TIỀN NAM ĐẾ Tiền Nam Đế, họ Lý, tên là Bí, người làng Thái Bình huyện Long Hưng(1). Tiên tổ Ông là người Tàu, di cư sang nước Nam vào cuối đời Hán, và bảy đời sau thành người nước Nam, đuổi Thái thú nước Tàu, bình nước Lâm Ấp, tự xưng là Nam Đế, ở ngôi vua 8 năm, mất ở Động Khuất Liêu. Vua Nam Đế chán cảnh nội thuộc, khởi nghĩa binh đuổi Tiêu Tư, dựng thành một nước, đổi niên hiệu, cũng là vị hào kiệt thời bấy giờ, bị Trần Bá Tiên đè nén, ôm chí khí đưa xuống thuyền đài, thật đáng thương. Nam Đế là con nhà hào hữu thế gia có tài văn võ, làm quan với Lương, bất đắc chí bỏ về Thái Bình; bấy giờ Thứ sử là Tiêu Tư, hà khắc tàn bạo, làm mất lòng dân chúng, Vua khởi binh đánh đuổi Tiêu Tư. Lúc bấy giờ có Tinh Thiều là người giầu, giỏi văn chương, đến chỗ tuyển người cầu xin làm quan, Lại bộ là Thái Tốn cho Thiều không phải là họ có danh tiếng, chỉ cho làm quan Lang ở Quảng Dương môn. Thiều lấy làm xấu hổ bỏ về làng, theo Vua Nam Đế khởi nghĩa. Tù trưởng quận Châu Diên là Triệu Túc, là người đầu tiên đem quân đi theo Vua, bởi thế các hào kiệt đều hưởng ứng. Tư biết tin, chạy về Quảng Châu, vua Nam Đế bèn ra giữ châu thành. Gặp lúc vua nước Lâm Ấp đánh cướp. quận Nhật Nam, vua Nam Đế sai tướng là Phạm Tu đánh phá quân Lâm Ấp; oai thế lừng lẫy, nhân thế tự xưng là Nam Việt Đế, đổi niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân, là ý mong xã tắc lâu dài đến muôn đời vậy. Vua xây dựng điện Vạn Xuân, làm nơi triều hội, cho Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều và Phạm Tu đều làm tướng võ và tướng văn. Nước Lương do Thương Phiếu làm Thứ sử Giao Châu và Trần Bá Tiên làm Tư mã mang quân xâm lăng Giao Châu. Bá Tiên biết quân của mình sợ đi đánh xa, mới bảo Dương Phiếu rằng: "Chúng ta phụng mệnh Vua đi đánh kẻ có tội dù sống dù chết cũng không quản, không nên lần chần không tiến quân, làm cho thế giặc thêm to, nản chí quân mình", tức thời giục quân đi trước làm tiên phong. Trận thứ nhất đánh ở Chu Diên, trận thứ hai đánh ở Gia Ninh, hai lần đều thắng trận. Vua Nam Đế lui về trong chỗ dân Leò Tân Xương, đóng nhiều chiến thuyền, và ra đóng đồn ở Điển Triệt. Quân Lương sợ lắm, đóng ở cửa hồ không dám tiến. Bá Tiên nói: "Quân ta già yếu không có viện binh, vào chỗ đất tâm phúc người ta, nếu một trận đánh mà không thắng, toàn tính mệnh sao được. Nay nhờ lúc bên địch bị chạy luôn, lòng người chưa vững chắc, chính là lúc ta nên quyết đánh cho kỳ được". Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh cao đến 7 thước, chảy vào trong hồ, Bá Tiên mang quân bản bộ theo dòng nước tiến lên trước, quân Lương đánh trống reo hò tiến theo, vua Nam Đế phải lui giữ trong động Khuất Liêu, sai Triệu Quang Phục điều khiển quân đánh Bá Tiên, quân Bá Tiên rất mạnh, Quang Phục tự liệu thế không chống nổi, lui về giữ Dạ Trạch. Dạ Trạch ở quận Chu Diên, quanh co không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây rậm rạp, ở giữa có đất bãi nổi lên có thể ở được, bốn mặt bùn lầy, người và ngựa khó đến được, chỉ có thuyền độc mộc đẩy bằng sào đi trên nước, cỏ mới có thể đến được. Nếu không phải người thuộc đơờng thì hoang mang không biết đường nào, lỡ sa xuống nước, chỉ làm mồi cho rắn rết. Quang Phục đem 2 vạn quân đóng ở trong Dạ Trạch(2), ban ngày thì tắt hết khói lửa và dấu vết chân người đi, ban đêm thì đem quân ra đánh úp trại quân Lương, lấy những lương thực cướp được của địch, làm lương ăn để chống giữ lâu dài. Bá Tiên cho quân theo gót mà tiến đánh, không thể đánh được. Người trong gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương đốt hương khấn cầu trời, được cái giáo dài bằng móng rồng, cùng để đánh goặc; tự đó thế quân lừng lẫy, đi đến đâu cũng không ai địch nổi. Tục truyền: Đời Hùng Vương, con gái Vua là Tiên Dung Mỵ Nương ra chơi cửa bể, khi thuyền trở về, đến bãi lang Chử Gia, đi bộ gặp Chử Đồng Tử trần truồng nấp trong bụi cỏ rậm. Nàng Tiên Dung cho là có duyên trước với nhau, bèn cùng nhau kết làm vợ chồng. Vua nghe biết chuyện ấy, nàng Tiên Dung sợ, trốn ở trên bờ sông, ở đâu thì chỗ đó thành đô hội. Vua giận cho quân đi đánh, Đồng Tử và Tiên Dung chờ chịu tội, bỗng nhiên nửa đêm có mưa to gió lớn, tất cả nhà cửa người và gà, chó đều cùng bay lên trên không chỉ còn lại nền nhà trơ trọi, nhân thế gọi bãi ấy là Tự Nhiên Châu, cái chằm ấy gọi là Nhất Dạ Trạch, Đồng Tử cưỡi rồng vàng trên trời bay xuống, trút cái móng rồng trao cho Vua, bảo Vua để trên cái đầu mâu mà đánh giặc. Truyện xuất xứ ở sách Lĩnh Nam Trích Quái. Sử thần bàn rằng: Nam Đế tuy gọi là kiến quốc nhưng Lương vẫn còn sai Thứ sử cai trị châu ấy; Viên Đàm Hoãn mật gửi về nước giả nợ và cho con gái 4, 5 trăm lạng vàng. Âu Dương Thịnh mang về nhiều trống bằng đồng và nhiều đồ châu báu, những quan lại tham tàn đi lại liền liền, dân thì hoặc phục dịch cho Lương, hoặc làm tôi nhà Lý, khổ sở nhiều bề, không biết kêu ai được, sao mà nước ta không may đến thế?. Vua Nam Đế mất ở động Khuất Liêu. Anh Vua là Lý Thiên Bảo cùng tướng người trong họ là Lý Phật Tử thu họp những quân linh tinh được 3 vạn người vào quận Cửu Chân vây Ái Châu, bị Bá Tiên đánh phá Thiên Bảo chạy sang nước Ai Lao, thấy chỗ đầu nguồn sông Đào Giang có cái động Dã Năng, đất rộng màu tốt, bèn xây thành ở đó, dựng quốc hiệu là nước Dã Năng, dân chúng suy tôn lên làm vua. Xét trong binh pháp: "Có ba vạn quân đều sức nhau, thiên hạ khó ai địch được". Nay Lý Bảo, Lý Bí có quân đến năm vạn người mà không giữ được nước, có phải kém tướng tài đâu, không may gặp phải Bá Tiên là người khéo dụng binh. Tóm lại giời không có lòng giúp, cơ biến xẩy ra bất thường, xem lúc trước có câu sấm "nhật phụ mộc lai" nếu 5 vạnj người ấy đều có sức mạnh như hổ, beo, không có nước dâng mạnh, sâu đến năm thước, cũng đến bại vong mà thôi. (Dã sử chép: thời bấy giờ có con trâu đen đẻ ra trâu con trắng, có chữ rằng: "nhật phục mộc lai", là chữ Trần, sau Trần Bá Tiên xâm lăng nước Nam quả nhiên đúng câu sấm ấy). ĐÀO LANG VƯƠNG (Tên là Thiên Bảo, là anh vua Nam Đế, dựng nước ở trong động Dã Năng, chúng suy tôn là Đào Lang Vương). PHỤ THÊM: TRIỆU VIỆT VƯƠNG (Tên là Quang Phục, là con Triệu Túc, theo Nam Đế đánh dẹp có công, Nam Đế mất, bèn xưng là Vua, đóng đô ở Long Biên giữ nước được 24 năm). Xét cựu sử lấy Triệu Việt Vương tiếp theo chính thống Tiền Nam Đế, mà phụ thêm Đào Lang Vương; nhưng mà Quang Phục ở đất Đào Giang, chưa thấy được Long Biên, nhưng đối với danh nghĩa thì là thuận, vì nước của anh mình nên vẫn cứ theo cách chép sử của Tử Dương(3) thì thống kỷ mới không rối loạn, mà phép làm sử có chuẩn đích. Trần Bá Tiên cho là Triệu Việt Vương ở chỗ hiểm trở chưa thể phá ngay được, gặp lúc Lương có việc loạn Hầu Cảnh, Bá Tiên phải mang quân về, chỉ lưu Tỳ tướng là Dương Xàn ở lại, giữ nhau với Triệu Việt Vương. Việt Vương tung quân ra đánh giết được Xàn, quân Lương tan vỡ chạy về Bắc. Việt Vương tiến về ở trong thành Long Biên. Đào Lang Vương mất ở nước Dã Năng, không có con, dân chúng suy tôn Lý Phật Tử làm thừa tự, thống trị dân chúng. HẬU NAM ĐẾ Hậu Nam Đế tên là Phật Tử, là tướng có họ với Tiền Nam Đế, đánh Việt Vương mà phục quốc, làm vua 32 năm. Vua biết dưỡng sức để đợi thời, mà lấy lại được cơ đồ cũ; nhưng lấy nước bằng cách man trá là người bất nghĩa và trông thấy địch là đầu hàng, là người vô dũng, thật đáng khinh bỉ. Vua tự nước Dã Năng xuốgn miền đông, đánh nhau với Triệu Việt Vương ở Thái Bình, năm lần tiếp chiến, quân hơi lùi, ngờ rằng Triệu Việt Vương có thuật lạ, bèn giảng hòa và đính ước với nhau; Việt Vương thấy Vua họ là Tiền Nam Đế, không nỡ cự tuyệt, bèn chia địa giới ở châu Quân Thần, (nay là đất Thượng Hạ Cát, huyện Từ Liêm) cho ở phía tây nam trong nước. Vua bèn dời kinh đô sang thành Ô Diên. Nam Đế có con là Nhã Lang có dị chí, bảo vợ rằng: "Xưa kia hai cha chúng ta là thù địch với nhau, nay kết làm hôn nhân, chả hay lắm sao, nhưng mà ông bố vợ ta ngày trước đánh lui được quân địch, cũng phải có mẹo gì chứ?". Vợ mật đem cái đâu mâu rồng cho xem, Nhã Lang ngầm thay đổi cái móng rồng, rồi lấy cớ xin về thăm cha, cáo từ về Ô Diên, mưu tính cùng cha đánh úp Triệu Việt Vương. Quân Nam Đế đến, Triệu Vương không ngờ, thảng thốt đốc quân ra, mở cái đâu mâu để đợi quân địch. Quân Nam Đế tiến lên, Triệu Vương không chống được, bèn dắt con gái chạy về phương Nam, muốn chọn chỗ đất hiểm để ẩn mình, nhưng đến đâu quân Nam Đế cũng đuổi theo sau, chạy đến cửa biển Đại Nha(4), bị nước ngăn trở, than rằng: "Ta cùng đường rồi", than rồi, tự nhảy xuống biển. Triệu Việt Vương mất, người đời sau cho là linh dị, lập đền thờ, nay đền thờ ở huyện Đại An, cửa biển Đại Nha. Lý Phật Tử đã diệt được Triệu Việt Vương, tự xưng là Nam Đế, đóng đô ở Ô Diên(5). Nhà Tùy muốn mang quân sang xâm lăng Giao Châu, hỏi Lý Nghiệp xem ai làm tướng được. Lý Nghiệp tiến cử Lưu Phương là người có tài làm tướng, Vua cho Lý Nghiệp làm Tổng quản. Lý Nghiệp có quân lệnh nghiêm chỉnh, mà đối với dân chúng thì nhân từ, sĩ tốt sợ và mến phục, tiến quân vào thành nào thì hiểu dụ cho biết họa phúc. Nam Đế sợ và thấy quân Lưu Phương mạnh nên xin đầu hàng, người nhà Tùy mang Nam Đề về Bắc, họ Lý mất nước. Trên này là Tiền và Hậu Lý, 3 vua, khởi từ năm Tân Dậu, năm thứ bảy niên hiệu Đại Đồng nhà Lương, đến hết năm Nhâm Tuất năm thứ hai niên hiệu Nhân Thọ nhà Tùy, cộng 62 năm. Sách Thông luận bàn rằng: Vua Tiền Nam Đế là nhà hào hữu khởi binh, có Long Thiều giúp mưu mô, Triệu Túc giữ việc quân, đuổi được Tiêu Tư, phá nước Lâm Ấp, xưng làm vua nước Nam Việt, quốc hiệu là Vạn Xuân, chống cự với nhà Ngô, giữ được quốc thống, ở vào tình thế rất khó, mà lập nên công nghiệp ấy, nước Lâm Ấp không dám dòm ngó, công của vua Tiền Nam Đế thực là rõ ràng. Tiếc cho một lần thứ nhất bị thua ở Ô Diên, lần thứ hai bị tan vỡ ở hồ Điển Triệt phải lánh ẩn ở Động Khuất Liêu, rồi đến mất nước, đó không phải là tại Vua bất tài, tướng súy bất võ, cái cơ sự thắng hay bại và thời vận dài hay ngắn ăn khớp với nhau, đều là tại trời cả. Vua Đào Lang là người đồng bào với Vua, giữ nghĩa cứu giúp khi hoạn nạn, kết hợp các đồng chí, theo đuổi trong buổi gian nan, đương khi gấp rút suy yếu mà khởi lên được, tuy chưa địch được với Bá Tiên, nhưng má chiếm cứ nơi hiểm trở, dựng thành một nước, lấy lại được nước trong khi đã mất, không thể bảo là vô chí được. Gặp phải Triệu Quang Phục là tay cường hào, có lòng tự lợi, không có chí lập nền chính thống, rồi nuốt giận đến chết, cũng đáng thương lắm. Hậu Đế nhờ cơ nghiệp cũ của Đào Lang, thu thập nắm lửa tàn của nước Dã Năng. Năm trận đánh ở Thái Bình, chia cương giới với Triệu, liền đánh úp Triệu, nối được chính thống nhà Lý, còn có điều đáng khen. Tiếc rằng dàn xếp với Triệu, bình hết Dán Lèo, đã có cái thế nổi dậy được, túng xử chưa dứt khoát được với Triệu, thì nên nghĩ dần mưu chước đánh hay là giữ, chứ không nên chia đất và thông hôn; đã cùng nhau hòa, lại còn bội ước, cái giáo thần đâu mâu chả đáng là gì, mà nghe gian mưu của trẻ con, theo lối cũ của Triệu Đà, bất trí quá lắm! Đến khi quân Tùy kéo đến, chưa bắn một mũi tên nào, đã chịu nhục dâng ngọc dắt dê xin đầu hàng, sao trước thì trí mà sau lại ngu, trước thì hùng mà sao hèn nhát thế? Thật là làm lạ!. __________________ 1) Thái Bình. Vấn đề quê hương Lý Bí hiện có nhiều cách giải thích khác nhau. Có ý kiến chỉ định Thái Bình nay thuộc tỉnh Thái Bình; có ý kiến chỉ định Thái Bình là huyện Thái Bình nay thuộc vùng thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây. Riêng chúng tôi (Đinh Văn Nhật - Bùi Thiết) cho rằng đất Thái Bình nay thuộc xã Tiền Phong, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ở đây còn nhiều dấu vết liên quan đến Lý Bí. 2) Nay thuộc vùng huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. 3) Tên hiệu Chu Tử đời Tống. 4) Đại An. Cửa biển cũ, nay là vùng các xã Độ Bộ Quần Liêu cũ, nay thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. 5) Ô Diên. Nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.