“Mùa xuân con én đưa thoi”
Nguyễn DuNgười ta vẫn có một cách chăm sóc các giống vật bằng... từ ngữ. Được chăm chút thì con heo còn là con lợn, trong loài có heo nái, heo nọc, heo lứa v.v...; con bò sinh ra con bê, con nghé v.v... Xa cách cuộc sống con người, như công như nai..., đâu có được hưởng nhiều từ ngữ đến thế.Có chú ý đến mới có nhiều phân biệt, có phân biệt mới cần đặt ra nhiều tiếng gọi. Nếu sự thực quả có vậy thì con én ở ta đáng thương quá chừng: người Việt Nam không quan tâm đến nó chút nào.Con sâu cái kiến đều có tên, nhưng con én không có tên gọi. Mãi đến khi tiếp xúc với dân tộc Trung Hoa, ta mới mượn của họ chữ yến mà gọi bừa đi.Bừa thực chứ: con hirondelle, con sterne, con salangane, v.v... của người Pháp, đối với ta đều là én tất. Về sau này, loài chim trắng có, vàng có, nâu có, loài serin, canari theo tiếng Pháp, đối với ta cũng là yến nữa! “Én”, “yến” tuốt hết, bất cần phân biệt.Người Tàu, đối với con yến, họ có những lối gọi mô tả: huyền điểu, du ba điểu, ất điểu. “Con chim đen”, “con chim giỡn sóng”, “con chim bay lăng quăng”. Không yêu nó, không theo dõi hình dáng, màu sắc, điệu bay của nó với con mắt âu yếm thì không thể có những tên gọi như vậy.Còn chúng ta, đáng “yêu” như cái tổ yến mà chúng ta cũng không thèm “chi” cho một từ ngữ. “Yến sào”, người Tàu gọi sao ta gọi vậy, thế thôi. Ta cứ gỡ bán đều đều, cứ xơi đều đều, mà không cần gọi tên.Một cái tên gọi cũng không có, cho nên con én ở xứ ta chẳng được tìm hiểu bao nhiêu.“Mùa xuân con én đưa thoi”. Nhà thơ nói vậy là nói về con én bên Tàu. Ở xứ lạnh, mùa rét én đi mùa ấm én về; chứ còn ta mùa nào mà chẳng có én quanh mình? Ở các bờ biển Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, người ta gỡ tổ yến đợt chót cho đến cuối tháng bảy âm lịch mới xong.Én ăn gì, ta cũng không biết. Ta gọi một thứ én muỗi, một thứ én... cỏ! Có người bảo nó ăn rau câu ngoài bể, cho nên tổ nó giống như kết bằng rau câu. Có người bảo nó ăn bọt bể. Lại không biết có người nào đó thuyết phục ông cố Alexandre de Rhodes rằng con én Khánh Hòa nó tìm hút nhựa cây trầm hương, cho nên tổ của nó thơm tho! Vất vả thay con én Khánh Hòa!Cái ăn đã thế, cái chết của én càng bí mật. Những người thợ lấy tổ yến, sống chín tháng mỗi năm ngoài đảo cô quạnh, từ năm này sang năm khác, đều ngơ ngác hỏi nhau: Én nó chết ở đâu nhỉ? Những con én già nó xuống nước trở về làm bọt nước chăng? Nó lên trời theo ông Thiên Vương Phù Đổng chăng? Không ai ăn thịt én, sao mà cũng chẳng ai thấy xác én? Họa hoằn mới có một con én chết vì tai nạn bên tổ, thì xác nó không rữa không thối mà khô đét lại như xác ướp các ông vua Ai-cập: cái gì lạ vậy?Thế rồi lại còn giấc ngủ của loài én. Có ai trông thấy một con én nhác nhớn ngủ vào giờ nào chăng? Những người làm nghề giữ tổ yến, bóc tổ yến, sống với yến nhiều năm vẫn bảo rằng yến làm tổ ríu ra ríu rít suốt đêm, còn ban ngày nó bay vụt ra ngoài khơi biền biệt.Chim đêm là nó, chim ngày cũng là nó. Nó sống vội sống vã. “Bỉnh chúc dạ du”, nhà thơ có ý thức nhất về cái ngắn ngủi của kiếp sống cũng không vội vã hơn con én.Cái ăn cái bay của lòai én đã làm tôi khoái nó muốn chết hồi thơ ấu.Trên ruộng lúa tháng ba vừa cắt xong, không biết én nó tìm đớp con muỗi con mòng hay con sâu con bọ gì mà nó bay thật thấp, nó ngoặc những đường tới lui thật bất ngờ. Trông én bay chừng vài ba chục con như thế, nó rộn ràng, vui không chịu được: đứa trẻ tiếc mình không cánh, nôn nao cả ruột gan. Én nó bay ngang tầm tay, hay thấp dưới đầu gối, từ xa nó lao tới như muốn đâm ngay vào bụng mình, đột nhiên nó lách qua một bên. Lúc nào đứa trẻ cũng tưởng có thể chộp lấy một con én dễ như chơi, nên múa tay khoa chân lung tung, nhưng dĩ nhiên không bao giờ xảy ra cái chuyện hoang đường trẻ bắt én bằng tay không giữa đồng! Không có đâu.Dù không bắt được cũng không giận được. Đứa trẻ bị én nó trêu chọc vẫn có cảm tình với loài chim trời duy nhất biết đùa giỡn, nghịch ngợm, “chịu chơi”.Bay hình chữ ất là bay một cách đáng yêu như thế.Đến như giờ giấc sinh hoạt của én, về sau này lớn lên, đi đây đi đó, tôi không ngớt ngạc nhiên.Sau một ngày đường vất vả, đến một thành phố lạ, bạn vất hành lý ở lữ xá, dạo xem mấy đường phố qua loa, ăn tối, rồi đánh một giấc li bì. Nếu tại lữ điếm, dưới mái ngói mà có một đàn én, thì cái lúc thức giấc của bạn vào buổi sáng hôm sau sẽ là tuyệt vời.Đêm lữ thứ mà gặp nhà trọ nuôi bồ câu, thì mờ sáng khách sẽ rầu thúi ruột về cái tiếng rì rầm, đùng đục, cái lối âu yếm rầu rĩ, làm hỏng cả buổi bình minh. Trái lại, tiếng én kêu là cả một sự tưng bừng. “Chrirr... chrirr...” Én kêu như thể ta chụp mạnh tay xuống một con chút chít, đệm không khí vồng lên, dội lên, rung rung. Như thứ lò-xo âm thanh khua rung không gian.Năm giờ, năm rưỡi. Một lúc nào đó, trời hãy còn tối, nhưng én nó đã bắt được tin vui, đã chộp được dấu hiệu bình minh. Thế là “chrirr.. chrirr...” Ban đầu thưa thớt một con én, vài con én kêu. Rồi mỗi lúc sự hưởng ứng mỗi rộng rãi, khắp trời.Bạn xô một cánh cửa sổ, nhìn ra: Vẫn còn tối. Trên bầu trời hãy còn tinh tú nhấp nháy, không thể phân biệt tăm dạng một bóng chim nào, tất nhiên càng không thể trông thấy một dáng én tí tẹo. Nhìn xuống phố xá hãy còn vắng tanh. Bất quá ở một bãi đất trống, ở một góc đường, thơ thẩn mấy con chó con mèo... Thế mà én đã rộn ràng.Thế rồi, một lát sau, sinh hoạt thành phố mới bắt đầu bằng tiếng rao hàng của mấy đứa trẻ: “Mì nóng đây! Mì ngọt, mì lạt!”, bằng bóng người chệt già lom khom đạp chiếc xe, miệng hít mạnh một khói thuốc cho ấm, chở đi không biết món hàng cồng kềnh gì sau poọc-ba-ga... Rồi tiếng xe gắn máy, tiếng cửa lùa mở từ đầu phố này đến cuối phố nọ... Thành phố đã tỉnh dậy, dưới đất.Trên trời, én như được khuyến khích, như đắc thắng, càng ríu rít hơn. Bây giờ trên nền trời xanh bạc đã trông thấy những cánh én lao tới lao lui, rộn cả lên. Chrirr... Chrirr... nó cuống quít, nôn nao, rộn rực một niềm vui không chịu được, niềm vui rung lên trong tiếng kêu.Nhào lộn ngoài trời một lát, lại có một con én bay vụt vào dưới mái ngói, đến sát bên cạnh tổ, nó chao qua chao lại, chập chờn cặp cánh nhọn như vẫy chào cái tổ rồi bay vụt đi. Nó không vào tổ, nó không đậu, không nghỉ, nhưng nó trở về, ghé chào, rồi ra đi. Không hiểu tại sao vậy.Chỉ biết, đối với du khách, những tiếng kêu mừng như thế trong buổi bình minh, dáng én lao xao bên cửa sổ lúc mờ sáng, những cái ấy làm cho tách cà-phê uống đầu tiên, tô hủ tíu ăn trong bữa lót dạ đầu tiên ở thành phố lạ được thêm thú vị. Không sao? Trước niềm vui của đàn én, người khách vô tình nhất cũng không ngăn được một cảm tưởng lạc quan, yêu đời. Giữa đô thị, được đánh thức bằng tiếng chim như thế, trong không khí lành lạnh của tinh sương, khoác vội chiếc áo, xỏ chân vào dép, bước đi trong tiếng đôn đốc, giục giã của đàn én sớm, tìm gấp một quán cà-phê, mở con mắt không thành kiến ngơ ngác nhìn vào cái bắt đầu của một quang cảnh sinh hoạt mới lạ, như thể mở ra một cuốn sách mới mua về, mới đọc thử mấy trang... Như vậy chẳng cũng sướng sao?Riêng phần tôi, tôi không quên được mấy chú én tiễn biệt lần đến chơi Hà Tiên cách đây hai năm.Hôm rời Hà Tiên về, chúng tôi dậy thật sớm. Trời bên ngoài hãy còn tối, chúng tôi bật đèn trong phòng lên. Phòng ngủ trông ra bờ sông, bên kia sông là ngọn núi Tô Châu.Chúng tôi còn đang xếp mấy món đồ vào va-li thì bỗng đâu một chú én lao vào mùng, đậu trên mép giường, nhìn ngơ ngác. Một chú rồi một chú khác, một chú nữa... Én vốn lanh lẹn; tôi không hiểu tính nết, tập quán của én ở đây nó ra làm sao mà khiến tôi bắt được rất dễ dàng mấy chú én trong phòng.Lấy cặp ra, mở phẹc-mờ-tuya, bỏ én vào làm chút kỷ niệm. Tám giờ sáng, bước xuống một chiếc giang tốc đỉnh, ngồi một lát tôi chợt nghe bên mình có tiếng lẹt sẹt kín đáo, rụt rè. Nhìn lại: thì là tiếng phát ra từ cái cặp da. À! Tôi nhớ ra hai chú én bị nhốt. Hẳn là hai chú muốn nhắc nhở điều gì. Tôi kéo phẹc-mờ-tuya hé ra một chút; trong ngăn cặp tối một cặp mắt long lanh, một cái đầu thò lên, dò hỏi. Không thấy tôi phản đối, chú én vụt lao ra. Một chú rồi hai chú.Phải chứ, đến với nhau một chút cho vui vậy thôi. Khách đã lên đường, đây là lúc én trở về với núi Tô Châu chứ.Tôi cũng không quên cái đêm ở Phan Thiết. Buổi chiều lỡ một chuyến bay, phải ở lại một đêm bất đắc dĩ với tất cả sự bồn chồn lo lắng về bao nhiêu công việc dở dang ở Sài Gòn.Tôi trở về một phòng ngủ cũ kỹ bên bờ sông. Mới chạng vạng tối, én đã ré lên, rít lên quanh nhà. Tiếng kêu rối rít, điệu bay rối rít làm bấn loạn ruột gan.Đêm đến, mười giờ, trời bắt đầu mưa. Kẻ lỡ tàu thao thức nghĩ đến căn bệnh của người thân trong gia đình đang còn nằm bệnh viện, nghĩ đến một tòa soạn đang chờ bài, đến một cuộc hẹn lỡ làng, một ngày kỵ giỗ gần kề, vài lời nói thất thố đang ám ảnh mãi, gây cảm tưởng bất an khó chịu v.v... Bên ngoài, én vẫn ríu rít trong tiếng mưa đêm.Vào khoảng một giờ sáng, mưa như ngớt tạnh, người đã mệt lả trong những nghĩ ngợi triền miên. Khoảng ba bốn giờ, mưa lại đổ nhẹ trên mái ngói. Và bên sông, trong mưa vẫn xen vào tiếng én.Trời! Én nó thức làm gì mà đêm hôm khuya khoắt, và gió mưa dầm dề nó vẫn không ngừng kêu, mà tiếng chim luôn luôn lẽo đẽo quanh quẩn bên mối ưu tư của khách vậy? Mà nó thành ra một thứ bạn tâm tình cố thiết không rời nhau suốt năm canh dằng dặc của những khách lữ thứ bồn chồn thấp thỏm vậy? Việc kiếm sống của nó khó khăn đến thế sao? Một tinh thần nại khổ như vậy đáng được tưởng thưởng, ít ra bằng cái chất nhựa trầm hương thơm tho hiếm hoi của ông giáo sĩ Đắc Lộ mới được.12 - 1973