Trời mưa không làm tâm trạng hào hứng của Nicholas Sedgwickb mất vui lúc anh dạo bước qua Đại lộ Invalides, nhằm thẳng đường Université. Anh vừa hoàn thành phác thảo cho bộ phim sẽ bấm máy tại trường quay ở Billancourt và thung lũng Loire, được các đạo diễn phim và nhà sản xuất phim thích thú. Không gì làm con người phấn khởi bằng sự thành công dù chỉ nhỏ bé thôi, anh nghĩ lúc ngang qua đại lộ đến trường của Anya. Đúng lúc ấy, một bóng đen thoáng qua gương mặt điển trai và đọng lại trong cặp mắt xám xanh của anh. Anh đã được đỉnh cao nghề nghiệp, nhưng trong cuộc sống riêng tư, hạnh phúc vẫn lẩn tránh anh. Cuộc hôn nhân của anh với Constance Aykroyd, một nữ diễn viên sân khấu người Anh đang đến hồi kết thúc. Suốt nhiều tháng ròng, anh đã cố làm cho nó tốt đẹp hơn nhưng càng ngày anh càng xa cách cô hơn, và giờ đây anh chỉ muốn chấm dứt. Nhưng Connie không muốn ly dị, cô không tự nguyện rời bỏ anh dù anh đã dọn đi nhiều tháng trước đó. Nicky thở dài, thầm biết ơn đã không dính dáng đến con cái trong cuộc hôn nhân bất hạnh này. Nếu cuối cùng có phải xảy ra tan vỡ, mong saocho gọn gàng. Anh mới 38 tuổi. Anh có thể làm lại cuộc đời. Anh mỉm cười một mình. Hy vọng không ngừng tuôn trào... đó chính là điểm mà ông bác Hugh Sedgwick ưa thích. Hugo là đời chồng thứ hai của Anya, ông là một nhà doanh nghiệp chân chính và là cột trụ của gia đình, là người suy xét đến mọi người, mọi việc. Là người đầy sức thuyết phục, chắc chắn và mạnh mẽ, vững vàng như một tảng đá, ông có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời Nicky. Cả anh và Anya đều suy sụp vì cái chết của ông. Xong ít ra công việc của mình vẫn tấn tới, Nicky nghĩ lúc rẽ vào góc phố. Anh và cậu em trai Larry đang bận bịu chưa từng thấy, vì công ty thiết kế nghệ thuật của họ có văn phòng tại Paris và London đang phát đạt. Không chỉ có thế, anh đặc biệt thích thú công việc giảng dạy. Mỗi tuần anh dạy hai lớp thiết kế và trang trí tại trường của Anya, và năm nay anh mới phát hiện ra vài sinh viên xuất sắc trong lớp anh. Anh luôn mãn nguyện trong việc khích lệ và dạy dỗ các sinh viên có triển vọng, và sẵn lòng chỉ bảo họ cách phát triển tài năng để đạt được mục tiêu đã đề ra. Đến giữa phố Université, anh đến cái cửa khép khổng lồ bằng gỗ dẫn đến sân trường. Anh vào trong bằng cửa phụ nhỏ dành cho người đi bộ; Lúc đóng cửa lại sau lưng, anh mong bà Anya sẽ hài lòng với những thiết kế dành cho bữa tiệc sinh nhật của bà. Cuối ngày haôm nay, anh sẽ đưa bà duyệt. Nicky vào chiếc thang máy cổ lỗ lên phòng làm việc của anh ở tầng ba. Nhiều ngôi nhà xây từ những năm 20 đến 40 làm trường học lúc ban đầu, sau đó nối liền với nhau vì cần thiết. Ra khỏi thang máy anh đi dọc hành lang và không thể không nghĩ đến lịch sử của toà nhà này. Đến cuối năm nay, nhà trường đã tồn tại 75 năm, và đó là một thành công đáng kể. Chỉ những bức tường có rặng cây ăn quả là đáng để nói đến, anh nghĩ lúc đi vào văn phòng. Anh cất ô vào tủ áo, rồi ngồi xuống bên chiếc bàn rộng, bắt đầu xem xét những bản phác thảo cho bữa tiệc của Anya. Nhưng đầu óc anh phiêu diêu mất một lúc. Mọi ý nghĩ của anh tập trung vào nhà trường, và tất cả chỉ vì Anya Sedgwick. Ban đầu, chỉ là một trường nghệ thuật nhỏ bé, rất mực khiêm tốn do bà Catherine Lacoste, mẹ chồng bà Anya cai quản. Bà là goá phụ trẻ của nhà điêu khắc Pháp lừng danh Laurent Lacoste, người đã điều hành trường từ năm1926. Sau cái chết của Laurent đầu những năm 3không, bà đã vật lôn giữ cho nhà trường tiếp tục hoạt động. Trường tuy nhỏ nhưng đã có tiếng tăm vì thuê được nhiều giáo viên giỏi, phần lớn là các nghệ sĩ cần một nguồn thu nhập ổn định trợ giúp cho hoạt động nghệ thuật của họ. Ngoài ra, tên tuổi của Laurent Lacoste cũng mang lại uy tín cho trường. Thật khó tin nổi, với uy tín của bà, Catherine đã xoay sở giữ cho trường vẫn mở cửa trong thời chiến và cả trong những năm Đức chiếm đóng Paris. Rồi sau Thế chiến II, nhà trường lại phát triển rực rỡ lần nữa. Đến năm 1948, Catherine nhận thấy bà không thể điều hành nhà trường hơn được nữa. Cuối cùng, bà bảo cô con dâu trẻ của bà tiếp nhận và cai quản thay bà. Anya đồng ý, chị biết mẹ chồng chị lúc nào cũng là người tư vấn và hướng dẫn chị. Anya và bà Catherine gắn bó với nhau lạ lùng. Họ quyến luyến nhau từ năm 1936, khi Michel đưa Anya đến gặp mẹ anh. Đó là ngày Anya tròn 20 tuổi và chính trong buổi chiều hôm đó, Catherine đã dự đoán rằng sẽ có ngày con trai bà và Anya lấy nhau. Trong chiến tranh, Michel Lacoste vốn là một nhà báo chuyên nghiệp đóng tại London, anh là một nhân viên của tướng Charles de Gaulle đang cầm đầu các lực lượng Giải phóng nước Pháp. Anya và Michel đã yêu nhau ở Paris từ trước chiến tranh, họ vẫn gặp nhau trên đất Anh bị cuộc chiến dày xéo. Họ cưới nhau năm 1941 trong một cuộc oanh tạc dữ dội. Anya 25 tuổi, còn Michel 31. Năm 1946, vài tháng sau khi cuộc chiến chấm dứt, Michel đưa Anya và hai đứa con nhỏ của họ, Olga lên ba và Dimitri lên hai, về Paris. Cuộc sống ở Paris năm 1946 đầy rẫy những thiếu thốn và bao vấn đề sau chiến tranh. Vì không có nhà và tình hình tài chính eo hẹp, Michel và Anya dọn đến ở với mẹ của Michel. Catherine rất vui sướng, bà nồng nhiệt đón tiếp họ và rất hài lòng là sau một thời gian dài, cả gia đình con trai lại về sống chung với bà. Những năm chiến tranh thật gian nan và cô đơn; bà nồng nhiệt đón mừng họ, ấp ủ mấy đứa cháu nội xinh xắn. Họ sống hào thuận trong ngôi nhà ốp gỗ màu đen và trắng mà Anya vẫn đang ở. Ngôi nhà đủ rộng cho tất cả, khu vườn thật đẹp, rộng rãi cho bọn trẻ chơi đùa, chạy nhảy thoải mái, nhất là khi đẹp trời. Theo yêu cầu của Catherine, Anya đã đến dạy nữa ngày ở trường. Chị sửng sốt nhận thấy mình có khiếu về sư phạm. Hai năm sau, khi Catherine đề nghị tiếp nhận nhà trường, chị đã đồng ý, vững tin vào khả năng của mình. Anya là một phụ nữ trẻ sắc sảo và khôn ngoan; Dưới sự lãnh đạo của chị, nhà trường bắt đầu phồn vinh. Chị có tài tổ chức, quản lý và sáng tạo, cộng thêm sự thính nhạy, phát hiện ra các giáo viên hiếm có. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là chị có tầm nhìn sắc bén. Chị có thể phát hiện ra nhiều năng lực phi thường, nhiều phương pháp hứng thú để mở rộng ngôi trường nghệ thuật nhỏ bé bằng cách phát triển chương trình học, thêm vào nhiều giờ mới, dạy một số bộ môn nghệ thuật trang trí quan trọng khác nữa. Tuy nhiên, chị không làm bất cứ một sự thay đổi lớn lao nào cho đến khi Catherine qua đời vào năm 1951. Lúc đó, Anya mới nâng cấp trường, từ tốn và thận trọng, bố sung nhiều khoá mới dạy thiết kế thời trang và vải vóc cũng theo thiết kế trang phục và sân khấu. Các lớp nghệ thuật và điêu khắc vẫn là lớp chính của trường, nhưng sinh viên bắt đầu ghi tên vào học các lớp khác Michel và Anya rất hồi hộp. Một năm sau, họ nới thêm toà nhà lúc bắt đầu thiếu chổ. Năm 1955, một thảm kịch xảy ra. Michel đột tử vì một cơn đau tim nặng. Anh mới 45. Anh và Anya đã chung sống được 14 năm hạnh phúc. Choáng váng và đau đớn vì cái chết không đúng lúc của Michel, song Anya vẫn tiếp tục điều hành nhà trường. Có lần Nicky hỏi vì sao bà có thể làm được điều đó, Anya trả lời: − Bác chỉ tiếp tục lê bước dấn lên thôi. Mặc dù trái tim tan vỡ, bác biết bác không thể nhượng bộ hoặc sụp đổ. Bác có quá nhiều trách nhiệm, cuộc sống của bao nhiêu người phụ thuộc vào bác, lại còn hai đứa con nhỏ phải nuôi và dạy dỗ. Bác phải đi tiếp thôi. Vả lại, bác cảm thấy mắc nợ với Catherine, phải giữ cho trường hoạt động để nhớ đến bà. Hai năm sau khi Michel mất, năm 1957 Anya gặp Hugh Sedgwick qua những người bạn chung. Ông là một thương nhân Anh sống và làm việc ở Paris, Goá vợ và không con. Ông xuất thân từ một gia đình kịch sĩ, lúc rảnh rỗi ông cũng là một tài tử nghiệp dư. Dường như họ có nhiều điểm chung. Họ cưới nhau năm 1960 ở Paris. Khi Anya đề nghị ông giúp bà quản lý tài chính cho trường, Hugo vui vẻ đồng ý. Chỉ trong vòng một năm, nhà trường đã qua giai đoạn khó khăn và lần đầu tiên có lãi trong lịch sử của trường. Không chỉ có thế, những năm sau đó danh tiếng của trường bắt đầu lớn mạnh. Nhiều sinh viên, kể cả người nước ngoài đổ đến ghi tên học tại trường. Khoảng giữa năm sáu mươi, nhà trường có tên là Trường Nghệ thuật trang trí Anya Sedgwick. Mấy năm sau, trường đổi tên lần nữa, lần này là Trường Nghệ thuật trang trí Thiết kế và thời Trang Anya Sedgwick. Trường tiếp tục lớn mạnh, nhiều người tốt nghiệp xuất sắc, còn Anya đã trở thành huyền thọai sống. Đúng lúc ấy chuông điện thoại réo vang làm Nicky suýt giật nảy người. Chìm đắm trong suy nghĩ, mất một lát anh mới định thần được và cầm lấy ống nghe. − Nicholas Sedgwick nghe. − Bác Anya đây, Nickỵ − Chào bác. Cháu đang nghĩ đến bác. Mấy giờ cháu có thể đến văn phòng của bác đưa bác xem các phác thảo về bữa tiệc? Bác không muốn xem, Nicky ạ, vì thế bác mới gọi điện cho cháu. Nói thật bác thích một bữa tiệc bất ngờ về mọi mặt. Bác để cháu toàn quyền chọn lựa và quyết định. − Nhưng bác Anya.... − Không nhưng gì hết - Bà ngắt lời - Bác hoàn toàn tin vào cháu, cháu yêu quý ạ. Cháu có thị hiếu khá nhất trong những người bác biết. − Cháu rất hãnh diện, nhưng nói thật là cháu vẫn muốn được gặp bác. − Vậy cháu hãy đưa bác đi uống trà. Đươc không Nicky, và chúng ta có thể trò chuyện một chút. Dạo này bác cháu ta không làm thế. − Hay quá bác ạ. Cháu rất sằn lòng. − Sao chúng ta không gặp nhau ở khách sạn Meurice vào bốn giờ nhỉ? − Cháu sẽ đến đấy. Đúng bốn giờ, bác ạ. Họ ngồi cùng nhau trong vườn mùa đông, ngay bên ngoài hành lang khách sạn Meurice mới tân trang, trên phố Rivoli đối diện Tuileries. Những cây cọ trồng trong chậu và nhiều cây lạ tạo cho khu vườn cảm giác chung là một nơi duyên dáng và dễ chịu. Nổi lên phía trên là mái vòm băng kính, gắn kết với tác phẩm nghệ thuật bằng kim loại. Lớp kính màu trắng sữa mờ đục lọc ánh sáng tự nhiên, tạo cho căn phòng một sự dịu dàng khác thường. Anya dựa lưng vào ghế nhìn quanh. − Bà Catherine Lacoste, mẹ chồng bác rất thích khách sạn này - Lát sau, bà thố lộ - Bà thường đưa bác đến đây uống trà. Hoặc champagne. Nó cũng thành nơi ưa thích của bác. Hồi chiếm đóng, khách sạn biến thành bản doanh chỉ huy tối cao của Đức. Bà Catherine rất căm ghét bọn Boches. − Những người Pháp cũng thế. − Ơn Chúa vì bọn Nazis đã không phá huỷ Paris, dù chúng có thể làm lắm. Năm 1944, Hitler đã ra lệnh triệt phá các toà nhà có tính chất lịch sử khi quân đồng minh đến gần. Nhưng tướng Dietrich von Choltitz, tống chỉ huy bon chiếm đóng đã không thể thực hiện cái lệnh báng bổ thánh thần ấy. Hắn đã nộp thành phố nguyên vẹn cho Tướng LeClerc, người giải phóng Paris. − Có lần bác Hugo đã kế với cháu điều đó - Nicholas nói và cầm tách trà hớp một ngụm, nhìn Anya qua vành tách, nghĩ thầm chiều nay trông bà mới đẹp làm sao. Bà mặc bộ áo bằng len màu lơ nhạt cắt rất khéo, mái tóc vàng sẫm của bà cắt ngắn, lượn sóng mềm mại như một cái mũ thanh lịch thường lệ. Trông bà rất lộng lẫy. Anya hỏi, cắt ngang những suy nghĩ của anh: − Có nhiều người nhận lời đến dự tiệc không, Nicky? − Nhiều ạ, và tuần này cháu hy vọng còn nhiều hơn nữa. − Cháu có biết tin Alexa không? Cô ấy nhận lời chứ? − Cháu chưa nghe, nhưng cháu tin chắc là một ngày nào đó cháu sẽ biết. − Có khi Alexa không đến. Từ ngày tan vỡ với Tom Conners từ ba năm trước, Alexa chưa trở lại Paris, đúng vào lúc nó thôi làm việc với cháu và Larry. Năm ngoái bác có gặp nó ở New York... - Bà ngừng lại, nhìn anh thật sắc sảo và nói - Bác có cảm giác Alexa tránh nước Pháp, nhát là Paris, vì anh ta. Nicky thở dài: − Cháu vẫn cảnh báo cô ấy về anh ta. Anh ta xoay trở tình cảm quá nhanh. Không người phụ nữ nào cần một người như thế, bác Anya ạ. Biết đâu anh ta chẳng bỏ chút ít thói quen ấy rồi? Bây giờ chẳng hạn? - Bà lại tặng thêm cái nhìn sắc sảo nữa. − Bác nghĩ thế, nhưng cháu không biết là... - Tiếng nói của anh nhỏ dần, ngập ngừng - Lúc nào Tom cũng thui thủi một mình. Giữ kín ý nghĩ của mình. Dè dặt và lạnh lùng. Chẳng cởi mở chút nào. − Dạo này cháu có gặp anh ta không? - Anya nhô người về phía trước, cặp mắt xanh nhạt nhìn anh chăm chú hơn - Bác có cảm giác anh ta vẫn đại diện cho nhiều người trong công việc kinh doanh. − Đúng thế đấy ạ. Có lẽ Tom vẫn làm. Nhưng đến một năm nay, cháu không gặp Tom lần nào. Có thể anh ta không làm nữa - Anh hơi nheo mắt - Sao ạ? bác định nói gì ạ? − Bác rất muốn Alexa đến dự tiệc. Bác đang nghĩ biết đâu Tom đã rời Paris.− Cháu ngờ lắm - Nicky đứng dậy, vẻ mặt cảnh giác - Anh ta sinh trưởng ở đây, thuộc về chốn này. − Có một số người chuyển đến miền Nam, đến Provence hoặc một nơi nào đó. − Nhưng không phải là Tom, cháu xin thề đấy. Nhân tiện, cháu đã nhận được tin Maria Franconi, cái cô Italy dễ thương cùng lớp với Alexa. Cô ấy là người nhận lời đầu tiên. Nụ cười nở rộng trên mặt Anya: − Bác vui vì cô ấy đến! Maria là một cô gái đáng yêu. Lại rất có tài, vậy mà hiện giờ uổng phí. − Bác nói sao kia ạ? - Nicky hỏi anh cau mày. − Lẽ ra Maria có thể làm được nhiều hơn là thiết kế nhừng mẫu vải không còn hợp thời cho việc kinh doanh của gia đình cô ấy - Không để anh có dịp bình luận, bà tiếp - Bác chắc Kay Lenox sẽ đến, nhưng không có Jessica. Bác cho là cô ấy sẽ không thể đối mặt với Paris vì chuyện đã xảy ra. − Bác định nói đến việc Lucien mất tích? − Đúng thế. Thật là một chuyện bí ẩn... và chẳng ai hiểu ra sao nữa. − Vì thế bác cho là Jessica sẽ bỏ bữa tiệc của bác vì Paris lưu giữ nhiều kỷ niệm xấu và quá đau đớn cho cô ấy phải không? Anya gật đầu và ngồi dựa vào lưng ghế. − Bác nghĩ thế thật, Nicky ạ. Bác chưa bao giờ thấy ai quẫn trí đến thế. Bạc còn nhớ chuyện đó rất rõ ràng - Bà lắc đầu - Nói thật, bác cho là cô ấy sẽ chẳng bao giờ hồi phục được. Chuyện này khác hẳn với người yêu bị chết. Chết là một kết cục hết sức kinh khủng. Nhưng đó là sự kết thúc. Là chấm dứt. Có đám tang, gia đình tụ tập, thương khóc, có mọi thứ nghi lễ cần thiết. Mọi người giúp đỡ, tin tưởng mình. Còn khi người yêu của mình mất tích, chẳng có cách gì giải quyết được nỗi đau đớn và thương nhớ cả. − Vì đó không phải là sự kết thúc chăng? - Nicky gợi ý. − Đúng thế. Không thi hài. Không tang lễ. Không chấm dứt một nỗi đau. Cô ấy không thể giới hạn được sự đau đớn vì mất mát, vì Lucien Girard không có gia đình để có người thực sự chia sẻ nỗi tiếc thương hoặc an ủi Jessica. Alain Bonnal là bạn thân nhất của Lucien, một người tuyệt vời, nhưng anh ta cũng sửng sốt, bối rối lúng túng y hệt Jessica. Họ vẫn giúp đỡ nhau. Nicky im lặng một lát. Câu chuyện thật kỳ quặc. Cuối cùng anh hỏi: − Thực ra Jessica có chuyện gì vậy, bác Anya? Cô ấy vẫn chưa lấy chồng? Bác có tin tức gì về cô ấy không ạ? − Có, bác có biết. Thỉnh thoảng bác nhận được thư hoặc bưu thiếp của Jessica, hoặc một bài báo cắt từ Tập san kiến trúc, nếu một tronh những ngôi nhà nó thiết kế được in. Jessica vẫn chưa lấy chồng. Nó sống ở Bel-Air, thiết kế nhiều thứ cho những người giàu có và nổi tiếng. Bác cũng nhận được thiếp mừng Giáng sinh của Kay và Maria nữa. − Còn Alexa? − Nó vẫn liên hệ đều với bác. Lúc nào nó cũng tận tuỵ với bác. − Cháu cho là cháu lúc nào cũng quý Alexa - Anh cầm lấy tay Anya - Có lẽ bây giờ cũng thế. Bác có biết lý do không? − Không, bác không biết. − Vì Alexa rất giống bác, bác Anya ạ. Cô ấy là hình ảnh phản chiếu của bác, hoàn toàn ngẫu nhiên thôi. Hoặc có khi cô ấy rập khuôn theo bác. Dù thế nào đi nữa, cô ấy cũng có rất nhiều thiên tư của bác. − Bác cho là cháu hơi định kiến đấy, Nicky ạ - anya hơi mỉm cười, trả lời. Bà vỗ nhẹ bàn tay anh vẫn đang năm lấy tay bà - Nhưng cháu nói đúng, Alexa rất có năng khiếu.