Người đàn ông ấy có khuôn mặt trông thật khắc khổ và đầy u uất. Từ rất lâu rồi dường như mọi người đã quên đi sự có mặt của ông trên cõi đời này. Thật khốn khổ khi con người ta vẫn phải sống mà không hề biết mình sống vì cái gì và sống có ích lợi cho ai. − Ba có muốn ngồi dậy một lát không? Con đỡ cho ba ngồi nhé! − Con chưa ngủ sao Minh? Mấy giờ rồi? Đứa con trai nhìn đồng hồ và đôi mày khẽ châu lại. Đã một giờ sáng rồi. Ngày mai còn phải thi. Cái môn cơ học lượng từ hóc búa này làm mất thời giờ quá! − Thôi đi ngủ đi con. Chắc là khuya lắm rồi! Không nghe con trai trả lời. Người đàn ông lại nói tiếp. Nhưng lần này cũng vậy, đáp lại ông chỉ có sự yên lặng vây quanh... Thì ra cậu con trai, thay vì là chỗ tựa lưng cho cha, giờ lại ngủ gật, đầu ngả lên vai ông. Sợ con thức giấc, người cha ngồi im chịu đựng, hai bàn tay ông chỏi ra phía trước cố giữ thăng bằng. Nhưng vì sức yếu nên ông cứ đuối dần, đuối dần... Minh mở choàng mắt ra ngơ ngác nhìn quanh. Và khi hiểu được cơ sự anh hoảng hốt đỡ cha dậy. Người cha vừa thở phì phò vừa gắng gượng ngồi thẳng người lên. − Ba có sao không ba? - Minh cuống cuồng lay cha. − Đỡ ba ngồi tựa vào tường rồi đi ngủ đi! Nhưng đứa con trai vẫn ngồi nguyên một chỗ. Ly cà phê đen đặc sánh trên bàn đã nguội từ bao giờ. Những con số nhảy mùa trước mặt. Cơn buồn ngủ lại bất ngờ ập đến. Một bàn tay mềm mại đặt lên vài Minh. − Để em trông chừng bác cho, anh đi ngủ đi! Thì ra là Kim Xuân, cô em họ xa của Minh. Anh ngước nhìn cô bằng cặp mắt ngái ngủ. − Tôi thức được mà! Xuân đi ngủ đi. Nhưng cô gái nhất quyết không chịu. Cuối cùng, Minh phải ngoan ngoãn vâng lời. Vừa ngả lưng xuống giường, giấc ngủ đã đến nhanh như một tia chớp, nhanh đến nỗi anh chàng không nhớ mình đã cất những bông ngọc lan vừa hái ban chiều ở đâu. Sáng hôm sau, vừa từ phòng thi bước ra Minh đã phóng một mạch đến bưu điện. Lá thư viết cho Tố Mai đã phải chờ đến ngày thứ ba mới được mang đi gởi. Biết làm sao được khi những giây phút rãnh rỗi quá là hiếm hoi trong lúc này! Hơn tháng này, ba Minh lại trở bệnh. Căn bệnh quái ác bao giờ cũng tìm đến vào những ngày sắp Tết như thế này. Lần phát bệnh đầu tiên cách nay đã lâu, lâu đến nỗi không ai còn muốn nhớ đến nó nữa. − Mẹ con và mấy đứa nhỏ đâu rồi Minh? Vừa chạy chơi sang nhà đứa bạn ở cùng xóm về, nghe cha hỏi, Minh ngẩn người ra rồi lắc đầu: − Con không biết! Lúc con đi chơi thì mẹ và mấy nhóc còn ngủ trưa. Lúc ấy đã gần sáu giờ chiều. Thường bữa đây là lúc cả nhà đang quây quần bên mâm cơm. Vậy mà chiều nay nhà cửa lại vắng hoe, bếp núc lạnh tanh, lạnh ngắt. Thấy cha có vẻ bực tức, cậu bé Minh vội lùi ra nhà sau bắc nồi cơm lên bếp. Còn đang lúi húi nhóm lửa thì bất ngờ Minh thấy cha từ nhà trên lao xuống như một mũi tên. Ông nhìn đứa con trai, mặt tái đi − Mẹ con... đi vượt biên rồi! - Giọng ông run run. − Đi... vượt biên? Thật không ba? - Minh hốt hoảng la lên. Cha Minh ngồi vật xuống ghế, hai tay ôm lấy đầu: − Đi hết rồi... Minh giật lấy bức thư trên tay cha, cắm cúi đọc. Mặt cậu cũng tái mét. Đúng là mẹ đã đi rồi và dẫn luôn cả hai đứa em Minh theo. − Hèn chi... hồi trưa này, tự dưng mẹ lại cho tiền con và bảo thèm gì thì cứ mua mà ăn. Con đâu có dè... Đến lúc đó Minh mới nhận ra sự khác thường trong hành động của mẹ. Từ ngày gia đình lâm vào cảnh túng bẩn, bà chưa bao giờ tỏ ra dễ dãi và vui vẻ như vậy. Ba thì làm quần quật suốt ngày. Ai thuê gì làm nấy, ba không hề nề hà miễn là có tiền nuôi vợ, nuôi con... Vậy mà mẹ lại đành tâm bỏ ba mà đi. − Thôi ba à! Dù sao thì cũng còn có con... Không biết nói sao để an ủi cha, Minh cứ vuốt nhè nhẹ đôi vay gầy trơ xương đang run bần bật của ba. Cậu bé cảm thấy ba thật tội nghiệp. Trí não non nớt của cậu không thể nào hiểu nổi một người đàn ông lại có thể khóc nức nở như thế kia. Có lẽ do buồn phiền nhiều quá nên cha cậu sinh bệnh. Mới đầu thì chỉ cảm sốt sơ sài, nhưng sau đó thì bệnh càng ngày càng nặng thêm. Cho đến một lúc, đôi chân ông bỗng dưng teo lại. Từ đó ông ngồi một chỗ. Mọi việc trong ngoài giờ lại trút hết lên vai đứa con trai nhỏ. Cuộc sống mỗi lúc mỗi khó khăn, nhọc nhằn. − Có thư của mẹ, ba ơi! - Một hôm đi làm về, cậu bé chạy nhào vào lòng cha, kêu lớn. Cứ tưởng là ông sẽ mừng lắm, nào ngờ: − Đốt đi con! - Giọng ông lạnh lùng.. Minh sững sờ nhìn cha: − Sao vậy ba? Để con đọc xem mẹ viết cái gì trong đó. − Ba biểu đốt đi! - Ông vẫn không đổi giọng. − Cho con đọc rồi hãy đốt. Con nhớ mẹ, nhớ các em con quá! - Minh nhìn cha van nài. − Nhớ thương làm chi cái thứ phản bội đó hả con? Đốt đi! Cực chẳng đã, Minh phải đốt bức thư, nhưng cậu tiếc đứt ruột, đứt gan. Sau đó thì chẳng thấy mẹ gởi thư về nữa. ... Mới đó mà đã mười mấy năm rồi! Đôi lúc nhìn lại, Minh chợt thấy ngạc nhiên với chính mình. Cuối cùng rồi mọi sự cố gắng đã được đền bù. Chẳng còn mấy lúc nữa mà công thành, doanh toại. Cuộc sống chẳng còn gì đáng phải phàn nàn. Duy chỉ có một điều... cái điều mà thoạt đầu Minh vẫn tưởng là đơn giản, vậy mà càng lúc càng thấy khó khăn đến không thể nào vượt qua. − Ba ạ! Con nghĩ chúng ta không phải chịu trách nhiệm vì những việc xảy ra trong quá khứ. Vả lại, chuyện đã qua lâu lắm rồi, chắc người ta không còn nhớ nữa đâu. Đó là lời đầu tiên người con nói với cha mình khì phát hiện ra bí mật khủng khiếp của gia đình. − Nhưng không ai có thể giết chết được quá khứ con ạ. Nhất là khi nạn nhân của nó vẫn còn đó! Nhìn gương mặt hằn lên những nét ưu tư, trắc ẩn của cha, Minh hiểu đây là một trong những nỗi khổ đâu lớn nhất của đời ông. − Chắc tại vì mình không chủ động làm lành được đó ba? - Minh dò dặt nói – Hay ba thử một lần? − Đừng con! Người cha làm một cử chỉ ngăn lại - Không nên đánh thức quá khứ... Nhưng Minh đã không nghe lời cha. Cậu định thử một lần và cơ hội đã đến ngay sau đó. Buổi chiều hôm ấy, tan trường về, Minh đang cắm cúi rảo bước. Chợt cậu phát hiện phía trước mình có 'một nạn nhân' của chiếc xe đạp giở chứng. Lúc đi đến gần thì Minh nhận ra đó là một cô gái. − Xe bị làm sao vậy? - Minh dừng lại hỏi. − Dạ... bị trật xích – Cô gái nhìn đôi.Tay lem luốc dầu mỡ của mình rồi nhìn Minh cầu cứu. − Để tôi gắn lại cho! Trong nháy mắt, Minh đã làm xong cái công việc mà nãy giờ cô gái cứ loay hoay mãi vẫn không làm nổi. − Cám ơn anh! – Cô gái mừng rỡ nói. − Có gì đâu! Chuyện dễ ợt thôi mà. Minh vui vẻ trả lời và dợm bước đi. Bỗng cô gái ngập ngừng đề nghị: − Anh về xa không? Hay là... lên đây em chở về. Nghe đề nghị hết sức ngược đời nên Minh bật cười: − Tôi quen đi bộ rồi! Với lại thật là bất tiện khi phải ngồi sau lưng một cô gái. − Vậy thì anh chở. − Thế... cô về đến đâu? − Còn anh? − Gần thôi! Và Minh nói địa chỉ nhà mình. Không ngờ vừa nghe xong, mặt cô gái biến sắc. Tiếp theo đó là thái độ cũng biến đổi luôn. − Hoá ra anh là... con ông Dân? − Sao cô biết? –Minh ngạc nhiên quá đỗi. − Ai mà không biết cái thứ bất lương nhà anh! Xí! Nhìn bề ngoài như thế này, chẳng trách gì người ta cứ lầm là đang hoàng tử tế. Nói xong, cô gái ngoe nguẩy leo lên xe phóng đi không quên tặng cho ân nhân một cái nhìn khinh miệt. Minh đứng chết lặng nhìn theo bóng cô gái xa dần. Cậu lờ mờ đoán ra một điều gì đó. Hỏi ra mới biết đó là một trong những người con của nhà hàng xóm... Giờ đây Minh mới thấm thía cái câu 'đời cha ăn mặn... chẳng biết rồi đây đến đời con, đời cháu của Minh, chúng nó có còn bị 'khát nước' như cha con Minh bây giờ hay không? Đúng là quả báo mà! Từ đó về sau, không bao giờ Minh dám đi ngang ngôi nhà ấy. Đi cửa sau và phải đi vòng, dù có xa một chút, nhưng còn hơn là phải bắt gặp, dù chỉ một lần những cái nhìn kiểu ấy. Cho đến một ngày, ngôi nhà kia đổi chủ Minh khấp khởi mừng thầm. Nào ngờ... − Ông này là con trai lớn của cụ Khiêm đấy - Người sửa xe đầu đừơng nói với Minh như vậy. Thì ra vẫn chẳng có gì thay đổi. Minh thở dài. Ngay lúc ấy, một chiếc xe hơi chạy vụt qua, nhấn còi inh ởi và dừng lại cạnh nhà Minh. Bác sửa xe nhanh miệng nói: − Mấy đứa con nhà bác sĩ Chiến đấy! Có cô con gái út xinh đáo dể. Nhưng Minh chẳng thấy con bé kia xinh đẹp chỗ nào. Càng ngày, cậu càng thấy ghét cô ta, một cái ghét vô duyên cớ! Sự đời nghĩ cũng lạ! Dù trong tiềm thức Minh luôn nhắc nhở mình rằng cô ta là kẻ thù... nhưng ngày nào không được nhìn thấy 'kẻ thù' thì trong lòng lại bứt rứt không yên. Ấn tượng mạnh mẽ nhất mà cô bé kia gây ra cho Minh là chiếc cặp học trò đã cũ kỹ hoàn toàn không tương xứng với tất cả những gì có trên người cô. Và một cái răng khểnh. Và hai lúm đồng tiền. Bấy nhiên cũng đủ tạo thành một nỗi nhớ không nguôi. Và bấy nhiên đó cũng đủ mang giông bão đến cho cuộc đời...