Năm tháng dần trôi, niềm đau mất Lan cũng từ từ nguôi ngoai nhưng lòng tôi không thể quên nàng. Tôi lây lất miễn sống cho qua vì chán cảnh phiền hà của việc đua chen kiếm tiền tài, danh vọng... hình như nhận thức về sự chết của con người đã làm tôi không tha thiết cạnh tranh với cuộc sống nên lòng thường thầm tự nhắc nhở với những lời khôn ngoan qua ca dao: "Làm giầu có số, ăn cỗ có phần," hoặc "Làm quan có mã, làm kẻ cả có giòng." Tôi so sánh, Lan cũng như bao người khác đã qua đi, danh vọng hay tiền tài nào còn được gì! Thế nên, sự bon chen vật chất và tăm tiếng chỉ làm phiền não tâm tư. Lẽ tự nhiên, "Hữu xạ tự nhiên hương;" do đó, nếu danh phận đã chẳng có mà cố gồng mình tạo tiếng tăm thì chỉ chuốc lấy sự khổ ải vào thân. Ép xác làm những điều vô ích khiến mình bực bội thà đừng có nó cuộc đời sẽ thảnh thơi, đỡ phiền... Cuộc đời này, có tiền là có tất cả thế nên ai cũng muốn giầu có và ai cũng gắng sức để làm giầu, mà thực tế chứng minh, kẻ giầu nào đã chắc gì tài giỏi hơn ai. Những nhà tỷ phú ở Mỹ đâu có ai học hết trung học trong khi cuộc đời của họ thời kỳ còn nhỏ lại quá ư cực khổ... Nói cho đúng, danh vọng, giầu có, trời cho ai người ấy được chứ không phải muốn và gắng sức thì sẽ đạt tới. Có chăng, sự ham mê danh vọng tiền tài mang lại khổ ải nhiều hơn niềm vui có chúng... Cũng có thể trong giai đoạn này thời thế đổi thay khiến người người đang trên lưng voi bị vận số vật chìm xuống dưới dấu chân trâu ngựa, đồng thời cũng lắm kẻ trở thành "chó nhảy bàn độc" khiến tôi có thái độ yếm thế chấp nhận. Tuy nhiên, lâm vào cảnh dở thằng dở ông, tôi nào tránh khỏi tâm tư bất mãn với thời cuộc nên đành tìm lối trốn thoát bởi cho dù cố gắng chấp nhận đến mấy cũng không được yên phận nơi một xã hội nhố nhăng như thực tại của lời sấm: "Thằng khôn chạy trốn, thằng ngu dạy đời." Dĩ nhiên, khi lâm vào cảnh khốn cùng ai không cầu đến Đấng Linh Thiêng hoặc bất cứ hồn người nào thân thiết mong được phù trợ. Tôi ra mộ Lan nói với nàng giúp cách tìm đường đi và lòng thì chân thành cầu cùng Chúa hơn bao giờ hết. Tôi còn nhớ hôm ấy là chủ nhật tuần thứ mười ba năm B; nơi nhà thờ, bài đọc từ sách Khôn Ngoan gieo vào đầu tôi nỗi thắc mắc lạ kỳ: "Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi người trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó" (Khôn Ngoan 1:13- 15). Theo sự suy nghĩ và kinh nghiệm sống bình thường thì Thiên Chúa không tạo dựng sự chết tất nhiên sẽ không có sự chết. Vì vậy, sở dĩ có sự chết phải do động lực nào đó vì Thiên Chúa là trên hết. Đàng khác, con người có sự tự do chính Thiên Chúa cũng tôn trọng. Ác quỷ thuộc về bên kia thế giới làm sao có thể cướp quyền của Đấng Toàn Năng. Thế nên, có thể rằng sự chết lại tùy thuộc sự chấp nhận do quyền xử dụng tự do của con người bởi kẻ nào thuộc về sự chết thì bắt chước nó... Không bao lâu sau, tôi vượt thoát và được định cư tại Mỹ. Nhân ngày nghỉ cuối tuần chẳng biết làm chi, tôi lang thang ghé vô một thư viện. Vào thời gian này, những loại sách đọc cho biết mà không áp dụng được trong cuộc sống, tôi nghĩ, đọc chỉ uổng công. Truyện, tiểu thuyết, tôi đâu cần giết thời giờ; vả lại, vốn liếng tiếng Anh của tôi nào được bao nhiêu nên cảm thấy khá ngại ngùng khi tìm sách theo tên đề nơi những hộc cards. Tôi lang thang rảo quanh những dãy kệ sách vô tình gặp cuốn Many Mansions của tác giả Gina Cerminara sau này được Nguyễn Hữu Kiệt dịch thành Những Bí Ẩn của Cuộc Đời do Xuân Thu xuất bản năm 1988. Nếu không có những bằng chứng về các sự kiện được tác giả dùng để viết đang tồn trữ tại Virginia Beach, Hoa Kỳ, thì người đọc sẽ cho rằng tác giả cố ý viết loại truyện hoang đường hỗ trợ thuyết luân hồi của nhà Phật. Đọc xong cuốn sách, tôi như bị xâu xé bởi trận chiến giữa một thực tại có thể kiểm chứng và niềm tin đã được dạy dỗ, chấp nhận từ bao lâu nay: đời sống hiện tại một người là kết quả do sự ảnh hưởng của thái độ, lối sống nơi những kiếp trước và niềm tin của Công Giáo rằng chết là sự trở về với Chúa, trở về cùng Đấng Tạo Hóa; linh hồn của một người sau khi chết được thưởng hay phải chịu phạt tùy theo lối sống của chỉ một cuộc đời độc nhất đã được ban cho nơi trần thế này. Ông Cayce, một tín hữu Cơ Đốc Giáo, tha thiết với cuốn Thánh Kinh, không biết gì Luân Hồi, lo sợ trở thành phản đạo, có khả năng khán bệnh bằng thần nhãn qua giấc ngủ thôi miên để trả lời những câu hỏi dưới sự dẫn dụ của người khác, đưa ra những phương pháp chữa những bệnh nan y mà các bác sĩ đã chịu bó taỵ.. Ông đã được khuyến khích dùng khả năng thần nhãn đi sâu vào công việc soi kiếp... và những sự việc xảy ra đã minh chứng rằng hoàn cảnh và khả năng của người đời không phải là do ý muốn của Thượng Đế hoặc ảnh hưởng của sự di truyền mà là kết quả của những hành động và cách xử thế của con người trong những kiếp trước. Thế nên, mọi cay đắng, thất bại, đau khổ nơi cuộc sống đều là những phương tiện giúp chúng ta tiến dần đến sự toàn thiện. Qua cuốn sách, nhiều sự kiện được ghi lại khiến độc giả ngạc nhiên nhưng điểm đánh động lòng tôi mạnh mẽ nhất là tâm tình, lời nói, hoặc thái độ đối với kẻ khác cũng ảnh hưởng đến chính cuộc sống của mình. Đã bao lâu nay, những câu rất thường: "Hãy làm cho kẻ khác những gì ngươi muốn kẻ khác làm cho ngươi," và "Cây tốt không sinh hoa trái xấu," hoặc "gieo gió gặt bão" không ngờ lại chứa đựng chân lý sâu xa về tâm linh. Bàng hoàng xét lại sự quá quắt của cái miệng mình vì nào có bao giờ tôi chịu thua ai, gặp trường hợp không thể đốp chát được với người nói chạm đến mình, chẳng cách này thì cách khác, không dịp này thì dịp kia tôi cũng đã cố dành cơ hội buông ra những lời bất lợi cho họ, tôi cảm thấy mình cần đặt lại vấn đề. Lại còn những chuyện diễu đầy vẻ vô tình nhưng cố ý làm tổn thương tự ái người khác thì không thể nào tưởng nhớ lại cho đủ, cái miệng của tôi thua một trả mười và tâm tư luôn luôn để ý những điều gieo gió mà không nghĩ chi đến những cơn bão sẽ bị gặt... Đồng thời, tôi cũng nhận ra luật yêu thương của đạo Công Giáo không đơn giản như tôi đã nghĩ từ bao lâu nay và có thể tóm tắt bằng một câu đơn giản nhưng đầy vẻ tuyên án. Đó là nếu lời nói hoặc thái độ làm cho kẻ khác bị tổn thương, khiến họ mang mặc cảm tự ty, hoặc có hại cho danh dự của họ thì lời nói hoặc thái độ này tương đương với hành động tội ác và chính mình phải trả giá cho những điều này không thể tránh thoát. Xét như thế, bãn ngã con người là tham sân si nên luôn luôn lầm lẫn, luôn luôn gieo gió do đó linh hồn có được những cơ hội hiện thân nơi những cuộc sống khác nhau để dần dần sửa đổi tiến tới mức độ toàn thiện trở lại kết hợp với Thượng Đế mới chứng tỏ được sự khoan dung bao la của Đấng Toàn Thiện. Cho có cơ hội sửa sai mới chứng tỏ lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa mà Đức Kitô rao giảng. Nghĩ đến đây tôi lại bị sự đe dọa của mối lo sợ rối đạo giống như ông Cayce đã băn khoăn vì e trở thành phản đạo bởi nếu cho rằng những sự việc xảy đến với cuộc đời một người chịu ảnh hưởng của cuộc sống tiền kiếp thì tôi đã chấp nhận chủ thuyết luân hồi, sự tin tưởng của Ấn Giáo và Phật Giáo. Mặc dầu lo sợ trở thành rối đạo nhưng những sự kiện được chép lại nơi cuốn Many Mansions có cả mớ tài liệu minh chứng không thể chối cãi ở Virginia Beach đã không cho phép tôi nghĩ rằng đó là chuyện huyền thoại. Do đó, tính chất phản kháng bảo vệ sự thật nơi tâm trí tôi được dịp bùng lên tranh cãi. Tôi không phải tin những sự kiện này vì chúng đã xảy ra, chúng là sự kiện cũng như tôi không phải tin những sự chữa lành mà người ta gọi là phép lạ xảy ra ở Fatima hay Lộ Đức. Đó là những sự kiện được nghiệm chứng rõ ràng, thành quả của đức tin chứ không phải là điều phải tin. Hơn nữa, nếu tin rằng Chúa có lòng thương bao la đối với con cái loài người mà không chấp nhận Chúa cho con người lầm lỗi những cơ hội sửa sai để trở nên toàn thiện rồi về với Ngài thì đương nhiên đã tự chứng minh lòng thương của Chúa giới hạn chứ chẳng bao la chút nào. Đã có những lý luận cho rằng tự con người từ chối ơn cứu độ của Chúa mà sa ngã phạm tội nên họ tự tạo nên hỏa ngục cho họ bởi Chúa không muốn ai mất đi, không muốn ai phải sa hỏa ngục. Hay, lý luận hay nhưng bể. Kinh nghiệm sống chứng minh, dẫu người con khốn nạn đến thế nào chăng nữa, có bao giờ cha mẹ đành lòng chấp nhận để con mình chui xuống hỏa ngục đời đời trong khi có thể giúp nó phương tiện khác tránh khỏi sự trầm luân vô tận đó không. Con người giới hạn còn thương con như thế thì Thiên Chúa với tình thương bao la sẽ như thế nào? Phỏng câu nói "Chúa phạt xuống hỏa ngục đời đời" có phải là kết quả của sự nóng giận bất thường nơi con người hay là một cách nói lên lòng thương của Chúa chỉ giới hạn thua con người. Phỏng tin rằng Chúa không cho mình cơ hội để sửa sai dẫu sau khi chết có phải là một lối minh chứng Chúa của mình không từ bi bằng Đức Phật, thua Thượng Đế của Ấn Giáo? Có phải đã bao lâu nay tôi "đì" Chúa của tôi? Đồng ý rằng đạo Công Giáo cung cấp nhiều cơ hội đó là những phép Bí Tích cho con người trở về với Chúa, nhưng gặp những trường hợp không bởi tự mình và chính con người cũng không đủ khả năng để nhận thức thì lỗi lầm đổ tại ai? Trong Phúc Âm đã có trường hợp các môn đồ hỏi Đức Kitô về một người mù: "Rabbi, ai đã phạm tội, nó hay cha mẹ nó để nó phải sinh ra mù lòa vậy?" (Gioan: 9:2) mà Đức Kitô đã trả lời "Để công việc Thiên Chúa được hiện tỏ" có nghĩa thế nào? Đã bao nhiêu thế kỷ con người không biết sự ảnh hưởng của chất rượu trên não bộ thai nhi, đã bao nhiêu người vừa sinh ra với bộ Óc lệch lạc thì kết quả của lầm lỗi này do Chúa hay do sự thiếu hiểu biết của con người? Những hậu quả tai hại bởi sự thiếu hiểu biết từ xưa đến nay phỏng không phải là những trọng tội kinh khủng mà chính con người cũng không nhận ra trọng tội bởi dốt nát, đam mê thỏa mãn sở thích... trong khi lại hùa nhau kết án cá nhân... không đáng quăng xuống hỏa ngục đời đời thì những lỗi phạm cá nhân nào thấm thía gì? Vậy hỏa ngục ở đâu? Chỗ nào xử phạt những lầm lỗi quá lớn lao này? Tuyệt, tôi cảm thấy vui mừng khi đặt vấn đề đến đây vì đã có giải đáp. Chẳng còn hỏa ngục nào gớm ghê hơn cuộc đời chúng ta đang phải đối diện thường ngày. Nó đầy đủ mọi cực hình, mọi ham muốn hành hạ con người đến chết thì thôi và chỉ có chết mới thoát nỗi khổ ải triền miên này, chưa chết, chưa thoát ham muốn cho dù ham muốn được xếp vào loại nào, tốt hay xấu. Thực tâm nhìn lại chính mình, chưa chắc những ham muốn điều xấu đã làm con người đau lòng bằng ham muốn điều tốt lành. Bạn nghĩ thế nào khi thấy một số người giết những thai nhi kết quả của bản ngã không tính toán? Nỗi đau nào xót xa hơn vì muốn ngăn cản mà dành bó tay nhìn kẻ khác thực hiện tội ác? Vết thương lòng này bao giờ mới có thể được xóa nhòa nơi tâm hồn những người mẹ giết con? Và rồi thế nào đối với những người lương tâm bệnh hoạn? Nghe những chuyện ma, những chuyện cầu hồn, tôi tin tưởng có một thế giới bên kia đồng thời cũng tin có những sự kiện thực của cõi vô hình đang tiếp diễn phía sau những nghi thức mà nhiều khi vì "vô tri bất mộ" con người không nhận biết. Mò mẫm hỏi về cầu cơ, một phương pháp đơn giản để liên lạc với các hồn bên kia với ý định thử, những người đã quá quen thuộc với cầu cơ kể khá nhiều chuyện ly kỳ. Nào là họ nhờ ma xó mời hồn của bố mẹ họ về cho biết tình trạng bên kia của ông bà ra sao, nào diễu chơi với hồn, hoặc có lúc hỏi vài câu để có sự trả lời về những gì có thể kiểm chứng ngay nơi một vài người khách đến thăm khiến họ ngạc nhiên v.v... Có người kể, hôm ấy một hồn người Pháp, ông ta là thi sĩ, đã đọc cho họ chép nguyên văn bài thơ bằng tiếng Pháp mà ông ta đã chưa kịp gửi cho báo đăng trước khi chết trận ở Việt Nam. Người thì kể khi hỏi muốn gì, hồn trả lời muốn hút thuốc, hồn muốn ăn phở. Một hôm, đang mùa chôm chôm, hồn lên muốn ăn chôm chôm; nhân tiện nhà còn ít chôm chôm đã để mấy ngày, người cầu cơ lấy ra đĩa bưng đến; hồn không chịu vì chê chôm chôm đã bị dập thâm mất một ít. Người đứng ngoài lên tiếng nói muốn ăn chôm chôm tươi thì mua mà ăn, và hồn chạy cơ trả lời là nói đểu. Điều đặc biệt, mọi người đã từng cầu cơ đều có nhận xét rằng những hồn, những ma xó tuyệt đối không bao giờ được phép nói lên bất cứ điều gì bất lợi hoặc làm hại đến bất cứ ai; các hồn chỉ nói những điều vô thưởng vô phạt. Tôi vẽ bàn, ngồi cầu cơ chung với họ nhưng hồn không lên, cơ không chạy và bị cho rằng vì tôi không tin hoặc có một số người cầu, cơ sẽ không bao giờ lên. Người khác kể rằng bên cạnh nhà anh ta ở Việt Nam có một gia đình cầu hồn để bói toán kiếm tiền. Anh ta là Công Giáo nên cho rằng làm như thế là sai, có hại cho những người tin dị đoan. Một buổi tối, anh ta lấy nước phép ở nhà thờ về rảy lên mái nhà người cầu hồn, và thế rồi hôm sau họ gọi hồn không lên nên chẳng bói toán chi được. Gia đình cầu hồn nhận ra có điều gì đã xảy đến nên sang nói với gia đình anh ta rằng họ không làm gì đụng chạm đến cuộc sống và niềm tin của gia đình anh ta thì cũng làm ơn đừng phá họ. Một cụ cỡ chừng bẩy mấy kể cho tôi nghe chuyện chính cụ chứng kiến. Số là có một thày giảng giúp xứ đạo cụ Ở ngày xưa; nhà thờ ở cách một ngôi chùa chừng nửa cây số. Thày giảng ngày đó cũng đứng tuổi, cỡ sáu mấy, bẩy chục và biết về môi. Năm ấy, nhà xứ trồng được một vườn cà ghém rất sai trái đã đến lứa. Mới tối hôm trước cha xứ nói thày giảng ngày mai hái cà bán thì sáng hôm sau không hiểu sao ai đã hái trộm sạch cả một lứa cà. Thày giảng trình cha xứ, có điều, cha xứ cũng dễ tính nên chuyện qua đi không thắc mắc trong khi thày giảng lộ vẻ hơi bực bội. Ít lâu sau đến lứa cà tiếp theo cũng thế, cha xứ mới dạm nói hái cà bán tối hôm trước thì sáng ngày ra đã có ai hái trộm thêm lứa cà nữa. Thời gian trôi qua không chuyện gì khác thường xảy đến cho tới vụ cà thứ ba; tối hôm ấy cha xứ nhắc thày giảng ngày mai hái cà vì đã tới lứa. Cỡ bẩy giờ sáng hôm sau nhà chùa cho người sang gặp cha xứ để thưa chuyện và muốn gặp thày giảng thì lúc ấy thày đang ngồi bắt quyết trong khi chung quanh vườn cà thấy có mấy đường chỉ ngũ sắc căng ngang và không hiểu sao khá nhiều lá tre tấp vào dính đầy trên những đường chỉ ngũ sắc này. Người bên nhà chùa thưa chuyện đoạn giải thích rằng đây chỉ là chuyện giỡn chơi và đồng ý đền cả hai lứa cà trước. Nghe người ta kể về đặc tính của hồn ma không nói điều gì hại tới người khác, câu hỏi thế sao có sự yểm, bùa ngải hại người đã xảy ra như một vài trường hợp chính tôi được biết đã gây nhiều nghi vấn. Vậy những sự kiện đạo thờ quỉ, những trường hợp quỉ ám chứng minh là có ác thần từ đâu ra? Tại sao những người cầu cơ lên không hỏi những hồn ma về cách thức chữa những bệnh nan giải cho người khác được nhờ? Nếu những hồn ma biết được những chuyện nơi thế giới con người thì tại sao không hỏi hồn để tìm những thủ phạm tội ác vì nếu làm như thế sẽ ngăn ngừa được tất cả những tội ác có thể xảy ra. Một người kể rằng ngày xưa thời ông ta còn nhỏ ngày nào cũng cầu cơ, nhưng cứ đúng ba giờ chiều thì hồn nói rằng phải về ngục và sẽ trở lại vào lúc bẩy giờ tối. Tuy nhiên, các hồn lên cơ rất vui vẻ và những câu trả lời chứng tỏ các hồn khá thân thiện với những người ngồi cơ. Dẫu vậy, dù nghe nói, dù thấy những sự kiện khác thường nhưng tôi chỉ coi đó là những chiếc bánh vẽ. Ngồi trước một mâm cơn thịnh soạn, hương thơm thức ăn, đồ uống ngào ngạt mà không được nếm thử làm sao biết món ăn thực sự thế nào. Cũng như đức tin của tôi đã bao lâu nay được dạy dỗ, cố tin mà vẫn chỉ tin cho có hoặc tin vì lý do nào đó, có thể là vì biết rằng ngày nào đó mình không thoát khỏi cái chết hay vì đã bị nhồi sọ, ngày này qua tháng khác bị tuyên truyền theo lối rỉ tai nên thành thói quen. Có thể rằng nếu không chấp nhận những điều được dạy dỗ, không nghĩ rằng những gì được dạy là đúng lỡ ra chúng có thật thì uổng chăng mà đến lúc nhận ra lại đã không còn thời giờ hay cơ hội đặt vấn đề. Hơn nữa, cứ nghĩ rằng mình tin, cho rằng mình tin nào có thiệt thòi chi nên dù mù mờ chấp nhận vẫn có cảm tưởng chắc ăn hơn là bất cần vì có còn hơn không. Tuy nhiên, sự tin tưởng mù mờ này khiến tôi bứt rứt. Những câu Phúc Âm thật rõ ràng mà sao cứ thấy như hoang đường: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Kẻ tin vào Ta, thì các việc Ta làm kẻ ấy cũng sẽ làm, và sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa" (Gioan 14:12). Người khác có thể cầu cơ được mà tôi cầu không được... sao có thể cho là đúng vì cuộc đời này thiếu gì kẻ nổ, thiếu gì người muốn tỏ ra mình hay, giỏi nên có cơ hội là cứ việc phét lác. Những chuyện đơn giản như thế mà còn mơ hồ đối với tôi thì nói chi đến chuyện tin với không, nói chi đến sự thực nơi lời Phúc Âm. Nghĩ thì nghĩ vậy nhưng chả lẽ qua bao thế kỷ với muôn người chỉ tin tưởng vào một mớ lý thuyết rỗng không? Vậy những người ấy đã dùng phương pháp nào để có thể tin vững rằng những điều đó là đúng và có thể thực hiện được? Họ tin tưởng thế nào hay cũng chỉ mù mờ như tôi? Họ có bao giờ kiểm chứng đức tin của họ? Bao nhiêu Phật tử, đã có bao giờ họ nghiệm chứng luân hồi hay là cứ cho rằng điều đó là đúng để chấp nhận một cách không tìm hiểu, cùng lắm thì chỉ nhai lại mớ luận lý đã được nhồi sọ. Nếu thực sự có luân hồi thì ít nhất một người phải biết không rõ cũng mù mờ rằng kiếp trước mình là gì, mình đã sống thế nào và bây giờ phải ra sao. Hơn nữa, bao nhiêu người cho rằng mình là Phật Tử đã không bao giờ bước đến ngưỡng cửa chùa; có tượng Phật ở nhà nhưng một năm phỏng được mấy lần tụng niệm...? Có đặt vấn đề thì lại tự ngụy biện rằng đạo tại tâm; đã không tin tưởng gì thì tại tâm hay tại rốn cũng chỉ là lối bào chữa cho chiều hướng duy vật, được sinh ra, sống, chết là hết như một con thú. Theo đạo như thế cũng chẳng khác gì mơ ước điều không tưởng, tôi nghĩ thế... trong khi mình kiếm tìm sự thật nơi các tôn giáo thì chỉ thấy những điều phải tin... Đã tin cần gì phải, và đã phải lại có thể chỉ là thứ tự kỷ ám thị hoặc tự lừa dối mình. Năm cuốn sách của bộ Life And The Teaching Of The Master Of The Far East do Baird T. Spalding viết càng làm tôi hoang mang. Ông nói về cuộc hành trình của phái đoàn mười một người đi vào những vùng của Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Hoa, và Ba Tư để sống với những vị chân sư và học hỏi về những sự kiện tâm linh áp dụng trong đời sống. Đại khái, bộ sách đưa lên điểm chính yếu là con người được sinh ra không phải để chết mà sự chết lại chính là giới hạn con người đặt ra cho mình. Phiền quá, nói thì nói thế mà Baird T. Spalding cũng đã không còn sống nơi trần thế này. Những vị chân sư đi vào vô hình, ra hữu hình và sống từ bao nhiêu năm tiếp tục giúp đỡ con người tự bao lâu nay mà không ai biết. Họ biết biến thân, dùng thần giao cách cảm để thông tin v.v... Điều tôi ao ước tìm kiếm mà không thấy là phương pháp thực nghiệm nào có thể áp dụng để trở nên những vị chân sư thì bộ sách không nói đến mà chỉ dùng điều kiện ý thức chắc chắn, vững vàng rằng mình thuộc về hiện trạng đó thì sẽ trở nên như vậy. Những giải thích về một số vấn đề cần được ý thức nơi tập số bốn và sự trả lời cho những câu phỏng vấn của tập năm lại cũng chỉ dùng lý luận nhiều hơn. Điều khiến tôi nghi ngờ nhất đó là quan niệm xưa của Spalding: ánh sáng mặt trời là ánh sáng tự phản chiếu của trái đất từ một điểm khá xa và sức nóng của mặt trời qua ánh sáng truyền xuống trái đất là sức nóng của trái đất mà thôi. Tôi nghĩ, nếu trái đất tự nóng như thế, những tảng băng ở Nam và Bắc Cực tan ra thì lấy đất đâu cho con người ở. Nghĩ cũng kỳ, kiếm phương pháp không thấy mà chỉ thấy sách viết về những sự la....; biết để làm gì nếu không áp dụng được cho mình, tôi chán nản! Cuốn Wisdom, Bliss, and Common Sense khuyến khích tôi có niềm tin vào sự thật tâm linh nhiều hơn; đồng thời nó cũng giúp tôi phần nào tin tưởng rằng khát vọng kiếm tìm một hạnh phúc vĩnh cửu vẫn có thể thực hiện được. Có điều cảm nghiệm của Darshani Deane về cơ hội được an bài phần nào khiến tôi nhụt chí bởi bà cho rằng không phải lo lắng, khi chuyện cần phải xảy ra, thì dù một người không muốn, cuộc đời cũng sẽ dồn ép hoặc có sự sắp xếp thần linh nào đó giúp con người cơ hội sống hòa hợp với định mệnh đã được an bài. Tôi nghĩ, nếu thực sự tìm tòi, cố gắng không cần thiết thì ước mơ của tôi chỉ là hão huyền. Cuốn này hòa hợp với cuốn Many Mansions tạo nơi tôi lòng trầm tĩnh, chấp nhận và ý thức hơn về thái độ cũng như lối sống.