Ngày rằm tháng hai nhằm ngày đại triều. Bá quan văn võ tề tựu trước điện Thái Hòa mà chầu vua.Khi vua Thánh Tôn vừa ngự ra, thì quan Binh bộ Thượng thơ Lê Thọ Vực dẫn tướng quân Thanh Tòng vào bái mạng. Vì vua đã có xem cái sớ của Thanh Tòng trước rồi, nên thấy mặt chàng thì vua lộ sắc vui mừng và hỏi thăm việc chinh chiến.Thanh Tòng quỳ trước điện tâu hết đầu đuôi mọi việc cho vua nghe, rồi dẫn Trà Na vào mà nạp. Trà Na vào tới trước mặt vua mà cũng không chịu quỳ. Vua lấy lời nhơn huệ mà dụ hàng, anh ta lại đối đáp rất vô lễ, làm cho vua nổi giận nên dạy đem ra ngoài thành mà chém đầu.Trước mặt bá quan, vua tỏ lời khen ngợi tài lược của Thân Thanh Tòng. Y theo lời hứa, vua phán xả tội giết đại thần cho Thanh Tòng, lại phong cho chàng làm chức Kinh sư Ðô Tổng binh và dạy quan Hình bộ Thượng thơ Trịnh Công Lộ thay mặt cho vua mà sắm sửa lễ vật đặng đưa công nương Lệ Bích kết duyên cầm sắt với Thanh Tòng.Quan Hình bộ Thượng thơ bước ra tâu rằng ''Muôn tâu Bệ hạ, từ khi Thân Thanh Tòng thích tử quan Thái úy thì công nương Lệ Bích ăn thảm uống hờn, mong cho triều đình lấy lẽ công mà trị tội kẻ vô đạo. Bệ hạ đã không chém Thanh Tòng, mà lại giao cho chàng cầm binh xuất trận. Hạ thần trộm nghe công nương thề quyết chẳng chịu thấy mặt người giết cha mình nữa. Mới đây công nương nghe Thanh Tòng thắng trận khải hoàn, công nương sợ Bệ hạ ép gả cho Thanh Tòng là người thù nên trong lúc ban đêm công nương đã bỏ phủ mà trốn đi mất. Hạ thần bây giờ có biết công nương ở đâu mà gả cho Thanh Tòng được''.Vua Thánh Tôn nghe nói Lệ Bích trốn thì ngài lấy làm bất bình, nên ngài phán rằng: Lệ Bích là cháu của trẫm sao nó dám nghịch ý trẫm. Tội nầy nghĩ khó dung. Vậy trẫm nhứt định thâu tước công nương, từ rày triều đình coi nó như con nhà lê thứ. Nó đi đâu mặc kệ nó''.Quan Hình bộ Thượng thơ liền quì mà tậu nữa rằng: “Muôn tâu Bệ hạ, xin Bệ hạ xét giùm lại cho Lệ Bích. Nàng mà trốn đây nào có phải ý nàng dám trái lịnh của Bệ hạ. Ðã biết Thanh Tòng trước đã có thệ ước với nàng, nhưng mà sau chàng lại trở lòng mà giết cha của nàng đi, thế thì xưa tuy là người nghĩa, song nay vốn thiệt là kè thù. Nếu Bệ hạ định cho nàng phải quên cha mà đi kết duyên cùng kẻ thù thì tội nghiệp cho phận nàng lắm. Ngửa xin Bệ hạ xét lại: Thanh Tòng có tội giết cha vợ, giết quan đại thần, mà nay chàng được lân la nơi bệ rồng, được phong quan tứ tước, còn Lệ Bích không báo oán cho cha được, nay đã lánh mặt ẩn thân, mà Bệ hạ còn thâu tước công nương nữa, thế thì chi cho khỏi người ta dị nghị triều đình không công bình, kẻ có tội lại được hiển vinh, người vô tội lại bị hình phạt''.Vua châu mày phán rằng: ''Khanh chẳng nên tâu nhiều lời, Trẫm đã thẩm xét tường tất rồi. Quan Thái úy mà chết đó, phần nhiều lỗi tại nơi người, chớ không phải tại cha con quan Thân Tướng quốc. Bởi người đố hiền tật năng[1], lại ỷ tài ỷ lực lắm, nên mới sanh họa như vậy. Ðã biết Thanh Tòng cũng có tội, nhưng mà cái công bình loạn Chiêm Thành đem chuộc tội ấy nghĩ cũng vừa''.Vua lại kêu Thanh Tòng mà phán rằng: ''Trước trẫm có hứa hễ tướng quân thắng trận thì trẫm sẽ thứ tội mà lại tứ hôn nữa. Chẳng dè con Lệ Bích là gái bất tiếu, nó cứ nê chấp thù cha, nó đã bội ước xưa, mà lại còn nghịch ý trẫm nữa. Nay nó đã bôn đào rồi, vậy thôi thì để trẫm chọn ngày tốt mà gả Công chúa Như Hòa cho Tướng quân sánh đôi loan phụng. Tướng quân khá quên ước cũ để vui cùng duyên mới, cho hiệp với ý trẫm muốn''.Thanh Tòng nghe vua phán như vậy thì sửng sốt trong lòng, nên vội vã quì mà tâu rằng: ''Muôn tâu Bệ hạ, tội thần đã nặng lời thệ ước cùng Lệ Bích. Vì trời khiến cuộc cồn dâu hóa vực[2], chớ nào phải tội thần toan đoạn nghĩa dứt tình. Nay Lệ Bích vì tội thần mà nàng phải trêu cay nuốt đắng, đạp sỏi dày sương, có lẽ nào tội thần đành vùi lấp tình xưa, mà vui vầy cùng duyên mới.Vua mới nghe mấy lời thì lộ sắc chẳng vui. Quan Tả Tướng quốc sợ con từ hôn mà mắc tội, nên ngài lật đật bước ra quì mà tâu rằng: ''Muôn tâu Bệ hạ, nhục nhi là đứa có tội. Bệ hạ vì chút công lao nhỏ mọn mà xá tội tử hình, lại phong quyền tước nữa. Ân đức của Bệ hạ như trời cao, như biển rộng, cha con hạ thần dầu làm thân trâu ngựa trọn trời đi nữa, đền đáp cũng chưa vừa. Nay Bệ hạ lại còn định gả Công chúa cho nhục nhi, ân huệ nầy lại càng lớn hơn nữa, cha con hạ thần càng thêm vinh hiển, bởi vậy cha con hạ thần xin cúi đầu mà thọ mạng. Tuy vậy mà hạ thần ngửa mong Bệ hạ vui lòng cho phép hạ thần tâu thêm một vài lời. Vả Thanh Tòng với Lệ Bích đã có lời thệ ước, từ trong triều ra khắp châu quận ai ai cũng đều hay hết thảy. Nay Lệ Bích buồn rầu vì nỗi cha mất lộc, nên nàng bỏ phủ mà đi chơi. Trước khi nàng ra đi, chắc là nàng không dè Bệ hạ sẽ dạy nàng phải bỏ việc oán thù mà kết duyên cùng Thanh Tòng. Nếu Thanh Tòng mà cưới Công chúa, rồi trong đôi ba ngày Lệ Bích trở về, Thanh Tòng mới liệu làm sao; nó mang tiếng bội ước chẳng nói làm chi, sợ e Công chúa mang tiếng đoạt hôn thì hạ thần khó mà ngồi yên được. Ngửa mong Bệ hạ xét lại, chắc là Lệ Bích không hay Bệ hạ định gả nàng, chớ không lẽ nàng dám trái lịnh Bệ hạ''.Vua ngẫm nghĩ rồi phán rằng:- Ngày trẫm sai Thanh Tòng cầm binh dẹp giặc, trẫm đã có phán giữa triều, hễ thắng trận khải hoàn thì trẫm sẽ xá tội lại gả Lệ Bích nữa. Lời phán giữa quần thằn, lẽ nào Lệ Bích không hay.- Muôn tâu Bệ hạ, tuy Bệ hạ phán giữa triều đình, song Bệ hạ không có đòi Lệ Bích mà dạy sự ấy cho nàng biết.- Dầu trẫm không có phán riêng cho Lệ Bích hay, thì một tháng nay các quan cũng có nói cho nó biết chớ.- Muôn tâu Bệ hạ, Lệ Bích mắc lo hiếu sự nên không có đi đâu mà các quan cũng không có tới thăm nàng nữa, nên hạ thần chắc là nàng không hay ý Bệ hạ định hôn nhơn cho nàng.- Khanh muốn thay mặt cho con mà từ hôn, nên kiếm lời mà tâu như vậy, chớ không lẽ Lệ Bích không hay lịnh trẫm phán. Nếu nó nói không dè, nên bỏ phủ mà đi chơi cho khuây lãng sự buồn thì trước kia sao nó không đi, lại đợi Thanh Tòng về tới Kinh đô rồi nó mới trốn. Rõ ràng là nó nghe Thanh Tòng thắng trận khải hoàn, nó sợ trẫm đòi nó mà gả, nên nó lánh mặt trước. Tội nó nghịch ý trẫm, không thế trẫm dung được. Còn sự trẫm định gả Công chúa Như Hoa cho Thanh Tòng thì trẫm đã quyết rồi, vậy khanh hãy chọn ngày mà cho trẻ làm lễ giao bôi hiệp cẩn.- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần xin vưng lịnh. Hạ thần dụ dự là vì hạ thần sợ e Công chúa hay rõ việc Lệ Bích rồi Công chúa không vui đó mà thôi.- Lịnh trẫm đã phán ra rồi, dầu ai vui hay là không vui cũng phải vưng lịnh.- Muôn tâu Bệ hạ, hạ thần không dám trái lịnh Bệ hạ. Nhưng mà theo trí ngu của hạ thần, thì Bệ hạ nên đình sự gả Công chúa lại một năm, đặng rao khắp các châu quận phải tìm kiếm Lệ Bích. Nếu mãn một năm rồi mà Lệ Bích còn biệt tích, chừng ấy sẽ cho Thanh Tòng giao duyên với Công chúa, làm như vậy thì Thanh Tòng mới khỏi tiếng bội ước và Công chúa mới khỏi tiếng đoạt hôn.Vua ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi mới nhằm lời tâu của quan Tả Tướng quốc mà đình cuộc hôn nhơn của Thanh Tòng lại một năm, đặng truyền cho các châu các quận tìm kiếm Lệ Bích.Khi bãi triều, Thanh Tòng về dinh, quan Tả Tướng quốc kêu vào hậu đường mà dạy rằng: ''Hồi nãy con muốn từ hôn phải hay không? Con đừng có dại như vậy. Nếu Bệ hạ tứ hôn mà con từ, thì con phải mắc tội khi quân. Vì cha sợ con phạm tội nên mới rước mà tâu thế cho con. Nếu trong một năm mà tìm Lệ Bích không được thì con phải kết duyên với Công chúa, chớ không nên cãi lịnh''.Thanh Tòng đứng buồn hiu, không nói tiếng chi hết.Quan Tả Tướng quốc liếc ngó con, rồi ông hỏi nữa rằng:- Sao hồi nãy con không tâu đặng Bệ hạ phong thưởng công cho anh em họ Ðinh?- Thưa cha, con quên. Vì Bệ hạ phong chức cho con rồi ngài định gả Công chúa liền, làm cho con bối rối quá, không còn nhớ việc chi nữa hết.- Thôi để ngày đại triều tháng sau, con phải nhớ mà xin với Bệ hạ nghe hôn.Thanh Tòng cúi đầu lui ra, sắc mặt buồn xo, mới được phong quan, mà lại thất chí!
[1] ghen ghét người có hạnh, ganh tỵ người có tài [2] cồn dâu biến thành vực thẳm
[1] ghen ghét người có hạnh, ganh tỵ người có tài [2] cồn dâu biến thành vực thẳm