cơn giông

Thuở bé, tôi có một người cô mà tôi yêu mến hơn là mẹ đẻ. Đó là một người đàn bà góa trẻ, hiền lành rất đáng thương. Nhưng mà tôi đã ghét oan cô một độ, bây giờ có muốn xin lỗi cô cũng không được nữa, vì người qua đời đã lâu rồi. Than ôi, ở đời không có gì chua xót hơn là không thể xin lỗi được người đã chết. Chồng chết, cô tôi đã nghèo lại không con, bố mẹ chồng ác nghiệt, chỉ còn cách xin ở nhờ nhà chị. Mẹ tôi thì buôn bán ngược xuôi, bận bịu quanh năm, được cô đến giúp đỡ việc nhà, trông nom con mọn cho mình lấy làm vui bụng lắm. Mẹ tôi thường vắng nhà luôn, có lúc hàng nửa tháng để vào trong Quảng mua cau. Như thế ở nhà chỉ còn hai cô cháu.
Cô tôi tính yêu trẻ mà lại không con nên quý chiều tôi hết sức. Tôi vì quen vắng mẹ gần gũi với cô luôn, nên thấy trên đời không ai đáng là mẹ hơn cô.
Tôi vòi, tôi khóc, làm khổ làm cực cô đủ trăm chiều.
Tôi chỉ rời cô ra lúc ngủ say. Suốt ngày cô không đi đâu được với tôi nửa bước. Tôi gọi cô là "má", những lúc mẹ tôi về tôi cũng không theo. Ngoài người cô ấy tôi không chịu để ai cho ăn, cho uống. Tôi không ngủ dễ dàng ngoài tiếng ru êm ái của người cô ấy. Tiếng ru buồn bã của bà cô góa bụa. Tiếng ru có thể ảnh hưởng đến tính tình người đàn ông khôn lớn là tôi sau này. Cả một quãng đời thiếu niên trở nên mơ mộng, vẩn vơ vô ích của tôi sau này biết đâu chẳng vì tiếng ru kia? Vì trong khối óc còn rớt lại những âm thanh buồn não đó. Có biết bao nhiêu đứa trẻ ở đời trở nên hung ác, từ tâm hay anh hùng vì đã ảnh hưởng, vì đã bú sữa của người nhũ mẫu chăm nuôi mình thuở bé.
Không những thế nét mặt cô tôi thường là rười rượi, rất ít nụ cười nở trên đôi môi, như cánh hoa khô héo chỉ khi nào có ánh mặt trời lướt qua mới hé nở, nhưng chẳng được bền.
Những ngày mẹ tôi ở nhà được lâu, và dần dần làm quen được với tôi, mẹ con lại yêu nhau, thì đó là những ngày vô vị nhất của cô tôi. Không muốn làm bận rộn cảnh yêu đương ấy, cô tôi thường lấy cớ trông nom cơm nước mà ở lỳ dưới bếp. Hay bỗng chốc cô kêu chóng mặt, váng đầu để tránh vào buồng nằm. Thương thay cuộc đời người đàn bà ấy chỉ có ý nghĩa khi nào được đứa trẻ khó chịu là tôi bám lấy mà làm khổ, làm bận, mà quấy rầy vòi khóc, và ban cho một ít tình yêu trẻ dại tự nhiên.

*

Một hôm tôi đang ngủ say trên chiếc giường nhỏ cạnh cửa sổ trông ra vườn thì trời nổi cơn giông. Cửa đóng chặt nhưng gió thổi tạt những giọt mưa nặng hạt rào rào vào đôi cánh gỗ làm cho tôi thức giấc hoảng sợ. Một cơn mưa giông bất thình lình giữa trưa hè, sấm chớp thực dữ dội. Tôi mở mắt thấy nhà vắng lặng càng kinh hãi. Mẹ tôi đi vắng đã mấy hôm, có lẽ còn lâu mới về. Hình như cả buổi trưa hôm ấy tôi hờn lâu lắm, cô tôi đã phải nựng nịu vỗ về mãi tôi mới chịu nằm yên ngủ lại.
Thức dậy lúc ấy, đoán là cô tôi đang bận gì dưới bếp, tôi toan khóc gọi, bỗng một hồi sấm nổi lên làm rung động cả cửa sổ, cả cái giường bé nhỏ của tôi. Hét một tiếng to, tôi tung chăn vùng dậy chạy chân không trên đất tuốt vào trong bếp.
Một cảnh bất ngờ khiến tôi dừng lại ngay nơi bậc cửa: trên tấm phản gỗ dùng làm chỗ nằm cho thằng ở nhỏ - lúc đó cũng vắng nhà - cô tôi đang gục đầu trên vai một người đàn ông đã đứng tuổi. Hai người say mê ngồi ôm nhau như vậy, không nghe, không biết gì hết. Người đàn ông ấy tôi biết lắm, đó là ông giáo dạy mấy đứa trẻ ở nhà bên cạnh. Có lẽ ông sang nhà tôi bằng cửa sau.
Không hiểu sao tôi quay lại giường ngay. Tôi không dám đến phá đám cô tôi. Tôi, một đứa trẻ khó chịu, xấu nết, tôi vừa sửng sốt vừa hổ thẹn.
Đến mãi bây giờ tôi cũng không thể giảng giải được tại sao như thế. Hình như đó là một "tai nạn" đối với tôi. Phải chăng vì cái điểm luân lý di truyền sẵn có trong tôi làm cho tôi trông thấy cái cảnh "khác thường" ấy hóa ra một điều nhơ bẩn. Hay đó chỉ là lòng ghen? Lòng ghen của một đứa trẻ con còn trong sạch quá, thấy "người mẹ" của mình không còn trong sạch như mình vẫn tưởng. Lòng ghen đó từa tựa cái ghen của một người chồng, bắt quả tang cuộc ngoại tình của người vợ quý, vì kiêu ngạo không muốn làm ra to chuyện, đành ngậm cái đau thương mà khinh bỉ một mình.
Tôi về gần đến chỗ giường cũ, lại một tiếng sét long trời giáng xuống cành cây cao nhất trong vườn, xé đôi thân cây ra như xé một tờ giấy. Một ánh sáng hồng nhoáng lên lúc đó làm tôi nhắm mắt. Tôi vừa vịn lấy thành giường vừa khóc thét. Mãi một lúc sau cô tôi mới nghe tiếng chạy lên. Chỉ thấy một mình cô hốt hoảng chạy lên. Có lẽ người đàn ông đã ra về bằng cửa sau rồi.
Người tôi run như một cây sậy trong gió lốc.
Mặt cô tôi xám xanh đi, nửa cảm động, nửa vì lo sợ. Cô ôm chầm lấy tôi, nhưng tôi vội tránh ngay. Tôi không muốn người đàn bà ấy mó vào người tôi lúc đó. Nước mắt bắt đầu giàn giụa trên mặt con người đau khổ.
- Con! Con lại với cô, tội nghiệp con... tội nghiệp cô...

*

Tôi biết kể gì thêm. Từ đó cho đến lớn khôn, tôi không âu yếm cô như trước nữa. Chúng tôi, hai người cùng cảm thấy một sự gì ngượng ngập, chia cách, giữ gìn đau xót. Cho cả đến khi lớn khôn đi học rồi vẫn vậy.
ít lâu sau, cô tôi lấy được một người chồng có cửa hàng buôn bán trong phố khá giàu.
Cuộc hôn nhân này nghe đâu như mẹ tôi bắt ép, vì lo rằng em mình đã là gái góa, không còn đám nào hơn, không còn dịp nào may mắn hơn cho cô nữa. Nhưng người chồng sau cũng chẳng làm cho cô sung sướng như mẹ tôi đã tưởng. Đó là một kẻ đàn ông thô bỉ, tầm thường.
Lấy chồng rồi cô tôi vẫn đi lại nhà tôi luôn, lúc nào cũng có quà bánh, hoa quả cho tôi như cũ.
Cô vẫn quý chiều tôi như hồi tôi còn nhỏ dại.
Nhưng đó là quãng vui chơi ham hố nhất đời của đứa con trai là tôi đang tuổi lớn lên, chỉ biết ham mê đùa nghịch với chúng bạn ở trường. Tôi biết đâu đến sự săn sóc của mẹ tôi, của cô tôi.
Hình như có một lần, nhà có giỗ, cô tôi đã đợi tôi suốt cả một buổi chiều, trước một mâm cỗ đủ thức ăn và bánh kẹo mà tôi vẫn thích. Nhưng hôm đó tôi đã đi đá bóng, và lúc về tôi lăn ra ngủ, quên luôn bữa cỗ công trình của cô tôi, người cô khốn khổ. Mẹ tôi nói cô đã khóc vì không thấy tôi sang.
Ngày nay đã trải đời, đã từng khổ, từng yêu, từng đợi những kẻ vô tình trước một bàn ăn, trong một vườn hoa, để ngóng: kẻ thân yêu chẳng tới.
Tôi đã hiểu, đã biết thương cô, thì cô đã không còn. Biết làm sao tạ lỗi với người được nữa?
Tình cảm của chúng ta đến với chúng ta thật chậm. Hình như ở người chúng ta quả tim là kẻ thức giấc sau cùng. Trong cuộc đời đàn ông thường có lúc không để cho những đau khổ chính mình gây nên chạm đến lòng mình. Lắm khi chúng ta thật tàn nhẫn và độc ác. Chúng ta chẳng khác những tượng đồng, những tấm đá đối với những đau thương thiết thực kia. Thế rồi một vài kỷ niệm thật nhỏ nhặt, thật cũ kỹ, bỗng dưng len lỏi được đến với chúng ta những lúc không ngờ nhất, và để lại một vết thương sâu không ngày tháng nào hàn gắn được.
Tiểu thuyết thứ bảy, 1940.