THÀNH PHỐ BUỒN
Hồi 1

Chuyến xe từ Đà Lạt vào thành phố Sài gòn lúc tám giờ mười lăm phút.
Đến gần mười giờ xe mới tới bến được. Chưa bao giờ Khuyên chịu đựng một cảnh kẹt xe lâu tới thế. Mọi người trong xe ai cũng văng tục. Lúc xe còn nối đuôi từng dọc dài, ông tài xế cũng cáu tiết, ông ta bấm còi inh ỏi mặc dù buổi tối, theo luật giao thông cấm bóp còi. Mỗi tiếng còi xe tin tin như bấm vào trái tim của Khuyên đang nôn nao.
Sốt ruột quá. Khuyên kêu thầm mãi.
Cho tới khi xe tới bến Khuyên còn phải bị kẹt lại trong xe hơn mười phút mới xuống được. Xuống được xe lại còn cái nạn tìm tắc xi. Lúc này bao nhiêu tắc xi còn trực ở trước cửa phòng trà, trước những cái bar, trước rạp ciné và cải lương. Khuyên đứng dưới lề đường, mỗi lần có chiếc xe nào đi qua cũng ngoắc rối rít. Nhưng xe nào cũng có người, đôi khi xe trống nhưng người tài xế thò đầu ra lắc lắc tỏ vẻ không chịu rước. Cái gọi được thì hành khách tranh mất.
Hành khách cùng chuyến xe với Khuyên toàn đàn bà với đàn ông đứng tuổi. Họ không ga lăng chút nào cả. Khuyên bực mấy chú tài tắc xi thì ít mà bực mấy người đàn ông tranh bước của Khuyên thì nhiều. Khuyên cứ đi bộ tới trước được một chút thì họ lại bước lên đứng đón phía trước Khuyên ngay liền. Cái xách tay quá nặng làm Khuyên bước đi muốn té nhào tới trước. Buổi sáng khi rút con bài bói thử thời vận, Giao tính toán một hồi rồi nói:
- Hôm nay mày đi thế nào cũng có lắm cái bực mình. Mày thật đồ khùng, ngày nào không đi lại chọn ngày năm cùng tháng hết mà đi. Xui là phải.
Khuyên ra bến xe mua được vé. Khi lên xe rồi, Khuyên nói với Giao:
- Cô thầy non ơi, tao lên xe, bây giờ chỉ đợi có về tới nhà. Nói cho mày biết, chiều nay tao sẽ tới, sẽ gặp người ta. Tối nay người ta sẽ ngạc nhiên tới ngất xỉu.
Giao cười mũi. Cái lối cười mũi của Giao rất đểu.
- Coi chừng, đi về thình lình, không báo trước bắt được người ta ngoại tình rồi chết giấc luôn.
Không bao giờ Khuyên tin điều đó có thể xảy ra được. Giao nó có thể nghĩ như thế vì nó có rất nhiều mối tình trời ơi đất hỡi. Nhớ lại cái cười mũi của Giao, Khuyên thấy giận bạn ghê gớm. E nó cứ cầu cho Khuyên gặp chuyện bực mình hoài hủy.
Chờ lâu lắm mới có một chiếc xe xích lô đạp đi tới gần. Cái bà đứng tuổi nảy giờ lấn đứng trước mặt Khuyên nhào ra liền. Bà ì à ì ạch xách hai tay hai cái xách lớn, lồng thêm vào vai một cái ví màu đen căng tròn. Chiếc xích lô từ từ chậm lại, qua chỗ người đàn bà đứng nhưng còn đà trường thêm tới đằng trước và may mắn dừng lại trước mặt Khuyên. Trong lúc người đàn bà ì à ì ạch đi tới nữa. Khuyên leo thốc lên xe. Người đàn bà đứng khựng lại:
- Ơ hay cái cô này, xe người ta vẫy lại leo lên.
Khuyên làm mặt lì. Người đàn ông đứng tuổi đạp xe xích lô vừa đẩy xe để lấy đà nhảy lên đạp, vừa trả lời:
- Thôi bà cố nội. Bà chừng đó ký lô thêm chừng đó thứ phụ tùng bù lon đinh ốc, ông nội tui đạp cũng không nổi.
Khuyên bật cười. Lòng nàng reo vui một cách ích kỷ. Sự sung sướng vừa trẻ con, vừa độc ác như khi đang ngồi học, thấy một con muỗi đậu nơi cái chụp đèn, Khuyên rình mò để hai bàn tay cho ngay rồi đập đập hai bàn tay lại, dở tay ra thấy xác con muỗi. Sự yên tâm một cách thỏa mãn, tâm thần gật gù một cách khóai trá. Khuyên liên tưởng tới khuôn mặt người đàn bà bị đứng lại mà quên ngay nỗi bực dọc chờ đợi của mình vừa mới mắc phải như người đàn bà kia.
- Cô đi về đâu?
- Bác cho tôi lên Đa kao, rẽ vào đường Trần văn Thạch.
- Cô cho ba trăm nghe.
Khuyên giật thót người:
- Trời ơi, bác lấy gì nhiều dữ vậy. Đây về đó có chút xíu.
- Ba trăm là rẻ, tụi nó lấy một cuốc xe cuối năm sáu trăm bạc.
- Tui là học sinh, chớ có phải Mỹ đâu mà bác tình nhiều vậy.
- Thời buổi này nhìn ai cũng như ai, biết sao mà nói được. Tui đi xe thì tui tính giá cả như nhau.
Khuyên cố kỳ kèo:
- Bác lấy hai trăm thôi bác. Tui đâu có nhiều tiền.
- Các cô bây giờ chán gì tiền. Cô tiếc chi trăm bạc cô.
Giọng người đàn ông phu xe đểu giả làm Khuyên nóng mặt. Nàng đành ngồi im. Sự mừng rỡ tìm được chiếc xe để về nhà biến mất, nàng lại bắt đầu bực mình. Khuyên không tính về Sài gòn ăn Tết, nàng đã gữi thư về báo tin ở lại Đà Lạt, và đã nhận được tiền của anh, của chị, của ba me gửi lên cho tiêu Tết. Đến ngày 29, Khuyên cảm thấy nhớ nhà ghê gớm. Nàng sợ đêm Giao Thừa nàng chịu không nỗi cảnh cô đơn, nên quyết định trở về. Giao than phiền Khuyên nhiều nhất vì hai đứa đã quyết định ở lại ăn Tết với nhau. Khi nghe tin Khuyên tỏ ý về Sài gòn, Giao kêu:
- Cóc chịu nổi mày, ba hồi này ba hồi nọ.....
- Tao nhớ nhà quá.
- Khỏi, tao biết. Mày nhớ Việt thì có. Gớm, chàng mới có đổi về Sài gòn có gần một tháng mà quýnh lên.
- Mày nghĩ sao cũng được.
- Mà mày cũng nên về để coi tình ý chàng ra sao? Tao nghi quá, cái bản mặt đó nhiều đào lắm nghe. Tao coi tướng thấy rõ hai con mắt đào hoa, chắc tử vi có riêu y đi kèm rồi.
Thành phố vắng vẻ hơn thường lệ, lúc này người ta đang dồn ứ trong những ngôi nhà để đón giao thừa. Khuyên biết chắc là nàng đã trễ nãi hết mọi việc. Theo dự tính Khuyên định về nhà vào buổi chiều, cả nhà chắc sẽ ngạc nhiên lắm. Tịnh và Hiền sẽ ôm cứng lấy Khuyên, ba đứa kéo nhau vào phòng riêng tha hồ mà nói chuyện. Nhưng như vậy cũng không được. Khuyên phải tới thăm Việt nữa. Có nên kéo Tịnh hay Hiền đi theo không? Đó cũng là điều thắc mắc của Khuyên khi ngồi trên xe đò. Bây giờ thì hết rồi.
Chiếc xe xích lô như muốn ngừng lại Khuyên đưa tay chỉ tới đằng trước:
- Tới một đoạn nữa bác. Đàng cuối đường kia kìa.
- Có ba trăm bạc mà đi xa quá trời.
Người phu xe cằn nhằn. Ngày cuối năm gặp một người phu xe như thế này còn đỡ, mồng một mồng hai mà gặp thì chắc xui cả năm. Khuyên tự an ủi. Và muốn cho lòng mình được vui vẻ, đỡ nhớ tới cái bản mặt của ông ta, khi xuống xe Khuyên còn cho thêm mấy chục bạc lẻ nữa. Hắn mỉm cười, dù không nói tiếng cảm ơn, nhưng với nụ cười mừng rỡ đó, Khuyên cũng cảm thấy yên lòng đôi chút. Hai cánh cổng được gài chặt ở bên trong. Sao đèn đuốc tối tăm thế này. Khuyên nhìn vào nhà, qua cái sân rộng, hình như không có đèn ở phòng khách. Khuyên đoán cả nhà đang tụ tập ở phòng ăn hay ở một phòng nào phía sau. Có thể ba me đã đi đến xin thẻ ở Lăng Ông hay đi chùa. Còn Tịnh và Hiền dám đi dự tiệc ở đâu lắm.
Gọi cửa, bấm chuông rất lâu mới có người đi ra sân. Bà vú già vừa điếc vừa ngọng. Khuyên rối rít:
- Mở cửa, mở cửa u già.
- Ai?
Bà vú nhướng mắt nhìn Khuyên một lúc mới nhận ra, nhận ra rồi cũng chưa vội mừng mà còn chậm rãi:
- Cô Khuyên phải không?
- Cô Khuyên đây. Mở cửa mau. Đứng ngoài đường hoài sốt ruột quá trời.
- Nhà đi vắng hết rồi cô.
- Ủa nhà vắng, thì cũng mở cửa cho tôi vào với chớ.
- Ông bà, mấy cô mấy cậu đi vắng hết.
Khuyên nói như hét:
- Tôi nghe rồi. Mau mở cửa cho tôi chứ.
-Dạ, cô nói chi?
- Trời ơi mở cửa ra đi.
Tiếng kêu giận dữ của Khuyên đã lọt vào lỗ tai người đàn bà già nua. U già hối hả mở hai cánh cửa rồi lệt bệt xách cái xách tay cho Khuyên.
- Cô đứng đó để tôi vô bật đèn.
- Sao đèn đuốc tối thui thế này.
- Dạ, nhà đi hết mà.
- Tôi hỏi sao không bật đèn.
U già như không nghe, đi nhanh tới đằng trước. U khuất vào cửa hông, Khuyên đứng trước thềm nhà đợi. Ngọn điện trước nhà bật sáng, cánh cửa phòng khách mở rồi những ngọn điện trong phòng khách được tuần tự bật lên hết. Sự trống trải của gian phòng khách làm Khuyên chưng hửng.
- Ủa sao lạnh tanh thế này.
Khuyên quay lại, u già đã đi đâu mất, nàng lại gọi lớn:
- U ơi, u!
Một lúc sau u già mới lật đật đi ra, cái khăn còn vắt trên vai:
- Tôi quét phòng cô Hiền cho cô ngủ.
- Vậy nhà đi đâu hết. Ba mẹ tôi bao giờ mới về hả u?
- Ông bà và mấy cậu về Vĩnh Long ăn Tết rồi. Mồng hai mới lên.
Khuyên ngồi phịch xuống ghế sa lông. Mấy ngọn đèn như vừa mờ đi một lúc.
Khuyên vừa buồn, vừa giận, giận cả nàng và giận đủ mọi thứ.
- Mời cô đi nghỉ. Khuya rồi.
Khuyên trợn mắt nhìn u già, nàng tính gây u một lúc cho hả giận, nhưng nàng cũng vừa nhận ra sự vô lý của mình. Khuyên chán nản:
- U để mặc tôi.
- Cô dùng sữa không tôi đi pha.
- Kệ tôi mà u. U đi nghỉ đi.
- Dạ, để tôi đi đóng cửa. Ông bà dặn dò kỹ lắm. Dạo này trộm đạo như rươi cô ơi.
- Ừ.
- Sao cô về mà không báo cho ông bà hay.
Thấy Khuyên làm thinh, u già lật đật đi ra, khép cửa lại.
Đồng hồ đổ một tiếng lẻ. Khuyên đưa tay che miệng ngáp. Cái ngáp vừa buồn ngủ vừa ngao ngán. U gì lại mời Khuyên đi nghỉ. Chợt nhớ tới Việt, Khuyên hỏi:
- Ở đây mấy giờ giới nghiêm.
- Dạ, đêm nay không giới nghiêm mà cô.
Lòng Khuyên chợt lóe lên một hy vọng. Nhưng hy vọng đó cũng tắt ngay. Khuyên biết giờ này Việt cũng không có nhà. Có thể chàng ăn Tết ở một gia đình người quen nào đó như trong thư nàng viết.
Khuyên đi vào phòng Hiền. Chiếc bàn học của Hiền đã được thu dọn ngăn nắp. Trên bàn tấm ảnh chụp hai chị em Hiền và Khuyên đang ôm nhau tươi cười. Ngăn kéo khóa, chiếc chìa khóa dấu dưới mấy chồng sách, Khuyên tìm được. Nàng mở ngăn kéo của em. Mấy lá thư của Khuyên viết từ Đà Lạt và một lá thư của Hiền viết dở dang. Tò mò Khuyên cầm lên đọc.
Lại lá thư Hiền viết gửi cho Khuyên. Tụi này sắp về quê ăn tết, chắc vui ghê lắm. Ở Đà Lạt Khuyên ăn tết sẽ buồn. Thôi chịu khó khi Hiền về sẽ viết tiếp sẽ kể chuyện cho mà nghe. Lá thư không đầu không đuôi. Cuốn nhật ký nhỏ của Hiền: Ê, chị Khuyên có kép, chị Khuyên không còn thì giờ nghĩ tới mình nữa, mình ghen ghê quá. Tết này chị không về cho mình cấu chị cho đã tức. Tức ghê đi Khuyên ơi.
Chị em Khuyên thường gọi nhau bằng tên. Hiền năm nay mười sáu. Cầu trời em chưa biết gì, em còn ngây thơ. Khuyên nhìn lại tấm ảnh, nụ cười của Hiền tươi hơn nụ cười của Khuyên nhiều. Chắc Hiền sẽ sung sướng.
Đêm nay, Khuyên sẽ đón giao thừa một mình. Con Giao nói đúng. Bây giờ ở Đà Lạt một mình trong phòng trọ, chắc Giao đang nguyền rủa Khuyên. Giao sẽ tưởng tượng đủ thứ. Hắn cho mình đang sum họp, đang vui chơi và quên hắn, Khuyên nghĩ tới mình và thương bạn hơn.
U già nấu xong ấm nước sôi, pha trà thì cũng vừa tới giờ giao thừa. Khuyên thay áo. Dù một mình, Khuyên cũng phải đón giao thừa. Khuyên nhìn lên tường, tờ lịch ai đã bóc sẵn. Năm mới đang rình rập, leo vào tới chân thềm, chỉ chờ tiếng pháo nổ, năm mới sẽ tràn vào đầy ắp.

Tụi bạn bỗng nhiên nhốn nháo, xầm xì về Nguyễn suốt ngày. Nó làm sao ấy. Nó thay đổi quá chừng. Sa sút nặng. Chắc con nhỏ thất tình. Mà thất tình ai? Đứa thân nhất của Nguyễn cũng chưa hề biết sự giao du giữa Nguyễn và anh chàng. Chúng chỉ đoán mò, dựng những chuyện như chuyện thần thoại. Chắc mê ông giáo rồi. Chuyện này không có Nguyễn. Không bao giờ có Nguyễn hết, vì giáo sư là giáo sư. Học ông một vài năm, đã ớn, đem yêu ông giáo sư đã dạy dổ mình một đời. Liều tận mạng. Kệ, cho chúng hiểu lầm. Nguyễn đang cần im lặng, đang cần được lãng quên.
Rồi thời gian sẽ giúp Nguyễn. Thời gian thân ái.
Có thể, Nguyễn sẽ quên được anh chàng có cái tên bổ túc cho Nguyễn, Nguyễn Ngọc Diệp. Nhưng nhiều khi, Nguyễn không tin bói toán, mà cũng phải nương tựa vào sự bói toán để đổ thừa cho những trường hợp đặc biệt xảy ra trong đời. Anh chàng không tha Nguyễn. Tránh mặt anh chàng được một tuần lễ. Nguyễn bị anh chàng tóm ở một đầu đường khác. Hai xe song song, và anh chàng thở dài, giọng bâng quơ:
- Trời hôm nay đẹp lạ.
Nguyễn đã tính rú ga, phóng xe đi trước rồi. Nhưng Nguyễn biết tánh anh chàng, chắc chắn sẽ đuổi theo. Rượt đuổi nhau trên đường để làm trò cho thiên hạ sao. Nguyễn uất ức chịu thua anh chàng. Nguyễn đưa mắt nhìn đi chổ khác, làm như không nghe.
- Trời đẹp, chắc phải ra bờ sông chớ, Nguyễn?
Ơ....Nguyễn đang giận lòng mình ghê gớm. Lòng Nguyễn đang mềm dần, mềm dần. Anh chàng sành tâm lý, đợi lúc Nguyễn trố mắt ngó anh, anh chàng chớp mắt mỉm cười. Trong mắt đẩy ra một làn thương nhớ, mê hoặc. Thế là Nguyễn thua nữa.
- Đừng trẻ con thế Nguyễn. Anh rất nhớ em.
Bàn tay Nguyễn run run. Bàn tay cũa Nguyễn cũng rất nhớ. Rồi trái tim đập loạn xạ. Rất nhớ. Đó, bàn tay, trái tim đều phản đối trí óc của Nguyễn. Lại thua. Thua nên mới ứa nước mắt:
- Nguyễn ơi. Anh tiếc giọt nước mắt của em quá. Đừng để rơi ngoài đường như vậy. Anh rất yêu em.
Nguyễn bủn rủn. Cầm ghi đông xe không nổi nữa. Nhưng ở một nơi nào khác kia. Bây giờ, đang đi ở đường, Nguyễn không thể té. Và vì câu nói của anh chàng, nước mắt Nguyễn rơi ghê lắm.
Nước mắt không bao giờ đem tới sự hên cả. Đúng lúc đó, không biết tình cờ hay đã theo dõi từ trước. Anh Thương xuất hiện. Anh thấy những giọt nước mắt của Nguyễn. Chỉ thoáng ngạc nhiên thôi. Anh chận đầu xe của hai người lại. Anh đã vì em gái mà tưởng tượng đủ chuyện. Thằng lưu manh ức hiếp gì em tao? Thằng sở khanh tính lợi dụng gì? Thằng khốn nạn chọc ghẹo em người ta đến phải khóc giữa đường. Và anh thương, không cần hỏi đầu đuôi gì hết, sấn sổ:
- Khốn nạn. Mầy giở thói gì vậy, heo chó hả?
Diệp hơi sửng sốt. Có lẽ anh chàng định nói gì mà đưa tay lên. Để phân trần? Nhưng anh Thương nghiến răng giận dữ:
- Này chọc gái...
Bốp. Một cái tát hằn lên má Diệp. Nguyễn đưa tay lên che miệng. Nhưng không bịt kín tiếng kêu thảnh thốt: "Anh Thương, đừng..." Hình như anh chàng đang âm mưu một chuyện gì. Diệp mím môi, nắm tay lại. Nguyễn chụp tay anh:
- Đừng anh Diệp.
Anh Thương hơi sững sốt. Anh ngó Nguyễn.
- Mày có về không? Mày chết nghe chưa.
Anh Thương lại đưa đưa tay lên nữa. Nhưng giọng Diệp lạnh như băng:
- Vì anh là anh của Nguyễn, tôi cho anh nợ cái tát. Nhưng anh đụng vào Nguyễn, tôi làm thịt anh tại đây.
- Về.
Anh Thương thả tay, nói như hét. Nhưng Nguyễn đã chán ghét anh Thương quá. Diệp đã vì Nguyễn mà chịu nhục. Thì đó, bao nhiêu người đã dừng xe lại vây quanh, chờ xem một màn đấu võ miễn phí. Hai con gà trống kình nhau vì mái xùy. Nguyễn nghe rõ. Và giọng cười của đám người đứng coi, soi lủng tim Nguyễn.
- Em đi với anh.
Nguyễn gật đầu. Bất cần thiên hạ. Bất cần anh Thương. Nguyễn lau nước mắt, mỉm cười leo lên xe. Diệp theo sau. Để lại anh Thương. Anh cũng phải chuồn gấp, chớ đứng để làm bia cho thiên hạ. Chỉ có mấy phút. Không đến nỗi dài thế đâu. Chừng chục cái tíc tắc. Vậy mà lâu ơi là lâu. Thời gian dừng lại, chết giấc ở đó. Chuyện vừa xảy ra, còn như in, mà sao với Nguyễn, không tưởng tượng nổi. Như là trong mộng vậy.
Lòng Nguyễn rối như tơ. Cái tát của anh Thương phàm phu quá. Câu mắng chửi của anh cũng tục tĩu, thiếu nhân cách. Tại sao anh làm thế nhỉ? Anh Thương hằng ngày, đâu đến nổi nào. Nguyễn chết từng khúc ruột vì cử chỉ của Diệp. Nếu lúc đó, Diệp đánh lại, chửi lại,có phải Nguyễn giải quyết dễ dàng không? Nguyễn sẽ chán ghét cả hai người. Ừ, ở đó mà đánh nhau. Đánh nhau chết đi. Nguyễn chán nghét tất cả. Hoặc anh Thương điềm đạm, nghiêm khắc, Nguyễn cũng khó xử chớ. Giữa anh và người yêu. Chắc Nguyễn sẽ ríu ríu theo anh Thương về nhà. Nhưng anh Thương đã làm hỏng chuyện. Đã làm hỏng chuyện anh trước mắt Nguyễn. Cũng không quan trọng bằng trước mắt Diệp. Nguyễn không thể bỏ Diệp một mình với đám đông, với một cái tát in trên má. Nếu Diệp đánh lại, nếu không hơn anh Thương thì cũng chẳng thua. Diệp không làm thế, không phải vì sợ anh Thương mà vì mình. Vì Nguyễn. Ôi Diệp. Diệp đã làm Nguyễn chín thêm một chút nữa. Không chín mùi mới đúng.
Không ai nói gì mà cả hai xe đều song song ra bờ sông. Cả hai ngồi ở quán cũ. Nơi Nguyễn uống chút khói, chút hơi thở của Diệp lần đầu.
- Bỏ cái mặt rầu rỉ đó đi. Nguyễn.
Anh chàng đưa tay ra. Nguyễn để cho anh chàng cầm tay mình. Choáng váng ngây ngất. Bàn tay, nhớ nhau lâu rồi, bây giờ không cuống quít sao được.
- Nguyễn à,

Xem Tiếp »