Ông Bồi bái Tồn đã trọng tuổi, nên ông ngủ ít. Cũng như mọi bữa, hôm nay mới tảng sáng ông đã thức dậy, mà cũng như mọi bữa, hôm nay Thị Mùi vẫn nằm yên giấc, phú cho Mỹ lo nấu nước chế trà cho ông Bồi uống nước. rồi đi chợ mua thịt cá mà nấu ăn. Ông Bồi đương ngồi uống trà một mình. Quí rửa mặt rồi ra đứng một bên cha mà thưa: - Hôm qua, quan Kinh Lý La-Co gặp con, ngài biểu con ở với ngài, mỗi tháng ngài cho con 12 đồng. Vậy con thưa cho cha hay, đặng chiều nay con ra nhà việc An Trường mà ở với quan Kinh Lý. Không dè xảy ra chuyện như vậy, ông Bồi chưng hửng day qua hỏi con: - Quan Kinh Lý biểu con ở làm gì? - Thưa, ở làm việc nhẹ trong nhà, như coi quần áo cho ông, dọn dẹp chỗ ăn ngủ. - Tưởng làm thầy thông thầy ký gì. Nếu làm công việc như vậy, té ra con làm bồi hay sao? - Thưa, sức học của con còn kém cỏi quá, con làm thầy thông, thầy ký sao được. Nghe con nói hai tiếng “sức học”, có lẽ ông Bồi thẹn thùa với phận sự làm cha, nên ông cuối mặt nói nhỏ: - Con đi làm bồi coi hèn quá. - Thưa cha, không sao đâu mà ngại. Nếu con không lầm, thì phương ngôn có câu: “Trăm nghề chẳng có nghề hèn. Hèn chăng là tại nơi mình”. Con người ai cũng phải làm việc, sống mà không làm việc thì mới hèn. Con nhỏ tuổi, sức yếu, làm ruộng không nổi. Mà con cũng không biết nghề thợ bạc, thợ mộc hay nghề chi khác cả. Vậy, nghề bồi có lẽ tạm hợp với sức con, nếu chắc con làm được. Mà quan Kinh Lý định cho con mỗi tháng tới 12 đồng, số tiền chắc chắn nhiều hơn làm nghề khác. - Nhiều hay ít có nghĩa gì đâu con. Ông Bồi ăn năn hối hận quá, ông không nói được nữa. Ông ứa nước mắt, và thở một hơi dài thượt, bỏ đi ra sân, không tỏ lời thuận xuôi hay ngăn cản. Ông đi vòng vào cửa nhà dưới, lấy xe máy rồi cưỡi luôn không trở lên nhà trên, có lẽ sợ thấy mặt Quí. Đến chiều, Quí đợi hoài mà không thấy cha về. Quí đã hứa chiều nay trả lới với quan Kinh Lý, nên gần tối Quí nói với Mỹ: - Cha về có hỏi em thì chị nói em ra ở với quan Kinh Lý. Mỹ chưng hững hỏi: - Ở chi vậy? - Ở làm công việc nhà cho ổng. - Em có thưa với cha hay không? - Có. Em thưa hồi sớm mai rồi. Quí xoay lưng mà đi. Mỹ đứng dựa cửa, ngó theo tuy không thấu đáo tâm hồn em, và tuy biết em ra nhà việc Trường An chớ không phải đi đâu xa, nhưng trong lòng nao nao khó chịu. Quan Kinh Lý đi đo đất đã về từ hồi nửa chiều. Ngài tắm rửa rồi ngồi trước cửa nhà việc, mà uống rượu khai vị. Thấy Quí bước vô, thì ngài vui vẻ hỏi: - Em bằng lòng ở với tôi hả? - Dạ, tôi bằng lòng. - Tốt lắm. Hồi sớm mai me xừ Vĩnh có nói chuyện em với tôi. Thầy nói nhiều. Tôi hiểu hết. Nếu em biết làm cho tôi hài lòng, thì tôi sẽ tăng thêm lương. - Cảm tạ quan lớn. Thế là từ đây Quí trở nên người bồi của quan Kinh Lý La-Co, ngày đêm ở lại luôn tại nhà việc An Trường với quan Kinh Lý, bưng dọn đồ cho Ngài ăn, giũ mùng trải nệm cho ngài ngủ, đón xe đò, lấy bánh mì, nước đá cho ngài dùng, soạn áo quần cho ngài thay đổi. Nhiều bữa đi đo đất, ngài dắt Quí theo đặng ôm cặp da cho ngài, mà cũng có bữa, ngài sai Quí xuống Trà Vinh mua đồ cho Ngài nữa. Hạng bình dân ở vùng Càng Long thấy vậy thì hay vậy, không ai bình luận. Duy hạng hương chức, nhiều người không chịu cách xử sự của ông Bồi bái Tồn, họ dị nghị một cách rất nghiêm khắc, họ chê ông không biết trọng danh giá, nên cho con đi ở bồi, hoặc họ trách ông không biết thương con, nên mới hành hạ thân con đến thế. Nhưng lời chê trách ấy tự dưng thấu tới tai ông Bồi, làm ông hổ thẹn, và đau đớn ngay từ hôm Quí thưa cho ông hay mà đi ở đợ, bây giờ càng thêm hổ thẹn với lương tâm, bây giờ càng thêm hổ thẹn với bằng bối. Ông buồn rầu lo nghĩ lắm rồi sanh bịnh. Trước kia phải đi chơi mới giải khuây, bây giờ phải nằm nhà để tự hối thì đã muộn rồi, không sao quên buồn và gỡ nhục cho được. Quí ở với quan Kinh lý mãn tháng rồi, ngài tăng tiền công lên 15 đồng. Đó là bằng cớ Quí tận tâm với chủ, chủ vừa ý với cách làm việc của Quí. Cách 4 tháng sau quan Kinh lý đo đất xong rồi hết, nên sửa soạn đồ về Sài Gòn. Ngài biểu Quí theo ngài hứa mỗi tháng cho 20 đồng. Đã quyết tự chủ và lập thân, lại thấy bước đầu trong đường đời tuy không vinh quang, song rất êm ái, bởi vậy Quí liền chịu theo quan Kinh Lý, không dụ dự chút nào hết. Quan Kinh Lý lấy làm vui lòng, nên cho Quí 50 đồng bạc để sắm quần áo mà đi với ngài. Đồ đạc đã dọn xong rồi hết, mướn thuyền và giao cho cu-li coi chở đi sau. Quan Kinh Lý định sáng hôm sau sẽ đi xe hơi đò mà về Sài Gòn với Quí và thầy thông Hiền. Quí xin phép nghỉ buổi chiều nầy đặng từ giã cha dì, chị, và bà con. Quí về đến nhà thấy đủ cha, dì, chị em ở nhà. Quí thưa cho hay đặng sớm mai theo quan Kinh Lý lên Sài Gòn. Ông Bồi cảm xúc quá độ, nên không nói được một lời gì để an ủi hay ngăn cản con. Mỹ với Sen hay Quí sẽ đi xa thì buồn hiu. Quí liếc thấy cha tuy đi đứng như thuờng, mặt dùn da tóc bạc trắng. Quí để 50 đồng bạc trước mặt cha và nói: - Thưa cha, con nghe chị Hai nói lúc nầy trong mình cha không được mạnh. Lại vì phận sự, con không được túc trực bên cha nữa. Vậy con xin để lại ít chục đồng bạc cho cha uống thuốc. Ông Bồi chảy nước mắt mà đáp: - Cha làm cha, mà cha không nuôi con ăn học được. Đối với con, cha lấy làm hổ thẹn hết sức. Cha còn lòng dạ nào mà lấy tiền của con. Con hãy cất lấy để dành mà dùng. - Thưa cha, con còn tiền nữa. Đây là số bạc của quan Kinh Lý mới cho thêm con, cho riêng, không kể tiền lương. - Không. Cha không thể lấy tiền của con chịu cực nhọc, hèn hạ mà kiếm ra. Con phải lấy lại, đừng cãi mà làm cha thêm buồn. Ông Bồi vói lấy xếp bạc mà trao lại cho Quí. Quí xuống nhà dưới kiếm Mỹ. Quí đưa cho Mỹ 50 đồng bạc ấy mà nói: - Em sắp đi xa. Em muốn để tiền lại chút đỉnh cho cha uống thuốc. Cha ái ngại nên không nỡ lấy. Vậy chị cất số tiền nầy để mà dùng. - Không. Chị có cần cùng tiền để làm gì đâu. - Ấy, chị cứ cất dùm cho em. - Em để mà xài chớ. - Em còn tiền khác. Chị đừng lo. Mỹ không thể từ chối được nên phải lấy số bạc bỏ vào túi. Quí vui vẻ nói tiếp: - Em ra đi đây có lẽ lâu trở về thăm nhà lắm. Vậy nhà chị thay thế cho em mà phụng sự cha. - Lên Sài Gòn rồi lâu lâu em xin phép về chơi chớ. - Việc đó không thể định trước được. - Em đi, đây chị nhớ lắm. - Em cũng không quên chị được. Mà ở nhà có thằng Sen. Chị thấy nó cũng như thấy em. - Như làm sao được - Nó cũng là em của chị. Mỹ ngó Quí mà nước mắt tuôn dầm dề. Quí không muốn để cho chị thấy thương tâm mình, nên gượng làm vui mà nói: - Em xuất thân đi làm, chị phải vui mừng lắm, cầu chúc em tấn tài, tấn lộc chớ sao chị lại buồn. Phải vui đặng em phấn chí. Thôi em chúc chị ở nhà mạnh giỏi, mà nuôi cha, dì với em. Trở lên nhà trên, Quí vào cái phòng chỗ mình ngồi học và nằm ngủ thuở nay, xem một lần chót mà từ biệt, rồi thưa với cha dì mà đi. Ra hàng ba, Quí gặp Sen đương ngồi chơi, Quí cho nó một đồng bạc, dặn nó nhà phải đi học, rồi thủng thẳng đi xuống thềm, nước mắt rưng rưng chảy. Tới cửa ngõ, Quí đứng lại ngó vào nhà một lần nữa, thấy cha và Sen đứng tại hàng ba, còn chị đứng tại cửa bếp, cả ba đều ngó theo mình trong lòng ngậm ngùi thắt thẻo. Quí vô ngả ba Suối Cạn mà từ giả Dì Ba Thới và Hường, bị cầm ở lại ăn cơm, nên tối mới thăm thầy nhứt Vĩnh được. Thầy Nhứt vui vẻ mà cầu chúc cho Quí, chỉ khuyên phải giữ tâm chí cho thanh cao, tánh tình ngay thẳng, chớ không dạy điều chi khác. Sáng bữa sau, Quí theo quan Kinh Lý lên xe hơi đò đi lên Sài Gòn, có Mỹ và Hường chực tại bến xe mà tiễn hành; hai cô cứ lau nước mắt, chớ không nói với Quí được tiếng chi hết. Xe rút chạy, đưa Quí đến một cảnh đời mới, Quí ngồi trên xe, lòng bồi hồi không biết cảnh đời mới nầy may rủi thế nào; mà Mỹ với Hường đứng trên lề đường ngó theo, hai cô nàng ảo nảo, vì tình thương yêu tan vỡ. Thiệt là: Ngàn dặm gởi thân trai viễn chí. Đôi tròng rơi lụy gái đa tình.