Phần Thứ Bảy

Ở nhà tù ra Trương đi quanh quẩn mãi. Chàng có cái sung sướng ngây ngất của một người đi xa lâu năm sắp được về thăm quê nhà. Chàng ngồi xuống một chiếc ghế ở vườn hoa và tự nhủ thầm:
Sắp sửa được trông thấy mặt Thu.
Nghĩ đến đấy, lòng nở ra và chàng thầm nhắc lại câu ấy hai ba lần để nhận được rõ hơn cái vui sướng của lòng mình.
Chàng ngửng nhìn trời qua những cành long não lá non và trong: Chàng thấy mình như trở lại hồi còn bé dại, lâng lâng nhẹ nhàng tưởng mình vẫn còn sống một đời ngây thơ trong sạch và bao nhiêu tôi lỗi của chàng tiêu tán đi đâu mất hết. Vòm trời cao lúc đó, Trương nhận thấy thân mật, êm dịu như vòm trời ở phía sau nhà đã bao lần chàng nhìn thấy mỗi khi ra thăm vườn rau của mẹ chàng.
Sự liên tưởng gợi chàng nghĩ đến Nhan và miếng đất năm mẫu chàng đã viết giấy nhường cho ông bà Thiêm.
Ở Hà Nội khó lòng có cách sống. Tốt hơn hết là về làng rồi lấy Nhan làm vợ: Sống yên ổn với Nhan trên đất nhà mình. Theo đuổi Thu mãi vừa khổ cho Thu vừa khổ cho mình. Nếu lần này nữa...
Trương thấy trước rằng cái đời sống túng bấn của chàng ở Hà Nội rồi sẽ làm tiêu tan hết đôi chút lương tâm còn lại trong lòng chàng, và sẽ khiến chàng phạm đến những tội lỗi rất lớn một khi chàng gặp bước liều, không cần gì cả. Tuy đã bị tù tội vì thụt két, Trương vẫn còn thấy mình là một người lương thiện; Nhưng một ngày kia, không còn cách gì để sống, nếu cần đến, chàng biết là khó lòng giũ được lương thiện mãi. Trương mỉm cười loay hoay lấy mũi giày viết thành chữ xuống đất:
Biết là thế nào cũng chết mà còn phải gian giảo, ăn cắp, đi lừa để có cách sống! Ồ! Nếu đến nước ấy... Bây giờ mình lấy Nhan làm vợ thì ổn lắm,miễn là Nhan chịu lấy mình.
Chàng cúi nhìn chữ Nhan viết trên đất lẩm bẩm:
Kể ra thì Nhan cũng khá xinh, dễ thương.
Trương nhận thấy lần này là lần đầu tiên chàng để cho tư lợi đi đôi với ái tình, chàng nghĩ đến hôm vò nát bức thư của ông chú khuyên chàng nên lấy Phiên vì nhà Phiên giàu.
Thực tình chàng có yêu Nhan không, chàng cũng hiểu rõ, có một điều là bốn tháng ở trong tù, không một lần nào chàng nghĩ đến Nhan cả.
Mình chỉ nghĩ đến Thu thôi, nghĩa là thiếu Thu thì đời mình khổ. Như vậy cái cần của mình không phải là có tiền của, cơm áo, sống nghèo khổ đến đâu đi nữa cũng không sao, miễn là lúc nào cũng có Thu bên cạnh.
Đã bốn tháng nay chàng không được tin tức gì về Thu ca, ở trong nhà tù, những hôm mở cửa cho người nhà vào thăm. Trương vẫn thấp thỏm mong mỏi có người gọi đến tên mình chàng sẽ vui sướng đến đâu nếu người vào thăm lại chính là Thu.
Một ý tưởng vụt đến làm Trương thấy lạnh người. Hay là Thu đã quên mình rồi chăng? Thật ra Thu với mình chưa có gì liên lạc chắc chắn cả.
Chàng nhớ lại hôm ở Gô Đa. Hình như Thu chỉ sợ chứ không thật yêu, sợ và cố ý mong được thoát nợ chàng. Không có lý gì Thu yêu chàng cả, chàng nghĩ Thu yêu chàng quá chỉ vì chàng tưởng tượng quá ra như vậy thôihay có lẽ Thu cũng yêu chàng tự nhiên, yêu một cách vô lý như như chàng yêu Thu vô lý bấy lâu. Trương nghĩ đến làm cách nào để thử được tình yêu của Thu:
Lấy Thu thì cố nhiên không thể được rồi. Trước kia, họa chăng? Ừ nhỉ, dại quá, trước lấy quách Thu có phải xong không? Giờ thì chỉ còn một cách là rủ Thu đi trốn. Phải đấy, không xong thì ta sẽ về làng lấy Nhan.
Trương khoan khoái đứng lên, lấy làm thỏa mãn về các công việc sẽ xảy ra. Chàng sung sướng nghĩ đến cuộc đi trốn với Thu, đến cuộc đời sống ngoài xã hội, không có gì liên lạc với quá khứ nữa. Chàng sẽ lôi kéo Thu vào cuộc đời của chàng, hạ Thu xuống cùng một mực với mình, mất hẳn cái so lệch vẫn làm chàng bứt rứt khổ sở bao lâu.
Mai kia lên Hà Nội, chàng sẽ lại Chuyên, lại vừa để trêu chọc chơi, vừa để được yên tâm hẳn về bệnh của mình. Ở trong tù muốn được vào nằm tĩnh dưỡng ở nhà thương, Trương xin đi khám bệnh, chàng nói là mắc bệnh lao. Đốc tờ xem xong bảo là Trương bịa cớ chứ không ốm đau gì cả và đuổi Trương về nhà tù. Trương cho là họ khám sơ sài cốt cho xong chuyện, nhờ mấy tháng điều độ sống trong nhà tù. Khỏi bệnh, rủ được Thu trốn đi xa…
Thật là tuyệt! Có thể như thế được không?
Đến trước cửa hãng Sellé Frères, Trương ngừng lại nhìn và khi biết chắc chắn mọi người đều về cả rồi, chàng mới dám vào. Nhân chạy ra bắt tay:
Hừ, lâu lắm mới gặp.
Trương mỉm cười đáp:
Kể thì cũng khá lâu, nhất là đối với tôi. Giờ đến đây cốt vay tiền anh đi Hà Nội. Anh có gì cho tôi ăn với, đói lắm rồi.
Trương vừa nói vừa nhìn cái tủ két, chàng có cái ý muốn kỳ khôi đến gần để được sờ vào cái tủ két một lần nữa.
Nhân cười bảo Trương:
Anh nhớ nó phải không?
Trương xòe bàn tay khoan khoái nắm cái cạnh bàn tròn và cứng của chiếc tủ; chàng lấy tay gõ nhịp, và mỉm cười bảo Nhân:
Thế là trả xong nợ. Bốn tháng kể cũng nhẹ.
Nhân mời Trương ra hiệu ăn và cho vay mười đồng.
Trương nói:
Không chắc trả lại anh được.
Không trả được thì cũng coi như biếu anh số tiền đó. Khi nào hết thì lại xuống đây. Tôi vẫn có một thân một mình: ngủ ở kho, ăn ở hiệu, tắm ở sông. Chết chôn nghĩa địa.
Yên lặng một lát, rồi Nhân buồn rầu nói tiếp:
Đời buồn lắm. Không như đời anh đâu.
Trương từ biệt Nhân ra ga. Chàng ngẫm nghĩ về Nhân và tự nhủ:
Anh này rồi cũng đến như mình. Chưa gặp lúc đó thôi.
Lấy vé xong, ra đến sân ga thì tàu bắt đầu chạy. Trương tìm một chỗ khuất ngồi dựa đầu vào cánh cửa định ngủ đi một giấc. Chàng kéo dây mũ quẳng xuống dưới cằm cho gió khỏi bay:
Mất mũ, về Hà Nội với cái đầu trọc thì cũng khá buồn cười. Buồn cười nhất là nếu gặp Thu.
Trương lặng người đi một lúc vì cái ý nghĩ mình đã xa lắm rồi, đối với Thu chàng đã sụt xuống một bực rất thấp kém.
Nếu Thu vẫn yêu mình thì lần này mình đủ can đảm để xa Thu, khỏi lụy đến Thu. nhưng nếu Thu hất hủi mình, khinh rẻ mình thì…
Chàng thốt ra một tiếng kêu ngạc nhiên:
Hợp!
Hợp đừng dừng lại và khi nhận ra Trương chàng bất giác nhìn chung quanh xem ai là người quen không. Chàng ngồi ngay xuống cạnh Trương để cạnh Trương để tránh khỏi phải nói trong tiếng:
Anh mới ra?
Vừa mới ra sáng nay. Anh đi Hải Phòng làm gì thế?
Hôm nay cả nhà xuống đón anh Thăng tôi ở tây về chuyến tàu Compìegne.
Trương chỉ chú ý hai chữ "cả nhà".
Chắc có cả Thu trong đó.
Chàng nói với Hợp, giọng vui vẻ:
Anh Thăng về đấy à? Thích nhỉ. Ngồi đâu thế?
Ngồi ở trên hạng ba.
Thế à? Ta lên đi. Tôi muốn gặp anh ấy.
Hợp biết mình đã lỡ lời, nhưng không thể lùi lại được nữa, đành đưa Trương sang hạng ba.
Mới bước vào trong toa, Trương đã biết là có Thu ngồi trong đám người trước mặt, nhưng đến lúc bắt tay Thăng và Mỹ, nói xong vài câu chuyện, chàng mới dám nhìn Thu.
Lúc đó Thu ngồi xoay qua cửa sổ, đôi lông mày cau lại, có vẻ mải miết nhìn phong cảnh bên ngoài. Gió thổi hất cả tóc nàng xuống trán, xuống má. Trương bất giác lấy tay ấn mạnh mũ xuống đầu, sợ gió bay, chàng thấy lạnh ở gáy và hai bên thái dương.
Thăng hỏi Trương:
Hiện giờ anh làm gì?
Trương không biết trả lời ra sao nên vờ chưa nghe lọt câu hỏi.
Mỹ đáp hộ:
Anh ấy cũng học luật với chúng em. Nhưng anh ấy vì yếu phải nghỉ luôn.
Thăng nhìn Trương, Trương có cái cảm tưởng rằng Thăng chú ý đến gáy mình nhiều quá. Thăng nói:
Tôi trông thấy anh ấy khỏe đấy chứ. Phải cái người trắng quá. Chắc là ít dang nắng dang gió.
Trương cúi mặt, loay hoay đan mấy ngòn tay lại với nhau đặt trên đầu gối. Chàng thấy nóng bừng ở hai tai.
Hai tai mình lúc này chắc đỏ lăm. Ồ! Sao Mỹ lại nhìn mình dữ vậy. Chắc Mỹ và Hợp biết là mình đương xấu hổ về câ nói của Thăng. Thu chắc cũng nghe thấy…
Chàng đưa mắt nhìn Thu và thấy Thu vẫn mải miết ngắm phong cảnh ở ngoài. Đôi lông mày nàng vẫn cau lại như lúc nãy. Trương thấy mình giận Thu ứ lên cổ, giận Thu chưa nhìn lại chàng qua lấy một lần nào.
Chắc Thu còn xấu hổ hơn mình, xấu hổ lây vì mình… Hừ! Rồi Thu còn chán lúc xấu hổ hơn thế.
Trương thấy không thể giữ nổi được nữa.
Chàng nhìn Mỹ, nhìn Hợp rồi nói:
Tôi vì yếu một phần, một phần nữa vì tiền, vì chơi bời liều lĩnh. Liều gần như dại dột. Chẳng cứ gì một ai. Anh ở Pháp không biết, chứ thanh niên Việt Nam, một thanh niên lý tưởng, chưa sống đã già cỗi như sắp chết, biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuông tay để mặc cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa ắt là cái trụy lạc sẽ đến mau lắm.
Trương liếc nhìn Thu ngầm nghĩ:
Trông Thu lãnh đạm khó chịu tệ. Được rồi!
Chàng nói tiếp:
Anh nào nhiều tiền thì đâm ra chơi bời vong mạng, vẫn sáng trong đấy, vẫn được người ta kính trọng đấy, nhưng thực ra mục nát lắm rồi. Anh nào hết tiền…
Hợp nói xen vào một câu cố ý lảng snag chuyện khác, nhưng Trương cứ điềm tĩnh nói tiếp:
Hết tiền đâm ra lừa đảo, thụt két, tù tội bị người ta khinh. Nhưng đằng nào cũng mục nát như nhau, không hơn không kém. Hoàn cảnh không làm cho người ta phấn khởi. Chẳng giấu gì anh: tôi, tôi chán lạ. Một phần vì chán, một phần cũng vì yêu nên tôi…
Chàng sẽ nhấc mũ lên để hở ra một mảng tóc ngắn:
Anh Thăng, anh nhìn xem đây này…
Thu bỗng níu lấy thành cửa cúi đầu nhìn ra ngoài kêu lên một tiếng.
Trương thôi nói. Mọi người hỏi dồn:
Cái gì thế? Cái gì thế?
Đợi một lúc lâu. Thu mới đặt tay lên ngực mỉm cười nói:
Em sợ quá. Em vừa thấy hai con trâu nói chọi nhau. Lần đầu tiên em được nhìn thấy… Ghê cả người!
Mọi người cùng nhìn ra ngoài. Thu nói:
Chắc đã xa rồi.
Chỉ có một mình Trương hiểu là Thu đã bịa ra chuyện hai con trâu chọi nhau. Chàng khoan khoái đã làm cho Thu mất được vẻ lãnh đamo kiêu hãnh.
Đợi cho mọi người trở lại chỗ, Trương nói tiếp với Thăng:
Anh nhìn xem đây này. Tôi ốm quá nên phải nghỉ học. Bị sốt rét thương hàn anh ạ. Đến lúc khỏi, tóc cứ rụng mãi, rụng nhiều quá, tôi phải bảo thợ cạo trọc đầu đi.
Trương nhận thấy Mỹ, Hợp, và Thu đều có vẻ dễ chịu, được thoát khỏi cơn sợ chàng nói với Thăng rằng chàng vừa ở tù ra.
Trương ngẫm nghĩ:
Mỹ và Hợp sợ không phải vì mình mà chỉ vì các anh ấy sợ cho các anh ấy, ngượng vì có một người bạn xấu… Còn Thu… nếu bây giờ ai cũng biết rõ ràng Thu đã hôn mình thì Thu còn xấu hổ đến đâu. Nếu cần phải bịa ra chuyện mười con trâu chọi nhau, chắc Thu cũng bịa.
Trương vẫn lấy làm khó chịu rằng Thu không dám cả gan đường hoàng hỏi thăm chàng hay nhìn chàng một vài lần. Trước kia, khi đông người, Thu vẫn làm ra vẻ hững hờ với Trương để không ai nghi ngờ, nhất là bây giờ nàng phải giữ gìn hơn trước, nhưng Trương lúc đó chỉ cho là vì Thu sợ cho Thu quá, vì Thu đã xấu hổ và hối hận vì cái tình yêu đặt lầm chỗ. Trương cho là Thu sỡ dĩ không thèm nói với chàng một tiếng, không thèm nhìn chàng một lần là cốt tỏ cho chàng biết rằng từ nay chàng đừng nên tìm gặp nàng nữa.
Nghĩ vậy, Trương quay lại nhìn Thăng nói:
Ngày kia, thứ bảy đúng chín giờ đêm tôi sẽ lại thăm anh. Ta sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Trương nhận thấy rõ vẻ lo sợ trên nét mặt Mỹ. Chàng mỉm cười nói tiếp theo:
À, nhưng thôi để đến lúc khác. Tối thứ bảy đúng mười giờ đẹm tôi mắc bận một việc rất cần, cần lắm, một việc riêng mà mấy tháng nay tôi đợi mãi. Nếu hẹn anh chín giờ thì chỉ kịp đến trước cửa nhà, đứng đợi ở ngoài rồi lại đi ngay chứ không kịp vào nói chuyện lâu la.
Trương để ý nhìn Thu thấy Thu lắng tai nghe chăm chú. Chàng ngẫm nghĩ:
Chắc Thu đã hiểu.
Chàng tưởng tượng đến lúc mọi người cũng biết Thu và chàng trốn đi. Họ đã bàn tán rầm rộ đến đâu: một cô gái đẹp, con nhà giàu và danh giá trốn d9 với chàng trai thụt két mới ở tù ra, chắc là hai anh chị yêu nhau từ lâu và anh chàng chắc có bùa mới khiến cô ả mê đến nước ấy.
Yêu nhau đến không cần gì cả, không kể đến cha mẹ, đến xã hội. Chẳng biết Thu có thể là người yêu được đến bực ấy không? Nếu mình là con gái chắc mình có thể làm được vì phải như thế mới gọi là yêu. Giá không có sự rắc rối, cứ bằng phẳng, chưa chắc mình đã yêu Thu như thế này.
Xe lửa bắt đầu vào cầu sông Cái, Mỹ hỏiTrương:
Anh có đồ đạc gì ở bên kia không?
Trương chưa kịp trả lời, Hợp đã nói luôn:
Anh sang lấy đi. Sắp tới ga rồi.
Hợp đưa tay cho Trương:
Thôi chào anh lúc khác gặp nhau.
Trương hiểu ý là Mỹ Hợp muốn đuổi mình, sợ đến ga có bà Nghị, bà Bát và tất cả nhà ra đón. Thu chắc còn sợ hơn Mỹ và Hợp. Trương bắt tay Thăng bỏ sang bên hạng tư.
Thu ngẫm nghĩ:
Kể ra anh ấy cũng không phải là người xấu. Chắc có duyên do gì đây mình chưa biết rõ. Anh ấy yêu mình mà dám xin mình thứ gì đâu, nhiều cơ hội anh ấy có thể lợi dụng nhưng không một lần nào anh ấy có ý khác.
Thu nghĩ đến vài người quen khác cũng đã có lần phạm những tội xấu như lừa đảo hay thụt két, nàng nhìn họ vẫn hư thường không khinh không ghét, và coi như đó là việc riêng của họ. Nhưng lần đối với Trương, sao nàng lại thấy thụt két là hệ trọng đến như thế, có thể làm giá trị con người thấp kém đi nhiều lắm. Có lẽ nàng có cái cảm tưởng ấy không phải vì Trương thụt két như mọi người thường mà vì nàng vẫn mang máng đoán thấyTrương có cái ý muốn lạ lùng làm cho nhân phẩm mình mất dần đi. Thu sung sướng nhận thấy tình yêu của Trương không phiền lụy gì đến nàng. Nàng có mất gì đâu, vàTrương từ xưa đến nay lại rất kín đáo. Mỗi lần nghe người khác nhắc đến những hành vi xấu của Trương, Thu nghĩ ngay đến cái tính rất kín đáo ấy và nàng yên tâm không sợ nũa, khác nào một con ốc trước những nguy hiểm bên ngoài đã có cái vỏ để ẩn nấp được yên thân.
Thu cúi xuống xếp các thứ lặt vặt vào trong giỏ mây. Nàng lắng tai nghe vì có tiếng Trương hỏi Thăng, hỏi chuyện về mấy người bạn cũ hiện còn học ở Pháp. Thu đoán Trương lại sang không phải vì mấy người bạn ấy mà chắc chỉ vì muốn ngỏ ý với nàng điều gì. Quả nhiên, Trương lúc sắp trở về bên hạng tư, còn ngừng lại bảo Thăng:
Để đến tối thứ bảy mười giờ, tôi sẽ lại thăm anh, ta sẽ nói chuyện… Ồ, nhưng mà quên hôm ấy tôi mắc bận, khi khác vậy.
Thu nghĩ thầm:
Hiểu từ lúc nãy rồi. Nhắc lại mãi.
Xe lửa tới ga, Trương đứng lại trên toa nhìn xuống. Có cả bà Bát trong đám đông người. Mặc dầu những việc ấy xảy đến, Trương đoán chắc bà Bát vẫn còn quý chàng và saÜn lòng tha thứ cho chàng. Một mối cảm động hơi buồn làm chàng rung động khi nhìn nét mặt hiền từ của bà Bát chàng nhớ lại mẹ chàng và tưởng tượng sẽ êm ả đến đâu nếu lúc này chàng còn có một người mẹ để an ủi mình.
Nhưng thà thế còn hơn là bà cụ sống để trông thấy con như thế này.
Trương nhìn Thu và thấy Thu đương nhìn chàng, có lẽ nhìn đã lâu lắm mà chàng không biết. Bà Nghị cất tiếng gọi, Thu phải quay đi nhưng trong cái nhìn thoáng qua ấy, Trương cũng kịp nhận thấy rằng Thu yêu mình. Trương lại thấy vui trở lại và bao nhiêu nghi ngờ về Thu đều tan đi hết; chàng tưởng tượng Thu lại đẹp như thế, đẹp hơn cả những hình ảnh rất kiều Trương vẫn gợi ra khi còn ở trong tù những lúc nhớ đến Thu.
Trương thuê xe lại nhà Phương, định ý nếu Phương dạo này khá thì sẽ vay ít tiền. Chàng mỉm cười có vẻ chế nhạo.
Vay gì! Nói là xin là đúng hơn.
Gặp một hai người quen, Trương bất đắc dĩ phải chào họ trước. Không chào, chàng sợ họ cho mình là lẩn vì xấu hổ, mà chào họ vồn vã quá, họ lại cho mình muốn cầu thân để nhờ vả. Chào xong Trương ngỏanh nhìn lại và tự nhủ rằng trong đầu người ấy thế nào cũng có một ý nghĩ về mính, một ý nghĩ không hay hớm gì. Trương bực mình lắc đầu:
Hừ cứ kệ xác họ là xong cả. Họ khinh hay không thì cần quái gì phải bận tâm.
Trương nhận thấy một việc xấu hổ có thể quên rất dễ dàng nếu chưa ai biết, vì nếu chưa ai biết, chàng có thể vẫn cử chỉ như một người lương thiện, không phải luôn luôn bận tâm đến nó như bâ giờ. Ở đây chàng là một người khốn nạn bị tù tội, nhưng nều đi xa đến một nới không ai quên biết chắc chàng lại sẽ cảm thấy mình là một người lương thiện, có thể ngửng đầu ngang nhiên nhìn người khác. Lạ nhất là về tội thụt két, Trương không thấy mình mảy may thẹn với lương tâm.Chàng không lúc nào bị "lương tâm cắn rứt" như người ta vẫn nói. Có lẽ việc ngửa tay xin tiền Phương chàng thấy nhục nhã, hại đến nhân phẩm hơn.
Tới nhà Phương chàng đi thẳng về buồng trong. Phương chạy ra, và khi nhận thấy Trương nàng mỉm cười vồn vã, nhưng cũng không giấu đượcvẽ sợ hãi lộtrên nét mặt:
Gì mà sợ hãi thế. Anh đây chứ không phải ma hiện hình đâu.
Phương nhìn ra cửa giục Trương:
Anh ra đây đã.
Trương ngồi xuống ghế ở buồng khách, nhìn Phương dò xét rồi hỏi:
Có gì thế?
Chẳng có gì cả. Đằng ấy ra bao giờ? Trông khỏe hẳn ra đấy.
Vừa ra hôm nay. Đến đây ở nhà em có được không?
Phương lắc đầu:
Bây giờ em ở với Nghị Hoành. Thằng cha nó ghen dữ lắm. Nó cũng sắp về.
Trương mỉm cười:
Thế nghĩa là em muốn đuổi anh chứ gì. Em tưởng đuổi anh dễ lắm à?
Trương định nói vay tiền Phương ngay, nhưng nói thẳng ra ngay trong một lúc trong tự nhiên, chàng thấy rất ngượng, mặc dầu trước kia đã nhiều lần chàng giúp tiền Phương.
Trương ngồi yên ngẫm nghĩ có lẽ phải gợi ra cho Phương từ ngỏ ý muốn cho mình vay tiền.
Đột ngột chàng hỏi Phương.
Thế nào, độ này có hay lên quần ngựa không?
Ít khi lên lắm.
Trương nói giọng bông đùa:
Anh cũng thế. Vừa đúng bốn tháng không đi lần nào. Mà nói cũng đáng tội cũng hết mẹ nó cả tiền rồi.
Chàng lại dùng đúng câu mà Phương đã nói với chàng hôm chàng ở nhà quê lên Hà Nội. Chàng nhớ lại hôm ấy gắt gỏng với Phương mãi vì không gặp được Thu. Phương vẫn ngồi yên không nói gì. Trương thấy việc ngỏ lời xin tiền Phương khó khăn thế. Chàng đứng lên, lạnh lùng giơ tay bắt tay Phương:
Thôi anh đi, chào Phương.
Phương giữ tay Trương lại:
Đằng ấy đừng giận em nhé. Nó ghen lắm cơ, ghen không thể tưởng tượng được. Em cũng bực mình lắm.
Nàng hạ giọng nói với Trương:
Anh mới ra chắc cũng cần tiền.
Trương nói giọng thản nhiên:
Ừ nếu saÜn thì cho anh vay hai chục. Anh đi thuê nhà và không quấy rầy đến em nữa. Được không?
Được lắm. Để em đi lấy tiền.
Phương đưa tiền cho Trương rồi lẳng lơ vui vẻ giơ một bên má cho Trương hôn.
Lúc ra đến ngoài. Trương mỉm cười chua chát ngẫm nghĩ:
Ở đâu người ta cũng không muốn dây với mình nữa. Phương lúc nãy vui vẻ vì nó thấy thoát được mình. Ở đâu mình cũng chỉ là cái nợ thôi.
Chàng bỗng thấy rạo rực nảy ra cái ý thèm muốn rất tầm thường được ở lại nhà Phương một đêm. Phương, một gái giang hồ mà trước kia chàng đã chán chường, nhiều khi đuổi đi không muốn cho nằm cùng giường. Bây giờ chàng muốn cũng không được nữa.
Mình định đi đâu thế này?
Trương cũng không biết là định đi đâu? Thấy có gió mát ở một cái ngõ con đưa lại, chàng rẽ vào cốt ý đi ngược chiều gió cho mát. Gió lạnh dần rồi trời bắt đầu đổ mưa.
Nước mưa chảy khiến chàng ngứa ở má và nhớ lại đêm bỏ Thu về Hà Nội đi lang thang dưới mưa.
Trời nhá nhem tối. Chàng đưa mắt nhìn các căn nhà chưa lên đèn và cảm thấy với người sống buồn nàn, lúc nào cũng âm thầm trong sự chờ đợi một ngày vui không bao giờ tới. Trương ngẫm nghĩ:
Không biết cái gì bắt họ sống như thế?
Trong một nhà lò rèn tường đen ngòm, mấy người thợ xoay trần, lưng bóng láng mồ hôi đương hì hục hết sức đập mạnh vào một miếng sắt đỏ đặt trên đê. Trương tưởng thấy hiện ra trước mắt hình ảnh một cái địa ngục trong đó qủy sứ đương nung sắt để kìm cặp tội nhân.
Trương ngừng lại ngầm nghĩ, chàng thấy chàng khổ cho họ chính vì chàng đứng ở ngoài nhìn vào, có lẽ nếu là một người thợ rèn, chàng sẽ không nhận thấy cái khổ của mình nữa.
Chàng cũng vậy, chàng đau khổ chỉ vì chàng còn cố đứng lại ngoài cuộc đời trụy lạc ấy. Nếu ngang nhiên nhận lấy cuộc đời ấy, đi sâu hẳn vào nơi bùn lầy, đừng tự dối mình, đừng cầy cựa nữa, có lẽ chàng sẽ sống được yên ổn như bao nhiêu người khác còn đáng thương hơn chàng nhiều. Thà nhận hẳn lấy cái xấu đường hoàng để mọi người biết rõ còn hơn là che đậy đi, lừa dối mình, và lừa dối người khác, sống chênh vênh ở giữa nơi đất phẳng và vũng lầy.
Lúc nghĩ vậy, trương không ngờ rằng chàng đã đến ngày tâm hồn cũng trụy lạc rồi. Chàng không khác nào một người ở bẩn thỉu đã quen lắm, quen đến nỗi sự sạch sẽ đã bắt đầu làm cho chàng khó chịu như một vết nhơ.
Trương đi mãi rồi ngừng lại trước một căn nhà, cửa gỗ quét vôi trắng đã long lở. Chàng lấy tập giấy bạc của Phương vừa đưa đút và túi quần, cài cúc cẩn thận rồi nhấc chiếc mành rách bước vào nhà.
Hơi nóng tỏa vào người chàng như trong một cái hầm: ngọn đèn để ở góc nhà nhỏ quá nên Trương đứng một lúc lâu mới nhìn rõ mặt những người trong nhà.
Chàng đưa tiền rồi theo một ả đi về phía buồng bên. Mồ hôi chàng ướt ra đầm lưng. Chàng nhìn thẳng trước mặt ngẫm nghĩ:
Quần áo cô ả chắc bẩn lắm.
Chàng nuốt nước bọt không biết vì ghê tởm nên lợm giọng hay vì thèm muốn cái thú nhục giục thiếu thốn đã mấy thánt nay. Chàng khẽ lấy hai ngón tay nhấc cánh màn vừa bẩn vừa hôi chui vào giường. Có tiếng muỗi vo ve.
Trương giơ tay gạt cho mồ hôi khỏi chảy xuống mắt và thoáng trong một lúc, chàng thấy hiện ra trong bóng cái khung cửa sổ đầy ánh sáng của buồng Thu và chiếc màn tuyn rủ loe xuống nhưng một bông huệ lớn trắng trong.
Trương đi mãi đã mỏi chân mới tới phố Thu ở. Chàng rẽ vào một cữa hiệu cao lâu gần đấy uống nước và đợi đến mười giờ. Mồ hôi ra ướt cả người chàng, chiếc áo sơ mi dán vào lưng làm chàng ngứa ngáy khó chịu, nhưng chàng không dám cởi ra cho mát vì chiếc áo đã bẩn quá, lại còn rách một miếng rộng ở bả vai.
Trương mỉm cười ngẫm nghĩ:
Mùa hè không lợi chút nào cho tình yêu.
Chàng đến vì đã trót hẹn với Thu, nhưng đến mà không nhìn Thu một lúc trong khung cửa sổ rồi lại về, lần nầy Trương đã nhận ra rằng cũng hơi vô lý. Nhất là cách đây không lâu chàng đã nhìn thấy mặt Thu mà nhìn gần hơn, rõ hơn nhiều. Trương nghĩ ra cách viết một bức thư giơ lên cho Thu trông thấy rồi giắt ở chấn song sắt hàng rào để Thu xuống lấy. Nghĩ được cách ấy Trương hồi hộp mở ví tìm ra một tờ giấy cũ để viết thư.
Viết gì bây giờ?
Chàng nhớ lại cái ý định rủ Thu trốn đi, nhưng lúc đó chàng thấy rõ ràng là Thu không có lý gì chịu đi. Lùi trước còn hơn, chàng không dám cố nài vì sợ Thu không đi chàng sẽ bị thất vọng khổ sở. Chàng cầm bút viết:
Anh muốn gặp em. Có việc cần.
Chàng nghĩ:
Phải gặp mặt Thu nói rất khéo, họa chăng mới dụ dỗ được Thu đi, mà nếu không dám ngỏ lời rủ Thu đi trốn, ta sẽ bịa ra một việc cần khác khó gì.
Chàng viết tiếp:
Sáng thứ hai đúng mười giờ trước cửa hàng Etrier gần Gô đa.
Ngẫm nghĩ một lúc lâu Trương viết thêm:
T.B. nếu vì có việc ngăn trở bất thần em không đến được, thì để đến tối thứ bảy sau đúng mười giờ anh lại đến nhà em như hôm nay.
Trương mỉm cười. Chàng viết thêm câu sau định ý là thử tình yêu của Thu. Chàng để cho Thu được rộng rãi, không đến cửa hàng Etrier cũng được. Nếu Thu cứ đến, chàng sẽ biết chắc chắn là Thu còn yêu chàng tha thiết được gặp mặt và nói chuyện với chàng. Nếu Thu cũng đã thấy ngại như chàng, Thu sẽ theo cách lười nhất nghĩa là cứ việc ở nhà đợi. Yêu mà lười tức là tình yêu đã nhạt.
Ô, nhưng sao mình lẩn thẩn tự nhiên đâm ra nghi ngờ tình yêu của Thu.
Chàng ngờ Thu vì chính chàng đã đổi khác, không yêu Thu như trước nữa. Chính chàng, thực tình chàng không thấy trước cái thú về một cuộc gặp gỡ rất suông của hai người. Trước kia chàng chắc chắn sẽ chết nên một cử chỉ ân cần cỏn con của Thu đối với chàng cũng quý hóa, cũng có cái huy hoàng ảo não của một thứ gì Thu rất mỏng manh nó xúi giục chàng mở hết tâm hồn mà nhận lấy ngay trước khi nó tan đi mất.
Đồng hồ cửa hiệu đã chỉ mười giờ kém năm. Trương đứng lên ra trước gương vuốt lại tóc. Chàng khó chịu thấy bộ quần áo độc nhất của chàng đã bắt đầu mất nết.
Bẩn thỉu, rách rưới, chỉ khi nào yêu lắm, người ta mới không để ý đến.
Giờ chàng mới nhận ra rằng chàng đã lầm khi tưởng Thu sẽ yêu chàng nếu chàng thụt két vì Thu. Thu chỉ yêu hơn khi nào chàng liều mà không để mất nhân phẩm, không thành ra bệ rạc.
Đến gần nhà Thu, chàng nhìn lên thấy cửa sổ buồng Thu vẫn đóng, nhưng ở trong buồng còn ánh đèn. Chàng đứng lấp ở sau một thần cây lớn. Đường phố lúc đó vắng tanh, phía trên có mấy căn nhà mở cửa sáng, nhưng nhà họ ở lùi vào trong lại khuất sau những chòm cây dày lá nên Trương không sợ ai để ý đến mình. Trong nhà Thu, trừ buồng Thu ra, còn thì tắt hết đèn. Mỹ hẳn là đi xem chiếu bóng, bà Nghị và bà Bát chắc đi đâu vắng. Phía hàng rào bên này xa chỗ ở của đầy tớ. Chàng sẽ đứng khuất sau bức tường và khóm cây kia và giắt bức thư vào cái vòng sắt rồi giơ tay chào Thu đi ra đầu phố đợi Thu xuống lấy bức thư.
Trương đứng đợi như thế lâu lắm, chàng lấy làm ngạc nhiên sao Thu không xuống nhận thư. Hay là Thu chưa nhìn thấy bức thư, tưởng là chàng vẫy tay không.
Hay là Thu vờ như không trông thấy. Không lẽ đến cầm bức thư rồi về à?
Chàng đã tuyệt vọng vì khó lòng cánh cửa sổ lại mở ra lần thứ hai nữa. Trương đứng yên, hai tay nắm chặt lại vì tức. Thế là về không và từ nay không còn cách gì, để đưa thư cho Thu nữa.
Trương nghĩ ra một kế hay chàng cúi xuống. Tìm thấy viên gạch nhỏ.
Không biết mình có đủ can đảm ném không. Thu bực mình lắm đấy nếu thực Thu vờ không nhìn thấy bức thư. Không cho cô ả vờ nữa!
Trương giơ tay quả quyết ném, viên gạch chạm đúng ngay cánh cửa, lần này Trương mở tờ giấy ra thật to để cho Thu nhìn rõ. Trương thấy Thu gật đầu tỏ ý hiểu. Chàng quay đi ngay nhưng được một quãng, chàng trở lại đứng nấp đợi sau bức tường.
Có tiếng đế giày rất nhẹ trên đá sỏi. Trương lấy làm lạ rằng trong khi chờ đợi chàng lại thấy được cái bàng hoàng êm thú như trước kia. Mấy cành lài chen giữa chấn song sắt và mấy bông hoa trắng bắt đầu rung động, một bàn tay thò ra định cầm lấy bức thư.
Trương tiến nhanh lên hai bước, chàng vội năm lấy bàn tay Thu, đưa lên miệng và lật ngửa hôn vào trong lòng bàn tay. Một mùi thơm xông lên ấm như mùi thơm của hoa ngâu đã chín vàng. Trương hôn dần lên cổ tay và kéo Thu về phía mình nhưng chàng thấy Thu cưỡng lại. Tiếng lá xột xạt và cả khóm lài rung động vì sức co kéo của hai người. Trương ngửng nhìn mặt Thu. Sao Thu lại sợ hãi đến thế kia, trong lúc sợ hãi Trương thấy nàng đẹp lên khác thường, ánh trăng, mấy bông hoa lài trắng, hai con mắt đen, hương lài lẫn hương phấn, nước hoa. Trong rạo rực thèm muốn, ngay lúc đó, mà chỉ lúc đó thôi, chàng thấy trước là sẽ sung sướng đến cực điểm nếu được hôn vào đôi môi của Thu.
Em Thu..
Thu cố kéo tay ra. Nàng vừa thở vừa nói:
Anh bỏ em ra. Người nhà mà biết thì chết. Ô hay…
Trương hiểu là không nên nài ép quá. Chàng cầm lấy lá thư đặt vào tay Thu cố nén tức, lấy giọng ngọt ngào nói:
Xin lỗi Thu.
Trương lùi lại sau bức tường. Nghĩ đến bức thư, Trương thất vọng tự bảo:
Chắc Thu không bao giờ đến.
Chàng băn khoăn mãi vì là lần đầu chàng xin mà bị cự tuyệt. Có điều an ủi chàng đôi chút là Thu có lẽ cũng muốn để chàng hôn, nhưng vì sợ người nhà trông thấy nên phải cự tuyệt đấy thôi:
"Anh bỏ em ra. Người nhà biết thì chết. Ô hay…"
Trương thầm nhắc lại câu nói. Muốn tìm cớ gì thì cớ, nhưng cái giọng đặc biệt của Thu khi nói hai chữ "ô hay" đủ tỏ cho Trương biết rằng Thu cũng bắt đầu đổi khác. Thu và chàng hai người đều thấy mệ mỏi về cuộc tình yêu găng lâu quá.
Khuya lắm Trương mới về tới căn nhà tồi tàn chàng thuê ở phía sau hội chợ. Chàng mở cửa bước vào nhà không buồn thắp đèn, lần theo ánh trăng lên giường nằm. Người ở chung nhà với chàng, "họ" vẫn thức. Hai nhà cách nhau có một bức vách bằng nan dán giấy nhật trình. "Họ" là ai? Trương chưa có dịp làm thân, chàng chỉ biết: lờ mờ rằng "họ" là con một cụ thượng ở Huế, nay sa sút trụy lạc, nghiện thuốc phiện và hình như kiếm ăn được nhờ ở cái nghiện của mình. Trương không muốn biết đến "họ" vì thấy "họ" giống chàng quá, khiến chàng tự nhiên sinh ngượng. Không biết tên, chàng dùng chữ "họ" để chỉ ông làng giềng yên lặng ấy.
Nằm trên chiếc giường nan đã tã, trong một gian nhà tồi tàn, Trương thấy mình bị đời bỏ quên hẳn, chàng thấy chàng nhỏ nhen không đáng kể. Chàng có xấu cháng nữa, có là một việc gì xấu chăng nữa, cũng không ai biết đến và cũng không can hệ đến ai, không can hệ đến cả chàng nữa. kể làm gì một vết bẩn bôi thêm lên một chiếc áo đã đầy dầu mỡ.
Trương thiu thiu sắp ngủ, bỗng văng vẳng ở cạnh đưa xa tiếng hát ru con giọng Huế. Trương lắng tai nghe câu hát.
Canh khuya thắp đĩa dầu đầy, Đĩa dầu đầy không hết, nước mắt này không khô. Trương mỉm cười ngẫm nghĩ:
Đây chắc là "họ cái"…
Chàng nằm lẩn thẩn cố tưởng tượng ra vẻ mặt và cả dáng người nữa dựa theo tiếng hát. Chàng đoán người đẹp, vào trạc ba mươi tuổi, dáng thanh thoát và đôi môi hơi dày. Tại sao đôi môi lại hơi dày? Chàng chỉ thấy thế chứ không giảng nghĩa được. Trương ngửng đầu nằm sát cạnh bức vách nan, tìm lỗ thủng để nhìn sang xem những dự đoán của mình có đúng không. Trong thân tâm chàng có cái ngầm ý được ngắm người đàn bà mà tự nhiên chàng đem lòng yêu vì nghe giọng hát chàng thương vì biết tình cảnh rất đáng ái ngại.
Trương thấy người chồng ngồi ở cạnh khay đèn đương nạo sái, đầu gật gù có dáng tư lự. Chàng nghĩ một lúc mới tìm ra người đó hao hao giống Robert Tracy ở trên màn ảnh. Bên kia khay đèn là một người mặc âu phục sang trọng: chắc đó là khách hàng của "họ". Còn người vợ ngồi ghé ở bên một cái giường màn che kín phe phẩy quạt cho con.
Người vợ không xấu không đẹp, trông mặt dễ thương, nhưng sao đêm đã khuya nàng vẫn còn phấn sáp đỏm dáng và mái tóc nàng vẫn mượt bóng. Trương thấy có vẻ bất thường và tự nhiên thương hại đôi vợ chồng có lẽ vì nghèo quá đã phải quên cả những liêm sỉ của một đời sống bình thường.
Tưởng tượng sau này mình cũng như "họ" ngồi kia và Thu sẽ là người đàn bà Huế!
Bất giác Trương nhớ lại hôm Thu đứng ở cửa sổ bắt chước giọng huế hát câu ca dao về bến đò.