Ý Nghĩa Lễ Báp-tem

Từ ngữ "báp-têm" phiên âm từ chữ baptême của tiếng Pháp (tiếng Anh là baptism). Những chữ nầy gốc từ chữ baptisma trong tiếng Hi-lạp (ngôn ngữ của Thánh Kinh Tân Ước). Chữ baptisma phát xuất từ động tự baptizò và baptò nghĩa là "dầm hay nhúng trong nước."
Báp-têm là thánh lễ dành cho những người bày tỏ lòng ăn năn hối cải và quyết định đặt lòng tin nơi Chúa. Báp-têm không phải là lễ rửa tội nhưng là nghi lễ mang những ý nghĩa sau:
1. Bày tỏ lòng vâng phục Chúa
Trước khi thăng thiên, lời cuối của Chúa Giê-xu cho các môn đệ là: "Hãy đi dạy dỗ muôn dân. Hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ" (Ma-thi-ơ 28:19). Lễ báp-têm không làm chúng ta sạch tội nhưng vâng lời Chúa, chúng ta nhận thánh lễ báp-têm để bày tỏ lòng vâng phục.
2. Công khai xưng nhận đức tin
Lời Chúa dạy: "Nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi" (Rô-ma 10:9-10).
Đức tin là vấn đề riêng tư giữa mỗi người với Chúa, nhưng chúng ta phải bày tỏ đức tin đó cho mọi người đều biết. Chúa Giê-xu phán: "Ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ thì Ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời; còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời" (Ma-thi-ơ 10:32-33).
Nhận thánh lễ báp-têm là việc bình thường trong hội thánh đầu tiên (Công vụ 2:41; 8:38; 9:17; 10:48; 16:33).
Chúa Giê-xu đã chịu chết tỏ tường trước mắt mọi người bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem (Giăng 19:20), khi tin nhận Chúa, chúng ta cũng cần công khai bày tỏ đức tin của mình cho mọi người đều biết. Công khai xưng nhận đức tin trong thánh lễ báp-têm là bằng chứng cụ thể của đức tin thật. Chúng ta khẳng định về sự chấp nhận, ký thác, cam kết và tôn thờ của chúng ta đối với Chúa (trang 7).
3. Đồng sống đồng chết với Chúa
Thánh Kinh dạy: "Anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Giê-xu là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao? Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy" (Rô-ma 6:3-5).
Khi một người dầm mình dưới nước trong thánh lễ báp-têm, điều đó tượng trưng cho việc chết và chôn đời sống tội lỗi cũ. Ra khỏi nước tượng trưng cho việc bước vào một đời sống mới. Nước của lễ báp-têm không rửa tội hay chôn tội nhưng chỉ có ý nghĩa tượng trưng và nhắc người nhận lễ nhớ rằng mình đã chết con người cũ và từ nay sống đời sống mới.
Nhận thánh lễ báp-têm chứng tỏ chúng ta: (1) Vâng lời Chúa. (2) Công khai cho mọi người biết về đức tin của chính cá nhân chúng ta nơi Chúa. (3) Quyết tâm chết đời sống tội lỗi cũ và bắt đầu một cuộc sống mới.
BÀI TẬP ÔN 6
1. Báp-têm không phải là lễ ____________________ nhưng là nghi lễ:
a. Bày tỏ lòng _____________________ Chúa.
b. Công khai _____________________________.
c. Chứng tỏ chúng ta quyết tâm đồng _________ và đồng ____________ với Chúa.
2. Chúa Giê-xu trước khi thăng thiên dạy các môn đệ phải đi dạy dỗ muôn dân và _________________ cho họ.
3. Lời Chúa dạy: "Tin bởi trong ___________ mà được sự công bình, còn bởi __________ làm chứng mà được sự cứu rỗi."
4. Dầm mình dưới nước trong thánh lễ báp-têm, tượng trưng cho việc _______và ________đời sống tội lỗi cũ. Ra khỏi nước tượng trưng cho việc ____________ một đời sống mới.
 

Xem Tiếp: ----