ra sao, người điên như thế. Không lễ nghi, không lệ thuộc vào những quy ước nhiều khi làm méo mó bản tính. Ðó là những người sống thật tình nhất, đúng bản tính nguyên thuỷ nhất. Muốn nghiên cứu loài người buổi bình minh, hãy nghiên cứu người điên. Nguyên Bình viết: Trong vùng mung lung của ánh sáng trí tuệ đan xen với bóng tối bản năng, những phút loé sáng của người bệnh tâm thần thật đáng kinh ngạc. Người giảng viên khoa sử này nghiền ngẫm về tất cả, quan sát tất cả. Anh viết về những đứa trẻ mồ côi: Chúng lên năm, lên ba, mười ba hay mười lăm? Không. Chúng không có tuổi. Chúng là con của mọi thời đại, mọi dân tộc. Chiến tranh, tai ương là bố mẹ chúng. Chúng là phần bất hạnh nhất của nhân loại, đi cùng nhân loại từ khai sinh tới tận hôm nay. Nguyên Bình đang đọc thì người điên vào. Ôi! Cái Nhật ký người điên này mới hấp dẫn và mê ly làm sao! Người điên ngồi xuống giường, ý tứ uống từng ngụm nhỏ chén nước được mời. Hết, người điên xin chén nữa. Lại chén nữa. Nhưng vẫn uống chậm rãi. Biết thưởng thức thứ hương vị nước chè từ lâu không được uống. Rồi rụt dè hỏi Nguyên Bình về những trang viết của mình. Nguyên Bình thành thật: -Những trang đọc được tôi rất khâm phục. Người điên thành thật không kém: -Như thế là công bằng. Có phải công trình của mình tôi đâu. Của nhiều đời. Nhưng sao anh lại nói những đoạn đọc được. Chỉ những phần cần giữ bí mật tôi ghi bằng ký hiệu. Tất cả đều đọc được. Rồi người điên nói mỗi lúc một nhanh như sợ không kịp nói những điều cần nhất: -Con người là đối tượng của một cuộc thử nghiệm tồn tại với tư cách là một vũ trụ nhỏ, gắn bó hữu cơ với vũ trụ lớn và vũ trụ vi mô, theo chương trình đã được vạch sẵn cho nhiều triệu năm. Ðến lần thứ n nào đấy, chương trình được làm lại từ đầu nhưng ở mức phát triển cao hơn. Rồi lại vội vàng hơn, nhanh hơn: -Trẻ mồ côi và chính quyền không có trong chương trình. Loài người nên nhớ rằng ở bất cứ xó xỉnh nào của trái đất, có thêm dù chỉ một đứa trẻ mồ côi là họ đã tạo ra khả năng làm rối loạn cuộc thử nghiệm. Ðang nói hăng say, chợt người điên đứng lên hất tấm chăn phủ người xuống, thét to như cảnh báo: -Kẻ xấu đã lộ mặt! Tôi đã chép lại nhiều dòng trong Cô gái mồ côi và hòn đảo. ý nghĩ cho rằng loài người chỉ là một chương trình thử nghiệm của người giáo viên dạy sử đến hôm nay tôi lại bắt gặp trong những trang tiểu thuyết của Kun-đê-ra, Sự bất tử. Nhân vật Agnes nghĩ: "Thay cho Chúa ở đây là một chương trình được thực hiện không sai lệch cho dù vắng Người, đồng thời không ai có thể thay đổi chút gì trong chương trình đó (...) Tất cả những việc còn lại, theo quan điểm của tạo hoá, không có chút ý nghĩa nào cả mà chỉ là một trò chơi của một chương trình tổng thể đã được định trước, chương trình đó không phải là sự tiên đoán thấy trước tương lai... Khác với Agnes (hay chính xác hơn, khác với Kun-đê-ra) người điên trong Cô gái mồ côi và hòn đảo (hay Nguyên Bình cũng vậy) muốn đưa ra một lời kêu gọi con người hãy hướng tới điều thiện. Anh viết: Con người không chỉ chịu trách nhiệm về cuộc sống trước mắt, mà hàng vạn năm sau vẫn gánh hậu quả của thiện-ác. Với tôi, Cô gái mồ côi và hòn đảo là một quyển tiểu thuyết hay. Hay hơn Hương của anh. Hay hơn Những ngày đã qua, quyển tiểu thuyết được giải A của Hội Nhà văn và Tổng công đoàn của anh. Và tất nhiên hay hơn nhiều quyển tiểu thuyết xuất bản thời gian đó. Nó rơi vào im lặng. Người ta không khen nó đã hẳn. Người ta cũng không phê phán nó và làm như không có nó. Trong Cô gái mồ côi và hòn đảo, anh bắt những kẻ xấu phải lộ mặt. Những kẻ xấu mới gian manh quỷ quyệt làm sao! Chúng đều nấp sau cái vỏ đạo đức, chúng đều nhân danh đạo đức, nhân danh những người đang làm điều thiện trong khi chúng dồn mấy đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ (bị chết dưới bom đạn Mỹ) phải thôi học, phải về một nơi "nghỉ ngơi", thực chất là một thứ tù giam lỏng. Ðây là một cách đánh vợ con của chú Hạng, chú ruột em gái mồ côi: Khi cơn giận đã làm tím mặt, chú cấu dứt thịt vào bất cứ chỗ nào, tát hoặc đấm. Chú làm việc đó một cách kín đáo không để người ngoài thấy. Dù sao chú cũng có bằng đại học. Người bị đánh, bị sỉ nhục càng đau, nét mặt chú dần dần càng trở lại hoà nhã, lịch sự. Mọi cách đánh người của những kẻ xấu trong tiểu thuyết đều là như vậy. Tất nhiên không đánh đạp cấu véo da thịt như chú Hạng. Mà đánh vào cuộc đời người khác một cách rất dã man dưới cái vỏ đạo đức. Nhưng Nguyên Bình đã bắt chúng phải lộ mặt. Cô gái mồ côi và hòn đảo không chỉ có những kẻ xấu, không chỉ có triết lý của chương trình thử nghiệm. Nó có cái ly kỳ và sự tưởng tượng bay bổng của Ðảo giấu vàng, nó có Tê-nác-đi-ê nhưng cũng có Giăng Van-giăng, có tình thương yêu đùm bọc của những đứa trẻ mồ côi, có những trang cảm động về đám giỗ bố mẹ mà lũ trẻ làm trong trại, về cô bé Thu mồ côi cả cha lẫn mẹ, lần đầu tiên trở thành thiếu nữ, thấy máu trong người nhỏ giọt cứ nghĩ mình sắp chết. Anh rất kiệm lời nhưng vẫn làm ta phải mỉm cười một mình khi đọc những nhận xét của anh về con chó Bim, về những sinh hoạt của trẻ nhỏ, bởi vì chúng mồ côi nhưng vẫn là trẻ nhỏ. Và những trang viết về nông thôn, cái tình của anh khi nhìn thấy cánh đồng, thấy con sông đang chẩy, ngửi mùi rơm rạ phơi già nắng, bởi vì như anh đã tổng kết: Mỗi người dù xa quê nhiều đời, vẫn có trong ký ức di truyền hương vị quê hương. Gò Ðống Ða 1987 C4 Thanh Xuân Bắc 1989 Ðó là thời gian và nơi Nguyên Bình viết Cô gái mồ côi và hòn đảo, được ghi sau dòng cuối cùng. Anh đã về hưu non. Tôi phải gạch dưới những chữ này để trả về cho nó ý nghĩa ban đầu, bởi vì gần đây ba từ về hưu non được dùng để chỉ những vị sáu bẩy mươi còn chưa muốn rời ghế làm việc, vẫn còn muốn tiếp tục phục vụ nhân dân. Anh cũng đã chuyển về Hà Nội, bỏ lại tôi một mình ở Hải Phòng, khiến tôi lâm vào cảnh không còn nơi nào để mà đi đến nữa. Chưa bao giờ tôi nghĩ Cô gái mồ côi và hòn đảo là tập sách cuối cùng của anh, chưa bao giờ tôi nghĩ anh lại bỏ bút. Bởi vì hơn ai hết tôi biết anh còn bao dự định, bao điều muốn nói, những điều mà cứ để trong lòng sẽ vón cục lại như một khối u. Nhất là giờ đây việc viết và in đã cởi mở hơn trước rất nhiều, làn gió dân chủ dù còn những khó khăn nhưng đã là một xu thế xã hội, khiến tôi đã cai viết gần ba mươi năm cũng đã cầm bút trở lại. Ðó là chưa kể anh đang hưu trí an nhàn, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Thế nhưng chính vào lúc anh đang hưu trí an nhàn ấy, chính vào lúc tôi viết trở lại ấy, Nguyên Bình gác bút, không viết thêm một dòng nào nữa. Anh dứt hẳn với văn chương khi anh chưa đến 50 tuổi, đang độ chín, chín trong nghề nghiêp, chín trong cuộc sống. Anh không viết nữa giữa lúc anh có nhiều thời gian rảnh rỗi, có nhiều điều để viết, khi anh đã là hội viên Hội Nhà văn và tổ chức được cuộc sống gia đình có thể tạm gọi là ổn định. Ðã có lần Nguyên Bình nói về tình bạn giữa hai chúng tôi đại ý: Dù chúng tôi có xa nhau bao lâu, khi gặp lại cũng vẫn như mới chia tay nhau hôm trước, câu chuyện giữa chúng tôi vẫn chỉ là nối tiếp câu chuyện dở dang lúc chia tay. Không có khoảng cách nào cả về không gian, cả về thời gian có thể làm chúng tôi không hiểu được nhau. Thế mà giờ đây cái điều đáng buồn đã xảy ra: Chúng tôi không đối thoại được cùng nhau. Không có sự hiểu lầm nào. Không có mâu thuẫn nào giữa chúng tôi. Tôi đến anh. Vợ chồng anh, hai cháu gái Tùng Cương, Tùng Ngọc coi tôi là người ruột thịt trong nhà. Anh xuống Hải Phòng với tôi, vợ con tôi reo lên: -Chú Phú! Phú là tên khai sinh của anh. Chúng tôi đến nhà nhau, lúc nào cũng thấy thoải mái như đang ở nhà mình. Bia hơi. Món nem trạo ưa thích, vừa rẻ tiền, vừa khoái khẩu. Nhưng cái mệt là sau những giây phút đầu tiên gặp gỡ ấy, sau những bữa ăn ấy. Cơm xong, chúng tôi kéo nhau lên phòng nhỏ trên tầng ba trò chuyện. Một căn phòng anh mới xây thêm cho riêng anh, một thứ chuồng câu cao và xinh xắn. Ngày, anh đi với những học sinh của anh, những người bệnh của anh. Tối, anh lên đấy ngủ. Chỉ một mình anh. Hình như là để tiếp nhận linh khí của trời đất. (Chà! Cái người rất chăm chỉ trong chuyện chăn gối này đã quên hẳn chuyện chăn gối.) Và trong khi tôi mới viết văn trở lại có bao điều muốn nói cùng anh thì anh chỉ nghe tôi như một chủ nhân lịch sự đang tiếp khách. Rồi anh nói. Anh nói về những khả năng kỳ diệu của con người, về phương pháp tĩnh công ý thức, những thuật ngữ tôi chỉ nghe cũng đã rối tinh đầu óc. Anh sôi nổi: Mày tập đi. Cái này hay lắm mà mày không tập thì phí quá. Tao đi vào cái này và nghĩ đến bạn bè, tất nhiên là nghĩ đến mày trước tiên. Anh nói về linh khí, linh địa, về những khả năng tiềm ẩn của con người, về linh hồn bất diệt, về những lập trình của tự nhiên, con người từ đâu đến, chúng ta là ai, chúng ta đi đến đâu. Tôi căng hết trí não ra nghe. Và gật gù cười cười tán thưởng. Bỗng anh hạ một câu chính xác, trúng tim đen: -Nói chuyện với mày thà nói chuyện với đầu gối còn hơn. Tôi cười ầm: -Quả thật tao không hiểu gì hết, nhưng cứ phải cố làm ra vẻ thế thôi. Rất chi là hoang mang. Nguyên Bình cũng bật cười: -Anh hoang mang khi chưa nắm tình hình. Nắm tình hình rồi tình hình rất hoang mang. Ðó là hai câu thơ trong truyện ngắn của Hồng Hoang mà cả hai chúng tôi cùng thích. Bình lại nói: -Trong các lớp học, tao giảng cho học viên nghe, đến những chỗ tao biết là rất găng, tao hỏi: Thế nào? Hoang mang lắm phải không? Anh hoang mang khi chưa nắm tình hình. Nắm tình hình rồi tính hình rất hoang mang. Bây giờ học viên ai cũng thuộc hai câu thơ ấy. Bình nói anh có thể định được giờ anh ÐI. Khi ấy tao sẽ gọi các con tao lại và bảo bố đi đây. Thế là tao đi. Rồi lại sôi nổi thiết tha: -Mày tập đi. Cái này tốt lắm. Mình biết nó rất hay, muốn phổ biến cho bè bạn mà bè bạn không nghe thì tiếc lắm. Gần như áp đặt, anh xuống Hải Phòng mở một lớp học ngắn ngày. Dạy chúng tôi cách thở. Cách khai mở các luân xa. Chúng tôi tập ngồi, tập thiền. Anh cho tôi xem các hợp đồng với các bệnh viện, các cơ quan khoa học về thí điểm tập cho người mù biết đọc, xem ti vi, nhìn được. Tất nhiên cái ánh sáng anh đem đến cho người mù không phải là thứ ánh sáng vật lý thông thường. Và anh cho xem cả những biên bản về những cuộc kiểm tra kết quả bằng cách đưa những người mù học viên của anh đến những công viên Hà Nội nhiều cây cối để họ đi trong công viên như những người bình thường, không phải giơ tay ra sờ soạng dò đường. Anh có nhiều học viên. Người ta đón anh vào thành phố Hồ Chí Minh. Anh giảng ba ca liên tục trong nhiều ngày đến mức thời gian đó tôi cũng ở trong ấy với con tôi mà anh quên mất lời hẹn, không lại chơi cũng như không gọi điện, còn tôi chẳng biết anh ở đâu để mà điện thoại để mà tới thăm. Một lần lên Hà Nội, tới nhà một người bạn là cán bộ trung cấp trong quân đội ở khu Nam Ðồng, tôi thấy rất nhiều các sĩ quan quân đội đang tập trung chờ thầy đến. Rồi thầy đến. Tôi ngạc nhiên và vui mừng biết bao vì người thầy tiên phong đạo cốt ấy là Nguyên Bình. Quả là tiên phong đạo cốt: Mình gầy vóc hạc, tóc bạc, lông mày bạc, râu bạc, dù ngày ấy anh mới ngoài năm mươi tuổi. Bạn bè ở Hà Nội nói với tôi: Thằng Nguyên Bình là bậc đại sư rồi. Tôi không biết tài năng chữa trị của Bình đến đâu, và quả thật tôi cũng chưa tin những điều Bình nói về khả năng gần như vô tận của con người, về cái tuổi thọ con người lẽ ra được hưởng, nhưng tôi có chứng kiến một sự việc nhãn tiền. Chị Tưởng, vợ anh bị thiểu năng tuần hoàn não nặng. Ði lại khó khăn. Không thể ra khỏi cửa. Ðã đến các bệnh viện, dùng đủ các thứ thuốc đắt tiền. Mà đâu vẫn hoàn đấy. Vẫn đi lại khó khăn. Vẫn không ra khỏi cửa. Bình đã chữa cho vợ. Không phải dùng thứ thuốc nào. Chị đã trở lại khoẻ mạnh. Ðã đi xe máy được giữa phố phường đông đúc Hà Nội. Ðó là một việc có thật. Nhưng tôi vẫn hoang mang. Càng hoang mang hơn khi anh rủ rỉ: -Mày tập đi. Mày tập đến một độ nào đấy thì sẽ không muốn viết nữa. Tôi giẫy nẩy: -Không. Không. Tao đang muốn viết lắm. Tôi không hiểu và tin rằng mình không thể hiểu được những gì Bình đang theo đuổi. Chỉ lờ mờ rằng đạo của anh -nếu có thể nói được như thế- có một cái gì rất gần với đạo Phật và cũng rất gần với những suy nghĩ của anh trong Cô gái mồ côi và hòn đảo. Nó bắt nguồn từ những ngày xa xưa, từ những ngày anh chữa bệnh ở Ðông Khê, gần gũi những người điên. Hay nói theo cách của anh: Sự chuyển hướng của anh đã được mã hoá, đã được cài đặt trước. Ðến tháng ấy năm ấy, Nguyên Bình sẽ làm những việc như thế, thành một người như thế. Anh muốn tôi theo anh, từ bỏ những việc trần tục tôi đang làm để đi với anh tới những gì rộng lớn hơn của kiếp người. Anh muốn tôi thiền. Nhưng tôi là người nặng nợ. Tôi còn phải viết. Tôi cũng được mã hoá rồi. Cứ gặp nhau là anh thuyết phục tôi. Về thuyết luân hồi. Về cái vòng đời của chúng ta không dài hơn vòng đời một con ruồi dấm. Rồi lại những khả năng vô tận của con người, rồi ba dạng tồn tại của vật chất: Vật chất thô, vật chất tinh hoa, vật chất trung gian... Và bất chợt nhận ra vẻ mặt ngây ngô của tôi: -Không hiểu phải không? Hoang mang lắm phải không? Không ai bảo ai, ngay lập tức cả hai chúng tôi đều song tấu rất nhịp nhàng: -Anh hoang mang khi chưa nắm tình hình Nắm tình hình rồi tình hình rất hoang mang. 1-2-2000 26 Tết Canh Thìn
[1]Áo em trắng quá nhìn không ra (Hàn Mặc Tử)[2]Tên những bài thơ của Hoàng Hưng
[1]Áo em trắng quá nhìn không ra (Hàn Mặc Tử)[2]Tên những bài thơ của Hoàng Hưng