NHÀ TÂY SƠN ÐÁNH NHÀ NGUYỄN
Ở MẶT BẮC

Trong khi Tây Sơn Vương lo củng cố nội bộ, chiêu mộ hào kiệt, đồn lương tích thảo, thì trấn thủ Quảng nam sai quân vào đánh.
Ðất nhà Nguyễn lúc bấy giờ chạy từ Hoành Sơn đến Hà Tiên, Quy Nhơn nằm khoảng giữa, phía nam giáp Phú Yên, có dãy núi Cù Mông làm ranh giới, phía bắc giáp Quảng Nghĩa, có dãy Bình Ðê làm ranh giới. Nam cũng như Bắc đều có đèo mở lối ra vào, nhưng địa thế rất hiểm trở. Ðược tin quân nhà Nguyễn kéo vào Quy Nhơn, Tây Sơn Vương giao thành và mặt nam Quy Nhơn cho Trần Quang Diệu và các tướng tâm phúc. Còn mình và Tập Ðình, Lý Tài cử đại binh ra chống cự quân nhà Nguyễn. Trần Quang Diệu tiến cử tỳ tướng Nguyễn văn Xuân theo phò tá.
Quân nhà Nguyễn do phò mã Nhất thống lãnh. Phò mã chia quân làm hai đạo, theo hai đường thủy, bộ. Ðạo bộ binh do chưởng cơ Vệ chỉ huy, chưa qua khỏi Bình Ðê đã bị quân Tập Ðình và Lý Tài chận đánh. Trông thấy quân Trung Nghĩa và Hoài Nghĩa cao lớn dữ tợn, quân chưởng cơ Vệ khiếp sợ, chưa đánh đã thua chạy, bị truy kích giết sạch. Chưởng cơ Vệ không chống nổi Lý, Tập, bị tử trận. Còn đạo thủy quân đi đường bể làm sách ứng, thuyền bị dạt vào doi cát tại cửa sông Trà Khúc, không tiến được.
Vừa lúc ấy gặp quân Tây Sơn Vương kéo ra đánh tan hết chiến thuyền, bắt sống được 50 thủy binh và lấy được 10 khẩu đại bác. Phò mã Nhất đại bại rút tàn quân chạy về Quảng Nam bị quân Tây Sơn chặn đánh, bỏ lại bốn thớt voi và nhiều xe lương cùng vũ khí.
Tây Sơn Vương toàn thắng, đắp một lũy cát tại Bến Ván (Bình Sơn, Quảng Ngãi) giao cho Nguyễn Văn Xuân đóng giữ, rồi đem chiến lợi phẩm trở về Quy Nhơn.
Ðó là vào trung tuần tháng 11 năm Quý Tỵ (1773).
Qua tháng chạp, nhà Nguyễn lại cử hai đạo binh vào đánh Tây Sơn Vương.
- Một đạo do Tiết chế Tôn Thất Hương điều khiển kéo thẳng vào Bồng Sơn.
- Một đạo do Tổng nhung Thành và Tán lý Ðản chỉ huy, kéo đánh lũy Bến Ván. Quân số của binh nhà Nguyễn quá đông, Nguyễn Văn Xuân không chống nổi, phải bỏ bến Ván rút lên núi, theo thượng đạo về Quy Nhơn. Thành và Ðản thừa thắng kéo quân vào Bồng Sơn hiệp cùng quân Tôn Thất Hương chiếm núi Bích Kê.
Tây Sơn Vương hay tin sai Tập Ðình và Lý Tài theo đường rừng, đến Trà Câu ở Quảng Nghĩa, để chận đường về của quân Nguyễn, và Nguyễn Văn Xuân đem quân yếm phục phía nam núi Mồng Gà để làm sách ứng. Còn mình đem quân ra thẳng Bích Kê.
Tại Bích Kê, quân Tây Sơn và quân nhà Nguyễn kịch chiến. Tôn Thất Hương bị tử trận. Quân nhà Nguyễn bị giết gần hết. Thành và Ðản rút tàn binh chạy lui, đến Trà Câu bị phục binh Tây Sơn giết chết.
Quân Tây Sơn cướp thu được rất nhiều voi ngựa và quân lương quân dụng.
Tây Sơn Vương kéo quân chiếm phủ lỵ Quảng Nghĩa, lưu Nguyễn Văn Xuân lại giữ thành, cùng Tập Ðình, Lý Tài kéo đại binh đánh thẳng vào Quảng Nam.
Quân của Vương đóng tại sông Cối Giang, quân Lý Tài đóng tại sông Thế Giang huyện Duy Xuyên. Quân Tập Ðình đóng tại bãi cát gần Kim Sơn thuộc Hà Ðông để ứng viện[36].
Ðầu năm Giáp Ngọ (1774), quân nhà Nguyễn do Thống binh Huy và Hiến quận công Nguyễn Cửu Dật chỉ huy, kéo vào đánh. Trận đầu bị quân Tây Sơn Vương đánh thua, quân nhà Nguyễn dồn nơi phố Mỹ Thị thuộc Hòa Vang. Hai bên thường ngày kéo quân giáp trận kịch liệt, không phân thắng bại[37].
Ðể làm kế cửu trì, Tây Sơn Vương rút quân về Thế Giang, đóng nơi Thiên Lộc thuộc Duy Xuyên, trước sông sau sông cứ hiểm làm đồn lũy.
Thiên Lộc là một gò cát lớn dài hơn 30 dặm, thuộc xã Văn Ly. Hai nguồn sông phát xuất từ Kim Sơn và Ngọc Sơn hiệp lưu tại phường An Lâm huyện Hòa Nam, Hòa Vang thành sông Trừng. Sông Trừng bị gò cát Thiên Lộc chia làm hai nhánh Bắc Nam. Nhánh phía nam chạy đến xã Thi Lai huyện Duy Xuyên tách ra làm hai nhánh. Một chảy xuống đông làm dòng sông Dưỡng Châu, qua xã Mỹ Xuyên tục gọi là sông Kẻ thế, tức là Thế Giang, một nhánh phía bắc chảy qua xã Châu Nghê huyện Duyên Phước làm sông Câu Nghê. Sông Câu Nghê chảy xuống Ðông An gọi là sông Chợ Cối, tức là Cối Giang. Cối Giang và Thế Giang đều chảy vào cửa biển Ðại Chiêm.
Thiên Lộc nằm giữa nhiều nhánh sông sâu, thế rất hiểm. Quân nhà Nguyễn không đánh nổi. Nguyễn Cửu Dật bàn mưu cùng Thống binh Huy án binh bất động. Rồi cho đóng chiến thuyền, đặt đại bác, lén theo đường sông, lấy ván chận nước để đưa thuyền xuống, xuất kỳ bất ý, đánh úp đồn Thiên Lộc. Ðồn Thiên Lộc bị vỡ. Binh của Lý Tài ở Thế Giang cũng bị đánh úp, binh của Tập Ðình đến cứu không kịp. Quân Tây Sơn Vương bị đại bại rút về án cứ Bến Ván và Châu Ổ (Quảng Ngãi).
Tây Sơn Vương chỉnh đốn lại đội ngũ, rồi theo thượng đạo đi tắt ra Ginh Giang cùng Tập Ðình và Lý Tài.
Quân nhà Nguyễn đóng tại Phú Hòa thuộc huyện Hòa Vang, nương thế sông làm hiểm cứ. Tây Sơn Vương dùng chiến thuyền từ Ginh Giang đánh xuống. Nguyễn Cửu Dật dùng kế sa nang, lấy bao đựng cát ngăn nước sông, rồi giả thua chạy, đợi quân Tây Sơn qua khỏi, vớt bao cát lên, nước ào xuống, thuyền Tây Sơn bị đắm khá nhiều. Bị thua quân Cửu Dật, Tây Sơn Vương kéo binh đến Mỹ Thị đánh Thống binh Huy. Huy bị thua kéo tàn binh chạy thoát. Tây Sơn Vương đóng binh tại Mỹ Thị, sai Tập Ðình đóng ở Cối Giang, và Lý Tài đóng ở Thế Giang để làm thế ỷ giốc.
Qua mùa thu (Giáp Ngọ 1774), Hoàng Ngũ Phúc vâng lệnh chúa Trịnh ở Ðàng ngoài đem quân vào đánh lấy Phú Xuân. Chúa Nguyễn là Ðịnh vương Nguyễn Phúc Thuần cùng đình thần chạy vào Quảng Nam, đóng ở Câu Ðể thuộc Hòa Vang.
Quân Tây Sơn Vương kéo đến đánh. Chúa Nguyễn chống không nổi, chạy lên đóng ở Trà Tế Sơn thuộc huyện Quế Sơn, lập cháu là Nguyễn Phúc Dương lên làm Ðông Cung Thái Tử, để ở lại giữ Quảng Nam, rồi cùng Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Ðịnh. Ðông Cung bị quân Tây Sơn đánh, chạy đến Hà Dục bị Tập Ðình và Lý Tài bắt được đem về Hội An.
Tiếp đó quân Hoàng Ngũ Phúc vượt Hải Vân vào chiếm đồn Trung Sơn và Câu Ðể. Tây Sơn Vương cùng Tập Ðình, Lý Tài kéo đại binh ra đánh. Tập Ðình đi tiên phong, bị quân Ngũ Phúc đánh thua, sợ tội bỏ chạy về Trung Quốc.
Tây Sơn Vương nhận thấy quân Hoàng Ngũ Phúc đã đông lại mạnh, mình chưa đủ sức chống cự, bèn cùng Lý Tài rút hết quân về Quy Nhơn, đem hoàng tử Dương theo. Và làm kế hoãn binh, cho người mang thư và vàng lụa ra dâng cho Hoàng Ngũ Phúc, xin nạp đất Quy Nhơn và Quảng Nghĩa, cùng xin làm tiền khu đi đánh họ Nguyễn. Hoàng Ngũ Phúc muốn lợi dụng Nguyễn Nhạc để đánh đất Gia Ðịnh, bèn làm biểu xin chúa Trịnh cho
Vương là Tiên phong Tướng quân Tây Sơn Hiệu Trưởng, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem cờ và ấn kiếm vào Quy Nhơn ban cho Tây Sơn Vương.
Hoàng Ngũ Phúc đóng binh ở Châu Ổ, cuối năm Ất Mùi (1775) rút về Thuận Hóa. Tây Sơn Vương không lo mặt Bắc nữa, chuẩn bị đánh lấy mặt Nam.
------------------
[36] Ba nơi sông Cối, sông Thế, bãi Kim Sơn ở cách nhau không xa.
[37] Mỹ Thị tức Mỹ Khê ở trong phạm vi Ðà Nẵng hiện tại.