Trong thế kỷ này, chúng ta đã đi từ chính trị của cái chính phủ tốt đến chính trị - phúc lợi, từ Nhà nước sen đầm đến Nhà nước trợ lý. Đầu tiên bằng chủ nghĩa bảo vệ mậu dịch ở thế kỷ XIX, rồi bằng đạo luật chống tờrớt, chính trị đã đưa kinh tế vào dưới trướng của nó ; sau đó nó đã quản lý kinh tế bằng sự định hướng và sự kích thích tăng trưởng, bằng sự kiểm soát thậm chí bằng cả sự điều khiển của Nhà nước qua kế hoạch hoá. Nhu cầu của những cá nhân và dân chúng cũng đã rơi vào sự quản lý của chính trị: - Trợ giúp và bảo hộ mọi người thông qua trợ cấp nhiều mặt, bảo hiểm đời sống, công việc, bệnh tật, hưu trí cũng như những dịch vụ phụ sản, vườn trẻ, nhà dưỡng lão, mai táng... - Bồi thường thiệt hại do thiên tai (lụt lội, động đất v.v..) càng ngày càng thuộc phạm vi nhiệm vụ của các chính phủ. - Chính sách giáo dục đã được hệ thống hoá và nới rộng ra chính sách văn hoá và nhàn thú. - Để cho tự do hay kiểm soát những phương tiện truyền thông hiện đại cũng thuộc phạm vi cách đặt vấn đề chính trị. - Nhìn một cách tổng thể hơn, sự phồn vinh và phúc lợi đã được nâng lên hàng của những mục tiêu chính trị Như thế, chính trị đã ngấm vào tất cả mọi ngõ ngách của xã hội, đồng thời nó cũng đã để cho tất cả những vấn đề xã hội thâm nhập vào nó. Những vấn đề sống và sống còn, theo đúng nghĩa sinh vật của từ ngữ đã đột nhập một cách ngoạn mục và toàn diện vào chính trị. - Chính sách bảo vệ sức khoẻ đã tiếp nối chính sách cứu tế công cộng và từ nay không chỉ liên quan đến những người bệnh, kẻ tật nguyền mà toàn thể nhân dân. Nó còn đảm nhiệm sự phòng chống bệnh ung thư, siđa cũng như các loại ma tuý, thậm chí cả thuốc lá. - Một chính sách bảo đảm mức sống tối thiểu đã được phổ cập ở những nước giầu, trong khi đó phong trào chống đói ở những xứ nghèo đã thuộc phạm vi của chính sách quốc tế. - Vấn đề nhân khẩu đã trở thành một sự quan tâm chính trị trọng yếu dù khuynh hướng là giảm hay tăng dân. Những khả năng can thiệp y - sinh học, càng ngày càng ảnh hưởng, biến đổi vấn đề tử vong, sinh đẻ, bản sắc con người, và đã bắt đầu đặt ra những vấn đề chính trị như: - Vấn đề (giúp cho) chết không đau đớn, trích ghép các bộ phận cơ thể, truyền máu, quyền phá thái, bảo tồn tinh trùng, thụ tinh nhân tạo, mang thai dùm người khác v.v.. nhất là thao tác gien cho phép quyết định giới tính, đặc tính vật chất và có lẽ cả tâm lý của đứa trẻ sẽ ra đời, tất cả đã trở thành những vấn đề không phải có tính cách cá nhân, gia đình mà còn liên quan đến những quyết định chính trị. Vì thế với khả năng sửa đổi không những cách chuyển giao mà cả bản thân di sản di truyền này, đến lượt bản chất của con người và xã hội cũng trở thành những vấn đề phải đặt ra: sự sinh, sống và chết của con người từ nay đã rơi vào lãnh vực chính trị. Cha, mẹ, con cái, trai, gái, nghĩa là những khái niệm cơ sở trong tổ chức gia đình, xã hội một khi gặp phải những hỗn loạn tác động đến đều vấp phải các tiêu chuẩn chính trị. Khái niệm "con người" đã trở thành một cái gì có thể bị sửa đổi bởi những kỹ thuật thao tác di truyền, và chẳng bao lâu nữa có nguy cơ sẽ bị tiêu chuẩn hoá bởi một chính quyền nào đó có cơ hội nắm được quyền thao tác những kỹ thuật này. Khi bắt buộc phải đương đầu với những vấn đề nhân loại cơ bản, chính trị đã trở thành, dù muốn hay không, và thường là vì vô ý thức, một thứ "chính trị về con người" Và, địa cầu với tư cách như thế đã bị chính trị hoá, đồng thời chính trị đã trở nên toàn cầu: sự đe doạ của vũ khí nhiệt hạch trên nhân loại là một vấn đề chính trị trọng đại. Và từ 20 năm nay, sinh thái học đã trở thành một vấn đề chính trị không chỉ ở mức độ địa phương (suy thoái của những hệ thống sinh thái) mà còn ở mức độ tổng thể (tình hình xấu đi của sinh quyển) Vì thế, chính trị phải nghiên cứu tính đa chiều của những vấn đề nhân loại. Đồng thời, vì sự phát triển đã trở thành một mục tiêu chính trị trọng yếu và từ ngữ phát triển có nghĩa là (dĩ nhiên theo kiểu lệch lạc và què quặt) nhận lãnh trách nhiệm chính trị về tương lai con người, cho nên chính trị đảm trách tiền đồ nhân loại trong thế giới này cũng theo kiểu lệch lạc và què quặt như vậy. Và tiền đồ nhân loại trong thế giới vốn mang trong nó vấn đề triết học về ý nghĩa cuộc đời, những mục tiêu nhân loại và vận mệnh nhân loại, từ giờ trở đi đã bị chính trị hoá. Trên thực tế, như thế chính trị đã được đưa ra để đảm nhận vận mệnh và tương lai của con người cũng như của quả đất. Chính trị tổng hợp và chính trị cực quyền Từ thời Đại cách mạng Pháp trở đi, đã có sự đột nhập rồi lan tràn của một thứ huyền thoại từ trên trời rơi xuống và một thứ gần như tín ngưỡng về sự cứu rỗi bằng chính trị. Đối với St Just (Xanh Gútxt), cách mạng sắp sửa đem đến hạnh phúc cho Âu châu. Về phần Mác, ông ta biến chủ nghĩa xã hội của thế kỷ XIX thành một tôn giáo cứu rỗi ở trần gian, theo nó sứ giả vô sản của trời sẽ phá bỏ tất cả những áp bức và chia rẽ con người. Trong khi phe xã hội - dân chủ chỉ gán cho thiên chức của chính trị mỗi một ý nghĩa trợ lý/ bảo hộ thì cái tính chất phúc lợi này lại mang một ý nghĩa gần như cứu rỗi của tôn giáo ở dương gian theo cách giải thích của chủ nghĩa Mác - Lê. Chính trị vì thế đã được trao cái sứ mệnh lớn lao của những tôn giáo cứu rỗi, chỉ khác một điều là thay vì hứa hẹn một cứu rỗi ở thiên đường sau khi chết thì nó lại hứa hẹn điều đó ngay trong cuộc đời ở hạ giới này. YÙ tưởng về một cuộc cách mạng sẽ thay đổi thế giới, thay đổi đời người, được khích lệ bởi một huyền thoại to lớn và bởi một ý chí ngoan cường đã cho ra đời một thứ chính trị trở thành cực quyền. Chính vậy, thế kỷ XX đã được đánh dấu bởi một sự phô trương đại quy mô mang tính thần thoại và tôn giáo của chính trị cực quyền này. Cái đỉnh cao, rồi sự sụp đổ của nó đã chứng minh rằng: cho dù một chính trị có thể cưỡng chế mọi mặt của đời sống một xã hội, nó vẫn không thể cáng đáng hay giải quyết toàn bộ những vấn đề con người. Nhưng rồi, chủ nghĩa cực quyền dưới bộ mặt tôn giáo và ý trời đã cho thấy những đặc điểm đương đại của chính trị, cái chính trị dính dáng đến tất cả mọi mặt của đời sống con người và nó phải đảm nhiệm tương lai của con người trên thế giới. Một chính trị trống rỗng và vụn vỡ Chính trị truyền thống không cực quyền đã bành trướng đến trình độ của một chính trị tổng thể, nhưng đồng thời lại trở thành trống rỗng và vụn vỡ. Kinh tế, kỹ thuật, y học, sinh học v.v.. sau khi thâm nhập vào lĩnh vực chính trị đã đưa giới quan liêu kinh tế, kỹ thuật, hành chính và chuyên gia vào các cơ quan tư vấn, các guồng máy nhà nước cùng các đảng phái. Những người này dựa trên ngành nghề và trên phương pháp suy nghĩ cứng nhắc, riêng biệt của họ để chia nhau khu vực chuyên môn cho mình. Rồi càng ngày càng có thêm nhiều nước, ở đó những đối kháng cũ về ý thức hệ đã yếu, chính trị mất dần những tư tưởng lớn, nhường chỗ cho các mục tiêu kinh tế trở thành ưu tiên: đồng tiền ổn định, chỉ số tăng trưởng, cán cân ngoại thương, năng suất các xí nghiệp, sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Cũng vậy ở vào giai đoạn này, kinh tế đang chỉ huy, thậm chí tóm thâu cả chính trị. Vì thế cùng một lúc chúng ta rơi vào: - Trong sự khô héo và xơ cứng của một chính trị truyền thống không còn nhận thức được những vấn đề mới mà nó phải đương đầu. - Giữa hỗn độn của một chính trị gồm nhiều vấn đề đa chiều mà chúng lại chỉ được xử lý một cách khu biệt, rời rạc, vá víu. - Trong sự suy thoái của một chính trị bị thôn tính bởi các chuyên gia, những nhân viên quản lý, quan liêu kỹ thuật và kinh tế... Từ đó sinh ra cái khó khăn lớn: một chính sách về con người phải đảm nhiệm tính đa chiều và toàn bộ vấn đề nhân loại mà không được trở thành cực quyền. Nó phải bao gồm hành chính, kỹ thuật, kinh tế mà không để cho những thứ này giải thể nó, nghĩa là phi chính trị hoá nó đi. Chính trị đa chiều phải đáp ứng được những vấn đề đặc biệt rất đa dạng nhưng không theo một cung cách quá khu biệt và rời rạc. Nó cần có tính kỹ thuật nhưng không được phục tùng hệ thống chuyên môn hoá, bằng không nó sẽ đánh mất cái tổng thể, cái căn bản và trách nhiệm. Ngược lại nó phải luôn luôn có tầm nhìn tổng thể - toàn cầu -, nâng cao quan điểm về những vấn đề cơ bản - ý nghĩa cuộc đời, mục tiêu của con người -, và cái tình cảm trách nhiệm - cái mà con người chỉ có khi ý thức được những vấn đề cơ bản và tổng thể. Cuối cùng, nếu thật tình sự tưởng tượng không chỉ là một loại hơi nước vô hình mà còn là bộ phận tạo thành năng lực phức tạp của hiện thực nhân loại; nếu quả tình thần thoại không phải là một loại thượng tầng kiến trúc mà là một trong những khâu của quy trình tự tổ chức văn hoá xã hội theo luật nhân quả tuần hoàn; nếu quả tình tình cảm, ái tình, hận thù không chỉ là việc vặt của cá nhân mà là một cái gì sinh tử của nhân loại, thì lúc đó chính trị không thể xem những vấn đề chỉ ở mức độ tầm thường của kỹ thuật, kinh tế và số lượng. Sau lần sụp đổ của lời hứa "đổi đời" rất thi vị, chính trị đã trở thành cực kỳ khô khan nhàm chán (vì bị kỹ thuật hoá, quan liêu hoá về mặt hành chính và kinh tế). Nhưng chúng ta cũng phải biết rằng cùng một lúc con người sống trên trái đất này một cách vừa thi vị vừa phàm tục (như ta sẽ xem ở chương VIII)(1) và thơ không chỉ là một hình thức văn học, mà còn là một phương thức sinh hoạt bằng sự góp mặt, bằng tình yêu, nhiệt thành, thông cảm, cuồng nhiệt, nghi lễ, hội hè, say sưa, vũ điệu, ca khúc. Chính những điều này đã làm thay đổi bộ mặt của cuộc sống khô khan gồm những công việc thực tiễn, thực dụng, kỹ thuật. Tính thực dụng và thi vị luôn luôn cần bổ sung và luân phiên cho nhau. Như thế để nói rằng, cái chính trị con người, dù không cáng đáng được giấc mơ xoá bỏ cái tầm thường nhạt nhẽo của thế giới bằng cách thực hiện hạnh phúc trong cuộc sống nữa thì nó cũng không thể tự giam hãm trong cái phàm tục của "xã hội hậu công nghiệp" hoặc của "tiến bộ kỹ thuật" Chính trị, dù phải thâm nhập vào mọi chiều hướng của nhân loại cũng không được trở thành chúa tể của nó. Sự quy kết tất cả những chiều hướng này thành chính trị chỉ có thể làm chúng què quặt và dẫn đến cực quyền. "Tuy không có gì thoát khỏi chính trị, nhưng tất cả những gì bị chính trị hoá vẫn phải giữ được phần nào đó phi chính trị. Chính trị dù bao gồm tất cả, nhưng chính nó cũng phải được bao gồm bởi tất cả cái nó bao gồm. Vấn đề ở đây là phải xử lý quan hệ giữa chính trị và những chiều hướng của con người một cách biện chứng. Tất cả những gì thuộc con người một khi ở trong lĩnh vực chính trị phải có đặc tính nhân loại học. Cho nên ý niệm về chính trị con người hoặc nhân loại chính trị(2) không được quy kết vào bản thân tất cả những chiều hướng mà nó bao hàm: nó phải phát huy ý thức chính trị và quan điểm chính trị bằng cách thừa nhận và tôn trọng phần phi chính trị ở trong nó. YÙ niệm về chính trị con người dẫn đến cái ý niệm chính trị toàn cầu, cái ý niệm chính trị toàn cầu lại dẫn đến cái ý niệm chính trị con người. Chúng cùng nói với chúng ta rằng chính trị không được chỉ đơn độc hoặc cơ bản là chính trị của các dân tộc, của các đảng phái, của các Nhà nước. Đặc tính đa chiều, toàn cầu và nhân loại học của chính trị là hậu quả của ý thức cơ bản dưới đây: Cái gì ở giáp giới của chính trị (những vấn đề về cuộc đời con người, sự phát triển, sự sống và chết của cá nhân cũng như sự sống và chết của chủng loại) đều có khuynh hướng hướng tâm. Vì vậy chúng ta phải làm sao để xây dựng được một chính trị con người trong thế giới, cái chính trị có trách nhiệm toàn cầu, có nhiều kích thước nhưng không cực quyền. Sự phát triển của những con người, của sự liên hệ hỗ tương giữa chúng ta, của chủ thể có tính xã hội chính là mục tiêu của chính trị con người trong thế giới thông qua tiến trình tiến hoá nhân loại. Cái chính trị này vượt lên trên sự "cách tân" (aggiornamenti), hiện đại hoá và hậu hiện đại hoá, nhưng chúng ta sẽ thấy, nó không thờ ơ một chút nào với cái trước mắt, cái cục bộ, địa phương và trung hạn. Tính phức tạp trên cơ sở nhân loại học Con người có thể hy vọng gì? Tất cả chính trị nhắm vào sự phát triển con người, vào một thế giới tốt đẹp hơn đều phải tự đặt cho mình một câu hỏi như trên. Và điều này buộc nó phải tìm hiểu con người, xã hội, thế giới. Mác đã làm đúng như thế. Xuất phát từ những phạm trù triết học và nguyên tắc khoa học đương thời, ông đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng. Tiếc thay, ông ta đã tưởng là vĩnh cửu cái điều thật ra chỉ là giây phút trong sự phát triển của khoa học: Thuyết tất định và chủ nghĩa duy vật. Mác tin một cách ngây thơ rằng mình đã khám phá được Quy luật của Lịch sử, một thứ vốn tự do phóng túng không bao giờ biết đến quy luật là gì. Ông đã hài lòng với khái niệm què quặt và hồ hởi về con người mà không biết gì về cái con người phi hiện thực và bộ mặt khác của con người tinh khôn là con người rồ dại, ông ta quá tin vào sự tiến bộ vì một nhiệt tình cứu thế vô ý thức, tự đưa mình đến chỗ tin vào một đấng cứu thế chính trị (giai cấp vô sản), vào một ngày tận thế (cách mạng), một sự cứu rỗi (xã hội không giai cấp). Hôm nay, như chúng ta đã thấy, cái thế kỷ thứ 5 của kỷ nguyên toàn cầu này vẫn không cho phép (mà chưa biết đến bao giờ) những khoa học vật lý, sinh vật, nhân văn nói lời cuối cùng về tri thức vũ trụ - sinh vật - nhân loại, mà mới chỉ cho phép chúng thừa nhận tính phức tạp của con người tinh khôn rồ dại, tính phức tạp của sinh vật, tính phức tạp quả đất và vũ trụ. Ngày nay mặc dù có một sự đề kháng ghê gớm của những cấu trúc tinh thần và thể chế, cái tư duy phức tạp vẫn còn có khả năng đi những bước đầu tiên và, không thu gọn, không tách rời, cũng không vì vậy mà xáo trộn hay đồng hoá tất cả, nó sẽ nối lại những gì rời rạc trong khi vẫn giữ được những sự phân biệt và khác nhau. Nhân loại học phức tạp có thể soi sáng cho chính trị nhân loại. Con người không có sứ mạng tối cao là chinh phục thiên nhiên. Nhưng nó có thể theo đuổi sự tiến hoá nhân loại. Sự tiến hoá nhân loại lại không có gì là được xác định: con người tinh khôn rồ dại đồng thời có lòng tốt nguyên thuỷ mà cũng có tính xấu nguyên thuỷ, hai thứ này quyện vào với nhau(3). Cần phải thừa nhận tính hai mặt này, nó mang trong bản thân sự yếu đuối, khốn khổ, thiếu thốn, tàn ác, lòng tốt, cao thượng, khả năng tiêu diệt và sáng tạo, ý thức và vô thức, cái mà Pascal đã nói trong một trang kiệt tác về nhân loại học(4). Dùng tính phức tạp làm hướng đạo: Sinh thái chính trị và chiến lược. Chúng ta hãy nhắc lại nguyên tắc của sinh thái chính trị. Chính trị không có một quyền lực độc tôn trên xã hội và thiên nhiên, nó phát triển một cách độc lập / phụ thuộc (5) trong một hệ thống sinh thái xã hội. Cái hệ thống này bản thân lại nằm trong một hệ thống sinh thái tự nhiên và những hậu quả hành động của nó thâm nhập ngay vào trong sự vận hành của những phản tương tác của toàn bộ xã hội và tự nhiên, chỉ tuân theo một cách ngắn hạn và hiếm hoi cái chủ định hay ý chí của những người chủ trương nó. Điều này còn đúng hơn trong thời đại toàn cầu, lúc mà sự phụ thuộc lẫn nhau trở thành phổ biến đã làm cho những hành động địa phương và đặc thù có những hậu quả toàn bộ, rộng rãi và bất ngờ. Nguyên tắc sinh thái của các hành vi chính trị vì vậy phải không ngừng hiện diện trong tư tưởng nhân loại học và trong chính trị toàn cầu. Chiến lược là hành vi hợp lý được đem dùng trong một cục diện và một bối cảnh chưa được xác định và có tính nguy hiểm. Một chiến lược được xây dựng trên cơ sở của những mục tiêu và những nguyên tắc, có thể phác hoạ nhiều kịch bản hành động diễn biến khác nhau, nhưng nó sẽ lựa một kịch bản mà nó xem là thích hợp nhất cho tình thế: Có lúc cần chọn một phương án ít hiểm nguy nhất, nhưng cũng ít cơ may nhất, có lúc lại cần chọn một phương án nhiều cơ may nhất nhưng cũng mang nhiều nguy hiểm nhất. Chiến lược có thể làm thay đổi giữa chừng phương án hành động của nó tuỳ theo những thông tin, phản ứng, sự kiện ngẫu nhiên, sự xuất hiện hay biến đi đột xuất của các chướng ngại. Nó tích luỹ kinh nghiệm cùng khả năng trong quá trình khắc phục những nghịch cảnh. Chiến lược của chính trị nhân loại toàn cầu khó mà thoát được việc phải phát triển trong một sự bất trắc cực kỳ. Những dự báo tương lai đầy ảo tưởng 25 năm trước đã sụp đổ. Có không biết bao nhiêu hiện tượng va chạm, xung đột, biến hoá, tuỳ thuộc lẫn nhau, những tương tác và phản tác dụng dây chuyền làm cho con người không thể nào hy vọng vào một tương lai có thể tin cậy được. Chúng ta chỉ có thể đánh cuộc trên một tương lai mong ước, có thể có nhưng không chắc chắn, bằng cách xây dựng cái chiến lược thích hợp với sự bất trắc toàn cầu. Chiến lược của chính trị nhân loại toàn cầu phải được xây dựng từ những ý tưởng chủ đạo hay những ý tưởng - dẫn đường, nghĩa là những mục tiêu mà chúng ta đã tìm cách đề xướng (xem chương IV). Những nguyên tắc chính trị nhân loại học rất phức tạp, gói ghém ở bản thân chúng tính bấp bênh hoặc / và tính đối kháng. Cho nên nguyên tắc của sinh thái hành động cũng vậy, nó chứa đựng trong nó tính bấp bênh, nhưng lại cho phép sửa sai hay từ bỏ hành động này khi nó đi ngược lại dự định. Chúng ta đã từng nói là những nguyên tắc có tính đối thoại mang trong chúng 2 hoặc 3 mệnh lệnh bổ sung / đối kháng, như nguyên tắc kết hợp sau đây: Bảo tồn -> Cách mạng --> Đề kháng ^<-------------------v<----------------v Lại cũng cần nói về nguyên tắc đối thoại, nguyên tắc phải biết kết nối sự biến đổi và điều chỉnh. Tất cả những biến đổi đều có thể làm rối loạn / tái tổ chức. Nó huỷ hoại những cấu trúc cũ để thiết lập những cái mới. Tất cả những canh tân đưa đến cải biến là một sự đổi hướng và vì những điều chỉnh có sẵn vốn có nhiệm vụ triệt tiêu những đổi hướng, nên để thay đổi được, nó cần phải phá vỡ những điều chỉnh này, nhưng lại phải tái tạo ngay những cái mới để tránh đi đến giải thể làm cho bản thân những canh tân bị huỷ bỏ. Như vậy cần phải có những nguyên tắc, tiêu chuẩn, quy tắc - chữ này bản thân nó hàm nghĩa điều chỉnh - để phá bỏ điều chỉnh hầu cho phép canh tân và thiết lập những điều chỉnh mới nhằm duy trì những biến đổi. Chúng ta đã nói qua "quy luật lớn nhỏ" của hiểm nguy và cơ hội. Cơ hội càng nhiều thì lại càng làm tăng thêm những rủi ro và ngược lại rủi ro giảm cũng kéo theo sự giảm thiểu của vận may. Trong trường hợp đầu, nguyên tắc lựa chọn là sự táo bạo, trong trường hợp thứ hai nó lại là sự thận trọng. Thế mà rất khó quyết định lúc nào là lúc nên thận trọng hơn là táo bạo. Về tiến trình tổng thể của quả đất, như chúng ta đã nói ở phần trước, trong các mục tiêu của con người địa cầu cần có sự giảm tốc, ở đây sự thận trọng phải trở thành một nguyên tắc tổng thể. Nhưng nguyên tắc tổng thể này không có nghĩa là sự tăng tốc thì không cần thiết trong những tình huống khủng hoảng, lại cũng không phải không đòi hỏi sự táo bạo để làm chuyển động những sức ỳ. Cũng thế, cần phải đề cao những nguyên tắc đạo đức theo đó những phương tiện phải thích hợp với cứu cánh, nhưng quan niệm phức tạp của liên hệ tuần hoàn giữa cứu cánh và phương tiện đã cho chúng ta thấy rằng trong những hoàn cảnh cực đoan, những thủ đoạn "xấu" lại trở thành cần thiết để cứu vớt cho tình hình khỏi bị xấu hơn. Trong những nguyên tắc, chúng ta cũng cần nói đến tính bổ sung giữa nguyên tắc liên đới và tổng thể, nguyên tắc vốn đòi hỏi sự xử lý trên bình diện toàn cầu những vấn đề có quy mô tổng thể, toàn diện, và nguyên tắc phụ trợ, nguyên tắc vốn vẫn dành cho các dân tộc, khu vực và địa phương quyền hạn xử lý một cách độc lập những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. Cuối cùng chúng ta hãy nhắc lại sự phức tạp riêng của nguyên tắc tam vị nhất thể Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Ba thứ này bổ sung cho nhau: cần có tối thiểu một ít tự do và công bằng để có được bác ái, một ít bác ái để tự do không trở thành phóng túng và để công bằng được thừa nhận trên nguyên tắc - Những từ này cũng hàm chứa những đối kháng giữa chúng với nhau, bởi vì tự do có khuynh hướng phá huỷ công bằng và bất chấp bác ái, bởi vì công bằng đòi hỏi những gò bó có thể đụng chạm đến tự do, và bởi vì bác ái, khác với hai nguyên tắc kia, nó không có thể được áp đặt hoặc bảo đảm bởi bất cứ luật pháp nào ngay cả bởi hiến pháp. Tuy nhiên, như Jean Onimus (Giăng Ônimúx) đã nói, bác ái đâu phải là không tưởng hơn tự do và công bằng, bởi vì những thứ này không phải lúc nào cũng hoàn toàn được thể chế hoá. Tuy nhiên, ở đây chúng ta lại vẫn phải dựa vào nguyên tắc của sinh thái học hành động để cho những tính năng của tự do, công bình, bác ái không bị biến chất. Vì đã có biết bao tội ác xẩy ra đối với tự do dưới danh nghĩa tự do, đối với công bình dưới danh nghĩa công bình, đối với bác ái dưới danh nghĩa bác ái. Chiến lược chính trị nhân loại phải tuân theo một số tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn này không phải là những mệnh lệnh đạo đức, nhưng là những quy tắc hành xử được rút ra sau khi đối chiếu với những nguyên tắc, những mục tiêu, những ý tưởng-dẫn đường qua những hiện trạng, những lôgíc chủ đạo, những khuynh hưóng tiến hoá đương đại. Tóm lại, những tiêu chuẩn này tuỳ thuộc cùng một lúc vào những mục tiêu, những nguyên tắc và những cân nhắc có tính kinh nghiệm về những điều kiện hành động. Vì thế, nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc chất lượng - "ít nhưng tốt hơn" - có thể được xem là những tiêu chuẩn. Chúng ta có thể rút ra hai tiêu chuẩn thường trực sau đây: Tiêu chuẩn 1: Nỗ lực thúc đẩy tất cả những gì có tính kết hợp, chống lại cái gì có tính chia rẽ. Điều này không có nghĩa phải bảo tồn những gò bó bá quyền trên một dân tộc hay một sắc tộc đang muốn tự giải phóng. Kết quả của chính trường hợp này là sự giải phóng không phải dẫn đến một sự cô lập và cắt đứt những liên hệ văn hoá, kinh tế có sẵn mà dẫn đến một nhu cầu tham gia vào một tập hợp chung. Vì vậy, ví dụ sự giải phóng của những nước ven bờ biển Ban-tích phải kèm theo sự hội nhập trong một tập hợp Ban tích mới - Thuỵ điển, Na-uy, Phần lan, Đan mạch, Nga - và thiết lập những liên hệ đặc biệt với nước Nga, không phải chỉ để gìn giữ những bổ sung kinh tế cho nhau, nhưng cũng để cung cấp cho những sắc tộc thiểu số ở Nga có được một quy chế bảo vệ họ. Sự đồng thuận, nghĩa là sự tập hợp và liên đới một cách sâu rộng hơn phải trở thành, như Arturo Montes (Acturô Môngtétx) đã nói, động cơ chính và mới của lịch sử, rồi trên cỗ máy này sẽ ghép thêm cái cỗ máy truyền thống: đấu tranh. Tiêu chuẩn 2: Đi tìm tính phổ quát cụ thể. Trở lực không chỉ đến từ những tập hợp vị kỷ hoặc chủng tộc trung tâm vốn lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích chung để giữ lợi ích riêng, nhưng nó còn đến từ những tính phổ quát giả tạo, cứ tưởng mình hiểu / phụng sự lợi ích chung nhưng thật ra vẫn chỉ tuân theo một sự hợp lý hoá trừu tượng. Tiêu chuẩn của cái phổ quát cụ thể thật ra rất khó áp dụng. Lợi ích chung không có nghĩa là tổng số, cũng không phải là sự phủ nhận những lợi ích riêng. Sinh thái học hành động cho chúng ta thấy rằng hành động vì lợi ích chung lại có thể bị lái sang một hướng riêng. Suy nghĩ của chúng ta về lợi ích chung phải thường xuyên được xét lại trên căn bản vũ trụ cụ thể của chúng ta là hành tinh quả đất. Chiến lược của chính trị phức tạp đòi hỏi một ý thức về những tương tác giữa các khu vực và các vấn đề, nó không thể xử lý một cách riêng rẽ những khu vực và những vấn đề này. Nó phải tác động lên chính những tác động qua lại và phải tránh những xử lý đơn phương thô bạo. Để làm sáng tỏ vấn đề hãy lấy một ví dụ tương tự về việc bảo vệ mùa màng chống lại mầm tật bệnh. Thuốc trừ sâu chắc chắn là có thể diệt sâu bệnh, nhưng cũng sẽ diệt luôn cả những loài có ích khác. Chúng diệt cả những cơ chế điều chỉnh sinh thái do những tác động qua lại giữa các loài vật đối kháng, làm cho một vài loại nào đó được dịp sinh sôi nẩy nở và trở thành độc hại. Thuốc trừ sâu còn thấm vào trong ngũ cốc và rau cỏ làm biến đổi chất lượng thực phẩm. Tóm lại, một sự xử lý có tính sinh thái nhằm tiêu diệt hoặc làm yếu một giống có hại có thể được thực hiện bằng cách đưa vào một giống đối địch với giống có hại, rồi theo dõi những phản ứng dây chuyền có thể xẩy ra. Chính trị vẫn còn đang ở giai đoạn dùng thuốc trừ sâu để giải quyết các vấn đề, nó can thiệp vào một nguyên nhân cô lập thay vì xem xét những tác động qua lại và liên hoàn. Vì thế đối với vấn đề sức khoẻ, dân số, lối sống, môi trường, người ta đã thực thi những chính sách riêng rẽ thay vì một chính sách can thiệp trên những tương tác giữa các vấn đề. Ngoài ra, vấn đề không phải chỉ là coi trọng những trào lưu đang trội nhất. Chúng ta cần phải biết rằng một trào lưu đang thống trị gây ra những nghịch lưu đôi khi có thể trở thành rất mãnh liệt. Đó là trường hợp của những chủ nghĩa tân phỏng cổ (néo-archaisme), tân tự nhiên (néo-naturisme), tân hương thôn (néo-ruralisme), tân địa khu (néo-régionalisme), những thứ đã ra đời để chống lại trào lưu đô thị hoá và đồng chất hoá lớn của những năm 60. Trào lưu sinh thái của những năm 1970 cũng thế, nó làm cho các chính sách công nghiệp và đô thị bị bất ngờ và lúng túng(6). Ba loại thời gian Chiến lược chính trị phải đồng thời được vận hành trên nhiều bình diện và như vậy vấn đề ưu tiên luôn luôn được đặt ra. Người lái ô tô muốn đến đích một cách nhanh nhất và khoẻ nhất trước mắt phải tránh những đường bị tắc, ra khỏi những hàng xe bị kẹt, coi chừng những kẻ bộ hành đi ẩu. Cùng một lúc người đó phải chú ý đến không chỉ những cái trước mắt mà cả những cái ở xa cuối tầm mắt, khám phá ra khả năng có thể bị kẹt xe, sẵn sàng thay đổi lộ trình nếu cần, ngay cả vi phạm luật đi đường như đi vào một ngõ cấm... Chiến lược chính trị cũng thế, nó phải sẵn sàng không ngừng kết hợp cái trước mắt, cái trung hạn và cái dài hạn. Người ta thay đổi viễn cảnh bằng cách nhẩy từ kỳ hạn này sang kỳ hạn khác, những kỳ hạn mà thật ra không có biên giới thật giữa chúng, chúng chồng chéo nhau và cái này hiện diện trong cái kia, trong cái kia lại có cái này. Cả ba loại thời gian này phải được xử lý cùng một lúc. Có nghĩa là cái trung hạn và cái dài hạn đều phải hiện diện trong hiện tại. 1- Cái nhãn tiền và hiện tại Con người cần một thứ chính trị tạm bợ, nhất là lúc tương lai đang mù mịt. Như một chiếc tầu lênh đênh trên biển, chỉ trông nhờ vào tầm nhìn của mình mà đi, đôi khi còn không nhìn thấy gì. Chính trị nhãn tiền là một thứ dùng cho những trường hợp khẩn cấp, nhưng cũng dùng cho những chuẩn bị trường kỳ. Trường hợp khẩn cấp đòi hỏi chủ nghĩa thực dụng và một chính sách chọn cái đỡ xấu nhất, nó cũng đòi hỏi một sự đảo ngược tạm thời những nguyên tắc. Như Hyppocrate (Ippôcrát) và Avicenne (Avixen) đã nói: phải xử lý các nguyên nhân chứ không phải những triệu chứng của bệnh, điều này đòi hỏi một y học có chiều sâu và lâu dài. Nhưng nếu con bệnh đã ở trạng thái nguy kịch, thầy thuốc vẫn phải can thiệp trên những triệu chứng, đầu tiên làm giảm sốt trước khi ra tay chữa trị đến căn bệnh. Thế rồi vì những can thiệp trên bình diện khẩn cấp trở nên quá nhiều, nó đã làm người ta quên đi việc chữa trị căn nguyên của bệnh và chính sách thiển cận, ngày qua ngày này không chỉ còn là việc xoay sở tạm thời mà lại trở thành một chính sách chuẩn mực. Cái nhãn tiền càng ngày càng bị xô đẩy bởi nhiều đòi hỏi cấp bách về vấn đề sống còn - chiến tranh cục bộ có khả năng trở thành toàn diện, đe doạ nguyên tử, bột phát những hiện tượng man rợ, tai hoạ do thiên nhiên và / hoặc do kỹ thuật. Những áp lực của cái trước mắt đã làm nẩy sinh không ngừng những đòi hỏi cấp bách mâu thuẫn (double bind) giữa một bên là những đòi hỏi chính trị sâu sắc cần những đầu tư tinh thần, vật chất chỉ có lợi về lâu dài và một bên là những lợi thế của thu hoạch và thụ hưởng trong chốc lát. ý nghĩa của thời gian hiện tại, rộng hơn ý nghĩa về cái trước mắt, đã làm một nhịp cầu giữa cái trước mắt và cái trung hạn. Nó kêu gọi sự "cách tân", hiện đại hoá chính trị để có thể vượt qua được những cái "cổ lỗ" và tiến hành những thích ứng cần thiết với nhu cầu của hiện tại. Nhưng nếu cần bãi bỏ những phương pháp, cách pha chế và công thức lỗi thời, có lẽ trước hết nên biết chắc rằng chúng đã bị đào thải chứ không chỉ vì chúng không hợp thời nữa, bởi các sản phẩm "không hợp thời trang" thường vẫn bền bỉ hơn những thứ được xem là "hiện đại". Đối với chính trị đừng bao giờ làm như những nông dân vùng Bretagne (Brơ-ta-nhơ - ở miền tây bắc nước Pháp -ND), nghĩa là đem vứt đi hoặc bán rẻ cho dân buôn đồ cũ những bàn ghế thủ công bằng gỗ quý để thay vào bằng những đồ gỗ tạp sản xuất hàng loạt rồi sau đó mới khám phá ra một cách muộn màng giá trị của những đồ cũ kia. Có nên trông mong - và quy hoạch - vào hiện tại, trong lúc cái hiện tại này đang bị đào thải? Trên phương diện giáo dục chẳng hạn, "chủ nghĩa hiện đại" cho rằng nên làm cho đại học thích ứng với nhu cầu xã hội hiện tại của thị trường và kinh tế, trong khi đó nó lại quên rằng đại học cũng còn phải có sứ mệnh đóng góp cho hiện tại những giá trị nghìn đời mà nó mang ở bản thân. Ngoài ra cho dù có những chống đối của giới học thuật, chúng ta cũng cần phải sửa soạn ngay từ bây giờ sự cải tạo tư duy mà chỉ có nó mới có thể cho phép chúng ta đáp ứng những thách thức phức tạp mà hiện thực dành cho chúng ta. Một sự cải tạo như thế có lẽ còn mạnh hơn cả "cách tân" và hiện đại hoá. Nó có thể đáp ứng cho chính những nhu cầu của tiến trình tiến hoá nhân loại. Người ta cho rằng phải thích ứng với hiện tại trong khi thật ra cần phải đồng thời thích ứng với hiện tại và làm cho hiện tại thích ứng với mình. Không nên hiện đại hoá nếu cái từ này có nghĩa là chấp nhận như một nhu cầu tự nhiên tất cả những gì là hiện đại và bắt chính trị thích ứng vào trạng thái của sự đã rồi. Trái lại cần phải hiện đại hoá chính trị theo nghĩa làm cho nó thích ứng với những vấn đề nhân loại học và toàn cầu mới mẻ vừa xuất hiện trong nó. Nhưng cũng cần phải chính trị hoá cái tính hiện đại bằng cách hội nhập nó vào trong viễn cảnh chính trị nhân loại và toàn cầu. Theo nghĩa này, phải vượt qua những cách tân, hiện đại hoá và hậu hiện đại hoá thiển cận, nông cạn. Cần phải cùng một lúc làm cho chính trị thích ứng với hiện tại và làm cho hiện tại thích ứng với chính trị. 2- Trung hạn. Chính trị ở trung hạn là một thứ chính trị tìm cách thực hiện mục tiêu của con người trên quả đất, cùng một lúc là một chính trị mang tính chuyển tiếp, có tính toán đến cả những khó khăn, đề kháng, các dòng chảy và những nghịch lưu. Chính ở trung hạn mà những nguyên tắc của chiến lược chính trị nhân loại và những tiêu chuẩn mà chúng ta đã kể trên phải được thể hiện. 3- Dài hạn Chính trị dài hạn tuân theo hấp lực của các mục tiêu chúng ta đã vạch ra, các mục tiêu mà những tư tưởng chủ đạo và những tư tưởng dẫn đường phải luôn luôn nhắc nhở cho chúng ta. Cũng như cái trung hạn và - còn hơn nữa -, cái dài hạn đòi hỏi, ngay bây giờ, một đầu tư chính trị và triết học, mà than ôi, tất cả những kẻ mệnh danh là sứ giả của một tương lai sán lạn lại chẳng thấy chúng có gì là quan trọng. Đầu tư vào trong một sự tái tư duy chính trị cần đến một sự tái thiết nền móng thật sự. Sự tái thiết này lại đòi hỏi một cải cách tư duy. Đó chính là điều mà quyển sách này muốn nói. Ba loại không gian Vũ trụ vật lý trung mô ở vùng trung gian của chúng ta nằm giữa cái vô cùng lớn của thế giới vũ trụ vĩ mô và cái vô cùng nhỏ của thế giới vật lý vi mô ; Cả ba thế giới này đều là những thứ có bản chất không thuần nhất mặc dù chúng cùng thuộc về một vũ trụ. Cũng vậy, lĩnh vực xã hội vi mô (lĩnh vực của những quan hệ giữa người với người), lĩnh vực xã hội trung mô (lĩnh vực giữa những chủng tộc và cá c xã hội) và lĩnh vực xã hội vĩ mô (những khu vực văn minh lớn và không gian toàn cầu) cũng có những tính chất không giống nhau mặc dù chúng cùng thuộc về một vũ trụ. Chính trị thường vẫn nằm ở trên mức thang của xã hội trung mô. Nó có khuynh hướng quên đi những quan hệ vi mô giữa người với người (7) (nghĩa là cái cụ thể của những cuộc đời cá thể) và cái phổ quát cụ thể của những vấn đề toàn cầu. Sứ mệnh của chính trị nhân loại là suy xét về ba mức thang này để đem đến một cách riêng biệt cho từng cái những nguyên tắc cùng chiến lược của sự tiến hoá nhân loại. Cuối cùng chúng ta không nên quên cái đã làm thành chính nét đặc trưng của kỷ nguyên toàn cầu ở thế kỷ XX, đó là sự hình thành một không (gian) - thời gian phức tạp đã được toàn cầu hoá, ở đó tất cả những xã hội bị cuốn hút vào cùng một thời đại, mặc dù vẫn sống những thời đại khác nhau: Thời đại nguyên thuỷ, thời đại nông nghiệp, thời đại công nghiệp, thời đại hậu công nghiệp v.v.. Nhận thức được điểm này, chúng ta cần phải vứt bỏ ý tưởng chủ trương phải đặt tất cả mọi xã hội trên cùng một thời gian nhanh nhất, cái thời gian được đo đếm từng giây phút, cái thời gian theo kiểu mẫu tây phương. Điều này bắt chúng ta phải thích hợp với tính bổ sung của những thời đại khác nhau, kiềm chế sự lan tràn của cái thời gian đo đếm, làm chậm lại cái thời gian kiểu tây phương. Sửa soạn giảm tốc Nền văn minh của chúng ta đang mắc bệnh vận tốc. ý thức được cuộc chạy đua điên cuồng, nguy cơ của con ngựa bất kham này là một việc cấp bách. Phải phanh lại, chạy chậm đi để cho một tương lại khác có thể đến. Từ nay cần phải trù tính một sự điều chỉnh quốc tế về tăng trưởng và cạnh tranh kinh tế, đồng thời ban hành một hiến chương về chuẩn mực đời sống gồm những quyền thuộc thời gian mang tính người. Làm sao để giảm tốc? Vấn đề này cũng đòi hỏi một ý thức của toàn thế giới giống như ý thức đã bắt đầu xuất hiện ở Hội nghị thượng đỉnh về quả đất ở Rio de Janeiro. Đó là một vấn đề mà vào thời đại tuỳ thuộc lẫn nhau này một quốc gia riêng lẻ không thể xử lý được trừ phi muốn tự giam hãm vào một chính sách tự cung tự cấp không lối thoát. Nhưng một sự khởi xướng từ phía những cường quốc công nghiệp lớn có thể làm cho sự giảm tốc xẩy ra. Vì thế khi nước Mỹ từ chối không sử dụng máy bay siêu âm trong thương nghiệp, một phần vì áp lực của chủ nghĩa sinh thái, đã làm cho loại máy bay này đến ngày hôm nay không được phổ biến trong thế giới. Thế là lần đầu tiên ở thế kỷ XX, một giải pháp kỹ thuật bằng vận tốc đã không được chấp nhận hay ít nhất đã bị hoãn lại. Con người có thể nghĩ đến việc đặt ra những tiêu chuẩn để giải trừ việc căn, đo thời gian trong rất nhiều hoạt động con người, ví dụ như khôi phục những hoạt động được khoán giá, căn cứ trên sản phẩm hoặc dịch vụ được sản xuất chứ không phải trên thời gian. Con người có thể phục hồi sự chậm rãi trong đời sống hàng ngày, mở rộng và phát triển những khả năng của sự thoải mái, từ đó có thể làm tái hiện một thứ thời gian thật nhân bản, phổ biến cái năm Xaba(8) trong tất cả các ngành nghề. Cuối cùng, ngày nay những kỹ thuật mới cho phép phát triển sản xuất bằng cách tiết kiệm năng lực con người, sự kiện này kêu gọi chúng ta phải xét lại khái niệm công việc - trở thành càng ngày càng cần ít năng lượng, càng dùng nhiều tin học - và sửa đổi lại sự quá chuyên nghiệp hoá để đẩy lùi thời gian bị căn đo và cái lôgíc cứng nhắc của bộ máy nhân tạo. Nghênh tiếp thời đại kỹ thuật siêu việt Cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ ba - lần đầu tiên là của máy hơi nước, lần thứ hai là của điện lực - mang bản chất tính toán/ tin tức/ truyền thông. Nó có khuynh hướng làm nhẹ những gò bó về khoảng cách và không gian. Những mạng lưới đã trở thành quan trọng hơn những địa điểm - cái mạng lưới telex, fax, radiô, máy tính đã đảm nhận sự vận hành của thị trường thế giới - và công việc càng ngày càng có thể thoát ly khỏi những địa điểm tập trung. Sự tiến triển của kỹ thuật cho phép chúng ta một ngày gần đây có thể nghĩ đến một lôgíc mới của máy nhân tạo, gần hơn với lôgíc bộ óc tự nhiên bằng máy tính nối mạng gần như những nơ-ron, hiệu ứng của các máy này có thể biến đổi không những cuộc sống ngoài công việc mà cả cuộc sống trong công việc. Lúc ấy, người ta có thể hy vọng rằng kỹ thuật không còn là người dẫn đường mù loà của tương lai chúng ta và con người có thể nghĩ đến sự hội nhập của kỹ thuật vào những mục tiêu của con người. Vì vậy chúng ta phải sửa soạn kỷ nguyên kỹ thuật siêu việt Như thế chúng ta phải thấy rằng chiến lược của một chính trị nhân loại toàn cầu cùng một lúc cần duy trì nhiều đòi hỏi cấp thiết đối kháng với nhau, cần một sự sắp xếp khó khăn những đòi hỏi hoàn toàn khác nhau tuỳ mỗi thời gian và không gian, cần những khả năng tái tư duy, kiểm chứng, tu chính thường trực. Dĩ nhiên mọi chiến lược đều là nghệ thuật, cái nghệ thuật được triển khai không phải chỉ bằng mệnh lệnh của những quy tắc - của nghệ thuật - còn biểu hiện bằng sự thao tác xen kẽ hoặc phức điệu của những quy tắc này. Đấy chính là điều mà Saint-Just đã sớm dự cảm khi ông ta nói rằng nghệ thuật cầm quyền cho đến ngày nay chỉ sản sinh ra những quái vật. Nếu chính trị nhân loại có cơ thành hình, tạo được một trào lưu, một khuynh hướng, thì việc đạt đến những mục tiêu của nó còn là một công việc gian khổ, bấp bênh của nhiều thế kỷ nữa. Ngay cả được hoàn thành, có thể nó cũng sẽ phải không ngừng tự tái sinh. Chú thích: (1) Để tiếp lời của Hửderlin: "Con người đã sống trên quả đất thật là thi vị". (2) ý đã được đề nghị trong "Dẫn nhập vào một chính trị con người",sđd. (3) Xem E. Morin, "Phạm thức bị mất", sđd, tr. 107-127. (4) Tư tưởng (luận), Pensée, (Ed. Brunschwicg), Paris, Classiques Garnier, tr. 531 (5) Về khái niệm tự chủ / phụ thuộc, xem "Dẫn nhập vào tư tưởng phức tạp",sđd. (6) B. Paillard, La Damnation de Fos, Paris, Ed. du Seuil, 1981. (7) Xem E. Morin, "Dẫn nhập vào một chính trị con người", sđd. (8) Chế độ nghỉ định kỳ, thường là một năm, mà không bị mất việc, có khi vẫn được ăn lương, (ND).