Dịch giả : Nguyễn Hữu Kiệt
Chương 6
Tôn Sư Babaji Đấng Cứu Thế Của Ấn Độ Cận Đại

 
Vùng cao nguyên miền bắc dãy Tuyết Sơn đến ngày nay đã được thánh hóa bởi sự hiện diện của Babâji, Sư phụ của Lahiri Mahasaya. Vị tôn sư ấy vẫn giữ gìn nguyên vẹn một thể xác từ nhiều thế kỷ, hoặc có thể từ nhiều ngàn năm. Đức Babaji trường sinh bất tử đó vốn là một đấng "lâm phàm" (avatar) một danh từ Phạn ngữ có nghĩa là "hạ giáng, giáng phàm" tức là đấng Thiêng Liêng hạ xuống cõi vật chất.
Sri Yukestwar giải thích cho tôi nghe rằng:
- Trình độ tâm linh của Babaji vượt khỏi tầm hiểu biết của con người. Tầm nhãn quang thiển cận của con người không thể nhìn thấu suốt vầng hào quang tâm linh cao cả thiêng liêng của ngài. Người ta không thể dùng trí phàm của mình để diễn tả tánh chất của đấng “lâm phàm”, mà con người không thể quan niệm được một cách rõ rệt.
Kinh Ưu Bà Ni Tát (Upanished) của Ấn Độ có phân loại tỉ mỉ những trạng thái sở đắc tăm linh khách nhau. Một bậc toàn thiện (siddha) đã tiến hóa từ trạng thái jivanmukta (giải thoát trong khi còn sống ngoài thế gian) đến trạng thái Paramukta (tự do tối thượng, tuyệt đối chế ngự được sự chết): vị này đã vĩnh viễn chấm dứt mọi sự trói buộc của nghiệp quả và hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đấng Paramukta ít khi đầu thai vào một thể xác vật chất và, nếu trường hợp này xảy ra, thì người trở nên một đấng “lâm phàm”, được giao phó một sứ mạng cứu thế lớn lao trên thế gian.
Như vậy, một đấng “lâm phàm” là một ngoại lệ trong cái guồng máy kinh tế của vũ trụ. Thể xác của ngài, hoàn toàn tinh khiết, là một sự kết tinh ánh sáng và không bị lệ thuộc bởi sự vay trả vật chất với thiên nhiên. Mới nhìn thoáng qua, thể xác ấy không có gì khác thường, nhưng nó không tỏa ra một cái bóng và không để dấu vết trên mặt đất trong khi đi đứng. Nói theo ý nghĩa tượng trưng, thì đó là những bằng chứng chỉ rằng trong con người ấy không hề có bóng tối của sự vô minh hay những sự trói buộc vật chất. Một bậc Siêu Nhân như thế đã thấu triệt mọi vấn đề sinh tử và đạt tới chân lý cùng tột.
Krishna, Rama, Phật Thích Ca, và Patânjali đều là những vị trong số các đấng “lâm phàm" của xứ Ấn Độ thời cổ. Ngoài ra, người ta đã để lại rất nhiều tài liệu văn chương nói về đức Chân Sư Agastya, một đấng lâm phàm của miền Nam Ấn Độ, đã từng làm nhiều phép lạ trong những thế kỷ trước và sau kỷ nguyên Thiên Chúa. Người ta nói rằng đức Agastya vẫn giữ thể xác ngài cho đến bây giờ.
Ở Ấn Độ, vai trò của Babaji là trợ giúp những bậc sứ giả tiên tri trong sứ mạng của các ngài. Bằng cách đó, ngài xứng đáng với danh hiệu Mahavatar (đại lâm phàm) như được diễn tả trong các kinh thánh. Truyền thuyết cho rằng ngài đã đích thân làm phép điểm đạo cho vị giáo chủ Shankara, nhà sáng lập ra dòng tu sĩ xuất gia Swami, và cho vị thánh nhân Hồi giáo Kabir. Ở thế kỷ 19, vịđệ tử chính của ngài là Lahiri Mahasaya đã từng làm sống lại và chấn chỉnh pháp môn Kriyâ Yoga, sau khi pháp môn này đã bị mất đi và đắm chìm trong quên lãng trải qua bằng mấy nghìn năm.
Vịđại lâm phàm (Mahavatar) này giao cảm tâm thức với đấng Christ, cả hai cùng ban rải ân huệ thiêng liêng và thiết lập nên một phép tu cứu rỗi cho nhân loại. Công trình của hai đấng Tôn Sư cao cả này, một vị còn giữ thể xác, và một vị chỉ còn là Tinh Thần, nhằm gây nên cho người đời cái cảm hứng chán ghét chiến tranh, những sự tranh chất xã hội, sự chia rẽ thù nghịch tôn giáo và chủ nghĩa duy vật. Đức Babaji hoàn toàn biết rõ ngài muốn truyền bá đạo giải thoát của Yoga sang Phương Tây cũng như ở Phương Đông.
Nếu lịch sử không nói gì đến Babaji, điều không nên làm cho ta ngạc nhiên. Tôn Sư không hề xuất hiện dưới thế gian bất cứ ở vào thời đại nào, vấn đề làm cho người đời biết danh là một điều không hề có trong kế hoạch trường cửu nghìn đời của ngài! Cũng như đấng Sáng Tạo, sinh hóa vạn vật trong im lặng và ẩn khuất, Babaji vẫn hoạt động âm thầm và trong vòng bí mật.
Những bậc Đại Giáo Chủ như đấng Christ và Krishna chỉ xuất hiện trên thế gian vì một mục đích nhất định, với một sứ mạng to tát vĩ đại, rồi tịch diệt sau khi mục đích của các ngài đã được hoàn thành. Trái lại những đấng “lâm phàm” khác như Babaji đảm nhiệm một công trình nhằm mục đích tiến bộ tuần tự lâu dài trải qua hàng nhiều thế kỷ, hơn là một công trình lớn lao phải được thành tựu vào một thời kỳ nhất định trong lịch sử văn minh nhân loại. Những vị Tôn Sư ấy ẩn dấu cuộc đời mình trước mắt của kẻ thế nhân phàm tục và có quyền năng tàng hình tùy ý muốn. Bởi đó, và cũng bởi vì các ngài chỉ huấn luyện đệ tử trong vòng bí mật, nên một số các đấng cao cả không được người đời biết đến. Trong những trang sách này, tôi chỉ tường thuật vắn tắt cuộc đời của đức Babaji, với vài sự việc mà tôi nghĩ rằng có thể được tiết lộ một cách hữu ích cho công chúng.
Người ta không biết gì cả về gia đình hoặc về nơi sinh trưởng của Babaji. Ngài thường nói tiếng Hindi, thổ ngữ miền bắc Ấn, nhưng cũng nói chuyện trôi chảy bằng tất cả mọi thứ sinh ngữ.
Đức Tôn Sư Babaji không mang dấu vết gì của sự già nua, ngài có hình dáng của một thanh niên độ hai mươi lăm tuổi. Nước da trắng, dáng vóc trung bình, lực lưỡng và đẹp đẽ, thân mình của ngài phóng ra những tia sáng có thể nhìn thấy được bằng cặp mắt phàm. Đôi mắt đen huyền, yên lặng và dịu hiền, tóc dài và bóng, óng ánh màu đồng đỏ. Một điều lạ lùng là Babaji giống đệ tử Lahiri Mahasaya y như đúc: giống đến nỗi khi trở về già người ta lầm tưởng Lahiri là cha của Babaji.
Tu sĩ Kebala, vị Thầy dạy Phạn ngữ của tôi, đã từng trải qua một thời gian sống bến bên đức Babaji trên dãy Tuyết Sơn. Tu sĩ thuật chuyện như sau:
-Tôn Sư thường đi ta bà khắp chốn trên các vùng cao nguyên dãy Tuyết Sơn cùng với một nhóm đệ tử, trong số đó có hai vịđệ tử người Mỹ đã tiến hóa rất cao. Ngài không bao giờ ở lâu một chỗ. Ngài thường cầm một cây gậy tre nơi tay, và mỗi khi ngài ra hiệu lịnh di chuyển, thì cả nhóm đều biến mất trong nháy mắt để xuất hiện ở một chỗ khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào ngài cũng dùng phương pháp thần thông đó để di chuyển, đôi khi ngài cũng vui lòng đi bằng hai chân.
Người ta chỉ có thể nhìn thấy và nhận ra đức Babaji khi nào ngài muốn. Truyền thuyết cho rằng ngài đã từng xuất hiện trước đám môn đồ dưới một hình thức mỗi lần mỗi khác, đôi khi có râu cằm và râu mép, đôi khi lại không. Thể xác bất biến của ngài không cần dùng đến đồ vật thực, tôn sư rất ít khi ăn uống. Tuy vậy, vì lịch sự, đôi khi ngài cũng nhận trái cây, cơm nấu với sữa hoặc bơ, của các đệ tử đem dâng.
Tu sĩ Kebala nói tiếp:
- Tôi được biết hai việc lạ lùng xảy ra trong đời của đức Babaji. Một đêm nọ, ngài và các đệ tử lên nhân dịp cử hành một cuộc lễ tôn giáo Phệ Đà. Thình lình, Tôn Sư rút ra một khúc gỗ đang cháy trong đám lửa và đánh một cái trên vai của một đệ tử đang ngồi gần bên. Lahiri Mahasaya lúc bấy ấy cũng có mặt, thấy vậy lấy làm ngạc ngạc nhiên, bèn hỏi: “Bạch Sư Phụ, sau sư phụ lại chơi ác như thế?” Tôn Sư đáp: “Con muốn thấy y bị chết cháy ngay trước mắt con chăng, theo nghiệp quả mà y phải trả?”
Nói xong, Babaji đưa bàn tay vuốt nhẹ lên vai bị phỏng lửa của người đệ tử, và người này liền hết đau. Tôn sư giải thích:
- Đêm nay, thầy đã cứu con thoát khỏi bị chết cháy do nơi quả báo của con. Cán cân nhân quả đã được lập lại thăng bằng do bởi cái vết phỏng trên vai này!
Một lần khác, tron khi cả đoàn thầy trò đang tựu họp ở một chỗ hẻo lánh trên dãy Tuyết Sơn, bỗng có một người lạ mặt thình lình xuất hiện, sau khi y đã lần mò vượt qua vùng núi non hiểm trở dựng lên như vách và đột nhập vào chỗ cắm trại của Babaji.
- Bạch Tôn Sư, chắc hẳn ngài là đức Babaji?
Người lạ mặt vừa hỏi vừa biểu lộ một vẻ tôn kính vô biên trên nét mặt. Y nói tiếp:
- Từ nhiều tháng nay, con đã tìm kiếm Tôn sư không hề biết mệt giữa những vách núi đá cheo leo này. Cầu xin Tôn sư hãy ban cho con cái hân hạnh là được ngài thu nhận làm đệ tử.
Thấy Tôn Sư không đáp lại, người ấy chỉ vực thẳm gần bên:
- Nếu Tôn sư từ chối không nhận, con sẽ lao mình xuống vực sâu. cuộc đời không còn giá trịđối với con nữa, nếu con không xứng đáng được nhập môn học Đạo dưới sự dìu dắt tâm linh của Tôn Sư.
Babaji lạnh lùng đáp:
- Nếu vậy, ngươi hãy nhảy xuống vực nếu ngươi muốn! Ta không thể chấp nhận một người với trình độ tiến hóa của ngươi hiện nay.
Không nói một lời, người kia tức khắc lao mình xuống vực thẳm, trước sự hoang mang ngơ ngác của mọi người. Babâji bèn ra lịnh cho các đệ tử đi vớt xác người ấy lên. Khi họ trở về với cái xác không hồn đã bị dập nát, Tôn Sư bèn đưa hai bàn tay đặt nhẹ lên xác chết, người ấy liền mở hai mắt ngồi dậy và cúi lạy dưới chân đức Tôn Sư.
- Bây giờ, thì con đã sẵn sàng để trở thành đệ tử của ta.
Babaji mỉm cười một cách trìu mến với người đệ tử mới hồi sinh:
- Con vừa mới vượt qua một cơn thử thách kinh khủng. Kể từ nay, sự chết không còn có thể xâm phạm đến con được nữa: con sẽ có chân trong nhóm bất tử của chúng ta.
Nói xong, ngài ra hiệu lịnh di chuyển đi chỗ khác, và cả đoàn đều biến mất dạng.
Trong thời gian tôi ở tại nhà của tu sĩ Ram Gopal, vị “tu sĩ không ngủ” ở Ranbajpur, tu sĩ đã thuật lại cho tôi nghe câu chuyện gặp gỡ mầu nhiệm của người với Babaji như sau:
- Đôi khi tôi đã rời khỏi động đá thâm u của tôi để đến ngồi dưới chân của đức Lahiri Mahasaya ở Bénarès. Có một lần vào lúc nửa đêm, trong khi tôi đang ngồi thiền trong im lặng giữa các đệ tử khác, Tôn Sư Lahiri nói với tôi một câu lạ lùng: “Ram Gopal, con hãy lập tức đi ngay đến những bực thềm đá trên bờ sông Hằng ở khu Dasasamedh”.
Tôi vâng lời và trong giây lát tôi đến nơi hẻo lánh đó. Giữa lúc đêm thanh trăng tỏ ngồi im lặng trong một lúc, khi ấy một tấm đá lớn dưới thềm làm cho tôi chú ý. Phiến đá rộng và vuông nhấc lên từ từ, và để lộ cái miệng hang sâu thẳm. Kế đó, phiến đá chuyển động một cách dị kỳ và một người đàn bà đẹp tuyệt trần từ trong hang xuất hiện và khinh thân nhẹ bổng lên trên không! Bao phủ trong một vầng hào quang sáng dịu, vị giai nhân từ từ hạ xuống trước mặt tôi rồi ngồi im lặng, đắm chìm trong một cơn đại định. Sau cùng, giai nhân cử động và nói với tôi những lời này: "Ta là Mataji, hiền muội của Babaji. Ta đã yêu cầu đạo huynh ta cùng với Lahiri Mahasaya đêm nay hãy đến viếng động của ta để thảo luận về một vấn đề tối quan trọng".
Lúc ấy, một vầng ánh sáng nhạt mờ như sương bay lơ lửng trên sông Hằng, và phản chiếu ánh sáng dị kỳ của nó dưới mặt nước. Vầng hào quang ấy từ từ tiến lại gần, mỗi lúc càng mau hơn và sau cùng nó phóng ra một tia sáng rạng ngời và xuất hiện bên cạnh Nitaji dưới hình thể của một người: đó là Lahiri Mahasaya. Lahiri bèn cúi đầu làm lễ một cách rất tôn kính dưới hình thể của vị nữ thánh.
Trước khi tôi định tĩnh tinh thần sau cơn kinh ngạc vừa qua, tôi lại thấy một khối hào quang rạng rỡ trên nền trời. Trong nháy mắt, vầng ánh sáng ấy xoay tít thành một cơn trốt lửa và hiện ra dưới hình thể của một người thanh niên dung mạo khôi ngô, cốt cách thanh kỳ, và tôi liền hiểu rằng đó là đức Babaji. Ngài coi giống Lahiri Mahasaya một cách lạ thường, duy có khác là Ngài có vẻ trẻ hơn nhiều và có những lọn tóc vàng óng ánh. Ngài nói:
-“Này đạo muội, ta có ý định rời bỏ xác thân để hòa hợp với Nguồn sống vô cùng”.
- Thưa đạo huynh, em đã đoán biết ý nghĩ ấy. Chính vì đó mà đêm nay em muốn cùng đạo huynh thảo luận lại vấn đề ấy. Tại sao đạo huynh định bỏ xác?
Vị nữ thánh vừa nhìn anh vừa nói với một giọng cầu khẩn. Babaji nói:
- Tinh thần ta ví như biển cả. Dẫu ta có khoác bên ngoài một lớp sóng hữu hình hay vô hình, thì điều ấy có khác chi?
Nhân một lúc cảm hứng, Mataji liền đáp:
- Thưa đạo huynh, nếu điều ấy không có gì khác biệt, vậy tại sao đạo huynh lại muốn rời khỏi xác phàm?
(Câu chuyện này làm cho ta nhớ lại chuyện Thalès. Vị triết gia Hy Lạp dạy rằng vốn không có gì khác nhau giữa sự sinh và sự tử. Một người nọ hỏi: “Nếu vậy, tại sao ông lại không chết đi?” Thalès đáp: “Chính vì lý do đó, là bởi vì không có gì khác biệt cả!”)
Babaji trịnh trọng nói:
- Nếu vậy, ta sẽ y theo lời ấy, và sẽ không bao giờ từ bỏ xác phàm. Thể xác của ta sẽ có thể nhìn thấy được, ít nhất bởi một thiểu số người được chọn lọc. Thượng Đế đã phán quyết qua giọng nói hiền muội đó.
Trong khi tôi nghe câu chuyện đối thoại giữa hai đấng cao cả ấy, đức Babaji quay lại phía tôi và nói một cách đầy hảo ý:
- Con đừng sợ gì cả, Ram Gopal, con có phước lành mà được chứng kiến câu chuyện hi hữu ngày hôm nay!
Babaji nói vừa dứt lời, hình dáng của ngài và của Lahiri Mahasaya từ từ thăng lên không trung phía trên sông Hằng. Một vầng hào quang như ánh lửa bao phú lấy thân mình của hai vị và cả hai đều biến mất dạng trong đêm tối. Vị nữ thánh Mataji cũng biến mất trong hang động, phiến đá lớn đóng sập lại lấp mất cửa hang dường như một cánh cửa bí mật.
Trong cơn say sưa ngây ngất, tôi trở về tịnh thất của đức Lahiri Mahaysaya. Lúc trời hừng sáng, khi tôi về đến nơi và quỳ dưới chân người, thì Sư Phụ vừa mỉm cười vừa nói với tấm lòng ưu ái:
- Thầy mừng cho con, Ram Gopal. Con thường mong muốn được gặp Babaji và Mataji, nay điều ước vọng của con đã được thỏa mãn rồi đó.
Các bạn đồng môn của tôi cho tôi biết rằng Sư Phụ không hề bước ra khỏi tịnh thất từ chiều hôm qua. Một vịđệ tử nói với tôi:
- Sau khi sư huynh vừa ra đi để tới các bậc thềm đá ở Dasasamedh, thì Sư Phụ có nói một bài thuyết pháp hùng hồn về sự bất tử của linh hồn.
Lần đầu tiên, tôi mới hiểu những đoạn trong Thánh Kinh nói rằng một người đã đạt tới sự giác ngộ thiêng liêng có thể đồng thời xuất hiện ở nhiều nơi khác nhau. Ram Gopal kết luận:
- Về sau, đức Lahiri Mahasaya có giải thích cho tôi rõ nhiều điểm thiên cơ huyền bí liên quan đến quả địa cầu này. Thượng Đế đã chọn Babaji để xuất hiện xuyên qua cái thể xác bằng xương thịt của ngài trong suốt chu kỳ hiện tại của bầu thế giới. Các thế kỷ sẽ nối tiếp theo nhau trải qua dòng thời gian vô tận, nhưng đức Tôn Sư bất diệt, chứng kiến màn bi kịch của trần gian, sẽ luôn luôn tồn tại, bất biến.