6.
Ôi những lát sâm thần thánh…

Chúng tôi, những diễn viên múa balet, những linh hồn vật vờ mặt xanh nanh vàng, những vật thí nghiệm, vẫn kiên nhẫn bay trên năm đầu ngón chân với niềm tin sắt đá rằng mình đang phụng sự cho một môn nghệ thuật bác học. Với sức lực có hạn, chúng tôi cố kéo lê thân mình trong những vở balet cổ điển nổi tiếng thế giới dài hơn hai tiếng đồng hồ như: Hồ thiên nga, Giselle, Spartacus…

Sau bảy năm "hành xác" trên sàn tập của trường múa, tôi được nhận thẳng về Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và bắt đầu lại như con thiêu thân "hành xác" tiếp mười một năm trời nữa. Vì sao gọi là hành xác, bởi ở Việt Nam, mủa balet là một môn nghệ thuật quá khắc nghiệt. Múa vì phải lên lớp phải trả bài, múa vì đó là cái nghề kiếm cơm, múa đơn giản vì không biết làm nghề gì khác…, đâu phải vì niềm vui sáng tạo? Thứ nhất, các diễn viên múa balet rất nghèo. Lương bốn chín đồng. Vừa nghèo vừa đói. Sự thật là, nhiều lúc tôi không có đủ sức để múa. Nói mà ù hết cả tai. Ai cũng biết, nghệ thuật múa balet là phải dùng đến sự dẻo dai của cơ thể, không phải diễn viên nào cũng đủ sức khỏe đáp ứng đòi hỏi đó. Cái khắc nghiệt thứ hai là không có công chúng. Khổ luyện như vậy nhưng làm gì có ai xem? Khổ luyện như vậy để làm gì?
Thậm chí có lần đang diễn còn nghe thấy người ta nói: "Làm gì mà múa may mãi thế, cứ nói béng ra là anh yêu em đi là xong. Múa may mãi chẳng hiểu gì". Nghe mà thấy choáng váng. Cảm thấy như thế là hết, là sai lầm. Bao nhiêu công sức khổ luyện mà không được nhìn nhận, đánh giá. Người ta không hiểu. Một khi đã không hiểu, làm sao khiến người ta yêu? Không yêu thì không muốn xem, vậy mình diễn cho ai?
Hôm nào công diễn vở mới, vé chỉ để mời người nhà hoặc phát cho bạn bè. Chẳng bán được cho ai cả. Không ít buổi diễn, nghệ sĩ trên sân khấu đông hơn khán giả. Tổng cộng cả dàn nhạc giao hưởng, dàn đồng ca, các diễn viên múa… con số lên tới hàng trăm, ngó xuống khán giả, chỉ nhìn thấy lèo tèo vài chục người. Tủi phận lắm.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu những nặm 1950, nhà hát Opera balet đã được thành lập. Thời điểm đó, rất nhiều trường nghệ thuật khác cũng được ra đời. Ngành nghệ thuật nào cũng có, đủ ban bệ, trường lớp tuyển sinh, đào tạo hành nghề… nhưng chẳng cái gì đến đầu đến đũa. Nhà hát Opera balet là một thí dụ. Nó cứ phải tồn tại, hơn nửa thế kỷ, tồn tại ở tình trạng lay lắt mà không ai dám kết án tử hình cho nó.
Nhà nước không nuôi được nữa nhưng lại cứ để cho nghệ sĩ sống ốm yếu trong say sưa ảo vọng, trong niềm tự hào rởm rằng dù ta nghèo nhưng nghệ thuật của ta là thứ nghệ thuật cao siêu, bác học! Kết quả cho ra đời mấy thế hệ diễn viên mặt xanh nanh vàng nhưng vẫn say sưa luyện tập trên mây trên gió. Cứ tập đi, vở nọ vở kia, thỉnh thoảng cũng được công diễn ở hội diễn nọ liên hoan kia hay dịp tổng kết cuối năm. Bộ chủ quản sẽ rót cho một khoản kinh phí nào đấy để ra một chương trình giao hưởng, balet hay opera nào đấy… Cứ diễn đi, không có khách à, chúng tôi sẽ bù lỗ cho khoản tiền thuê nhà hát! Các cấp trên động viên khuyến khích. Không người đến xem cũng cứ diễn. Vì đã trót dựng nó lên, gán cho nó một niềm tự hào hão huyền rồi, không lẽ lại ngồi không! Thỉnh thoảng, chúng tôi an ủi nhau, khán giả không đến xem ta chẳng qua vì trình độ họ kém quá, không hiểu được cái cao sang của ta mà thôi!
Không ai dám nhìn thẳng vào sự thật là: nền văn hoá của mình chưa thể tiếp nhận được thứ nghệ thuật này. Hơn nữa, nghệ sĩ của ta cũng chưa đủ tài để làm cho nó trở thành một môn nghệ thuật hấp dẫn người xem, hay chí ít phải đáp ứng được ý thích của người Việt Nam. Không đủ tài đã đành, lại còn không đủ thức ăn. Có thực mới vực được đạo. Đói thế làm sao có đủ thể chất khỏe mạnh và tinh thần hào hứng để nuôi dưỡng nhiệt tình sáng tạo! Các nghệ sĩ múa balet bị thiếu dinh dưỡng dẫn đến suy nhược cơ thể là một điều có thật. Sự thật đó nói ra có lẽ người ngoài cuộc không thể nào tin nổi. Tất cả chúng tôi đều sống bằng lương nhà nước và tiêu chuẩn tem phiếu. Không thể nào nhúc nhích ra khỏi cái tiêu chuẩn ấy được. Không biết những người khác họ làm gì thêm để cải thiện bữa ăn, còn tôi, tôi kiếm thêm bằng nghề đan len thuê học được từ mẹ. Đan len là một nghề cực kỳ linh hoạt, bất cứ rảnh tay lúc nào, ở đâu cũng có thể làm được. Đan trong khi xếp hàng lấy nước, đong gạo, đan khi ngồi họp cơ quan, đan khi chờ xe bus, đan trên xe bus…
Bỗng một ngày đẹp trời, lãnh đạo nhà hát tuyên bố, họ không thể mua vé xe bus tháng cho cán bộ nhân viên được nữa. Họ không móc đâu ra tiền, thôi "tuỳ nghi di tản", ai đi được bằng cái gì thì đi, tự lo lấy. Và tôi phải đạp xe đi làm.
Gần chục cây số đạp xe dưới trời mùa hè nắng gắt mùa đông lạnh buốt. Làm sao quên được những cảnh bi hài của cái thời đạp xe ấy!
Tôi vốn gầy trơ xương, đạp được đến cơ quan vừa đúng giờ lên sàn tập khởi động. Toàn thân rã rời, thở ra đằng tai, tôi không thể làm được việc gì khác ngoài thở. Vừa thở, vừa ngồi từ từ duỗi hai chân ra, gác lên cái ghế băng phía trước, từ từ giở gói xôi lúa năm hào ra, từ từ nhai nuốt. Đó là món ăn sáng thông dụng nhất cho mọi người bấy giờ. Vừa ăn tôi vừa nhìn các đồng nghiệp tập cơ bản trước khi vào tiết mục chính. Tôi băn khoăn tự hỏi, không hiểu sao mọi người đến được đúng giờ thế nhỉ, còn mình thì thật là khó khăn.
Vác được cái xác vào đến nơi rồi còn bận thở đã, tranh thủ dùng bữa sáng lấy lại sức, rồi mới thay quần áo tập chứ! Thế là mất đứt nửa tiếng. Trong khi mọi người ngoan ngoãn chấp hành giờ giấc, mình gác chân lên ghế ngồi ăn. Kiểu "đình công" ngang ngạnh bất cần như vậy kéo dài bao lâu tôi không nhớ, cho đến một hôm, lãnh đạo hết chịu nổi bèn nhắc nhẹ. Chỉ nhắc nhẹ thôi, vì thời đó mọi người đều khốn khổ như nhau, rằng: "Sao Vân lại không lên sàn tập khởi động với mọi người". Hình như chỉ chờ có thế, tôi ấm ức bục ra: "Tôi đã tập rồi, khởi động rồi đấy chứ! Tôi bốn chục cân, đạp xe chục cây số, đấy không phải là tập khởi động sao? Vào được đến nơi thở không ra hơi, tôi còn hơi sức đâu tập với các anh các chị nữa". Đấy là một sự thật chứ không phải là cố tình hay ra vẻ. Phản ứng thì phản ứng vậy thôi chứ biết phản ứng với ai! Giống như là tự đấm vào tường, tự làm mình đau đớn, vì lãnh đạo cũng khổ chứ đâu chỉ có mình! Nhiều người khác cũng khổ, nhưng họ ngoan ngoãn hơn, biết chịu đựng hơn. Còn tôi, sự thật là tôi không đủ sức để mà ngoan ngoãn, mà múa may quay cuồng gì trong tình trạng sức khỏe như vậy. Tôi chẳng có lựa chọn nào khác.
Đó là những năm cuối thập kỷ bảy mươi, đầu tám mươi, nền kinh tế cả nước chìm trong tăm tối thiếu đói chứ chẳng riêng gia đình nào. Lĩnh 49 đồng lương tháng, tôi đưa mẹ một nửa góp tiền ăn, còn lại dùng mua đồ cá nhân. Hồi đó, chưa ai dám bung xuống đường kiếm sống. Mọi thứ đều trông vào tem phiếu ban phát. Hàng tháng, tôi được cấp hai mốt cân lương thực gồm mấy cân gạo còn lại là mỳ hoặc bo bo, một ký rưỡi thịt, mười quả trứng, một ký đậu phụ. Ngoài ra còn có phiếu mua cá biển, phiếu mua dầu, phiếu mua vải, phiếu đổi bánh mỳ… tất tật đều tính bằng phiếu. Hôm nào lĩnh thịt, cả nhà sẽ được một bữa ăn tươi. Người cơ quan đi mua thịt ở đâu đó mang về, chia bôi ra mỗi người được một phần. Háo hức chờ đợi có khi phải đến mười hai rưỡi trưa một giờ chiều mới được cầm cái mẩu thịt đã bắt đầu bốc mùi. Nhưng ai cũng cố chờ vì thèm thịt cả tháng rồi. Có được thịt, tôi lại phải chờ xe bus về Cửa Nam, sau đó đi bộ lếch thếch từ đó về nhà ở Phan Đình Phùng. Mất mấy tiếng đồng hồ cả thảy. tại một trận mệt ù tai nữa, bù lại cả nhà phấn khởi được một bữa tíu tít quạt chả làm nem.
Ngẫm lại, chính những miếng thịt đã ngả màu, những bìa đậu cứng đanh chua lòm đã đem lại niềm vui sống cho chúng tôi một thời, nuôi dưỡng niềm tự hào trong sáng rằng mình đang được sự ưu đãi của chế độ. Qua những năm tháng đói khổ nghiệt ngã ấy, tôi được rèn sức chịu đựng, chịu khổ Nhiều lúc giật mình nghĩ không biết có phải vì hoàn cảnh đất nước khiến tất cả đều phải chấp nhận thiếu thốn, hay người ta thực sự muốn rèn con người thành thép cả? Có khi đó là chính sách điều hành, quản lý con người cũng nên, bởi chính phủ nào mà chẳng phải có những chính sách trị quốc bình thiên hạ! Làm sao khiến người dân nhất lòng đi theo lãnh đạo, bởi vì họ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước để sống chứ biết trông chờ vào đâu!
Thời đó, gia đình nào có người làm trong cửa hàng bán gạo, bán dầu hay bán bách hoá tổng hợp thì sướng hơn vua. Họ như có cả một chỗ dựa vững chắc. May mắn lắm mới quen được một người như thế để đưa cái phiếu nhờ họ mua cho mà không phải xếp hàng. Bởi cái sự xếp hàng là kinh khủng lắm! Muốn đong gạo phải dậy sớm đi xếp hàng bằng cục gạch hay rổ rá cũ từ lúc người ta chưa mở cửa. Nếu muốn có bữa ăn tươi, lập tức tất cả các con đều trở thành công cụ xếp hàng hết. Chính trong cái khốn khó đấy đôi lúc lại cảm thấy hạnh phúc. Nhìn ra xung quanh, hoá ra mình còn sướng hơn những người dân thường rất nhiều. Mình được hưởng các tiêu chuẩn của cán bộ nhà nước. Có tem phiếu cán bộ là ghê gớm lắm. Thời đó, vì tất cả cùng nghèo khó như nhau, cùng mò mẫm trong một mặt bằng tăm tối nên chẳng ai bì tị với ai. Ai cũng nghĩ, vì chiến tranh, vì hậu chiến, mọi thiếu thốn khó khăn đều trở nên quá bình thường. Khổ nhưng không biết là mình khổ, cứ vui vẻ chấp nhận và cam chịu tất ca.
Trước đổi mới, hầu hết mọi người dân đều phải chịu đói rét, hoặc cố kiếm một việc gì đó làm thêm để tự cứu mình. Tôi cũng vậy. Tám đồng công đan một cái áo len. Một tháng cũng có thể đan được một, hai cái. Mẹ tôi cũng miệt mài đan len, khi các con ngủ hết rồi vẫn đan. Nhất là vào dịp Tết, ai cũng muốn diện áo len mới, thế là phải chạy đua với thời gian. Đan thật nhiều để cố lo được nồi bánh chưng. Gia đình tôi là thế, Tết được tính bằng nồi bánh chưng. Đại khái kiếm được số tiền này là đủ 10 cân gạo nếp, sổ tiền kia là đủ thịt với dậu. Rồi lo nấu những nồi mứt khế, mứt mận để tiếp khách đến chơi chúc Tết. Tự nấu nướng chứ làm gì có tiền mua. Vẫn còn nhớ những mùa đông lạnh giá, rửa lá gói bánh tái lợt cả tay vì cóng nhưng mà vui.
Tết năm 1984, lúc bấy giờ hình như chẳng còn nhận được len mà đan nữa. Cái nhà hát Opera balet "bác học" của tôi nháo nhào tìm cách lo Tết cho nhân viên. Những người trong tổ công đoàn hoạt động vô cùng nhiệt tình. Họ chạy đôn đáo khắp nơi, đến các nhà máy, xí nghiệp, cố gắng tìm một công việc phụ cho anh em nhà hát làm thêm lo nồi bánh chưng. Cuối cùng, họ cũng may mắn tìm được một việc: dán hộp mứt tết. Nhân viên ai muốn làm thì đăng ký. Nói chung tất cả đều muốn làm vì ai cũng khó khăn cả, chẳng ai từ chối cơ hội kiếm thêm chút tiền lo cho cái Tết nhà mình. Tôi cũng vậy. Đó là những ngày vừa chân ướt chân ráo đi Pháp về, tôi cũng nhận bìa về làm hộp cùng với Khanh và Vy. Ba chị em nhận trách nhiệm lo nồi bánh chưng.
Chúng tôi mua bột, nấu hồ làm thành "món" keo dính, bày bừa đầy ra nhà. Những tấm bìa họ cắt sẵn, chỉ việc dựng lên, quây 4 góc thành cái hộp, quết hồ lên cho dính vào nhau. Để cho 4 góc dính vào nhau, chúng tôi dùng những cái kẹp quần áo kẹp chúng lại, cái này kẹp vào cái kia thành một dãy dài. Những dãy hộp dài như thế chạy dọc căn phòng 24 mét. Khi hồ đã khô, đậy 2 mảnh hộp vào nhau thành cái hộp hoàn chỉnh. Cứ thế mải mê cắm cúi làm, xong một hộp lại chồng lên cao thành những chồng hộp bày khắp xung quanh. Thành thử tôi bị chìm giữa một toà cao ốc hộp. Trời xẩm tối lúc nào không biết.
Chiều hôm đó, cụ Phạm Văn Khoa đến nhà mời đi giao lưu trình chiếu bộ phim Chị Dậu. Nghe tiếng cụ, tôi dạ rõ to, nhưng cụ đạo diễn không thể tìm thấy tôi ở đâu. Từ đó, đi đâu cụ Khoa cũng kể chuyện tôi, một diễn viên chính đang nổi trên màn ảnh, thế mà lại bị chìm lấp trong đống hộp mứt Tết: "Tội nghiệp nó quá, rõ ràng đã nghe tiếng nó dạ rồi mà chỉ thấy những hộp mứt Tết cao ngất ngưởng. Sang bên Pháp, bao nhiêu thằng Việt kiều giàu có mê nó lắm, nhất định không chịu. Nào tiến sĩ nọ thạc sĩ kia, nhưng nó nhất định về Việt Nam. Sao mà nó khổ thế, bây giờ lại ngồi nhà dán hộp mứt Tết". Với tình thương của một người cha, ông thực sự xót xa, lo lắng cho tôi. Mãi sau, ông mới kể chuyện, lần sang Pháp đó, ông định lặng lẽ mai mối cho tôi một tấm chồng nhưng không thành.
Biết làm sao được, chẳng ai thoát được nỗi lo cơm áo gạo tiền vào những năm đầu tám mươi manh nha đổi mới ấy. Cả nước rơi xuống đáy của sự đói kém, thấy rõ ràng miếng ăn là miếng nhục, nhoài lưng ra chẳng kiếm đủ hai bữa ăn. Thậm chí, trong nhân gian truyền nhau một câu: "Nhân phẩm rẻ hơn thực phẩm". Không trực tiếp phũ phàng giơ mặt rạ với đời được thì rút lui vào trong làm thuê bằng cách nhận đồ gia công về nhà làm. Gẫy lưng dán hộp mứt với đóng hộp philatop, say sưa đến mức đi ngủ rồi tay vẫn còn quờ quạng dán hộp mứt trong mơ.
Lặng lẽ và âm thầm làm gia công kiếm tiền, hi vọng ở một góc khuất nào đấy không ai nhìn thấy mình, nhưng không được. Nghĩ lại thấy thương cái thân mình thế! Nhận bìa về thì dễ nhưng khi chở đống hộp cồng kềnh đi trả mới bi hài làm sao? Ngày xưa, làm gì có tắc-xi tải. Mà có thì cũng làm gì có tiền thuê. Công dán hộp mứt rẻ bèo. Đành phải thuê xích lô. Đó mới là lúc muối mặt, buộc phải bê từng chồng hộp mứt xuống đường chằng buộc vào xích lô cùng với người ta. Rồi lại phải áp tải ông xích lô đến tận xí nghiệp bánh mứt kẹo ở Hàng Bồ. Chẳng hiểu sao cứ bị ngượng chín cả người.
Lao động là vinh quang mà sao lại cảm thấy xấu hổ, nhục nhã? Tôi giả vờ thong dong đạp xe, giữ khoảng cách "như một người dưng" với chồng hộp thành quả của mình, mà vẫn thấy hai má nóng bừng. Bỗng đống hộp đổ tung tóe. Dây chằng đứt. Thôi rồi, "chị Dậu" ơi? Chẳng thể chạy trốn đi đâu được! Tôi ước bầu trời biến thành một màn đêm "đen như tiền đồ của chị" để chui tọt vào đó và biến mất… Nhưng biến đi đâu được khỏi cái thực tại ấy bây giờ?… Phải chính mặt mình giao trả hộp thì mới nhận được tiền công…
Cầm chút tiền công ít ỏi ra về, đạp xe trong cái lạnh tháng giêng, đã ngửi thấy hương thơm của nồi bánh chưng Tết tràn ngập ngõ phố Hà Nội, sao cứ thấy nghèn nghẹn, xót xa một nỗi gì…
Để thích nghi với cuộc sống ấy, người ta nảy ra rất nhiều sáng kiến, tạo nên rất nhiều thói quen cả tốt lẫn xấu. Có những thói quen xấu ngấm vào máu cho đến tận bây giờ vẫn không sao bỏ được. Tôi cũng thế. Ở thời buổi hàng hoá tràn ngập thế này, vậy mà tôi vẫn bị tư tưởng đầu cơ tích trữ từ thời bao cấp ám ảnh. Thấy trên thị trường cô cái gì mới, hay hay là phải mua liền một lúc mấy cái. Vì sợ hết. Tích cóp để dành, chờ lúc cần đến dùng dần. Không bao giờ mua đủ dùng mà phải mua dư ra, để thừa ra mới yên tâm. Nỗi lo thiếu thốn ăn sâu vào tiềm thức đến nỗi tôi không thể chịu được sự lãng phí. Từng phải đi hứng từng giọt nước máy nên nhìn ai lãng phí nước thì không chịu được. Phải tiết kiệm. Phải đề phòng. Phải dự trữ. Vẫn còn tâm lý hoảng sợ, không biết người ta có cung cấp đủ dùng không hay ngày mai lại bảo hết rồi! Đi nước ngoài cũng vẫn bị cái tật ấy. Nhìn thấy cái gì cũng muốn mua, muốn khuân về…
Nhớ lại thời kỳ này, tôi nhận thấy trong cái mất bao giờ cũng có cái được. Được sự cứng rắn như "thép đã tôi". Bây giờ đời sống nhênh nhang, không giàu nhưng không còn phải lo cái ăn cái mặc, tạm gọi như vậy, nhưng tôi không bao giờ sợ khổ nữa. Dù có khó khăn thế nào, có mệnh hệ nào, mình vẫn có đủ nghị lực để vươn dậy, vượt qua. Tôi tin rằng, những ai đã trải qua thời đói nghèo ấy, bằng mọi cách, kể cả là những cách ảo tưởng nhất, đều biết tự cứu lấy mình…
Lần đầu tiên đi Pháp theo phim Chị Dậu, năm 1984, tôi xoay xở mãi mới mượn được một cái áo dài. Có một chị bạn lớn tuổi đưa cho một cái nhẫn mặt ngọc rất to, dặn rằng, qua Pháp gặp ai đó nhờ bán hộ, và cũng nhờ họ mua luôn cho mấy hộp sâm. Mang về Việt Nam bán lại, lời ra được một chút. Lộc đi nước ngoài là ở chỗ đó chứ làm gì có vốn mà đi buôn. Thương tôi nghèo, chị cứ ấn cái nhẫn vào tay bảo: "Cứ cầm lấy mang đi, nếu không bán được thì mang về". Cái nhẫn mang sang đến nơi còn bị chê nứt, nhưng may sao vẫn bán được và tôi có hai hộp sâm mang về.
Tôi vui lắm. Cả nhà tôi cũng vui. Vì thời đó, sâm được coi là một thứ thần dược. Có củ sâm dự trữ trong nhà nghĩa là yên tâm lắm!
Nghèo khổ đau ốm làm gì có thuốc, sâm trở thành thứ chữa được bách bệnh. Người ta mua sâm phòng thân. Những lúc mệt mỏi, suy nhược quá thì cắt ra một lát mỏng mà ngậm. Người nọ rỉ tai người kia như thể đang làm điều gì mờ ám: "Vân nó có sâm mang về từ nước tư bản nên đó là sâm tốt". Tôi đích thân mang về thì hiển nhiên đó là sâm… Pháp, hoặc chí ít cũng do Pháp nhập của Triều Tiên, vậy là sâm chính cống rồi! Họ tin tưởng đến lấy mỗi người một củ nhỏ. Tôi vẫn nhớ tên của nó là sâm Cổng Thành, bây giờ có bán đầy ra cũng chẳng ai mặn mà gì. Nhưng ngày xưa, vì chẳng có gì khác để tin dùng nên người ta tự phong cho nó là thần dược để có cái mà hi vọng chăng?
Tôi cũng thế. Tôi cũng đã hồn nhiên tự đánh lừa mình để tồn tại bằng những lát sâm thần thánh của thời đó…
Một lần, một người bạn của gia đình đã dúi vào tay bố tôi vài lát sâm và bảo: "Ông cầm về cho con Vân, bảo nó trước khi diễn balet, ngậm một lát nhỏ cho có sức mà múa. Đây là sâm tốt đấy, người ta biếu ông nhà tôi. Bảo nó cho vào cái bát nhỏ hấp vào nồi cơm cho mềm ra rồi ngậm". Tôi mừng lắm, ngậm ngay miếng thần dược quí hoá. Nó đơn giản là những lát thái mỏng mềm nâu nâu khô khô dai dai. Dù chẳng phải là sâm, là gỗ đi chăng nữa, nhưng cứ tin nó có tác dụng quả cũng thấy đỡ mệt thật! Đêm ấy, diễn được khen, lại tự nhủ, có lẽ nhờ lát sâm thần thánh ấy! Đó là "phép thắng lợi tinh thần" tuyệt vời. Một khi đã ngậm cái miếng gỗ mềm được gọi là sâm ấy vào miệng thì phải có niềm tin là mình sẽ khỏe hơn, mình sẽ lướt bay trên năm đầu ngón chân một cách điêu luyện hơn, và chắc chắn mình không thể gục ngã trước khi hoàn thành vở balet hai tiếng rưỡi. Đồng nghiệp của tôi đã từng kiệt sức ngất xỉu ngay trên sàn diễn. Còn tôi, qua bao nhiêu buổi biểu diễn, phải chăng tôi vẫn sống được là nhờ những lát sâm tưởng tượng đó.
Ở Pháp về, nhiều người hỏi tôi thấy "bọn tư bản" nó thế nào, có bị "sốc" không? Tôi trả lời, tôi chẳng bị choáng ngợp gì. Bởi tôi nghĩ, đó là một thế giới khác không phải của mình. Mình đi theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, loang loáng như là một giấc mơ, hưởng những đãi ngộ, ưu ái của bầu không khí thân thiện rồi về. Thế thôi. Đó không phải là cuộc sống thực nên chăng chút động lòng ham hố. Đúng là hoàn cảnh ấy dễ khiến người ta choáng ngợp, nảy sinh ham muốn. Nhưng chẳng hiểu sao, có lẽ vì quen sống nghèo rồi, tôi chẳng ham muốn có một cuộc sống khác. Với tầm nhìn hạn hẹp của một cô gái mới lớn, lại đang đắm đuối một mối tình ở nhà, tôi luôn giữ được thăng bằng. Tôi xác định rõ ràng: đấy là cuộc sống của người ta, mình cỏ cuộc sống của mình. Dù thế nào tôi vẫn cứ thích trở về nơi tôi đã sinh ra, nơi tôi đã quen thuộc. Dù có bụi bặm tôi vẫn cứ thích hít thở nó vì nó là bụi bặm của tôi, ở cái nơi tôi lớn lên. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng quả thực, tôi chẳng màng đến cuộc sống của người ta một chút nào.
Tôi cho rằng, đã là người nghệ sĩ là phải làm ra cái gì đó để cho người dân mình hưởng đầu tiên. Ở nước ngoài, với một nền văn hoá khác, cách thưởng thức nghệ thuật khác, ai hiêu mình? Mình làm được cái gì? Là cái gì? Sẽ chỉ là bọt biển, là con kiến. Vô hình chung, tự mình tiêu diệt chính mình thôi. Làm nghệ thuật ở quê hương, dù hay dở thế nào, người ta còn hiểu được mình, còn đón nhận mình.
Nhưng bấy giờ, phần lớn người đời nghĩ khác. Người ta cứ thích suy đoán theo kiểu làm phức tạp vấn đề. Theo chân làn sóng di tản sau 1975, một số nghệ sĩ miền Bắc cũng tìm cách ra đi đến một miền đất hứa nào đó. Họ nghĩ tôi dại vì đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trở thành nghệ sĩ Việt kiều! Họ không tin vào những suy nghĩ nghiêm túc giản dị của tôi, thậm chí tôi còn bị cho là ngây thơ giả vờ. Bởi vì, những cái gọl là lẽ thường ở đời, tôi cứ bị ngu ngơ! Thực ra, tôi chỉ nói thẳng nói thật những gì mình nghĩ. Sống như là mình muốn.
Đến bây giờ, nhiều khi tôi vẫn rất ngạc nhiên, không hiểu sao người ta không dám nói ra sự thật về chuyện yêu ghét của bản thân. Lúc nào cũng phải mang một tâm lý cảnh giác đề phòng, phải che đậy. Và dường như là đánh mất niềm tin, không ai còn muốn tin ai, không ai có thể tin ai được nữa. Cái gì cũng bị che dấu đi, cũng có mặt trái của nó. Thậm chí cái phần bị che dấu ấy là phần chính, còn phần phô ra ai cũng biết lại là phần phụ, là giả dối.
Nhiều khi cái giả thống trị cái chân, con người ta không biết làm gì khác, đành tập cho mình thói quen hàng ngày sống với sự giả dối. Biết sự thật nhưng không nói ra, chỉ muốn yên thân nên im lặng, và cứ tưởng thế là vô tội. Nhưng rõ ràng, biết sự thật mà im lặng, nghĩa là đã đồng loã với sự giả dối rồi. Sau vài lần bị những cú sốc về niềm tin như thế, tôi cũng bị nhiễm thói nghi ngờ lúc nào không biết…
Một lần, tôi cùng anh dạo chơi Hồ Gươm. Ngẫm thấy buồn cười thật, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội mà chưa một lần nào đi dạo Hồ Gươm. Thì ra, đi bộ quanh Hồ Gươm là một cái thú thư giãn tuyệt vời. Xung quanh hồ, ngùn ngụt hối hả xe cộ, mình cứ đủng đỉnh chậm rãi mà đi, mà thưởng ngoạn đất trời. Chiều xuống, ánh nắng cuối ngày còn sót lại trên tán cây phượng làm rực lên cả một góc hồ. Cảnh tranh tối tranh sáng rất đẹp. Anh muốn chụp một bức ảnh làm kỷ niệm. Thấy một gã trai phất phơ đi đến, tôi chưa kịp phản ứng gì, anh đã đưa máy ảnh nhờ chụp hộ. Bỗng nhiên, lòng tôi cồn lên nỗi lọ sợ, nhỡ gã cứ cầm máy ảnh mà chạy biến đi thì sao? Vì đây là cái máy ảnh rất đắt tiền. Nhưng sự đã rồi, buộc phải tin thôi. May mà chẳng có chuyện gì bất trắc cả, vậy tại sao cứ phải nghi ngờ, nghi ngờ eả lòng tốt của người khác. Về sau, xem lại bức ảnh, tôi thấy nét mặt mình rất lạ, miệng cười thật tươi nhưng không sao che dấu được ánh nghi ngờ dâng đầy khóe mắt. Chợt nhói lên nỗi ân hận xót xa… Giá như có thể nói được một lời xin lỗi.
Sống mà luôn phải nghi ngờ thì mệt quá. Thà cứ tin đi còn hơn. Mù quáng cũng được. Ảo tưởng cũng được. Như ngày xưa mình đã từng tin. Tin vào vẻ đẹp thánh thiện của những cánh thiên nga mong manh trong trắng; tin vào sự cứu rỗi của một nét nhạc nâng tâm hồn con người hướng về cái Thiện; tin vào những bước vũ điệu bay bổng thoả mãn ước mơ chiến thắng sức ỳ của thân xác để tâm hồn được thăng hoa cùng cái Đẹp; tin vào sự mầu nhiệm của những lát sâm…
Ôi những lát sâm thần thánh…