Tôi không thích ăn. Nếu được, tôi muốn có những viên thuốc trong truyện viễn tưởng, uống một viên như thế và no suốt cả ngày. Tôi ăn ít, người ta nài nỉ tôi, đút cho tôi – không ăn thua. Tôi gặp may là khi tôi còn bé tí tôi sống trong một cô nhi viện nhỏ ở vùng nông thôn. Người ta cho ăn rất đầy đủ và ngon, các bảo mẫu tốt bụng luôn theo dõi để mọi trẻ đều ăn, họ quan tâm đến chúng tôi. Sau đó là những cô nhi viện khác, những bảo mẫu khác, những thức ăn khác. Cháo đại mạch, bánh rán có dòi, trứng ung, cái gì cũng từng có. Nhưng tôi sẽ không viết về điều đó. Tôi chợt nhận ra rằng những hồi ức đẹp đẽ nhất của tôi đều gắn chặt với cái ăn. Tất cả những giây phút tuyệt vời nhất của thời thơ ấu đều liên quan đến cái ăn, chính xác hơn là với những người đã chia xẻ nó cho tôi, ban tặng nó như một biểu hiện của mối thiện cảm. Thật lạ lùng. ° Tôi không nhớ đó là nơi nào. Tôi chỉ nhớ những người mặc áo choàng trắng. Lũ trẻ chúng tôi rất đông và bé tí. Người ta mang tới một quả dứa. Thời đó, đôi với tôi nó thật to và đẹp. Người ta không cắt nó ra ngay mà để cho chúng tôi ngắm nghía. Hình như người lớn cũng không dám làm hỏng một thứ đẹp như vậy. Ở nước Nga, dứa là của hiếm. Quả dứa làm tất cả mọi người thất vọng. Chính xác hơn là hầu như tất cả. Lũ trẻ nếm thử vị gắt đặc biệt của nó và từ chối ăn những lát dứa rát bỏng đó. Chỉ có tôi ăn. Tôi vẫn nhớ câu chuyện của những người lớn. Cho nó ăn thêm đi. Chị sao thế, chẳng may nó bị làm sao thì sao? Em đã đọc hồ sơ của nó chưa? Có khi bố nó cũng ăn dứa mà lớn đấy. Có thể ở nước họ, dứa cũng như khoai tây ở đây vậy. Người ta cho tôi ăn, ăn nữa. Có lẽ là những người lớn thấy thú vị, làm sao thằng bé lạ lùng này có thể ăn cái thứ quả nhiệt đới đó. Mà họ cũng chẳng thể vứt đi ngần ấy của quý. Tôi đã ăn rất nhiều lát dứa. Và không sao hết. ° Người ta đưa tôi đến cô nhi viện đầu tiên trong đời. Không có những người mặc áo choàng trắng, không giường xếp thành dãy. Nhưng có nhiều trẻ em và có ti vi. Nó sao thế? Hoàn toàn không thể ngồi được à? Hãy đặt nó lên đi văng và kê gối cho nó. Người ta đặt tôi lên đi văng, kê gối cho tôi và đút cháo kiều mạch cho tôi ăn. Vì bất ngờ, tôi đã ăn hết cả một đĩa cháo và ngủ thiếp đi. Cháo rất ngon. Tôi thích cô nhi viện đó. ° Bệnh viện. Đêm. Tất cả đã ngủ. Một y tá chạy vào phòng bệnh bật chiếc đèn ngủ phía trên giường của tôi. Cô mặc váy dạ hội, giày cao gót, tóc uốn lọn loà xoà trên vai. Cô cúi sát bên tôi. Đôi mắt cô thật to và rạng ngời hạnh phúc. Người cô toả mùi nước hoa và một mùi gì đó thật ấm cúng, không phải mùi bệnh viện. Há mồm ra. Nhắm mắt lại. Tôi làm theo. Cô bỏ vào miệng tôi một viên kẹo sô cô la to tướng. Tôi biết cần phải ăn kẹo sô cô la ra sao. Phải cầm cái kẹo trong tay và cắn từng miếng nhỏ. Hơn nữa, tôi cũng muốn được ngắm nghía nó. Cắn ra và ăn. Hiểu chưa? Tôi gật đầu. Cô tắt đèn ngủ và chạy mất. Tôi cắn viên kẹo. Miệng tôi đầy ngập một thứ ngọt ngào và nóng bỏng. Tôi nhai sô cô la, không hiểu sao bỗng thấy chóng mặt. Tôi thấy thoải mái. Tôi hạnh phúc. ° Người ta lại đưa tôi đến một cô nhi viện tiếp theo. Tôi bò trong hành lang, một bảo mẫu đi về phía tôi. Hành lang tối om và bà bảo mẫu không nhận ra tôi ngay. Khi đến thật gần bỗng bà kêu thét lên và nhảy lùi lại. Rồi bà đến gần, cúi xuống nhìn tôi cho rõ. Da tôi ngăm đen, đầu tôi trọc lốc. Trong bóng tối nhập nhoạng, thoạt đầu chỉ có thể nhìn thấy cặp mắt to lơ lửng trong không khí cách sàn chừng mươi mười lăm centimét. Gầy quá. Chỉ có da bọc xương. Như là vừa từ trại tập trung ra ấy. Quả thật tôi chẳng mập cho lắm. Nơi tôi ở trước đó, thức ăn không được tốt, hơn nữa tôi lại kém ăn. Bà bước đi rồi quay trở lại sau vài phút, và đặt trước mặt tôi một mẩu bánh mì với một lát mỡ. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy mỡ, bởi vậy trước tiên tôi ăn mỡ, sau đó mới ăn bánh mì. Tôi bỗng thấy ấm áp và khoan khoái. Tôi ngủ thiếp đi. ° Lễ Phục Sinh. Tất cả các bảo mẫu đều ăn mặc đẹp. Không khí lễ hội hiện diện trong mọi thứ, trong việc các bảo mẫu không hiểu tại sao lại đặc biệt tốt với chúng tôi, trong sự cảnh giác của các cô giáo. Tôi chẳng hiểu gì hết. Bởi trong các ngày lễ, trên tivi phải chiếu cảnh diễu hành, duyệt binh. Chỉ có Tết là không có duyệt binh. Nhưng Tết có cây thông và quà tặng. Sau bữa sáng bà bảo mẫu chia cho chúng tôi mỗi đứa một quả trứng để tô màu. Bên trong, quả trứng cũng trắng như trứng thường. Tôi ăn quả trứng phục sinh. Nó rất ngon, ngon hơn nhiều những quả trứng mà chúng tôi được ăn trong cô nhi viện. Trứng của cô nhi viện luộc quá chín, cứng, còn quả trứng này mềm và ngon tuyệt. Thật lạ, cho dù tôi có ở đâu, trong cô nhi viện, trong bệnh viện hay trong nhà dưỡng lão, vào lễ Phục sinh tôi luôn được ai đó tốt bụng cho một quả trứng tô màu. Và điều này thật tuyệt. ° Ở nước Nga có tục lệ bố thí khi có đám giỗ. Còn trong ngày thứ 40, họ hàng người chết phải bố thí đồ ăn, hơn nữa, không phải là cho bất cứ ai gặp được, mà là cho những kẻ bất hạnh nhất. Kẻ được chia xẻ thức ăn càng bất hạnh bao nhiêu, thì người chết càng hài lòng bấy nhiêu, và bạn càng có thành tích lớn trước Chúa bấy nhiêu. Nhưng tìm đâu ra người bất hạnh như thế trên đất nước sung sướng nhất thế giới này? Bởi vậy nên những con người thiếu may mắn đó đi đến cổng cô nhi viện với lỉnh kỉnh nào túi, nào làn, nào bọc. Họ mang tới kẹo, bánh ngọt, bánh nướng. Họ mang tới bánh kem và bánh rán, tất cả những gì họ có thể mang tới. Các cô giáo kiên nhẫn đuổi họ đi nhưng thường là vô hiệu. Lợi dụng vị trí của mình, các bảo mẫu của chúng tôi đã tìm cách mang được đồ “giỗ” lọt qua cổng cô nhi viện, mặc lệnh nghiêm cấm. Một bảo mẫu còn mang được qua cổng cả một nồi nước quả. Tôi nằm trong vườn. Nơi chúng tôi gọi là vườn chỉ là mấy cây táo mọc cạnh toà nhà cô nhi viện. Để đến được vườn, tôi phải bò rất lâu, tôi mệt và nằm ngửa nghỉ ngơi. Tất cả những đứa trẻ đi được đang ở xa, có thể họ đang xem phim trong câu lạc bộ, có thể họ được dẫn đi đâu đó, tôi không nhớ. Tôi nằm và chờ đợi một quả táo rơi xuống bên cạnh. Nhưng tôi đã gặp may hơn nhiều. Một bà già gầy gò trèo qua hàng rào. Hàng rào cao hai mét, nhưng điều đó không ngăn cản được bà. Bà nhanh nhẹn nhảy xuống, ngó nghiêng bốn phía và tiến lại phía tôi. Sau khi xem xét tay chân tôi một cách thành thạo, bà nghi ngại hỏi “Mồ côi phải không?” Tôi gật đầu. Bà già không ngờ lại gặp may đến vậy; chân tay co quắp, lại còn mồ côi! Bà đặt chiếc giỏ xuống đất, vén lớp khăn đậy lên trên, lôi bánh rán ra và ra lệnh cho tôi “Ăn đi!” Tôi lập tức ngốn bánh, bà già hối thúc tôi và liên tục nhắc “Hãy cầu nguyện cho cô Varvara, hãy cầu nguyện cho cô Varvara”. Nhưng mọi chuyện tốt đẹp có kết cục chóng vánh. Cô giáo đã xuất hiện ở góc vườn. Tại sao lại có người lạ ở đây? Ai cho vào? Bà kia làm gì ở đây? Và nói với tôi: Cháu đang làm gì thế? Tôi đang làm gì ư? Tôi đang nhai chiếc bánh thứ ba, nhai vội vã, bởi vì trong tay tôi còn một nửa chiếc bánh và tôi muốn kịp ăn bằng hết. Bà già đã nhanh nhẹn chộp lấy chiếc làn và biến mất sau hàng rào. Tôi nhanh chóng ngốn nốt chiếc bánh. Cô giáo dừng bước, không hiểu sao lại mỉm cười và quay đi. Đó là những chiếc bánh rán đầu tiên trong đời tôi. ° Người ta lại chuyển tôi từ cô nhi viện này sang cô nhi viện khác. Lễ hội đã bắt đầu ngay trên sân ga, người ta cho tôi ăn kem và si rô. Chiếc kem rất to, bọc sô cô la. Tàu vừa chuyển bánh, bảo mẫu và y tá cũng chuồn luôn, theo cách họ nói là “đi dạo”. “Sao, chúng ta đi dạo chứ?” rồi họ quay lại với hai người đàn ông Gruzia. Một người già tóc bạc, người kia trẻ hơn một chút. Họ uống vodka. Bọn họ đang vui. Họ cắt cho tôi một khoanh giò, cho tôi trứng và xi rô. Người tóc bạc liên tục cắt giò,làm bánh kẹp và nói với tôi “Cháu ăn đi, ăn đi, trẻ con cần phải được ăn uống đầy đủ”. Thức ăn rất nhiều, có thể nhìn thoả thích ra ngoài cửa sổ và chén giò. Tôi muốn được đi mãi, đi mãi, được nhìn qua cửa sổ. Tôi nghĩ nếu cho tất cả người lớn trên trái đất này thật nhiều vodka và giò, họ sẽ tốt bụng và tất cả trẻ con đều hạnh phúc. ° Tôi đang ở trong cô nhi viện cuối cùng và tốt nhất trần đời. Trước mặt tôi là bữa sáng: một ít khoai tây nghiền, một nửa trái cà chua, một chiếc bánh ngọt phết bơ và một ly nước trà. Tôi biết chắc chắn hôm nay không phải là ngày lễ, nhưng sao người ta lại cho tôi ăn khoai tây? Tôi nếm thử nước trà – nó rất ngọt. Cà chua tươi là món hảo hạng. Tôi chén sạch và tôi hiểu rằng tôi gặp may quá tưởng tượng, tôi đã tới thiên đàng. ° Tôi và Catia sống trong căn phòng tầng hầm, bởi bố mẹ cô ấy không chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi. Đó là căn hộ của cô giáo tôi – một trong những người phụ nữ tốt nhất trên đời. Bà đã cho chúng tôi ở căn hộ của mình, còn bà thì tới sống ở nhà nghỉ ngoại ô. Trên đường từ trường Tổng hợp về, Katia mua sủi cảo. Cô luộc cả gói một lúc. Tôi đã biết thế nào là sủi cảo. Ở cô nhi viện, mỗi chúng tôi được bốn miếng. Chúng ta sẽ ăn như thế nào đây? – tôi hỏi Catia. Cô nhìn tôi lạ lùng. Bộ anh đếm sủi cảo sao? Cô dọn sủi cảo ra. Cô ăn hết đĩa sủi cảo, tôi không thể cố được hơn sáu cái. Tôi hiểu rằng trong cái thế giới lạ lùng, không sống bằng ngân sách này, người ta không đếm sủi cảo. Em đừng đổ nước luộc sủi cảo – tôi khuyên Catia một cách thông thạo – Có thể dùng để nấu súp. Mấy ngày sau Catia về nhà bố mẹ ăn sủi cảo. Mẹ cô bưng nồi nước luộc sủi cảo ra khỏi bàn và định đi vào bếp. Mẹ ơi, đừng đổ đi, có thể dùng để nấu súp – Catia nói một cách vô thức. Ngày hôm sau, khi Catia đến trường Tổng hợp, mẹ cô lặng lẽ đến ngôi nhà của chúng tôi và đặt cạnh cửa một con gà làm sẵn. Băng giá bắt đầu tan. ° Khi Catia đi làm, tôi ở nhà một mình với một phụ nữ tuyệt vời nhất đời – chúng tôi sống cùng một nhà với bà cô ấy. Bà bước vào phòng tôi, ngồi xuống phía đối diện: Sao, cháu vẫn chưa chết à? Bà làm sao thế? – tôi trả lời – Khi nào cần cháu sẽ chết. Bà cũng đâu còn trẻ nữa đâu. Hay bà định sống lâu muôn tuổi đấy? Cháu cần cho ai hả thằng không tay, không chân? Đến cái đinh đóng cũng không nổi. Bà có bút mực không? Có. Bà hãy đi quanh nhà và chỗ nào cần đóng đinh thì bà hãy đánh dấu vào. Tin cháu đi, đinh sẽ được đóng lên. Và chúng tôi giết thời gian bằng những câu chuyện tâm tình. Bà kể cho tôi nghe về tuôi trẻ của mình, về họ hàng. Từ những câu chuyện của bà, có thể thấy rằng họ hàng của bà toàn là những người đểu giả, mất dạy. Một lúc sau bà đi ra bếp, tiếng nồi xoong loảng xoảng. Bà quay lại. Ruben, bà đã nấu súp đây này. Có ăn không hay sợ ta đầu độc? Cho cháu ăn súp. Còn đầu độc thì cháu không sợ. Cái gì cháu cũng đã từng ăn rồi. Bà mang súp tới cho tôi. Súp rất ngon. Dưới đáy dĩa – một miếng thịt vịt to tướng. ° Khi Alla có mang, chúng tôi sống rất cực. Alla ăn bánh mì với mỡ nước. Tôi không ăn được mỡ, tôi ăn bánh mì với dầu hướng dương. (Trong cô nhi viện, bánh mì rắc dầu hướng dương và muối được coi là thức ăn ngon). Năm đó, lần đầu tiên tôi bị đau dạ dày. Chúng tôi còn nấu súp đậu. Alla không ăn súp, tôi ăn nó một mình. Tôi sướng hơn cô ấy gấp trăm lần, tôi có thể ăn súp và không phải mang bầu. Khi Maia chào đời, Alla quyết định nuôi con bằng sữa mẹ. Nuôi bằng sữa mẹ rất tốt. Nhưng Maia ăn rất ít. Sữa của Alla có màu xanh nhợt. Và phân của Maia cũng có màu xanh. Trong suốt thời gian đó Alla chỉ ăn khoai tây. Alla là một người khoẻ mạnh, cô ấy cần thức ăn nhiều hơn tôi rất nhiều. Cô ấy ăn một bữa bằng tôi ăn cả ngày. Chúng tôi thấy rằng, với Maia, nuôi bột sẽ rẻ hơn là phải bảo đảm chế độ dinh dưỡng bình thường cho Alla. ° Một người quen tới thăm. Cậu sống ra sao? Bình thường. Cậu ăn gì? Súp đậu. Nấu với khoai tây chứ? Tất nhiên. Còn chúng tôi đã hai tuần nay ăn súp đậu nấu không có khoai tây. Tôi ăn súp đậu vỏn vẹn có ba ngày. Tôi có một bao tải khoai tây. ° Maia một tuổi rưỡi. Con bé không chịu ăn cháo. Tôi đỡ lấy và bình tĩnh ăn hết. Đầu tiên Maia đòi ăn giò, sau đó đòi ăn bánh rán. Chẳng có cả giò lẫn bánh rán, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Nếu đói, người ta sẽ ăn bất cứ thứ gì, nếu không đói, cứ việc đi lại (luật lệ của cô nhi viện). Maia đi lại trong nhà, suy nghĩ, sau đó bình tĩnh đến chỗ Alla và nói “Mẹ ơi, luộc khoai tây đi”. Chúng tôi ăn khoai tây chấm muối với dầu hướng dương và tôi nhớ lại, trong cô nhi viện, chúng tôi luộc khoai tây sau giờ làm việc bằng một cái máy đun nước tự tạo. Những quyền tôi chỉ có khi đã 15 tuổi, những học trò lớn lớp trên mới được quyền luộc khoai. Maia đã có từ lúc mới lọt lòng. ° Alla dẫn Maia từ vườn trẻ về. Cười. Cô đã gặp bà đầu bếp. Bà tự hào kể rằng hôm nay trong bữa trưa có thịt gà. “Con gà béo thế này này, to thế này này, ai cũng được một miếng”. Trong vườn trẻ có hơn một trăm cháu, con gà chỉ có một, chính xác hơn là một con rưỡi. Tôi cũng cười. Tôi rất mừng vì Maia đi vườn trẻ. con có nhiều bạn, chúng cùng nặn đất sét, tô màu. Hơn nữa, khi từ nhà trẻ về, Maia ăn tất cả những thứ được đút và không làm bộ làm tịch. Trên đường từ nhà trẻ về Maia muốn Alla mua bánh mì khô cho nó. Những miếng bánh mì khô thông thường, tẩm va ni. - Cần gì hả con, bố mẹ đang có tiền, con có muốn mẹ mua bánh kem hay cái gì khác cho con không? - Không, bánh mì khô cơ. Alla mua bánh mì khô. Maia ngồi vào bàn và cả buổi chiều con ngồi gặm túi bánh mì khô của mình. Hoá ra giữa buổi, chúng được mỗi đứa một miếng bánh mì khô, mà Maia lại muốn ăn nữa. Trong cô nhi viện, chúng tôi mỗi đứa được hai miếng bánh mì khô. ° Khi sống trong nhà dưỡng lão, có một điều làm cho tôi kinh ngạc. Trong nhà ăn, sau bữa trưa, người ta phát xương. Những mẩu xương bò bình thường trong nồi súp. Chỉ những cựu chiến binh mới được phát xương. Xướng đã được lóc sạch thịt rất kỹ, nhưng nếu khéo léo vẫn còn có thể gặm được tí chút. Các cựu chiến binh chen chúc trước ô cửa phát xương, mắng chửi nhau, so bì công lao và danh hiệu. Cách đây không lâu, tôi có hỏi một người quen làm trong đó “Ở đó người ta vẫn còn phát xương chứ?” Làm gì có! Đã từ lâu không ai nấu gì với xương nữa rồi. Không có xương!