Kitô giáo vạch hướng điNhững tôn giáo lớn ở phương Đông, Ấn giáo và Phật giáo, hướng nhãn giới của con người vươn xa tới những chu kỳ bao la vô tận vượt qua các mùa và năm của một đời người hay một thế hệ và đã đưa con người thoát khỏi những chu kỳ này bằng cách giúp mỗi cá nhân hòa nhập vào Toàn Thể, Ấn giáo hứa cho luân hồi (samsara), là sự giải thoát khỏi cái chu kỳ vô tận, không phải bằng “trường sinh bất tử” mà bằng việc cá nhân tan biến trong một Tuyệt Đối vô danh, Phật giáo cũng hứa sự giải thoát khỏi kiếp luân hồi để đạt niết bàn, là nơi cái ngã được hòa tan vào Vũ trụ.Các tôn giáo lớn ở phương Tây cũng tìm sự giải thoát khỏi thế giới động vật của chu kỳ tuần hoàn, nhưng đã tìm ra một con đường ngược lại. Trong khi Ấn giáo và Phật giáo tìm kiếm những con đường giải thoát ngoài lịch sử, Kitô giáo và Ấn giáo tìm kiếm những con đường giải thoát trong lịch sử. Thay vì hứa sự giải thoát bằng cách xuất thế. Kitô giáo và Hồi giáo tìm ý nghĩa trong việc nhập thế. Cả Kitô giáo lẫn Hồi giáo đều bắt nguồn từ Do Thái giáo và cả ba đều bộc lộ một sự chuyển dịch triệt để từ một thế giới các chu kỳ tuần hoàn sang một thế giới của lịch sử.Các vị thần Hi Lạp tồn tại phi thời gian trên núi Olypus, đã không kêu gọi con người nhớ lại quá khứ của họ. Nhưng Do Thái giáo thì hướng về quá khứ, là một tôn giáo đi theo một hướng xa lạ hẳn với Ấn giáo, Phật giáo, hay Khổng giáo. Thánh vịnh gia trong Kinh Thánh Do Thái giáo đã hát lên, "Phúc thay dân tộc mà Thiên Chúa là Chúa tể, dân tộc mà Thiên Chúa đã chọn làm cơ nghiệp riêng của Người". Mục đích của Thiên Chúa đối với dân Do Thái được mạc khải cho họ trong những gì Kinh Thánh thuật lại về quá khứ của họ. Bằng việc nhớ lại những ân huệ và những thử thách mà Thiên Chúa đã gửi đến họ, người Do Thái khám phá ra và nhớ lại sứ mệnh của mình là một dân được chọn. Đối với người Do Thái, nhớ lại quá khứ là cách để nhớ đến Thiên Chúa của họ. Kinh Thánh thuật lại câu truyện của thế giới từ khi Tạo Dựng và các ngày lễ nghỉ Do Thái giáo là những cuộc lễ mừng hay tái diễn quá khứ. Ngày Sabát mỗi tuần là để nhắc nhở việc Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong sáu ngày và ngày thứ bảy để nghỉ ngơi là một hồng ân của Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua của Do Thái giáo mừng việc họ ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, được đánh dấu hằng năm bằng việc tường thuật lại câu truyện xuất Ai Cập, gọi là Hâggdah. Theo nghĩa này, Do Thái giáo đặc biệt hướng về quá khứ nhưng đồng thời cũng mang tính phản lịch sử. Kinh Thánh được đọc để kiện cường những điều người Do Thái đã biết rồi.Kitô giáo là một tôn giáo lịch sử theo một nghĩa mới. Cốt tuỷ và ý nghĩa của Kitô giáo phát xuất từ một biến cố độc nhất, sự giáng sinh và cuộc đời của Đức Giêsu.Thấm nhuần truyền thống Do Thái giáo, Đức Giêsu (tên Híp-ri là Joshua, nghĩa là Đấng Cứu Thế) được cất bì và dâng vào đền thờ theo tục lệ Do Thái giáo, rồi ngài đi rong ruổi khắp nơi rao giảng và dạy dỗ như một thầy rabbi. Kinh Thánh cơ bản của Kitô giáo là các sách Tin Mừng - của Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an - thuật lại tiểu sử của Đức Giêsu, với những bài tường thuật về đời sống, sự chết và sự phục sinh của Người.Chính tên gọi "Tin Mừng" cho thấy đây là lời công bố rằng tôn giáo này ăn rẽ sâu trong lịch sử, dựa trên một biến cố độc nhất vô nhị mang ý nghĩa hoàn vũ. Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất là việc chúa Giêsu đến. Vì thế lịch sử Kitô giáo tưởng niệm những biến cố trong sự giáng sinh và cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu - từ biến cố Truyền Tin (26 tháng 3), đến Giáng Sinh (25 tháng 12), Cắt Bì (1 tháng 1), Hiển linh (6 tháng 1, đêm thứ mười hai: tưởng niệm Phép Rửa của Chúa Giêsu, Ba Đạo Sĩ đến Bêlem và phép lạ hóa thành rượu Cân), Lễ Nến 92 tháng 2, tưởng niệm cuộc Thanh Tẩy của Đức Mẹ và Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ) và Hiển Dung (6 tháng 8). Tương tự, tuần lễ Phục Sinh mừng những biến cố xung quanh việc Chúa Giêsu chết và phục sinh. Các tín hữu Kitô giáo tin vào ý nghĩa độc nhất vô nhị của những biến cố này, nên tính lịch bắt đầu từ năm Chúa Giáng Sinh, gọi là Anno Domini "Năm của Chúa".Lời hứa của Chúa Giêsu về con đường giải thoát con người khỏi các chu kỳ tuần hoàn, không phải là một sự trốn tránh vào một cái Phổ Quát nào đó. Đúng hơn, đó là sự mở rộng mãi mãi tính độc nhất vô nhị của con người. Cách Sách Tin Mừng luôn lặp đi lặp lại lời hứa rằng "bất cứ ai tin vào Người thì sẽ không chết, nhưng được sống đời đời". Lý tưởng của người Kitô hữu không phải là tránh sự tái sinh mà là được phục sinh sau khi chết để sống cuộc sống vĩnh cửu trên thiên đàng". "Nếu một người không được sinh lại, người ấy không thể thấy Nước của Thiên Chúa".Khám phá của Kitô giáo về lịch sử, ăn rễ sâu trong Tin Mừng, là một sản phẩm của mạc khải và lý trí, của khủng hoảng và tai họa. Theo Edward Gibbon thuật lại vào đêm 24 tháng 8 năm 410, quân man di Goth "dưới sự lãnh đạo của viên tướng dũng cảm và tài giỏi, đã tiến vào Rôma. Đúng nửa đêm, cổng thành Salaria bất thần mở toan và người dân trong thành bị đánh thức bởi những tiếng kèn đồng vang dội của quân Goth. Một ngàn một trăm sáu mươi ba năm sau ngày thành phố Rôma được xây dựng, sau một thời gian dài thành phố của Đế Quốc từng chinh phục và đưa nền văn minh đến cho một phần lớn của nhân loại, nay rơi vào cơn thịnh nộ của những bộ lạc man di Đức và Scythia". Gibbon đã tả lại cho chúng ta cuộc cướp phá thành Rôma bằng những đoạn văn sinh động nhất, thuyết phục nhất và gợi hình nhất của ông.Augustino đã để lại bản tự thuật sinh động về thời kỳ tuổi trẻ của mình trong cuốn Confessiones (Tuyên Xưng). Nhà tâm lý học của thế kỷ 20, William James, cho rằng đây còn là một sách tiểu sử kinh điển của một kinh nghiệm hoàn cải.Ở thời điểm đó, thánh Augustino đang là vị giám mục Kitô giáo ở Hippo, một cứ địa của đế quốc Rôma tại Bắc Phi. Tên thật của ngài là Aurelius Augustinus 9354-430), một con người kỳ diệu và là một văn sĩ lỗi lạc. Ngài sẽ là người có ảnh hưởng to lớn nhất đối với tư tưởng Kitô giáo kể từ sau thánh Phaolô.Augustino đã để lại bản tự thuật sinh động về thời kỳ tuổi trẻ của mình trong cuốn Confessiones (Tuyên Xưng) mà nhà tâm lý học của thế kỷ 20 William James cho rằng đây còn là một sách tiểu sử kinh điển của một kinh nghiệm hoàn cải. Bà mẹ của Augustino đã nuôi dạy con mình trong đời sống Kitô giáo, nhưng khi 16 tuổi cậu được gửi đi học ở Carthage, cậu đã bỏ đức tin để quay sang học tu từ. Cậu sống một đời sống phóng đãng và trước khi 20 tuổi cậu đã có tình nhân và được một người con trai với cô này. Bị đời sống ở thủ đô của đế quốc mê hoặc, Augustino đã mang theo tình nhân và con trai tới Rôma, hi vọng kiếm được một chân dạy tu từ học. Sau khi thất bại trong việc này, ông nhận được lời mời tới giảng dạy ở Milan, tại đây ông chịu ảnh hưởng sâu đậm của vị giám mục có tài hùng biện là Ambrosiô. Cuộc hoán cải của ông bắt đầu từ đây. Giống như Phật Thích Ca khi tìm giác ngộ đã từ bỏ vợ và con trai mình, giờ đây Augustinô cũng bỏ người tình, mẹ của đứa con trai của ông và cô này phải miễn cưỡng ra đi trong buồn tủi. Sau khi cô tình nhân bỏ đi, Augustinô lại cảm thấy lòng trống rỗng và không thể nào tiết chế được. Ông lại ở với một người tình khác, nhưng vẫn cầu nguyện với Chúa, "Xin cho con lòng trong sạch và tiết dục - nhưng không phải bây giờ".Rồi một hôm tại một khu vườn ở Milan, khi ông đang giảng cho học trò của mình là Alypius về cuộc chiến đấu nội tâm của ông, ông đã hoàn toàn bị xúc động:Tôi đang kể lại và than khóc từ đáy tâm hồn ăn năn đau xót của mình, thì bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh giọng của một đứa trẻ, trai hay gái tôi không rõ, đang cất tiếng hát và lặp đi lặp lại, "Hãy cầm lấy và đọc; Hãy cầm lấy và đọc". Bất ngờ tôi cảm thấy giật mình, tôi bắt đầu suy nghĩ lại xem trẻ con có thường hay chơi trò hát những câu như thế hay không, mà tôi cũng không thể nhớ mình có bao giờ nghe như thế không. Thế là tôi cầm nước mắt và đứng dậy; tôi lý giải rằng đây hẳn là một lệnh truyền của Thiên Chúa bắt tôi mở sách ra và đọc chương đầu tiên để có thể khám phá ra... Tôi cầm lấy cuốn sách, mở ra và im lặng đọc đoạn sách [Thư của thánh Phaolô] đã đập vào mắt tôi trước tiên: Không phải trong phóng đãng và say sưa, không phải trong chơi bời và dâm đảng, không phải trong cãi cọ ghen tuông: nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô và đừng tìm cách thỏa mãn những dục vọng của xác thịt. Tôi không đọc thêm nữa: vì tôi không cần gì hơn: vì ngay khi đọc đến cuối câu, một luồng ánh sáng an bình đã tràn ngập hồn tôi và mọi bóng tối nghi ngờ đã tan biến.Ông lui về sống trong một tu viện và sau khi được chính giám mục Ambrosiô rửa tội năm 387, ông trở về châu Phi. Tại đây ông trở thành người bảo vệ vô địch giáo lý Kitô giáo chính truyền. Trong hơn một trăm cuốn sách và với những lá thư và bài giảng, ông đã chiến đấu chống lại những bè phái lạc giáo của thời đó - Manikê, Đonatô, Pelagiô và Ariô. Năm 395, mới 40 tuổi, ông được tấn phong giám mục của Hippo và sống ở đó cho tới cuối đời.Khi Augustinô nghe tin về cuộc tàn phá thành Rôma, với thiên tài và kinh nghiệm sẵn có của mình, ông đã sẵn sàng để giải thích ý nghĩa của Kitô giáo đối với lịch sử và của lịch sử đối với Kitô giáo. Ông lấy gợi ý từ những biến cố thảm khốc xảy ra tại Rôma vào đêm 24 tháng 8 năm 410. Ông phải bảo vệ Giáo Hội. Người ta cáo buộc rằng Đạo Chúa Kitô là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của đế quốc, vì vua Constantinô đã theo Đạo. Đạo Chúa Kitô bị coi là cái ung nhọt của Đế Quốc Rôma. Nếu không bị Kitô giáo làm "suy yếu", Thành Đô Vĩnh Cửu có thể bị suy tàn hay không? Tất cả điều này tiên báo điều gì cho nhân loại?Trong De Civitate Dei (Thành Đô Thiên Chúa), Augustinô tìm cách trả lời cho những câu hỏi này. Ông đã bắt đầu viết tác phẩm này ngay khi được tin thành Rôma sụp đổ và tiếp tục viết trong suốt mười lăm năm tiếp theo. Ông lấy bối cảnh suy tư là lý thuyết chu kỳ vòng tròn của Plato trong tác phẩm Nước Cộng Hòa, theo đó thế giới sẽ chỉ tồn tại 72 ngàn năm mặt trời. 36 ngàn năm đầu của chu kỳ thế giới là một Thời Đại Hoàng Kim, nhưng 36 ngàn năm tiếp theo, khi Tạo Háo nới lỏng sự kiểm soát trên thế giới, sẽ là một thời đại rối trật tự, kết thúc bằng sự hỗn loạn tràn lan. Khi ấy Thần Linh sẽ can thiệp và đổi mới chu kỳ. Nước Cộng hòa của Augustinô, ngược lại, không tồn tại trong suy tư mà trong lịch sử và ông lấy khởi điểm là những biến cố lịch sử của thời đại ông.Theo Augustinô, lý thuyết lịch sử theo chu kỳ thời gian là vô lý và mâu thuẫn, vì nó phủ nhận biến cố độc đáo của Chúa Giêsu Kitô và lời hứa Tin Mừng của Người. Trong tác phẩm Tuyên Xưng, ông thuật lại cuộc chiến nội tâm của ông chống lại "những lời bói toán dối trá và những lời tuyên bố lẩm cẩm vô đạo của các nhà chiêm tinh", khi họ dạy rằng các biến cố tuân theo một khuôn mẫu lặp đi lặp lại, được ấn định bởi những chu kỳ tuần hoàn của vị trí các thiên thể. Mốt số đoạn hùng hồn nhất trong Thành Đô Thiên Chúa đả kích lý thuyết chu kỳ tuần hoàn của lịch sử (circuitus temporum) - "những lý luận mà kẻ vô đạo sử dụng để tiêu diệt đức tin đơn sơ của chúng ta, lôi chúng ta ra khỏi con đường chính trực và ép buộc chúng ta, lôi chúng ta ra khỏi con đường chính trực và ép buộc chúng ta lăn theo bánh xe của họ".Ông cảnh giác chúng ta không được giải thích sai lời khôn ngoan của Vua Salomon trong sách Giảng viên: "Cái gì đã tồn tại thì sẽ tồn tại; và cái gì đã được làm thì sẽ được làm: không có gì mới dưới mặt trời".Hoàn toàn không phải đức tin chân chính nếu chúng ta hiểu những lời này của Salomon theo nghĩa những chu kỳ tuần hoàn mà họ [các triết gia ngoại giáo] nêu lên để giải thích rằng luôn luôn có sự lặp đi lặp lại cùng những chu kỳ thời gian và những sự vật trần gian và như thế, như ta có thể nói, giống như triết gia Plato đã ngồi ở thành phố Athen và ở trường học có tên là Academia để dạy học trò, thì cũng qua vô số thời đại trong quá khứ và tại những quãng thời gian đều đặn, cùng một triết gia Plato và cùng một thành phố và cùng một trường học và cùng những học trò đã được lặp lại, như thể đã được tiền định để lặp đi lặp lại qua vô vàn thế kỷ của tương lai. Tôi nói, xin Chúa đừng để chúng ta nuốt vào những điều vớ vẩn như thế! Đức Kitô đã chết, một lần cho mãi mãi, vì tội lỗi của chúng ta.Các thánh Giáo phụ khác cũng đã hiểu các lời Ngôn Sử của Cựu Ước không phải theo nhãn giới của những chu kỳ tuần hoàn, nhưng như một sự báo trước biến cố duy nhất của Chúa Giêsu Kitô. Lời tiên báo trong sách Sáng Thế về một vị thủ lãnh sẽ đến "là niềm trông đợi của muôn dân" chỉ có thể ám chỉ về Chúa Giêsu. Origen đã viết tại Alexandria khoảng hai thế kỷ trước Augustinô: "Trong số mọi người đã đến trước Ngài, cũng như... trong số mọi kẻ hậu sinh, Ngài hiển nhiên là người duy nhất mang niềm trông đợi của muôn dân". Đức Giêsu Kitô đã kéo nhân loại ra khỏi "bánh xe" tuần hoàn. "Tính cứu cánh của Chúa Giêsu", được Augustinô khai triển thành một lý thuyết lịch sử, sẽ thống trị tư tưởng Kitô giáo ở Châu Âu trong một ngàn năm tiếp theo.